Tuesday, 19 December 2017

BẢN TIN NGÀY 19/12/2017 (Báo Tiếng Dân)



Tin Trong Nước

Tin Biển Đông
VOA đưa tin: Việt Nam cải tạo đảo ở Biển Đông, theo chân TQ. Hình ảnh do các vệ tinh DigitalGlobe chụp hồi tháng 9 cho thấy, “một số cơ sở mới, trong đó có thể có một ụ cạn, ở Đá Tây thuộc quần đảo Trường Sa, cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 680 km về hướng đông nam, có thể cho phép tàu thuyền ghé qua để bảo dưỡng và tuần tra trong thời gian dài hơn”.

Việt Nam đang nâng cấp các thực thế họ kiểm soát ở Biển Đông. Ảnh: VOA

Bài viết cũng dẫn nguồn từ tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), cho biết: “Việt Nam đã bồi đắp khoảng 120 mẫu Anh trên 10 đảo nhỏ kể từ năm 2014… Trung Quốc đã bồi đắp hơn 3.200 mẫu Anh trên bảy thực thể ở quần đảo Trường Sa”, xây dựng được các cơ sở, công trình như nhà chứa máy bay, hầm ngầm, cảng, hải đăng và đường băng, cũng như các khí tài phục vụ cả không chiến và hải chiến.

RFI có bài: Biển Đông: Philippines ngày càng ngả theo Trung Quốc. Các công trình xây dựng của Trung Quốc trên Biển Đông, đã bị trung tâm AMTI vạch trần qua việc công bố các hình ảnh gần đây, ngoại trưởng Philippines, ông Cayetano không phủ nhận, nhưng lại giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của vần đề, khi cho rằng “Trung Quốc không phải là nước duy nhất có hoạt động xây dựng tại Biển Đông”.

Ông Cayetano nói, nhiều nước khác trong đó có Philippines, “vẫn tiếp tục xây dựng tại những vùng họ đã chiếm giữ. Trên đảo Pag-asa, chúng ta (tức Philippines) cũng đang tu bổ. Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc cũng tu bổ, và ai cũng nói rằng việc đó chỉ mang tính chất phòng thủ mà thôi”.


Quan hệ Việt – Trung
Báo Nhân Dân đưa tin: Khai trương tàu hàng chuyên tuyến Hải Phòng – Khai Viễn (Trung Quốc). Hôm qua, tại ga Hải Phòng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tổ chức khai trương “đoàn tàu hàng chuyên tuyến Hải Phòng (Việt Nam) – Khai Viễn (Trung Quốc) và ngược lại với cự ly vận chuyển là 610km, thời gian chạy tàu 29 giờ (không kể thời gian khai báo thủ tục hải quan)”.

Tác giả cho biết, trong thời gian tới, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ tiếp tục “thực hiện các phương án tổ chức chạy tàu tối ưu, tăng thêm các đoàn tàu, hoàn thiện tốt hơn nữa các dịch vụ kèm theo”, nhằm tăng sản lượng vận chuyển hàng liên vận quốc tế bằng đường sắt.

Trung Quốc sử dụng quyền lực mềm lên các nước: Trung Quốc cam kết hỗ trợ 5 nước dọc sông Mekong. Tại cuộc họp ở Đại Lý, Trung Quốc, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố sẽ hỗ trợ 5 nước dọc sông Mekong gồm: Campuchia, Thái Lan, Việt Nam, Myanmar và Lào.


Đảng và khát vọng “toàn trị”
BBC có bài: TBT Nguyễn Phú Trọng và hai năm ‘chỉnh đốn Đảng’. Tác giả ghi nhận: đợt kỷ luật một loạt đảng viên cao cấp vừa qua là diễn biến “đưa củi vào lò” mới nhất kể từ Đại hội Đảng 12, sau hai năm ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi đấu tranh “chống tham nhũng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống”. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chính là “cánh tay phải” để bác Tổng giữ lửa trong lò.

Ông Zachary Abuza, chuyên gia người Mỹ về chính trị học Đông Nam Á, bình luận: “Tất cả đều là chính trị. Ông Nguyễn Phú Trọng không chỉ củng cố vị trí của mình. Ông còn triệt hạ các đối thủ chính trị trước Đại hội Đảng sắp tới. Ông Trọng giờ đây đang ở vị thế không ai tấn công được”.

Blog RFA có bài của nhà báo độc lập J.B Nguyễn Hữu Vinh: Đòi tam quyền phân lập và xã hội dân sự bị khai trừ đảng nói lên điều gì? Tác giả nhắc đến bản Quy định số 102 ngày 15/11/2017 về nội dung xử lý kỷ luật đảng viên của Đảng Cộng sản Việt Nam, và cho rằng đây là “quyết định quái gở ‘có một không hai’.”. Quy định này ràng buộc tư tưởng đến độ cấm đảng viên có nhận thức phản bác lại chủ nghĩa Marx-Lenin (thứ lý thuyết đã bị từ chối bởi chính nơi sinh ra nó), cấm “tam quyền phân lập”, “xã hội dân sự”, “đa nguyên, đa đảng”.

Theo tác giả, quy định nội bộ kiểu này có thể so sánh với những quy định kỳ quặc chỉ xuất hiện ở những băng đảng tội phạm, “chỉ nhằm giữ lấy cái ghế quyền lực nói trên và đào tạo không chỉ 40 tên cướp trong toán cướp ở câu chuyện Alibaba mà đã là một đám 4 triệu tên trong cái băng đảng đó”.

Báo Lao Động có bài: Xử nghiêm để trong sạch Đảng, vì niềm tin của nhân dân. Trả lời phóng viên về việc Trung ương Đảng xử lý một loạt cán bộ cấp cao trong tuần vừa qua, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước, cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Tư lệnh Quân khu 4, đánh giá: “Việc kỷ luật cán bộ lãnh đạo, đảng viên vi phạm không hay ho gì, thậm trí đau lòng lắm, nhưng vì sự trong sạch của Đảng, vì lòng tin của nhân dân vào Đảng”.

Trao đổi với phóng viến báo Lao Động, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, và ông Đỗ Văn Ân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ, cũng có những luận điểm tương tự: chống tham nhũng để dân tin Đảng. Quả thực, niềm tin của dân, nếu còn, là yếu tố căn cốt để Đảng còn duy trì được quyền “toàn trị”.


Công cuộc đốt lò của bác Tổng
Báo Sài Gòn Giải Phóng có bài: Mọi hành vi tham nhũng đều xuất phát từ cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp. Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, ghi nhận: “chính nhân dân mới là những người tích cực nhất trong việc phát hiện những hành vi tham nhũng”. Tuy nhiên, ông đã quên ghi nhận rằng chính Đảng Cộng sản cũng thường xuyên sách nhiễu, thậm chí bỏ tù, những “người tích cực” ấy, cũng bởi vì “mọi hành vi tham nhũng đều xuất phát từ cán bộ, nhất là cán bộ cao cấp” như PGS-TS Ngô Huy Cương của ĐHQG Hà Nội thừa nhận.

Nhân dịp bác Tổng kêu gọi đảng viên “tự thú”, trang Giáo Dục Việt Nam đăng bài: Có ông “tay đã nhúng chàm” nhưng vẫn đang nghĩ …họ chừa mình ra. Tác giả ghi nhận một hiện tượng: “một số kết luận về công tác cán bộ ở Thanh Hóa, Quảng Nam mà Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố phủ nhận một số kết luận trước đó của Tỉnh ủy Thanh Hóa và của lãnh đạo Bộ Nội vụ”.

Về việc Tỉnh ủy Thanh Hóa kết luận một đằng, Trung ương kết luận một nẻo, tác giả cho rằng: “Ông Bí thư Thanh Hóa đã không làm tròn trách nhiệm đảng viên của mình, có biểu hiện ‘tự chuyển hóa’.”. Theo tác giả, “chuyện Thanh Hóa có lẽ chưa kết thúc”, bởi vì tuy đã có một số khúc củi to ở Thanh Hóa vào lò, nhưng vẫn còn cây củi to hơn đang nằm ngoài miệng lò.

Bà Trần Vũ Quỳnh Anh liên quan tới vụ kỷ luật của củi Ngô Anh Tuấn ở Thanh Hóa. Dư luận cho rằng, ông Tuấn “Nâng đỡ không trong sáng” cả bà Quỳnh Anh lẫn BTTU Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến. Ảnh: Họa sĩ Lap

Lò bác Tổng có hai nguyên tắc quan trọng: thứ nhất là “nhặt củi” theo đường dây, điển hình là trình tự từ Trịnh Xuân Thanh đến Đinh La Thăng và số đảng viên cao cấp khác đứng sau; thứ hai là “nhận mặt người quen”, cho nên có khúc củi vừa vào lò là cháy to, nhưng có khúc củi cháy xém là dừng. Cho nên, không ít người vẫn hoài nghi về công cuộc đốt lò này.

Báo Dân Trí có bài: Vụ bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài Bảo: Bộ Nội vụ cần kiểm điểm nghiêm khắc! Về kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đối với trường hợp của ông Lê Phước Hoài Bảo, ông Vũ Quốc Hùng, cựu Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương cho rằng, Bộ Nội vụ phải “kiểm điểm nghiêm khắc về việc làm của mình”. Bởi vì trước đó, các quan chức của Bộ Nội vụ đã tuyên bố rằng việc bổ nhiệm Lê Phước Hoài Bảo diễn ra đúng quy trình.

Sau đợt “đánh phủ đầu” tuần vừa qua, lò nhà bác Tổng đang có dấu hiệu điểm mặt những khúc củi “tiềm năng”, điển hình là các lãnh đạo ở Bộ Nội vụ.


Nỗi niềm “thái tử Đảng”
VOA đưa tin: Thêm một ‘thái tử Đảng’ bị cỗ máy ông Trọng ‘trảm’. Tác giả đánh giá hình phạt dành cho ông Lê Phước Hoài Bảo “là vụ “trảm thái tử” nặng không thua gì vụ xử Nguyễn Xuân Anh, nguyên Bí thư tỉnh Đà Nẵng”.

Tác giả dẫn ý kiến của TS Jonathan London, Giáo sư giảng dạy Kinh tế-Chính trị Á châu tại Đại học Leiden, Hà Lan: “Đề cập [giải quyết] những trường hợp như thế này là việc phải làm. Đó là một bước. Nhưng không thể được xem là giải pháp để giải quyết những khuyết điểm của thể chế nói chung”.

Nhà báo Lê Nguyễn Hương Trà có bài: Vụ án bắn… con chim chào mào. Theo tác giả, vụ việc của ông Lê Phước Hoài Bảo đã được chuẩn bị và sắp đặt từ trước, qua việc người trộm chim quý của giám đốc sở đối mặt án 7 năm tù, bởi vì chính ông Hoài Bảo đã tuyên bố không truy cứu vụ này.

Lật lại hồ sơ học vấn của “quý tử” nhà ông Phước Thanh, tác giả ghi nhận rằng ông Hoài Bảo đã vào học “trường duy nhất ở Mỹ không có chương trình cử nhân, chỉ có master và PhD”, ngôi trường mà nguồn tin của tác giả xác nhận, người vào được phải có năng lực thật sự. Tác giả cho rằng, việc đánh giá “thái tử Đảng” phải công bằng.


Hồ sơ Đinh La Thăng
Báo Tiếng Dân có bài của tác giả Nguyễn Hoa Lư: Hào khí La Thăng và những “bài học sâu sắc”. Tác giả ghi nhận, ông Đinh La Thăng quả thực có thể hiện tinh thần dân tộc bằng những “nhát chém đầy uy lực trước đám nhà thầu Trung Quốc”, nhưng đấy là sự “thể hiện hoàn hảo cái dũng của một kẻ thất phu ít học”. Tác giả nhắc lại việc Nguyễn Trãi viết thư chiêu hàng gửi quân Minh, ở trong thế có thể dứt điểm nhưng vẫn để cho đối phương đường sống.

Tác giả cho rằng, ông Thăng có thể gửi một chút tinh thần chống Trung Quốc vào “võ mồm” của ông, nhưng điều ấy không biến ông trở thành một chính trị gia chuyên nghiệp, một lãnh đạo xứng đáng của thủ phủ miền Nam.

Về việc ông Đinh La Thăng có luật sư tham gia ngay từ giai đoạn điều tra, không giống bất kỳ nhân vật nào khác đã từng bị bắt, luật sư chỉ được tham gia trong giai đoạn điều tra đã kết thúc, như trường hợp bầu Kiên, Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Trịnh Xuân Thanh… Facebooker Nguyễn Kim nhận định:

1/Trịnh Xuân Thanh đã khai nhận khá chi tiết về các hành vi phạm tội của mình và cả Đinh La Thăng. 2/ Ngay sau khi bị bắt, Đinh La Thăng đã nhận thấy không còn cách nào khác nên đã nhận tội. Chính vì có được 2 yếu tố trên mà phe ông Trọng đã cho phép ông Thăng được quyền mời luật sư để không bị lực lượng chống phá từ phe ủng hộ ông Thăng vu cho là ông Thăng bị ép cung và buộc phải nhận tội“.

Trang Giáo dục Việt Nam có bài: “Tôi tin rằng ai đứng sau, giúp đỡ ông Đinh La Thăng sẽ phải được làm rõ”. Ông Nguyễn Đình Hương, cựu Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương đánh giá: “Ông Đinh La Thăng thuộc cấp Bộ Chính trị quản lý, nhưng việc quy hoạch cán bộ là do Ban Tổ chức Trung ương”, nghĩa là cần làm rõ trách nhiệm của đơn vị tổ chức cán bộ trong việc bổ nhiệm cán bộ vào vị trí lãnh đạo cấp cao. Ông Hương nói: “Phải có người đứng sau, có trách nhiệm trước những vi phạm của ông Thăng. Người đó là ai thì phải do Trung ương tìm”.

Vụ án Trịnh Xuân Thanh
Báo Tiếng Dân đăng bài tổng hợp của tác giả Hiếu Bá Linh: Về phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh. Trả lời phỏng vấn Nhật báo TAZ hôm qua, bà Schlagenhauf, luật sư của Trịnh Xuân Thanh ở Đức tiết lộ một số chi tiết mới. Đáng chú ý là: phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh có thể sẽ diễn ra vào ngày 10/01/2018 và ông Martin Patzelt, Nghị sĩ Quốc hội Liên bang Đức sẽ đến tham dự phiên tòa với tư cách quan sát viên.

Luật sư Schlagenhauf cho biết một thông tin quan trọng: “Đã có những bằng chứng cho thấy trước khi vụ bắt cóc xảy ra, có ít nhất một sĩ quan cao cấp của cơ quan an ninh đến Berlin”. Đó là Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an. Nhưng dường như ông Hưng không chỉ là nhân vật cao cấp duy nhất từ Việt Nam bay sang Berlin một tuần trước đó để trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, mà còn có “nhân vật số hai”, đã được điểm mặt trên báo Süddeutsche Zeitung của Đức.

Tôn giáo, kẻ thù của đảng CSVN
Trang Nhà Thờ Thái Hà đăng bài tổng hợp: Đội cờ đỏ – côn đồ, đánh đập, khủng bố giáo dân Kẻ Gai, Giáo phận Vinh. Tác giả ghi nhận hai biến cố chính trị – tôn giáo diễn ra trong chưa đầy một tuần ở tỉnh Nghệ An. Từ ngày 13/12/2017 đến 17/12/2017, nhà cầm quyền Nghệ An liên tục triển khai công an, an ninh mặc thường phục xuống xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An để ép bà con giáo dân Đông Kiều tháo dỡ hang đá mừng Giáng Sinh. Sáng Chúa Nhật ngày 17/12/2017, một lực lượng có tên gọi “đội cờ đỏ” đã hành hung người dân của Giáo xứ Kẻ Gai, ở Hưng Tây, Hưng Nguyên, Nghệ An.

Một bà cụ đã bị ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch xã Hưng Tây, hành hung và dìm xuống mương nước. Ảnh: Nhà Thờ Thái Hà

Dẫn lời linh mục Giuse Nguyễn Đức Nhân, chánh xứ Kẻ gai, cho biết, sáng Chúa Nhật 17/12/2017, ông chứng kiến khoảng 2-3 xe khách chở người của “đội cờ đỏ” đến đánh người dân Giáo xứ Kẻ Gai ngay trước mặt công an, an ninh, trong đó có mặt ông Giám đốc công an huyện Hưng Nguyên.

Những người có mặt ở hiện trường cho biết, sau khi lực lượng “cờ đỏ”, an ninh mặc thường phục hành hung người dân, nhà cầm quyền tỉnh Nghệ An cũng điều động rất đông an ninh, cảnh sát cơ động đến bao vây khu vực Giáo xứ Kẻ Gai. Tác giả cho biết, “bà con giáo dân Kẻ Gai bị đánh đập khi đang chuẩn bị xây dựng một ngôi nhà thờ tại xã Hưng Tây trên mảnh đất do dân dâng cúng. Việc xây dựng ngôi nhà thờ mới nhằm thành lập một Giáo họ mới trong Giáo xứ”.

Mời độc giả xem clip quay ở hiện trường:

Luật sư Lê Văn Luân có bài: Màu máu. Về việc các thành viên “đội cờ đỏ” khoác cờ đỏ sao vàng về Giáo xứ Kẻ Gai hành hung người dân, luật sư Luân đánh giá rằng, đấy là “hành động vô pháp và cũng là vô nhân, vô luân, vô đạo”, gây tổn hại hình ảnh quốc gia, tổn thương niềm tin của người dân.

Theo ông Luân, “không thể có bất cứ một lý tưởng cao đẹp hay tình yêu tổ quốc thiêng liêng” nào đủ ngụy biện một đám người hành hung đồng bào mình như thế. Luật sư Luân cũng khẳng định: hành vi bạo lực như thế phải bị trừng trị trong một nước văn minh.

Chỉ tiếc rằng, lực lượng “cờ đỏ” này không những không bị trừng trị, mà còn được phía công an, an ninh tiếp tay. Khi họ di chuyển xuống địa bàn, họ được hỗ trợ xe bus (cũng chính là công cụ mà phía an ninh thường lùa người dân lên xe khi trấn áp các cuộc biểu tình). Khi họ hành hung người dân, công an, an ninh đầy đủ thường phục đứng xem họ “hành nghề”. Khi họ có dấu hiệu không còn làm chủ được tình hình, bên an ninh lập tức cử người xuống tiếp viện.

Một xe bus hỗ trợ di chuyển các thành viên “đội cờ đỏ” xuống địa bàn để hành hung người dân Giáo xứ Kẻ Gai. Ảnh: Nhà Thờ Thái Hà.

BBC có bài: Chuyện gì đã xảy ra ở Giáo xứ Kẻ Gai? Tác giả nói về sự mâu thuẫn giữa lời tuyên bố của truyền thông tỉnh Nghệ An với lời trần tình của người dân Giáo xứ Kẻ Gai. Các quan chức Nghệ An cho rằng, giáo dân Kẻ Gai đã “tự ý chiếm đất sản xuất nông nghiệp để xây dựng nhà thờ”. Trả lời phỏng vấn BBC hôm qua, Linh mục Nguyễn Đức Nhân, Quản xứ Kẻ Gai khẳng định rằng, “có khoảng 60 hộ dân tự nguyện lấy một phần đất mà họ sở hữu, ‘có bìa đỏ’ để dâng cúng, tách ra để xây dựng nhà thờ”.

Mâu thuẫn đất đai giữa Đảng và dân là chuyện có thể giải quyết bằng pháp luật. Tuy nhiên, cũng như nhiều lần trước, các quan chức đã chọn “giải pháp” huy động an ninh mặc thường phục hành hung người dân, trong đó có phụ nữ, người già.

Trang Hội SVNQ Việt Nam đưa tin: Trưởng Công an xã và Chủ tịch UBND xã Hưng Tây (Hưng Nguyên, Nghệ An) cùng đội cờ đỏ tham gia đánh dân: 17 người bị thương, 1 người mất tích. Bài viết cho biết, lực lượng công an, an ninh mặc thường phục lên tới hàng trăm người, được huy động đến Giáo xứ Kẻ Gai hôm 17/12/2017, có cả “ông Thu – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Hưng Tây và ông Lực – công an xã Hưng Tây”, cán bộ xã, huyện và công an huyện Hưng Nguyên đã chứng kiến sự việc và để mặc các thành viên “đội cờ đỏ” đánh đập các giáo dân.

Người dân ở hiện trường xác nhận, các anh an ninh, các thành viên lực lượng “cờ đỏ” đã lập được “chiến công” khiến ít nhất 16 phụ nữ bị thương, một người đàn ông bị thương nặng ở đầu.

Nhà báo Song Chi đặt câu hỏi“Một nhà cầm quyền sử dụng công an kết hợp với côn đồ dưới những cái tên “quần chúng tự phát”, “Hội Cờ Đỏ”, đoàn viên thanh niên…để tha hồ dùng bạo lực với dân mà có thể phủi tay cho đó không phải là lịnh của “chính quyền” thì đó là một nhà cầm quyền như thế nào?”.


Nhân quyền ở Việt Nam
Báo Tiếng Dân có bài: Thư của Ngô Minh Tâm gửi người cha nơi tù ngục. Anh Ngô Minh Tâm là con trai của tù nhân lương tâm Ngô Hào, là người đã bị Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Yên tuyên án 15 năm tù, 5 năm quản chế, vào ngày 11/09/2013 vì tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Về nguyên nhân cha mình phải chịu cảnh tù tội, anh Tâm viết trong thư, “vì ba dám nói lên những suy nghĩ qua những bài viết của mình… những bài viết cổ súy cho dân chủ, nhân quyền… rõ ràng là chính quyền này đâu phải của nhân dân!”.

Ở tuổi 70, lại bị đục thủy tinh thể và nhiều chứng bệnh khác, tù nhân lương tâm Ngô Hào đã trải qua gần 5 năm trong bản án 15 năm tù. Chỉ cần “thành khẩn” nhận tội, ông Hào có thể được ra tù, nhưng ông quyết không nhận, vì nếu ông có tội, thì chỉ là “tội” lên tiếng phản biện để đất nước tốt đẹp hơn. Ở các nước văn minh, dân chủ, tôn trọng nhân quyền, đấy là công, không phải tội.

Luật sư Lê Văn Luân có bài: Quyền lợi của người bị tạm giam. Tác giả kể chuyện bà Hoàng Thị Út, mẹ sinh viên Trần Hoàng Phúc vào thăm con ở Trại tạm giam số 1 Hà Nội. Bà Út muốn gửi một số đồ vật, sách vở, tài liệu cho Phúc đọc, nghiên cứu thì bị vị Phó giám thị Trại tạm giam từ chối với lý do “Quy chế ở đây là không cho mang sách (đó) vào”. Mặc dù sách vở, tài liệu ấy là “Bộ luật Tố tụng hình sự 2003; Giáo trình Luật Hình sự và Giáo trình Luật Tố tụng hình sự Việt Nam (của Trường Đại học Luật) cùng một số sách triết học, chính trị được xuất bản và lưu hành chính thống trên toàn quốc”, vị Phó giám thị Trại tạm giam vẫn không cho gửi.

Luật sư Luân cho biết, bà Út đã làm đơn đề nghị gửi trực tiếp tới Chủ tịch thành phố Hà Nội, Giám đốc công an thành phố Hà Nội và Giám thị Trại tạm giam số 1 Hà Nội để làm rõ việc này.

Trang Luật Khoa có bài: Hiểu về Thúy Nga trong 5 phút. Theo tác giả, nhà hoạt động Trần Thị Nga đã trải qua tuổi thơ và thời niên thiếu với nhiều khốn khó, cơ cực. Đi xuất khẩu lao động một thời gian rồi về nước, năm 2008, bà Nga chính thức bước vào con đường đấu tranh. Tác giả viết, “chị cũng là một trong những gương mặt đấu tranh nhân quyền mạnh mẽ nhất ở miền Bắc”, chị Nga đấu tranh trên hầu hết mọi lĩnh vực, từ vấn đề chính trị môi trường, từ hình sự đến dân sự.

Tác giả ghi nhận, vì bà Nga là một nhà hoạt động tiền phương, nên bà đã nhiều lần bị an ninh hành hung, thậm chí cả lúc mang thai. Dù làm Đảng mất lòng, nhưng bà lại được lòng dân.

Trang Hội SVNQ Việt Nam có bài: Từ đàn áp “biểu tình” đến giữ chức Bí thư Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh. Tác giả cho biết, có lẽ nhờ lập “thành tích” đánh đập, đàn áp người biểu tình ôn hòa chống Formosa vào tháng 03/2017, ông Phạm Hồng Sơn chính thức được bầu làm Bí thư Thành đoàn TP HCM nhiệm kỳ 2015 – 2020 trong buộc bổ phiếu ngày 20/06/2017.

Tác giả cho rằng: “Việc ông Phạm Hồng Sơn nắm giữ chức Bí thư thành đoàn Tp. Hồ Chí Minh báo hiệu, việc sử dụng thanh niên màu áo xanh để “dập tắt” biểu tình trong thời gian tới sẽ là một xu hướng lớn (thay cho lực lượng vũ trang, bán vũ trang – dân phòng vốn gây nhiều tai tiếng)”.


Hồ sơ Đồng Tâm
Trang Tiếng Dân có bài của tác giả Nguyễn Đăng Quang: Mất Đảng. Tác giả nhắc lại việc nhà thơ Thái Bá Tân, khi nghe bác Tổng tuyên bố “mất chế độ là mất tất cả” đã làm bài thơ hồi đáp có đoạn: “Đảng chỉ là tổ chức/ Bé nhỏ và nhất thời/ Nhân dân và tổ quốc/ Mới vạn đại, muôn đời”, và liên tưởng những ý chính trong bài thơ này với việc cô Nguyễn Thị Lan, là người vừa bị cách chức Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm vì tội “từ chối tuân theo chỉ đạo của Đảng mà lại đứng ra bảo vệ Dân”.

Theo tác giả, “có lẽ đây là lần đầu tiên, một đảng viên bị Đảng Cộng sản Việt Nam thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ và tước bỏ mọi chức vụ, lại được người dân tung hô, biết ơn và ngợi ca như vậy”.


Khi thương hiệu Việt vào tay người Thái
Báo VnExpress đưa tin: Công ty của tỷ phú Thái Lan chính thức sở hữu Sabeco. Bài viết cho biết, sau phiên đấu giá 53,59% cổ phần của Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) chiều 18/12/2017, “Công ty TNHH Vietnam Beverage – doanh nghiệp có liên quan tới tỷ phú Thái Lan đã mua 343,6 triệu cổ phần” và trở thành chủ sở hữu chính thức của thương hiệu Sabeco.

“Tỷ phú Thái Lan” ở đây là ông Charoen Sirivadhanabhakdi, là người nắm quyền kiểm soát Tập đoàn F&N Dairy Investments (tập đoàn sở hữu gián tiếp Công ty Vietnam Beverage). F&N Dairy Investments hiện cũng đang “sở hữu hơn 19% tại doanh nghiệp chiếm thị phần sữa lớn nhất Việt Nam”.

Blogger Phương Thơ có bài bình luận: Khi Thailand chính thức tước đoạt quyền sở hữu thương hiệu Sabeco của VN. Tác giả giải thích, bởi vì Vietnam Beverage đã mua được 53% cổ phần Công ty Bia Sài Gòn, nên thương hiệu này mặc nhiên rơi vào tay của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi. Theo tác giả, “trước mắt chính phủ VN thì có thể kiếm ra một mớ tiền chứ về dài thì sẽ thất thu ngân sách, vì bán hết các công ty của mình cho thiên hạ quản lý rồi còn đòi thu thuế 100% cái gì nữa”.

Tác giả dẫn ra việc chính phủ Hàn Quốc cố gắng kiểm soát các thương hiệu của người Hàn Quốc, ngay cả trong lúc tài chính khó khăn, và nhấn mạnh, “một quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh hay không thì người ta đo bằng thước đo chính xác nhất đó là quốc gia đó đang sở hữu bao nhiêu thương hiệu chi phối thị trường trong nước và quốc tế”.

Nhà báo Bạch Hoàn cho biết“Nhà nước đã thu về 110.000 tỉ đồng. Số tiền này có thể dùng để đầu tự hạ tầng, nền tảng cho phát triển kinh tế, hoặc cũng có thể dùng để trả nợ công, hạn chế tình trạng vay nợ mới trả nợ cũ”.


Tin quốc tế

Chính trường Mỹ
VOA đưa tin: TT Trump sắp công bố Chiến lược An ninh Quốc gia. Chiến lược An ninh Quốc gia của người tiền nhiệm, TT Obama nhấn mạnh việc thúc đẩy và bảo vệ dân chủ và nhân quyền. Trong khi ông Trump thì không “áp đặt dân chủ”.

Một giới chức cao cấp trong chính quyền Trump cho nói rằng: “Chúng tôi đề cập đến tất cả các thành phần dẫn tới việc kiến tạo một nền dân chủ: lòng khoan dung, tự do và tự do tôn giáo. Nhưng xây dựng thêm lên từ nguyện vọng của các đối tác của Mỹ trong khu vực, chúng tôi không áp đặt lối sống của chúng tôi, vì vậy chúng tôi không áp đặt dân chủ“.

RFI đưa tin: Mỹ: Trump khẳng định không cách chức công tố viên Mueller. Trừ khi ông Trump muốn tự cưa cái ghế của mình, ông ta sẽ cách chức công tố viên Robert Mueller. Trong khi FBI đang điều tra vụ Nga phá hoại bầu cử ở Mỹ, Trump đã sa thải Giám đốc FBI James Comey, làm cho tình hình rối ren hơn. Phó Bộ trưởng Tư pháp, ông Rod Jay Rosenstein đã phải bổ nhiệm ông Mueller làm công tố viên đặc biệt, tiếp tục công việc điều tra.

Ông Mueller đã cho khởi tố nhiều tay chân thân tín của ông Trump, trong đó có tướng ba sao Michael Flynn, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia. Ông Flynn đã nhận tội khai gian với FBI và chấp nhận hợp tác với nhóm điều tra, có thể khai ra nhiều sự kiện quan trọng, làm lung lay cái ghế tổng thống của Trump. Nếu Trump cách chức ông Mueller, khả năng Trump phải rời khỏi ghế tổng thống sớm hơn.

Nhiều đại biểu Dân Chủ bất bình trước hàng loạt cáo buộc nhằm hạ uy tín công tố viên Mueller vào lúc cuộc điều tra đang tiến triển. Ông Eric Holder, nguyên bộ trưởng Tư Pháp thời tổng thống Barack Obama hôm qua kêu gọi người dân Mỹ xuống đường hàng loạt để phản đối nếu Donald Trump vượt qua lằn ranh đỏ – cách chức ông Mueller”.

RFI có bài: Vài câu hỏi xung quanh việc Mỹ hủy nguyên tắc trung lập internet. Có vẻ như Tổng thống Trump chỉ muốn phá bỏ tất cả những di sản mà người tiền nhiệm đã tạo ra, từ ObamaCare cho tới chương trình nhập cư qua giấc mơ Mỹ DACA, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, và bây giờ là quy tắc “tính trung lập internet”. Nhiều ý kiến cho rằng, hủy bỏ nguyên tắc trung lập internet, sẽ tạo cạnh tranh bất bình đẳng giữa các nhà mạng. 

Hủy bỏ “tính trung lập internet” chưa biết “có mang lại lợi ích cho người sử dụng hay không, nhưng đó là chiếc ‘chìa khóa internet bằng vàng’ để một nhóm nhỏ các công ty đa quốc gia giàu có thống trị hệ thống thông tin toàn cầu“. Chưởng lý bang New York, ông Eric Schneiderman cho biết sẽ phối hợp với các tiểu bang khác ở Mỹ để kiện quyết định này.


Bắc Hàn
VOA có bài: ‘Thăng trầm’ trong chính sách áp lực tối đa lên Triều Tiên. TT Trump đã hăm he Bắc Hàn trước khi ngồi vào cái ghế tổng thống, nhưng gần một năm qua, Trump vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm chuyện nước này phát triển vũ khí hạt nhân. Nhà phân tích John Delury, Trường đại học Yonsei, Seoul nói: “Ông đã nâng cao tất cả những hy vọng về điều ông sẽ làm đối với Triều Tiên. Và nếu ông không làm những điều này thì uy tín ông bị đe dọa nghiêm trọng”.

VOA cho biết: Ông Trump chưa tìm ra giải pháp về Triều Tiên. “Trong chiến lược an ninh mới, Tổng thống Mỹ dự kiến chỉ trích sức mạnh tài chánh đang gia tăng của Bắc Kinh như là một đe dọa an ninh quốc gia và sự chỉ trích này cho thấy có thể Mỹ sắp có hành động về thuế quan liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và các vấn đề khác. Đồng thời, các phụ tá của Tổng thống cho hay Mỹ cần được Trung Quốc giúp về vấn đề Triều Tiên“.

Cũng VOA đưa tin: TQ: chiến tranh Triều Tiên có thể nổ ra trước tháng 3/2018. Trung tướng TQ, Vương Công Quảng nói rằng, “Bắc Kinh nên đưa quân tới biên giới với đất nước hiếu chiến theo mô hình Stalinist này để chuẩn bị cho một cuộc xung đột có thể nổ ra bất cứ lúc nào trong thời gian từ nay đến tháng 3/2018“.


Khủng hoảng Rohingya
Về cuộc khủng hoảng sắc tộc ở Myanmar, BBC có bài của phóng viên Justin Rowlatt: Bà Suu Kyi phải đối mặt với án diệt chủng? Ông Zeid Ra’ad Al Hussein là người đứng đầu cơ quan theo dõi về nhân quyền trên toàn thế giới của LHQ, đã nêu câu hỏi này và đặt vấn đề trách nhiệm của bà Aung San Suu Kyi, khôi nguyên giải Nobel Hòa Bình.

Nhưng ông Hussein cũng biết rằng, để kết án người nào đó tội diệt chủng thì không phải dễ, vì người lên kế hoạch diệt chủng, thường không ra lệnh bằng văn bản, nên rất khó tìm bằng chứng. Ông Hussein nói: “Khả năng có bằng chứng là thấp. Nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên trong tương lai nếu tòa án đưa ra kết luận như vậy dựa trên những gì chúng ta chứng kiến“.


Trung Quốc
RFI đưa tin: Trung Quốc bắt nghệ sĩ tố cáo vụ trục xuất người nghèo ở Bắc Kinh. Dẫn nguồn từ AFP, cho biết, Nghệ sĩ Hoa Dũng (Hua Yong) ở Bắc Kinh đã bị công an Trung Quốc bắt giam, sau khi ghi hình các vụ hàng loạt người lao động nhập cư bị trục xuất khỏi Bắc Kinh. “Một tuần trước khi biến mất, ông Hoa Dũng đã đăng tải mấy chục video lên YouTube và mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, cho thấy việc phá hủy thô bạo các khu nhà của người nhập cư ở ngoại ô Bắc Kinh“.







No comments:

Post a Comment

View My Stats