Tuesday 7 November 2017

"PARADISE PAPERS" : MỘT VỤ LÁCH LUẬT TRÁNH THUẾ LỚN VỪA BỊ PHÁT LỘ (tin tổng hợp)




Đăng ngày 06-11-2017

Sau vụ Panama papers, hôm qua 05/11/2017, hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra và hàng trăm ban biên tập các báo trên thế giới tiếp tục cho công bố một khối lượng lớn các tài liệu phát giác các hành vi giấu tiền ở các thiên đường thuế của nhiều công ty đa quốc gia và những nhân vật quan trọng ở châu Âu cũng như Bắc Mỹ.

Hồ sơ lần này mang tên gọi “ Paradise papers” có tâm điểm là Appleby, một văn phòng luật đặt trụ sở tại quần đảo Cayman và Bermuda.

Hơn 13 triệu hồ sơ tài liệu thu được từ 19 điểm thiên đường thuế đã phát giác những cách thức né tránh thuế đang rất phổ biến trên quy mô thế giới. Trong số các tài liệu mà báo chí vừa phát giác, người ta thấy có tên của 120 chính trị gia và lãnh đạo trên thế giới, trong đó có nữ hoàng Anh Elisabeth II hay một số người thân cận với tổng thống Donald Trump, như ngoại trưởng Rex Tillerson…

Hình thức giấu tiền được thực hiện qua một loạt khoản đầu tư vào các công ty bình phong đặt ở hải ngoại.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson xuất hiện trong hồ sơ “ Paradise papers” trên tư cách nhà quản trị một công ty đăng ký tại Bermuda có hoạt động khai thác dầu tại Yemen, trong thời gian ông còn lãnh đạo tập đoàn ExxonMobil (từ 2006-2016).

Theo bà Cécile Prieur, trưởng ban biên tập báo le Monde, người tham gia cuộc điều tra trên, trong danh sách các nhân vật liên quan, người ta còn thấy “ 13 nhân vật rất thân cận với tổng thống Putin. Họ là các bộ trưởng, cố vấn hay nhà tài trợ cho chiến dịch tranh cử của Putin và những người này cất giấu một số lượng rất lớn tài sản tại các thiên đường thuế”.

Về phần các công ty, người ta thấy có những tên tập đoàn lớn như Nike hay Apple. Tất cả những cá nhân và công ty được nêu danh trong tài liệu đều thực hiện thao tác né tránh thuế thông qua văn phòng luật Appleby, hoặc các văn phòng tư vấn kinh doanh đặt tại Bermuda hoặc tại các thiên đường thuế.

Khác với vụ Panama Papers bị tung ra năm 2016, vụ việc lần này không liên quan đến việc rửa tiền mà chỉ là các thao tác cất tiền nhằm hạn chế tối đa nghĩa vụ thuế.

-----------------------

Đăng ngày 07-11-2017

Hôm qua, 06/11/2017, nhiều tờ báo Mỹ, trong đó có tờ New York Times, cho biết là tập đoàn Apple, đã dùng đảo Jersey, nơi nổi tiếng là một thiên đường thuế, để giảm đáng kể mức đóng thuế, trong khi tập đoàn này cách đây 4 năm đã từng bị tố cáo về những thủ thuật kế toán ở Ireland để bớt đóng thuế.

Từ New York, thông tín viên RFI Grégoire Pourtier gởi về bài tường trình :

“Cách đây 4 năm, những thủ thuật kế toán của Apple nhằm giảm đáng kể mức đóng thuế của tập đoàn này đã từng bị tố cáo. Nhà sản xuất iPhone lúc đó đã sử dụng các chi nhánh ở Ireland, nơi có chính sách thuế khóa ưu đãi các công ty đa quốc gia.

Theo nhật báo Đức Suddeutsche Zeitung, dựa trên những tài liệu trong hồ sơ Paradise Papers, Apple dường như đã lợi dụng một khoảng trống về pháp lý trong luật của Ireland để gần như là không đóng một đồng thuế nào trong suốt một thời gian, thay vì phải đóng thuế với mức 35% ở Hoa Kỳ.

Bị áp lực, Ireland đã phải sửa lại luật và tập đoàn Apple đã tỏ ra kín đáo hơn để có thể chuyển tiền trót lọt đến đảo Jersey. Thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh, đảo này là một thiên đường thuế rất quen thuộc. Sau khi nghiên cứu hồ sơ Paradise Papers, tờ New York Times khẳng định rằng Apple và các chi nhánh của tập đoàn này đã thu những khoản lợi nhuận tổng cộng lên tới 128 tỷ đôla ở nước ngoài, mà không hề bị đóng thuế ở Mỹ hoặc bị đóng thuế rất ít ở những nước khác.

Bị nằm trong tằm ngắm từ năm 2013, tập đoàn Apple vẫn không hề nao núng. Hiện nay, họ khẳng định là vẫn tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp và thậm chí cho biết đây là tập đoàn đóng thuế nhiều nhất thế giới, với tổng cộng 35 tỷ đôla trong 3 năm trở lại đây.”

Cũng trong khuôn khổ hồ sơ Paradise Papers, sau các tập đoàn Apple, Nike hay tay đua xe hơi Lewis Hamilton, đến lượt ca sĩ của nhóm nhạc U2, Bono, bị tố cáo lợi dụng thiên đường thuế. Ngay cả nữ hoàng Anh Elizabeth đệ nhị, bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross và một số bộ trưởng Nga và Brazil cũng bị nêu tên trong hồ sơ này.

-----------------------------------

Minh Hoàng - TheLEADER
16:38, 07/11/2017

TheLEADER  -  Một năm sau khi 'Hồ sơ Panama' được công bố, 13,4 triệu tài liệu mật từ 'Hồ sơ Paradise' sắp phanh phui thông tin về các giao dịch mờ ám của các trung tâm tài chính hải ngoại, những thiên đường thuế và những công ty và cá nhân nổi tiếng có trong danh sách này, từ Apple đến Facebook.

'Hồ sơ Paradise' (Paradise Papers) là kết quả điều tra của của báo Sueddeutsche Zeitung của Đức cùng Hiêp hội Các nhà báo điều tra quốc tế (ICIJ), hợp tác với các tờ báo lớn như Guardian, BBC và New York Times. 

'Hồ sơ Paradise' do 381 nhà báo từ 67 quốc gia phân tích. Đây là bộ hồ sơ rò rỉ lớn thứ hai trên thế giới, sau 'Hồ sơ Panama' được công bố hồi năm ngoái.

Bộ hồ sơ rò rỉ này gồm 13,4 triệu văn bản bao gồm dữ liệu từ năm 1950 đến 2016. Hầu hết các tài liệu (6,8 triệu văn bản) liên quan tới một công ty luật tên là Appleby cung cấp dịch vụ tư vấn tài chính cho các công ty và cá nhân trên toàn thế giới.

Hồ sơ bao gồm nhiều thông tin chi tiết từ 19 cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh tại Antigua và Barbuda, Aruba, Bahamas, Bardados, Bermuada, quần đảo Cayman, đảo Cook, Dominica, Grenada, Labuan, Lebanon, Malta, quần đảo Marshall, St Kitts and Nevis, St Lucia, St Vincent, Samoa, Trinidad và Tobago, Vanuatu. Đây là những khu vực thẩm quyền tài phán bí mật, tức là có rất ít hoặc không có trách nhiệm về thuế.

Tiền chảy đến các thiên đường thuế từ khắp nơi trên thế giới, do vậy, khó có thể xác định cá nhân hay công ty nào đứng đằng sau các vụ việc đó.

Hồ sơ rò rỉ từ Appleby cung cấp dữ liệu khách hàng của công ty này từ năm 1993 đến 2014, bao gồm tên của hơn 120.000 cá nhân và doanh nghiệp, nhưng không phải tất cả đều liên quan đến việc chuyển thuế.

Bộ hồ sơ chỉ ra nhiều khách hàng đến từ Anh, Trung Quốc và Hồng Kông, nhưng con số lớn nhất là 30.000 khách hàng của Mỹ.

Bên cạnh đó, hồ sơ còn cung cấp thông tin của hơn 120 chính khách đến từ khoảng 50 quốc gia, những tên tuổi mạng xã hội hàng đầu như Twitter, Facebook, hay các tập đoàn đa quốc gia như Nike, Apple, Uber.

Tổng hợp

----------------------------------

Nhóm điều tra Hồ sơ Thiên đường
BBC Panorama
6 tháng 11 2017

Bộ hồ sơ tài chính mới bị rò rỉ đã cho thấy cách tầng lớp siêu giàu và đầy quyền lực, gồm cả công ty đầu tư của Nữ hoàng Anh, đã đầu tư tiền vào các "thiên đường thuế".

Bộ trưởng Thương mại trong chính phủ của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng bị phát hiện có cổ phần trong một công ty làm ăn với chính những người Nga bị Mỹ trừng phạt.
Vụ rò rỉ, được đặt tên Hồ sơ Thiên đường, gồm tới 13,4 triệu văn bản, đa số là của một công ty hàng đầu về tài chính bình phong hải ngoại.
Chương trình BBC Panorama tham gia cùng gần 100 cơ quan truyền thông điều tra kho tài liệu này.

Giống như vụ Hồ sơ Panama năm 2016, các văn bản lần này cũng do tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung thu thập.
Tờ báo này đã nhờ tới Hiệp hội Phóng viên điều tra Quốc tế (ICIJ) phụ trách cuộc điều tra.
Các tiết lộ mới nhất hôm Chủ nhật 5/11 chỉ mới là một phần nhỏ, và những tuần tới, các báo sẽ còn công bố chi tiết hồ sơ tài chính và thuế của nhiều cá nhân và công ty bị nêu trong kho dữ liệu.
Chúng cho thấy nhiều chính trị gia, công ty đa quốc gia, người nổi tiếng, người giàu có đã dùng mạng lưới phức tạp của các quỹ, công ty bình phong để giấu tiền khỏi sở thuế hoặc che giấu các thương vụ của họ.
Đa số các thương vụ này không phạm luật.

Đầu tư hải ngoại của công ty thuộc Nừ Hoàng

Vì sao dính líu Nữ hoàng Anh?
Hồ sơ Thiên đường cho thấy khoảng 10 triệu bảng tiền của Nữ hoàng Anh từng được đầu tư tại lãnh thổ ưu đãi hoặc không đánh thuế.
Tiền được Duchy of Lancaster cho vào các quỹ ở Quần đảo Cayman và Bermuda.
Duchy of Lancaster là nơi cung cấp thu nhập cho Nữ hoàng, và quản lý các khoản đầu tư cho bất động sản 500 triệu bảng của Nữ hoàng.
Các khoản đầu tư này đều hợp pháp, và không có bằng chứng là Nữ hoàng không đóng thuế. Nhưng có thể có câu hỏi liệu Hoàng gia Anh có nên đầu tư ở các "thiên đường thuế" hay không.
Có những khoản đầu tư nhỏ vào nhà bán lẻ BrightHouse, từng bị tố cáo bóc lột người nghèo, và chuỗi cửa hàng Threshers, sau này phá sản và nợ 17,5 triệu bảng tiền thuế.
Duchy of Lancaster nói họ không dính líu các quyết định của các quỹ, và không có bằng chứng là Nữ hoàng biết về các khoản đầu tư cụ thể nhân danh bà.

Khó xử cho Ross và Trump?
Ông Wilbur Ross từng giúp ông Donald Trump thoát khỏi phá sản hồi thập niên 1990 và được bổ nhiệm làm bộ trưởng thương mại dưới thời Tổng thống Trump.
Tài liệu cho biết ông Ross vẫn có lợi ích trong một công ty tàu biển thu hàng triệu đôla mỗi năm nhờ vận chuyển dầu khí cho một công ty năng lượng Nga. Cổ đông công ty này có con rể Tổng thống Nga Vladimir Putin và hai người bị Mỹ trừng phạt.
Sẽ lại có câu hỏi về mối liên hệ giữa Nga và nhóm cố vấn của ông Donald Trump.
Chính quyền của ông Trump đã dính cáo buộc rằng Nga đồng lõa để tác động cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016. Ông Trump đã gọi cáo buộc là "tin giả".

Wilbur Ross :  Liên hệ với Nga ?

Ai giấu tiền mặt ?

Rò rỉ tài liệu từ đâu?
Đa phần dữ liệu là từ một công ty pháp lý đặt ở Bermuda, Appleby. Họ giúp khách hàng ở các khu vực có mức thuế thấp hoặc bằng không.
Tờ báo Süddeutsche Zeitung lấy được tài liệu của công ty này, và các công ty chủ yếu ở khu vực Caribê. Tờ báo không cho biết nguồn cung cấp.
Các cơ quan truyền thông tham gia điều tra nói việc này có lợi cho công chúng vì tài liệu rò rỉ từ các thiên đường thuế thường bộc lộ những sai phạm.
Công ty Appleby phản hồi rằng "không có bằng chứng sai phạm về chúng tôi hay khách hàng".

Một số tin liên quan công bố hôm 5/11
§  Một cố vấn của Thủ tướng Canada Justin Trudeau dính líu các khoản đầu tư hải ngoại, có thể khiến Canada thiệt hàng triệu đôla tiền thuế.
Rò rỉ đặt câu hỏi về Stephen Bronfman, người gây quỹ cho đảng của ông Trudeau, và cũng là bạn thân của ông.

§  Nhà tài trợ của đảng Bảo thủ Anh, Lord Ashcroft, đã bỏ qua các quy định về việc quản lý đầu tư hải ngoại, theo tài liệu rò rỉ. Ông đã cho Quỹ Punta Gorda ở Bermuda các tài sản trị giá hàng trăm triệu đôla năm 2000. Hồ sơ Thiên đường cho thấy ông thỉnh thoảng ra quyết định mà không hỏi viên chức của quỹ.

§  Hồ sơ Thiên đường cũng đặt câu hỏi ai kiểm soát câu lạc bộ bóng đá Everton FC và liệu quy định của Premier League có bị phá vỡ không.
Farhard Moshiri bán cổ phần Arsenal năm 2016 để mua gần 50% Everton. Nhưng rò rỉ cho thấy cổ phần gốc của ông ở Arsenal là "quà" của đại gia Alisher Usmanov, người kiểm soát 30,4% Arsenal.
Điều này đặt câu hỏi phải chăng tiền của ông Usmanov nay ở trong Everton. Ông Moshiri đã bác bỏ cáo buộc tiền này là quà.

Thuật ngữ "tài chính hải ngoại" là gì?
Tóm gọn lại, đó là nơi nằm ngoài kiểm soát một quốc gia, để công ty hay cá nhân có thể chuyển tiền, tài sản, lợi nhuận nhằm tranh thủ thuế thấp.
Chúng thường được gọi là "thiên đường thuế" hay trong ngành thì gọi là "trung tâm tài chính hải ngoại". Đó thường là các hòn đảo nhỏ, ổn định, bí mật, có những mức độ kiểm tra sai phạm khác nhau.
Vương quốc Anh có vai trò lớn, một phần vì nhiều lãnh thổ hải ngoại của Anh chính là "trung tâm tài chính hải ngoại". Và còn vì nhiều luật sư, kế toán, ngân hàng ngồi ở London và làm cho ngành công nghiệp này.
Brooke Harrington, tác giả cuốn Capital Without Borders: Wealth Managers and the One Percent, cho rằng tài chính hải ngoại chỉ dính líu tới .001% người giàu toàn thế giới. Những tài sản khoảng 500.000 đôla cũng là quá nhỏ, không đủ để đóng các khoản phí.







No comments:

Post a Comment

View My Stats