Sunday, 10 December 2017

PHÁP LUẬT VÒNG QUANH THẾ GIỚI : 3 TIN TỨC BẠN KHÔNG THỂ BỎ QUA (Quỳnh Vi - Luật Khoa TC)


Posted on 09/12/2017

·         Luật Khoa tạp chí xin gửi đến bạn đọc bài tổng hợp tin tức về ba sự kiện pháp lý khá thú vị trên thế giới trong tuần qua. Chúng tôi hy vọng có thể mở một chuyên mục mới và đưa đến quý độc giả những tin tức về các vấn đề pháp lý một cách thường xuyên. Ban biên tập mong rằng sẽ nhận được ý kiến đóng góp của mọi người về những thông tin pháp luật thú vị mỗi tuần.

1. Trung Quốc: Đề nghị thành lập Ủy ban Chống tham nhũng của Xi Jinping vấp phải phản đối từ giới luật gia

Trong tuần vừa qua, Xi Jinping (Tập Cận Bình) đã gặp phản đối dữ dội từ giới luật gia và học giả luật tại Trung Quốc – kể cả những người lâu nay vẫn trung thành với chế độ – khi đưa ra một dự thảo luật đề nghị thành lập một Ủy ban chống tham nhũng trên toàn quốc.

Theo đề nghị từ phe của Xi, Ủy ban này sẽ có quyền lực vô cùng rộng lớn, có thể “vượt mặt” hệ thống pháp lý của tòa án để bắt giam bất kỳ nhân viên nào của chính phủ Trung Quốc, mà không cần mang họ ra xét xử hàng tháng trời.

Trong nhiệm kỳ đầu với cương vị lãnh đạo đảng năm năm vừa qua, Xi Jinping đã thành lập một cơ quan chống tham nhũng trong nội bộ đảng Cộng sản với quyền lực tương tự. Tuy nhiên quyền lực của cơ quan cũ vốn chỉ có thể vươn đến 89 triệu đảng viên.

Giờ đây, Xi đang đề nghị thành lập một Uỷ ban chống tham nhũng mới và mở rộng phạm vi quyền lực của nó. Theo đó, ủy ban này có thể bắt và giam giữ mà không cần sử dụng hệ thống tòa án đối với khoảng 62 triệu công nhân viên chính phủ, trong đó có nhiều người không phải là đảng viên. Những viên chức này bao gồm những người làm việc tại các đại học, viện nghiên cứu công, và cả các công ti do chính phủ thành lập.

Xi Jinping hiện nay là người được xem là có quyền lực nhất ở Trung Quốc. Ảnh: smcp.com

Khi phạm vi hoạt động của một cơ quan chống tham nhũng chỉ giới hạn trong nội bộ đảng Cộng sản, giới luật gia Trung Quốc còn có thể tạm “mắt nhắm mắt mở”, để đảng có thể đứng trên pháp luật khi tiến hành bắt giam đảng viên trong bí mật và bỏ mặc các quyền công dân của những người này vì không hề đưa họ ra xét xử trước một tòa án.

Tuy nhiên, khi Xi muốn nới rộng quyền lực và vi phạm đến quy trình tố tụng hình sự, cũng như động đến các quyền của người dân nằm ngoài hệ thống đảng, thì giới học giả bị buộc phải phản đối. Họ cho rằng yêu cầu lập ra một ủy ban nhà nước có quyền lực trên cả hệ thống tòa án là một hành vi vi hiến hết sức trầm trọng và không thể chấp nhận được trong một nhà nước pháp quyền.

Những người lên tiếng phản đối – những giáo sư luật nổi tiếng tại các trường đại học Luật hàng đầu ở Bắc Kinh và Thượng Hải – hiểu rõ là họ đang ở trong một hoàn cảnh khá ngặt nghèo.

Địa vị và quyền lực tối cao của Xi Jinping đã được khẳng định sau kỳ Đại hội đảng Cộng sản lần thứ 19 diễn ra vào tháng 10/2017 vừa qua. Vì thế, đa số lập luận phản đối đều sử dụng chính những tuyên bố tuân thủ pháp luật và thành lập nhà nước pháp quyền trước đây của đảng Cộng sản Trung Quốc. Họ tránh đặt mình vào phía bất đồng chính kiến với chính phủ.
Đối với giới luật gia và học giả Trung Quốc, thì vốn không cần nói đến các chỉ trích từ Tây phương đối với mô hình nhà nước pháp quyền của chính quyền Bắc Kinh, khi chính đảng Cộng sản trước đây vẫn luôn hô hào và cổ xúy Trung Quốc trở thành một nhà nước pháp quyền.

Học giả Hong Zhenkuai nhấn mạnh, “chính đảng Cộng sản đã tuyên bố là sẽ tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, nhưng giờ đây lại đòi lãnh đạo tất cả.” Vậy thì, ông Hong đặt vấn đề: “Làm thế nào mà đảng có thể tuân theo pháp luật nếu chính đảng là lực lượng lãnh đạo mọi thứ và đứng trên pháp luật?”

Giai đoạn lấy ý kiến về dự thảo luật này của Quốc hội Trung Quốc vừa chấm dứt vào ngày 6/12/2017. Trong những ngày sắp tới, nếu dự thảo này được thông qua thì Xi Jinping đã thể hiện rất rõ lập trường: Cương quyết giữ vững quyền lực tối cao để có thể đứng trên tất cả, kể cả luật pháp.


2. Đài Loan: Dân biểu tình chống Dân tiến vì Luật Lao động mới

Đêm thứ hai, 4/12/2017, sau khi Viện Lập pháp do đảng Dân tiến (Democratic Progressive Party – DPP) nắm quyền kiểm soát (lần đầu tiên họ trở thành phe đa số kể từ năm 1947 sau khi thành công trong cuộc tổng tuyển cử năm 2016) đưa ra quyết định sửa đổi Bộ luật Lao động, hàng nghìn người dân đã biểu tình phản đối, dẫn đến đụng độ với cảnh sát.

Theo một báo cáo được đưa ra vào tháng 10/2017, có hơn phân nửa tổng số công nhân Việt Nam xuất khẩu lao động là đến làm việc ở Đài Loan. Có thể nói, các dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tương lai của cộng đồng người lao động Việt Nam tại đây.

Hình ảnh người biểu tình phản đối sửa đổi Luật Lao động ở Đài Bắc đêm 4/12/2017. Ảnh: ketagalanmedia.com.

Nhóm người biểu tình – trong đó có các nhà hoạt động công đoàn và về quyền lao động – đã cho rằng, chính quyền của Tổng thống Thái Anh Văn (Tsai Yingwen) và đảng Dân tiến đã đi ngược lại lợi ích của người lao động Đài Loan khi đưa ra các dự thảo sửa đổi một số các tiêu chuẩn về an sinh xã hội và chế độ làm việc.

Nghiêm trọng hơn, họ đã cáo buộc phe Dân tiến tại Quốc hội, vì muốn sửa đội luật mà đã bỏ mặc các quy trình lập pháp nhằm cản trở những tiếng nói đối lập từ phía Quốc dân đảng (Kuomintang – KMT) và đảng Tân Dân quyền (New People Power – NPP) tại Viện Lập pháp. Những người phản đối các đề xuất sửa đổi đã bị cắt ngắn giờ phát biểu trong phiên họp, rồi bị kéo xuống khỏi bục khi chưa kịp hoàn thành bài diễn văn của mình.

Người dân bắt đầu tập trung trước Viện Lập pháp từ khoảng 9 giờ sáng ngày 4/12/2017, và càng về chiều tối thì lượng người tham gia càng tăng lên. Vào quãng 8 giờ tối, những nhà tổ chức đã huy động lực lượng người biểu tình bắt đầu diễu hành suốt vài con phố xung quanh Viện Lập pháp. Có lúc, đã có một số người muốn vượt vòng kiểm soát của cảnh sát để tiến thẳng vào Viện Lập pháp nhưng bị ngăn lại.

Phiên họp tại Viện Lập pháp kéo dài đến hơn 10 giờ đêm. Phe Dân tiến đơn phương chấm dứt phần tranh luận các dự thảo tại Quốc hội và thay vào đó, họ đã dùng một ủy ban của phe đa số để thông qua, Ngay lập tức, một số người biểu tình trở nên rất giận dữ và ném trứng và tiền vàng mã vào cổng chính của Viện Lập pháp trong vòng … một phút.

Các nhà lãnh đạo cuộc biểu tình nhanh chóng ổn định lại tình hình, kêu gọi những người tham gia không nên để bản thân bị kích động rồi làm ra những hành vi nóng giận hay gây rối trật tự công cộng.

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động vẫn chưa ngã ngũ tại Đài Loan.

Một tháng sau, các thành viên của Viện Lập pháp sẽ trở lại họp và tiếp tục các cuộc thương thảo giữa các liên danh chính trị (multiparty caucus). Đồng thời, một cuộc biểu tình khác cũng đã được các nhóm làm về quyền lao động tại Đài Loan lên kế hoạch, và sẽ diễn ra vào ngày 23/12/2017.


3. Hoa Kỳ: Tôi có quyền từ chối cung cấp dịch vụ cho người đồng tính vì lý do tự do tín ngưỡng hay không?

Sau khi Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ công nhận hôn nhân đồng tính tại Mỹ vào năm 2015 bằng phán quyết Obergefell kiện Hodges, thì những cuộc chiến pháp lý khác – có liên quan đến vấn đề này – cũng bắt đầu nổ ra. Vụ kiện của ông Jack Phillips, một công dân của tiểu bang Colorado, là một trong số đó.

Vào thứ Ba ngày 5/12/2017, Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã mở phiên tranh biện giữa các bên trong vụ việc Masterpiece Cakeshop kiện Colorado Civil Rights Commission. 

Ông chủ tiệm bánh Masterpiece Cakeshop, Jack Phillips. Ảnh: Matthew Staver/New York Times

Có thể tóm tắt tình tiết của vụ kiện này như sau. Ông chủ tiệm bánh Masterpiece, Jack Phillips, ở bang Colarado luôn tự hào bản thân là một nghệ nhân trong nghề làm bánh ngọt. Bánh tại tiệm của ông được thiết kế theo yêu cầu của khách hàng. Như thế, mỗi cái bánh do ông làm ra sẽ mang một chủ đề riêng, và là “hàng độc”. Do dó, Phillips tự hào là người có thể giúp mang các ý tưởng đặc biệt của khách hàng về những chiếc bánh cưới trở thành hiện thực.

Tuy nhiên, Phillips cũng thường xuyên từ chối thực hiện những ý tưởng nào vi phạm các giá trị đạo đức và tín ngưỡng của ông. Ông đã từ chối đơn đặt hàng của những người muốn ăn mừng … ngày ly hôn, những ý tưởng dung tục, hay các loại bánh dành cho bữa tiệc Haloween ma quái. Ông cho rằng, bản thân không thể tạo ra những sản phẩm nghệ thuật đi ngược lại tâm hồn và các giá trị tinh thần của chính mình.

Và đó cũng là lý do mà Phillips từ chối đơn đặt hàng làm bánh cưới cho một cặp đôi đồng tính, Charlie Craig và David Mullins.

Cặp đôi này đã khiếu nại ông Jack Philips và cửa hàng Masterpiece Cakeshop đến Ủy ban Dân quyền (Civil Rights Commission) của bang Colorado vì cho rằng họ bị phân biệt đối xử. Ủy ban Dân quyền sau đó đã đưa ra quyết định xử phạt hành chính tiệm bánh Masterpiece, với lý do ông Phillips đã vi phạm đạo luật Chống phân biệt đối xử của bang Colorado (Colorado Anti-Discrimination Act – CADA).

Không đồng ý với quyết định đó, Phillips đâm đơn kiện Ủy ban và vụ việc đã được mang đến tận Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ trong tuần qua.

Các thẩm phán của Tối cao Pháp viện đang đứng trước một nhiệm vụ khá khó khăn khi đưa ra phán quyết trong vụ việc này vì cả hai phe đều có những lập luận hết sức thuyết phục.
Một bên, ông Phillips có quyền tự do tín ngưỡng tại Hoa Kỳ. Vậy thì làm sao tòa án có thể cho phép việc ép buộc ông phải tạo ra một tác phẩm “bánh ngọt nghệ thuật” bằng tài năng của mình, khi mà điều đó đi ngược lại hoàn toàn với niềm tin tôn giáo của ông?

Tuy nhiên, vấn đề lớn hơn ở đây nằm tại nội dung của phán quyết công nhận hôn nhân đồng tính Obergefell kiện Hodges năm 2015. Theo đó, quyền dân sự (civil rights) của một công dân Hoa Kỳ bảo vệ họ khỏi việc bị phân biệt đối xử dựa trên giới tính, chủng tộc hay khuynh hướng tính dục. Và vì vậy, việc cấm người đồng giới không được phép kết hôn là một hành vi vi hiến, khi đã vi phạm Tu chính án Thứ 14 về chuẩn mực pháp lý (due process) và sự bảo vệ bình đẳng trước pháp luật (equal protection before the law).

Giờ đây, nếu các thẩm phán cho phép ông Phillips từ chối cung cấp dịch vụ đến các cặp đôi đồng tính, thì liệu hậu quả của nó có dẫn đến việc những dịch vụ khác cũng sẽ bắt đầu từ chối phục vụ người da màu hoặc phụ nữ hay không?

Cuộc chiến pháp lý gay go về xung đột giữa các quyền dân sự ở Hoa Kỳ sẽ có hồi kết như thế nào? Nhiều người tiên đoán rằng, đến cuối cùng quyền quyết định sẽ thuộc về thẩm phán Anthony Kennedy. Anthony Kennedy chính là người đã đưa ra lá phiếu quyết định trong vụ kiện Obergefell và vẫn là người đang nắm lá phiếu dao động (swing vote) trong số 9 thẩm phán hiện nay.

Tài liệu tham khảo:







No comments:

Post a Comment

View My Stats