Wednesday, 1 November 2017

VIỆT NAM KHÔNG THOÁT KHỎI TẦM NHÌN QUỐC TẾ VỀ NHÂN QUYỀN (Tổng hợp từ RFA tiếng Việt)




Tổng hợp  từ RFA tiếng Việt
01/11/2017

Dân biểu Liên bang Úc thúc giục Việt Nam trả tự do cho tù chính trị
(RFA, 01/11/2017)

Dân biểu Liên bang Úc, ông Chris Hayes, vào ngày 1 tháng 11 lên tiếng  tham gia với dân biểu Tim Wilson về lá thư gửi cho Đại sứ Việt Nam tại Úc, ông Ngô Hướng Nam. Theo nội dung thư thì chỉ nội trong năm nay mà đã có đến hơn hai mươi nhà hoạt động bị bắt vì những tội danh rất mù mờ là âm mưu lật đổ nhà nước, hay tuyên truyền chống nhà nước.

Bà Cấn Thị Thêu, một nông dân đấu tranh đòi đất, nằm trong danh sách các dân biểu Úc yêu cầu Hà Nội trả tự do. Ảnh chụp tháng 11, 2016.  AFP

Ông Chris Hayes kèm theo văn thư của ông với chữ ký của hơn 20 chính khách Úc thuộc các đảng phái chính trị khác nhau, đồng tình việc thúc giục Việt Nam trả tự do cho những tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Kêu gọi Hà Nội tôn trọng các cam kết đã ký theo Công Ước Quốc tế Về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị.
Các dân biểu và chính khách Úc đưa ra một danh sách gồm những người mà nhà cầm quyền Việt Nam cần phải trả tự do, đó là ông Nguyễn Văn Đài, ông Phạm Văn Trội, ông Trương Minh Đức, ông Nguyễn Bắc Truyển, ông Nguyễn Trung Trực, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, ông Lê Đình Lượng, blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bà Trần Thị Nga, ông Nguyễn Văn Oai, bà Cấn Thị Thêu, ông Hồ Đức Hòa, bà Nguyễn Đặng Minh Mẫn, ông Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, ông Nguyễn Văn Hóa, ông Trần Huỳnh Duy Thức, và bà Trần Thị Thúy.
Trên trang web của Tòa Đại sứ Việt Nam tại Canberra chưa thấy có phản hồi gì về lá thư của hai dân biểu Chris Hayes và Tim Wilson.
Ông Chris Hayes cũng thông báo trên trang web của ông là ông nhận được thư trả lời của bà Bộ trưởng Ngoại giao Úc, Julie Bishop, về trường hợp xin qui chế tị nạn chính trị tại Úc của cựu tù chính trị Trần Minh Nhật.
Bà Bishop nói rằng chính phủ Úc đang làm việc chặt chẽ với Cao ủy tị nạn của Liên Hiệp Quốc tại Thái Lan, nơi thụ lý nhiều hồ sơ xin tị nạn của người Việt Nam. Bà Ngoại trưởng nhấn mạnh rằng Chính phủ Úc luôn đặt ưu tiên giúp đỡ những người bị đàn áp về nhân quyền, và không còn đường về quê hương xứ sở.
Bà nói rằng nếu ông Trần Minh Nhật có nguyện vọng tị nạn tại Úc thì ông sẽ làm đơn xin thị thực một khi qui chế tị nạn của ông được Cao ủy tị nạn Liên Hiệp Quốc chấp nhận.
Ông Trần Minh Nhật là một trong số 14 thanh niên Công giáo và Tin lành bị nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù vào năm 2012.

*************

Xử lý gần 200 trường hợp người khiếu nại gây rối  
(RFA, 01/11/2017)

Công an Thành phố Hồ Chí Minh vào sáng ngày 1 tháng 11 tiến hành hội nghị tổng kết 3 năm thực hiện Luật tiếp dân trên địa bàn.

Hơn 150 nông dân biểu tình bên ngoài văn phòng Quốc hội tại Hà Nội hôm 16/1/2007 do chính quyền địa phương thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây tịch thu ruộng đất của họ vào cuối năm 2005 nhưng không bồi thường thỏa đáng.  AFP

Theo báo cáo chính thức thì suốt thời gian 3 năm thực thi luật vừa nêu, cơ quan chức năng tổ chức gần 140 ngàn lượt tiếp công dân đến để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.
Trong số này cơ quan chức năng lập gần 100 biên bản về hành vi bị cho là vi phạm như quá khích, kích động, gây rối… đối với 16 cá nhân. Những người này bị nói vi phạm nhiều lần. Bên cạnh đó báo cáo nói có một tập thể gồm gần 30 người dân được nói vi phạm 1 lần.
Công an thành phố Hồ Chí Minh cũng báo cáo đã phối hợp với công an các tỉnh xử lý hình sự ba trường hợp mà họ cho là tham gia tổ chức chính trị phản động, 22 trường hợp bị cho có hành vi gây rối, tấn công lực lượng chức năng ; xử lý hành chính hơn 160 trường hợp bị cho gây rối trật tự công cộng.
Một người dân lâu nay phải đi khiếu kiện đất đai cho biết ý kiến sau khi nghe tin tổng kết từ Công an Thành phố Hồ Chí Minh như vừa nêu :
"Dân bức xúc chỉ biết đi khiếu kiện thôi ; nhưng đến họ đâu có tiếp. Mình phải chụp hình người nhận đơn để làm bằng chứng sau này ; còn họ qui kết thì dân nào mà gây rối trật tự".
Dự báo được đưa ra tại hội nghị là trong thời gian tới sẽ có nhiều đối tượng mà những người tham gia hội nghị cho là ‘xấu, kích động, biến mâu thuẫn dân sự thành mâu thuẫn đối kháng với chính quyền làm cho hoạt động khiếu kiện của người dân trở nên phức tạp hơn, ảnh hưởng đến trật tự an ninh của thành phố’.
Lý do được thừa nhận là những dự án quy hoạch ở thành phố sẽ ảnh hưởng nhiều đến người dân dẫn đến việc khiếu kiện. Đặc biệt là những cơn sốt bất động sản.
Hiện nay tại những cơ quan tiếp dân thuộc trung ương ở Hà Nội và Sài Gòn luôn có những người dân phải chầu chực để được giải quyết trường hợp mà họ cho là oan sai và không được cơ quan chức năng địa phương giải quyết thỏa đáng, thậm chí bị đùn đẩy trách nhiệm qua nhiều năm trời.

******************

Kết thúc điều tra nhà hoạt động Hoàng Đức Bình 
(RFA, 01/11/2017)

Vụ việc đối với nhà hoạt động công đoàn độc lập và môi trường Hoàng Đức Bình kết thúc giai đoạn điều tra vào ngày 30 tháng 10 và Cơ quan Cảnh sát Điều Tra Công An tỉnh Nghệ An chuyển hồ sơ sang cho Viện Kiểm Sát tỉnh này với đề nghị truy tố theo khoản 2, điều 258 Bộ Luật Hình Sự Việt Nam.

Các nhà hoạt động dân chủ Bạch Hồng Quyền (trái) và Hoàng Đức Bình. Courtesy chantroimoimedia.com

Tội danh theo điều này được nói là ‘lợi dụng các quyền tự do- dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân’ Nếu bị kết tội này theo khoản 2 là ‘nghiêm trọng’, hình phạt có thể từ hai đến 7 năm.
Luật sư Hà Huy Sơn, người nhận bào chữa cho nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, xác nhận với Đài Á Châu Tự Do về tin vừa nêu vào chiều ngày 1 tháng 11 :
"Vâng thông tin ấy là đúng, tôi đã nhận được kết luận điều tra rồi, người ta kết thúc từ ngày 30 tháng 10.  Gia đình cũng biết rồi nhưng chưa biết ý kiến gia đình sao cả.  Còn đối với anh Hoàng Bình thì, hai tuần nay các luật sư chưa được gặp. Hai tuần trước thì luật sư Lê Văn Luân gặp, chứ tôi thì không gặp.  Theo luật sư Lê Văn Luân cho biết lại thì sức khỏe cũng bình thường thôi".
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình, 34 tuổi, bị bắt vào ngày 15 tháng 5 vừa qua, tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An khi đang đi trên một chiếc xe cùng linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục.
Những người chứng kiến cho biết việc bắt giữ diễn ra mà không có lệnh bắt, không có biên bản. Chừng một chục người gồm cả công an sắc phục và những người mặc thường phục dùng vũ lực mở cửa xe rồi lôi nhà hoạt động Hoàng Đức Bình đi.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình là phó chủ tịch tổ chức dân sự độc lập có tên ‘Phong Trào Lao Động Việt’ có tôn chỉ giúp cho người công nhân đấu tranh đòi hỏi những quyền lợi chính đáng. Ngoài ra, trong thảm họa môi trường biển do nhà máy thép Formosa gây nên, nhà hoạt động Hoàng Đức Bình cũng tham gia lên tiếng cùng những nạn nhân. Anh Hoàng Đức Bình cũng là một thành viên của nhóm ‘No-U Saigon’ ; đây là nhóm dân sự độc lập chống đường lưỡi bò mà Trung Quốc đơn phương vạch ra ở Biển Đông để tuyên bố chủ quyền gần như 90% vùng biển có tuyến hàng hải quan trọng này.
Nhà hoạt động Hoàng Đức Bình là một trong những trường hợp bị chính quyền Hà Nội bắt giữ từ đầu năm đến nay mà các tổ chức theo dõi nhân quyền cho là đợt trấn áp mạnh mẽ tại Việt Nam sau đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 và trước Hội nghị Cấp cao APEC sắp diễn ra tại Đà Nẵng.

VIDEO :
Thời sự tối 1/11/2017 | Kết thúc điều tra nhà hoạt động Hoàng Đức Bình © Official RFA







No comments:

Post a Comment

View My Stats