Tin
trong nước
Tin Biển Đông
BBC có clip phỏng vấn TS Hà Hoàng Hợp, Viện nghiên cứu
Đông Nam Á ở Singapore. Ông Hợp cho rằng, việc được cho là bồi đắp đảo tại Biển
Đông “chỉ mang tính biểu tượng” và rằng “quan trọng nhất là bầu trời
và biển, tức là không quân, hải quân, tàu ngầm thế nào”. Mời xem clip của
BBC:
Tiến sỹ Trần Việt Thái, Phó Viện trưởng Viện Chiến
lược Ngoại giao, Học viện Quan hệ Quốc tế, Bộ Ngoại giao Việt Nam, cho rằng, Vấn đề Biển Đông ‘tạm ổn
định’. BBC dẫn lời TS Thái nhận định: “Chủ trương của hai nhà
nước là nếu chưa giải quyết được thì khu biệt lại để quản lý. Điều quan trọng nhất là phải thống nhất nhận thức giữa
các bên, và cùng tiếp cận trên một nền tảng, như vậy chúng ta mới giải quyết được”. Thật tội nghiệp TS Thái, chẳng lẽ ông không biết rằng, Trung Quốc vẫn đang bồi đắp và xây dựng đảo ở Hoàng Sa?
Nhà báo Đoàn Bảo Châu có bài: Thành công của Trung Quốc và thất bại của Việt Nam.
Ông Châu viết: “Một lãnh đạo đã phát biểu mơ màng rằng nếu đời chúng ta
không lấy được lại Hoàng Sa và một số đảo Trường Sa thì đời con cháu chúng ta sẽ
lấy lại được. Là người dân, tôi không muốn nghe những phát biểu mơ màng đẹp đẽ ấy.
Tôi cần lãnh đạo có được góc nhìn chính xác và thực tế những gì đang diễn ra và
tôi cũng khẳng định luôn là những gì đã mất là mất vĩnh viễn, hãy cẩn thận đừng
để mất thêm mà thôi”.
VOA có bài: ASEAN ‘không bỏ mặc’ tình hình Biển Đông. Dẫn nguồn từ
Reuters, VOA cho biết, bản dự thảo tuyên bố chung của các nước ASEAN có đoạn: “Điều
quan trọng là chúng tôi hợp tác để duy trì hòa bình, ổn định, tự do hàng hải và
tự do trên không theo luật pháp quốc tế đối với khu vực Biển Đông. Mối quan tâm
chung của chúng tôi là để tránh tình trạng sai lầm có thể dẫn tới tình trạng
leo thang căng thẳng”.
RFI có bài: Biển Đông: ASEAN vẫn có thể dựa Mỹ để chống Bắc Kinh bành trướng.
Bà Valérie Niquet, chuyên gia Pháp về châu Á và Đông Nam Á, cho rằng bà “thực
sự cảm thấy là qua chuyến công du của tổng thống Trump, cũng như qua các tuyên
bố của các bộ trưởng Ngoại Giao và Quốc Phòng Mỹ, sẽ không có việc Washington từ
bỏ khu vực cho ảnh hưởng độc quyền của Trung Quốc”.
Tương tự như Việt Nam, Tuyên bố chung Mỹ – Philippines nhắc tới Biển Đông. VOA
dẫn tuyên bố có đoạn: “Hai bên nhấn mạnh lại cam kết duy trì các nguyên
tắc, trong đó có tự do hàng hải, tự do bay ngang qua [Biển Đông] và tự chế”.
Biển Đông vẫn “tạm ổn định”: Biển Đông
qua chuyến thăm của Trump và Tập? BBC dẫn tuyên bố chung Việt –
Trung trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình: “Kiểm soát tốt bất đồng
trên biển, không có hành động làm phức tạp, không mở rộng tranh chấp, giữ gìn
hòa bình, ổn định ở Biển Đông”.
Nhưng về phía ông Trump, GS Nguyễn Mạnh Hùng, ĐH
George Mason ở Hoa Kỳ, nhận định: “Ông Trump chỉ tập trung vào hai vấn
đề là Bắc Triều Tiên và thương mại mà thôi. Tín hiệu ông Trump đưa ra là ông
nhường vai trò lãnh đạo cho ông Tập Cận Bình. Ông Trump thì đứng ngoài hoàn
toàn các vấn đề như ấm nóng khí hậu, toàn cầu hóa”.
VOA đưa tin: Philippines giao 3 thuyền viên bị bắt cóc cho Việt Nam.
Bài viết cho biết: “Những thuyền viên này được giải cứu trong một chiến
dịch đặc biệt ở tỉnh Tawi-Tawi vào sáng ngày 10/11 từ tay nhóm Abu Sayyaf. Các
nạn nhân này là thuyền viên của tàu MV Giang Hải 5. Họ đã bị bắt cóc ở vùng biển
Sulu vào ngày 25/2”.
Mời đọc thêm: Philippines bàn giao 3 thuyền viên tàu Giang Hải cho Việt Nam (RFA).
– Tân Hoa Xã: Trung Quốc-Việt Nam đạt ”đồng thuận” về Biển Đông (RFI).
– Hải quân Việt Nam tham gia diễn tập đa phương ASEAN ở Thái Lan
— Hà Nội và Bắc Kinh đồng ý tránh xung đột ở Biển Đông (RFA).
Quan hệ Việt – Trung
Trang BizLive có bài: Chấp
thuận lập chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc tại Hà Nội. Chiều
12/11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã chứng kiến lễ
ký kết văn bản “Chấp thuận nguyên tắc việc thành lập Ngân hàng Nông nghiệp
Trung Quốc chi nhánh Hà Nội”, có địa chỉ tại Lý Thường Kiệt và có thời hạn
hoạt động là 5 năm.
Việc cho phép NH Nông Nghiệp TQ mở chi nhánh tại Hà
Nội đã được ông Nguyễn Văn Bình, thống đốc NHNN ký từ năm 2012. Được biết, Văn
phòng đại diện Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc – Hà Nội, có chức năng như “văn
phòng liên lạc và nghiên cứu thị trường; xúc tiến các dự án đầu tư của
Agricultural Bank of China Limited tại Việt Nam”.
Facebooker Nguyễn Trung Thuần đặt câu hỏi: “Cơn
sốt tiếng Hán” “汉语热” đang xuất hiện tại VN? Tác
giả lược dịch từ một bài báo tiếng Trung, cho biết: Theo Viện trưởng (phía TQ)
của Viện Khổng Tử, Đại học Hà Nội, cho biết, “hai năm nay, nhiều người trong
số học sinh của bà đã mở được các lớp đào tạo Trung văn ở khắp nơi tại VN, và
thu nhập cũng không hề tồi”, và rằng “Cơn sốt tiếng Hán đã thành thời
thượng, học Trung văn sẽ tăng cơ hội tìm việc làm”.
Báo Dân Việt trước đó đưa tin: Việt Nam – Trung Quốc ký 12văn kiện hợp tác quan trọng,
báo VTC cho biết thêm, có tới 19 văn
kiện hợp tác giữa Việt Nam – Trung Quốc được trao và ký kết,
nhân chuyến thăm của họ Tập. Ngoài 12 văn kiện quan trọng được ký như, việc
thúc đẩy kết nối “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con
đường”, hay thỏa thuận hợp tác biên phòng giữa Bộ Quốc phòng hai nước, còn có 7
văn kiện khác được trao cho nhau.
Văn kiện được trao gồm: “Thỏa thuận về hợp tác
đào tạo cán bộ giữa tỉnh ủy Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Đảng Cộng
sản Việt Nam và Khu ủy Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Đảng Cộng sản Trung
Quốc.“, “Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quản lý pháp quy an toàn
hạt nhân giữa Cục An toàn Bức xạ hạt nhân nước CHXHCN Việt Nam và Cục An toàn hạt
nhân Quốc gia nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa“…
Còn cái Cung
hữu nghị Việt – Trung, Facebooker Trần Bang cho rằng, nó chính là hình tượng chiếc MŨ của NÔ TÀI trong nền văn hoá Trung Quốc.
Tác giả đặt câu hỏi: “Ai là người thiết kế kiểu dáng cung hữu nghị Việt
Trung này, ai bỏ tiền làm ra nó, là kẻ có ý đồ rất thâm độc, chúng muốn gần 100
triệu con cháu Bà Trưng thành nô tài cho ‘XHCN đặc sắc TQ hiện đại’ chăng?”
Sao kỳ vậy, Cung Hữu nghị Việt Trung lại biến thành Trung tâm Văn hóa
Trung Quốc? Nhà văn Nguyễn Quang Lập bình luận: “Bà Ngân được mời đi
cắt băng khánh thành Cung hữu nghị Việt- Trung. Té ra khi cắt băng thì mới thấy
bà cắt băng khánh thành cho Trung tâm văn hoá Trung Quốc. Không rõ khi ra về bà
nghĩ gì, văng tục hay hân hoan?”
Ảnh: báo An Ninh Thủ Đô
VOA đặt câu hỏi: Ông Tập tăng cường sức mạnh mềm ở Việt Nam? Nhận định
về mục đích của Trung tâm Văn hóa Trung Quốc ở Hà Nội, tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện,
thuộc Viện nghiên cứu Hán-Nôm cho rằng, “nó chỉ là một trung tâm để
Trung Quốc tiếp thị văn hóa của họ. Các trung tâm văn hóa ở Hà Nội như của Nhật
Bản, Viện Goethe của Đức, Alliance Francaise của Pháp góp phần làm giàu thêm
văn hóa cho Việt Nam nhưng trung tâm văn hóa của Trung Quốc làm dấy lên lo ngại
đối với người Việt Nam. Cũng như Viện Khổng tử, Trung Quốc chỉ nhằm mục đích
truyền bá du học và ngôn ngữ của họ để bành trướng sức mạnh mềm của Trung Quốc”.
Hai đảng “cướp” cùng dùng đảng trị dân: Việt Nam, Trung Quốc tăng cường giao lưu qua kênh đảng.
RFA tóm lược tuyên bố chung Việt Nam – Trung Quốc hôm 13/11 ở Hà Nội, cho biết,
“hai nước sẽ tăng cường giao lưu bằng kênh Đảng, triển khai Kế hoạch hợp tác
giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc. Trong kế hoạch hợp tác giữa hai
đảng sẽ có cuộc gặp gỡ giữa Đại diện hai Bộ chính trị của hai đảng cộng sản“.
– Giao lưu văn hóa hay tiếp tay Hán hóa: Thi ‘Tiếng
hát Hữu nghị Việt Trung’ (BBC).
Facebooker Trịnh Kim Tiến có bài: Nghèo nhưng đừng để hèn thêm. Bài viết có đoạn: “‘Đừng
thấy sóng cả mà ngã mái chèo’ là lời đe nẹt và cũng là mệnh lệnh mà các lãnh đạo
Trung Quốc gửi đến các lãnh đạo Việt Nam trong kỳ họp Apec. Ngay cả khi đang đứng
trên mảnh đất mình nắm quyền toàn trị, các lãnh đạo Việt Nam vẫn có thể bị Tập
Cận Bình ngồi lên đầu lên cổ. Không biết rằng họ có cảm thấy nhục trước những
gì đang diễn ra không, nhưng là người Việt Nam tôi thật sự mong họ đừng để mình
hèn thêm nữa“.
Nhà thơ Bùi Chí Vinh có bài: Hậu “Bình ngô đại cáo”. Bài thơ có đoạn: “Cái giá
của tuyên ngôn lạ lùng như thế/ Quá khứ có thịt xương nên hiện tại có luân hồi/
Tương lai không dành cho bọn sâu bọ làm người/ Không thuộc độc quyền lũ rước
voi giày mã tổ/ Không nằm trong tay đám cõng rắn cắn gà nhà láu cá/ Tương lai
là của những kẻ đứng mũi chịu sào dám đem hạt gạo xẻ làm đôi/ Những kẻ dám mở
cuộc hành trình chống suy dinh dưỡng/ Từ nạn đói năm 45 đi tới tiếng cười“.
Mời đọc thêm: Tiếng hát Hữu nghị Việt-Trung (BBC). – Việt Nam bắn đại bác chào đón ông Tập Cận Bình (VOA).
– TRUNG QUỐC TRONG MẮT NHIẾP ẢNH GIA VIỆT NAM(VTV).
Hậu APEC 2017
BBC có bài: Tổ chức
APEC, Việt Nam được gì? Tác giả đưa Việt Nam lên mây: “Chốt
lại, tổ chức APEC 2017 đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. Việt Nam có thể tái
khẳng định chính sách ngoại giao đa phương, thắt chặt hợp tác cả song phương và
đa phương. Việt Nam có thể giúp chống lại làn sóng bảo hộ, thúc đẩy thương mại
tự do dựa trên tăng trưởng sáng tạo, bao gộp và bền vững. Tất cả những lợi ích
này phù hợp với mục tiêu của Việt Nam nhằm duy trì hòa bình, ổn định để giúp
phát triển”.
Facebooker Huỳnh Thế Du có bài: APEC thành công rồi sao nữa? Theo tác giả, “Việt
Nam đã tổ chức một kỳ APEC hết sức thành công ở cả hai phương diện: vai trò của
nước chủ nhà và những mục tiêu riêng của Việt Nam“. Tuy nhiên, “cũng có
những sự cố nghiêm trọng. Hiện tượng trống đánh xuôi kèn thổi ngược
do sự chồng chéo và dẫm chân nhau của các đầu mối làm công tác ngoại giao và an
ninh đối ngoại vẫn còn“. Không rõ “sự cố nghiệm trọng” ở đây là gì?
BBC đặt câu hỏi: Tổ chức
APEC, Việt Nam được gì? Bài viết cho rằng: “Tổ chức APEC có
nghĩa là Việt Nam có thể chứng tỏ cho cộng đồng toàn cầu, rằng nước này đã
thành công về ngoại giao. Nó chứng tỏ Việt Nam là bạn, đối tác đáng tin cậy của
quốc tế“. Và “Việt Nam có thể tái khẳng định chính sách ngoại giao đa
phương, thắt chặt hợp tác cả song phương và đa phương. Việt Nam có thể giúp chống
lại làn sóng bảo hộ, thúc đẩy thương mại tự do dựa trên tăng trưởng sáng tạo,
bao gộp và bền vững”.
Trong một bản thông cáo sau chuyến thăm Việt Nam của
tổng thống Mỹ, Mỹ hoan nghênh kết quả chuyến thăm Việt Nam của TT Trump.
RFI cho biết, thông cáo mở đầu bằng lời tổng thống Donald Trump: “Việt
Nam ngày nay là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất hành tinh…
Chúng ta biết rằng Mỹ hưởng lợi khi thiết lập quan hệ với các đối tác trong khu
vực đó, một khu vực phát triển thịnh vượng một cách tự lập, không dựa vào ai”.
VOA đưa tin: Thủ tướng Úc ‘cắt’ Chủ tịch Quang khỏi ảnh selfie.
Trong tấm ảnh “selfie” của Thủ tướng Úc bao gồm Tổng thống Trump, Chủ tịch Tập
và Chủ tịch Trần Đại Quang, mà Thủ tướng Úc đăng trên trang Twitter cá nhân, đã không có hình chủ tịch Quang.
Mời đọc thêm: Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiết lộ lý do Việt Nam chọn đăng
cai APEC năm 2017 (VTC). – Video clip: Lễ đón tiếp
Donald Trump và Tập Cận Bình ở Hà Nội(BBC).
Xây dựng đặc khu
Báo Tuổi Trẻ có bài: Đảo lớn nhất Việt Nam đã sẵn sàng trở thành đặc khu.
Tất nhiên không ai mong Phú Quốc trở thành đặc khu hơn các lãnh đạo gốc Kiên
Giang rồi. Cho nên không lạ khi ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy Kiên
Giang, khẳng định “đã chuẩn bị các điều kiện cơ bản nhất để xây dựng đơn vị
hành chính – kinh tế đặc biệt Phú Quốc”.
Có phải ông Nghị nhắc đến việc “Đề án thành lập
‘Đơn vị hành chính – kinh tế (HC-KT) đặc biệt Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang’ là kết
quả của quá trình chỉ đạo và thực hiện gần 10 năm qua của Bộ Chính trị, Chính
phủ, các bộ, ngành và tỉnh Kiên Giang“, là muốn kể công đến cha của ông,
“người tử tế” Nguyễn Tấn Dũng?
Quá sớm và không có cơ sở để ông Nghị khẳng định: “Thu nhập bình quân đầu người
của Việt Nam hiện ở mức 2.200 USD/người/ năm thì tại Phú Quốc, năm 2015 con số
này đã là 5.400 USD. Đến năm 2030, tại đặc khu này, thu nhập trung bình của người
dân sẽ đạt 13.500 – 28.600 USD, vượt trội so với Thái Lan, tiệm cận
Singapore, Hàn Quốc…”
Nhân quyền ở Việt Nam
Trang Luật Khoa có bài: “Piss
on you, Trump!”: Sắc màu tự do. Việc cô ca sỹ Mai Khôi trương biểu ngữ
“Đái vào mặt Trump” đang làm dư luận có cái nhìn trái chiều. Nhiều người cho đó
là hành động “xúc phạm nhân phẩm” tổng thống Mỹ và làm xấu đi hình ảnh của những
người đấu tranh. Tuy nhiên, theo tác giả bài viết, thì đây là “chuyện thường” ở
các nước dân chủ, đây cũng “đơn thuần là một cách biểu đạt sự yêu ghét cá
nhân hết sức ôn hòa”.
Tác giả viết: “Những người miệt thị Mai Khôi vì mấy
lẽ thuần phong mỹ tục chắc hẳn không hiểu rằng, dân chủ đâu phải chỉ cần mỗi
quyền tự do biểu đạt là đủ. Con người là đa dạng và khác biệt, họ cần phải được
tự do theo đuổi và thử nghiệm lối sống của mình… tự do biểu đạt chính là hơi thở
của nền dân chủ lành mạnh. Hành động của Mai Khôi, vì thế, là một tiếng thở phập
phồng can đảm trong cái xã hội vốn bị bóp nghẹt tự do đã quá lâu”.
Facebooker Nguyễn Hồ Nhật Thành nhận định, hành động
của ca sĩ Mai Khôi có hai cái lợi chính. Thứ nhất, ở trong nước, nó “làm dấy
lên bầu khí tranh luận về quyền tự do, đạo đức và những quan điểm chính trị. Những
điều hiếm khi được bàn đến trong xã hội Việt Nam“. Thứ hai, với quốc tế, nó
“gây được sự chú ý với cộng đồng quốc tế về tình hình nhân quyền Việt Nam
qua việc đưa tin của các trang báo lớn về sự kiện này như tờ Daily Mail, the
Guardian. Nội dung các bài báo này cho thấy rõ cách hành xử rừng rú của công
an, điều mà họ thường áp dụng với những người hoạt động nhưng nay mới được chi
tiết hoá hơn qua các live stream của Mai Khôi“.
Nhạc sĩ Tuấn Khanh viết: “Đừng nói về tự do ngôn
luận, hãy nói về khả năng dám biểu thị quyền biểu đạt ý kiến cá nhân của một
công dân. Nhiều người ghét chính quyền Trung Quốc, chống Tập Cận Bình lại từ chối,
không dám thể hiện quyền biểu đạt cá nhân của mình, mà ‘giận cá chém thớt’, giận
dữ về chuyện một người phụ nữ biểu thị khác quan điểm chính trị của mình, rồi
nói ‘giá như’ cô ta làm đúng ý của mình, là người phe của mình, thì hay biết mấy!”
Ca sĩ Mai Khôi giải thích lý do vì sao cô biểu tình khi Trump đến Hà Nội. Cô viết: “Tôi
muốn thể hiện quyền được tự do biểu đạt của cá nhân tôi trước nơi công cộng như
bao con người bình thường khác. Quyền tự do biểu đạt là 1 trong những quyền cơ
bản của con người. Nội dung mà tôi biểu đạt có thể có người rất thích, có thể
có người không thích. Nhưng lý do vì sao tôi viết dòng chữ ấy là vì tôi muốn thể
hiện tôi không thích Trump, tôi không đồng ý với những thái độ của ông ta, những
chính sách và những quyết định chính trị của ông ta“.
Báo Giáo dục VN định mở thêm mục “Chống diễn biến
Hòa bình” hay sao mà tiếp tay cho báo QĐND để dẫn bài: Những trò “đốt
rơm” lạc lõng giữa ngày hội APEC. Báo QĐND gọi việc ông Ngô Thanh Hải,
Thượng nghị sĩ Canada “nói về tự do tôn giáo, tự do nhân quyền và cả vấn đề
Formosa tại Việt Nam” và việc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi trả tự do cho
105 tù nhân lương tâm nhân Hội nghị APEC 2017, là “đốt lên ngọn khói xuyên
tạc về câu chuyện dân chủ, nhân quyền, hạ thấp vai trò của Đảng, Nhà nước Việt
Nam trong lãnh đạo phát triển đất nước“.
BBC có bài: Người châu Á phản đối Trump muốn nói điều gì? Dẫn
lời ca sĩ Mai Khôi, nói: “Một người có quyền lực như ông Trump có trách nhiệm
phải quan tâm đến vấn đề nhân quyền. Đó là trách nhiệm của một người có quyền lực
lớn như ông. Nếu như ông không quan tâm, dư luận phải làm cho ông quan tâm. Dư
luận phải phê phán thái độ đó. Nhân quyền là vấn đề của tất cả nhân loại“.
Mời đọc thêm: Chúng ta đều có quyền chỉ trích tổng thống Mỹ khi họ im lặng
trước vi phạm nhân quyền (LK/ TD). – Tìm hiểu
pháp luật: Lạm dụng tạm cấm xuất cảnh (TT).
Hậu cơn bão số 12
Facebooker Trần Song Hào có bài: Lo cho ai trước, nhà dân hay “Bảng cổ động”? Trong
khi cơn bão số 12 làm thiệt hại biết bao nhân mạng và tài sản của dân, thì tại
Nha Trang, Khánh Hòa “vẫn có nhà chưa thể dọn dẹp, do neo đơn và túng thiếu“,
thế nhưng “cái giàn ‘cổ động’ ở góc vườn UBND Tỉnh Khánh Hòa đã được dựng lại
chắc chắn, với câu cổ động mới (thêm mấy chữ cuối). Cái giàn này, cũng bị bão
đánh sập hôm 04/11“.
Tác giả viết: “Như vậy, giải quyết hậu quả sau
bão, bảng cổ động của tuyên giáo vẫn ưu tiên và giải quyết nhanh gọn hơn là nhà
dân, nhất là hộ nghèo… Thực chất, cái bảng đó chẳng có giá trị gì mà vẫn tốn tiền
thuế của dân. Bởi có ma nào ‘học tập và làm theo…’ trên thưc tế đâu? Nếu học
theo được ông Cụ thì cán bộ, đảng viên không thể giáu có hơn dân và không ‘tham
nhũng thành bầy sâu’…!”
Báo GDVN có bài: Bão lũ đi qua – bão lòng ở lại! Bài báo có đoạn:
“Mỗi suất quà có trị giá là 1 triệu đồng thì đối với những người như Bí thư
hay Trưởng thôn có lẽ cũng chẳng thấm tháp gì bởi họ dù có bị ảnh hưởng thiên
tai thì những ngôi nhà 2-3 tầng vẫn ấm êm hơn nhiều so với người dân sống trong
những căn nhà tạm bợ và chịu cảnh đói nghèo“.
Chuyện xà xẻo tiền, hàng cứu trợ cho người dân gặp nạn,
tệ hại đến mức mà cư
dân mạng phải làm cái việc giám sát giúp bà con khỏi bị những kẻ bất
lương làm bậy việc phân bổ nguồn hàng viện trợ của Nga cho người dân bị ảnh hưởng
do bão. Và thật không còn từ nào để tả về những người được coi là “cán
bộ” khi nhẫn tâm “nẫng” quà lũ lụt, xảy ra Từ trưởng thôn, bí thư đến công an xóm.
Mời đọc thêm: Vụ bão “nuốt chửng” tàu hàng: 3 nạn nhân chưa xác định được
danh tính (DT). –
Về dự thảo luật An ninh mạng
Báo Tuổi Trẻ có bài: Bộ trưởng Bộ Công an: Không thể cản trở sự phát triển của
thông tin mạng. Không rõ ông Tô Lâm “làm màu” hay thực tâm, mà lần này
thấy ông phát biểu văn vẻ quá vậy: “Dòng chảy của thông tin mạng như hệ tuần
hoàn, mạch máu của cơ thể con người, không thể và cũng không có lý do gì cản trở,
mà vấn đề là đảm bảo cho nó được thanh lọc, được lưu chuyển thông suốt”. Còn
nếu không sử dụng mạng, không thể chơi được với ai, thì
vẫn có thể chơi với… Bắc Hàn mà.
Cũng báo Tuổi Trẻ có bài: Đòi Google, Facebook đặt máy chủ tại VN là không khả thi.
Đại biểu Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học công nghệ TP.HCM phát biểu: “Chẳng
lẽ Facebook có mặt ở 200 nước thì phải đặt máy chủ ở 200 nước? Không tập đoàn,
công ty nào chịu nổi chi phí cho đội ngũ. Ngay cả chúng ta cũng lập trung tâm
hành chính tập trung thì sao đòi hỏi họ phải rải máy chủ ra khắp nơi. Chuyện đó
là không khả thi, trừ khi thị trường của mình lớn như Trung Quốc“.
TS Nguyễn Quang A bình luận: “Nói như tít báo thì
hay đấy ông, nhưng các vị sao chép Luật Tàu thì mâu thuẫn đấy và cũng chẳng thực
thi được đâu… VN khác TQ nên sao chép luật của họ là không ổn đâu ông ạ; lợi bất
cập hại cho chính an ninh quốc gia liên quan đến mạng mà các vị mong muốn đấy“.
Mời đọc thêm: Facebook kinh
doanh ở 200 nước, không lẽ phải đặt 200 máy chủ? (TN). – Bộ trưởng Công an: Không sử dụng mạng không thể chơi được với
ai (VNN).
Trùm truyền thông, nhưng “nông” kiến thức
Facebooker
Lê Nguyễn Hương Trà cho biết, tập thơ “Đợi anh
về” mà ông Trương Minh Tuấn tặng Putin cũng chính do ông Tuấn viết lời giới thiệu,
lại còn “nổ” là “Tôi học tiếng Nga từ bé” nhưng bị cư dân mạng “chửi” là “Với
những ai biết tiếng Nga và nhất là những người rành văn hóa Nga thì câu đề tặng
của ông Tuấn thể hiện một sự vô văn hóa, lỗ mãng đến mức… ngu xuẩn. Hoàn toàn
không có từ ‘Kính’ và ‘Ngài’ như báo viết!”
Nhà
văn Phạm Xuân Nguyên còn chỉ ra cái sai nữa ở
lời giới thiệu tập thơ này của ông Tuấn “nổ”. Ông Nguyên viết: “Trong lời giới
thiệu của Trương Minh Tuấn cho tập thơ này, cả bản tiếng Việt và bản dịch sang
tiếng Nga, ngay câu đầu đã sai về lịch sử. Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ
hai nổ ra ngày 1/9/1939 khi nước Đức phát xít tấn công Ba Lan. Còn cuộc chiến
tranh Vệ Quốc của Liên Xô bắt đầu từ ngày 22/6/1941 khi Đức phá bỏ hiệp ước
không xâm lược lẫn nhau đã ký với Liên Xô, bất ngờ tấn công nước này. Vậy mà Bộ
trưởng đàng hoàng viết: Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai (1941 – 1945).”
Nhà báo Huy Đức có bài: APEC:
Tuấn và Trump. Theo tác giả, việc “Trump ngủ gật khi trong khi chủ nhà
đang đọc diễn văn” hay “cái
tweet trong đêm đầu tiên ông ấy mất ngủ ở Hà Nội” cho thấy “Việt Nam
không có gram nào ‘trong trái tim Trump’.”
Còn kẻ “dốt còn hay nói chữ” Trương Minh Tuấn thì, “Putin
chắc chắn anh ấy không chấp”. Nhưng “tôi tin là Putin đã cười khẩy
thương hại cho Việt Nam, một đất nước cũng không đến nỗi nào mà bộ trưởng vẫn
còn mông muội thế”. Ối trời: “Ông Tuấn chỉ là người được giao
việc tiễn khách thay Chủ tịch Nước, ông Tuấn đâu có ngang hàng với Putin để tặng
ông ấy quà ở chân cầu thang (ở chân cầu Thang ông Putin có thể tặng quà cho những
người mẫn cán như ông Tuấn, kiểu ‘tip’ cho nhân viên khách sạn)”.
Sức khỏe lãnh đạo là điều nhạy cảm
Báo PLTP có bài: Tại sao không công khai sức khỏe của Chủ tịch nước? Liên
quan đến dự án Luật bảo vệ bí mật nhà nước, ông Bùi Đặng Dũng, Phó Chủ nhiệm Ủy
ban Tài chính-Ngân sách đặt câu hỏi: “Sức khỏe lãnh đạo Đảng và Nhà nước của
ta có phải bí mật không? Nếu như bí mật nhà nước thì ta phải thực hiện theo
đúng tính chất của bí mật nhà nước. Còn không phải bí mật nhà nước thì chúng ta
phải công khai. Liên quan đến chuyện sức khỏe của đồng chí Chủ tịch nước Trần Đại
Quang, tại sao không công khai cho cử tri, nhân dân cả nước biết mà để cho mạng
thông tin nói cực kỳ xấu…”.
Nếu đúng là Chủ tịch Trần Đại Quang có sức khỏe tuyệt
vời như ông Dũng phát biểu thì xin chúc mừng ông: “Tôi nghĩ chuyện thông tin
chúng ta xử lý rất kém, đến khi hình ảnh Chủ tịch nước rạng ngời, mạnh
khỏe mới đập tan mọi dư luận phản tuyên truyền. Như chúng ta thấy hình
ảnh vừa rồi tại APEC rất tuyệt vời”.
Việc ông Dũng thắc mắc chuyện
cơ mật mà thư ký, lái xe, quán trà đá vỉa hè đều biết (!?), TS Nguyễn
Quang A viết: “HÃY SỜ TAY LÊN GÁY VÀ HỎI CHÍNH MÌNH CÁC VỊ Ạ. Chuyện
cơ mật chỉ có các vị mới biết, lọt ra ngoài là do chính các vị: hoặc là các vị
phạm luật hoặc là gián điệp cho ngoại bang. Còn chuyện đáng phải công khai mà
các vị cứ coi là mật thì tại chính các vị làm luật đấy!”
Rõ ràng là đầu óc Chủ tịch Quang có vấn đề, khi tuyên bố chung Việt – Mỹ, ông Quang đã khen nhầm ông
Trump: “Chủ tịch nước Trần Đại Quang ghi nhận vai trò đi đầu của
Mỹ trong giảm thiểu phát thải khí cac-bon trên toàn cầu và sáng tạo công
nghệ năng lượng sạch; cảm ơn Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam thúc đẩy các biện pháp giảm
nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu“. Chủ tịch Quang không biết chính TT
Trump là người cho rằng chuyện biến đổi khí hậu, hâm nóng toàn cầu là tin vịt, nên
Trump đã ‘tự hào’ vì rút Mỹ khỏi hiệp ước về biến đổi khí hậu.
Mời đọc thêm: Sức khoẻ Chủ
tịch nước, lãnh đạo Đảng, Nhà nước có nên là bí mật? (NLĐ).
Số phận ông Nguyễn Xuân Anh
Báo Tiền Phong có bài: Xem xét miễn nhiệm chức Chủ tịch HĐND Đà Nẵng của ông Nguyễn
Xuân Anh. Vừa kết thúc APEC là các lãnh đạo Ban thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng
đã “có văn bản gửi Bộ Chính trị, Ban Bí thư xin ý kiến về vấn đề nhân sự của
thành phố Đà Nẵng, trong đó có việc miễn nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND thành phố
Đà Nẵng đối với ông Nguyễn Xuân Anh“.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng cũng đề xuất
ông Nguyễn Nho Trung, Uỷ viên Ban thường vụ Thành uỷ Đà Nẵng, Phó Chủ tịch HĐND
TP Đà Nẵng phụ trách HĐND TP. Đà Nẵng thay ông Nguyễn Xuân Anh. Mời đọc thêm: Đề xuất Bộ Chính trị miễn nhiệm ông Nguyễn Xuân Anh (PLTP).
Chuyện ở “thiên đường”
Báo GDVN có bài: “Ông Sở, bà
Phán” đã nhúng chàm, ơ hơ, rửa sạch cả rồi! Nói về trường hợp bà cựu
phó chánh án bị kỷ luật do nhận hối lộ lại được bổ nhiệm thẩm phán và vụ bổ
nhiệm lại phó giám đốc sở đánh nhau ở quán karaoke hay như vụ Trưởng
Công an xã nổ súng bắn Chủ tịch từng dính án 12 tháng tù treo…
Báo Lao Động có bài: Phê bình đồng chí phê bình. Trong luật cán bộ công
chức “không có hình thức kỷ luật nào là phê bình cả“, thế nhưng trên thực
tế thì có rất nhiều trường hợp như “Rút kinh nghiệm sâu sắc cán bộ bẻ khoá
vào nhà dân bắt gà, Phê bình cán bộ xã phê bình cả nhà cô gái, và hôm qua, phê bình cán bộ vụ bắt nhốt hai cô gái vào
Trung tâm bảo trợ xã hội“.
Báo PLTP có bài: Vụ chạy thận 8 người chết: Phải có hóa đơn đỏ đám ma.
Bài viết cho biết, đến nay tất cả các gia đình trong vụ tai biến chạy thận nhân
tạo làm tám người chết ở Hòa Bình “vẫn chưa nhận được tiền bồi thường từ BV
đa khoa tỉnh Hòa Bình“. Với “lý do chính mà bệnh viện chưa bồi thường
là, các gia đình phải xuất trình hoá đơn tài chính việc ma chay. Trong khi các
gia đình nạn nhân đa phần là đồng bào dân tộc, ở tít tận trong bản. Bà con loay
hoay không biết làm thế nào mà liên hệ với dưới âm để xin hoá đơn được đây…”.
Ông Lê Xuân Hoàng, Giám đốc BV đa khoa tỉnh Hòa
Bình, cho biết: “Hiện tại sự việc rất dài dòng và phức tạp, không thể trao đổi
qua lời nói. Mọi vấn đề liên quan đến việc bồi thường, bệnh viện sẽ thông tin cụ
thể bằng văn bản cho báo chí vào ngày mai (14 -11)”.
Nhưng có lẽ bi hài hơn cả là việc mới đây, Thanh tra
xây dựng TP. HCM đã cho mời người chết 7 năm lên làm việc. Đó là trường hợp ông
Nguyễn Văn Bi, dù đã qua đời 7 năm trước, nhưng đột nhiên bị thanh tra xây dựng
thành phố mời lên làm việc “về việc Kiểm tra thửa đất ở phường Bình Hưng Hòa
B, quận Bình Tân“. Mời xem clip của RFA:
Mời đọc thêm: Đòi có hóa
đơn đỏ mới đền bù tai biến chạy thận (TT). – Tự ý làm đường bị phạt và xới lên! (PLTP).
Tin
quốc tế
Tin nước Mỹ
RFI có bài: Nghi án Nga: Chuyên gia tình báo chỉ trích Trump ”ngây thơ” (RFI). Thượng
Nghị sĩ John McCain cho rằng ông Trump, ‘ngây thơ’, cả tin, hoàn toàn tin vào
những gì Putin nói, gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ. Nhưng chắc chắn rằng,
Trump không ngây thơ và Trump cũng chẳng hề tin Putin bởi chính Trump biết rõ
là Putin có can thiệp vào bầu cử ở mỹ hay không, nhưng Trump nói là Trump tin
Putin không nhúng tay vào phá hoại bầu cử ở Mỹ. Điều này hoàn toàn dễ hiểu, chẳng
lẽ Trump nói Putin can thiệp vào bầu cử Mỹ hồi năm ngoái, giúp đưa Trump lên
làm tổng thống Mỹ?
Ông John Brennan, cựu giám đốc CIA, thì ngạc nhiên,
khi nói rằng: “Không có chút nghi ngờ rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử. Và
thật lạ lùng khi thấy ông Trump không thừa nhận điều này và không phản kháng lại
Putin. Mối đe dọa Nga đối với nền dân chủ Mỹ là có thật“. Đâu có gì lạ,
sở dĩ Trump không phản kháng lại Putin là vì Putin đã giúp đưa Trump lên làm tổng
thống Mỹ, phá hoại nền dân chủ Mỹ. Dễ hiểu mà!
Thượng đỉnh ASEAN
Sau chuyến công du 12 ngày, TT Trump hứa sẽ ra một ‘tuyên bố quan trọng’ sau chuyến thăm
châu Á. VOA cho biết, “Tổng thống Trump nói ông sẽ ra ‘một
tuyên bố quan trọng’ về Triều Tiên và về thương mại khi ông trở lại Washington
sau chuyến công du 12 ngày, thăm 5 nước châu Á”.
Ông Trump bối rối với kiểu bắt tay của lãnh đạo
ASEAN. Ảnh: AP
RFI có bài: Thượng Đỉnh ASEAN: Biển Đông vắng bóng trong lời khai mạc.
Reuters cho biết, trong diễn văn khai mạc Thượng đỉnh ASEAN, tổng thống
Philippines Duterte, chủ tịch đương nhiệm khối ASEAN, đã không đề cập đến vấn đề
Biển Đông.
Phớt lờ nhân quyền: Mỹ-Philippines: Trump dàn cảnh ”đồng cảm” với Duterte.
RFI dẫn nguồn AFP cho biết, trước câu hỏi về nhân quyền của báo chí trong cuộc
hội kiến ở Manila, “Tổng thống Donald Trump tránh né bằng sự im lặng. Tổng
thống Rodrigo Duterte cắt gọn: đây không phải là họp báo mà là hội kiến song
phương”.
Mời đọc thêm: TT Trump bối rối với kiểu bắt tay của lãnh đạo ASEAN (VOA).
– TQ
sẽ là ‘láng giềng tốt’ với ASEAN(BBC).
Tình hình châu Á
Tránh nhắc đến nhân quyền, Ông Trump ‘có quan hệ tốt đẹp’ với TT Philippines.
Trong cuộc trò chuyện bên lề Hội nghị Thượng đỉnh châu Á, VOA dẫn lời Phát ngôn
viên Tòa Bạch Ốc Sarah Sanders, nói: “Cuộc hội đàm tập trung vào Nhà nước
Hồi giáo (ISIS), ma túy và thương mại. Vấn đề nhân quyền được nêu ngắn gọn
trong bối cảnh cuộc chiến chống ma túy của Philippines”.
Trongkhi đó, ông Harry Roque, phát ngôn viên của ông
Duterte cho biết: “Cuộc gặp không có đề cập đến nhân quyền, không có đề
cập đến các vụ giết người vượt thẩm quyền”. Được biết, trong cuộc chiến
bài trừ ma túy kể từ khi ông Duterte tuyên thệ nhậm chức vào năm ngoái, hơn
3.900 người đã bị giết. Chính phủ Duterte cho rằng đây chỉ là hành động tự
vệ của cảnh sát.
BBC có bài phân tích về “điểm chung” giữa
Philippines và Hoa Kỳ: Vị thế
Philippines trong chiến lược của Hoa Kỳ. Trích từ bài viết: “Mặc
dù chính quyền Obama chỉ trích cuộc chiến tranh chống ma túy của Tổng thống
Duterte, nhưng Tổng thống Trump tuyên bố ông sẽ tới Philippines vì đó là ‘một vị
trí chiến lược quan trọng’.”
RFI có bài: Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc: Ngổn ngang bế tắc.
Bài nhận định của AFP kết luận: “Nhìn chung, cho dù các dự án đường tàu
cao tốc của Trung Quốc được giới lãnh đạo Trung Quốc và chính quyền các nước đối
tác thường xuyên ca ngợi và cổ vũ, người dân thường tại các địa phương nơi tàu
cao tốc dự tính sẽ đi qua, không hề hưởng ứng”. Như một dân làng
Indonesia nhận xét: “Tàu cao tốc không phải cho chúng tôi… chỉ những
nhà kinh doanh cỡ bự mới nghĩ rằng thời giờ là tiền bạc”.
RFI có bài điểm báo: Trump–Tập: Sự khác biệt ở hai tầm nhìn chiến lược. Tác
giả nhận xét: “Nước Mỹ của Donald Trump không còn một tầm nhìn chiến lược
dài hạn nào. Trái lại, Trung Quốc của Tập Cận Bình được ấn định một mục tiêu,
tuy còn xa xôi, nhưng rất rõ ràng: Trở thành cường quốc số 1 thế giới”.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN: Họp ba bên Mỹ, Nhật, Úc về mối đe dọa Triều Tiên. VOA dẫn
tin từ Tòa Bạch Ốc cho biết, “ba nhà lãnh đạo khẳng định lại cam kết nhằm
duy trì áp lực cao nhất lên Triều Tiên để phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.
RFI có bài: Quân đội Miến Điện bị tố cáo phạm ”tội ác chống nhân loại”.
Sau khi thu thập các bằng chứng tại Cox’s Bazar, Bangladesh, nơi có khoảng
610.000 người Rohingya tị nạn, báo cáo ngày 12/11/2017 của bà Pramila Patten, đặc
phái viên Liên Hiệp Quốc, cho biết: “Quân đội Miến Điện bị tố cáo hãm
hiếp tập thể, làm nhục một cách có hệ thống phụ nữ và bé gái thuộc sắc dân thiểu
số Rohingya theo Hồi Giáo, và ‘có thể bị coi là tội ác chống nhân loại’.”
VOA đưa tin: Binh sĩ Triều Tiên chạy sang Hàn Quốc sau khi bị bắn. Dẫn
nguồn Reuters, “Một binh sĩ Triều Tiên hôm 13/11 đã bỏ chạy sang Hàn Quốc
sau khi bị quân đội Triều Tiên bắn bị thương”.
Mời đọc thêm: Binh sĩ Triều Tiên bị bắn khi đào thoát sang Hàn Quốc (RFA).
– Đối lập Campuchia yêu cầu Mỹ giúp đỡ(RFA). – Tổng thống Trump ca ngợi quan hệ với Tổng thống Duterte (RFA).
Châu Âu, Trung Đông
Hợp tác phòng thủ chung, Liên Hiệp Châu Âu ký hiệp ước hợp tác quân sự. RFI dẫn
nguồn từ AFP cho biết, “tại Bruxelles, 23 ngoại trưởng và bộ trưởng quốc
phòng của Liên Hiệp Châu Âu ký tổng cộng 20 cam kết hợp tác phát triển vũ khí
và trợ giúp nhau trong các chiến dịch quân sự ngoài châu Âu”.
RFI đưa tin: Pháp tưởng niệm nạn nhân loạt khủng bố 13/11/2015. “Ba
giờ đồng hồ kinh hoàng, 130 người chết, 400 người bị thương. Cách nay đúng hai
năm, đêm Thứ Sáu 13/11/2015, một nhóm khủng bố Hồi Giáo gần như đồng loạt tấn
công vào 6 địa điểm trong Paris và ngoại ô Saint Denis gồm nhà hàng, rạp hát và
sân vận động Stade de France”.
Zing đưa tin: Tìm thấy hố chôn tập thể 400 nạn nhân bị IS hành quyết.
“Iraqinews cho biết quân đội Iraq đã phát hiện hơn 10 hố chôn tập thể tại tỉnh
Kirkuk. Số lượng nạn nhân được tìm thấy tại mỗi địa điểm khoảng từ 50 tới vài
trăm người“.
VOA có bài: Động đất ở Iran và Iraq, hơn 400 người chết. Theo truyền
hình nhà nước Iran, một trận động đất mạnh 7,3 độ Richter đã làm “ít nhất
407 người đã thiệt mạng và ít nhất 6.600 người bị thương”.
RFA có bài: Biến đổi khí hậu gây hại cho những di sản thiên nhiên thế giới.
Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN) vừa công bố bản báo cáo cho biết, “Biến
đổi khí hậu gây ra tác động xấu đến một trong bốn Di sản Thiên nhiên Thế giới;
gồm các bãi đá san hô, sông băng và những vùng đất ngập nước. Số nơi chịu tác hại
bởi biến đổi khí hậu tăng gần gấp đôi so với cách đây ba năm”.
Mời đọc thêm: Catalunya: Thủ tướng Tây Ban Nha kêu gọi ”đa số thầm lặng” lên
tiếng (RFI). – Thiệt hại nhân mạng lớn trong vụ động đất ở biên giới Iran-Iraq (RFA).
– Tin về tình trạng một nhà báo từng làm việc cho BBC bị bắt ở Iran: Nazanin
Zaghari-Ratcliffe bị tù khi về thăm Iran (BBC).
--------------------------------
Bài
Mới Nhất
14/11/2017
14/11/2017
14/11/2017
14/11/2017
14/11/2017
14/11/2017
14/11/2017
13/11/2017
13/11/2017
13/11/2017
No comments:
Post a Comment