Wednesday, 6 December 2017

CHÍNH SÁCH CỦA MỸ VỀ TRUNG QUỐC, TỪ KISSINGER ĐẾN TRUMP (Thanh Hà – RFI)


Thanh Hà – RFI
Đăng ngày 05-12-2017 

Chuyên gia Pháp thuộc viện IFRI, Laurence Nardon : "Hoa Kỳ đã có rất nhiều cách tiếp cận với Trung Quốc từ chủ trương thực dụng thời Henry Kissinger cho tới chính sách xoay trục sang châu Á dưới chính quyền Obama và hiện tại là kiểu ngoại giao thùng rỗng kêu to của chính quyền Trump".

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) gặp cựu ngoại trưởng Henry Kissinger tại Nhà Trắng, ngày 10/05/2017.REUTERS/Kevin Lamarque

Liệu Trung Quốc có thay thế Hoa Kỳ áp đặt luật chơi quốc tế ? Tham vọng của Bắc Kinh chỉ dừng lại trong khu vực hay mở rộng ra toàn cầu ? Chế độ cộng sản Trung Quốc liệu có hóa thân thành một nền dân chủ ? Điều quan trọng nhất : Mỹ có phải chuẩn bị đối đầu với Trung Quốc về mặt quân sự trong thời đại nguyên tử này ? Làm thế nào tránh khỏi kịch bản đó ?

Trên đây là hàng loạt những câu hỏi mà các chính quyền liên tiếp ở Washington đặt ra trong nửa thế kỷ qua. Trong bài nghiên cứu mang tựa đề "Mỹ đối mặt với Trung Quốc, từ Henry Kissinger đến Donald Trumpđăng trên website của Viện Quan hệ Quốc Tế Pháp IFRI, số ra tháng 11/2017 chuyên gia về Bắc Mỹ, Laurence Nardon điểm lại chính sách của Hoa Kỳ đối với Bắc Kinh từ chuyến viếng thăm Trung Quốc bí mật của Henry Kissinger tháng 7/1971, khi đó là cố vấn an ninh của tổng thống Richard Nixon, cho tới ngày nay.

Trong giai đoạn 1970, phe thực tiễn thúc đẩy Nhà Trắng xích lại gần với Bắc Kinh

Mở đầu bài viết, nhà nghiên cứu Laurence Nardon nhắc lại : Mỹ đã đợi khá lâu mới công nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Năm 1972 chính sách ngoại giao bóng bàn của tổng Nixon đưa quan hệ Washington – Bắc Kinh sang một bước ngoặt mới. Năm 1979 Mỹ và Trung Quốc chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao dựa trên cơ sở một nước Trung Hoa duy nhất. Cuối những năm 1970 đầu 1980 cũng là thời điểm ở Bắc Kinh ông Đặng Tiểu Bình tiến hành cải tổ, tạo cơ sở thuận lợi cho quan hệ kinh tế giữa hai nước.

Trong bài toán xích lại gần với Trung Quốc, Kissinger đóng vai trò thiết yếu. Ngay từ những năm 1960 ông đã nhìn thấy ở Trung Quốc một cường quốc đang vươn dậy, Mỹ cần Bắc Kinh để làm đối trọng với Liên Xô và để rút khỏi chiến tranh Việt Nam.

Về phía Trung Quốc, cũng trong giai đoạn này, tăng trưởng của nước đông dân nhất địa cầu đã bắt đầu gây ngạc nhiên. Theo thống kê của Ngân Hàng Thế Giới, trong giai đoạn 1965-1995 cứ mỗi 10 năm, GDP của Trung Quốc được nhân lên gấp đôi, để rồi hiện tại Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới.

Nhưng trong 50 năm qua, Bắc Kinh – Washington vẫn có nhiều hiềm khích

Tác giả bài nghiên cứu về quan hệ Mỹ-Trung thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp Laurence Nardon viết : "Những căng thẳng và nghi kỵ lẫn nhau chưa bao giờ nguôi".

Hoa Kỳ luôn quan tâm đến vấn đề nhân quyền mà điển hình là sau vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989, Washington đã xét lại toàn bộ quan hệ quân sự với Bắc Kinh. Mỹ đã không ngần ngại đón nhận hay cấp học bổng cho một số các nhà đối lập Trung Quốc. Truyền thống đó vẫn được duy trì và gần đây nhất là năm 2012 khi Washington đón nhà đấu tranh, luật gia Trần Quang Thành.

Tuy vậy, ngay cả trên vế nhân quyền, đôi khi một số vị tổng thống Mỹ cũng tỏ ra dễ dãi.
Còn về phía Bắc Kinh, Trung Quốc luôn coi sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực châu Á là một mối đe dọa.

Đầu những năm 2000, Trung Quốc vừa là đối thủ vừa là đối tác của Hoa Kỳ

Bước sang thế kỷ 21, có ba yếu tố làm thay đổi tương quan giữa Washington với Bắc Kinh. Về yếu tố Nga, Liên Xô đã tan rã và trên sân khấu chính trị quốc tế, vai trò của Nga bị lu mờ. Bản thân nước Mỹ, lần đầu tiên trong lịch sử, bị tấn công ngay trên lãnh thổ của mình với đợt khủng bố ngày 11/09/2001. Trong khi đó, không còn ai có thể nghi ngờ về sức mạnh kinh tế của Trung Quốc. Một cốt mốc quan trọng với Bắc Kinh là khi Trung Quốc được kết nạp vào Tổ Chức Thương Mại Thế Giới tháng 12/2001.

Tạm yên tâm về phía Nga, nhưng Washington đã nhìn thấy ở Trung Quốc một kình địch đang lớn mạnh. Trung Quốc đang trở thành một "đối thủ có sức mạnh tương đương" về phương diện quân sự. Nhiều báo cáo của các ủy ban ở Quốc Hội và giới chuyên gia Mỹ đã nhấn mạnh tới những bước tiến rất dài của Trung Quốc trong các lĩnh vực từ hạt nhân đến tên lửa đạn đạo, không gian ... và không một ai ngây thơ về những tham vọng về lâu dài của Bắc Kinh.

Nhà nghiên cứu Laurence Nardon trong bài phân tích nhắc lại, trong giai đoạn 1990 - 2000 các kiến trúc sư của chính sách ngoại giao Mỹ đã tranh cãi nhiều về sức mạnh của Trung Quốc, về thể chế chính trị của quốc gia này. Điều Mỹ lo ngại nhất là nguy cơ Mỹ-Trung chạm trán với nhau trên địa hạt quân sự. Nếu có, thì hậu quả ra sao ?

Ở thời điểm đó, các chuyên gia Hoa Kỳ đi đến kết luận rằng, đối thoại với Bắc Kinh là thượng sách.

Đấy là chưa kể, trong thời gian từ cuối 1970 tới đầu những năm 2000, từng bước Trung Quốc đã trở thành đối tác thương mại, kinh tế và tài chính quan trọng của Hoa Kỳ : từ năm 2008, Bắc Kinh là chủ nợ lớn nhất của Mỹ.

Các "think tank" ở Washington nói tới một mối liên hệ "môi hở răng lạnh" giữa hai siêu cường kinh tế này. Một cách cụ thể nếu Mỹ mở màn cuộc chiến tranh thương mại, thì Trung Quốc sẽ ồ ạt bán ra công trái phiếu của Hoa Kỳ mà Bắc Kinh đang nắm giữ trong tay : hệ quả sẽ vô cùng tai hại cho kinh tế của cả đôi bên.

2011 và chính sách "xoay trục" của Obama

Trước những tham vọng chính trị và quân sự không còn che giấu của Bắc Kinh, với trợ lý ngoại trưởng Kurt Campbell, đặc trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương, Washington chủ trương "kềm tỏa Trung Quốc" : Cải thiện quan hệ giữa Washington với tất cả các đối tác trong vùng từ những nước lớn như Ấn Độ đến những quốc gia tí hon như Singapor. Mỹ đặc biệt chiếu cố Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á - ASEAN.

Sau bài diễn văn ở Quốc Hội Úc tháng 11/2011, tổng thống Barack Obama đã không quản công viếng thăm từ Lào tới Miến Điện và ông đã không quên những đối tác khác trong vùng như Việt Nam, hay Thái Lan ...

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ dùng lá bài kinh tế và thương mại để lôi kéo các nước châu Á về phía mình : Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP.

Có điều, như ghi nhận của chuyên gia Pháp bà Laurence Nardon, chính sách đông tiến của chính quyền Obama đã bị chựng lại khi bộ Ngoại Giao đổi chủ. Cặp bài trùng Hillary Clinton - Kurt Campbell nhường chỗ cho hai ông John Kerry - Danny Russel, cả hai cùng quan tâm nhiều hơn đến khu vực Trung Cận Đông.

2016, Donald Trump mở rộng đường cho Trung Quốc tung hoành

Trong thời gian vận động tranh cử tổng thống, ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump có lời lẽ cứng rắn hơn bao giờ hết nhắm vào Trung Quốc : với ông, Trung Quốc là quốc gia "thao túng đồng tiền", "cướp công việc làm của người Mỹ" và cũng ông Trump đòi kiện Trung Quốc bán phá giá.

Nhưng khi bước vào Nhà Trắng, nhà tỷ phú địa ốc New York đã có thái độ hòa nhã hơn khi tiếp ông Tập Cận Bình ở Florida cũng như là khi tổng thống Mỹ công du Trung Quốc. Chưa hết, Donald Trump đã tặng cho ông Tập một món quà bất ngờ khi rút nước Mỹ khỏi hiệp ước thương mại TPP, công cụ của chính quyền Obama để kềm tỏa ảnh hưởng của Trung Quốc được tháo gỡ.

Mỹ rút lui trong lúc Bắc Kinh tung ra kế hoạch "Con Đường Tơ Lụa Thế Kỷ 21" để gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên thế giới. Còn quá sớm để thẩm định đúng đắn về tầm mức quan trọng của dự án này. Chỉ biết rằng 29 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ, trong đó có lãnh đạo Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đã đến Bắc Kinh dự diễn đàn "Một Vành Đai Một Con Đường" hồi tháng 5/2017.

Trên vế an ninh, ứng viên tổng thống Donald Trump đòi hai đồng minh Đông Á lâu đời của Mỹ là Nhật và Hàn Quốc phải "tự lo thân", không nên trông chờ quá nhiều vào Mỹ. Nhưng ở cương vị tổng thống, ông Trump thận trọng hơn với những tuyên bố kiểu này, nhất là trước thái độ thừa thắng xông lên của Kim Jong Un ở Bình Nhưỡng.

Hoa Kỳ đồng thời nhận thấy là cần Trung Quốc để giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Nhưng rồi Nhà Trắng đã thất vọng vì trên hồ sơ này, tổng thống Trump cho rằng Bắc Kinh "kém năng động" và thế là dường như tổng thống Hoa Kỳ lại coi lá bài kinh tế, thương mại là nền tảng cho quan hệ Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ của ông.

Laurence Nardon, Viện Nghiên Cứu Quan Hệ Quốc Tế IFRI Pháp kết luận : "Chính sách xoay trục của tổng thống Obama có mục đích kềm tỏa tham vọng của Trung Quốc trong vùng châu Á - Thái Bình Dương. Sự thoái lui của chính quyền Trump trong khu vực dường như phản tác dụng".







No comments:

Post a Comment

View My Stats