Thursday, 14 December 2017

NĂM 2017 : NHIỀU QUAN THAM XỘ KHÁM và NHIỀU TÙ NHÂN LƯƠNG TÂM HƠN (Song Chi)




Thứ Tư, 12/13/2017 - 16:32 — songchi

Nhìn lại năm nay có khá nhiều người Việt thuộc “dạng đặc biệt” phải vào tù.

Thứ nhất là tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị. Thật ra chuyện bị bắt vì bất đồng chính kiến, vì dám lên tiếng trước thực trạng xã hội chính trị ở VN hay vì những hoạt động dân sự không phải là chuyện lạ gì dưới chế độ cộng sản, ngay từ những ngày đầu tiên đảng cộng sản giành được chính quyền ở miền Bắc cho tới nay. Đặc biệt là khoảng 10 năm trở lại đây, khi internet phát triển, người dân hiểu thêm được nhiều điều về lịch sử, về thực trạng đất nước và thế giới, số người lên tiếng ngày càng nhiều hơn. Nhưng trong năm nay số người bị bắt và bị ghép vào các tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân”, quy định tại điều 257, 258 của Bộ luật Hình sự; tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Luật Hình sự hay tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 BLHS, phải nói là nhiều hơn những năm trước.

Chỉ riêng năm nay đã có trên 25 người bị bắt, trong đó có những người thuộc thành viên của Hội anh em dân chủ, một tổ chức xã hội dân sự độc lập, như mục sư Nguyễn Trung Tôn, nhà báo tự do Trương Minh Đức, kỹ sư Phạm Văn Trội, luật sư Nguyễn Bắc Truyển, ông Nguyễn Trung Trực, bà Trần Thị Xuân…Tất cả đều bị ghép vào tội "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân" theo điều 79 BLHS.

Trước đó, Chủ tịch hội Anh em dân chủ, luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thị Thu Hà đã bị bắt từ năm 2015 vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 BLHS, cho tới nay vẫn chưa đưa ra xét xử.

Một số người bị bắt đã từng là tù nhân lương tâm như mục sư Nguyễn Trung Tôn năm 2011 từng bị kết án 2 năm tù theo điều 88 BLHS Tuyên truyền chống nhà nước XHCN; kỹ sư Phạm Văn Trội năm 2008 từng bị bắt theo điều 88 BLHS và kêu án 4 năm tù; nhà báo tự do Trương Minh Đức từng bị bắt năm 2007 và kết án 5 năm tù giam, vì bị kết tội "Lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 BLHS; luật sư Nguyễn Bắc Truyển năm 2006 từng bị bắt và kết tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước” với mức án 4 năm tù giam…

Các bản án trong năm nay nhìn chung khắc nghiệt hơn, như bản án 7 năm tù, 3 năm quản chế, về tội “tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa” dành cho phóng viên tự do, blogger Nguyễn Văn Hóa chỉ vì dám quay phim, chụp hình và viết bài về thảm họa môi trường Formosa và lũ lụt miền Trung; blogger Mẹ Nấm tức Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, một người mẹ đơn thân có hai con nhỏ, bị bắt từ năm 2016 nhưng năm 2017 mới đem ra xử sơ thẩm và phúc thẩm, cả hai lần đều bị kết án 10 năm tù giam với tội danh “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 88; hay nhà hoạt động Trần Thị Nga, một người mẹ cũng có hai con nhỏ khác, cũng bị kết án 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Theo nhận xét của rất nhiều người, đó là những bản án quá khắc nghiệt. Có nhiều nguyên nhân nhưng có lẽ do cả tình hình trong nước lẫn bầu không khí chính trị trên thế giới đã thay đổi, bây giờ nhà cầm quyền VN biết rằng chả có nước nào, Mỹ hay phương Tây quan tâm đến hồ sơ nhân quyền của chế độ cộng sản VN nữa nên họ tha hồ đàn áp những người dám lên tiếng.

Nhưng điều đáng nói là nhà cầm quyền càng đàn áp mạnh tay thì càng ngày tinh thần cùa những người bị bắt càng vững vàng, họ đã bước qua nỗi sợ hãi, bình tĩnh trước tù đày, trước những bản án. Từ những người trẻ tuổi chưa có nhiều kinh nghiệm như sinh viên Phan Kim Khánh, blogger Nguyễn Văn Hóa cho tới những người phụ nữ, người mẹ có con nhỏ như blogger Mẹ Nấm hay nhà hoạt động Trần Thị Nga. Những bức hình chụp họ trước tòa, bình thản giữa vòng vậy dày đặc công an bao quanh đã nói lên điều đó. 

Thứ hai: quan chức đua nhau vào tù. Cuộc chiến nhân danh chống tham nhũng nhưng thực chất là đấu đá, tiêu diệt các phe cánh khác, tập trung quyền lực vào tay mình của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng ngày càng có vẻ thuận lợi. Hàng loạt quan chức bị xộ khám, trong đó nhân vật đình đám nhất và được dư luận chú ý nhất là Đinh La Thăng, từng là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa X, XI, đại biểu Quốc hội. Đinh La Thăng là đàn em thân tín của Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước kia. Nhiều nhà bình luận chính trị cho rằng chiến dịch bắt bớ của ông Nguyễn Phú Trọng sẽ không dừng ở Đinh La Thăng mà mục tiêu lớn hơn, có lẽ chính là Nguyễn Tấn Dũng.

Còn nhớ kỳ Hội nghị Trung ương 6 khoá XI năm 2012, kỷ luật không được ông Dũng, ông Trọng khi đó uất ức đến phát khóc còn ông Dũng thì cười ruồi ngạo nghễ…Thậm chí Trương Tấn Sang đường đường cũng là Chủ tịch nước mà khi nói về quyết định không kỷ luật một ủy viên Bộ Chính trị, chỉ dám gọi là 'đồng chí X' chứ không nêu rõ tên. Ấy vậy mà chỉ mấy năm sau, Tổng Trọng đã bứng được Ba Dũng về nhà “làm người tử tế”, rồi từ từ gom quyền lực vào tay mình, từ từ triệt hạ dần dần đàn em, tay chân thân tín của Ba Dũng. Ông Trọng quyết tâm trả thù đến nỗi bất chấp hậu quả, chấp luôn cái giá phải trả là mất quan hệ với Đức và có thể cả khối EU, tổ chức bắt cóc cho bằng được Trịnh Xuân Thanh về để moi ra những tay cao hơn, đến lúc này Đinh La Thăng cũng phải xộ khám, và Ba Dũng thì đã bắt đầu thấy gió lạnh lùa sau gáy, nếu không tính được đường thì ngày gọi tên chắc cũng không còn xa…

Tất nhiên, ông Trọng chả mạnh được đến thế nếu không có sự hậu thuẫn của Bắc Kinh. Nguyễn Phú Trọng, Nông Đức Mạnh hay nhiều lãnh đạo cao cấp của đảng cộng sản VN đều là những kẻ thần phục Tàu ra mặt, chấp nhận cho Bắc Kinh điều khiển, lủng đoạn mọi chuyện từ chính trị, nội chính cho tới kinh tế, đường lối ngoại giao của VN.

Sự khác nhau của hai “dạng tù đặc biệt”.

Về tội danh, quan chức dưới chế độ này thường đi tủ về tội tham nhũng, "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" còn người dân thì đi tù về tội "phản động". Nhà báo, blogger Trương Duy Nhất, người cũng từng bị đi tù 2 năm, từ năm 2013-2015 vì vi phạm điều 258 BLHS, từng viết: “Có loại tù làm người ta nhục nhã, nhưng có loại tù chỉ khiến họ vinh quang”. Với hai loại tù trên đây, tù nào vinh, tù nào nhục, chúng ta đều rõ.

Về thái độ, quan đi tù rũ người ra như cái lá héo, chua chát, cay đắng vì ăn thì ai cũng ăn, sao chỉ có mình vào tù mà thằng A, B, C…và những tay cao hơn nữa, ăn nhiều hơn nữa X, Y…không bị. Dân đi tù thì bình tĩnh, hiên ngang.

Dân "phản động" đi tù được bao nhiêu người kính phục, chung tay hỗ trợ, giúp đỡ gia đình, người thân ở bên ngoài qua những năm tháng khó khăn. Quan chức bị tù hay bị hoạn nạn, dân chúng hầu hết hả hê, chả ai tỏ ra thương xót. Thực sự mà nói, họ có vào tù cũng không xứng với sự phá hoại mà họ đã gây ra cho đất nước này, và họ có vào tù thì số tài sản mà họ ăn cướp của dân của nước cũng khó mà lấy lại được, mười phần đã thất thoát, tẩu tán hết tám, chín phần, như bát nước đã đổ khó hốt lại. Thứ hai, đối với những ai quá hiểu nội tình của đảng cộng sản và cái cơ chế này thì đều biết rằng chuyện chống tham nhũng ở VN chỉ là chuyện triệt hạ lẫn nhau giữa các phe cánh, chứ làm thế nào mà chống và diệt tham nhũng được trong một cơ chế như VN. Bắt một thì vẫn còn trăm, ngàn tay khác bên ngoài và sẽ lại có thêm nhiều tay khác nữa phất lên mà thôi, cho nên chẳng mấy ai tin hoặc hy vọng vào những chuyện đó, người ta chỉ vui vì thấy thêm một quan tham vào tù, thế thôi.

Ở một cái quốc gia mà ngày hôm qua anh có thể lên rất nhanh, vênh vang khi còn đang thuộc về phe mạnh, ngày mai anh đã có thể xộ khám, mất tất cả hay thậm chí bị đầu độc chết cách này cách khác để bịt miệng bởi chính các đồng chí của mình, hy vọng rằng các quan chức khi bị xộ khám, nằm một mình lạnh lẽo trong tù, nghĩ về những nhân tình thế thái của cuộc đời, sẽ nhận ra rõ ràng hơn bao giờ hết là khi chế độ độc tài toàn trị, đảng đứng cao hơn cả luật pháp này còn tồn tại thì đừng mong có luật pháp, có sự cộng bằng, cho dù anh là bất cứ ai. Và đến khi may mắn được ra khỏi tù, hãy đứng về phía nhân dân, góp một tay làm sụp đổ cái mô hình thể chế này.

Là một người dân thường, tôi chỉ mong sao đến một ngày đất nước thay đổi, nhân dân sẽ lôi cổ các quan chức, dù đã về hưu, đã hạ cánh an toàn ở nước ngoài, hay già lú lẫn sắp chết, vào tù vì 3 cái tội chính: Một, tội phản động, thực sự đúng nghĩa phản động vì đã kéo cả đất nước, dân tộc đi vào con đường sai lầm, thụt lùi hàng chục hàng trăm năm, vì cố tình cản trở và làm lỡ bao nhiêu cơ hội của đất nước. Thứ hai, tội bán nước, làm mất đất, mất đảo, biển, rước giặc vào nhà phá tan tành đất nước ...Và cuối cùng là tội vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, đàn áp, khủng bố nhân dân, kể cả phạm tội ác chống lại loài người suốt mấy chục năm tồn tại của đảng cộng sản VN.

Đừng bảo rằng già thì tha, có những tội ác không được miễn trừ dù bất cứ lý do nào, cũng giống như với bọn phát xít hay Khơ Me Đỏ vậy.










No comments:

Post a Comment

View My Stats