Thursday, 7 December 2017

GIẾT NGƯỜI GIỮA BAN NGÀY (Võ Hồng Ly - Ngàn Lau)


Võ Hồng Ly

Ghi Chú của Ngàn Lau: Khi một Con Người chết tại đồn công an và số đông dửng dưng với sự kiện này và cho rằng đó là chuyện bình thường thì xã hội VN đã không còn là xã hội Con Người mà là một xã hội của loài thú, giết nhau bất cứ lúc nào mà không có một sự ân hận. Phải chăng chính sự thờ ơ, im lặng trước cái chết của thường dân tại đồn công an đã tạo điều kiện cho lực lượng công an tiếp tục hành động giết người cho tiện việc sổ sách mà không cần có một trách nhiệm gì đối với người bị chết? Và nếu số đông thờ ơ với chuyện này thì người thân của mình chết trong đồn công an thì ai sẽ cùng mình đấu tranh đòi sự minh bạch? Người Việt hãy tự hỏi chính mình, chúng ta là Con Người hay chúng ta là loài thú đội lốp Người? Nếu câu trả lời là Con Người thì chúng ta không thể nào thờ ơ trước cái chết của bất cứ ai trong đồn công an hay ngoài đồn công an. Bất cứ cái chết nào do chính giới cầm quyền tạo ra hay do chính côn đồ tạo ra, người chịu trách nhiệm đầu tiên là giới cầm quyền. Tại sao họ không bảo vệ người dân và tại sao người dân không đòi hỏi trách nhiệm với chính người “đại diện” đối với người dân, cho dù sự “đại diện” đó chỉ là một sự áp đặt? Im lặng là đồng lõa với tội ác.

Hình ảnh những người thân đang gào thét đầy đau đớn và tuyệt vọng bên cạnh thi thể chằng chịt những vết đánh đập đầy máu bầm do dây trói của anh Võ Tấn Minh, người vừa bị chết một cách bất thường tại nhà tạm giữ công an TP. Phan Rang – Tháp Chàm, đã khiến tim tôi thắt lại. Tôi tự hỏi cũng là những con người, cùng là những người đồng bào mà tại sao họ có thể đối xử với nhau tàn nhẫn và nghiệt ngã như vậy? Video clip đã được người thân của anh đưa lên mạng xã hội và đã được chia sẻ một cách nhanh chóng ngày hôm qua. Đi đến đâu tôi cũng nghe người ta bàn tán xôn xao về việc này. Tôi đã im lặng quan sát và lắng nghe những phản ứng của những người đồng bào mình với nhiều cảm xúc khác nhau.

Bên cạnh những sự giận dữ, xót thương và đồng cảm, tôi còn thấy có khá nhiều sự thờ ơ, dửng dưng của những người sau phút giây tò mò xem clip qua đi. Có lẽ nếu như lần này họ giữ sự im lặng như họ luôn có thói quen im lặng trước những sự bất công, những điều sai trái trong xã hội thì tôi sẽ biết ơn họ hơn. Nhưng họ đã không im lặng mà tự cho mình cái quyền phán xét và chỉ trích người khác cứ như thể họ là người trong cuộc vậy: “Lại chết trong đồn công an à? Bình thường mà!”; “Xăm trổ thế kia thì phải có vấn đề rồi!”; “Lại giang hồ tự xử nhau mà, thương xót làm gì! Càng đỡ chật đất!”… Còn rất nhiều những điều trái tai, ác ý mà tôi đã phải nghe xung quanh việc này nhưng tôi không muốn đào sâu thêm nữa nỗi đau của gia đình nạn nhân. Dù anh ấy không phải là người thân của tôi nhưng khi nghe những câu nói như vậy mà cá nhân tôi còn thấy đau đớn thì tôi không thể hiểu người nhà của anh ấy sẽ phải chịu đựng sự mất mát lớn lao này như thế nào nếu phải trực tiếp nghe thấy những lời nói nghiệt ngã ấy.

Thứ nhất, dù nạn nhân là ai, có hình xăm gì và đang mắc tội gì thì anh ấy cũng vẫn cần được đối xử như một con người đúng nghĩa. Chưa cần biết nguyên nhân chết của anh ấy là gì nhưng chỉ cần nhìn cơ thể đầy những vết thâm tím và tụ máu như vậy được đưa ra từ nhà tạm giữ của công an thì trách nhiệm đầu tiên vẫn phải thuộc về phía nhà cầm quyền vì đã không bảo vệ và cũng không bảo đảm cho người bị tạm giam có được những điều kiện cần thiết để được an toàn.

Thứ hai, chúng ta cần phải có nhận thức rõ ràng là việc một người bị chết trong đồn công an luôn phải được coi là một điều bất thường chứ không phải là “bình thường” ngay cả khi cái chết đó liên quan đến tiền sử bệnh lý của cá nhân trước đó nếu có. Những hình thức lấy cung gây sức ép về tinh thần cũng đủ để dẫn tới những cơn đột quỵ với mức độ khác nhau chứ chưa nói gì đến những việc phải chịu những đòn vũ lực do tra khảo. Trong thời gian vừa qua, vì có quá nhiều cái chết xảy ra trong đồn công an mà có lẽ công luận dường như đã cho việc lặp đi lặp lại của những sự việc đau lòng đáng lên án này là một điều “bình thường”! Phản ứng này thực sự quá nguy hiểm cho xã hội vì khi con người ta coi cái ác là một điều bình thường và dần chấp nhận sống chung với nó như một “thói quen vì nhiều quá nên đã trở thành bão hòa” thì họ sẽ không còn ý thức để đấu tranh chống lại những hành vi man rợ này nữa. Nói một cách khác, làm như vậy là chúng ta đang vô tình tiếp tay và cổ súy cho những hành động bạo lực mà nhà cầm quyền đã sử dụng nhằm dung túng hay bao che cho một thế lực nào khác. Và cái xấu, cái ác sẽ mặc nhiên tự do tồn tại một cách công khai và sẽ vì thế mà phát triển như một điều tất yếu của xã hội thay vì cần phải được chúng ta chung tay để loại trừ nó.

Thứ ba, chúng ta thường rất cảm tính trong việc đưa ra những lời nhận xét của mình về một điều gì đó hay về một ai đó mà không tìm hiểu nguyên nhân đằng sau sự việc, cũng như không đặt mình vào vị trí của người trong cuộc tự nhiên bị công luận đưa ra phán xét một cách bất công như thế. Ngay cả khi những sự việc, con người đó có xấu xa thế nào thì nếu có tội họ sẽ phải chịu trách nhiệm và đền tội trước pháp luật. Xúc phạm, vu khống và làm tổn thương người khác trong khi không có chứng cứ cũng là một hành vi vi phạm pháp luật của những người thích “chém gió” để phán xét người khác.

Cuối cùng, chính sự dễ dãi đến vô cảm của phần lớn người dân chúng ta trong cách tiếp nhận và phản ứng với thông tin một cách chủ quan như vậy mà nhà cầm quyền lại càng dễ thao túng chúng ta để tạo hiệu ứng bầy đàn khi cần phải đánh lạc hướng công luận cho một vấn đề nhạy cảm nào đó. Hãy là những người phản biện có trách nhiệm với cái tâm và cái tầm cần phải có của mỗi người.

Trong cuộc sống không ai hoàn hảo cả và bản thân của chúng ta cũng vậy. Sẽ có một ngày ai trong bất kỳ chúng ta đều cũng có thể bị rơi vào hoàn cảnh tương tự hoặc trở thành nạn nhân của một sự tấn công nào đó. Chính vì vậy, xin hãy giữ cho nhau một khoảng lặng nhân bản, một chút bao dung và một chút tình đồng loại mà chỉ có con người mới có thể làm được điều đó mà thôi.

2.09.2017











No comments:

Post a Comment

View My Stats