Saturday, 14 October 2017

TIN CẬP NHẬT THỨ SÁU 13/10/2017 (Lê Minh Nguyên)





Tin Thế Giới

1.
Nhóm G7 sẽ tăng cường áp lực kinh tế trên Bình Nhưỡng --- Bắc Triều Tiên: Động đất ở khu thử hạt nhân Punggye-Ri

Nhân cuộc họp bên lề hội nghị các bộ trưởng tài chánh nhóm G20 tại Washington ngày 12/10/2017, lãnh đạo tài chánh khối 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới – gọi tắt là G7 – đã đồng ý hợp tác với nhau để phá tan mọi mưu toan của Bắc Triều Tiên nhằm né tránh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

Phát biểu với báo giới, thứ trưởng Tài Chánh Nhật Bản phụ trách đối ngoại ông Masatsugu Asakawa cho biết là nhóm G7 đã cam kết gây sức ép kinh tế tối đa trên Bắc Triều Tiên để cắt đứt nguồn thu nhập của chế độ Bình Nhưỡng và ngăn chặn các hành vi lạm dụng hệ thống tài chánh quốc tế.

Theo hãng tin Anh Reuters, sự kiện các bộ trưởng tài chánh G7 tiết lộ việc họ đã họp kín với nhau là một việc rất hiếm hoi, và điều đó cho thấy quyết tâm của các nền kinh tế phát triển, sẵn sàng gia tăng áp lực trên Bắc Triều Tiên sau những hành động khiêu khích, coi thường công đồng quốc tế gần đây của nước này.

Tháng 9 vừa qua, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã nhất trí thông qua nghị quyết tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng sau khi Bắc Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhận lần thứ sáu. Loạt trừng phạt mới này đã cộng thêm vào những biện pháp được ban hành trước đó và đã được nhiều nước tuân theo.

Malaysia đình chỉ hoàn toàn việc nhập hàng Bắc Triều Tiên

Một trong những dấu hiệu rõ nhất phản ánh tình trạng ngày càng bị cô lập của Bình Nhưỡng là sự kiện Malaysia, nước được xem là bạn bè thân thiết nhất của Bắc Triều Tiên, đã ngừng toàn bộ hoạt động nhập khẩu hàng hóa Triều Tiên kể từ tháng 6 vừa qua, góp phần vào nỗ lực quốc tế nhằm chặn nguồn tài trợ cho chương trình tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Theo Reuters, số liệu thống kê Malaysia cho biết là trong tháng 6, tháng 7 năm nay, nước này không nhập khẩu bất cứ hàng hóa nào từ Bắc Triều Tiên, sau khi đã nhập khẩu gần 5 triệu đô la trong 5 tháng đầu năm.

Cần nói thêm là ngoài lý do chung là chấp hành nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, Kuala Lumpur còn có lý do riêng để trừng phạt Bình Nhưỡng : Vào tháng Hai đầu năm, người anh cùng cha khác mẹ với lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un là ông Kim Jong Nam đã bị ám sát ngay tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, tình nghi là theo lệnh của Bình Nhưỡng. - RFI

***
Một trận động đất cường độ 2,9 độ đã xảy ra sáng sớm 13/10/2017 gần khu vực thử hạt nhân Punggye-Ri, nơi Bắc Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân mạnh nhất hôm 03/09.

Trận động đất xảy ra lúc 4 giờ 41, giờ địa phương (16 giờ 41 giờ quốc tế ngày 12/10), ở độ sâu khoảng 5 km. Theo Viện Khảo Sát Địa Chất Mỹ US Geological Survey (USGS), tâm chấn của trận động đất nằm ở phía bắc khu Punggye-Ri, nơi thực hiện các vụ thử hạt nhân gần đây của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, Viện USGS hiện vẫn chưa thể xác định được một cách chắc chắn nguyên nhân là do con người hay tự nhiên.

Còn website của Cơ quan Khí tượng Hàn Quốc, được AFP trích dẫn, cho rằng trận động đất này là hiện tượng tự nhiên và « không gây bất kỳ thiệt hại nào ».

Mỹ-Hàn chuẩn bị tập trận hải quân chung

Mỹ và Hàn Quốc sẽ thể hiện sức mạnh quân sự răn đe đối với chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Từ ngày 16 đến 26/10/2017, Hải Quân hai nước sẽ cùng tiến hành một đợt tập trận có quy mô lớn. Theo thông báo ngày 13/10 của Hạm Đội 7 của Mỹ, tầu sân bay USS Ronald Reagan và hai tầu khu trục sẽ tham gia đợt tập trận cùng với chiến hạm của Hàn Quốc.

Hãng tin AFP nhận định, chắc chắn Bình Nhưỡng sẽ phản ứng tức giận vì đợt tập trận sắp tới của Mỹ và Hàn Quốc. Đầu tuần này, hai oanh tạc cơ siêu thanh hạng nặng B-1B Lancers của Mỹ cùng với máy bay của Nhật Bản và Hàn Quốc đã bay trong khu vực để tiến hành cuộc thao diễn đầu tiên vào ban đêm. - RFI
|
|

2.
Biển Đông: Mỹ khẳng định chủ trương tăng tốc các cuộc tuần tra

Ngày 10/10/2017, khu trục hạm Mỹ USS Chafee đã lại tiến hành một chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải ở khu vực quần đảo Hoàng Sa trên Biển Đông. Chuyến tuần tra này đã thu hút sự chú ý, vì đây là lần thứ tư trong vỏn vẹn năm tháng mà Hải Quân Mỹ cho thực hiện một chiến dịch như vậy, nhằm thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông. Đối với giới quan sát, không còn nghi ngờ gì cả : chính quyền Donald Trump đang triển khai hướng tiếp cận mới về Biển Đông, mà đặc trưng nổi bật nhất là tính chất thường xuyên và nhịp độ cao hơn so với trước đây.

Theo ghi nhận của nhà báo Ankit Panda trên chuyên san Nhật Bản The Diplomat, chiến dịch do chiến hạm Chafee thực hiện hôm 10/10 vừa qua chứng tỏ rằng chính quyền Trump đã đồng ý cho Hải Quân Mỹ tăng gia nhịp độ các hoạt động tuần tra tại Biển Đông.

Chỉ mới năm tháng từ sau khi các chiến dịch bảo vệ tự do hàng hải trên Biển Đông được tái lập vào ngày 24 tháng Năm vừa qua, với khu trục hạm USS Dewey xâm nhập vùng 12 hải lý quanh Bãi Vành Khăn (Mischief Reef) ở Trường Sa, đã có thêm ba cuộc tuần tra được thực hiện : Ngày 02/07, tàu khu trục USS Stethem đã áp sát đảo Tri Tôn tại Hoàng Sa ; một tháng sau, ngày 10/08, đến lượt chiếc USS John S. McCain trở lại vùng Bãi Vành Khăn ; và mới đây là chiến dịch tuần tra khu vực Hoàng Sa ngày 10/10 của chiếc USS Chafee.

So với thời tổng thống Obama, thì rõ ràng là các chiến dịch tuần tra thời ông Trump mang tính đều đặn hơn, trung bình cách nhau từ một đến hai tháng, và do đó số lượng sẽ gia tăng, hơn hẳn vỏn vẹn 4 cuộc tuần tra từ tháng 10/2015 đến hết năm 2016.

Những người chỉ trích cách tiếp cận quyền tự do hàng hải tại Biển Đông của chính quyền Obama, đã cho rằng chính tính chất không đều đặn và cảm tưởng tạo ra là các hoạt động đó gắn chặt với tình trạng trồi sụt trong quan hệ Mỹ-Trung đã làm cho các chiến dịch bảo vệ quyền tự do hàng hải mất đi giá trị của một công cụ củng cố luật pháp quốc tế, vốn là nền tảng của hoạt động này.

Một yếu tố khác đã được giới phân tích ghi nhận trong các chiến dịch tuần tra bảo vệ quyền tự do hàng hải tại Biển Đông thời tổng thống Trump : đó là các chiến dịch này là những cuộc tuần tra đích thực, với các chiến hạm thực hiện các hoạt động tập huấn hay diễn tập hải quân bình thường trong các vùng biển mà Trung Quốc đòi chủ quyền, chứ không « rón rén » áp dụng thủ tục qua lại vô hại như thời Obama.

Chuyến tuần tra của chiếc USS Chafee hôm 10/10 vừa qua đã khiến một số nhà quan sát phân vân, vì trái với các lần trước đây, kể cả trong những chiến dịch thời Obama, chiến hạm Mỹ lần này không tiến vào bên trong vùng 12 hải lý của các thực thể do Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông.

Cho dù vậy, các quan chức Mỹ được hãng tin Anh trích dẫn vẫn xác định là chiếc tàu Mỹ đã có những hoạt động bình thường để thách thức các yêu sách chủ quyền thái quá.

Các viên chức Mỹ không nói rõ đó là các yêu sách gì, nhưng giới phân tích cho rằng tàu Mỹ đã thách thức cái gọi là « đường cơ sở thẳng » mà Trung Quốc vạch ra từ năm 1996 bao quanh quần đảo Hoàng Sa, trên cơ sở đó yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý cho quần đảo này, một điều không được Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển chấp nhận.

Bắc Kinh hiểu rất rõ mục tiêu của Mỹ, vì vậy, từ bộ Quốc Phòng cho đến bộ Ngoại Giao ở Bắc Kinh, các phát ngôn viên Trung Quốc đều đã lớn tiếng tố cáo tàu Mỹ xâm phạm lãnh hải Trung Quốc.

Nhìn chung, cách tiếp cận Biển Đông của chính quyền Donald Trump có vẻ dứt khoát hơn thời Obama, nhưng về căn bản, lập trường Hoa Kỳ không hề thay đổi, vẫn không thiên vị bên nào, mà chỉ bảo vệ quyền tự do hàng hải. - RFI
|
|

3.
Rohingya: Aung San Suu Kyi trình bày kế hoạch trước khi LHQ họp kín

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp kín vào tối 13/10/2017 về tình trạng người Rohingya tại Miến Điện, theo khởi xướng của Pháp và Anh Quốc. Một hôm trước sự kiện này, ngày 12/10, bà Aung San Suu Kyi đã trình bày những đường hướng chính trong tiến trình mang tên « Sáng kiến quốc gia để cứu trợ nhân đạo, tái định cư và phát triển tại vùng Rakhine ».

Bài diễn văn được cố vấn quốc gia Miến Điện trình bày trên truyền hình, bằng tiếng Miến Điện, chứ không phải bằng tiếng Anh như lần đầu tiên phát biểu về cuộc khủng hoảng người Rohingya.

Ngoài nhấn mạnh đến sự thống nhất của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đề ra ba mục đích chính đối với tình hình tại bang Rakhine : « Hồi hương những người đã trốn chạy sang Bangladesh và cung cấp hỗ trợ nhân đạo một cách hiệu quả ; tái định cư những người này ; mang lại cho vùng sự phát triển và thiết lập ổn định lâu dài ».

Về vấn đề người tị nạn, bà Aung San Suu Kyi cho biết Miến Điện « đang đàm phán với chính phủ Bangladesh về việc hồi hương những người hiện đang có mặt tại quốc gia này ».

Unicef kêu gọi EU giúp Bangladesh quản lý người Rohingya

Trong khi đó, ông Edouard Beigbedder, đại diện của Unicef tại Bangladesh đã đến Bruxelles từ ngày 12/10 để báo động với Liên Hiệp Châu Âu về tình trạng của người Rohingya, đồng thời đề nghị Bruxelles hỗ trợ.

Hiện có khoảng hơn 800.000 người Rohingya vượt biên sang Bangladesh, trong đó 80% là phụ nữ và trẻ em. Dù không có đủ tiềm lực tài chính, quốc gia Nam Á này đã không đóng cửa biên giới đối với người Rohingya hay xua ngược họ trở lại Miến Điện như từng làm hồi tháng 08/2017.

Thông tín viên RFI Laxmi Lota cho biết Unicef cần 70 triệu euro để xây dựng các công trình hạ tầng cần thiết nhằm tiếp nhận người tị nạn Rohingya, trong đó những nhu cầu cấp bách nhất là về y tế, dinh dưỡng, nước và công trình vệ sinh. - RFI
|
|

4.
Thổ Nhĩ Kỳ: Sau S-400, tổng thống Erdogan tính mua S-500 của Nga


Tổng thống Erdogan đánh giá việc Thổ Nhĩ Kỳ, thành viên của NATO, mua vũ khí của Nga là « không có vấn đề gì cả ». Ông Erdogan phát biểu với báo giới như trên trong chuyến bay chở ông từ Ukraina và Serbia về nước.

Hãng tin Reuters, trích thông tin ngày 13/10/2017 của báo chí địa phương, cho biết, trong các cuộc đàm phán với tổng thống Nga Putin, nguyên thủ hai nước « không chỉ dừng ở hệ thống tên lửa địa đối không S-400… mà còn bàn về hệ thống phòng không S-500 » của Nga.

Quyết định mua tên lửa Nga S-400 của Ankara bị các nước thành viên đánh giá là hành động « nhạo báng » NATO, trong bối cảnh quan hệ căng thẳng giữa phương Tây và Matxcơva vì các cuộc xung đột ở Ukraina. Hơn nữa, các loại tên lửa do Nga sản xuất không được phép biên chế vào hệ thống phòng thủ của các nước đồng minh NATO.

HRW tố cáo Thổ Nhĩ Kỳ tra tấn tù nhân bị cáo buộc đảo chính và khủng bố

Trên lĩnh vực nhân quyền, một bản báo cáo của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền Human Rights Watch được công bố ngày 12/10/2017 tố cáo tình trạng tra tấn những người bị cáo buộc có quan hệ với khủng bố hoặc với âm mưu đảo chính năm 2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Trong nhiều trường hợp nghiêm trọng được HRW nghiên cứu, « rất nhiều người bị cảnh sát tra tấn, xâm hại tình dục hay bị buộc ở trần và bị đe dọa ».

Theo giám đốc tại châu Âu của tổ chức Quan Sát Nhân Quyền, « đáng tiếc đây lại là hình ảnh thật của thực tế » và cho biết HRW đã rất thận trọng chỉ nêu ra những trường hợp không thể chối cãi được : 11 trường hợp bị tra tấn, 5 vụ bắt cóc giữa phố.

AFP nhắc lại sau cú đảo chính hụt vào tháng 07/2016, khoảng 50.000 đã bị bắt và hơn 140.000 người bị sa thải hay bị đình chỉ chức vụ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần bác bỏ những cáo buộc đối xử tệ hại với tù nhân. Tháng 07/2017, bộ trưởng Tư Pháp Abülhamit Gül từng tuyên bố Ankara « không dung thứ » đối với tình trạng tra tấn. - RFI
|
|

5.
Đài Loan đẩy mạnh công nghệ quốc phòng nội địa

Tổng thống Đài Loan nhấn mạnh sự cần thiết đối với đảo quốc này phải củng cố công nghiệp quốc phòng trước những mối đe dọa đến từ Hoa Lục.

Tổng Thống Đài Loan Thái Anh Văn đã đẩy nhanh công nghiệp quốc phòng, đặc biệt trong lĩnh vực hàng không, tàu ngầm và an ninh mạng. Hồi tháng 6, chính phủ của bà Thái Anh Văn đã thiết lập một cơ quan đặc biệt để lãnh đạo nỗ lực tăng cường an ninh mạng, bao gồm dự án nghiên cứu về công nghệ điện từ.

Bà Thái Anh Văn nhấn mạnh tầm quan trọng của công nghệ quốc phòng bản địa trong bài diễn văn ngày Quốc khánh hôm thứ Ba 10/10.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động xây dựng nền công nghiệp quốc phòng của chúng ta thông qua trao đổi kỹ thuật."

Bà nói:

"Trong giai đoạn hiện nay, chúng tôi quyết tâm chế tạo các máy bay và tàu ngầm của chính chúng ta, lĩnh vực này sẽ tạo ra nhiều việc làm mới.”

Tổng Thống Đài Loan miêu tả chiến tranh không gian ảo là "mối đe dọa ngày càng tăng", bà cảnh giác rằng Đài Loan "phải chuẩn bị tốt hơn" để đối phó với mối đe dọa này.

Máy bay huấn luyện và tàu ngầm

Đài Loan đang chế tạo một máy bay huấn luyện và đóng một tàu ngầm để giúp hoàn thành mục tiêu của Tổng thống Thái Anh Văn, đó là phát triển một lực lượng quân đội tự lực hơn trong bối cảnh nhiều nước sẽ ngần ngại bán các loại vũ khí này cho Đài Loan vì sợ làm phật lòng Trung Quốc.

Theo phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đài Loan Chen Chung-chi, thì đảo quốc này đang chuẩn bị đưa vào sử dụng máy bay huấn luyện tiên tiến thế hệ thứ hai, để nâng cao kỹ năng của phi công.

Chính quyền Đài Loan cũng hy vọng có thể thay thế hai tàu ngầm mua của Hà Lan trong những năm 1980, vì các tàu này đã quá cũ kỹ, và được sử dụng trong thời gian quá dài.

Tháng 2 năm nay, Bộ yêu cầu Viện Khoa học và Công nghệ Chung-Shan của Đài Loan hãy bắt tay làm việc để chế tạo nhiều máy bay huấn luyện 66 XT-5 Blue Magpie. Theo kế hoạch các máy bay này sẽ được đưa vào sử dụng năm 2020, thay thế một đội tàu quá cũ kỹ.

Tăng cường kế hoạch phòng thủ bản địa

Đây là nỗ lực mới nhất của Đài Bắc để thúc đẩy công nghiệp quốc phòng bản địa như là một cách tự bảo vệ chống lại Trung Quốc.

Trung Quốc vẫn coi đảo quốc tự trị Đài Loan như một phần thuộc lãnh thổ của Trung Quốc.

Với một lực lượng quân đội hùng mạnh hạng ba thế giới, Trung Quốc từng đe dọa sẽ chiếm Đài Loan bằng vũ lực, nếu cần.

Áp lực ngoại giao của Trung Quốc trên khắp thế giới cũng khiến nhiều chính phủ tránh, không bán vũ khí cho Đài Loan, mặc dù Hoa Kỳ vẫn phê chuẩn các thỏa thuận tương tự. - VOA
|
|

6.
Ông Trump ‘ra đòn’ với thỏa thuận hạt nhân Iran --- Iran thách thức Tổng thống Trump

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 13/10 giáng một đòn mạnh vào thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 bất chấp phản đối của các cường quốc khác, không xác nhận Tehran tuân thủ thỏa thuận và cảnh báo có thể sẽ kết liễu thỏa thuận này.

Thay đổi chính sách này được loan báo trong bài diễn văn mà qua đó ông chi tiết hóa một phương án đối đầu hơn với Iran vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Tehran cũng như sự hậu thuẫn của nước này đối với các tổ chức cực đoan ở Trung Đông.

Nhà lãnh đạo Mỹ tố cáo Iran không đáp ứng tinh thuần thỏa thuận hạt nhân và cho biết mục tiêu của ông là phải làm sao bảo đảm Tehran không bao giờ thủ đắc võ khí hạt nhân.

Ông Trump không rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận, nhưng để cho Quốc hội có 60 ngày để quyết định nên hay không tái ban hành trừng phạt kinh tế với Iran vốn được tháo dỡ chiếu theo thỏa thuận 2015.

Quyết định hôm nay làm leo thang căng thẳng với Iran và đặt Washington vào thế bất đồng với các nước khác cùng tham gia ký kết thỏa thuận như Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc, và Liên hiệp Châu Âu.

Quan điểm cứng rắn của ông Trump với Iran làm Tehran phẫn nộ nhưng lại được Israel hoan nghênh.

Quyết định của Tổng thống Trump về Iran là một phần trong cách tiếp cận của ông đối với các thỏa thuận quốc tế, với phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’ vốn là lý do khiến ông Trump rút Mỹ ra khỏi hiệp ước biến đổi khí hậu Paris và Hiệp định Đối tác Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP. - VOA

***
Phản ứng mạnh mẽ trước việc Tổng thống Mỹ Donald Trump không xác nhận thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Iran với 6 cường quốc, Tổng thống Iran, Hassan Rouhani, tuyên bố Tehran có thể rút chân nếu thỏa thuận tiếp diễn không phục vụ lợi ích quốc gia Iran.

Thách thức Tổng thống Trump, ông Rouhani khẳng định Tehran sẽ tăng đôi nỗ lực mở rộng khả năng quốc phòng kể cả chương trình phi đạn đạn đạo bất chấp Mỹ áp lực đình chỉ.

Trước đó, Tổng thống Trump loan báo ngưng xác nhận thỏa thuận quốc tế về hạt nhân Iran và cảnh báo có thể sẽ kết liễu thỏa thuận này.

“Không Tổng thống nào có thể hủy bỏ một thỏa thuận quốc tế…Iran sẽ tiếp tục tôn trọng thỏa thuận chừng nào thỏa thuận ấy còn phục vụ lợi ích của chúng tôi,” Tổng thống Iran nhấn mạnh trong bài diễn văn được truyền hình trực tiếp và nói thêm rằng lời lẽ của ông Trump đầy những xúc phạm và tố cáo giả dối chống lại người dân Iran.

Tổng thống Trump chưa rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận hạt nhân mà để Quốc hội có 60 ngày để quyết định xem nên hay không nên tái áp đặt chế tài kinh tế với Tehran vốn được dỡ bỏ chiếu theo thỏa thuận ký kết năm 2015 để Iran ngưng phát triển bom hạt nhân.

“Đất nước Iran chưa từng và sẽ không bao giờ cúi đầu trước bất kỳ áp lực nước ngoài nào…Thỏa thuận Iran không thể nào tái thương lượng,” Tổng thống Iran tuyên bố.

Thay đổi trong chính sách Mỹ được Tổng thống Trump loan báo trong bài diễn văn mà qua đó ông chi tiết hóa một phương án đối đầu hơn với Iran vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Tehran cũng như sự hậu thuẫn của nước này đối với các tổ chức cực đoan ở Trung Đông.

Nhà lãnh đạo Mỹ tố cáo Iran không đáp ứng tinh thuần thỏa thuận hạt nhân và cho biết mục tiêu của ông là phải làm sao bảo đảm Tehran không bao giờ thủ đắc võ khí hạt nhân. - VOA
|
|

7.
UNESCO chọn lãnh đạo mới

Cơ quan văn hóa Liên hiệp quốc ngày 13/10 chọn cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Audrey Azoulay, làm tân lãnh đạo UNESCO, trao cho bà chìa khóa vực dậy tương lai của cơ quan này sau khi Mỹ rút chân.

Sau vòng bỏ phiếu thứ năm, bà Azoulay chiến thắng sít sao trước ứng viên Hamad bin Abdulaziz al-Kawari của Qatar và xác nhận cuối cùng sẽ tùy vào sự chuẩn thuận của 195 thành viên trong UNESCO vào ngày 10/11 tới đây.

“Trong thời khủng hoảng này, chúng ta hơn bao giờ hết cần hỗ trợ, tăng cường và cải tổ UNESCO thay vì bỏ rơi tổ chức này,” bà Azoulay phát biểu với báo giới và cho biết bà sẽ hiện đại hóa tổ chức.

“Nếu tôi được xác nhận, điều đầu tiên tôi sẽ làm là phục hồi tính nhiệm cho UNESCO, phục hồi lòng tin của các thành viên và hiệu năng để có thể vận hành,” bà Azoulay nói.

Như vậy, bà Azoulay, người sẽ thay thế bà Irina Bokova người Bulgaria lãnh đạo UNESCO từ năm 2009 tới nay, sẽ phải tìm cách mang lại sức sống mới cho Tổ chức Văn hóa Khoa Học Giáo dục Liên hiệp quốc có trụ sở tại Paris này.

Mỹ đúng ra cung cấp 1/5 nguồn quỹ tài trợ cho UNESCO, nhưng đã đình trệ từ năm 2011 khi UNESCO chấp nhận Palestine làm thành viên toàn diện.

Ngày 12/10 Mỹ tuyên bố chia tay UNESCO, tố cáo tổ chức này thiên vị chống lại Israel. Israel cũng tuyên bố sẽ rút ra khỏi UNESCO. - VOA
|
|

8.
Nga tố cáo Mỹ đưa quân đến gần biên giới

Nga tố cáo Mỹ vi phạm hiệp ước hòa bình ký kết giữa Moscow với khối NATO, sau khi Ngũ Giác Đài đưa thêm lực lượng vào vùng Baltic vốn đang căng thẳng.

Theo tạp chí Newsweek, đây là hành động mới nhất của Tây phương mà Nga xem là khiêu khích và cam kết sẽ có đáp trả tương xứng.

Hoa Kỳ hôm Thứ Năm loan báo việc đổ quân của Trung Đoàn Kỵ Binh Số Hai tại tiền đồn của NATO ở Ba Lan, vào nơi cách khu quân sự Kaliningrad của Nga chừng 100 dặm.

Hành động này là một phần trong nỗ lực mới nhất của Washington nhằm yểm trợ quốc gia đồng minh này chống lại điều mà họ cho là mối đe dọa quân sự từ nước láng giềng Nga.

Tuy nhiên Nga lại cáo buộc Mỹ và các nước đồng minh NATO gây đe dọa đến an ninh của chính nước Nga bằng cách bao vây nước họ bằng những lực lượng thù nghịch.

Ông Vladimir Shamanov, trưởng ủy ban quốc phòng Hạ Viện Nga, nói rằng đất nước ông cần xét đến việc đưa thêm hỏa tiễn đạn đạo Iskander có khả năng mang đầu đạn nguyên tử đến vùng biên giới của nước Nga hầu răn đe việc Mỹ tập trung lực lượng trong khu vực.

Thông tấn xã Tass của Nga trích lời ông Shamanov, có đoạn nói: “Chúng ta chắc chắn không nhắm mắt làm ngơ đối với việc này. Chúng ta sẽ có biện pháp trả đũa.”

Bộ Quốc Phòng Nga hôm Thứ Năm cũng lên án việc Mỹ chuyển thêm quân và gọi đó là sự đáp ứng của Mỹ đối với “tường thuật điên cuồng chưa từng thấy của truyền thông” về cuộc thao dượt quân sự đại qui mô Zapad-2017 do Moscow tổ chức hồi tháng trước tại Belarus. - nguoiviet
|
|

9.
Tháng Chín, Mỹ oanh kích dữ dội Taliban và ISIS ở Afghanistan

Không quân Mỹ đã thực hiện 751 cuộc oanh kích ở Afghanistan hồi Tháng Chín, nhắm vào những địa điểm của các tổ chức khủng bố Taliban và ISIS.

Tuần báo Newsweeek trích dẫn dữ liệu của bộ chỉ huy US Air Forces Central Command (USAFCC), cho thấy cường độ không tập như vậy được đánh giá là cao tính theo từng tháng kể từ bảy năm qua.

Tổng số hoạt động của Tháng Chín tăng 50% so với tháng trước, mà theo giới chỉ huy, nằm trong chiến lược của tổng thống “nhắm vào các tổ chức cực đoan, vốn đe dọa đến sự quân bình và an ninh của người dân Afghanistan,” theo báo cáo của USAFCC.

Tính từ năm 2010, những đợt đánh bom nhiều nhất trong mỗi tháng là vào Tháng Tám 2012 với 589 lần, vẫn kém gần 200 lần so với Tháng Chín năm nay.

Cũng theo báo cáo, “Ngoài ra, việc bổ sung thêm sáu chiến đấu cơ F-16 tại căn cứ Bagram Air Base hồi gần đây, kết hợp với thêm các phi vụ của B-52, nâng cao khả năng tấn công cần thiết nhắm vào các tổ chức khủng bố này.”

Tuy nhiên số vụ oanh kích ở Afghanistan vẫn không thấm gì so với ở Iraq và Syria trong chiến dịch Anti-ISIS Operation Resolve, nơi 3,550 phi vụ được thực hiện trong Tháng Chín, giảm so với kỷ lục 5,075 của Tháng Tám.

Tuy nhiên dữ liệu chỉ bao gồm những cuộc oanh kích dưới sự chỉ huy của Combined Forces Air Component Commander, tổng số các phi vụ thực sự có thể còn cao hơn nhiều. - nguoiviet
|
|

Tin Hoa Kỳ

10.
TT Trump: ‘Ngưng lập tức’ trả tiền trợ giúp người nghèo mua bảo hiểm y tế


Trong quyết định chắc chắn sẽ làm rung chuyển thị trường bảo hiểm y tế, Tổng Thống Donald Trump cho hay “sẽ ngay lập tức” ngưng trả tiền cho các công ty bảo hiểm theo chương trình Obamacare vốn đã bị ông tìm cách hủy bỏ và thay thế từ nhiều tháng nay.

Vào lúc sáng sớm ngày Thứ Sáu, ông Trump qua Twitter kêu gọi phía đảng Dân Chủ hãy thương thảo với ông: “Obamacare của phía Dân Chủ đang nổ tung. Các số tiền trợ giúp khổng lồ cho các công ty bảo hiểm đã bị ngưng lại. Phía Dân Chủ nên gọi cho tôi để giải quyết việc này!”

Bộ Y Tế trong bản thông cáo đưa ra chiều tối ngày Thứ Năm đã thông báo điều này.

“Chúng tôi sẽ ngay lập tức ngưng trả các khoản tiền này,” theo lời quyền Bộ Trưởng Y Tế Eric Hargan và người điều hành chương trình Medicare là Seema Verma.

Thời điểm khởi sự tái ghi danh cho chương trình bảo hiểm tư nhân có sự trợ giúp của chính phủ dự trù khởi sự vào ngày 1 Tháng Mười Một, nghĩa là chỉ chưa đầy ba tuần nữa, với khoảng 9 triệu người hiện trong chương trình này.

Trong một bản thông cáo khác, Tòa Bạch Ốc nói rằng chính phủ không thể tiếp tục chi trả cho việc chia sẻ gánh nặng tiền bảo hiểm vì không có được sự cho phép chính thức từ Quốc Hội. Giới chức chính phủ Trump cho hay một nhận định pháp lý từ Bộ Tư Pháp cũng ủng hộ kết luận này.

Tuy nhiên, cho tới nay chính phủ Trump vẫn tiếp tục trả tiền hàng tháng, dù rằng ông Trump từng nhiều lần đe dọa sẽ cắt bỏ để buộc phía Dân Chủ phải thương thảo với ông về bảo hiểm y tế, trong đó có việc trợ giúp của chính phủ giúp giảm tiền “co-pay” và “deductible” cho những người có lợi tức thấp.

Việc ngưng trả tiền cho các công ty bảo hiểm sẽ gây ra giá bảo hiểm tăng vọt trong trong năm tới, trừ khi ông Trump thay đổi quyết định của mình hay Quốc Hội chuẩn chi số tiền này. Lần trả tiền sắp tới sẽ vào khoảng ngày 20 Tháng Mười tới đây. - nguoiviet
|
|

11.
Chánh văn phòng John Kelly phủ nhận tin xích mích với TT Trump

Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc, ông John Kelly, hôm Thứ Năm mạnh mẽ bác bỏ các tin đồn rằng ông muốn từ chức hoặc sắp bị Tổng Thống Donald Trump cho nghỉ việc, nói rằng ông chỉ muốn đem lại trật tự cho văn phòng tổng thống và điều này không bao gồm việc kiểm soát ông Trump hay thói quen sử dụng mạng xã hội của ông.

Trong lần xuất hiện hiếm thấy trước báo chí tại Tòa Bạch Ốc, vị tướng hồi hưu này tìm cách cho thấy là tình hình bên trong Tòa Bạch Ốc ổn định chứ không hỗn loạn như giới truyền thông vẫn thường miêu tả, theo bản tin của hãng thông tấn Reuters.

“Trừ phi có sự thay đổi, tôi không tính nghỉ việc, tôi không bị đuổi việc, và tôi không nghĩ sẽ cho ai nghỉ việc ngày mai,” ông Kelly nói với các phóng viên.

Ông Kelly thay thế chánh văn phòng đầu tiên của ông Trump là Reince Priebus, người trải qua sáu tháng chao đảo và không thành công trong nỗ lực lập trật tự ở Tòa Bạch Ốc, theo Reuters.

Từ khi ông Kelly rời khỏi chức vụ Bộ Trưởng Nội An đảm trách vai trò Chánh Văn Phòng Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Trump cho nghỉ việc cố vấn chiến lược Steve Bannon, cũng như một số giới chức cao cấp khác. Cùng lúc, có các quy định về các cuộc họp nội bộ và tài liệu được phép chuyển tới tổng thống.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho rằng Tổng Thống Donald Trump và ông Kelly không hài lòng về nhau tiếp tục được nghe thấy, tạo nên tin đồn rằng ông Kelly sẽ sớm rời khỏi chức vụ.

Sự bất ổn trong ngành hành pháp đã khiến các giới chức bên ngoài chính phủ phải lo ngại. Thượng Nghị Sĩ Bob Corker (Cộng Hòa, Kentucky) nói rằng ông Kelly là một trong bộ ba, gồm cả Bộ Trưởng Quốc Phòng Jame Mattis và Bộ Trưởng Ngoại Giao Rex Tillerson, “giúp ngăn đất nước chúng ta rơi vào tình trạng hỗn loạn.”

Vị tướng Thủy Quân Lục Chiến hồi hưu nói rõ rằng ông không coi nhiệm vụ của mình là kiểm soát việc ông Trump gửi tweet hay có phát biểu gì ra bên ngoài.

“Tôi không được đưa vào đây để kiểm soát cái gì, ngoại trừ các nguồn tin tức đến tổng thống của chúng ta để ông có thể có quyết định tốt nhất,” ông Kelly nói với báo chí, theo bản tin Reuters.

“Tôi không được gửi vào hoặc mang vào Tòa Bạch Ốc để kiểm soát tổng thống và quý vị cũng không nên đo lường sự hữu hiệu của tôi trong vai trò chánh văn phòng theo cách suy nghĩ của quý vị,” ông Kelly nói, cũng theo Reuters. - nguoiviet
|
|

12.
Nghi vấn về gia đình con tin Mỹ-Canada được giải cứu ở Pakistan


Sự trở về của một gia đình 5 người, vợ Mỹ chồng Canada, được trả tự do sau 5 năm bị giam cầm như con tin của mạng lưới Haqqani, một nhóm Taliban chuyên bắt cóc người, là chuyện đáng mừng, và lập tức Tổng thống Trump đã lên tiếng ca ngợi sự hợp tác của chính quyền Pakistan trong vụ việc này.

Tuy nhiên, ngay cả trước khi gia đình Coleman-Boyle ra phi trường để trở về với thế giới phương Tây, đã có nhiều nghi vấn được đặt ra về cặp đôi này. Chẳng hạn như, tại sao gia đình Coleman-Boyle không trở về Hoa Kỳ, khi mà một máy bay quân sự Mỹ đã chờ sẵn ở phi trường Islamabad để đưa họ sang Đức khám sức khỏe, rồi sau đó bay về Mỹ?

Một giới chức quân sự Mỹ cho biết một toán đặc nhiệm của quân đội Hoa Kỳ chuyên về con tin đã bay sang Pakistan hôm thứ Tư, chuẩn bị đưa gia đình Coleman về nước. Tuy nhiên sáng sớm hôm sau, trong khi gia đình đang đi bộ ra máy bay chờ sẵn, Boyle từ chối lên máy bay.

Một giới chức Mỹ khác cho biết ông Boyle sợ bị Mỹ “câu lưu” vì những liên hệ gia đình. Vợ cũ của Boyle là Zaynab Khadr, con gái của một nhà kinh tài phục vụ cho mạng lưới khủng bố al-Qaida. Zaynab còn là chị của Omar Khadr, từng bị giam ở nhà tù của Mỹ ở vịnh Guantanamo. Ông Ahmed Said Khadr, cha của hai chị em, từng ở nhà Osama bin Laden, thủ lãnh của al-Qaida, torng một thời gian ngắn khi Omar còn là một đứa trẻ.

Các giới chức Mỹ đã gạt sang một bên giữa lý lịch này và vụ Boyle bị bắt cóc, nói rằng đây là một sự trùng hợp, và Bộ Tư pháp Mỹ khẳng định cả ông Boyle lẫn vợ, bà Coleman không bị truy nã về bất cứ tội liên bang nào.

Trước đó, quân đội Pakistan nói gia đình Coleman sẽ trở về nguyên quán, nhưng tới chiều tối 11/10, hai vợ chồng nói với các giới chức Mỹ rằng họ muốn đáp máy bay thương mại sang Canada, và sau cùng lên máy bay của chính phủ Pakistan, bay sang Anh quốc. Hiện chưa rõ liệu, hoặc bao giờ, thì cặp vợ chồng này mới về Mỹ.

Một số độc giả cũng thắc mắc về làm thế nào vợ chồng con tin này có thể sinh ra thêm 2 đứa con nữa trong thời gian bị Taliban bắt làm con tin, và giờ có 3 mặt con, kể cả đứa bé còn trong bụng mẹ khi hai vợ chồng bị bắt cóc?

Bị bắt cóc:

Năm 2012 hai vợ chồng thực hiện một chuyến du lịch “Tây ba lô” qua các nước Nga, Kazakhstan, Tajikistan và Kyrgyzstan, nhưng sau đó họ tới Afghanistan, một nước không nằm trong hành trình đã lên kế hoạch lúc ban đầu. Coleman và Boyle mất tích vào tháng 10 năm 2012 trong khi đang đi cắm trại ở Afghanistan, lúc đó bà Coleman đã mang thai nhiều tháng.

Tổ chức Taliban ở Afghanistan nhận trách nhiệm bắt cóc họ. Tin sau này cho biết vụ bắt cóc xảy ra ở tỉnh Wardak, một cứ địa của Taliban ở vùng Tây Nam thủ đô Kabul. Các giới chức Mỹ nói hai vợ chồng bị mạng lưới Haqqani, một nhóm khủng bố có liên kết với Taliban, cầm giữ.

Nhóm chủ chiến này đã công bố hai băng video trong thời gian các con tin bị cầm giữ, và đòi đánh đổi tù nhân của họ với tự do cho gia đình Coleman-Boyle.

Một trong số các tù nhân mà nhóm chủ chiến này đòi thả có tử tù Annas Haqqani, em trai của Sirajuddin Haqqani, thủ lãnh mạng lưới Haqqani kiêm Phó thủ lãnh Taliban. Annas Haqqani đang chờ bị hành quyết trong một nhà tù ở Afghanistan.

Một giới chức cao cấp của Taliban được phóng viên VOA tiếp xúc, nói rằng bà Coleman và ông Boyle đã “cải đạo sang đạo Hồi” trong thời gian bị giam cầm.

Được giải cứu

Người phát ngôn của quân đội Pakistan, Trung Tướng Asif Ghafoor nói với VOA rằng sự hợp tác giữa các giới chức Mỹ và Pakistan là thiết yếu cho sự thành công của chiến dịch giải cứu con tin..

“Chúng tôi lập tức điều quân ngay sau khi được tin của các giới chức Mỹ vào khoảng 4 giờ chiều hôm thứ Tư (giờ địa phương). Quân Taliban đang chở các con tin trên một chiếc xe chạy ở vùng biên giới, bên phía Pakistan. Chúng tôi chạy theo và giải cứu an toàn các con tin.”

Tin này đã được công bố giữa lúc bà Lisa Curtis, Giám Đốc Hội đồng An ninh Quốc gia đặc trách Nam và Trung Á đến thăm Islamabad, dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Mỹ trong cuộc đàm phán với các giới chức Pakistan để tái xét quan hệ song phương và bàn về các vấn đề hai nước cùng quan tâm.

Washinton từ lâu tố cáo Islamabad là duy trì những mối liên hệ với mạng lưới Haqqani và quân Taliban để kéo dài cuộc xung đột tại nước láng giềng Afghanistan. Các giới chức Pakistan bác bỏ cáo buộc đó và nói vụ giải cứu con tin thành công hôm 11/10 là một minh chứng nói lên quyết tâm chống khủng bố của Islamabad và quan hệ hợp tác với Hoa Kỳ. - VOA
|
|

13.
Siêu mẫu Vũ Thu Phương tố ‘trùm Hollywood’ Weinstein gạ tình

Vũ Thu Phương, diễn viên nổi tiếng một thời ở Việt Nam, vừa viết trên Facebook cá nhân rằng cô từng bị nhà sản xuất phim Mỹ Harvey Weinstein gạ tình dịp công chiếu phim “Shanghai” cách đây nhiều năm.

Thông tin gây chấn động được nữ siêu mẫu đưa ra vào sáng sớm ngày 13/10. Lúc này, người được coi là “ông trùm” Hollywood vẫn đang chìm ngập trong vụ scandal lớn với hàng chục diễn viên thuộc nhiều quốc tịch khác nhau cáo buộc ông đã quấy rối tình dục, thậm chí đã hiếp dâm họ.

Cảnh sát Mỹ và Anh đã tiến hành điều tra về các cáo buộc đối với ông Weinstein, quay ngược trở về những vụ việc được cho là đã xảy ra từ cách đây từ gần 15 năm, thậm chí khoảng 30 năm.

Ông Weinstein mới đây đã bị sa thải khỏi công ty do chính ông sáng lập vì các tai tiếng tình dục. Nhiều phim do công ty mang tên ông sản xuất đã được đề cử giải Oscar, trong số đó, một con số đáng kể các phim đã nhận giải thưởng danh giá này, giúp khẳng định ông là một trong những người “quyền lực nhất” Hollywood.

Nay là chủ một công ty thời trang, Vũ Thu Phương viết cô có “cảm xúc hỗn độn, không biết vui hay buồn” khi nghe tin về ông Weinstein.

Sự việc xảy ra giữa ông ta và cá nhân cô, theo Thu Phương, là trong dịp chiếu ra mắt phim “Shanghai” ở New York. Cô không nêu ngày giờ cụ thể, nhưng thông tin trên internet cho thấy bộ phim bắt đầu công chiếu hồi hè năm 2010.

Được ông Weinstein lựa chọn năm 2008, Thu Phương và một nữ diễn viên khác của Việt Nam, Lý Nhã Kỳ, đã đóng các vai phụ và xuất hiện vài giây trong phim này.

Dù thất vọng sâu sắc khi phần diễn của mình chỉ được đưa vào phim cực kỳ mờ nhạt, nhưng lời hứa của nhà sản xuất lừng danh khi đó rằng cô vẫn có thể có cơ hội khác đóng phim Hollywood đã làm cô quyết định vẫn đi New York tham gia lễ giới thiệu phim.

Sau buổi chiếu ra mắt, Phương nhớ lại, cô được trợ lý của ông Weinstein mời họp với ông vào tối khuya cùng ngày tại phòng khách sạn của ông.

Khi chỉ còn cô trong phòng, nhà sản xuất đầy uy danh Hollywood xuất hiện chỉ với “một chiếc khăn tắm quấn ngang hông”.

Nữ diễn viên, khi đó 25 tuổi, thấy “mọi thứ sa sầm lại”. Ông Weinstein đã hỏi liệu cô có “sẵn sàng để bước vào Hollywood” và “có sẵn sàng đóng một vài cảnh nóng?”

Trong lúc nữ diễn viên trẻ Việt Nam còn đang “cảm thấy đắng nghét” trong miệng, theo lời thuật lại của Phương, nhà làm phim kỳ cựu Mỹ nói đầy hàm ý, rằng phim mới sẽ có “một ít cảnh nóng đó” và ông “cần dạy cô một chút”.

Ông Weinstein nói thêm rất nhiều diễn viễn khác “cũng đều từng trải qua chuyện này” và “không trải qua những chuyện này cô sẽ rất khó thành danh".

“Chân tay run bần bật” trong tình huống như vậy, Phương vẫn cố tự trấn tĩnh, theo lời kể của cô trên Facebook cá nhân, và đáp lại: “Xin lỗi ông, tôi nghĩ Hollywood không phải là nơi dành cho tôi”.

Ông Weinstein đã không có hành động gì khác và nói: “Tôi không ép, cô có thể về phòng và hãy cứ suy nghĩ”, Phương kể lại.

Cô viết, “Tôi quyết định không bán thân để vào Hollywood”, và ngày hôm sau đã lên đường về Việt Nam ngay.

VOA đã cố gắng liên lạc cả với cô Vũ Thu Phương và ông Harvey Weinstein để có thông tin trực tiếp từ họ, nhưng không có hồi âm.

Thu Phương nói trên mạng xã hội cô “đã tha thứ cho Harvey và không còn trách cứ”. Song cô nói thêm, tuy “kính phục tài năng chuyên môn của ông”, cô vẫn nghĩ “ông Weinstein nên bị trừng phạt bởi hành vi coi thường nhân phẩm và giá trị người phụ nữ”.

Vụ scandal của ông Weinstein lộ ra, theo lời cô, làm cô thấy đã đến lúc cô có thể giải thích lí do từng từ bỏ cơ hội đóng phim Hollywood với Công ty Weinstein, và vì sao đã có "bom xịt Shanghai" – hàm ý về việc cô chỉ xuất hiện vài giây trong phim dù đã được quảng bá nhiều trước đó về vai của cô.

Nữ người mẫu, diễn viên cho rằng dường như những vụ việc của ông Weinstein “là một quy luật của Hollywood nói riêng và nhiều môi trường showbiz nói chung”. Vì vậy, cô thấy mình có trách nhiệm “phải lên tiếng để cảnh báo và bảo vệ những cô gái đang mang giấc mộng phù hoa”.

Diễn viên Lý Nhã Kỳ, người cùng tham gia vai diễn phụ với Thu Phương trong phim Shanghai, chưa có phát ngôn gì về ông Weinstein sau khi các tai tiếng của ông bị lật tẩy. - VOA
|
|

14.
Ứng viên được Trump đề cử bị phản đối

Các nhóm bảo vệ môi trường ngày 13/10 chỉ trích việc Tổng thống Mỹ Donald Trump chọn người từng viết bài nói rằng CO2 không phải là chất gây ô nhiễm làm ứng viên của một ủy ban Tòa Bạch Ốc chuyên phụ trách về môi trường.

Tòa Bạch Ốc ngày 12/10 loan báo ông Trump đề cử bà Kathleen Hartnett White, một cựu giới chức quản lý môi trường hàng đầu của Texas vào Hội đồng của Tòa Bạch Ốc về Chất lượng Môi trường. Hội đồng này đề ra các mục tiêu chính sách môi trường của chính quyền Trump.

Bà White, hiện là thành viên nghiên cứu cao cấp của Viện Chính sách Công Texas, từng đặt nghi vấn về quan niệm cho rằng đốt nhiên liệu hóa thạch gây ra những gia tăng nguy hại về nhiệt độ toàn cầu. Trong bài thể hiện quan điểm trên Austin American-Statesman ngày 20/6/2016, bà White nói khí tự nhiên đã bị ‘vu khống sai lệch’ và rằng chúng ta nên biết đó là loại ‘khí của cuộc sống’.

Chủ tịch Nhóm Làm việc Môi trường, Ken Cook, ngày 13/10 tuyên bố với quan niệm đó, bà White có thể tạo điều kiện “cho việc cướp bóc tràn lan các chính sách bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường.” Nhóm này tự xưng là một tổ chức phi đảng phái, phi lợi nhuận nhằm bảo vệ sức khỏe con người và môi trường.

Nhóm môi trường mang tên Sierra Club gọi bà White là ‘kẻ biện hộ cho ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch.’

Một phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc nói bà White với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực môi trường, là ứng viên hoàn toàn đủ điều kiện cho vị trí Tổng thống vừa đề cử.

Đại đa số các nhà khoa học tin rằng khí thải CO2 từ việc đốt nhiên liệu hóa thạch là nguyên nhân chính góp phần gây biến đổi khí hậu, khiến mực nước biển dâng cao, gây hạn hán và bão lớn thường xuyên.

Bà White không phải là ứng viên đầu tiên được ông Trump đề cử gia nhập chính quyền của ông phản đối sự đồng thuận về mặt khoa học này. Hồi tháng 3, ông Scott Pruitt, điều hành Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, từng tuyên bố ông không tin là CO2 là nguyên nhân chính làm cho trái đất ấm dần lên. - VOA
|
|

15.
Bộ Tư Pháp: 4 thành phố che chở di dân có thể phạm luật

Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ hôm Thứ Năm nói, bốn thành phố và một quận che chở di dân có thể vi phạm luật liên bang, đòi hỏi họ phải liên lạc với giới chức di trú liên bang về tình trạng quốc tịch của một cá nhân.

Hãng thông tấn Reuters trích thuật lời của Bộ Tư Pháp nói rằng New Orleans, New York City, Philadelphia, và Chicago cùng Cook County, cả hai thuộc tiểu bang Illinois, “sơ khởi nhận thấy” đã phạm luật.

Bộ Tư Pháp cho những nơi này thời hạn đến ngày 27 Tháng Mười phải cung cấp chứng cớ cho thấy họ tuân thủ đòi hỏi của liên bang.

Nếu chính phủ xét thấy những thành phố và quận hạt ấy quả có vi phạm, Bộ Tư Pháp có thể cắt trợ cấp liên bang đối với các cơ quan công lực của những nơi này.

Bộ Tư Pháp cho hay họ không tìm thấy chứng cớ Milwaukee County, ở Wisconsin; Clark County, Nevada; Miami-Dade County, Florida và tiểu bang Connecticut vi phạm điều khoản Section 1373.

Các quyết định được đưa ra sau khi Bộ Tư Pháp hồi đầu năm yêu cầu chính quyền nhiều địa phương trình bày chi tiết việc họ tuân thủ luật lệ để quyết định tính hợp lệ để được nhận một số trợ cấp của liên bang.

Bộ Trưởng Tư Pháp Jeff Sessions nói, nhiều thành phố vẫn còn nằm trong tầm nhắm của bộ vì “che chở cho di dân bất hợp pháp từng có án hình sự.”

Các địa phương che chở di dân nói rằng họ tuân thủ đúng luật lệ nhưng không muốn sử dụng ngân quỹ của mình vào việc thi hành luật di trú. - nguoiviet
|
|

Tin Việt Nam

16.
Trung Quốc khai trương Lãnh Sự Quán tại Đà Nẵng


Trung Quốc hôm 13/10 đã khai trương lãnh sự quán của họ ở Đà Nẵng, một thành phố có tầm quan trọng chiến lược ở miền trung Việt Nam.

Một chuyên gia về Biển Đông nói việc mở lãnh sự này “không tác động nhiều” đến tranh chấp chủ quyền biển giữa hai nước.

Đây là tòa lãnh sự thứ hai của Trung Quốc ở Việt Nam, bên cạnh tổng lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh.

Tin tức trên báo chí Việt Nam cho hay người đứng đầu lãnh sự quán Trung Quốc ở Đà Nẵng là bà Hy Tuệ.

Một cán bộ Sở Ngoại vụ Đà Nẵng nói với VOA chiều muộn ngày 13/10 rằng cả sở và tòa lãnh sự đều không có thông cáo báo chí về sự kiện khai trương.

Tòa lãnh sự mới nằm trên đường Trần Trọng Khiêm, quận Ngũ Hành Sơn, cách trung tâm hành chính Đà Nẵng khoảng 7 kilomet. Tuy nhiên, nơi này chỉ cách sân bay quân sự Nước Mặn vài trăm mét theo đường chim bay. Sân bay của quân đội Mỹ trước đây hiện do các đơn vị quốc phòng Việt Nam quản lý.

Thạc sĩ luật Hoàng Việt chuyên nghiên cứu Biển Đông nói “có một chút khó xử” khi Trung Quốc mở lãnh sự quán ở Đà Nẵng.

Thành phố này quản lý huyện đảo Hoàng Sa trên giấy tờ, trong khi thực tế quần đảo này nằm trong tay Trung Quốc từ đầu năm 1974, sau khi Trung Quốc giành lấy bằng bạo lực quân sự từ Việt Nam Cộng Hòa.

Tuy nhiên, ông Việt chỉ ra một thực tế là Trung Quốc hiện vẫn là một đối tác chiến lược của Việt Nam. Ông cho rằng việc mở lãnh sự quán là phù hợp với sự phát triển quan hệ hai nước:

“Việc mở lãnh sự quán đó cũng tốt cho quan hệ của hai quốc gia. Còn vấn đề Biển Đông, chỉ mở một lãnh sự quán không thôi nó không tác động được nhiều, nó không phản ánh được nhiều vấn đề trên Biển Đông lúc này”.

Trước khi Trung Quốc mở lãnh sự quán, ở Đà Nẵng có hai lãnh sự quán của Nga và Lào. Mỹ đã được Việt Nam đồng ý cho mở lãnh sự quán cũng tại thành phố miền trung này từ cách đây khoảng 10 năm nhưng chưa thiết lập cơ quan lãnh sự tại đây.

Thạc sĩ Hoàng Việt bình luận việc lãnh sự quán Trung Quốc bắt đầu hoạt động sau hai năm làm thủ tục cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc “ngày càng mạnh” và “đang lan rộng”.

“Việc bành trường sức mạnh của Trung Quốc thông qua sức mạnh kinh tế rõ ràng là điều không thể chối cãi. Báo chí Việt Nam có cho biết là ở trên rất nhiều vùng đất của Việt Nam mà công nhân của Trung Quốc sinh sống thành khu phố của Trung Quốc. Người dân cần lo lắng ở chỗ này: ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lớn, trong đó có kinh tế, du khách, các doanh nghiệp của Trung Quốc. Mà khả năng của chính quyền Việt Nam quản lý, kiểm soát những vấn đề đó thì chưa tốt. Nhiều cái không kiểm soát được”.

Theo truyền thông Việt Nam, hiện có 17 đường bay từ Trung Quốc tới Đà Nẵng, với khoảng 90 chuyến bay/tuần. Tuy không có con số cụ thể, giới kinh doanh và dịch vụ ước tính lượng khách Trung Quốc tới Đà Nẵng tăng rất nhanh trong vài năm gần đây. Đà Nẵng cho hay Trung Quốc hiện đầu tư vào 12 dự án tại thành phố. - VOA
|
|

17.
Mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc, ít nhất 60 người chết

Đến cuối ngày 13/10, Văn phòng Ủy ban quốc gia Tìm kiếm cứu nạn Trung ương thống kê 60 người chết và 36 người mất tích do mưa lũ tại các tỉnh miền Bắc Việt Nam, giữa lúc chính quyền Hà Nội cho rằng việc vỡ đê là có kế hoạch.

Báo Tuổi trẻ dẫn lời văn phòng này cho biết có 60 người chết trong cơn bão số 11, trong đó tỉnh Hoà Bình có 22 người chết, Thanh Hóa 15 người, Nghệ An 9 người, Sơn La 6 người, Yên Bái 6 người, Quảng Trị 1 người, và Bắc Cạn 1 người.

36 người mất tích thuộc các tỉnh Yên Bái, Hoà Bình, Thanh Hoá, Sơn La, Nghệ An, và Hà Nam.

Hãng tin Reuters nói chỉ riêng tại tỉnh Hòa Bình có 19 người trong 4 gia đình bị chôn vùi do lỡ đất tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc rạng sáng ngày 12/10.

Trang Accuweather nói bão Khanun, Việt Nam gọi là bão số 11, với gió mạnh và mưa to đang hướng vào khu vực các tỉnh phía Bắc của Việt Nam từ ngày 15/10 đến ngày 17/10.

Báo Zing.vn nói thiệt hại về người trong đợt mưa lũ trung tuần tháng 10 gấp hàng chục lần so với cơn bão vào tháng 9 khi ấy có 4 người tử vong cũng tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Vào chiều 13/10, báo Tiền Phong cho biết tại cuộc họp thông tin về đợt mưa lũ vừa qua của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội phát biểu rằng, việc đê Hữu Bùi tại xã Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ vỡ là “vỡ trong kế hoạch.”

Đêm 11/10, rạng sáng ngày 12/10, một đoạn đê Hữu Bùi đã tràn gần 10 km.

Truyền thông trong nước trích lời ông Thịnh nói: “Đây là vùng chúng ta chủ động đã đưa nước vào bờ lũ sông Bùi để đảm bảo an toàn đê Tả Bùi. Nhìn vào thì dân tưởng là vỡ nhưng thực tế là tràn đê.”

ông Thịnh cho biết thêm: “Người dân nhìn vào đó nói vỡ, có thể nói vỡ nhưng là vỡ trong kế hoạch, chứ không phải chúng ta bất ngờ trong việc ứng phó."

Không rõ việc vỡ đê có là nguyên nhân làm số người chết trong cơn bão này gia tăng hay không.

Ngày 12/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hủy các cuộc họp tại thành phố Hải Phòng để về Ninh Bình thị sát đập tràn Lạc Khoái tại xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn để chỉ đạo ứng phó với ngập lụt, và bảo vệ an toàn đê điều. - VOA
|
|

18.
Hàng chục trẻ em Việt biến mất sau khi được giải cứu từ tay buôn người ở Anh

Hơn 150 trẻ vị thành niên Việt Nam đã biến mất khỏi các trung tâm chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ ở Anh kể từ năm 2015, gây ra lo ngại rằng các em có thể đã rơi trở lại vào tay các chủ nô lệ trẻ em.

Theo Times, chỉ riêng trong mùa hè này, có ít nhất 21 em đã biến mất, trong đó có 12 em ở Rochdale. Trong số này, có một nhóm thiếu niên được cảnh sát giải cứu từ một xe tải buôn người đã biến mất trong vòng 48 giờ sau khi được giao cho trung tâm Rochdale.

Cảnh sát Greater Manchester đã kêu gọi cộng đồng giúp tìm kiếm nhóm trẻ, nhưng cuộc điều tra đã bị xếp lại sau ba tháng. Trung tâm Rochdale cũng chối bỏ trách nhiệm, nói rằng họ chỉ chăm sóc nhóm trẻ em này chưa tới hai ngày và việc xác minh nhóm này có phải là trẻ vị thành niên hay không vẫn chưa hoàn tất.

Số liệu do Times thu thập từ 351 trung tâm cho thấy có 152 trẻ em Việt Nam đã biến mất vĩnh viễn khỏi các trung tâm này kể từ năm 2015.

Mùa hè vừa qua, có hai bé gái, 14 tuổi và 15 tuổi, đã mất tích ở York được tìm thấy một tuần sau tại Bedfordshire và Thames Valley, cách đó hàng trăm dặm.

Times dẫn lời Trung tâm Wolverhampton cho biết, năm ngoái, có 3 trẻ em Việt Nam đã biến mất ngay trong đêm đầu tiên sau khi cảnh sát bố ráp một nhà xưởng và đưa họ vào trung tâm.

Vài năm gần đây, nhiều trẻ em Việt Nam đã bị cảnh sát phát hiện trong các cuộc bố ráp vào các trại trồng cần sa, nơi các em nhập cư và lao động bất hợp pháp.

Tình trạng trồng cần sa lậu ngày càng nhiều ở Anh đã làm gia tăng tệ nạn buôn người từ Việt Nam sang Anh. Các tổ chức tội phạm phát hiện ra rằng trồng cần sa tại chỗ dễ dàng hơn nhập khẩu, nên đã dụ dỗ những người trẻ vào làm vườn và trong các tiệm làm móng tay rửa tiền.

Vẫn theo Times, trẻ em xin tị nạn không có người lớn đi kèm và nạn nhân nô lệ và buôn người thường có nguy cơ mất tích rất cao. Nhiều người trong số này không nói được tiếng Anh, rời gia đình ở quê hương và bị bắt cóc hoặc tìm cách nhập lậu vào Anh để có được một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Khi đến nơi, nếu bị phát hiện, họ sẽ theo lời khuyên của những kẻ buôn người, khai mình dưới 18 tuổi để được đưa vào các trung tâm chăm sóc chứ không phải nơi giam giữ người nhập cư bất hợp pháp.

Ngay cả khi được đưa vào các trung tâm chăm sóc, nhiều trẻ em vẫn chịu ảnh hưởng và áp lực từ những kẻ buôn người để tìm cách quay về với họ. Do đó, nhiều em đã biến mất trong vòng 48 giờ và việc tìm lại chúng rất khó khăn.

Việc hàng loạt trẻ em Việt Nam mất tích khỏi các trung tâm chăm sóc ở Anh đã gây ra những nghi ngờ về cách bảo vệ trẻ em của chính quyền địa phương.

Baroness Butler-Sloss, Chủ tịch nhóm Quốc hội phụ trách về buôn bán người và nô lệ hiện đại, nói những con số này “rất đáng lo ngại”. Bà cho rằng Văn phòng Nội vụ Anh cần phải xác định xem có vấn đề gì cụ thể, đặc biệt khiến trẻ em Việt Nam nhanh chóng biến mất sau khi được đưa vào các trung tâm chăm sóc xã hội và “cần phải có một sự sắp xếp đặc biệt” cho các trẻ em này.

Bộ Nội vụ Anh nói họ nhận thức được vấn đề và đang phát triển một hệ thống độc lập để giúp các trung tâm giải quyết nhu cầu của trẻ em là nạn nhân buôn người. - VOA
|
|

19.
Ngày 25/10 xử sơ thẩm Phan Kim Khánh.

Ông Phan Văn Dung, bố của Phan Kim Khánh vừa cho tôi biết qua điện thoại, sáng nay, 12/10, tòa án Thái Nguyên gọi điện cho ông. Họ thông báo ngày 25/10 tới đây sẽ xử sơ thẩm và hẹn chiều nay sẽ đến nhà đưa giấy.

Phan Kim Khánh sinh năm 1993, bị bắt ngày 21/3/2017, khi chỉ còn mấy tháng nữa là xong chương trình 5 năm đại học. Anh là Chủ tịch Hội sinh viên Khoa Quốc tế, Đại học Thái Nguyên. Anh bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước (điều 88). Hiện Phan Kim Khánh bị giam ở trại giam Cẩm Sơn 1 Thái Nguyên. Theo báo chí nhà nước, từ cuối năm 2015 đến nay, Phan Kim Khánh lập và quản trị 2 blog lấy tên là “Báo Tham nhũng” và “Tuần Việt Nam”; 3 trang trên mạng xã hội facebook lấy tên là “Báo Tham Nhũng”, “Tuần Báo Việt Nam” và “Dân chủ TV”; 2 kênh trên mạng xã hội YouTube lấy tên là “Việt Báo TV” và “Việt Nam online”.

Bị bắt cùng đợt với Khánh có Bùi Hiếu Võ. Bùi Hiếu Võ bị bắt ngày 17/3/2017, trước Phan Kim Khánh 4 ngày.

Phan Kim Khánh thường trú ở xã Yên Tập, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Bố mẹ Khánh sinh được hai con là Khánh và em gái Khánh là Phan Thị Trang. Trang lấy chồng gần nhà, đã có hai con. Luật sư Hà Huy Sơn là người bào chữa cho Khánh cho biết, “gia đình Khánh rất nghèo, có lẽ thuộc diện hộ nghèo ở địa phương nhưng Khánh học rất giỏi. Ngôi nhà của gia đình Khánh nằm dưới chân một quả đồi, cơn bão số 10 vừa qua có bị sạt 1 mảng đồi, đất đá đầy sau nhà nhưng may mắn ngôi nhà của gia đình ko bị cuốn trôi” và nhận xét “Khánh là người rất đáng mến, dễ tiếp xúc, khiêm tốn, ngoan hiền, mọi người, dân làng, thầy cô, bạn bè rất quý mến. Có lẽ tài sản lớn nhất của gia đình ông Dung bây giờ chính là người con trai, Phan Kim Khánh”.

Còn Luât sư Lê Văn Luân dành cho Khánh những lời rất thiện cảm: “Sinh viên trẻ Phan Kim Khánh dù bị bắt nhưng sau này lịch sử sẽ ghi danh em lại như một người trẻ có nhiệt huyết và trí tâm dành cho công cuộc xây dựng đất nước.

Chỉ khi em bị bắt tôi mới biết em là ai và quả thực, tôi lại có thêm niềm tin vào giới trẻ bản lĩnh và là lực lượng thay đổi cũng như xây dựng quốc gia sau này”. - RFA

Link:
http://bit.ly/2kWPNo9












No comments:

Post a Comment

View My Stats