Tuesday 7 November 2017

SÚNG ĐẠN GIẾT NGƯỜI hay NGƯỜI GIẾT NGƯỜI ? (T.Vấn)




11/06/2017

Người chết vì súng đạn ở một nước Mỹ thanh bình đã trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”. Mỗi khi có một vụ người chết vì súng đạn, người dân Mỹ tuy có đau xót, có buồn lo, nhưng họ không còn ngạc nhiên nữa. Ai cũng biết và thậm chí sẵn sàng tiên đoán (mà không sợ mình sai), rằng rồi đây sẽ lại có những vụ việc tương tự xẩy ra. Người ta chỉ không biết chúng sẽ xẩy ra nơi đâu trên nước Mỹ và tầm mức lớn nhỏ của sự thiệt hại (về mạng người).

Mới đây nhất, tại một ngôi nhà thờ nhỏ bé tọa lạc trong một thành phố nhỏ bé của tiểu bang Texas rộng mênh mông, có gã tâm thần đã xách súng liên thanh AR-15 bước vào nơi thờ phượng nghiêm trang này rồi chỉa thẳng vào đám người đang đọc kinh cầu nguyện mà bóp cò. 26 người chết. Gần 30 người bị thương. Trong số tử vong, có phụ nữ, người già, em nhỏ.
Sau đó, gã tâm thần bỏ chạy. Bị dí theo, khi hết đường thoát, gã chỉa súng tự kết liễu đời mình.

Dư luận Mỹ lại bị một phen hoảng vía. Thêm nỗi phập phồng lo sợ bao giờ thì đến lượt mình, con cháu mình, người thân yêu của mình. Dường như trên đất nước Mỹ thanh bình mấy trăm năm nay, đã không còn chỗ nào được coi là bình an nữa. Ngay đến nhà thờ, nơi trang nghiêm thờ phượng, còn có cảnh máu chảy thịt rơi hàng loạt, nói gì đến những nơi công cộng khác.

Hoảng vía thì cứ hoảng vía. Phập phồng lo sợ thì cứ phập phồng lo sợ. Các giới chức thẩm quyền thì vẫn lại giở bản văn cũ viết sẵn từ đời tám hoảnh ra gởi cho báo chí hoặc chính mình lên truyền hình đãi bôi: “Chúng tôi vô cùng chua xót trước cuộc thảm sát vô nghĩa . . . xin gởi lời chia buồn và cầu nguyện đến các gia đình nạn nhân v…v.”

Chỉ cho đến khi chính mình hay người thân yêu trở thành nạn nhân. Sớm muộn rồi thì ai cũng sẽ được/bị tới phiên, nếu cứ cái đà này của vụ việc.

Của đáng tội, cũng có anh cầm quyền vì quá “bức xúc” mà lên ngay truyền hình hô hào “chúng ta phải làm một cái gì đó, không thể ngồi yên chờ chết được nữa. . .”. Với anh chức sắc tiểu bang (Texas) quá “bức xúc” này, việc cần phải làm là phải mua thêm súng đạn trang bị cho mọi người, cho các viên chức nhà thờ, khuyến khích các công dân khi đi nhà thờ nhớ mang theo súng để có thể sẵn sàng phơ lại ngay những tên tâm thần nào có hành động tương tự, hầu giảm bớt thiệt hại nhân mạng. Nói cách khác, mặc dù ở trong nhà Chúa, nhưng không nhất thiết phải nghe lời Chúa dậy rằng “kẻ nào đánh con má phải, hãy chìa má trái cho nó đánh tiếp”, mà cứ việc “bánh ít đi bánh quy lại”, phơ ngay cho mấy thằng điên chết phứt, cứu bao nhiêu mạng người mà còn được lên truyền hình truyền thanh làm anh hùng cả nước Mỹ.

Ôi nỗi cùng quẫn của những kẻ biết mình bất lực, nhưng lại không dám đối diện với lương tâm mình mà thẳng thắn với chính mình một lần cuối, trước khi (có thể) mình sẽ là một trong số những kẻ vô tội nằm quằn quại trên vũng máu kia, mắt trừng trừng không chịu nhắm vì không bao giờ biết câu trả lời cho câu hỏi: Tại Sao? Tại Sao? Tại Sao?

Còn tại sao nữa? Chính cái anh chịu trách nhiệm lớn nhất nước Mỹ về sự an nguy của cư dân nước mình, đang có mặt ở mảnh đất hiền lành trù phú Nhật Bản, nơi đặt việc sở hữu vũ khí sát thương của công dân ra ngoài vòng pháp luật, nơi mà con số thống kê năm 2014 đã cho sự so sánh hùng hồn: 6 người chết vì bạo lực súng đạn ở Nhật, tương phản với 33,599 người chết vì cùng nguyên nhân ở Mỹ trong cùng một thời kỳ. Những con số thống kê vốn không biết đãi bôi, không biết chơi trò chính trị kiếm phiếu chết người. Vậy mà cái anh già to đầu nhất nước Mỹ, vẫn bổn cũ soạn lại, rập khuôn lý sự cùn của bọn lái súng giàu sụ: Đừng đổ tội cho súng đạn. Súng đạn không giết người. Chính người giết người. Chính cái thằng tâm thần thú vật kia mới là kẻ chịu trách nhiệm.

Tôi ngờ rằng cả đời cái anh già to đầu này có bao giờ cầm tới quyển sách để biết đến con số thống kê so sánh giữa hai nước Mỹ và Nhật nói trên. Nếu biết, liệu anh ta có đủ ‘đỏ mặt” mà nói khác đi khi chính mình đang đứng trên mảnh đất của họ?

Thuở nhỏ, tôi sống trong một xóm nghèo ở khu đường rầy xe lửa Trần Quý Cáp, Sài Gòn. Cái xóm đã nghèo, lại còn đầy rẫy những tên du đãng mang những cái tên rất “du đãng”: Hai Gà, Tư Cá, Năm Thịt Heo . . . Thật tội nghiệp cho cha mẹ mấy đứa du đãng này, thằng Hai có tên Hai Gà vì nó thứ hai trong nhà và má nó bán gà vịt ngoài chợ Vườn Chuối. Tương tự như vậy là thằng Tư Cá (nó thứ tư, má nó bán cá), thằng Năm Thịt Heo (nó thứ năm, má nó bán thịt heo). Cha mẹ chúng hiền lành chí thú làm ăn, còn tụi nó lêu lổng, đâm thuê chém mướn lấy oai du đãng ăn quỵt nhậu quỵt bà con buôn bán chung quanh. Mỗi khi tụi nó có tranh chấp, hay muốn dằn mặt mấy người buôn bán không cho chúng ăn quỵt, là chúng dở trò đánh đấm, đâm chém. Không có dao để đâm, chúng giựt dao cắt thịt của mấy người bán phở, bán hủ tiếu. Có khi chúng quơ đại mấy chiếc ghế nhỏ trong các quán bình dân chung quanh. Sau mỗi một cuộc chiến, thiệt hại nặng nhất thường là về tài sản của mấy người buôn bán tội nghiệp trong xóm, chứ về người thì thỉnh thoảng mới có kẻ đổ máu vì dao chém, hay u đầu chảy máu vì mấy cái ghế ném trúng người. Mà nạn nhân cũng thường là giữa bọn du đãng với nhau.

Hãy tưởng tượng cũng cùng kịch bản “du đãng xóm nghèo Trần Quý Cáp” nói trên, nhưng bọn du đãng lúc nào cũng sẵn sàng súng ống, đạn dược như ở nước Mỹ ngày nay, thì kết quả sẽ ra sao? Tất nhiên, có người chết thì chính quyền không bao giờ để yên cho chúng hoành hành, nhưng trước khi chúng bị xộ khám thì cũng đã có biết bao người vô tội chết oan uổng.

Vấn đề là những kẻ tâm thần, mỗi khi lên cơn điên, chúng sẽ có thể quơ quào thứ gì làm vũ khí trong tay để giở trò điên? Nếu gã tâm thần trong câu chuyện vừa xẩy ra ở một thành phố của tiểu bang Texas, chỉ có thể vớ được con dao cùn trong bếp, chiếc rựa chặt cây ngoài nhà kho, thì con số thiệt hại về nhân mạng có lớn đến thế không? Kể cả liệu gã –tuy tâm thần- có dám xách dao vào nhà thờ tìm “bọn nhà vợ khốn kiếp” mà thanh toán cho hả cơn giận hay không? Không có cây súng máy trong tay, có thằng điên nào dám liều mạng giết người cho đã cơn thèm?

Người giết người thì đúng rồi. Không có thằng người bóp cò, thì cây súng vô tri cũng chỉ nằm yên như một cục đất hiền lành. Nhưng khi thằng người không còn là con người tỉnh táo, thì cây súng máy có khả năng giết người hàng loạt là một sự cám dỗ khó tha thứ. Khi ấy ai là người chịu trách nhiệm cho sự an nguy của những con người vô tội?
Gã tâm thần?
Cây súng vô tri vô giác?
Kẻ chế tạo ra cây súng?
Những kẻ cầm quyền, cầm luật, bảo vệ trật tự công cộng?

Nước Mỹ tranh cãi với nhau đã từ mấy chục năm nay về những câu hỏi trên mà vẫn chưa ngã ngũ, hay ít nhất có một bên khiến cho bên kia tâm phục khẩu phục.

Thế nên tìm cách mon men tiến đến gần một câu trả lời là hành động liều mạng vô kể.

Tôi, cũng như 300 triệu công dân nước Mỹ, đành cứ mỗi lần đến nơi công cộng (chợ búa, quán ăn, công viên, sở làm, phòng tập thể dục v. . v.), hay kể cả nhà thờ, nơi trang nghiêm thờ phượng tôn kính, đều dọn mình sẵn để chẳng may có việc gì xẩy ra thì mình cũng đã ăn năn tội với Thượng đế, với gia đình, với loài người rồi. Đến lúc ấy chắc tôi không còn hưỡn để mở trừng trừng mắt tự hỏi Tại Sao? Tại Sao? làm gì cho rách việc.

Nhưng trong sâu thẳm lòng mình, tôi không thể không rùng mình khi tưởng tượng người thân của mình ở trong số những nạn nhân của một kẻ tâm thần nào đó.

Chỉ nghĩ đến đó thôi là tôi không còn muốn viết thêm chút gì cho bản ghi chép vụn vặt vô nghĩa này.

T.Vấn
Nov. 6, 2017

------------------------------------

LIÊN QUAN

Jun 13, 2016 

October 5, 2017








No comments:

Post a Comment

View My Stats