Wednesday, 11 October 2017

GIẤC MƠ BÁ QUYỀN CỦA TRUNG QUỐC : MẶT TRẬN MỚI TRONG CUỘC CHIẾN VỀ NGUỒN NƯỚC NGỌT Ở CHÂU Á (Braham Chellnaney - Project Syndicate)




Braham Chellnaney  -  Project Syndicate
12/10/2017

Lời người dịchTuần tới Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ họp đại hội để tái phong chức cho Tập Cận Bình làm Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Tập Cận Bình thường nói tới “Giấc mơ Trung Hoa”, coi đó là tư tưởng chính của ông ta, nhưng chính sách đối ngoại hung hăng của ông ta là cơn ác mộng đối với các lân bang của Trung Quốc.

Đập Tiểu Loan trên dòng sông Mekong của Trung Quốc. Ảnh: International Rivers

Trong suốt hàng chục năm qua, Trung Quốc đã lôi kéo các lân bang vào ván bài địa chính trị liên quan tới các nguồn nước với khoản đặt cuộc khá cao. Tuy nhiên, quyết định với động cơ chính trị của nước này trong việc che dấu các dữ liệu thuỷ văn, không cho Ấn Độ biết, là bước leo thang trong những cố gắng của Trung Quốc nhằm khai thác vị thế của mình như là nước bá quyền về nguồn nước trên thế giới nhằm tạo được ảnh hưởng mang tính chiến lược đối với các lân bang.

Trung Quốc đã coi nước ngọt là một vũ khí chiến lược từ khá lâu rồi - một trong những vũ khí mà các nhà lãnh đạo của đất nước này sẵn sàng sử dụng nhằm thúc đẩy những mục tiêu trong chính sách đối ngoại của mình. Sau nhiều năm sử dụng biện pháp chặn dòng trên hầu hết các các con sông lớn xuyên quốc gia ở Châu Á, nhằm điều khiển dòng chảy, hiện nay Trung Quốc đang che dấu các dữ liệu thủy văn ở thượng nguồn nhằm gây áp lực cho các nước ở hạ lưu, đặc biệt là Ấn Độ.

Trong suốt hàng chục năm qua, Trung Quốc đã lôi kéo các lân bang vào ván bài địa chính trị liên quan tới các nguồn nước với khoản đặt cược khá cao. Do những vụ sáp nhập bằng vũ lực Tây Tạng và những vùng đất của các sắc dân không phải là người Hán - lãnh thổ chiếm tới khoảng 60% diện tích trên đất liền của nước này - Trung Quốc trở thành bá quyền không có đối thủ về nước trên thế giới. Đây là nguồn cung cấp nước cho những con sông chảy qua nhiều quốc gia hơn bất cứ nước nào khác trên thế giới.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tìm mọi cách nhằm khai thác tình trạng đó để gia tăng ảnh hưởng của mình đối với các lân bang. Họ liên tục xây dựng những con đập trên thượng lưu của những con sông chảy sang các nước khác. Trung Quốc hiện có nhiều đập hơn tất cả các nước khác trên thế giới cộng lại, và việc xây dựng vẫn đang tiếp tục, làm cho các lân bang ở hạ lưu - đặc biệt là các nước thuộc hạ lưu sông Mê Công dễ bị tổn thương, Nepal và Kazakhstan – thực chất là phụ thuộc vào lòng tốt của Trung Quốc.

Cho đến nay, Trung Quốc không kí hiệp ước chia sẻ nguồn nước với bất cứ quốc gia nào. Tuy nhiên, nước này chia sẻ một số dữ liệu thuỷ văn và khí tượng – nhằm tạo điều kiện cho các quốc gia ở hạ lưu dự đoán và lập kế hoạch phòng tránh lũ lụt, và bằng cách đó, bảo vệ được sinh mạng và giảm được tổn thất về vật chất.

Tuy nhiên, năm nay, Trung Quốc đã không chuyển cho Ấn Độ dữ liệu, làm giảm hiệu quả của các hệ thống cảnh báo lũ lụt từ sớm của Ấn Độ, kể cả trong mùa mưa vào những tháng hè ở châu Á. Kết quả là, mặc dù lượng mưa trong mùa mưa năm nay ở vùng đông bắc Ấn Độ thấp hơn mọi năm, khu vực mà con sông Brahmaputra đi qua sau khi rời Tây Tạng và trước khi vào Bangladesh, đã phải đối mặt với trận lụt chưa từng có, với những hậu quả vô cùng tai hại, nhất là ở bang Assam.

Quyết định của Trung Quốc trong việc che dấu các dữ liệu quan trọng không chỉ tàn nhẫn, mà còn vi phạm các nghĩa vụ quốc tế của đất nước này. Trung Quốc là một trong ba nước đã bỏ phiếu chống lại Công ước về Nước (Watercourse Convention) năm 1997 của Liên Hiệp Quốc, tức là hiệp ước yêu cầu trao đổi thường xuyên các dữ liệu thủy văn và các dữ liệu khác giữa các nước nằm cùng lưu vực các con sông. Nhưng, Trung Quốc đã tham gia hiệp định song phương kéo dài 5 năm, kết thúc vào năm sau, yêu cầu nước này chuyển cho Ấn Độ các dữ liệu hàng ngày về thuỷ văn và khí tượng từ ba trạm quan trắc trên sông Brahmaputra ở Tây Tạng trong mùa có khả năng xảy ra lụt lội, từ ngày 15 tháng 5 đến ngày 15 tháng 10. Thỏa thuận tương tự, kí năm 2015, về sông Sutlej, một con sông thường gây ra lũ lụt. Cả hai hiệp định này đều xuất hiện sau khi các trận lũ quét mà người ta cho rằng có liên quan tới các vụ xả lũ từ các con đập của Trung Quốc ở Tây Tạng, liên tục tàn phá các bang Arunachal và Himachal của Ấn Độ.

Khác với một số quốc gia khác, những nước này thường cung cấp miễn phí dữ liệu thủy văn cho các lân bang ở hạ lưu, Trung Quốc đòi phải trả tiền. (Công ước về nước yêu cầu miễn phí, trừ phi “không có sẵn” dữ liệu hay thông tin – qui định có thể đã góp phần vào việc Trung Quốc bỏ phiếu “Không”)

Nhưng đó là giá mà Ấn Độ sẵn sàng trả tiền. Và năm nay, cũng như mọi khi, Ấn Độ đã gửi số tiền đã thỏa thuận. Nhưng không nhận được dữ liệu, gần bốn tháng sau Bộ Ngoại giao Trung Quốc mới tuyên bố rằng các trạm ở thượng nguồn đang được “nâng cấp” hay “cải tạo”. Tuyên bố này là đáng ngờ: Trung Quốc đã cung cấp dữ liệu về sông Brahmaputra cho Bangladesh.

Ba tuần trước, tờ Global Times do nhà nước quản lí đưa ra lời giải thích hợp lí hơn cho việc Trung Quốc không cung cấp dữ liệu đã hứa cho Ấn Độ: việc chuyển dữ liệu bị tạm dừng, vì người ta cho rằng Ấn Độ đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc trong khu vực tranh ở Doklam trong dãy núi Himalaya xa xôi. Trong suốt mùa hè vừa qua, đã diễn ra xung đột biên giới ở khu vực tiếp giáp giữa Bhutan, Tây Tạng và bang Sikkim của Ấn Độ.

Nhưng ngay cả trước khi tranh chấp nổ ra vào giữa tháng 6, Trung Quốc đã tỏ ra giận dữ trước vụ Ấn Độ tẩy chay cuộc họp thượng đỉnh trong các ngày 14 và 15 tháng 5 nhằm nhằm thúc đẩy sáng kiến “Một Vành đai, Một con đường”. Việc không cung cấp dữ liệu dường như là bắt đầu cho nỗ lực nhằm trừng phạt Ấn Độ vì chỉ trích cơ sở hạ tầng khổng lồ, xuyên biên giới của Trung Quốc là một dự án không rõ ràng, mang tính chất thực dân mới. Ý định trừng phạt Ấn Độ càng gia tăng sau cuộc xung đột ở Doklam.

Đối với Trung Quốc, dường như các hiệp định quốc tế sẽ mất hiệu lực khi chúng không còn thuận lợi về mặt chính trị. Cách giải thích như thế được khẳng định thêm bởi những vụ vi phạm hiệp ước kí với Vương Quốc Anh năm 1984, về việc Trung Quốc cai trị Hồng Kông vào năm 1997. Trung Quốc tuyên bố rằng thỏa thuận này dựa trên công thức “một quốc gia, hai hệ thống” đã mất “giá trị thực tế” trong 20 năm qua

Nếu các vai trò đảo ngược, Trung Quốc ở hạ lưu có thể đã lên án Ấn Độ ở thượng nguồn về việc làm trầm trọng thêm các trận lụt làm chết người và phá hoại tài sản vì đã vi phạm các nghĩa vụ quốc tế. Nhưng, cũng như vụ Trung Quốc đơn phương và hung hăng khẳng định những yêu sách về lãnh thổ và lãnh hải của mình ở Châu Á, nước này đang sử dụng các công trình xây dựng trên các dòng sông chảy qua các nước và không chịu cung cấp các dữ liệu thuỷ văn nhằm gia tăng quyền lực của họ trong khu vực.

Trên thực tế, việc không cung cấp dữ liệu thủy văn của Trung Quốc, bất chấp những tác động có thể xảy ra đối với các cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương, tạo ra tiền lệ nguy hiểm về sự thờ ơ đối với các vấn đề nhân đạo. Nó cũng cho thấy rõ cách thức Trung Quốc thiết lập những công cụ phi qui ước trong chính sách ngoại giao mang tính cưỡng ép, trong đó có việc tẩy chay không chính thức hàng hoá của đất nước mà họ coi là mục tiêu, ngăn chặn xuất khẩu những mặt hàng chiến lược (ví dụ, đất hiếm) và tạm thời đình chỉ, không cho người Trung Quốc đi du lịch tới nước đó.

Hiện nay, bằng cách nắm quyền kiểm soát nguồn nước - nguồn lực quan trọng sống còn đối với hàng triệu người và sinh kế - Trung Quốc có thể bắt nước khác làm con tin mà không cần bắn một phát súng nào. Ở châu Á đang căng thẳng về nguồn nước, thuần hóa tham vọng bá quyền của Trung Quốc hiện đang là thách thức chiến lược quan trọng nhất nhất.

Brahma Chellaney, Giáo sư Nghiên cứu Chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở ở New Delhi và cộng tác viên Học viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của chín cuốn sách, trong đó có Asian Juggernaut, Water: Asia’s New Battleground, and Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis.





No comments:

Post a Comment

View My Stats