Friday, 3 November 2017

BẢN TIN NGÀY 3/11/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo GDVN có bài thứ hai của TS Trần Công Trục: Giáo sư Trung Quốc định “bẫy” giới nghiên cứu Việt Nam? Về phát biểu của GS Trung Quốc, Phó Côn Thành trên BBC ngày 20/10/2017, cho rằng VN không cho người TQ vào xem triển lãm, TS Trục cho biết, Việt Nam không “đóng cửa” với người Trung Quốc khi mở các cuộc triển lãm khẳng định chủ quyền của VN đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

TS Trục nhận định, vị giáo sư TQ đang dọa các học giả VN, rằng nếu có “đối diện với lịch sử và tòa án”, thì chắc gì Việt Nam sẽ thắng, bởi vì Trung Quốc có “bằng chứng lịch sử” sớm hơn. Ccho nên, tốt hơn hết Việt Nam nên “ngồi vào bàn đàm phán tay đôi với Trung Quốc”. Mời xem lại bài đầu: Về lời khích Việt Nam trưng “bằng chứng lịch sử chủ quyền” để Trung Quốc xem.

BBC đưa tin: TQ hoạt động trên biển riêng rẽ với VN và ASEAN. Dẫn nguồn Tân Hoa Xã, cho biết, Việt Nam đang có cuộc tuần tra chung với Trung Quốc trong ba ngày, bắt đầu từ ngày 1/11. Đây là đợt tuần tra chung thứ hai của lực lượng cảnh sát biển của hai nước trong năm nay, nhằm “nghiên cứu, luyện tập các hoạt động tìm kiếm và cứu hộ trên biển, và kiểm tra các tàu đánh cá”.


Quan hệ Việt – Trung
Báo VietNamNet có bài: Cuộc hội đàm thẳng thắn giữa Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao TQ. Chuyến thăm của ngoại trưởng TQ Vương Nghị, Bộ trưởng Ngoại giao VN Phạm Bình Minh đã “đề nghị hai bên nghiêm túc tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước, ‘thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – TQ’.

Ông Vương Nghị nói rằng, ông Tập Cận Bình chọn Việt Nam là quốc gia đầu tiên để thăm sau đại hội 19, là thể hiện việc TQ “coi trọng cao độ việc phát triển quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Việt Nam“. Coi trọng cái gì, chẳng qua là hai nước láng giềng có cùng chế độ độc đảng. Chẳng lẽ Tập Cận Bình đi thăm Nhật hay Nam Hàn đầu tiên, những nước không cùng ý thức hệ? Còn Bắc Hàn thì cả thế giới đang tránh xa, Tập Cận Bình chẳng dại gì mà mò qua đó thăm trước, chưa kể chế độ độc tài Bắc Hàn kiểu khác, không giống độc tài CS kiểu VN và TQ.


Đài Tàu CRI cho biết, Trưởng ban Ban Liên lạc Đối ngoại TW Trung Quốc Tống Đào chuyển thông điệp của TBT Trung Quốc Tập Cận Bình tới TBT Việt Nam Nguyễn Phú Trọng. Nội dung chỉ thấy là Trung Quốc sẵn sàng cùng Việt Nam thúc đẩy “mở ra chân trời mới cho sự nghiệp Chủ nghĩa xã hội“. Hay ông Tập muốn ông Trọng học tập Tư tưởng Tập Cận Bình về CNXH đặc sắc Trung Quốc thời đại mới?


Bao giờ đưa các anh về?
Trang Soha có bài: Tướng Sùng Thìn Cò: Nhìn lên đỉnh núi biết rằng hàng nghìn đồng chí vẫn nằm đó… Thiếu tướng Sùng Thìn Cò, Đại biểu Hà Giang và là Phó tư lệnh Quân khu 2, đề nghị Quốc hội, Đảng, Nhà nước quan tâm trong phân bổ ngân sách năm 2018, để đưa hài cốt các liệt sĩ trở về với gia đình. Tướng Cò cho biết, tại các điểm cao 1.800A, 1.800B, 1.722, 1.220 , 1.030, bình độ 300, 400, 800, có rất nhiều chiến sĩ đã hy sinh tại đây.

Ông Cò nói: “Tại khu vực này, theo thông tin của các đơn vị và các đồng chí cựu chiến binh trực tiếp chiến đấu, chúng ta còn khoảng 2.500 liệt sỹ đang nằm tại đây. Hằng ngày, ở dưới bãi bằng nhìn lên trên đỉnh núi biết rằng các đồng chí vẫn nằm ở đó nhưng chưa thể đưa về được. Đã hơn 30 năm qua, thân nhân gia đình các liệt sỹ có người còn, người mất, các cụ chỉ mong ước trước khi nhắm mắt còn được thấy con mình trở về nhà“.

Đại biểu Sùng Thìn Cò nhắc đến những liệt sĩ còn nằm ở bãi chiến trường. Ảnh: VGP

Sau hơn 30 năm, những chiến sĩ hy sinh thân mình bảo vệ Tổ Quốc vẫn còn nằm ngoài bãi chiến trường. Đừng đổ thừa do không có kinh phí, chỉ cần bớt xây một tượng đài nghìn tỉ, sẽ có đủ tiền đưa các chiến sĩ này về ngay thôi.

APEC 2017
VOA có bài: Việt Nam ‘huy động cả hệ thống chính trị’ ứng phó thiên tai dịp APEC. Đúng dịp để “phô trương” cách tổ chức Hội nghị APEC, Việt Nam lại phải “huy động cả hệ thống chính trị” vào cuộc để triển khai các biện pháp ứng phó thiên tai và “không để mưa lũ làm ảnh hưởng đến Hội nghị APEC”. VOA cho biết, dự kiến sẽ có hơn 12.000 người sẽ đến Đà Nẵng để tham dự APEC, trong đó có 2.000 đại biểu chính thức, 3.000 phóng viên, 1.000 doanh nhân và đại biểu không chính thức.

RFI có bài phân tích về những thách thức lớn đang chờ đợi tổng thống Mỹ trong chuyến công du Châu Á: Tổng thống Mỹ công du châu Á mà “ruột gan rối bời”. Một trong những thách thức, về lãnh vực kinh tế, “ông Donald Trump làm thế nào để có thể ngăn chận đà ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực khi mà ông đã cho rút Hoa Kỳ khỏi Hiệp Ước Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương, một trong những biện pháp chủ đạo trong chính sách ‘xoay trục sang châu Á’ của người tiền nhiệm Barack Obama?”

RFI có bài viết về chuyến đi của ông Trump công du Châu Á: “Những gì diễn ra sau mới quan trọng”. Theo tác giả, những gì mà các đồng minh Châu Á mong đợi là “vẫn muốn yêu cầu Mỹ chứng minh các cam kết bằng hành động cụ thể: ‘Bây giờ thì cho chúng tôi thấy đi!’.”

Trang Soha có bài: Tổng thống Donald Trump bàn thảo những vấn đề gì tại Việt Nam? Đại sứ Ted Osius cho biết, “nhiều vấn đề sẽ được thảo luận trong chuyến công du của Tổng thống Donald Trump như các vấn đề về khu vực như Triều Tiên, vấn đề Biển Đông, các hoạt động thương mại cởi mở, công bằng, các thách thức của khu vực, các hoạt động giao lưu nhân dân“. Theo trang Pacific Standard, có thể Trump sẽ dụ TT Phúc nhận tất cả những người gốc Việt ở Mỹ bị trục xuất.


Lao động “chui” ở Vĩnh Tân là người nước nào?
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Hơn 500 lao động nước ngoài làm ‘chui’ ở Vĩnh Tân. Sau khi có đợt kiểm tra về việc sử dụng lao động nước ngoài tại nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Vĩnh Tân 4 vừa qua, Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Bình Thuận đã phát hiện hơn 500 trường hợp lao động nước ngoàiđang làm “chui” tại đây. Ngoài ra còn gần 300 trường hợp lao động nước ngoài khác không được cấp phép cũng không có hồ sơ báo cáo Sở.

Nhiều băng rôn tại dự án nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 mang cả hai dòng chữ Việt Nam và TQ – Ảnh: Đức Trong/ báo TT

Được biết, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 là liên danh hai nhà đầu tư Trung Quốc góp 95% vốn, 5% còn lại là phía VN. Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 do Tổ hợp Nhà thầu Doosan (Hàn Quốc), Mitsubishi (Nhật Bản), Công ty Thái Bình Dương và Công ty Tư vấn Xây dựng Điện 2 (PECC 2) làm tổng thầu EPC. Khả năng lao động “nước ngoài” làm “chui” ở đây chắc chắn có lao động Trung Quốc, giống như số lao động “chui” tại Vũng Áng.

RFA đưa tin: Lao động Trung Quốc làm chui ở Bình Thuận. “Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 là hai đơn vị thuê mướn những lao động người nước ngoài bất hợp pháp này. Bên cạnh đó còn có Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Vận hành Kinh doanh Vĩnh Tân điện lực Trung Quốc và các nhà thầu phụ, bao gồm các công ty Lắp đặt Quảng Đông, Trung Kiến 2, Trung Kiến 3, Vận chuyển Trung Đặc và Tương điện Hồ Nam.”

Về nạn “giặc cờ đỏ”
GS Nguyễn Đình Cống có bài: Hội Liên minh Cờ Đỏ – Một cú tát vào mặt Đảng Cộng sản. Chính quyền CSVN vẫn tuyên truyền rằng, VN có sự ổn định chính trị vững chắc, thế nhưng: “Một đất nước ổn định, lại có lực lượng công an hùng hậu, có đảng viên khắp nơi, thế mà nhân dân còn tự phát đứng ra lập Hội để bảo vệ an ninh Tổ quốc. Rồi Hội ở các nơi họp lại thành Liên minh. Đối với người dân bình thường trong nước cũng như các Chính phủ và dân nước ngoài có quan tâm đến tình hình VN, sẽ hỏi: Điều gì xảy ra vậy? VN bị loạn quá rồi hay sao?

Facebooker Nghiêm Việt Anh viết: “Không phải đến khi bẩy trăm tên ‘đầu trâu mặt ngựa, ào ào như sôi’ kéo đến uy hiếp, khủng bố tinh thần của các vị chăn chiên và bà con xứ đạo, người ta mới biết đến lũ ‘hồng vệ binh’ này. Mà từ mấy năm trước, giữa kinh đô nước Vệ, chúng đã thường xuyên xuất hiện quấy nhiễu, trong những cuộc biểu tình chống Tàu“.

Ông Nghiêm Việt Anh cho biết thêm: “Những ai từng dấn thân tranh đấu, trực tiếp tham gia những buổi tưởng niệm ấy, hoặc thường xuyên quan tâm theo dõi dư luận, đều ngầm hiểu một điều, sở dĩ bọn chúng ngông nghênh, coi trời bằng vung như thế, chắc chắn có sự chống lưng của những thế lực tội ác. Bởi trong bối cảnh xã hội VN đang thời, dưới ách độc tài toàn trị, nếu không có sự tổ chức, dung túng, bảo kê, những chuyện như thế không thể xảy ra trọn vẹn(!)… XIN HÃY CẢNH GIÁC!

Tác giả Phạm Trần có bài: Giặc cờ đỏ và những cái đầu mạt vận. Tác giả cho rằng: “nếu không được đảng và công an bảo kê nuôi ăn, chi phí trang phục, cờ xí, biểu ngữ, chỗ ở, di chuyển và tiền túi thì có ai vô công rỗi nghề đi làm chuyện ruồi bu kiến đậu này?” Và “đây là dấu hiệu khủng hoảng nội bộ nghiêm trọng của Lãnh đạo và đảng cầm quyền”.

Tác giả viết: “Hay là cơn hồng thủy tan hàng đã đến với đảng CSVN trong thời mạt vận nên Việt Nam mới là nước duy nhất còn than vay khóc mướn cho sự sụp đổ của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Nga (1917 – 2017), trong khi ở Nga thì không ai còn muốn moi cái xác chết ấy lên cho ô nhiễm không gian“.

Nhân quyền ở Việt Nam
RFA có bài: Phóng viên tự do Huyền Trang bị hành hung. Bà Nguyễn Huyền Trang, phóng viên tự do chuyên viết tin bài cho trang mạng ‘Tin Mừng Cho Người Nghèo’, đã bị một nhóm người xông vào đánh ngay sau thánh lễ, giỗ cựu tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, tại Nghĩa Trang Lái Thiêu, Bình Dương.

Bà Huyền Trang cho biết: “Sau khi kết thúc Lễ của cụ Gioan Baotixita Ngô Đình Diệm thì tôi cùng các ông thương phế binh trở về Sài Gòn, khi tôi leo lên được chiếc xe thì họ cố gắng hết sức họ kéo cánh cửa ra để lôi tôi ra khỏi và ở bên ngoài họ đã dùng gạch họ đập vào cánh cửa xe họ đã lao lên xe và đánh tới tấp vào màng tai cũng như vào đầu tôi.  Và bác sĩ nói là chấn thương phần mềm và phải theo dõi , nói chung đã cho thuốc uống rồi”.

Phóng viên Huyền Trang. Nguồn: FB Huyền Trang

RFA đưa tin: Cựu tù nhân lương tâm Bùi Hằng bị Công an Hà Nội sách nhiễu. Ngày 1/11, Công an Hà Nội đã vào tận nhà người thân bà Bùi Hằng ở Sơn Tây để bắt và cưỡng đoạt điện thoại của bà. Công an Hà nội đã yêu cầu bà Bùi Hằng tới làm việc trong ngày 2/11, tuy nhiên bà từ chối vì lý do sức khỏe. Bà cho biết: “Tôi sẽ cố gắng có phương tiện trong thời gian sớm nhất để thông tin. Hiện nay tôi đang rất đau và phải ở cùng con cháu”.


“Ý nghĩa” Cách mạng tháng 10 Nga, hóa ra là đồ đểu
Báo Nhân Dân có bài của Chủ tịch nước Trần Đại Quang: Cách mạng Tháng Mười Nga vĩ đại với Cách mạng Việt Nam. Ông Quang viết: “Đảng ta luôn kiên định quan điểm đổi mới có nguyên tắc, đổi mới nhưng không đổi màu, đổi mới nhưng phải giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa, giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng… nhân dân ta quyết không chấp nhận con đường nào khác ngoài con đường xã hội chủ nghĩa“.

Xin ngài Chủ tịch nước đừng lôi nhân dân vào nữa, bởi chẳng có nhân dân nào lại lựa chọn con đường “xuống hố cả nút” này. Nếu đủ can đảm thì hãy cho trưng cầu dân ý, có sự giám sát của quốc tế, hỏi ý dân, sẽ biết ngay nhân dân có chọn con đường XHCN hay không.

Blog VOA có bài: ‘Thủy chung’ đến thế là… cùng. Về bài viết đã bị gỡ của PGS TS Nguyễn Linh Khiếu: Thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, tác giả Trân Văn đặt câu hỏi: Phải chăng “cơ quan lý luận và chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng CSVN” bắt đầu nghĩ khác, bắt đầu “nhận thức lại? Tác giả trả lời: “Câu trả lời là… còn khuya! Chỉ hai ngày sau, hôm 30 tháng 10, Tạp chí Cộng sản tự ý đục bỏ ‘Thời kỳ phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam’.”

Bài viết đăng ở Tạp chí Cộng sản đã bị gỡ: Ý nghĩa, ảnh hưởng của cách mạng Tháng Mười Nga đến cách mạng Việt Nam. Chắc “nổ” quá trời, làm “rung chuyển thế giới” khiến các nước Đông Âu, đặc biệt là Nga còn phải khiếp, nên không còn thấy ai nhắc tới nó ngoài mấy ông lý luận Cộng sản Việt Nam? Không thấy báo nhắc tới Venezuela và Bắc Hàn nữa, chỉ còn nhắc tới ba nước Việt Nam, Trung Quốc, Cu Ba là sao? Mà Trung Quốc và Cu Ba giờ đâu có theo Cộng sản nữa mà bàn?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cách mạng tháng 10 Nga thực ra là gì, các nhà lý luận ở VN có thực sự hiểu nó hay không, xin mời đọc bài của RFI: Chuyên gia Pháp : «Cách Mạng Tháng Mười» chỉ là cuộc đảo chính bôn-sê-vích. Chính tờ báo cộng sản Pháp L’Humanité ngày 09/10/1917 còn thừa nhận cái gọi là Cách mạng tháng 10 Nga, thực ra là “Cuộc đảo chính tại Nga”, được một trong những ông tổ của CNXH (với tinh thần của chủ nghĩa toàn trị) là Lênin đạo diễn. Còn “tiếng đại bác trên chiến hạm Rạng Đông” thực tế “chỉ bắn những phát không đạn“.

Cũng theo tờ báo Pháp, Lênin muốn đánh đồng vụ “đảo chính” tháng 10/1917 với cuộc “Cách mạng” là để “được nâng ngang tầm với những tiến bộ như cuộc cách mạng Pháp 1789“. Chốt lại, cũng nên nhớ lời nhân vật số hai của Khmer Đỏ, Nuon Chea“Chủ nghĩa cộng sản là số không đối với bạn, số không đối với tôi”.

Sáp nhập có tinh giản được bộ máy?
LS Lê Văn Luân đặt câu hỏi: Sáp nhập tỉnh có thể tinh giản?Theo ông Luân, vấn đề của Việt Nam là “thừa mứa lượng cán bộ, công chức trong nhà nước vì việc chạy chọt, mua bán và bổ nhiệm tràn lan những tấm vé an nhàn đó cho những kẻ bất tài, lười làm nhưng có tiền, hoặc người thân quen“. Và để tinh gọn bộ máy, không phải là việc thay đổi số lượng đơn vị hành chính, mà là về “thể chế chính trị để có một nhà nước vận hành linh hoạt, hiệu quả và văn minh“. (Bài này có một thông tin sai: Mỹ chỉ có 50 tiểu bang, thay vì 53 như trong bài).

Báo Tiền Phong có bài: Sáp nhập Bộ KH&ĐT với Bộ Tài chính: Không chồng chéo, việc ai người đó làm. Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho biết: “Không có gì gọi là chồng chéo cả. Việc ai người đó làm, phân định tương đối rõ”.

Báo ANTĐ đưa tin: ĐBQH: “Cỗ xe hành chính” sắp chết máy, hết xăng vì chở quá nặng. Đại biểu Trương Trọng Nghĩa kiến nghị, cần đột phá tinh giản bộ máy cán bộ công chức, có biện pháp đồng bộ, hợp lý, nhưng kiên quyết, vì “cỗ xe hành chính sắp chết máy vì đang chở quá nặng và sẽ hết xăng”.

Mời xem clip của trang Quốc hội: Tinh giản biên chế giảm bội chi ngân sách: http://quochoitv.vn//2017_07/tu%20nghi%20truong%20den%20cs%2029-10.mp4?_=1

Ông Dương Trung Quốc lại hỏi khó: Kiến nghị Quốc hội trả lời “có hay không việc chạy ĐBQH?” Về thông tin cựu đại biểu Châu Thị Thu Nga chạy ghế, ông Quốc nói, Quốc hội thảo luận về cải cách hành chính nhưng không dám nói đến tình trạng mua quan bán chức: “Kể cả thông tin liên quan đến bản án của một cựu ĐBQH về việc chạy ĐBQH, có hay không thì Quốc hội cần trả lời cho dân để củng cố niềm tin“.


Củi Đinh La Thăng
Trong một bình luận liên quan tới tin nóng ở Mỹ, công tố viên độc lập Robert Mueller đã bắt hai người thân cận nhất của Tổng thống Trump là ông Paul Manafort và George Papadopoulos, ngay trước chuyến đi của ông Trump đến VN tham dự hội nghị APEC. Nhà báo Huy Đức cho rằng Việt Nam khác với Mỹ, “rất nhân bản và rất chính trị khi vẫn để yên cho Đinh La Thăng tới sau APEC“.

Chắc cũng do thấy “củi” Đinh La Thăng mãi không được cho vô lò, mà cho vô lò có khi nó cũng không cháy, cho nên ông Ngô Trung Thành, ĐBQH Đắk Lắk sốt ruột: Làm sao “bếp lò cải cách” củi tươi đưa vào cũng phải cháy.

Phủ chúa của ai?
Báo Luật sư VN có bài: ‘Phủ Chúa’ đẹp nguy nga giữa lòng TP. Thanh Hóa. Được gọi là “phủ chứ” vì nó nguy nga, tráng lệ. Được xây dựng trên diện tích hơn 10.000 m2, tại tại Khu dân cư An Phú Hưng, đường Đông Hương 1, phường Đông Hương, TP. Thanh Hóa. Tuy nhiên, bài viết không tiết lộ chủ nhân của khu “phủ chúa” này.

Được biết, “theo hồ sơ quy hoạch, 21 lô nhà vườn gần 1 ha được ‘gom trái quy hoạch’ để chủ nhân xây dựng ‘Phủ Chúa’.” Giá đất giáp đường Đông Hương 1 của khu An Phú Hưng, khoảng 45 triệu/m2. “Nếu hơn 10.000 m2 đất trong ‘Phủ Chúa’ có giá bình quân 30 triệu/m2, thì giá trị tiền đất của ‘Phủ Chúa’ này là khoảng hơn 300 tỷ đồng”.

Biệt thự nguy nga ở Thanh Hóa. Ảnh: Báo LSVN

Thông tin về Đồng Tâm
Báo Tuổi Trẻ có bài: ‘Vụ Đồng Tâm là lòng tin chứ không chỉ là vụ án hình sự’. Phát biểu tại QH sáng 2/11, ĐBQH Dương Trung Quốc cho biết: Vụ bê bối ở Đồng Tâm “là một vụ khủng hoảng về lòng tin chứ không thuần tuý chỉ là vụ án hình sự” và rằng “những khiếu nại của người dân không được quan tâm, xem xét kịp thời, để tích tụ lại, trở thành hiện tượng ‘tức nước vỡ bờ’.” Điều lạ là TP. Hà Nội và Chính phủ đã có chỉ đạo giải quyết vụ Đồng Tâm, nhưng “đã 2 tháng rưỡi nay, người dân Đồng Tâm có kiến nghị xem xét lại kết luận của thanh tra Hà Nội mà vẫn chưa được một cơ quan nào trả lời“.

Báo NLĐ có bài: ĐB Dương Trung Quốc: Dùng chữ “đầu thú” ở vụ Đồng Tâm là không ổn. Ông Quốc cho rằng, “gần đây các cơ quan thực thi pháp luật kêu gọi những người liên quan đến việc bắt giữ ấy ra ‘đầu thú’. Tôi nghĩ dùng chữ ‘đầu thú’ là không ổn. Chúng ta mất đi ngôn ngữ đối thoại với dân rồi sao?

LS Hà Huy Sơn cho rằng: “Chỉ có vụ án dân sự, hình sự hoặc hành chính. Không có vụ án lòng tin. Hoạt động Quốc hội phải dựa trên luật pháp. Diễn đàn Quốc hội không phải chỗ để mị dân, tào lao. Tại sao người dân không dùng lý trí để đánh giá vấn đề mà cứ mãi dùng tình cảm”.


Quốc hội với vụ phân bón giả Thuận Phong
Báo Người Đưa Tin có bài: Nghi án phân bón giả Thuận Phong: Nghị trường tranh luận kịch liệt. Không đồng ý với “cò” doanh nghiệp Hồ Văn Năm ở đoàn Đồng Nai, ĐBQH Nguyễn Bá Sơn (đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng) phản đối: “Đối với vụ án Thuận Phong, vụ phân bón giả, ĐBQH Năm đã giải thích rất dài, nhưng trên quan điểm bảo vệ doanh nghiệp và danh dự của doanh nghiệp. Tôi cảm thấy không yên tâm về nhiều ý kiến giải thích nhưng kết luận không có dấu hiệu tội phạm. Qua nghiên cứu tài liệu liên quan đến vụ việc, tôi thấy rằng, tất cả những tài liệu này đi ngược lại với ý kiến của ĐBQH Năm giải thích trước nghị trường”.

ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận) cho biết: “Xin nói thêm, ĐBQH Hồ Văn Năm vốn là Viện trưởng viện Kiểm sát Nhân dân của Đồng Nai, là Viện trưởng tại thời điểm mà Thuận Phong bị phát hiện“. Ông Trương Hòa Bình (đoàn ĐBQH tỉnh Long An) khẳng định: “Có lúc tranh luận với nhau chất chính và thành phần chính, cuối cùng thống nhất thành phần chính là chất chính dưới 70%, nên chưa đạt, theo quy định của pháp luật là giả”.

Về vụ nhà báo Dương Thị Hằng Nga bị cấm xuất cảnh 
Báo Lao động Nghệ An có bài của tác giả Phạm Việt Thắng: “Nức tiếng” và tai tiếng. Bài báo nói thẳng, việc Công an Đà Nẵng cấm xuất cảnh đối với nhà báo Dương Thị Hằng Nga, phóng viên Tạp chí Giao thông, “là vì ông Vũ ‘nhôm’” chỉ đạo. Bởi nhà báo Dương Hằng Nga “đã có những 8 bài viết, ‘kể tội’ công ty xây dựng 79” do ông Vũ “nhôm” làm Chủ tịch Công ty.

Bài viết cũng cho rằng, Công an Đà Nẵng đáng lẽ phải hướng dẫn ông Vũ “nhôm” khởi kiện dân sự Tạp chí Giao thông, thay vì cấm xuất cảnh đối với nhà báo Hằng Nga. Còn nếu Công an TP. Đà Nẵng vẫn tiếp tục vì ông Vũ “nhôm”, thì người dân có quyền nghi ngờ, công an đang “phục vụ” ông Vũ “nhôm”. Cuối cùng, sự “nức tiếng” của ông Vũ “nhôm” sẽ “tỉ lệ thuận với sự tai tiếng của Công an Đà Nẵng“.

Báo Tuổi Trẻ có bài: Tạm dừng điều tra nhà báo Dương Thị Hằng Nga. Ông Trần Đình Liên, phó giám đốc Công an TP Đà Nẵng, cho biết: Cơ quan an ninh điều tra đã tạm dừng việc điều tra, xác minh tội phạm liên quan đến bà Dương Thị Hằng Nga từ tháng 9/2017. Tuy nhiên, ông Liên cho rằng “nếu sau này phát sinh tình tiết mới, thu thập được tài liệu sẽ phục hồi điều tra“.

Báo Người Việt có bài: Nhận diện giới ‘tư bản đỏ’ tại Việt Nam. Bài viết có đoạn: “Một ai đó đưa ý kiến, rằng hiện nay thì công an chỉ biết bảo vệ đảng, nhưng sau này kinh tế thị trường phát triển, thì công an sẽ ‘chuyển sang’ bảo vệ các ông chủ doanh nghiệp, theo nguyên tắc: ‘Kẻ nào có tiền thì kẻ đó có… quyền’!“. Không chỉ có công an “xấu” như vậy đâu. Đảng cũng vậy thôi, không theo tiền thì theo ai?

RFA có bài: Doanh nhân Việt Nam và Cán bộ cao cấp. Ông Huỳnh Ngọc Chênh nhận định: “Ông Vũ nhôm bị mọi người đồn đại là người của ông Trần Đại Quang, ông ấy mạnh là có cái thế như vậy. Qua chuyện này cho thấy ông ấy vẫn còn mạnh”.


Công an hay kẻ cắp?
Báo Tiếp thị Thế giới có bài: Vi phạm đầy đường, CSGT mật phục, cải trang làm gì? Đúng là ở các thành phố, có quá nhiều vi phạm xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật mà lực lượng CSGT xử “không xuể”, thì cần gì phải “mật phục hay cải trang” để phát hiện vi phạm? Nếu không mang quân phục, không đeo bảng tên thì người dân rất khó giám sát CSGT có thực thi đúng chức năng, nhiệm vụ hay không. Có khi dân còn nghi những người này là trộm cướp, hay công an giả danh nữa.

CSGT Việt Nam chỉ cần thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ là điều tiết giao thông, hướng dẫn người dân tham gia giao thông một cách đúng luật, chứ không phải “cứ nghĩ cách chăm chăm vào xử phạt”, thì dư luận đâu có gọi họ với hỗn danh… “chó vàng”!

Chuyện ở “thiên đường”
Báo PLTP có bài: Tử tù oan Hàn Đức Long nhận huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. Hôm qua, ông Hàn Đức Long, là người bị kết án “tử tù oan” và ở tù suốt 11 năm, suýt mất mạng, đã được Đảng ủy xã Phúc Sơn, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang trao tặng huy hiệu 30 năm tuổi Đảng!
Ông Long là đảng viên khi còn tham gia quân ngũ. Rời quân ngũ năm 1985, ông về quê làm công an viên. Năm 1999, ông nghỉ công tác tại địa phương“. Được biết, ông Long vẫn chưa nhận được tiền bồi thường oan sai, cũng như việc VKSND tỉnh Bắc Giang chưa tổ chức xin lỗi công khai vì truy tố oan đối với ông tội hiếp dâm.


Người Việt hải ngoại
Trang Pacific Standard có bài: Một số người lo sợ rằng, người Mỹ gốc Việt có thể gặp nguy cơ bị trục xuất cao hơn. Bài viết cho biết, có khả năng chính quyền Trump sẽ xé bỏ cam kết đã ký với chính phủ VN năm 2008, rằng sẽ chỉ trục xuất những người đến Mỹ sau năm 1995 và phạm tội ở Mỹ.

Bà Dizon Mariategue, là người quản lý chính sách nhập cư, thuộc tổ chức SEARAC, nói: “Hoa Kỳ dường như không quan tâm đến việc tôn trọng Bản Ghi nhớ vì họ chỉ cố gắng trục xuất càng nhiều người càng tốt. Chúng tôi vẫn không biết liệu điều này sẽ dẫn đến kết quả là sự trục xuất cuối cùng của những người đến Mỹ tị nạn trước năm 1995 – sẽ do chính phủ Việt Nam quyết định. Nhưng từ đó, những gì chúng tôi có thể nói là chính quyền này đang đẩy mạnh một cách tích cực hơn nữa để họ làm việc đó”.

Trang Facebook Nhật ký yêu nước có clip đăng lại từ báo Daily Mail, Anh quốc, cho biết: Cảnh sát Anh đã phát hiện một xe chở 10 người nhập cư trái phép từ Việt Nam, được nhồi nhét trong một thùng hàng. Cảnh sát Anh cũng cho biết có hai trẻ vị thành niên trong nhóm 10 người Việt nhập cư bất hợp pháp. “Hai trẻ được chăm sóc trong các trung tâm dịch vụ xã hội, trong khi những người trưởng thành được đưa tới Bộ Nội vụ“.

Nhập cư tráo phép vào Anh

Ngày chấm dứt Đệ Nhất Cộng Hòa
BBC có bài: Bà Trần Lệ Xuân qua lời kể và bình luận. Ông Trương Phú Thứ, người tiếp xúc với bà Nhu nhiều lần trong giai đoạn bà sống ở châu Âu, cho biết, về tin nói bà Trần Lệ Xuân có những khoản tiền khổng lồ: “Tin đó cũng như tin mà một vị tự xưng là sử gia tung ra, rằng bà Nhu có tới 17 tỷ Mỹ kim từ những năm 1960-1961. Tôi chỉ hỏi liệu hồi đó mang cả Sài Gòn ra bán có thu được 17 tỷ Mỹ kim hay không!”

Cũng BBC, có bài về cố Tổng thống Ngô Đình Diệm: Nhà Ngô thứ nhì nằm xuống loạn lạc nổi lên. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng ghi lại lời của Đại sứ Pháp Lalouette, nói với Đại sứ Maneli, người môi giới hiệp thương giữa Nam-Bắc, để kết luận: “Nếu Mỹ lật đổ ông Diệm, cơ hội cuối cùng về hòa bình ở Việt Nam sẽ bị phá hủy. Vì bất cứ ai lên thay ông ta cũng sẽ phải lệ thuộc vào Mỹ. Chỉ mình ông Diệm là người độc lập đủ để may ra có thể vãn hồi được hòa bình”.

Tin quốc tế

Tin nước Mỹ
VOA cho biết, Các nhà lập pháp công bố mẫu quảng cáo của Nga mua trên Facebook. Một mẫu quảng cáo đăng trên Facebook với nội dung: “Hillary là quỷ Satan, và những tội ác và sự lừa dối của mụ ta chứng tỏ mụ ta tà ác đến mức nào”.

Về hai cộng sự đắc lực của TT Trump bị bắt, VOA đưa tin: Ông Manafort và ông Gates ra tòa. Phiên tòa dự trù sẽ bắt đầu vào lúc 2 giờ chiều ngày thứ Năm, ngày 2/11 ở Washington, sẽ là phiên đầu tiên liên quan đến cuộc điều tra.

Hình vẽ cựu quản lý chiến dịch tranh cử Ðảng Cộng hòa, ông Paul Manafort (đứng giữa) và đối tác làm ăn của ông là ông Rich Gates tại tòa án liên bang ở Washington, hôm 30/10/2017. Ảnh: AP

VOA có bài: Hé lộ tài sản, quan hệ của Manafort với giới đầu sỏ chính trị Nga. Tin cho biết: “Cả hai bị can đều có những mối quan hệ đáng kể ở nước ngoài, bao gồm ở Ukraine, nơi cả hai đã có thời gian làm đại diện cho chính phủ của nước này. Và cả Manafort và Gates đều có quan hệ với những nhân vật đầu sỏ chính trị Ukraine và Nga, những người đã cung cấp hàng triệu đôla cho Manafort và Gates”.

Với lý do việc giam giữ vi phạm các quyền hiến định: Thẩm phán phóng thích di dân bị giam vì sắc lệnh của Trump. VOA cho biết: “Thẩm phán Patti Saris, ngày 1/11 đã ra lệnh phóng thích một di dân bất hợp pháp nằm trong số 47 người Indonesia ở New Hampshire đang kiện sắc lệnh trục xuất của chính quyền Trump”.

Về vai trò quan trọng nhất của nền kinh tế Mỹ, ông Jerome Powell có thể sẽ được đề cử làm chủ tịch Fed. VOA dẫn nguồn tin từ báo Wall Street Journal, cho biết, “các giới chức Tòa Bạch Ốc đã thông báo cho ông Powell rằng ông sẽ lên làm Chủ tịch Quỹ Dự trữ Liên bang (Fed) thay cho bà Janet Yellen khi bà Yellen mãn nhiệm vào tháng 2 năm tới”. Ông Powell đang là một ủy viên của Hội đồng thống đốc của Quỹ Dự trữ Liên bang. Ông được trông đợi sẽ tiếp tục chiến lược cẩn trọng của bà Janet Yellen, nâng dần lãi suất.

VOA có bài tiết lộ một số chi tiết về lai lịch kẻ tấn công khủng bố New York“Nhà chức trách cho biết Saipov gần đây sống ở bang New Jersey, nơi anh ta được cho là đã thuê một chiếc xe tải nhỏ không mui từ Home Depot một giờ trước khi tông nó vào làn đường xe đạp”.

Trump lại xen vào việc của tư pháp: TT Trump kêu gọi xử tử hình kẻ tấn công khủng bố ở New York. Ông Trump viết trên Twitter: “Tên khủng bố ở thành phố New York tỏ ra vui vẻ khi hắn ta yêu cầu treo cờ ISIS trong phòng bệnh viện. Hắn đã giết 8 người, làm 12 người bị thương nặng. NÊN TỬ HÌNH HẮN TA”. Dân Mỹ đã quá ngán ngẫm với một vị tổng thống chẳng hiểu gì về luật pháp, suốt ngày lên Twitter tuyên bố bậy bạ.

Thêm một vụ bắn chết người bừa bãi: Cảnh sát truy lùng kẻ vũ trang lạnh lùng giết 3 người ở Walmart/Colorado. VOA dẫn nguồn từ phát ngôn viên của Cơ quan Cảnh sát Thornton, Victor Avila, cho biết, thủ phạm được xác định danh tánh, Scott Ostrem, 47 tuổi, “đã thản nhiên bước vào cửa hàng Walmart ở Thornton, cách trung tâm thành phố Denver khoảng 16 km về hướng đông-bắc, rồi nổ súng vào khách đang đi mua sắm cũng như nhân viên của cửa hàng. Vụ việc xảy ra vào lúc sau 6 giờ chiều ngày 1/11”.

RFI đưa tin: CIA cho giải mật tài liệu về trùm khủng bố Ben Laden. Cơ quan tình báo Mỹ CIA hôm 01/11/2017 đã công bố các tài liệu lưu trữ quan trọng về Osama Bin Laden. Theo giám đốc CIA Mike Pompeo, việc công bố “giúp người Mỹ biết rõ hơn về các dự tính và cách hoạt động của tổ chức khủng bố này”.

BBC có bài về nữ bác sỹ gốc Việt ‘thách thức dân biểu Cộng hòa’ trong vùng Little Saigon, bang California. Tin cho biết, bác sĩ nhi khoa Trần Thị Mai Khanh, theo đảng Dân Chủ, sẽ tranh chức dân biểu liên bang địa hạt 39, tiểu bang California, với dân biểu Cộng Hòa đương nhiệm, ông Ed Royce.

BBC có bài: Lãnh đạo VietJet ‘quyền lực hơn Clinton’. Theo kết quả xếp hạng 100 phụ nữ quyền uy nhất thế giới của Forbes vừa công bố, doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo, CEO hãng hàng không VietJet “xếp thứ 55, trong khi bà Hillary Clinton chỉ đứng thứ 65”. Thứ tự hàng đầu là Thủ tướng Đức Angela Merkel, thứ nhì là Thủ tướng Anh Theresa May và hạng ba là bà Melinda Gates, đồng chủ tịch Quỹ Bill & Melinda Gates.


Trung – Triều – Miến
VOA có bài: Trung Quốc phá âm mưu ám sát con trai Kim Jong Nam. Theo nhật báo Hàn Quốc JoongAng Ilbo, dẫn một nguồn tin độc lập cho biết: “Bảy gián điệp Triều Tiên đã được bí mật phái đến Trung Quốc để thực hiện sứ mệnh giết Kim Han-sol, con trai ông Kim Jong-nam. Hai trong số 7 gián điệp bị nhà chức trách Trung Quốc bắt hồi tuần trước và đang được thẩm vấn ở một vùng ngoại ô Bắc Kinh”.

RFI đưa tin: Trung-Triều: Tập Cận Bình viết thư cho Kim Jong Un. Theo giáo sư Yang Moo Jin thuộc Đại Học Bắc Triều Tiên Hoc ở Seoul, “cuộc trao đổi thư từ mới nhất này cho thấy cả hai phía đang sẵn sàng cải thiện quan hệ”.


Châu Âu, Trung Đông
Thừa nhận lỗi lầm, Bộ trưởng Quốc phòng Anh từ chức. VOA đưa tin, Bộ trưởng Quốc phòng Anh, Michael Fallon, ngày 1/11 từ chức với lời giải thích rằng: “Nhiều cáo buộc không đúng sự thật nhưng tôi thừa nhận rằng trong quá khứ, tôi từng hành xử không đáp ứng các chuẩn mực cao của lực lượng võ trang. Tôi tự ngẫm lại cương vị của mình, và vì vậy, tôi xin từ chức Bộ trưởng Quốc phòng”.

BBC đặt câu hỏi về số phận Catalonia: Chuyện gì sẽ xảy ra với Tây Ban Nha? Tác giả nhận định: “Một hành động quan trọng chính phủ Tây Ban Nha vẫn có thể làm để xoa dịu những người theo chủ nghĩa dân tộc Catalonia là khôi phục một số thay đổi trong hiến pháp từ năm 2006 để tăng vị thế của Catalonia”.

Đến báo chí Đức cũng đổi tự do lấy tiền: Nhà xuất bản Đức Springer Nature phải tự kiểm duyệt ở Trung Quốc. RFI dẫn nguồn từ tờ Financial Times cho biết, “nhà xuất bản Đức Springer Nature với các tạp chí khoa học uy tín như Nature và Scientific American, vừa phải phong tỏa trên 1.000 bài viết trên trang web tại Trung Quốc, theo yêu cầu của Bắc Kinh”.

Nhân “Ngày Quốc Tế về việc chấm dứt nạn tội ác nhắm vào nhà báo không bị trừng phạt”, ngày 2/11, RFI có bài: Bốn năm sau vụ 2 ký giả RFI bị giết ở Mali, thủ phạm vẫn tự do.


-----------------------------------------------

Bài Mới Nhất
03/11/2017
03/11/2017
03/11/2017
03/11/2017
03/11/2017
03/11/2017
03/11/2017
02/11/2017
02/11/2017
02/11/2017






No comments:

Post a Comment

View My Stats