Friday, 3 November 2017

HÊN HƠN LÀ HAY TRONG BẦU CỬ TỔNG THỐNG MỸ (Lê Mạnh Hùng)




Lê Mạnh Hùng
November 1, 2017

Việc xuất bản cuốn hồi ký của bà Hillary Clinton “What Happened” kể lại chiến dịch tranh cử tổng thống của bà hôm Tháng Chín vừa qua đã kích động một loạt các bình luận về điều gì đã ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Rất nhiều người đã biện luận rằng bà ứng cử viên của đảng Dân Chủ đã không nhận đủ trách nhiệm của mình trong thất bại này.

Thế nhưng những nhà tâm lý xã hội có thể có một số điều để giải thích chuyện đó. Theo họ, có một khuynh hướng rộng rãi gắn những không may của người khác vào bản chất con người của họ thay vì những hoàn cảnh bên ngoài trong khi đối với chính mình thì ngược lại khi mình tìm cách giải thích các thất bại của mình.

Tuy nhiên còn có một số yếu tố khác được Edward Glaeser, một nhà kinh tế tại viện Đại Học Harvard, và các cộng sự viên của ông diễn tả trong một phúc trình mà có thể giúp giải thích nhiều kết quả bầu cử.

Không có một cách đo đơn giản và khách quan để lượng định tài năng của một nhà chính trị. Nhưng nhận thức của cử tri về tài năng của một chính trị gia có vẻ được quyết định một phần lớn bởi vì khuynh hướng chính trị hay ý thức hệ của mình. Tỉ như 70% cử tri Dân Chủ cho rằng Tổng Thống Barack Obama sẽ đi vào lịch sử như là một vị tổng thống tài ba hay ít nhất là trên trung bình sau hai nhiệm kỳ trong khi chỉ có 15% cử tri Cộng Hòa là nghĩ như vậy.

Ngay cả khi những tiêu chuẩn khách quan đóng một vai trò quyết định thái độ của cử tri. Cử tri nhiều khi cũng phán đoán các nhà chính trị trên những kết quả mà nhiều khi nằm ngoài tầm kiểm soát của họ.

Justin Wolfers, một nhà kinh tế khám phá ra trong một công trình nghiên cứu của mình rằng cử tri tại những tiểu bang sản xuất dầu thô có khuynh hướng bầu lại thống đốc hiện hữu khi giá dầu tăng và bầu người khác lên thay thế khi giá dầu đi xuống, mặc dầu sự kiện là các ông thống đốc này hầu như không có quyền lực gì đối với giá dầu quốc tế cả.

Tương tự như vậy, Christopher Achen và Larry Bartels của viện Đại Học Princeton cũng cho thấy một khuynh hướng mạnh mẽ các cử tri trừng phạt các nhà chính trị sau những thiên tai như lụt lội, hạn hán hoặc ngay cả chuyện nhỏ như cá mập tấn công người. Họ chứng minh rằng trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2000 có đến 2.8 triệu cử tri bỏ phiếu chống lại ông Al Gore (ứng cử viên của đảng cầm quyền vì ông đang làm phó tổng thống cho ông Bill Clinton và ra tranh cử để thay thế ông này) bởi vì tiểu bang của họ có quá nhiều mưa (hoặc là bị hạn) trong năm đó.

Cố nhiên là có một điều tốt trong khuynh hướng gán cho các nhà chính trị có trách nhiệm đối với những sự việc mà họ hầu như không có kiểm soát được bao nhiêu. Những nhà chính trị có thể sẽ cố gắng làm việc tích cực hơn là bình thường với hy vọng có thể cải thiện được những kết quả đó bởi vì họ biết là họ sẽ bị cử tri phán xét qua những kết quả đó. Thế nhưng hầu hết những hệ quả mà ông Glaeser và những đồng liêu của ông đưa ra đều có tính tiêu cực.

Đặc biệt họ cho thấy rằng các cử tri thường tự cho là họ có thể khám phá một cách dễ dàng tài năng của các chính trị gia thường phản ứng với những thất bại bằng cách “đòi hỏi những người mới chứ không phải định chế mới” – khẩu hiệu là “throwing the bum out” chứ không phải là thay đổi những điều kiện đối với các quan chức dân cử.

Các cử tri không quan tâm bao nhiêu đến những cơ cấu để hướng dẫn tốt hơn việc nhận định ai là một chính trị gia tốt hoặc là để ngăn ngừa một chính trị gia tồi được bầu lên tỉ như một nền báo chí tự do hoặc là những cơ quan kiểm tra chống lại tham nhũng.

Cố nhiên là không một kết quả bầu cử nào có thể thu góp lại thành một tập hợp những yếu tố đơn giản chứ đừng nói đến một yếu tố tâm lý độc nhất trong khối cử tri. Nhưng ông Glaeser và các đồng liêu của ông biện luận rằng yếu tố sai lầm trong việc gán trách nhiệm này nhiều khi có thể dẫn đến việc cử tri bầu cho người có số may, thay vì người có khả năng hoặc là lựa chọn chính trị gia trên cơ sở họ có khả năng trong những lãnh vực mà các quan chức dân cử trên thật tế không có bao nhiêu kiểm soát.

Ít nhất như phúc trình này khuyến dụ thường các cử tri hay bầu những ứng cử viên tổng thống nào khoe khoang rằng họ có thể quản lý nền kinh tế đất nước một cách tốt đẹp mặc dầu sự kiện là quyền lực của ông tổng thống đối với nền kinh tế không có bao nhiêu so với quyền lực của ông đối với chiến tranh hoặc hòa bình. (Lê Mạnh Hùng)







No comments:

Post a Comment

View My Stats