Saturday, 13 January 2018

NHÌN LẠI VIỆT NAM 50 NĂM SAU TẾT MẬU THÂN (Nguyễn Quí Đức - Smithsonian Magazine)



Nguyễn Quí Đức  -  Smithsonian Magazine
Bản dịch của Đỗ Tuyết Khanh

Nhìn lại Việt Nam 50 năm sau Tết Mậu Thân

Những trận đánh năm 1968 đã kết thúc từ lâu.
Nhưng giáp mặt sự thật vẫn còn là một cuộc chiến đấu.

Nguyễn Quí Đức


Cách đây vài năm, một ê-kíp của đài truyền hình Pháp-Đức đến nhà tôi ở Hà Nội  để phỏng vấn về những thay đổi của Việt Nam từ sau khi chiến tranh Mỹ chấm dứt. Chúng tôi bàn về những vấn đề sau chiến tranh, những thành tựu của dân chúng, những thế hệ lãnh đạo trước và hiện nay, và những hoài bão của đất nước. Và tất nhiên, chúng tôi nhắc đến lịch sử.

Một lúc trong trao đổi, câu chuyện xoay về những sự kiện chung quanh cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân tháng giêng 1968. Ngay lập tức, bà quan chức truyền thông, một viên chức của bộ ngoại giao, ngắt lời chúng tôi. Bà ta căng thẳng bảo tôi ở trong nhà trong khi bà đưa nhóm phóng viên ra ngoài vườn, đe dọa sẽ chấm dứt cuộc phỏng vấn nếu lại bàn về đề tài này, thậm chí nếu chỉ nhắc đến năm 1968 nói chung.

Sau đó tôi nêu lên với bà ta tất cả những thông tin về chiến tranh đã phổ biến rộng rãi: sách, phim tài liệu, phim truyền hình, hình ảnh, bài báo, khảo cứu. Tôi đưa cho bà xem các danh sách trên Google. Tôi cố giải thích là bà ta càng bưng bít thông tin, các nhà báo sẽ càng tìm hiểu, đào sâu hơn. Khó khăn lắm tôi mới kiềm chế được sự phẫn nộ.

“Anh không được nói chuyện ấy”, bà ta cứ lập đi lập lại. “Anh không được nói.”

*

Năm mươi năm sau, cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân được công nhận như sự kiện bản lề trong  năm bản lề của chiến tranh – thất bại quân sự nhưng chiến thắng chính trị của miền Bắc vì cú sốc của cuộc tấn công bắt đầu xoay chuyển dư luận Mỹ sang chống lại cuộc chiến. Vi phạm sự tạm ngừng bắn trên nguyên tắc nhằm để mọi bên ăn Tết, các lãnh đạo cộng sản tung hàng chục ngàn quân lính và du kích Việt cộng vào các thành phố và căn cứ quân sự khắp miền Nam, kể cả Sài Gòn, nơi có sứ quán Hoa Kỳ. Họ tin chắc có thể đánh bất ngờ quân đội Việt Nam Cộng hòa và đồng minh Mỹ và phát động một tổng khởi nghĩa lật đổ chính quyền miền Nam.  Nhiệm vụ đầu tiên thành công nhưng mục tiêu thứ nhì thất bại. Họ bị tổn thất kinh hoàng – Mỹ thông báo có tới 40 000 quân địch thương vong – và nhanh chóng phải rút khỏi các vị trí đã chiếm đóng được.

Nhưng ở Huế, cố đô ở miền Trung, thì khác. Cuộc đánh chiếm Huế kéo dài 26 ngày và là một trong những trận thảm khốc nhất của chiến tranh. Lực lượng miền Bắc chết 5 000 người hoặc hơn nữa, phía miền Nam và Mỹ có hơn 600 người tử trận và gần 3 200 người bị thương. Ở Việt Nam ngày nay, sự kiện Mậu thân được mô tả như một chiến công oai hùng và vẫn thường xuyên được bộ máy tuyên truyền Nhà nước dốc sức tán dương.

Nhưng sự thảm sát hàng ngàn thường dân Huế ? Không một lời nào.

Ít lâu sau khi quân cộng sản bị đánh bật khỏi thành phố, người dân Huế bắt đầu tìm thấy những huyệt chôn tập thể. Các đài truyền hình của chính quyền miền Nam chiếu những hình ảnh ghê rợn của những gia đình than khóc và những thi thể không nhận diện được bị chôn vùi gấp gáp. Một số được đoán là những người trí thức, thầy giáo, công chức và viên chức mất tích trong thời gian Huế bị chiếm đóng. Những dấu hiệu trên thi thể cho thấy nhiều người đã bị trói, bịt mắt và bắn ở cự ly gần, hoặc chôn sống. Không ai biết chính xác bao nhiêu người đã bị giết; theo nhiều ước tính, có tới trên 3 000 người, đa số là thường dân. Họ chết trong một chiến dịch có chủ đích của cộng sản nhằm tiêu diệt chính quyền Huế. Vụ thảm sát này là một điểm then chốt của các tường thuật Âu Mỹ về trận đánh chiếm Huế nhưng ít được nhắc nhở ở Việt Nam. Song, trong cái là một cuộc nội chiến đối với người Việt, bản chất huynh đệ tương tàn của sự kiện này không thể nào hiện rõ hơn.

Đó là điều tôi bắt đầu nói với các phóng viên khi bà quan chức chặn chúng tôi lại.

*

Tháng giêng 1968, gia đình tôi sống ở Đà Nẵng nhưng về ăn Tết tại nhà ông bà nội tôi ở Huế.

Cha tôi lúc ấy là quan chức dân sự đảm trách vùng này và mỗi khi về Huế, chúng tôi ở trong một nhà khách của chính quyền, một dinh thự lộng lẫy tinh tươm, với những vòm và đường cong của trường phái Art Deco. Tôi khoái nhất là chạy nhảy dọc các hành lang, trên sân thượng và trong các khu vườn.

Đêm mùng một Tết, ngày 30 tháng giêng, chúng tôi nghe tiếng nổ tưởng là pháo, thật ra là tiếng súng. Đạn bắn cheo chéo nhau khắp nơi. Đôi lúc hỏa châu soi sáng một góc trời nhưng chung quanh nhà chúng tôi vẫn tối. Không thể thấy được là quân lính cộng sản đã vây quanh chúng tôi.

Hai giờ sáng ngày 31.1, họ vào nhà chúng tôi và đưa cha tôi lên lầu cùng với những người đàn ông họ đã lùng bắt trong khu phố.

Họ đẩy chúng tôi, khoảng một trăm người, đa số là phụ nữ và trẻ em, xuống một căn hầm gần đó. Trong bóng tối, mẹ tôi cố giữ cho hai người chị và tôi ngồi yên. Chúng tôi bàng hoàng và lo sợ. Một người lính cộng sản rao giảng cho chúng tôi là họ đến để “giải phóng”, “bảo vệ thành phố” và “đánh đuổi bọn đế quốc xâm lược”. Tôi mới 9 tuổi, không hiểu gì nhiều về điều anh nói với giọng Bắc nhưng thấy anh ta dữ dằn. Cho đến đêm hôm ấy, chiến tranh là chuyện xảy ra ở rừng núi hay những làng mạc xa xôi.

Hai ngày sau chúng tôi mới được phép trở về nhà khách. Giường nệm và quần áo ngổn ngang trong các phòng, bàn ghế đều bị xô đẩy lung tung. Trên lầu, cha tôi ngồi dưới đất với một số người đàn ông khác. Chúng tôi nép mình cạnh ông nhưng không nói gì được với nhau vì quá sợ.

Chỉ vài phút sau, mấy người lính bảo chúng tôi đi ra. Đi ngang qua phòng cha mẹ, chúng tôi lén  nhìn vào. Những quyển sách quí của cha tôi vứt trên sàn và các hành lý đã bị lục tung. Ai đó đã đục thủng cái hộp nữ trang mẹ tôi dùng khi đi xa. Chúng tôi đi ra tay không và trở lại căn hầm giam mà không biết rồi sẽ ra sao.

Hai đêm sau, mẹ tôi ra hiệu bảo tôi đến gần cái cửa sồ nhỏ xíu duy nhất của căn hầm. Tôi leo lên giường cố nhìn ra ngoài. Toán lính đã bắt nhóm đàn ông đứng thành hàng và trói giật khuỷu tay họ sau lưng. Một lúc sau họ giải đám người ấy đi. Tôi thấy cha tôi trong đó.

*

Một tuần sau, lính cộng sản rút khỏi nhà khách của chính quyền. Quân đội miền Nam và Mỹ vào cứu chúng tôi, đưa về Đại học Huế ở ven sông Hương. Khu đại học trở thành nơi trú ẩn và nhà thương dã chiến. Từ lầu sáu tôi có thể thấy bắn phá bên kia sông. Tôi thấy những người với vết thương khủng khiếp được đưa vào các lầu dưới. Ngày qua ngày chúng tôi bần thần ngồi trên tấm chiếu trong khi người lớn chụm đầu thì thào nói chuyện trong góc phòng. Sau nhiều tuần lễ đánh bắn từ nhà này sang nhà khác, Thành nội, trung tâm của Kinh thành Huế, được chiếm lại ngày 24 tháng 2.

Sau khi chúng tôi về lại được Đà Nẵng, nhà chúng tôi đầy họ hàng cũng trốn chạy về từ Huế. Chúng tôi không có tin tức gì cả về cha tôi và cũng không có cách nào tìm tông tích.

Trong năm đầu chúng tôi không cho ông nội biết cha tôi đã bị bắt, sợ rằng ông sẽ lên cơn đau tim mà chết. Mẹ tôi sang nhà hàng xóm khóc để ông không hay.

Nhiều tháng sau đó, bắt đầu nghe nói đến những bãi chôn tập thể. Mẹ tôi về Huế tìm cha tôi nhưng quá ghê sợ trước những thây ma thối rữa và đầy thương tích. Bà không bao giờ trở lại.

Tôi lớn lên như đứa trẻ không hẳn mồ côi. Các gia đình khác chôn người thân, lập bàn thờ và phần nào có thể khép lại vết thương. Gia đình tôi sống với một vết thương thầm kín và vẫn mở. Bạn học tôi không biết phải đối xử thế nào, trong nhiều năm tôi bị xa lánh. Tôi trở thành anh thanh niên ủ dột nhưng tìm được khuây khỏa trong những ca khúc phản chiến của Trịnh Công Sơn, khóc những “xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng, trên nóc nhà thành phố..., dưới mái hiên chùa...  xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này,  bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây ..” Những bản nhạc chính quyền cấm nhưng dường như cả miền Nam đều nghe.

Trong những năm tháng sau Tết Mậu Thân, chúng tôi khiếp sợ nghĩ nếu cộng sản thắng bất cứ đâu ở miền Nam sẽ lại có chém giết, lại có người bị chôn sống. Sẽ còn kinh hoàng hơn Tết 1968.

*

Nỗi lo sợ ấy đã quyết định số phận tôi : khi các lực lượng cộng sản tiến gấn đến Sài Gòn năm 1975, các cậu tôi thu xếp cho tôi sang Mỹ. Như chị Diệu Hà trước đó, tôi thành một trong hàng triệu Việt Kiều nhưng mẹ tôi bị kẹt lại ở Việt Nam trong sự hỗn loạn sau khi cộng sản chiến thắng tháng 4 năm ấy.

Trong lúc tuổi thanh niên của tôi là những ngày tháng làm quen với cuộc sống sung túc và đầy sôi nổi ở Mỹ, mẹ tôi mất chức hiệu trưởng và lâm vào túng quẫn. Sau khi dọn về ở với người chị trong thành phố đã bị đổi tên là Hồ Chí Minh, bà có khi bán bún bò trên đường phố để sinh nhai và nuôi chị lớn của tôi, chị Diệu Quỳnh, bị bệnh tâm thần và sau này chết quá sớm.

Năm 1973, lãnh đạo hai miền Nam và Bắc ký hiệp định dẫn đến việc Mỹ rút quân và bắt đầu trao đổi tù binh. Một trong những tù binh này chuyển lén được một lá thư đến mẹ tôi. “Anh  may mắn vẫn còn sống”, cha tôi viết. Đây là lần đầu tiên sau 5 năm chúng tôi có tin từ ông hoặc về ông. “Anh hi vọng em có đủ sức lo cho các con, và anh rất mong sớm được chia sẻ phận sự này với em.” Mẹ tôi còn phải mất 4 năm nữa mới được biết ông bị giam cầm ở rất xa, gần biên giới Trung Quốc. Bà đi thăm ông và gặp lại một người đàn ông đã già đi và gầy. Nhưng tinh thần ông vững vàng.

Cha tôi được thả năm 1980, sau 12 năm giam cầm không xét xử. Bốn năm sau, chính quyền cộng sản cho phép ông và mẹ tôi sang Mỹ. Tôi đã không gặp ông từ 16 năm, trong thời gian ấy tôi đã trưởng thành, học hành thất thường và cuộc đời đưa đẩy thế nào trở thành phóng viên đài phát thanh. Khi đón cha mẹ ở phi trường San Francisco, tôi ngạc nhiên thấy cha tôi rất khỏe mạnh và minh mẫn. Mẹ tôi không được vững vàng như trong ký ức của tôi.

Trong nhiều tháng chúng tôi làm quen lại với nhau, ngược dòng quá khứ, bắt đầu từ những năm gần nhất. Chúng tôi không bao giờ nhắc đến 1968, quá nặng nề u uất đối với chúng tôi. Cha tôi viết về những năm tù đày và cho in một tập thơ đã viết lúc bị giam hãm và ghi trong trí nhớ đến khi rời khỏi nước. Ông chỉ viết một câu cho lời bạt : Tôi đã khổ đau, nên tôi hiện hữu. Ông đọc các sách, xem các phim tài liệu về Tết Mậu Thân, nhưng không đề cập gì đến nữa cho đến khi mất, năm 2000.

Với cả cái quá khứ ấy tôi vẫn bắt đầu nghĩ đến việc trở lại sống ở Việt Nam. Dù sao thì đấy vẫn là quê hương và người Việt có truyền thống gắn bó với quê quán.  Cuối cùng, năm 2006, tôi về thành phố nơi những người giam cầm cha tôi đã chỉ huy cuộc chiến.

*

Tôi có nhiều bạn mới ở Hà Nội, già có trẻ có, nhưng dù tò mò về một Việt Kiều trở về từ Mỹ họ cũng không quan tâm đến những gì tôi đã sống trong chiến tranh. Có người đã sống qua cuộc chiến và nghe quá đủ về nó, một thời kỳ để lại nơi nhiều người những chấn thương không kém. Hơn nữa, Việt Nam là nước của người trẻ, với tuổi bình quân 30. Đa số dân chúng sinh ra sau chiến tranh và lâu sau 1968. Cho nên họ hướng về tương lai, “hòa nhập vào thế giới toàn cầu hóa” là câu cửa miệng của cả nước.

Trong những phòng trà và quán cà phê, nhạc Trịnh Công Sơn vẫn phổ biến, tình ca chứ không phải các ca khúc về sự tàn phá của chiến tranh, vẫn bị cấm. Anh Trần Anh Quân, một người bạn nghệ sĩ tứ tuần không mấy ủng hộ chính quyền, thường bảo là tôi bị ám ảnh bởi quá khứ. “Mình không biết chính quyền còn che giấu những gì nữa”, anh Quân bảo tôi. “Mình không biết cả sự thật về những gì xảy ra trong xã hội ngày nay. Thôi, hãy quên quá khứ đi.”

Đôi lúc tôi có quên. Nhưng rồi có những lúc như khi một nhà địa ốc đến bàn với tôi về dự án kinh doanh của anh ta ở Huế. “Tôi muốn tác động lên toàn bộ cách làm ở đó, thay đổi ngành du lịch” anh ta nói. Quả thật là Huế thu hút rất nhiều du khách. Đa số tìm đến một quá khứ rất xa xôi: họ thăm các lăng tẩm, Thành nội được trùng tu và những ngôi chùa của triều đại nhà Nguyễn trị vì từ 1802 đến 1945. Các hướng dẫn viên du lịch nói đầy đủ về quá khứ ấy nhưng lờ đi những vết đạn trên tường trong Thành nội và nơi khác. Không du khách nào được đưa đến di tích các huyệt tập thể, như ở Căm Bốt họ được tua du lịch đưa đến những “sát địa” ô nhục của bọn Khờ Me đỏ.

Tôi hỏi anh kinh doanh địa ốc về những oan hồn ở Huế, về tâm tư của những người sống trong tưởng nhớ những người chết năm 1968, và họ nghĩ gì về những người Bắc như anh ta. Anh ta hoàn toàn không hiểu tôi muốn nói gì.

Sau 50 năm, tôi biết sẽ sống suốt đời với những hình ảnh của thời kỳ ấy nhưng tự hỏi có khi nào  sự im lặng của cả nước về năm 1968 sẽ chấm dứt, và sự phẫn nộ khi phải thương lượng với bà quan chức truyền thông vẫn còn ray rứt trong tôi. Cuối cùng bà ta cũng xuống nước và cho phép tôi tiếp tục trao đổi với ê-kíp quay phim Pháp-Đức. Nhưng tôi không tìm được vết tích nào cho thấy chương trình ấy có lần nào được chiếu tại Việt Nam.

Gần đây, một người quen, nhà văn Bảo Ninh tác giả tiểu thuyết nổi tiếng “Nỗi buồn chiến tranh” trỏ vào tôi và nói “Anh phải nói. Viết về nó. Anh và tôi. Chúng ta đã sống sót sau cái Tết ấy”. Tất nhiên cuộc chiến ấy là chiến tranh Mỹ, như trong ký ức người Việt, và chiến tranh lạnh đã đóng vai trò quan trọng trong đó. Nhưng Tết Mậu Thân  và 1968 là chính chúng ta: Người Việt chúng ta đã giết chết lẫn nhau.

Tôi lại nghĩ đến bà quan chức “Anh không được nói.” Và tôi nghĩ đến Bảo Ninh: “Anh phải nói”. Một người muốn tôi tôn vinh một phiên bản lịch sử do người sống, bên thắng trận, viết. Người kia mong tôi tôn vinh và tưởng niệm người chết.

1968 : Một cuộc chiến, một niên hiệu, một ký ức mãi mãi chôn vùi và sống dậy.

Hà Nội, tháng giêng 2018.
Nguyễn Quí Đức


Bản dịch của Đỗ Tuyết Khanh








No comments:

Post a Comment

View My Stats