Tuesday 7 November 2017

100 NĂM SAU CÁCH MẠNG THÁNG MƯỜI, NƯỚC NGA CÓ ĐANG Ở ĐÊM TRƯỚC MỘT THỜI KỲ HỖN LOẠN MỚI ? (Trâm Huyền - Luật Khoa TC)




Posted on 07/11/2017

Vladimir Putin không muốn tổ chức lễ kỷ niệm rầm rộ cho Cách mạng tháng Mười. Ông ta có nhiều lý do chính trị cho việc đó. Nhưng chắc chắn Putin không thể bỏ qua những bài học chính trị quý giá mà cuộc cách mạng đó để lại.

·         Trâm Huyền lược dịch từ “Vladimir Putin wants to forget the revolution – Enter Tsar Vladimir“. Lời mở đầu và cách dòng là của người dịch.

Hồi năm 1912, một nhóm nhà thơ tiên phong người Nga, tự xưng là những người theo chủ thuyết vị lai (futurists), đã xuất bản một cuốn niên giám có tựa đề “Tát vào mặt khẩu vị công chúng”.

Ở trang cuối, một nhà thơ là Velimir Khlebnikov viết một danh sách ghi lại ngày sụp đổ của những đế quốc vĩ đại nhất thời bấy giờ. Dòng cuối danh sách ghi “Nekto [nghĩa là ai đó hay đâu đó]. 1917”. “Ông tin rằng đế quốc Nga của chúng ta sẽ bị hủy diệt năm 1917?” Viktor Shklovsky, một nhà phê bình văn học, hỏi Khlebnikov khi gặp ông này tại một buổi đọc thơ. Khlebnikov trả lời: “Ông là người đầu tiên hiểu ý tôi.”

“Nekto 1917” là tên của một triển lãm đang được tổ chức tại Phòng trưng bày Quốc gia Tretyakov tại Moscow. Triển lãm này được tổ chức để kỷ niệm 100 năm cuộc cách mạng Bolshevik tại Nga. Đây là một trong số ít những triển lãm công cộng có chủ đề về cả hai cuộc cách mạng năm 1917: Cuộc cách mạng dân chủ tháng Hai lật đổ chính quyền Sa hoàng, và cuộc cách mạng tháng Mười giúp đưa những người Cộng sản Bolshevik lên nắm quyền.

Khu trung tâm sầm uất của Moscow còn rất ít dấu tích của những sự kiện bạo lực đó. Một lối ra khỏi ga tàu điện ngầm trên Quảng trường Cách mạng (Revolution Square) dẫn thẳng đến một con đường đầy ắp những cửa hàng quần áo đồ hiệu như Tom Ford hay Giorgio Armani.
Trên Quảng trường Đỏ ở gần đó, du khách và người giàu Nga vừa nhâm nhi cà phê cappuccino giá 10 đô-la Mỹ mỗi cốc, vừa ngắm nhìn tòa lăng đang chứa thi hài được khâm liệm của Lenin.

Cứ như thể những sự kiện 100 năm trước không còn ý nghĩa gì nữa.

Trong thực tế, vài năm trở lại đây, những sự kiện đó đã có thêm một tầm quan trọng mới. Thói quen sử dụng lịch sử làm một công cụ để đẽo gọt thực tại bấy lâu nay của các nhà chức trách điện Kremlin khiến họ im lặng về những cuộc cách mạng năm 1917.

Sự thận trọng với những cuộc cách mạng đó của giới cầm quyền Nga là dấu hiệu cho thấy họ hiểu rõ sức mạnh của cách mạng là như thế nào. Các vấn đề khó khăn hiện nay của nước Nga càng làm cho lịch sử cách mạng nước này trở nên có ý nghĩa hơn.

Thái độ im lặng về các cuộc cách mạng năm 1917 của chính quyền Nga bộc lộ nỗi sợ hãi và cảm giác không thoải mái của giới tinh hoa nước này. Nó cũng thể hiện rõ rằng vị tổng thống của họ, Vladimir Putin, đang nắm giữ quyền lực chặt chẽ như thế nào.

Tưởng nhớ cách mạng

Vì những lẽ như trên, cho dù có bị loại bỏ hoàn toàn khỏi các không gian công cộng và các diễn văn nhà nước, dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười vẫn hiện lên thông qua những cách khác trong đời sống chính trị Nga.

Ngày 7/10 vừa qua, trong dịp sinh nhật 65 tuổi của ông Putin, những người ủng hộ Alexei Navalny, nhân vật đối lập hàng đầu của Nga, cùng diễu hành tại thành phố quê hương của Putin là St. Petersburg, cái nôi của cách mạng. Những người biểu tình này cùng hô vang “Đả đảo Sa hoàng!”. Ý họ nói đến Putin.

Nước Nga ngày nay trông không hề giống đang ở đêm trước cách mạng. Không có chiến tranh gây thiệt hại nặng nề, như hồi năm 1917, và cũng không có những bức xúc dồn nén như thời đó. Giới tinh hoa bây giờ tập trung gắn kết xung quanh Putin chặt chẽ hơn giới tinh hoa thời Sa hoàng Nicholas II – ít ra là trong giai đoạn trước mắt.

Nhưng vẻ ngoài tĩnh lặng đó rất dễ đánh lừa chúng ta.

Hệ thống cai trị mà Putin đã xây dựng dần dần qua những năm tại vị có nhiều điểm chung với hệ thống cai trị của một Sa hoàng hơn là của một người đứng đầu Bộ chính trị Liên Xô. Và chắc chắn là không hề giống với một thể chế dân chủ đích thực.

Giới tinh hoa Nga không có tính chính danh của riêng họ, và họ cũng không hề có những kế hoạch dài hạn. Tất cả mọi người đều biết rằng tình trạng căng thẳng có thể dễ dàng bùng phát như thế nào.

Các khảo sát tại Nga ghi nhận rằng căng thẳng xã hội đang dâng cao. Trong tâm trí của giới tinh hoa Nga, cách mạng không chỉ liên quan đến cuộc nổi dậy gần đây ở Ukraine.

Nhưng có lẽ một lý do khác khiến cho Putin cảm thấy không hào hứng với việc kỷ niệm cuộc lật đổ một triều đình cũ, chính là bởi vì ông đang noi gương những nhà lãnh đạo triều đình đó. Vì vậy, thay vì kỷ niệm cách mạng, điện Kremlin đang chuẩn bị một buổi tưởng niệm vụ hành quyết vị Sa hoàng cuối cùng.

Sự trỗi dậy của Putin như một vị Sa hoàng thế kỷ 21 không kỳ lạ như nhiều người tưởng. Andre Zorin, một nhà sử học trường đại học Oxford, chỉ ra rằng tính chính danh của các vị Sa hoàng Nga không nằm ở (hay, không hoàn toàn nằm ở) huyết thống hay bản thân cái ngai vàng của họ. Tính chính danh nằm ở bản thân con người nắm giữ ngai vàng và khả năng chuyển bại thành thắng của ông ta.

Sự kiện đã cho Putin tính chính danh là cuộc chiến tại Chechnya năm 1999. Sau khi các cuộc đánh bom vào một số căn hộ chung cư tại Moscow và nhiều thành phố khác được đổ lỗi cho các phiến quân người Chechnya, dân Nga ùa đến vây quanh Putin và xem ông ta như người cứu rỗi họ. Putin lúc đó là thủ tướng và là người mà Tổng thống Boris Yeltsin đề cử kế nhiệm mình.

Cái ngày Putin xuất hiện tại hiện trường vụ đánh bom ở Moscow, công chúng Nga ghi nhớ và nhìn nhận ông như một nhà lãnh đạo thực thụ của họ.

Giống như bất kỳ vị Sa hoàng nào, Putin đã phô diễn bản thân mình như một người thống nhất giang sơn nước Nga, một người có vai trò củng cố nước Nga và cứu nước này khỏi cảnh bị phân tán trong hỗn loạn và bất ổn.

Để xây dựng hình ảnh này, Putin chọn khắc họa những năm 1990 không phải như là một giai đoạn dịch chuyển sang dân chủ theo lối phương Tây và xây dựng kinh tế thị trường tự do.

Ông chọn khắc họa giai đoạn này như là một giai đoạn tái diễn Thời kỳ Hỗn Loạn (Times of Troubles) – một giai đoạn khoảng nửa sau thế kỷ 16, nửa đầu thế kỷ 17 tại Nga khi diễn ra nhiều cuộc nổi dậy, xâm lược, và nạn đói. Đó là giai đoạn sau cái chết của Sa hoàng cuối cùng thuộc triều đại Rurik, trước khi gia tộc Romanov củng cố quyền lực và lên nắm quyền, mở đầu triều đại Romanov.

Trong một bản tuyên ngôn có tựa đề “Nước Nga trước thềm Thiên niên kỷ mới”, xuất bản ngày 29/12/1999, hai ngày trước khi ông Yeltsin chuyển giao quyền lực cho ông, Putin công bố về vị thế tối cao của gosudarstvo. Nghĩa chính thức là “nhà nước” (state), nhưng có gốc là từ gosudar, một từ cổ vốn chỉ một nhà quân chủ, hay một người làm chủ.

Một nhà nước hiện đại thường là một tập hợp nhiều bộ luật và nhiều nguyên tắc mang tính quy củ. Gosudarstvo thì lại là một sự mở rộng vai trò của Sa hoàng như là cái gốc cơ bản nhất của trật tự và uy quyền.

Các cựu đồng nghiệp ở Cơ quan An ninh Quốc gia (KGB) thời Liên Xô của Putin đều có lời thề sẽ trung thành với ông ta như thể ông ta là một vị Sa hoàng. Năm 2001, Nikolai Patrushev, khi đó là lãnh đạo của Cơ quan An ninh Liên bang (FSB), cơ quan kế nhiệm KGB, miêu tả những cán bộ FSB mới như là một giai cấp quý tộc mới, và là những con người của gosudar.

Trong các năm sau đó, những cán bộ an ninh tình báo này cùng xây dựng một hệ thống giai cấp được liên kết với nhau bằng các cuộc hôn nhân trong nội bộ nhóm, những mối quan hệ cha đỡ đầu cho lũ trẻ con, và các mối quan hệ gia đình.

Nhiều lãnh đạo của các công ty nhà nước Nga trong ngành dầu khí và ngân hàng chính là con cái của những người bạn thân của Putin, những cựu đồng nghiệp KGB của ông ta.

Những người đó không nhìn nhận việc làm giàu nhanh chóng của họ là tham nhũng, mà là một sự tưởng thưởng xứng đáng cho việc trung thành phục vụ.

Phẩm chất Sa hoàng

Thế nhưng, thứ quan trọng nhất mang lại tính chính danh cho vị Sa hoàng tân kỳ của nước Nga lại chính là màn phô diễn “sự đoàn kết với nhân dân” của ông ta.

Kể từ năm 2001, năm nào Putin cũng xuất hiện trước quốc dân, ban may mắn đến cho người dân một cách kỳ diệu hay phân phát lợi lộc trực tiếp cho người dân mà không thông qua đám quan chức dưới quyền của ông.

Putin xây dựng một mối dây liên kết trực tiếp với người Nga, sử dụng các đài truyền hình quốc gia để ban bố thông điệp của ông ta.

Noi theo một truyền thống của các nhà quân chủ Nga, Putin không thể hiện bản thân như một chính trị gia tham vọng, mà như một “nô tài” cho người dân nước ông. Ông hiếm khi xuất hiện cùng, hay nói gì về người vợ của mình. Một Sa hoàng kết hôn với tất cả nhân dân Nga, và không ai có thể đứng giữa họ, nhà sử học Zorin phân tích

Ủy nhiệm trực tiếp từ nhân dân cho phép Putin củng cố quyền lực, làm suy yếu các lực lượng chính trị và kinh tế có tính cạnh tranh khác.

Những ai từ chối chấm nhận quyền hành của Putin sẽ bị tống khứ hay bỏ tù.

Bất kể lý do chính thức cho việc tống Mikhail Khodorkovsky vào một nhà tù ở Siberia là gì, phần lớn người Nga đều tin rằng Khodorkovsky đã mạo phạm Putin và xứng đáng phải hứng chịu cơn thịnh nộ của Putin. Rất ít người thách thức đặc quyền tống khứ một kẻ dưới quyền phản loạn của một vị Sa hoàng.

Trong hệ thống của Putin, đám đầu sỏ chính trị (oligarchs) làm giàu tùy vào ân sủng của nhà cầm quyền. Tương tự, tính chính danh của các lãnh đạo địa phương không đến từ lá phiếu của người dân, mà là từ việc người đó được Putin bổ nhiệm hay chấp thuận.

Putin hợp thức hóa chế độ độc quyền với chính trị và kinh tế của điện Kremlin bằng cách gợi lên những biểu tượng của quyền uy Sa hoàng, và bằng cách lợi dụng các tiềm thức văn hóa, theo phân tích của Lev Gudkov, một nhà xã hội học người Nga. Putin bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai năm 2004 bằng một lễ nhậm chức được tổ chức giống như một lễ đăng quang ngôi báu. Konstantin Ernst, Giám đốc Channel One, kênh truyền hình quốc gia chính của Nga, đã chỉ đạo việc dựng lên một khung cảnh hoàng gia. Tất cả những gì Putin cần làm là đi bộ vào đó.

Quân cảnh vệ trong lễ nhậm chức đó thì mặc đồng phục thời Sa hoàng. Lũ ngựa, được mượn từ một phim trường, vốn trước đó đã xuất hiện trong một cảnh quay lễ đăng quang của Alexander III. Putin đi bộ về phía các nhà thờ Kremlin trong tiếng nhạc bài “Vinh quang Sa hoàng” của Mikhail Glinka. Tại nhà thờ, Putin được ban phước bởi vị giáo chủ nhà thờ Chính thống giáo Nga.

Tuy nhiên, tính chính danh của một Sa hoàng lại luôn cần được tái khẳng định liên tục. Các nhà cầm quyền người Nga, ngay cả Ivan Bạo chúa, đều đã thỉnh thoảng diễn trò để thử xem tính chính danh của họ có thật thế không, bằng cách đặt một Sa hoàng giả lên ngai vàng.

Putin đã thử nghiệm việc này năm 2008 khi ông ta rời chức tổng thống, đưa một vị luật sư trẻ tuổi hơn và cực kỳ trung thành với ông ta là Dmitry Medvedev lên thế chỗ. Xuyên suốt nhiệm kỳ của Medvedev, quyền lực thực tế vẫn nằm trong tay Putin, người khi đó giữ chức thủ tướng. Putin trở lại ngai vàng tổng thống năm 2012.

Năm đó, các chỉ số tín nhiệm của dân chúng thụt giảm, và diễn ra các cuộc biểu tình tại Moscow và nhiều thành phố lớn khác. Tình thế này buộc Putin phải tái khẳng định vị thế của mình bằng các cách thức truyền thống – và ông ta đã tìm thấy cơ hội làm việc này bằng cách mở rộng lãnh thổ nước Nga, lợi dụng tình trạng biểu tình hỗn loạn tại Ukraine năm 2013 (xem hình dưới).

Mức độ ủng hộ Putin trong nước từ năm 1999 đến năm 2017. Ảnh: The Economist.

Cũng giống như cách cuộc chiến tại Chechnya đã giúp tạo ra hình ảnh anh hùng của ông, cuộc lấn chiếm tại Crimea giúp đẩy chỉ số tín nhiệm trong nước của Putin lên 86%, giúp cho hình ảnh ông ta mang thêm một thứ hào quang huyền ảo.

Thật dễ hiểu là các cuộc cách mạng có thể làm các vị Sa hoàng khó ở thế nào. Cuối năm 2004, khi cuộc cách mạng Cam tại Ukraine diễn ra, Putin đã đưa ra quyết định xóa dịp kỷ niệm cách mạng Bolshevik 1917 ra khỏi lịch sự kiện nước Nga. Tháng 11 năm đó nước Nga kỷ niệm một sự kiện có vẻ giả mạo: cuộc đánh đuổi quân đội Ba Lan ra khỏi Moscow trong Thời kỳ Hỗn Loạn thế kỷ 16-17.

Trong khi Boris Yeltsin khước từ Cách mạng tháng Mười vì nó là cái huyền thoại làm nền tảng cho chính thể cộng sản của nước Nga – cái chính thể mà Yeltsin đã lật đổ, thì Putin lại không ủng hộ Cách mạng tháng Mười bởi vì đó là sự kiện chia tách hai giai đoạn mà ông ta cho rằng đều là Đế quốc Nga cả. Putin muốn làm lu mờ đi một vết đứt gãy đầy kịch tính của các nhà cầm quyền Nga từ các đời trước đến đời hiện nay là ông ta.

Dựng xây Đế quốc

Thế nhưng, người ta khó mà có thể chế ngự quá khứ một cách dễ dàng. Dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng Mười khiến cho những thử thách ngày nay của nước Nga hiện đại trở nên rõ ràng hơn.

Dominic Lieven, một nhà sử học người Anh, viết rằng nước Nga đã phải đối diện với một cuộc khủng hoảng khi nó bước vào thế kỷ 20. Nhân tố chính của cuộc khủng hoảng đó là sự chia rẽ giữa tầng lớp trung lưu thành thị có ăn học và triều đình Nga. Nhà nước Sa hoàng Nga đã từ chối cho giới trung lưu thành thị được quyền có tiếng nói chính trị mang tính quyết định trong thể chế.

Sa hoàng Nicholas II đã cảm thấy rằng chỉ có một chế độ chuyên chế mới có thể giữ cho cả vương quốc thống nhất. Vị vua này đã tìm cách cai trị một xã hội đang ngày càng phát triển và phức tạp giống như thể ông ta vẫn là một vị quân chủ thế kỷ 18.

Về mặt kinh tế, cả nước Nga dưới nền cai trị đó trở nên giàu có. Tính tới năm 1914, Nga là một trong những nền kinh tế lớn và phát triển nhanh nhất trên thế giới, đóng góp vào 5.3% sản lượng công nghiệp toàn cầu – nhiều hơn cả Đức. Nước Nga lúc đó chỉ đứng sau Tây Ban Nha và Ý tính theo GDP đầu người. Nước Nga lúc đó sản sinh ra những tài năng nghệ thuật Malevich, Kandinsky, Prokofiev, và Rachmaninov.

Tuy nhiên, về mặt chính trị, nước Nga của Sa hoàng Nicholas II lại ngày càng lạc hậu.
Lieven phân tích rằng, ngay cả sau khi Nicholas II đã bị buộc phải ban bố một bản hiến pháp quốc gia năm 1905, cho đến ngay trước Thế chiến thứ Nhất, chính trị nước Nga có thể được gói gọn trong một câu hỏi: nên hay không nên đi theo con đường phát triển chính trị theo kiểu phương Tây, tức là thông qua phát triển các quyền dân sự và nhà nước theo mô hình chính thể đại diện.

Các quân sư mang tư tưởng tự do thì bảo với Nicholas II rằng nếu hệ thống chính trị Nga không được cải cách, cả thể chế Nga có thể sẽ không có khả năng giành được lòng trung thành của những người Nga hiện đại được giáo dục cao. Thể chế Nga vì thế sẽ bị diệt vong. Các quân sư bảo thủ thì phản bác lại. Họ cho rằng bất kỳ một mô hình dân chủ tự do nào cũng sẽ dẫn đến cách mạng xã hội.

Giới tinh hoa Nga thời hiện đại ngày nay đang rất say mê thảo luận về các bài học của cuộc cách mạng Bolshevik.

Những người theo chủ nghĩa quốc gia và một vài người thuộc giới tăng lữ, như vị cha xứ thường nghe Putin xưng tội là Tikhon Shevkunov, cho rằng cuộc cách mạng Bolshevik 1917 là sản phẩm của một đám trí thức được phương Tây tài trợ. Đám trí thức đó đã phản bội vị Sa hoàng của họ.

Nhóm chống đối quan điểm này thì cho rằng chính sự ngu xuẩn của Nicholas II và tình trạng tham nhũng trong vương triều ông ta đã làm dân chúng Nga thời đó bức xúc.

Cuộc tranh luận giữa hai luồng ý kiến trên tuy là về quá khứ, nhưng nó phản chiếu chính tình trạng hiện nay của nước Nga. Phát triển kinh tế trong những năm 2000 (xem hình dưới) đã sinh ra một giai cấp trung lưu thành thị năng động và cũng đang cảm thấy không gắn kết với điện Kremlin.

GDP đầu người của Nga từ Cách mạng tháng Mười đến nay. Ảnh: The Economist.

Thử thách của việc cải cách biến nước Nga thành một nhà nước hiện đại là một thử thách quan trọng hiện nay, cũng quan trọng như cách đây 100 năm vậy. Các vấn đề về tính chính danh và cơ cấu kế thừa quyền lực lại một lần nữa là những vấn đề trọng tâm của chính trị Nga.

Hung tàn, mà không đạo nghĩa

Nền cai trị của Putin là một ví dụ của thứ mà nhà kinh tế học Douglass North gọi là “nền cai trị hạn chế tiếp cận”. Đó là tình trạng khi mà các tài nguyên kinh tế và chính trị được phân chia không phải thông qua cơ chế pháp quyền (rule of law) mà là thông qua một cơ chế ban phát quyền lợi từ trên xuống.

Về mặt chính trị, tình trạng đó vốn đã nằm trong cốt tủy nước Nga ngay từ trước thời Xô Viết, và tính trạng đó vẫn đã tồn tại trong giai đoạn Xô Viết.

Henry Hale, một nhà khoa học chính trị, giải thích trong một nghiên cứu gần đây rằng: tại Nga, các mạng lưới không chính thức và các mối quan hệ cá nhân luôn được ưu tiên hơn so với các nguyên tắc mang tính quy củ và các thiết chế xã hội.

Trong những năm 1990, các mạng lưới không chính thức đó tranh giành ảnh hưởng với nhau tại Nga. Vào những năm 2000, những mạng lưới đó được tích hợp vào một hệ thống quyền lực hình kim tự tháp với Putin là người cai trị đầu sỏ.

Việc các quyền tư hữu tài sản và thể chế pháp quyền tại Nga quá yếu ớt không phải là những khuyết điểm ngẫu nhiên mà có. Để các hệ thống, mạng lưới mang tính cá nhân của Nga có thể hoạt động, điều kiện cần chính là quyền tư hữu tài sản và pháp quyền đều yếu ớt.

Tính chính danh trong sở hữu tài sản và trong quyền lực chính trị chỉ có thể đến từ tay một nhà cai trị đầu sỏ. Mối quan hệ bảo kê giữa nhà cai trị đầu sỏ đó với những kẻ bị trị không phải là một thứ người ta có thể thích thì áp đặt lên một xã hội dễ dàng. Mối quan hệ bảo kê đó cần phải có sự đồng thuận, và đồng thuận thì lại tùy thuộc vào mức độ được yêu thích của nhà cai trị đầu sỏ.

Kirill Rogov, một nhà phân tích chính trị, lập luận rằng Putin thể hiện bản thân mình như thể ông ta vừa là một người bảo vệ nhân dân chống lại giới tinh hoa keo kiệt bóc lột, vừa là một người bảo vệ giới tinh hoa trước nguy cơ nổi dậy của quần chúng.

Trước mắt, gần như chắc chắn là ông Putin sẽ được tái cử vào chức tổng thống Nga sau cuộc bầu cử mùa xuân tới. Nhưng chiến thắng đó của ông ta sẽ chỉ làm cho cuộc tranh luận chính trị hiện nay tại Nga trở nên ồn ào hơn với câu hỏi: ai sẽ lên sau Putin?

Cuộc bầu cử sắp tới không có mục đích tìm người thay thế ông Putin, mục đích của nó là để chứng minh rằng không ai có thể thay thế Putin cả. Nhưng cuộc bầu cử đó sẽ không chỉ là một nghi thức sáo rỗng. Cho dù vị Sa hoàng hiện đại của nước Nga không phải chịu trách nhiệm trước bất kỳ một thiết chế xã hội nào, ông ta lại tỏ ra nhạy cảm với ý kiến công luận và các số đo mức độ ủng hộ từ quần chúng. Giới tinh hoa cơ hội chủ nghĩa của Nga đều đang quan sát những yếu tố đó một cách cẩn thận.

Chính điểm yếu này là điểm yếu mà ông Navalny, người thách thức Putin mạnh mẽ nhất tại Nga, đang tìm cách lợi dụng. Navalny đã vận động giới trẻ Nga xuống đường trong mùa hè vừa qua và ông ta vẫn đang vận động tranh cử bất kể việc Kremlin đã ban lệnh cấm ông ra ứng cử, dựa vào một án hình sự mà chính quyền Nga đã ngụy tạo ra.

Navalny không có mục đích đánh bại Putin – để làm điều đó phải có một cuộc tranh cử song phẳng. Navalny muốn “giải ảo” Putin, xóa đi hình ảnh “diệu kỳ, bí ẩn, và uy quyền” của Putin.

Ba yếu tố đó đã được nhắc đến trong cuốn tiểu thuyết tuyệt tác “Anh em nhà Karamazov” của nhà văn Nga Fyodor Dostoyevski. Một nhân vật trong tiểu thuyết này xác định ba yếu tố đó là “ba thứ quyền lực, ba thứ sức mạnh vô song trên trần gian, có khả năng chinh phục vĩnh viễn bằng cách quyến rũ lương tâm của những kẻ nổi loạn yếu ớt, vì lợi ích riêng của những kẻ mang ba thứ quyền lực đó.”

Navalny lần đầu đâm toạc bức màn hào quang của Putin năm 2012 khi ông cáo buộc đảng Nước Nga Thống nhất của Putin là một tập hợp “những tên trộm cướp”. Cáo buộc đó được lan truyền trên cả nước, gây thiệt hại cho Kremlin hơn cả những vụ phát hiện tham nhũng thực sự.

Cho dù Navalny phải đối mặt với các hiểm nguy tính mạng, ông tại lại từ chối mang hình ảnh một nhà cách mạng, một hiệp sỹ cứu thế hay một thánh tử đạo. Nalvany cho rằng nhận lên mình những hình ảnh đó chỉ góp phần giúp nâng Putin lên cao hơn mà thôi.

Ngược lại, Nalvany muốn kéo Putin xuống ngang hàng với mình bằng cách khắc họa Putin như là một chính trị gia chuyên nghiệp bình thường.

Gần đây, Nalvany không miêu tả Putin như thể một kẻ chuyên quyền hay độc tài, mà là một củ cải turnip. “Mức độ ủng hộ 86% của Putin chỉ tồn tại trong một không gian chính trị trống rỗng.” Navalny viết trên blog của mình. “Nếu như thứ duy nhất bạn được cho ăn cả đời là củ cải turnip thì khả năng cao là bạn sẽ luôn đánh giá cao củ cái turnip.”

Cười cợt và chế giễu có khả năng làm xói mòn tính chính danh chính trị hơn bất kỳ điều gì khác.

Thứ mà Navalny muốn đưa đến cho nước Nga không chỉ là một sự thay đổi nhân sự trên đỉnh Kremlin, mà còn là một thứ trật tự chính trị cơ bản hoàn toàn khác biệt – một trật tự chính trị của một nhà nước hiện đại. Phong cách vận động tranh cử theo kiểu Mỹ của Nalvany, bao gồm việc thường xuyên nhắc đến gia đình cá nhân ông ta, là một biểu hiện khước từ thứ quy chuẩn văn hóa mà ông Putin đang sử dụng.

Theo Navalny, mục đích của ông ta là làm giảm triệu chứng “tuyệt vọng thông qua đào tạo” (learned helplessness) của người Nga, và làm giảm cái niềm tin đã ăn sâu vào xã hội Nga rằng người Nga không thể thay đổi được gì.

Tái lập trật tự nước Nga

Putin còn nắm quyền lực lâu chừng nào thì khả năng có hỗn loạn, yếu kém và xung đột tại Nga sau khi ông ta rời chức vụ sẽ tăng cao chừng ấy. Ngay cả những người ủng hộ ông ta cũng nghĩ vậy. Alexander Dugin, một nhà tư tưởng theo chủ nghĩa quốc gia, nói rằng nước Nga đang đi vào một thời kỳ hỗn loạn mới.

“Putin đang làm việc cho hiện tại, ông ta không có chìa khóa nào cho tương lai cả”, Dugin bình luận. Trong khi không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra, một số ít người trong giới tinh hoa Nga đang mong đợi là chuyện kế thừa quyền lực sẽ diễn ra một cách hòa bình, thông qua hiến pháp.

Khi viết cuốn niêm giám hồi năm 1912 của họ, những nhà thơ vị lai chủ nghĩa của Nga cũng khó lòng mà tưởng tượng được rằng lời tiên đoán Nekto 1917 của họ cuối cùng sẽ thành hiện thực: Cuộc cách mạng Bolshevik.

Những người cộng sản Bolshevik hồi đó có vỏn vẹn 10 nghìn người, và ngay trong năm 1917 cũng ít ai tin rằng nhóm người đó sẽ giành được quyền lực, chứ chưa nói đến việc họ sẽ nắm giữ được quyền lực đó lâu dài. Tuy nhiên, hồi đó mọi người Nga đều cảm giác được rằng có một cuộc khủng hoảng và một sự mục ruỗng bên trong nhà nước Nga.

Tháng 2 năm 1917, năm ngày trước khi Sa hoàng Nga thoái vị trong cuộc cách mạng dân chủ tư sản, Alexander Benois, một nghệ sỹ danh tiếng, đã viết rằng: “Có vẻ là mọi chuyện rồi cũng sẽ qua thôi. Nhưng mà mặt khác thì, rõ ràng là bọc mủ đã lớn hết cỡ và phải bung ra… Chả hiểu bọn con hoang nào, hay nói rõ hơn, bọn ngu dốt nào đó đã mang đất nước chúng ta và vương triều chúng ta đến cơn khủng hoảng này.”

-----------------------

Posted on 06/11/2017

Nhiều người có thể cảm thấy ngạc nhiên với một hiện trạng oái ăm: 100 sau Cách mạng tháng Mười, bây giờ nước Nga lại có một Sa hoàng mới: Vladimir Putin.

·         Trâm Huyền lược dịch từ “Russia under Vladimir Putin – A tsar is born” đăng trên tạp chí The Economist bản giấy ngày 26/10/2017. Lời mở đầu và cách dòng là của người dịch.

Mười bảy năm sau ngày Vladimir Putin trở thành Tổng thống Liên bang Nga, ách cai trị của ông ta tại nước này đang mạnh hơn bao giờ hết.








No comments:

Post a Comment

View My Stats