Monday, 4 December 2017

PHÁO ĐÀI FORMOSA - NỖI NHỨC NHỐI LÀM NÊN BẢN ÁN NGUYỄN NGỌC NHƯ QUỲNH (Việt Dương)


Việt Dương
03/12/2017

Toà án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa đã tuyên y án 10 năm tù cho blogger Mẹ Nấm, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, về tội “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam” trong phiên xử phúc thẩm ngày 30/11/2017. Theo các luật sư tham gia bào chữa cho Như Quỳnh thì phiên tòa quá nhanh, từ 8 giờ tới 11 giờ, và có nhiều điều không thỏa đáng.

Luật sư Nguyễn Hà Luân cho rằng Viện Kiểm sát đã tránh né các câu hỏi và không tập trung vào những điều chất vấn của luật sư. Luật sư Hà Huy Sơn nhận định: Bản án này không khách quan, bất công, vì đây là những hành vi của công dân bày tỏ quan điểm cá nhân. Đây là quyền của công dân giám sát các cơ quan hành pháp, cơ quan công an, chứ không phải nhằm mục đích chống nhà nước Việt Nam. Còn luật sư Nguyễn Khả Thành đã đánh giá bản án là khắc nghiệt vì khoảng 5, 7 năm trước, với những hành vi như thế này, phạm điều 88, thì tối đa chỉ 4 hay 5 năm tù thôi. Nhưng đợt này, cách đây khoảng 1 năm, như chị Quỳnh, chị Nga hay em Hóa ở Nghệ An, không biết họ đánh giá thế nào mà trong thời điểm này các mức án rất nặng. Có lẽ họ muốn răn đe để đừng có những việc làm đó nữa. Rất lạ. Đôi lúc có những bản án giết người, tòa xử 8 năm hoặc thấp hơn – Luật sư Thành cho biết: Hôm nay ra tòa, Quỳnh trả lời rất dõng dạc, không hề nao núng, sợ sệt, nói rất bản lĩnh. Cái nào có làm thì nhận định mình làm, cái nào không thì nói không. Trả lời rất dũng cảm và thái độ hiên ngang trước tòa.

Phiên tòa phúc thẩm xử Nguyễn Ngọc Như Quỳnh được nói là công khai. Nhưng người thân của Như Quỳnh, và một số người đến ủng hộ Như Quỳnh, trong đó có luật sư Võ An Đôn, đã bị ngăn cản không cho vào tham dự phiên tòa.

Sau khi tòa tuyên án, bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của Quỳnh, cô Trịnh Kim Tiến và những người đến ủng hộ Quỳnh lên tiếng công khai phản đối bản án thì bị an ninh mặc thường phục hành hung, bị cướp điện thoại, kể cả luật sư Đôn, và một số người đã bị bắt đưa lên xe chở đi.

Trước toà Như Quỳnh không nhận tội. Điều đó nói lên bản lãnh của một phụ nữ Việt Nam trước cường quyền. Vì Quỳnh có tội gì khi chỉ lên tiếng bảo vệ môi trường, lên tiếng chống lại sự xâm lấn của Tàu và bảo vệ quyền làm người chính đáng. Quỳnh có tội gì khi lên tiếng chống lại sự huỷ diệt môi trường của Formosa (công ty thép, tên Đài Loan, nhưng thực chất là của Tàu Bắc Kinh với vốn khoảng 90%). Với những tấm biểu ngữ: Cá cần nước sạch, Dân cần minh bạchĐả đảo Trung Quốc xâm lượcFormosa cút khỏi Việt Nam– Như Quỳnh đã nói lên tinh thần yêu nước, nói lên nguyện vọng của dân Việt. Nhưng những điều đó, khốn thay lại đi ngược lại mọi chủ trương đường lối của Đảng Cộng sản Việt Nam. Vì thế, Đảng Cộng sản Việt Nam đã dùng công an, binh lính đàn áp dã man những cuộc biểu tình chống Formosa, đã bóp cổ phóng viên trẻ Nguyễn Văn Hóa với bản án 7 năm, bóp cổ Như Quỳnh với bản án 10 năm. Đảng Cộng sản đã dùng những bản án tàn độc để đe dọa, bắt dân Việt phải câm lặng trước những việc làm của người Tàu trên đất Việt.

Để hiểu rõ hơn vì sao Như Quỳnh không chịu “nhận tội” mặc dầu chị có hai con nhỏ và một mẹ già, nhận lấy bản án 10 năm giam cầm là nhận lấy một bi kịch chia ly đứt ruột – mà đến khi được ra khỏi nhà tù nhỏ để trở về với “nhà tù lớn” thì con cái không có mẹ trong suốt 10 năm có thể đã phải thất học, mẹ già cũng có thể ốm đau bệnh tật không nuôi nổi cháu, chưa thể nào nói trước – chúng ta hãy cùng nhau tìm cách giải mã những điều người phụ nữ nhỏ con nhưng kiên cường này ôm ấp. Thực giản dị, cái đã tạo nên nghị lực cho chị cũng chính là cái mà chị đã kiên trì chống lại không chịu lùi, đó là sự tồn tại nhức mắt của những loại pháo đài Formosa trên đất nước Việt chúng ta, chúng đã, đang và sẽ gây ra những hậu quả lâu dài gì, và nguy hại cho đất nước như thế nào khiến chị không đội trời chung với chúng như vậy? Bằng các nguồn thông tin được ghi lại trên báo chí, các trang mạng, chúng tôi xin trình bày dưới đây 2 sự việc diễn ra trên hai vùng đất tạm gọi thẳng là đang bị Tàu hóa, kể từ khi chúng xuất hiện đến nay.

Trước hết là Kỳ Anh, Hà Tĩnh, theo bản tường trình của đài RFA thì gần hai năm trôi qua, kể từ ngày biển Bắc miền Trung bị nhiễm độc do Formosa, Hà Tĩnh, xả thải, đến nay đời sống của người dân Kỳ Anh vẫn chưa có gì phục hồi. Khó khăn, đói kém, tha phương cầu thực, trốn sang Lào, Trung Quốc để làm thuê. Bên cạnh đó, môi trường không khí phía Tây Hà Tĩnh bị ô nhiễm trầm trọng, đang gây nhức nhối.

Bà Mai Thị Lợi, cư dân xã Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh, cho biết: Từ lúc Trung Quốc, Đài Loan qua đây thì tệ nạn xã hội nhiều, thanh niên nghiện ngập, phụ nữ thì bỏ chồng bỏ con đi theo người Trung Quốc. Làm bồ bịch, nó cho ít tiền rồi đi theo nó. Phụ nữ bỏ chồng, bỏ con ở Kỳ Anh này nhiều lắm. Theo bà Lợi, một số thanh niên làm thuê cho người Trung Quốc có được chút tiền lại chuyển sang chơi bời, nhậu nhẹt, phá phách, xài hàng đá, theo con đường xì ke, ma tuý. Riêng về vấn đề hôn nhân gia đình ở Kỳ Anh nói chung có vẻ như đã hết thuốc chữa. Nhiều phụ nữ có chồng và 2, 3 đứa con, nhưng do kinh tế suy sụp, đã bỏ chồng theo đàn ông Trung Quốc. Đi theo một thời gian bị hắt hủi, lại quay về gia đình, nhưng chồng con không muốn nhìn họ nữa, nên họ lại lang thang rày đây mai đó để làm công việc buôn phấn bán hương. Nhiều gia đình phải tan nát, nhiều số phận bị lún bùn đen, nhiều tương lai bị chặn đứng bởi gia đình, cha mẹ đổ vỡ. Có thể nói rằng có quá nhiều đớn đau đến với người dân Hà Tĩnh, kể từ khi các công trình của người Trung Quốc mọc lên ở đây. Sự hiện diện của người Tàu không chỉ làm đảo lộn mà chính là nhân tố chủ chốt dẫn đến sự tha hóa không cưỡng nổi của nền nếp sinh hoạt và đạo lý truyền thsng của người Việt.

Chị Lê Thị Cúc và Nguyễn Thị Liên, cư dân Kỳ Anh, Hà Tĩnh cho biết: Do mất sinh kế, chồng và con trai lớn các chị phải sang Lào làm thuê, bữa được bữa mất vì phải trốn chui trốn nhủi trên đất Lào. Còn các chị tuy đang sống trên đất quê mà có cảm giác như đang sống nhờ, sống tạm ở vùng đất nào đó. Và đó là tâm trạng chung của những người dân nghèo nơi đây, bởi dường như mọi quyền lợi hay tiếng nói đều thuộc về những người Trung Quốc. Người ta nói mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Hiện tại người Trung Quốc có đủ cả mạnh vì gạo, bạo vì tiền, nên họ có thể ung dung làm bất kỳ điều gì họ muốn trên đất Hà Tĩnh, kể cả việc dụ dỗ người ta bỏ chồng, bỏ con để chạy theo đồng tiền của họ. Và đáng sợ hơn cả, theo các chị là mặc dù đang sống trên quê cha đất tổ, nhưng tiếng nói của người Việt lọt thỏm giữa thanh âm ồn ào của người nước lạ. Mọi sinh hoạt đảo lộn. Đời sống ngày thêm cơ cực và luôn thấy mình giống như người tha hương, sống tạm ngay trong chính ngôi nhà của mình (RFA.Org/11/17/2017).

Đó là tình thế của Kỳ Anh, Hà Tĩnh: Chính quyền Việt mà là Tàu. Người dân không sinh kế thì không thể bám vào đất, đành bỏ quê tha phương cầu thực. Còn người ở lại thì yếu nhược trước sức lấn của người Tàu có quyền và có tiền. Từ kinh tế và sức sống, người Tàu đang tàn phá Kỳ Anh và đang Tàu hóa Kỳ Anh. Chúng ta đang mất Kỳ Anh, Hà Tĩnh.

Từ chuyện Kỳ Anh Hà Tĩnh, chúng tôi xin ghi thêm một việc đang diễn ra ở Tây Nguyên: Theo tin tức trên các trang mạng cho biết thì đến nay tại xã Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng và khu vực Nhân Cơ ở Đắk Nông có không ít trẻ em sinh ra có cha là công nhân Trung Quốc. Từ 2007, tập đoàn Công Nghiệp Than - Khoáng Sản Việt Nam (Vinacomin) đã đầu tư 2 dự án khai thác Bauxite là Dự Án Bauxite Nhân Cơ tại Đắk Nông và dự án Tân Rai tại Lâm Đồng. Tổng số công nhân Trung Quốc được thuê sang khai thác Bauxite theo nhiều đợt, lúc tăng lúc giảm, có lúc đã lên tới gần vạn người. Tại xã Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng có những khu vực dành cho công nhân Trung Quốc và phụ nữ Việt đã được thuê để nấu ăn và làm osin cho họ. Đa số công nhân Trung Quốc muốn ở lại Việt Nam nên tìm quen phụ nữ Việt để sinh con và lập giá thú. Vì thế trong gần 8 năm kể từ 2009, số trẻ em có cha Trung Quốc, mẹ Việt đã lên tới một con số đáng báo động. Thực hư chưa rõ nhưng đây cũng là một áp lực cần tính tới khi đất nước trên thực tế đã có mặt một thành phần dân số không phải là người Việt Nam.

Chuyện người Tàu ồ ạt sang Việt Nam theo những dự án xây dựng đã được báo chí nói đến từ lâu. Chúng tôi xin dẫn lại bản tin nói về chuyện này của báo Tuổi trẻ (Hà Nội). Theo báo Tuổi trẻ trong buổi tọa đàm về “Kích cầu trong xây dựng” ngày 27/3/2009 của Tổng hội Xây dựng Việt Nam, thì thực trạng lớn nhất được đưa ra trong buổi tọa đàm là rất nhiều dự án lớn đã được triển khai, nhưng hàng hóa Việt Nam không thể tiêu thụ được, vì trúng thầu là các nhà thầu ngoại quốc, chủ yếu là Trung Quốc. Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng cho biết: Các nhà thầu Trung Quốc đang thắng thầu rất nhiều công trình trọng điểm về điện, xi măng, hóa chất... Đáng quan tâm là các nhà thầu Trung Quốc thường đem theo hàng ngàn công nhân và đem cả thiết bị của họ sang, trong khi những thiết bị đó Việt Nam có thể sản xuất được.

Ông Trần Văn Huynh cho biết: Đặc trưng của nhà thầu Trung Quốc là họ không thuê nhân công Việt Nam mà đem người của họ sang, có thể bằng cả đường du lịch rồi ở lại. Một số loại vật liệu Trung Quốc được đem qua Thái Lan rồi vòng vào Việt Nam. Máy móc thiết bị khôngnhập riêng được thì họ lắp sẵn rồi đem cả sang. Như ở một nhà máy xi măng do nhà thầu Trung Quốc làm, đến cái bệ xổm toa lét họ cũng không dùng hàng Việt Nam mà mua hàng Trung Quốc. Một hiện tượng mới đang xảy ra ở Việt Nam là mỗi dự án xây dựng đi liền với việc ra đời một làng Trung Quốc, mà những nhà thầu Trung Quốc đã giành được đến 90% các dự án trọng điểm trên toàn quốc thì trong vài năm Việt Nam sẽ có bao nhiêu làng Trung Quốc? Hiện tượng này ông Ngô Nhân Dụng đã báo động là “Hiện tượng trồng người đang diễn ra” (nguoiviet.com/2/24/2012).

Còn ông Hà Sĩ Phu trong bài “Từ vụ Bauxite nghĩ về vận nước” thì còn nhìn thấy chuyện này trước ông Ngô Nhân Dụng đến 3 năm, tại hai khu khai thác Bauxite Tây nguyên: “Khả năng bị đồng hóa toàn diện nặng nề hơn bao giờ hết. Đã có sự nhập cư ồ ạt không thể kiểm soát của những người Tàu không rõ lý lịch. Thông tin cho biết nhiều kẻ nhập cư lậu thuộc loại chất lượng xấu, nhưng vừa chiếm chỗ lao động, vừa lấy được 2, 3 người vợ Việt Nam để sinh đẻ cho nhiều! Chẳng những bị Hán hóa mà còn lưu manh hóa và mông muội hóa để thành những tộc dân mọi rợ. Dân tộc bị thoái hóa thì sẽ mất nước vĩnh viễn, trở thành quận huyện của người ta, uổng công tổ tiên nghìn đời xây đắp” (doithoai.com/7/27/2009).

Về chuyện người Tàu lấy vợ Việt, ngày chúng tôi còn nhỏ ở tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh ngày nay) đã biết là người Tàu nào cũng nằm lòng câu: Lộ ố Nàm phồchỉ ố Nàm tì (Lấy vợ An Nam, ở đất An Nam). Như thế mưu đồ thôn tính và đồng hóa dân Việt đã có từ ngàn đời trước và nếp nghĩ ấy đã nhập vào máu của dân Tàu. Bao nhiêu thế kỷ trước, ông cha ta đã thoát được thảm kịch bị Tàu đồng hóa. Chẳng lẽ tới thế kỷ 21, Đảng Cộng sản Việt Nam vì lợi ích của đảng lại đang tâm để cho đế quốc Tàu thực hiện giấc mộng ngàn năm của nòi Hán? Bốn triệu đảng viên cộng sản có thấy chăng cái nguy cơ Đảng Cộng sản vì lợi một đời di hại muôn đời, vì quyền lợi của đảng tận diệt dân tộc? Vận mệnh dân tộc Việt đã đến như thế sao?

Trên đây chúng tôi mới dẫn 2 bản tin về việc người Tàu đang tàn phá nước Việt và đang Tàu hóa những vùng đất họ ở. Còn trên toàn quốc, chắc chắn nhiều vùng như thế nữa đã và đang sinh sôi nẩy nở ngày ngày mà báo chí chưa thể tường thuật hết. Có nhìn nhận được một tình thế đáng lo như vậy, chúng ta mới hiểu được cái dũng và bản lĩnh của Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Như Quỳnh thà phải xa mẹ và 2 con gái bé bỏng, thà chịu tù đày và cả cái chết chứ không thể ngừng cất tiếng về hồn nước, vì chị đã không thể nào chấp nhận nổi hình ảnh tối tăm của đất nước bị phủ bóng bởi hàng ngàn hàng vạn người Tàu nhảy vào tự tung tự tác như những đám “chủ nhân ông” không mời mà hiện diện ngay giữa lòng cuộc sống dân tộc mình. Càng ngẫm nghĩ về thiên lương nhạy bén của chị, sự hy sinh cao cả của chị, chúng ta càng cảm nhận rõ hơn nỗi éo le hiện tại của Tổ quốc, và càng rùng mình trước những trớ trêu của lịch sử khi “phó thác” nhầm vận mệnh 90 triệu con người vào tay những kẻ ngỡ là cứu tinh mà thực chất lại là phường phản bội, có thể gây nên vô số kịch bản hung hiểm mà chưa ai lường tính hết được, nhưng cầm chắc một khi một kịch bản nào đó đã được chấp thuận thì cả dân tộc muốn đảo ngược lại e cũng đã quá muộn.

Dân Việt đã cảm được tiếng gọi hồn nước của những tù nhân lương tâm trước toà án của Đảng Cộng sản? Dân Việt đã cảm được lời nói cuối cùng của Như Quỳnh trước tòa: “Nếu làm lại từ đầu, tôi vẫn chọn con đường này. Một đất nước muốn phát triển và cường thịnh thì phải biết lắng nghe tiếng nói đa chiều...” Câu nói bị quan tòa ngắt ngang. Nhưng nói như thế đã đủ. Chúng ta biết Như Quỳnh bị tù 10 năm vì đã dám chống Tàu và chống Formosa./.

V.D.
Tác giả gửi BVN










No comments:

Post a Comment

View My Stats