Saturday 13 January 2018

HỘI CHỨNG THAM NHŨNG QUYỀN LỰC (TS Nguyễn Sĩ Dũng)



TS. Nguyễn Sĩ Dũng - Thời báo Kinh tế Sài gòn
Thứ Năm,  11/1/2018, 19:28 

(TBKTSG) - “Một người làm quan, cả họ được nhờ” là biểu hiện được nhận biết từ lâu của hội chứng tham nhũng. “Một người làm quan, cả họ được làm quan” là biểu hiện, có lẽ, cũng không mới của hội chứng nói trên, nhưng nó lại chỉ mới bắt đầu được nói tới trong thời gian gần đây.


Được nói tới vì nó đang trở nên rất quá đáng. Ở nhiều cấp, nhiều ngành, các “cậu ấm, cô chiêu” được đề bạt làm quan nhanh đến chóng mặt. Rồi thì không ít nơi, nhìn phòng - ban, sở - ngành nào cũng thấy người nhà, người thân của các cán bộ đứng đầu đang nắm giữ chức vụ. Thậm chí chuyện đã trở thành thông lệ đến mức khi bất cứ một ai được đề bạt, người ta đều thì thầm hỏi nhau người đó là con cháu nhà ai vậy. Rõ ràng, nếu trước đây việc lạm dụng quyền lực thường là để phân bổ lợi lộc cho người thân, thì ngày nay việc lạm dụng quyền lực còn để phân bổ cả quyền lực cho người thân nữa. Đây quả thực là một sự bùng phát của hội chứng tham nhũng quyền lực.

Tham nhũng quyền lực tệ hại hơn tham nhũng thông thường rất nhiều. Trước hết, đây là thứ tham nhũng đẻ ra tham nhũng theo cấp số nhân. Một khi quyền lực đã được phân phát một cách không chính đáng, thì nó khó lòng mà không bị lạm dụng ở vòng tiếp theo. Một người tham nhũng quyền lực đang đẻ ra vô số những người tham nhũng quyền lực khác. Như ung thư đã bị di căn, sự lây lan này là vô cùng nguy hiểm cho bộ máy hành chính, công vụ.

Thứ hai, tham nhũng quyền lực ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính chính danh của chính quyền. Trong một nhà nước dân chủ, quyền lực đều được trao cho các quan chức dựa trên sự tín nhiệm của nhân dân. Đối với một số chức vụ quan trọng nhất, nhân dân còn đứng ra trực tiếp trao quyền. Nếu quyền lực này lại đang được trao chủ yếu chỉ dựa trên mối quan hệ gia đình, thân quen, thì thể chế gia đình trị đang ngự trị và đang lấn lướt thể chế dân chủ. Mà như vậy, tính chính danh của chính quyền cũng đang bị bào mòn.

Thứ ba, tham nhũng quyền lực ảnh hưởng nghiêm trọng đến công bằng xã hội. Nếu trong hệ thống công quyền, cơ hội chỉ được mở ra chủ yếu cho con ông, cháu cha, thì tất cả mọi công dân bình thường khác sẽ còn lại những gì? Rất nhiều người có năng lực hơn, thậm chí đã cống hiến nhiều hơn chờ gần hết đời vẫn chưa được quy hoạch, thế nhưng các “cậu ấm, cô chiêu” vừa ra trường mấy năm đã được đề bạt lên làm thủ trưởng của họ. Thử tưởng tượng xem những người có năng lực và có cống hiến như vậy sẽ cảm thấy thế nào. Họ có bất bình về cách làm công tác cán bộ như vậy không?

Thứ tư, tham nhũng quyền lực ảnh hưởng rất tiêu cực tới năng lực của các cơ quan công quyền. Trước hết, nếu cơ hội không được mở ra một cách công bằng thì không thể thu hút được người tài. Không một người có tài năng thật sự nào lại tìm cách chạy vào làm việc cho Nhà nước, khi cùng lắm họ chỉ được làm nhân viên để cho các “cậu ấm, cô chiêu” sai khiến và chỉ bảo. Thế nhưng, không thu hút được người tài thì các cơ quan công quyền lại không thể vận hành hiệu quả, không thể tạo ra sự đột phá cho nền quản trị quốc gia. Thêm vào đó, sự bất bình còn có thể phá vỡ bầu không khí làm việc của các cơ quan công quyền. Tình trạng bằng mặt không bằng lòng đang là một vấn nạn của rất nhiều cơ quan. Tình trạng này đang làm cho mọi công việc đều trở nên trì trệ và ách tắc.

Với những hệ lụy nghiêm trọng như trên, đấu tranh chống lại hội chứng tham nhũng quyền lực là một nhiệm vụ hết sức quan trọng hiện nay. Đây phải được coi là một trong những nội dung trọng tâm, nếu không muốn nói là nội dung quan trọng nhất của cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng mà Đảng và Nhà nước ta đang tiến hành.

Thực ra, để chống lại hội chứng tham nhũng quyền lực, kinh nghiệm của cha ông có thể giúp sức rất lớn cho chúng ta hiện nay. Ngay từ thời của vua Lê Thánh Tông, cha ông chúng ta đã biết rất rõ rằng, muốn bảo đảm sự công tâm, bất thiên vị, muốn phép công được coi trọng, thì phải ngăn cấm hiện tượng cha, con, người thân cùng làm quan một nơi. Luật hồi tỵ thời đó đã quy định rất nghiêm: “Những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, người cùng quê… không được làm quan cùng một chỗ”. Hơn thế nữa, làm quan ở đâu thì không được lấy vợ ở đó. Làm quan ở đâu thì không tậu ruộng vườn, nhà cửa ở đó. Tại sao chúng ta lại lạc hậu quá nhiều so với cha ông mình 500-600 năm trước đây như vậy?

Cũng cần nói thêm rằng, không bổ nhiệm người nhà trong lĩnh vực công là chuẩn mực chung của thế giới văn minh. Chúng ta đang hội nhập với thế giới thì chúng ta cũng cần phải tiếp nhận chuẩn mực này.









No comments:

Post a Comment

View My Stats