Friday, 1 December 2017

HÃY ĐỂ "EM SANG SÔNG" (Trần Trung Đạo)



 “Ai là tác giả của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông” là vấn đề được bàn thảo khá rộng rãi trong vài năm qua. Người viết có đọc trên Internet những tranh luận nhưng thú thiệt chưa bao giờ dám hỏi thẳng anh Nhật Ngân vì, một phần, hỏi là nghi ngờ mà nghi ngờ là xúc phạm và phần khác là vì anh đã nói rõ ra rồi. Nhạc sĩ Nhật Ngân khẳng định anh đã viết nhạc phẩm đầu tay đầy kỷ niệm vào năm 1960 khi chỉ vào 18 tuổi ở Đà Nẵng và giải thích lý do có thêm tên nhạc sĩ Y Vũ.

Tôi đưa em sang sông theo lời kể của Nhạc sĩ Nhật Ngân 

Nhạc sĩ Trường Kỳ, một cây bút chuyên viết đời sống và tác phẩm của các văn nghệ sĩ, trong một bài viết vào năm 2000, đã thuật lại nguồn gốc của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông theo lời kể của nhạc sĩ Nhật Ngân, và dưới đây là vài đoạn chính: “Theo lời tâm sự của Nhật Ngân, đáng lẽ ông đã trở thành một nhạc công vĩ cầm như người em họ là Nhật Hiền, nhưng vì gia đình ông quá nghèo, không mua nổi cây đàn cho ông. Do đó, ông đành quyết định thôi học. Vì lòng đam mê âm nhạc và nhất là nhờ ở khả năng thiên phú của mình, Nhật Ngân đã hoàn thành nhạc phẩm đầu tay khi ông mới vừa 18 tuổi vào năm 1960. Ðó là một ca khúc tình cảm mang tên Tôi đưa em sang sông.

Mặc dù chưa có phương tiện phổ biến rộng rãi trong thời gian đầu, nhưng Tôi đưa em sang sông đã trở thành một ca khúc được giới học sinh, sinh viên Ðà Nẵng rất ưa thích, chép tay truyền cho nhau hát.

Sau đó Nhật Ngân gửi ca khúc này vào Sài Gòn nhờ nhạc sĩ Y Vân phổ biến dùm, với sự sửa đổi một vài chữ trong bản nhạc cho hợp với đường lối của Bộ Thông tin lúc đó không cho phép phổ biến những nhạc phẩm ủy mị, ướt át. Câu “Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là cánh mây trôi bốn phương trời. Và đời em là cánh hoa thì bao người ước mơ, đưa đón trông chờ” được nhạc sĩ Y Vân đổi thành “Rồi thời gian lặng lẽ trôi, đời tôi là chiến binh đi khắp phương trời. Mà đời em là ước mơ đẹp muôn ngàn ý thơ, như ngóng trông chờ” cho phù hợp với hoàn cảnh chiến tranh của đất nước.

Câu kết của bản chính là “Nàng đã thay một lối về, thay cả bàn tay đón đưa” cũng đã được Y Vân đổi thành “Nàng đã thay một lối về, quên cả người trong gió mưa.” Sự thay đổi lời ca này đã khiến cho tác giả cảm thấy “hẫng” đi một chút, như lời ông nói, vì không đúng với tâm trạng của mình khi đến lúc đó, chưa hề trải qua đời sống trong quân ngũ.

Hơn nữa, vì tác giả còn là một người chưa có tên tuổi nên cần nhờ tới một nhạc sĩ nổi tiếng đứng chung tên để Tôi đưa em sang sông đến với quần chúng dễ dàng hơn. Khi được phát hành, Tôi đưa em sang sông được ký tên bởi hai người là Trần Nhật Ngân và Y Vũ".

Nhạc sĩ Nhật Ngân qua đời ngày 21 tháng 1, 2012 tại California, Hoa Kỳ.

Tôi đưa em sang sông theo lời kể của Nhạc sĩ Y Vũ:

Trong một bài viết được phổ biến rộng rãi trên Internet, nhạc sĩ Y Vũ nhắc lại chuyện tình để lại một đứa con tinh thần có tên Tôi đưa em sang sông“Tôi sinh ra ở Hà Nội nhưng lớn lên tại đất Sài Gòn náo nhiệt. Những ngày tháng thơ ngây tại trường trung học có lẽ không bao giờ phai mờ trong trí nhớ của tôi, bởi ở đó tôi đã để trái tim mình rung động trước cô bạn chung lớp tên Thanh. Tình yêu học trò trong sáng lắm, chỉ cảm nhận qua ánh mắt, nụ cười chứ đâu có dám ngồi gần, dám nắm tay. Những khi tan trường sóng bước bên nhau cũng không biết nói câu gì, chỉ biết... đá cái lon sữa bò khua vang đường phố.

Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc "xế nổ" hiệu Roumie ngày ngày đi học. Mỗi chiều khi thay ba ra trông cây xăng, Thanh lại nhắc tôi ra đổ xăng... chùa. Những ngày tháng đó với tôi thật hạnh phúc, lãng mạn. Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang, Thanh biến mất khỏi cuộc đời tôi vì một đám cưới ép gả với chàng bác sĩ. Hụt hẫng, chơi vơi, tôi uống chén đắng đầu đời và nếm trải mùi vị của "thất tình". Tỉnh cơn say vào 2 giờ sáng, tôi ôm guitare và thế là Tôi đưa em sang sông ra đời. Bài hát với giai điệu buồn da diết được coi là tài sản chung cho nhiều chàng trai lâm vào cảnh như tôi thời đó.

Mối tình đầu làm tôi trắng tay, nhưng nỗi bất hạnh ấy đem lại cho tôi xúc cảm để có được hai bài hát tâm đắc. Sau Tôi đưa em sang sông gắn liền với tiếng hát Lệ Thu, ca khúc Ngày Cưới Em lại thành công vang dội: "Hôm nay ngày cưới em, nào men nồng nào hoa thơm, nào môi hồng nào da phấn, khăn áo muôn sắc đua chen..."

Tương tự, nhạc sĩ Y Vũ cũng “ngậm ngùi tâm sự” chuyện tình của ông cho nhạc sĩ Trịnh Hưng nghe: "Đó là nhạc ghi lại mối tình đầu của em. Dạo đó, em còn là học sinh trung học tư thục Hàn Thuyên ở phố Cao Thắng, gần nhà và lớp nhạc của anh, yêu một nữ sinh cùng lớp tên Thanh. Đó là mối tình học trò, trong trắng. Tình yêu chúng em chỉ cảm nhận qua ánh mắt trao đổi, chứ chưa một lần nắm tay nhau. Nhà nàng giàu sang, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ, còn em thì nghèo, chỉ có chiếc xe gắn máy hiệu Bromic do anh Y Vân mua cho. Nàng dặn em, mỗi ngày cứ vào buổi chiều, canh đúng giờ nàng ra thay thế cho cha mẹ nàng về nhà nghỉ ngơi, thì tới để nàng đổ đầy bình xăng cho, không phải trả tiền. Và cứ thế, rồi bẵng đi một tuần không thấy Thanh đi học và ra cây xăng. Em nhớ Thanh quá, mới lấy hết can đảm tới nhà nàng, hỏi thăm cô em gái nàng, thì được biết mấy hôm nay nhà bận rộn vì phải tiếp nhận lễ hỏi cưới chị Thanh, do cha mẹ gả cho một ông bác sĩ lớn tuổi.”

Nhạc sĩ Y Vũ trưng bằng chứng “bản thảo”

Giữa tháng 11, 2017, trong một chương trình truyền hình Hát trên chuyện tình trong nước, nhạc sĩ Y Vũ phát biểu về nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông

“Tôi xin khẳng định một điều bài này của tôi viết có một mình tôi thôi. Anh Y Vân có dạy hai người học trò là Nhật Ngân và Anh Thy. Khi tôi thất tình tôi viết bài Tôi đưa em sang sông được mấy ngày sau, trình anh Y Vân duyệt, bài này được tốt rồi. Anh đề nghị ngay, bây giờ mày có thể để thêm tên Nhật Ngân vào bài này không để cho hai đứa cùng nổi tiếng với nhau, có chút tiếng, bài này hay, sẽ nổi đó. Kính thưa quý vị, tôi rất vô tư. Tôi không nghĩ cái chuyện mấy chục năm sau lại như thế. Tôi bảo anh muốn để thì em để vào. Bài đó ký tác quyền cho nhà xuất bản Diên Hồng và có thêm tên Nhật Ngân, và tôi có hứa trên báo chí là sẽ có một ngày tôi lục được cái bài gốc, gọi là bản thảo, tôi viết tay.” 

Sau đó nhạc sĩ Y Vũ đưa bản viết tay cho người dẫn chương trình và cô đọc “Bản thảo ký ngày 5 tháng 6 năm 1962.” 

Các báo trong nước phần lớn đồng ý với lời “khẳng định” của nhạc sĩ Y Vũ và báo Thanh Niên kết luận: "Lần đầu tiên, nhạc sĩ Y Vũ khẳng định ca khúc Tôi đưa em sang sông do chính ông tay ông viết mà không có bất kì một nhạc sĩ nào tham gia vào. Hơn nữa, nhạc sĩ còn đem theo bản gốc viết tay hơn 40 năm trước để làm bằng chứng chân thật nhất cho những lời kể của ông."

Khoan, xin đừng quá vội. 

- Bản gốc: 

“Bản thảo” chép tay mà nhạc sĩ Y Vũ dùng làm bằng chứng không thể chứng minh đó bản gốc của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông. Ngoài nhạc sĩ Y Vũ, không có người nào hay cơ quan có thẩm quyền độc lập nào xác định đó là bản thảo. Cách đây hơn nửa thế kỷ, mọi sáng tác văn nghệ đều phải chép tay, dù do chính tác giả sáng tác hay chép lại nhạc của người khác. 

Nhạc sĩ Nhật Ngân cũng có thể có một bản thảo chép tay như bản của nhạc sĩ Y Vũ nhưng còn đang thất lạc. Cuộc đời nhạc sĩ Nhật Ngân giống như âm nhạc của anh gắn liền với những chặng đường gian nan của đất nước. Rời Đà Nẵng, đi lính, gia nhập ban Tâm Lý Chiến của Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung, chịu đựng cực khổ sau 1975, vượt biên sang Thái Lan 1982. Mạng sống lo chưa xong nói gì là bản thảo. 

- Thời điểm nhạc phẩm ra đời: 

Khi còn sống, trong các buổi trả lời phỏng vấn trên báo chí, qua truyền hình, truyền thanh, nhạc sĩ Nhật Ngân đều khẳng định một cách chính xác nhạc phẩm đó anh viết lúc 18 tuổi từ năm 1960. Khẳng định này đã được phổ biến cùng khắp. 

Nhạc sĩ Y Vũ, qua các lời kể, dù thừa nhận đã có biết, có nghe những tranh luận nhưng không phản đối về thời điểm 1960 do nhạc sĩ Nhật Ngân đưa ra. 

Tạm cho là lúc đó nhạc sĩ Y Vũ chưa tìm ra “bản thảo” để chứng minh nhưng ít nhất ông phải nhớ năm nhạc phẩm ra đời và phản bác thời điểm 1960 của nhạc sĩ Nhật Ngân chứ. Chẳng lẽ ông nhớ những chi tiết nhỏ như “Thanh là con một gia đình khá giả, có cây xăng ở ngã bảy Lý Thái Tổ. Còn tôi hồi đó chỉ có chiếc "xế nổ" hiệu Roumie ngày ngày đi học” mà lại không nhớ mình sáng tác bản nhạc năm nào? 

Không phản biện về thời điểm có nghĩa ông đồng ý bản nhạc ra đời vào năm 1960 chứ không phải 1962 và như vậy bản của nhạc sĩ Nhật Ngân dù còn đang bị thất lạc mới thật sự là bản gốc. 

- Thời điểm tìm ra “bản thảo”

Trên báo Thanh Niên ngày 17 tháng 11, 2017, Nhạc sĩ Y Vũ tiết lộ thời gian tìm ra “bản thảo”: "Bản gốc của ca khúc này do bà cụ cất giữ. Bà rất quý sáng tác của hai anh em tôi và giữ mỗi người một bản gốc mà bà yêu thích nhất. Bà kẹp bản gốc ca khúc Lòng mẹ của Y Vân và bản gốc Tôi đưa em sang sông trong ngăn tủ của mình cùng với giấy khai sinh của tôi và một vài giấy tờ quan trọng khác. Mãi đến khi bà mất, tôi mới kiếm được những tư liệu này."

Người viết xin lỗi phải nhắc đến bà cụ nhưng vì nhạc sĩ Y Vũ nhắc trước. 

Mẹ của hai nhạc sĩ Y Vân và Y Vũ không phải qua đời năm ngoái, năm kia hay thậm chí không phải mười năm trước mà qua đời cách đây 24 năm. Báo chí trong nước viết về ngày cụ qua đời: “ngày 28/11/1992, nhạc sĩ Y Vân giã từ cõi người khi vừa bước vào tuổi 60 và mười tháng sau, mẹ của ông, (cũng là mẹ của nhạc sĩ Y Vũ) qua đời.”

Theo lời kể của chính nhạc sĩ Y Vũ, bà cụ cũng chẳng chôn giấu “bản thảo” ở một góc nhà nào kín đáo hay gởi cho ai mà để ngay trong phòng của cụ cùng với các giấy tờ quan trọng khác. Do đó, “bản thảo” trong xấp giấy tờ quan trọng phải được tìm ra ngay sau khi bà cụ qua đời. 

Nhưng cứ tạm cho rằng ông không tìm ra “bản thảo” ngay mà 10 năm sau mới tìm ra thì tại sao 14 năm rồi ông không công bố “bản thảo” dù ông có rất nhiều cơ hội và tại sao ông không công bố khi nhạc sĩ Nhật Ngân còn sống để hai mặt một lời cho dứt khoát? Điều gì khiến ông dè dặt? 

- Vai trò của nhạc sĩ Y Vân:

Người có thẩm quyền nhất và có tính xác định cao nhất ai là tác giả của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông chính là nhạc sĩ Y Vân vì cả nhạc sĩ Y Vũ và Nhật Ngân đều đồng ý là nhạc sĩ Y Vân đã ghép chung hai nhạc sĩ vào nhạc phẩm. 

Nhạc phẩm này không phải bây giờ mới nổi tiếng mà nổi tiếng ngay sau khi được Lệ Thu hát cho tới nay. Nhạc sĩ Y Vân qua đời năm 1992. Tuy lâu nhưng không phải quá lâu. Nhạc sĩ Nhật Ngân không có ở trong nước nhưng nhạc sĩ Y Vũ ở bên cạnh anh mình cho đến ngày cuối nhưng tại sao ông không yêu cầu nhạc sĩ Y Vân xác định giùm ông những bí mật, những khuất tất chung quanh nhạc phẩm này nếu ông là “tác giả duy nhất”? 

Người viết không dám phê bình nhạc sĩ Y Vân nhưng khách quan mà nhận xét lý luận cho rằng nhạc sĩ Y Vân thêm tên em mình vào một nhạc phẩm mà ông biết sẽ nổi tiếng có lẽ dễ thuyết phục hơn là thêm một tên còn đang học nhạc 18 tuổi vô danh ở ngoài Đà Nẵng vào nhạc phẩm của em mình.

- Lời nhạc 

Nhạc sĩ Nhật Ngân có hơn 200 nhạc phẩm, không tính nhạc ngoại quốc lời Việt, và nhiều trong số đó đã gắn liền với tâm sự với những người xa quê hương như Xuân này con không về, Một mai giã từ vũ khí nhưng khi được yêu cầu anh thường hát Tôi đưa em sang sông. 

Người viết nghe chính nhạc sĩ Nhật Ngân hát Tôi đưa em sang sông lần đầu 14 năm trước tại Dallas, rồi sau đó những lần khác trong các đại hội Quảng Đà, họp mặt Liên Trường ở Nam California. Anh hát với tất cả xúc động chân thành toát ra từ ánh mắt, từ lời ca, từ niềm hoài vọng về một thành phố cảng thân yêu nơi có bến đò ngang và dòng sông đẹp. 

Ai đã từng sống ở Đà Nẵng hay sống cả hai thành phố Đà Nẵng và Sài Gòn, và lắng lòng ngồi nghe anh Nhật Ngân hát, chắc hẳn sẽ đồng ý chính anh là tác giả của Tôi đưa em sang sông bởi vì “sông” trong Tôi đưa em sang sông là dòng sông thật chứ không phải “đưa người ta không đưa qua sông” theo cách ví trừu tượng của Thâm Tâm. 

Chuyện tình của nhạc sĩ Y Vũ không có tình tiết nào được phản ảnh trong lời nhạc Tôi đưa em sang sông. Theo lời kể của ông phần lớn chỉ diễn ra bên cây xăng ở Ngã Bảy Lý Thái Tổ và thậm chí cầm tay cũng chưa có thì làm gì có “bàn tay nâng niu ân cần” như trong Tôi đưa em sang sông.

Chuyện tình của nhạc sĩ Nhật Ngân không đánh dấu bằng những “cây dài bóng mát”, “vòm lá me xanh”, “thương xá sắp đóng cửa” hay “muôn tà áo tung bay” ở Sài Gòn mà bằng “đường vắng”, “bến đất”, “bến gió”, “lối mòn” thường gặp trong các thành phố xa thủ đô. Nói chung, không một động từ, một danh từ, một tĩnh từ nào trong Tôi đưa em sang sông làm người nghe liên tưởng đến Sài Gòn. 

Tôi đưa em sang sông so sánh với Ngày cưới em 

Nhạc sĩ Y Vũ, trong dịp khẳng định tác quyền Tôi đưa em sang sông có nhắc đến ca khúc Ngày Cưới Em. 

Lẽ ra không cần phải bàn đến nhạc phẩm không liên hệ nhưng vì nhạc sĩ Y Vũ “tâm đắc” và nhấn mạnh nhạc phẩm này cũng đã “thành công vang dội” nên người viết mời độc giả vào Youtube nghe hai nhạc phẩm rồi đọc kỹ lời của hai nhạc phẩm để thấy sự khác nhau trong cách diễn tả và ngôn ngữ được dùng. 

Những câu hát trong Tôi đưa em sang sông là những câu thơ, có trách móc, có chút đắng cay nhưng rất nhẹ nhàng và bóng gió:

Tôi đưa em sang sông, chiều xưa mưa rơi âm thầm 
Để thấm ướt chiếc áo xanh, và đẫm ướt mái tóc em 
Nếu xưa trời không mưa, đường vắng đâu cần tôi đưa 
Chẳng lẽ chung một lối về mà nỡ quay mặt bước đi 

Tôi đưa em sang sông, bàn tay nâng niu ân cần 
Sợ bến đất lấm gót chân, sợ bến gió buốt trái tim 
Nếu tôi đừng đưa em, thì chắc đôi mình không quen 
Đừng bước chung một lối mòn, có đâu chiều nay tôi buồn…

Trong lúc đó, lời của Ngày cưới em

Hôm nay ngày cưới em 
Nào men nồng nào hoa thơm 
Nào môi hồng nào giá phấn 
Khăn áo muôn sắc đua chen 
Mắt biếc ngời ánh đêm 
Làn tóc nụ cười ngát hương 
Từng bước dập dìu bước êm 
Chỉ mình lòng tôi hoang vắng 

Hôm nay ngày cưới em 
Mừng vui họ hàng đôi bên 
Vì đâu nàng mời tôi đến 
Tuy có đây cũng như không 
Chiếc áo tình chóng phai 
Một sớm một chiều đã thay 
Thì nhớ đừng vì có tôi 
Mà nàng giấu vui không cười…

Lời của Ngày cưới em không bóng gió như thơ mà là những đoạn văn xuôi tả rất cụ thể, rõ ràng với “men”, “môi”, “phấn”, “mắt”, “khăn áo”, “họ hàng đôi bên”.

Ngôn ngữ bao la nhưng mỗi nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ chỉ có một cuốn tự điển để sử dụng cho riêng mình và dù có viết trăm bài thì những chữ tác giả dùng cũng giới hạn trong tự điển đó thôi. 

- Tiền bản quyền 

Nhạc sĩ Y Vũ than trên báo Thanh Niên: “Nghe nói tiền bản quyền ca khúc bên Mỹ cao lắm, mà hàng chục năm qua tôi không được một đồng." Đây là điểm thuộc về pháp lý và sẽ do các luật sư chuyên về bản quyền giải thích nhưng trong quan điểm phổ quát, tiền bản quyền thuộc về ai tùy thuộc vào ai giữ bản quyền. Người viết cũng đã từng nộp bản quyền và biết cơ quan bản quyền không dựa vào bản chép tay dù cũ bao lâu của ai đó để xác định bản quyền.

Việt Nam và Mỹ đều là thành viên của Berne Convention cho nên nếu nhạc sĩ Nhật Ngân nộp bản quyền nhạc của ông sau khi định cư ở Mỹ năm 1982 và gia đình nhạc sĩ Nhật Ngân giữ quyền thừa kế bản quyền của Tôi đưa em sang sông thì họ có thể kiện những ai dùng nhạc phẩm vào mục đích thương mại ngay cả đã sử dụng tại Việt Nam trước đây, đang sử dụng hiện nay và cả sẽ sử dụng sau này. 

Nhạc sĩ Y Vũ có nhiều điều kiện, nhiều thời gian, nhiều cơ hội và nhiều người để giúp chứng minh ông là tác giả của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông nhưng đã không làm. Hôm nay, nhạc sĩ Nhật Ngân không còn sống để biện hộ cho anh nên dù nói gì nhạc sĩ Y Vũ cũng chỉ vẽ nên nhiều nhất là một nửa cái bánh mà thôi. 

Trong lúc một số người dễ tin có thể cho những bằng chứng nhạc sĩ Y Vũ đưa ra là thật nhưng những người khác thận trọng, suy nghĩ chín chắn hơn sẽ nghĩ khác. Ngay cả những khán giả vỗ tay khi nhạc sĩ Y Vũ trưng ra bản chép tay mà ông viết là “bản thảo” trên đường về cũng có thể tự trách mình đã vội vàng vì không có gì chứng minh đó là bản đầu tiên của nhạc phẩm Tôi đưa em sang sông. 

Bản chép tay mà nhạc sĩ Y Vũ đưa ra không phải lấy từ hồ sơ lưu trữ của Bộ Thông Tin Việt Nam Cộng Hòa, không phải do gia đình cố nhạc sĩ Y Vân công bố, không phải do một người thứ ba nào khám phá mà chỉ từ nhạc sĩ Y Vũ. 

Mộ Nhật Ngân

Mười hai năm trước khi qua đời, nhạc sĩ Nhật Ngân kể lại với nhạc sĩ Trường Kỳ: “Tôi không bao giờ than vãn cuộc đời. Tôi vẫn mang trái tim của tôi, mang sự yêu mến cuộc đời của mình để bước vào cuộc đời." 

Lúc 10 giờ sáng ngày Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012, tác giả Xuân này con không về đã bước ra khỏi cuộc đời cũng bằng trái tim đầy yêu thương như thế.

Vì nhạc sĩ Y Vũ khẳng định ông là tác giả duy nhất của Tôi đưa em sang sông nên người viết muốn phân tích để chứng minh những gì dễ cho là thật và tưởng là thật nhiều khi lại không hẳn là thật. 

Sự kiện Tôi đưa em sang sông là một biến cố đáng tiếc trong âm nhạc Việt Nam nhưng suy cho cùng cũng chẳng làm nhạc sĩ nào thiệt hại hoàn toàn. Cả hai nhạc sĩ cùng với nhạc sĩ Y Vân qua nhân duyên văn hóa đã góp phần tạo nên nhạc phẩm tuyệt vời này. 

Nhạc sĩ Nhật Ngân đã qua đời và nhạc sĩ Y Vũ sắp bước vào tuổi tám mươi, nên mỉm cười đón nhận nhân duyên. Tôi đưa em sang sông sẽ mãi mãi là một phần của văn hóa Việt Nam và các thế hệ Việt Nam mai sau cũng sẽ mỉm cười kính mến và trân trọng khi nhắc đến tên hai vị.

Hãy để “em sang sông”, thưa nhạc sĩ Y Vũ.

1/12/2017


Năm Nổ • 11 hours ago
TĐESS của ai ???
Nhạc bản là sáng tạo thuộc văn hóa tinh thần. Nó gồm lời ca và phần nhạc lý. Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ trừ trường hợp bình thường người nhạc sĩ sáng tác tất cả và tự mình đem đến các nhà xuất bản cho ra mắt, còn thì tác quyền phải được kể là hợp soạn chung. Mặc dù phần đóng góp có người nhiều người ít. Điều này từng xảu ra nhiều trong giới sáng tác. Như trường hợp nhóm Trịnh Lâm Ngân hay Lê Minh Bằng làm việc chung.

Trở lại, bản TĐESS của ai ??? Xin thưa của cả Nhật Ngân và Y Vũ. Còn những câu chuyên sau này thì rất khó kiểm chứng. Quý vị cũng đừng quên, trong xả hội VN hiện tại, chuyện thêm thắt, sửa đổi thêm mắm thêm muối trong giới viết lách của VN là chuyện rất thường. Nhièu khi cũng chưa chắc ông Y Vũ viết hay nói như vậy, mà một người nào đó viết ra thay ông (?). Bởi vì hiện nay Y Vũ cũng đã lớn tuổi và đang sống tại VN.

“Tôi đưa em sang sông”   -    Y VŨ và NHẬT NGÂN

Diên Hồng xuất bản

Đây là bằng chứng có giá trị nhất về cả lý lẫn tình. Nhạc bản có ghi ngày tháng, tên tác giả trong thời điểm 1963 tại Sài Gòn khi cả 2 nhạc sĩ đều còn sống.






No comments:

Post a Comment

View My Stats