Saturday, 11 November 2017

"AMERICAN FIRST" CỦA TRUMP LÀM TIÊU TAN QUYỀN LỰC MỀM CỦA MỸ (Thụy Mi - RFI)




Thụy My – RFI
Đăng ngày 11-11-2017

Liên quan đến Hoa Kỳ, The Economist số ra tuần này cảnh báo « Nguy hiểm : Ảnh hưởng Mỹ bị suy yếu đi dưới thời Donald Trump », và không dễ dàng gì vực dậy nổi.

Cách đây đúng một năm, ông Donald Trump được bầu lên làm tổng thống. Nhiều người dự đoán chính sách đối ngoại của Mỹ sẽ trở thành thảm họa. Ông Trump từng đòi từ bỏ các hiệp định tự do mậu dịch, bỏ rơi các đồng minh, làm đảo lộn trật tự toàn cầu hiện nay dựa trên cơ sở luật pháp. NATO bị cho là « lỗi thời », NAFTA (Hiệp định Tự do Mậu dịch Bắc Mỹ) là« tồi tệ chưa từng thấy », và nước Mỹ quá lịch sự với người nước ngoài. Donald Trump dọa « thả bom xuống bọn khốn kiếp Daech », « đoạt lấy dầu lửa ».

Trump vẫn chưa gây thảm họa
Cho đến nay, sự việc không đến nỗi tệ hại lắm như ông Trump đã dọa dẫm. Đành rằng ông quyết định Hoa Kỳ rút ra khỏi hiệp định khí hậu Paris, bỏ rơi TPP, một hiệp định tự do mậu dịch quy mô. Tuy nhiên Donald Trump vẫn chưa tự cô lập. Ông không rút khỏi NATO, và một số đồng minh Đông Âu còn thích giọng điệu cứng rắn của Trump hơn là thái độ hòa nhã của Obama.

Trump chưa phát động một cuộc chiến tranh nào. Tổng thống Mỹ lại còn tăng cường bảo vệ chính quyền Afghanistan, và giúp Irak tái chiếm các thành phố từ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (Daech, IS). Tại các khu vực mà Mỹ không quan tâm mấy như châu Phi, chính sách của chính quyền tiền nhiệm vẫn được tiếp tục. Và do Donald Trump đã dành 12 ngày cho chuyến công du châu Á hiện nay, không thể nói rằng ông đã tách rời khỏi phần còn lại của thế giới.

Nhiều người cảm thấy an tâm khi xung quanh tổng thống Mỹ là các tướng lãnh điềm tĩnh và tài giỏi. Chánh văn phòng, bộ trưởng Quốc Phòng, cố vấn an ninh quốc gia đều hiểu rõ sự khủng khiếp của chiến tranh, sẽ ngăn cản Donald Trump làm những điều khinh suất.


Những người lạc quan còn cho rằng Trump sẽ bắt chước Ronald Reagan, qua việc làm chuyển động các cơ quan ngoại giao, xây dựng lại sức mạnh quân sự Mỹ ; tung ra nắm đấm khiến Bắc Triều Tiên phải run sợ, rồi sụp đổ như Liên Xô trước đây. Người khác cho rằng dù trước mắt Donald Trump làm phương hại đến vị trí của Hoa Kỳ trên thế giới, ông sẽ thất cử vào năm 2020 và mọi sự sẽ trở lại như cũ.

Hoa Kỳ sẽ vực dậy được uy tín khi Donald Trump ra đi ?
Theo The Economist, đó chỉ là suy nghĩ viển vông. Đành rằng về mặt an ninh, Donald Trump đã tránh được một số sai lầm tai hại. Ông không tranh cãi một cách vô ích với Trung Quốc về tư cách nhập nhằng của Đài Loan. Xì-căng-đan Nga can thiệp bầu cử đã ngăn Trump bắt tay với Vladimir Putin, vốn đang gây sợ hãi cho các nước láng giềng. Và có vẻ như Donald Trump đã thuyết phục Bắc Kinh gây áp lực nhiều hơn với Bắc Triều Tiên về chương trình nguyên tử.

Tuy nhiên Donald Trump đã có những quyết định gây tranh cãi, như muốn hủy hiệp định hạt nhân với Iran. Ông ưa thích các nhân vật quyền lực như Vladimir Putin hay Tập Cận Bình. Trump mê các tướng lãnh, nhưng lại tỏ ra nghi hoặc các nhà ngoại giao : ông đã làm bộ Ngoại Giao Mỹ trở nên vắng vẻ, mất đi rất nhiều đại sứ đầy kinh nghiệm.


Qua các tin Twitter, ông nói ngược lại những gì các viên chức của mình phát biểu mà không thèm báo trước, đe dọa Kim Jong Un…Hơn nữa, Donald Trump chưa từng được thử thách qua một cuộc khủng hoảng. Các vị tướng có thể khuyến cáo ông, nhưng Trump là tổng tư lệnh quân đội, với tính cách khiến cả bạn lẫn thù đều phải cảnh giác.

Về thương mại, Trump đơn giản cho rằng nhà xuất khẩu « thắng », còn nhập khẩu là « thua » (Vậy thì những khách hàng mua trang phục, túi xách mang nhãn hiệu Ivanka sản xuất tại châu Á đều thua thiệt ?). Donald Trump nói rõ, ông thích các thỏa thuận song phương hơn là đa phương, vì một nước lớn như Hoa Kỳ có thể ép các nước nhỏ phải nhượng bộ. Cách suy nghĩ này, theo The Economist, có đến hai cái sai.

Thứ nhất, thật vô cùng khó khăn cho các nước nhỏ, hiện đang vất vả xoay sở trước các nhóm lobby chủ trương bảo hộ. Thứ hai, sẽ lại tạo ra một loạt những quy định phức tạp ; mà trước đây hệ thống thương mại đa phương đã được hình thành để đơn giản hóa chúng.

Quyền lực mềm Hoa Kỳ : Nạn nhân chính của Donald Trump
Nhưng có lẽ quyền lực mềm của Mỹ là nạn nhân chính của Donald Trump. Ông Trump công khai đặt dấu hỏi về việc Mỹ phải bảo vệ các giá trị phổ quát như dân chủ và nhân quyền. Không chỉ ngưỡng mộ các nhà độc tài, tổng thống Mỹ còn ca ngợi bạo lực, như việc sát hại hàng loạt nghi can ma túy ở Philippines. Đó không phải là chiến thuật ngoại giao, mà có vẻ như xuất phát từ niềm tin.

Đây là một điều mới. Các tổng thống Mỹ tiền nhiệm cũng đã từng ủng hộ các nhà độc tài, vì buộc phải làm như vậy trong thời chiến tranh lạnh. « Hắn ta là một tên khốn kiếp, nhưng là tên khốn của chúng ta » - Tổng thống Harry Truman từng nói về một lãnh đạo độc tài chống cộng ở Nicaragua như thế. Còn ông Trump thì : « Anh ta là một tên khốn. Thật tuyệt vời ! »
Thái độ này đã đẩy lùi ra xa những đồng minh yêu chuộng tự do ở châu Âu, Đông Á… đồng thời cổ vũ các nhà độc tài. Bắc Kinh có thể dễ dàng tuyên truyền rằng mô hình dân chủ Mỹ đã lỗi thời, và những nước khác có thể sẽ sao chép mô hình độc đoán của Trung Quốc.

Ý kiến cho rằng mọi việc sẽ trở lại như cũ sau khi Donald Trump ra đi là quá lạc quan. Thế giới đang thay đổi. Các nước châu Á đang tạo dựng những quan hệ thương mại mới, mà thường thì Trung Quốc là trung tâm. Châu Âu đang cố gắng xây dựng một nền quốc phòng, một khi không còn có thể dựa vào Chú Sam. Và chính trị Mỹ đang hướng nội : cả Cộng Hòa lẫn Dân Chủ nay đều có xu hướng bảo hộ hơn so với thời điểm Donald Trump thắng cử.

The Economist kết luận, cho dù có những khiếm khuyết, Mỹ quốc từ lâu vẫn là lực lượng quan trọng nhất trên thế giới bênh vực cho điều thiện, ủng hộ tự do, và là kiểu mẫu dân chủ. Tất cả nay đang bị đặt trong tình trạng nguy hiểm. Khi thúc đẩy « Nước Mỹ trước hết », Donald Trump đã làm cho Hoa Kỳ suy yếu đi, và thế giới trở nên tồi tệ hơn.

Russiagate tệ hại hơn Watergate
Cũng liên quan đến tổng thống Mỹ, L’Express phân tích « Những điểm tưởng chừng là giống nhau giữa Russiagate » và Watergate. Còn theo The New York Review of Books được Le Courrier International dịch lại, « Russiagate còn tệ hại hơn » cả xì-căng-đan đã khiến tổng thống Nixon phải từ chức năm 1972.

L’Express cho rằng sự kiện tuần qua là một bước ngoặt quan trọng. Hai cộng sự của Donald Trump là Paul Manafort và Richard Gates đã bị cáo buộc âm mưu, rửa tiền, gian lận tài chính và làm chứng gian, trong đó có việc « rửa » hàng mấy chục triệu đô la cho những người thân cận điện Kremlin. Cho dù tên của ông Trump lẫn cụm từ « thông đồng với Nga » không được nhắc đến trong văn bản dài đến 31 trang, nhưng giờ đây, không còn là những nguồn tin nặc danh nữa. Những chi tiết cụ thể được công khai, và các luật sư sẽ phát ngôn thay thân chủ.

The New York Review of Books đặc biệt chú ý đến nhân vật George Papadopoulos, có thể từ nhiều tháng qua đã khai ra nhiều chuyện cho công tố viên đặc biệt Robert Mueller để được hưởng giảm khinh.

·         Đọc thêm: Làm thế nào phế truất Donald Trump ?

Có vẻ như câu chuyện cũng giống như vụ Watergate đình đám cách đây gần 45 năm : một tổng thống Cộng Hòa ngày càng bị cô lập, bao quanh là một số cố vấn tai tiếng, không ngần ngại tìm cách bóp nghẹt những tiết lộ nguy hiểm. Nhưng theo L’Express, Hoa Kỳ đã thay đổi rất nhiều so với thời đó. Trong vụ Watergate, chỉ mất sáu tháng để đưa ra ánh sáng, còn bây giờ phức tạp hơn, sẽ phải chờ đợi lâu.

Quốc Hội Mỹ cũng khác : năm 1972, phe Dân Chủ chiếm đa số, nay thì Cộng Hòa thống trị cả lưỡng viện, và hầu hết giữ im lặng để khỏi mất ghế trong cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11/2018. Những thượng nghị sĩ Cộng Hòa hiếm hoi chỉ trích ông Trump thì uy tín đang bị xuống thấp trong các cuộc thăm dò, như Susan Collins (tiểu bang Maine), Lisa Murkowski (Alaska), Dean Heller (Nevada), Mitch McConnel (Kentucky). Như vậy chỉ có một sự kiện ngoạn mục nào đó xảy ra mới có thể truất phế được ông Trump.

Một khác biệt lớn nữa giữa Russiagate và Watergate là báo chí truyền thống bị yếu đi. Trong thập niên 70, những lời lẽ phẫn nộ của tổng thống Nixon chỉ được thốt ra trong vòng thân mật (trừ một số bị lén ghi âm). Ngày nay Donald Trump công khai những phát biểu nảy lửa trên Twitter, được đông đảo người ủng hộ trên mạng xã hội chia sẻ lại, và có sự hỗ trợ của báo chí cực hữu như Fox News, Breibart. Khi nhìn lại, vụ Watergate bây giờ chỉ như một trò trẻ con.

Liệu Trung Quốc sẽ dùng vũ lực chiếm Đài Loan ?
Liên quan đến châu Á, Le Courrier International trích dịch một bài viết của tạp chí Á châu Chu san (Yazhou Zhoukan) ở Hồng Kông mang tựa đề « Nếu Bắc Kinh dùng vũ lực cưỡng chiếm Đài Loan thì sẽ như thế nào ? »

Sau Đại hội Đảng 19, với quyền lực mạnh hơn bao giờ hết, Tập Cận Bình nay có thể tìm cách « hoàn tất công trình lớn lao là thống nhất », sáp nhập Đài Loan, điều mà cả Mao Trạch Đông lẫn Đặng Tiểu Bình không làm được, giúp ông Tập hiện thực hóa « Giấc mơ Trung Hoa ».

Tập Cận Bình có kiên nhẫn chờ đợi công luận Đài Loan thay đổi, hay sẽ tung ra đòn sấm sét để chiếm lấy hòn đảo này ? Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh trong năm nay đã diễu võ dương oai hai vòng xung quanh Đài Loan, và chỉ trong hai tuần lễ của tháng Bảy các oanh tạc cơ H-6 của Bắc Kinh đã bay thị uy bốn lần trên không phận đảo quốc. Đài Loan chưa bao giờ bị dọa nạt dữ dội như thế.

Cho dù không thể so sánh nổi về tương quan lực lượng, Đài Loan vẫn có khả năng tự vệ. Số hỏa tiễn phòng không được triển khai của lục quân Đài Loan đứng thứ nhì thế giới, chỉ sau Israel. Nhưng có thể chống chọi được bao lâu ? Người ta cho rằng chỉ một, hai tuần, cao lắm là một tháng. Theo cựu tướng Trung Quốc Vương Hồng Quang (Wang Hongguang), có thể chiếm được Đài Loan sau khoảng 100 giờ tấn công.

Cựu chủ tịch đảng Dân Tiến Đài Loan Hứa Tín Lương (Hsu Hsin Liang) cho rằng trước một cuộc chiến bất cân sức như thế, « thế giới không thể bảo vệ được chúng tôi ». Tuy nhiên nếu Tập Cận Bình dùng đến vũ lực như thế, « Trung Quốc sẽ không bao giờ trở thành đại cường số một thế giới được ».

Mỹ thờ ơ, Việt Nam gia tăng trấn áp đối lập
Về Việt Nam, The Economist có bài viết mang tựa đề « Đảng Cộng Sản tái khẳng định sự kiểm soát tại Việt Nam ». Theo tác giả, sự thờ ơ của Mỹ đã góp phần vào việc Hà Nội gia tăng trấn áp các nhà ly khai.
Tờ báo Anh nhận xét, so với « Vạn lý Hỏa thành » ngặt nghèo của Trung Quốc, dù sao tại Việt Nam vẫn tương đối dễ thở hơn. Người dân vẫn đọc được tin tức từ báo chí phương Tây, khoảng phân nửa trong số 90 triệu dân Việt sử dụng Facebook. Công chúng vẫn có thể chỉ trích chính sách kinh tế, biểu tình chống các hành động hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông, dù có bị giám sát.

Tuy nhiên gần đây một số nhà hoạt động đã bị bắt giam, chủ yếu là những người có dính líu đến Công giáo hoặc các nhóm xã hội dân sự như Hội Anh em Dân chủ, hay có liên lạc với Việt Tân. Và Hà Nội có vẻ muốn noi theo Bắc Kinh, với dự luật về an ninh mạng sẽ trói tay các nhà ly khai. The Economist cho rằng do Việt Nam nhỏ và nghèo hơn Trung Quốc, nên rất cần đầu tư ngoại quốc và thương mại. Cho dù với một chính quyền Mỹ ít đòi hỏi hơn, Hà Nội có nguy cơ mất nhiều hơn được khi siết chặt nhân quyền.

Lao động, cánh hữu, đạo Hồi : Tựa chính các tuần báo Pháp
Tựa chính của các tuần báo Pháp chủ yếu về các vấn đề trong nước. Le Point chạy tựa « Sự thực và huyền thoại về những người lười biếng ». Hồi tháng Chín, dưới áp lực của đường phố, tổng thống Pháp Emmanuel Macron vẫn tuyên bố « kiên quyết không nhượng bộ những người lười biếng, cực đoan… » gây tranh cãi. Tờ báo phân tích những nguyên nhân vì sao người Pháp được cho là làm việc ít hơn một số nước châu Âu khác. L’Express đăng chân dung ông Laurent Wauquiez, ứng cử viên hàng đầu cho chiếc ghế chủ tịch đảng Những Người Cộng Hòa và đặt câu hỏi « Nhân vật này có thể đoàn kết được cánh hữu ? »

L’Obs nói về « Tariq Ramadan, điều tra về sự sụp đổ của một giáo chủ ». Nhà nghiên cứu về đạo Hồi đã bị hai phụ nữ kiện vì tấn công tình dục, bạo lực và đe dọa tính mạng. Tuần báo đã tìm gặp hai cô gái khác, thuật lại mặt trái của người chuyên rao giảng cho Hồi giáo. Le Courrier International dành chủ đề cho « Hồi giáo, thách thức của thời hiện đại ».

-----------------------------








No comments:

Post a Comment

View My Stats