Thursday 2 November 2017

TỔNG THỐNG MỸ CÔNG DU CHÂU Á MÀ "RUỘT GAN RỐI BỜI" (RFI Tiếng Việt)




Minh Anh – RFI
Đăng ngày 02-11-2017 

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuần này bắt đầu một chuyến công du châu Á dài 12 ngày (03/11-14/11/2017). Một chuyến đi đầy khó khăn trong bối cảnh uy tín của ông Trump đang bị suy giảm cả trong lẫn ngoài nước.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Dallas, Texas, ngày 25/10/2017REUTERS/Kevin Lamarque/File Photo

Trong vòng 12 ngày, tổng thống Mỹ lần lượt ghé thăm Hawai – tiền đồn quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương, Nhật Bản và Hàn Quốc – hai quốc gia đồng minh Đông Bắc Á; ghé thăm chính thức Trung Quốc gặp Tập Cận Bình, trước khi đến Việt Nam dự thượng đỉnh APEC và Philippines mừng sự kiện 50 năm thành lập khối ASEAN và 40 năm hợp tác Hoa Kỳ - ASEAN.

Đây là chuyến công du châu Á dài hơi nhất của một vị tổng thống Mỹ kể từ thời ông George H.W. Bush năm 1991. Nếu như với các quốc gia trong khu vực, chuyến công du này như là một lời bảo đảm sự dấn thân nghiêm túc của Washington trong khu vực, thì theo nhận định của giới phân tích, ít nhất có 4 thách thức lớn đang chờ đợi nguyên thủ Mỹ.

Thứ nhất, trên lĩnh vực kinh tế, ông Donald Trump làm thế nào để có thể ngăn chận đà ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực khi mà ông đã cho rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, một trong những biện pháp chủ đạo trong chính sách "xoay trục sang châu Á" của người tiền nhiệm Barack Obama ?

Đối với Bắc Kinh, Hoa Kỳ rút khỏi TPP là một món "lộc trời cho". Có một điều chắc chắn, tại Trung Quốc, tổng thống Mỹ sẽ được đón tiếp long trọng và nồng hậu, nhưng ông sẽ không nhận được một sự nhượng bộ nào từ Tập Cận Bình. Giờ đây, mọi chú ý sẽ được tập trung vào bài diễn văn của tổng thống Mỹ tại thượng đỉnh APEC Việt Nam, trình bày tầm nhìn của ông về "một khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và mở rộng".

Thứ hai là hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Liệu rằng tổng thống Donald Trump có trấn an được hai đồng minh Đông Bắc Á Nhật Bản và Hàn Quốc trước mối đe dọa hạt nhân Bắc Triều Tiên hay không ? Chưa có lúc nào lòng tin vào nguyên thủ Mỹ sụt giảm thê thảm như vậy. Người dân hai nước cảm thấy bất an về tính khí thất thường và những phát ngôn theo cảm hứng từ nhà lãnh đạo quốc gia đồng minh lớn của họ. Ông Scott Snyder, thuộc Hội Đồng Cố Vấn Quan Hệ Đối Ngoại, có trụ sở tại New York cho rằng: "Người dân Hàn Quốc muốn được trấn an là Hoa Kỳ sẽ không lôi kéo họ vào một cuộc chiến quá sớm và vô ích".

Thách thức thứ ba là vấn đề nhân quyền. Tại Manila, tổng thống Mỹ sẽ có cuộc gặp với đồng nhiệm Philippines Rodrigo Duterte, một nhân vật gây nhiều tranh cãi, bị giới đấu tranh nhân quyền chỉ trích mạnh mẽ vì chiến dịch bài trừ ma túy đẫm máu. Ai sẽ còn nghe theo Mỹ khi mà bản thân ông Trump lại có những lời lẽ hòa dịu ca ngợi ông Duterte, thực hiện "một công việc chống ma túy ngoài sức tưởng tượng".

Cuối cùng, tổng thống Mỹ có thể dành toàn tâm toàn ý cho chuyến công du châu Á này hay không ? Cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016 đã có những tiến triển bất ngờ. Ba cựu cố vấn của tổng thống Mỹ bị khởi tố với các tội danh âm mưu chống Hoa Kỳ, rửa tiền, khai gian, không khai báo tài khoản ở nước ngoài và nói dối các nhà điều tra FBI hòng che giấu các mối liên hệ với các nhà trung gian Nga.

Nói tóm lại, chưa có một chuyến công du châu Á nào của một nguyên thủ Mỹ lại gây hồi hộp như lúc này. Châu Á chờ đón Trump trong trạng thái lo lắng, ngờ vực và khó chịu. Ngược lại, Donald Trump đến với châu Á mà "lòng dạ bất an". Với những tình tiết bất ngờ trong vụ điều tra Nga can thiệp bầu cử, liệu rằng trong 12 ngày đó, tổng thống Mỹ có sẽ từ bỏ được những dòng tweet sáng sớm mai hay không ?

------------------------------------

Trọng Nghĩa  -  RFI
Thứ Năm, ngày 02 tháng 11 năm 2017

Bắt đầu từ ngày mai, 03/11/2017, ông Donald Trump lên đường khởi sự vòng công du châu Á đầu tiên trong cương vị tổng thống Mỹ. Theo chương trình dự kiến, ông sẽ bắt đầu bằng khu vực Đông Bắc Á, thăm ba nước Nhật Bản, Hàn Quốc rồi Trung Quốc. Sau đó, ông sẽ ngược xuống vùng Đông Nam Á, ghé Việt Nam tham dự Thượng Đỉnh APEC ở Đà Nẵng rồi ra Hà Nội tiếp xúc với giới lãnh đạo Việt Nam, trước khi qua Philippines dự Thượng Đỉnh của hiệp hội Đông Nam Á ASEAN.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và ngoại trưởng Rex Tillerson (T). Ảnh tại Nhà Trắng, ngày 01/11/2017.REUTERS/Kevin Lamarq

Với một loạt vấn đề chồng chất, từ tên lửa, hạt nhân Bắc Triều Tiên, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, cho đến thâm hụt thương mại với Trung Quốc, khủng bố hoành hành ở Philippines, biết bao vấn đề đang là những thách thức đặt ra cho người đứng đầu nước tự nhận mình là cường quốc Thái Bình Dương, mà nhất cử nhất động trong vòng công du sẽ được theo dõi, mổ xẻ.

Trả lời phỏng vấn của RFI Việt Ngữ, giáo sư Carlyle Thayer thuộc Học Viện Quốc Phòng Úc đã vui lòng chia sẻ các nhận định của ông về một số thách thức đặt ra cho tổng thống Mỹ, phải lao vào một môi trường đa phương trong lúc bản thân lại chủ trương song phương và Nước Mỹ Trên Hết – America First.

Giáo sư Thayer:Thách thức chính mà ông Donald Trump phải đối mặt trong chuyến đi Châu Á là thuyết phục các quốc gia trong khu vực rằng Hoa Kỳ vẫn tích cưc dấn thân một cách xây dựng vào khu vực, và chứng tỏ tư thế lãnh đạo trong nhiều lãnh vực - từ kinh tế, chính trị, đến ngoại giao và quân sự - các lãnh vực mà các quốc gia khu vực sẽ theo đuổi.
Liên quan đến các vấn đề kể trên, thách thức đối với tổng thống Trump là làm sao xử lý một cách đa phương các vấn đề đó, và tôn trọng thay vì phá hoại các định chế đa phương sẵn có như APEC, ASEAN và quan trọng hơn hết là Thượng Đỉnh Đông Á EAS.

RFI: Còn đối với khu vực, họ chờ đợi gì nơi ông Trump và chính quyền Mỹ ?
Giáo sư Thayer: Ở Đông Bắc Á thì rõ ràng là Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ hoan nghênh lời tái khẳng định của tổng thống Trump chống phổ biến hạt nhân ở Bắc Triều Tiên nhưng không đến mức tán đồng việc Mỹ đơn phương sử dụng sức mạnh quân sự.

Ở Trung Quốc thì Tập Cận Bình sẽ muốn ông Trump nói ra là ông sẽ đối đãi với Trung Quốc như một cường quốc ngang hàng và hai bên cùng làm việc với nhau, thứ nhất là để giải quyết hồ sơ Bắc Triều Tiên một cách hòa bình và thứ hai là cùng nhau giải quyết các vấn đề kinh tế chứ không phải là một cách đơn phương.

Ở Đông Nam Á, các nước trong khu vực muốn thấy tổng thống Mỹ hỗ trợ một cách mạnh mẽ quyền tự chủ của ASEAN trong khu vực và vị trí trung tâm của hiệp hội Đông Nam Á trên các vấn đề an ninh khu vực. Họ cũng muốn thấy tổng thống Mỹ cam kết là sẽ để cho nước Mỹ hỗ trợ một cách cụ thể công cuộc xây dựng cộng đồng ASEAN và sự hội nhập kinh tế.

RFI : Sự kiện tổng thống Trump vắng bóng tại Thượng Đỉnh Đông Á phải chăng là một tín hiệu xấu đối với các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Châu Á ?
Giáo sư Thayer:Quyết định vào giờ chót của ông Trump là rời Manila trở về Mỹ sớm và bỏ qua Thượng Đỉnh Đông Á là một sai lầm lớn của chính quyền của ông. EAS tập hợp không chỉ 10 thành viên của ASEAN mà còn có các đồng minh của Mỹ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và các đối tác như Ấn Độ, New Zealand, cũng như Trung Quốc và Nga.

Từ lâu các đồng minh và đối tác của Mỹ hy vọng EAS sẽ trở thành một diễn đàn thực thụ của các lãnh đạo, bàn thảo, xử lý các vấn đề, các thách thức về an ninh qua sự liên kết giữa các định chế đa phương của ASEAN, như Hội Nghị Bộ Trưởng Quốc Phòng mở rộng và Thượng Đỉnh EAS.

Hoa Kỳ luôn tuyên bố mình là một cường quốc Thái Bình Dương, còn Trung Quốc thì khẳng định rằng Mỹ là nước ở bên ngoài. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình giờ đây có thể phát biểu tại Thượng Đỉnh với một chiếc ghế bỏ trống. Hành động của ông Trump sẽ có tiếng vang lớn hơn là lời lẽ của ông.

RFI: Tổng thống Trump sẽ viếng thăm Việt Nam, ông ấy có thể ‘mang’ cái gì đến cho Hà Nội ?
Giáo sư Thayer:Ông Trump sẽ dừng chân 2 lần ở Việt Nam. Lần đầu là ở Đà Nẵng để dự Thượng Đỉnh APEC. Ông Trump sẽ phát biểu tại Diễn Đàn APEC-CEO, và sẽ cổ vũ cho những thỏa thuận tự do mậu dịch tiêu chuẩn cao được xem như nền tảng cho quan hệ kinh tế với Hoa Kỳ. Lần thứ nhì là chuyến viếng thăm chính thức Hà Nội.

Chuyến công du Việt Nam của ông Trump tiếp nối ngay theo chuyến thăm Mỹ của thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo chính phủ Đông Nam Á đầu tiên chính thức thăm Washington sau ngày ông Trump nhậm chức.

Tổng thống Trump sẽ mang thêm cho Việt Nam sự đảm bảo là Hoa Kỳ vẫn tôn trọng cam kết phát triển công cuộc đối tác toàn diện mà chính quyền trước của ông Obama đã đồng ý. Ông Trump sẽ nhấn mạnh trên sự tương đồng quan điểm chiến lược giữa hai quốc gia, và những cơ hội trước mắt đối với cả hai bên, kể cả trong việc tăng cường sự tương tác giữa hai chính phủ ở mọi cấp, tăng cường hợp tác an ninh, quốc phòng, trao đổi khoa học, công nghệ và giáo dục, và cả về di sản chiến tranh (chất độc da cam, bom mìn chưa nổ).

Ông cũng sẽ nói là Hoa Kỳ hậu thuẫn cho một trật tự dựa trên cơ sở luật pháp và một giải pháp hòa bình ở Biển Đông. Và cuối cùng thì tổng thống Mỹ sẽ hỗ trợ cho các công ty Mỹ vào Việt Nam đầu tư, trao đổi thương mại, để hai bên cùng hưởng lợi.

RFI: Đâu là những lãnh vực mà Việt Nam có thể tranh thủ nhân chuyến thăm của ông Trump ?
Giáo sư Thayer:Trên bình diện chung, Việt Nam sẽ tuyên bố ủng hộ các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc trên Bắc Triều Tiên để nước này ngưng việc phổ biến hạt nhân ; ủng hộ việc chống khủng bố, chống tin tặc và ủng hộ quyền tự do hàng hải và hàng không của Mỹ trên Biển Đông.

Riêng về Việt Nam, Hà Nội sẽ tái khẳng định cam kết cải tổ kinh tế để các tập đoàn Mỹ có thể hoạt động tốt hơn ở Việt Nam. Nhất là các lãnh đạo Việt Nam rất có thể sẽ cho thấy thiện chí sẵn sàng giải quyết những vấn đề ưu tiên kinh tế mà các nhà đàm phán thương mại Mỹ nêu lên, như bảo vệ quyền sở hữu tri thức, du nhập thuốc thú y và dịch vụ Mỹ (như tài chính, quảng cáo, và chuyển vùng điện thoại di động roaming).

Lãnh đạo Việt Nam cũng sẽ nhấn mạnh đến hợp tác trong công nghệ quốc phòng.

RFI: Nhiều nhà phân tích cho rằng vấn đề Biển Đông chỉ là thứ yếu trong các ưu tiên của Mỹ ? Ông nghĩ thế nào ?
Giáo sư Thayer:Cả ông Trump lẫn các bộ trưởng Ngoại Giao, Quốc Phòng đều chỉ trích việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông. Nhưng họ không đưa ra được một chiến lược nhất quán để ngăn chận các hành động quyết đoán của Trung Quốc.

Mỹ đã phản ứng trước việc Bắc Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân bằng cách thông qua chính sách Northeast Asia First – Đông Á trước đã – qua đó hạ thấp vấn đề tranh chấp ở Biển Đông trong danh sách các ưu tiên. Câu hỏi khó giải đáp đối với ông Trump là ông có thể thành công trong việc gây sức ép trên Trung Quốc hay không, cả về hồ sơ Bắc Triều Tiên lẫn Biển Đông, mà không gây ra phản ứng kháng cự của Trung Quốc hay yêu cầu là phải có đi có lại ?

Tổng thống Trump đã đi theo chính sách chung của Mỹ về Biển Đông khi ông tiếp hai thủ tướng Việt Nam và Singapore. Đó là chủ trương ủng hộ giải pháp hòa bình cho tranh chấp lãnh thổ trên cơ sở luật quốc tế, gồm luật biển UNCLOS, tôn trọng tiến trình pháp lý và ngoại giao, đúc kết sớm bộ Quy Tắc Ứng Xử, bảo đảm tự do lưu thông hàng hải và hàng không.

Vào tháng 5, tổng thống Trump đã thông qua một kế hoạch thường niên mới về các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở Biển Đông, nhắm thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc và những quốc gia khác.






No comments:

Post a Comment

View My Stats