Saturday, 13 January 2018

QUAN TÒA ĐANG ÁP ÁP DỤNG LUẬT VỚI TƯ DUY LẠC HẬU (Nguyễn Ngọc Già)




Ông Đinh La Thăng có đáng oán ghét không? Tôi tin, chí ít có vài triệu người trả lời rằng: "Có". Nhưng pháp luật đúng đắn không có chỗ cho "yêu-ghét" tồn tại. Bởi đã đưa "yêu-ghét" vào việc xét xử, nó không còn tinh thần "thượng tôn pháp luật". Trong trường hợp xét xử Đinh La Thăng, tòa tiếp tục vi phạm tinh thần thượng tôn pháp luật, như đã vi phạm trong những phiên tòa xét xử các công dân vô tội.

Mặc dù Nghị quyết 41/2017/QH14, tại điều 2 khoản e quy định:

"...hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại Điều 165 của Bộ luật Hình sự năm 1999 xảy ra trước 0 giờ 00 phút ngày 01 tháng 01 năm 2018 mà sau thời điểm đó vụ án đang trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì tiếp tục áp dụng quy định của Bộ luật Hình sự năm 1999 để xử lý..." (1)

Nghĩa là ông Thăng và các ông khác buộc phải bị áp dụng LHS (cũ). Nếu áp dụng LHS (cũ) tất phải áp dụng LTTHS (cũng cũ luôn). Đó mới phản ánh đúng tính chất "thượng tôn pháp luật" - tính chất tối thượng mà bấy lâu nay dư luận trong và ngoài nước vẫn yêu cầu.

Tuy nhiên, nếu áp dụng đồng bộ như vậy, nó lại rất mâu thuẫn với Bộ Luật TTHS 2015 (mới), bởi tại điều 509, hiệu lực thi hành, đã khẳng định (2):

1. Bộ luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2. Bộ luật tố tụng hình sự số 19/2003/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Bộ luật này có hiệu lực.

Bên cạnh đó, điều 7 của BLTTHS (mới) khẳng định: 

- Bảo đảm pháp chế xã hội chủ nghĩa trong tố tụng hình sự;

- Mọi hoạt động tố tụng hình sự phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật này. Không được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử ngoài những căn cứ và trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định. 

Đặc biệt, cần nhấn mạnh BLTTHS (mới) có điều 13 Suy đoán vô tội, đây là điều luật theo chuẩn mực quốc tế, trước đây luật cũ không có.

Ngoài ra, điều 2 khoản e của NQ 41 vi hiến, bởi trong Hiến pháp 2013, điều 16 quy định:

1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Ông Đinh La Thăng đang "bị phân biệt đối xử" khi ông khai báo các quyết định của ông (bị bên công tố cho là vi phạm pháp luật) là do Bộ Chính Trị và Thủ tướng chỉ đạo, nhưng tòa đã phớt lờ lồi khai quan trọng này.

Kết:

Nếu xem Bộ LTTHS mới là bộ y phục của một người trưởng thành, tất nhiên, nó không thể khoác lên thân thể của một cậu bé lên 10 (nghĩa là BLHS cũ).

Mặt khác, Nghị quyết 41 của Quốc hội là một nghị quyết không mang tính khoa học, bởi "con nhà luật" biết rõ khi nào sử dụng học thuật "hồi tố" và "bất hồi tố". Nghị quyết 41 còn phản ánh tâm trạng "tiếc nuối" những điều luật đã lạc hậu đang trì níu sự phát triển xã hội Việt Nam. Hiến pháp còn sửa được, huống chi là một nghị quyết. Quốc hội cũng đã từng phải sửa một điều luật trong luật Bảo hiểm Xã hội (về việc không được nhận BHXH "một lần"), dù luật này chưa đưa vào sử dụng.

Canada "hợp pháp hóa cần sa" (3) từ 1/7/2018, nghĩa là việc sử dụng hoặc tàng trữ cần sa không còn là một vi phạm hình sự. Tất cả những án tù trước đó hoặc đang xét xử đều hủy bỏ. Mọi cá nhân đều được trả tự do.

Ông Đinh La Thăng có đáng oán ghét không? Tôi tin, chí ít có vài triệu người trả lời rằng: "Có". Nhưng pháp luật không có chỗ cho "yêu-ghét" tồn tại. Bởi đã đưa "yêu-ghét" vào việc xét xử, nó không còn tinh thần "thượng tôn pháp luật".

Ông Đinh La Thăng có tội không? Tôi tin là có. Không những chỉ tội "làm trái" không mà thôi mà còn mang trọng tội tham nhũng.

Ông Đinh La Thăng có đáng bị kết tội không? Tôi tin là đáng. Nhưng là một người tranh đấu cho nền luật pháp công minh và văn minh, cũng là một nạn nhân của một nền luật pháp ấu trĩ và lạc hậu, tôi chủ trương mọi xét xử phải được thực thi trong tinh thần thượng tôn pháp luật thay vì bóp méo, chà đạp và lợi dụng pháp luật cho mục tiêu chính trị.

Do đó, dựa vào những gì xảy ra tại phiên tòa xử Đinh La Thăng và tính "thượng tôn pháp luật" hoàn toàn vắng bóng của tòa án, những cái mà đảng cho là những luận điệu của "thế lực thù địch" đang bôi nhọ đảng & nhà nước rằng: nội bộ CSVN đang "đấu đá kịch liệt", "thanh trừng nội bộ", "đánh nhau chí tử" v.v... là có cơ sở vững chắc.

Nếu đảng không muốn mang tiếng xấu như vậy, hãy trả tự do cho ông Đinh La Thăng và trả tự do cho tất cả những người vô tội dù đó là nhà bất đồng chính kiến hay một nông dân chỉ vì giữ đất mà phải chịu án tử hình như Đặng Văn Hiến.

14.01.2018

__________________________________

Tham khảo:










No comments:

Post a Comment

View My Stats