Monday, 18 December 2017

CHUYỆN VỀ ĐỀ XUẤT CẢI CÁCH CHỮ VIẾT TIẾNG VIỆT CỦA ÔNG BÙI HIỀN (Trương Thanh Hùng)


Trương Thanh Hùng
12/12/2017

Mấy ngày gần đây, trên mạng xã hội xôn xao về việc ông Bùi Hiền có học vị tiến sĩ, học hàm phó giáo sư đề xuất cải cách chữ viết tiếng Việt vì ông cho rằng chữ quốc ngữ của ta (chữ Việt) hiện nay có nhiều hạn chế, thiếu khoa học như một âm có nhiều cách thể hiện, có những phụ âm không cần thiết và ông đưa ra một bộ chữ cái (phụ âm) thay thế để cho nó “khoa học” hơn, để mọi người không viết sai chính tả, cho học sinh khỏi bị ám ảnh vì sợ viết sai chính tả và cho người nước ngoài dễ học tiếng Việt hơn… Ông cho rằng công trình này ông đã nghiên cứu 20 năm nhưng còn chưa hoàn chỉnh.

Ông đề nghị bảng chữ cái tiếng Việt nên có thêm các chữ “f, j, z và w”, đồng thời bỏ hẳn các phụ âm ghép “ng, nh, ngh, gh, ch, tr”; bỏ hẳn chữ “đ”; sửa cách đọc một số phụ âm như c=tr, ch; x=kh… Ông đồng hóa các phụ âm tr-ch, s-x, z-d-gi-r… Thay phụ âm ng, ngh=q, c=k, kh=x… Thí dụ như “Giáo dục” thành “Záo zụk”.

Đề xuất của ông Bùi Hiền khi đưa lên mạng xã hội thì có rất nhiều người phê phán, chỉ trích khá nặng lời, nhưng cũng có vài người (trí thức) cho rằng đó là sự sáng tạo cần phải lắng nghe và tôn trọng, cho rằng ông có tâm huyết đối với tiếng Việt, chữ Việt…

Tôi đã từng là giáo viên dạy tiểu học, có dạy lớp 1, đã từng bị ba tôi và thầy cô dạy hồi tôi học tiểu học khẻ tay khi viết sai chính tả, tôi cũng có quan tâm nghiên cứu chút ít về tiếng Việt, chữ Việt nên cố gắng đọc hết bài tham luận của ông ở Qui Nhơn, nghe ông phát biểu trên VTV1, đọc nhiều ý kiến phản hồi, bảo vệ cũng như chỉ trích, nay xin được trao đổi với ông Bùi Hiền một số ý như sau: (Tôi xin lỗi vì không gọi ông theo học hàm, học vị mà ông có vì như thế e rằng xúc phạm đến các vị giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ chân chính).

Tôi xin không nhắc lại lịch sử hình thành và phát triển, hoàn thiện chữ quốc ngữ của ta, không đả kích cá nhân mà chỉ trao đổi trên tinh thần khoa học về ý kiến “hơi lạ” của ông.

Thưa ông Bùi Hiền,

Ông cho rằng ông nghiên cứu và đề xuất trên cơ sở giọng chuẩn của Hà Nội. Tôi đồng ý với ông rằng người Hà Nội có giọng nói rất hay, nhưng không phải không có những khuyết điểm nhất định, cũng như giọng Thái Bình, giọng Hà Tây, giọng Nghệ An, giọng Huế, giọng Sài Gòn… ai bảo là không hay và cũng không ai bảo là không có khuyết điểm khi phát âm. Chính vì thế ông đã đồng hóa một số phụ âm như gi-d-r, tr-ch… Như vậy, khi ông viết “Zám” thì người đọc sẽ hiểu là giám (sát), dám (làm) hay rám (nắng); chữ “Zụk” được hiểu là giục (thúc giục), dục (dưỡng dục) hay rục (chín rục), “Záo Zụk” được hiểu là ráo giục hay dáo rục?; khi ông viết “Ca” thì phải hiểu là cha (mẹ) hay tra (xét)? Ông đừng nghĩ rằng để cho trẻ em khỏi mặc cảm về việc viết sai chính tả mà làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt. Xin phép cho tôi hỏi thiếu tế nhị một chút: Hình như ông cũng thường mắc lỗi viết sai chính tả thì phải?

Chính chữ quốc ngữ (chữ Việt) chúng ta dùng hiện nay đã khắc phục những lỗi mắc phải của giọng địa phương để một chữ viết ra đều được mọi người ở tất cả các vùng miền trên cả nước hiểu cùng một nghĩa. Công sức, trí tuệ của tiền nhân trên lĩnh vực này hết sức lớn lao, đầy tính khoa học chứ không phải như ông nghĩ đâu.

Ông cho rằng trẻ em học bộ chữ mới của ông sẽ nhanh biết chữ hơn. Điều này còn phải xem xét lại. Tôi đã từng dạy lớp 1 (thời đó nhiều địa phương chưa có trường mẫu giáo), học trò của tôi chỉ cần 3 đến 4 tháng là có thể đọc và viết được. Phong trào bình dân học vụ sau năm 1945 (cũng như chiến dịch xóa dốt Xuân Hè năm 1976) sau năm 1975 đã cơ bản xóa được nạn mù chữ cũng chỉ trong vòng 3 tháng mà thôi. Tôi tin rằng trẻ em học bộ chữ mới của ông sẽ gặp nhiều khó khăn hơn vì không biết phải đánh vần, ráp vần thế nào cho thuận miệng.

Đọc kỹ bảng chữ cái mà ông đưa ra, thí dụ bằng 1 văn bản, tôi nhận ra rằng đó chỉ là sự sao chép (bắt chước) ngôn ngữ của đám trẻ “chat” nhau trên mạng, mượn cách đọc của Nga (x=kh), hình như có cả cách phiên âm tiếng Trung Quốc bằng mẫu tự Latin và cách gõ chữ telex trên máy vi tính chứ thật tình chẳng thấy sự sáng tạo nào.

Giới trẻ thường trao đổi với nhau trên mạng bằng máy điện thoại, bàn phím nhỏ nên cần ít ký tự cho 1 chữ, do đó mượn một số chữ cái Latin không có trong tiếng Việt hay dùng ký hiệu nào đó để diễn đạt cho nhanh thì cũng dễ hiểu, có thể cho đó là một sự sáng tạo của giới trẻ hiện nay trong ngôn ngữ giao tiếp với nhau, nhưng chưa thấy các em dùng những ký hiệu này trong văn bản chính thức, trong khi giao tiếp với người lớn, trong bài vở, bất quá chỉ khi ghi tốc ký trong tập riêng của mình để cho kịp lời thầy giảng mà thôi. Mà việc này đã có từ rất lâu, nhất là với sinh viên đại học và những vị thư ký trong các cuộc họp. Nhưng không thể đưa cách viết tắt ấy làm chuẩn mực cho chữ quốc ngữ được, không nên ngộ nhận như thế.

Còn những điều bất lợi khác như tốn kém, cắt đứt quan hệ văn hóa truyền thống, khó khăn trong quản lý hành chính, tổn hại đến tâm tư, tình cảm của dân tộc… thì đã có nhiều người phát biểu trên mạng, tôi xin không nhắc lại.

Tóm lại, tôi tôn trọng tấm lòng của ông đối với chữ Việt, ông muốn cải cách để tiến bộ hơn, nhưng tiếc rằng ông đã sai ngay từ đầu nên việc làm của ông là vô bổ nếu không nói là ngu xuẩn, do đó có nhiều người chỉ trích ông trên mạng bằng những lời lẽ không được tốt đẹp thì cũng là tất nhiên thôi. Mong ông suy nghĩ lại mà đừng làm tiếp phần 2 (phần nguyên âm như ông tuyên bố) kẻo tổn hại đến sức khỏe vô ích.

Trân trọng kính chào ông.

Trương Thanh Hùng
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 479










No comments:

Post a Comment

View My Stats