Monday, 23 October 2017

CHỈ TRÍCH BỘ TRƯỞNG LÀ QUYỀN, KHÔNG PHẢI TỘI (Trịnh Hữu Long)




Posted on 22/10/2017

Khi đọc bài này, có lẽ bạn cũng đã biết vụ bác sỹ Hoàng Công Truyện bị Sở Thông tin – Truyền thông Thừa Thiên – Huế xử phạt năm triệu đồng vì nói xấu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trên Facebook. Nguyên văn status của bác sỹ Truyện như sau:

“Mụ ni về nghỉ là vừa, để các GS có kinh nghiệm, chuyên môn y lên thay và dẫn dắt ngành y sang một bước tiến mới. Chỉ một việc an ninh bệnh viện mà không tham mưu nổi cho CP can thiệp mà làm bộ trưởng. Bà có đi về cơ sở đâu mà hiểu nỗi khổ các y, bs tuyến cơ sở”.

Ta hãy cùng xem xét các khía cạnh pháp lý của vụ việc này.

Áp dụng sai quy định

Báo Người Lao Động trích lời ông Nguyễn Huy Hiển, Phó Giám đốc Sở Thông tin – Truyền thông (TT-TT) tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, bác sỹ Hoàng Công Truyện bị xử phạt hành chính dựa trên Điểm a, Khoản 3, Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Theo đó, bác sỹ Truyện đã có hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.

Trong khi đó, nguyên văn tiêu đề của Điều 64 là “Vi phạm quy định về trang thông tin điện tử, trang thông tin điện tử tổng hợp”. Facebook không phải là “trang thông tin điện tử” mà là “mạng xã hội”, theo như quy định trong Nghị định 72/2013/NĐ-CP. Do đó, việc Sở TT-TT áp dụng Điều 64 này là hoàn toàn sai quy định.

Rất có thể Sở TT-TT sẽ vặn lại rằng Nghị định 72 đã nghiêm cấm hành vi “đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân” và do đó họ có quyền xử phạt. Đúng là Nghị định 72 có điều cấm đó, nhưng không có điều khoản nào quy định về việc xử phạt hành vi này đối với người dùng mạng xã hội, hay quy định thẩm quyền và mức xử phạt. Nói cách khác, Nghị định 72 chỉ hô “đánh” mà không nói đánh thế nào. Nếu không có quy định cụ thể thì nhà nước không có căn cứ để xử phạt.

Trên thực tế, Nghị định 72 và 174 đã không cung cấp đủ hành lang pháp lý để xử phạt các cá nhân sử dụng mạng xã hội. Chính vì thế, chính phủ đang dự thảo một nghị định khác để lần đầu tiên bổ sung quy định xử phạt người dùng mạng xã hội, dự kiến có hiệu lực từ năm 2018.

Quyết định xử phạt còn sai ở chỗ: nếu đã kết luận bác sỹ Truyện vi phạm, thì bất luận thế nào cũng không được hạ mức xử phạt xuống quá mức tối thiểu của khung tiền phạt trong Nghị định 174. Điều này được quy định rõ trong Khoản 4, Điều 23, Luật Xử lý Vi phạm Hành chính 2012. Khung tiền phạt trong Nghị định 174 là từ 20 đến 30 triệu đồng, như vậy dù có tình tiết giảm nhẹ thì mức xử phạt tối thiểu vẫn phải là 20 triệu, chứ không được thấp hơn. Tạm bỏ qua việc xử phạt là sai hay đúng, việc quyết định mức xử phạt như vậy là vô căn cứ.

Đến đây, bác sỹ Truyện có hai lựa chọn: hoặc là tiếp tục tỏ ra ăn năn, hối cải và chấp nhận quyết định xử phạt như ông đã làm; hoặc là khiếu nại lên Sở TT-TT yêu cầu rút quyết định xử phạt, thậm chí là khởi kiện hành chính quyết định này ra Toà án Nhân dân tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Bất chấp mọi tranh cãi về việc phát ngôn của ông là đúng hay sai, quyết định xử phạt đối với ông vẫn là sai và cần phải bị bãi bỏ.

“Lưới trời lồng lộng”

Tuy có thể cãi thắng được Sở TT-TT, bác sỹ Truyện cũng không có nhiều lý do để yên tâm về thân phận pháp lý của mình.

Hệ thống pháp luật Việt Nam không được thiết kế để bảo vệ quyền lợi của người dân, mà trước hết là để bảo vệ cho chính quyền và người của chính quyền.

Nếu không xử phạt theo Điều 64, Nghị định 174 được thì Sở TT-TT hoàn toàn có thể viện dẫn Điều 66 cũng trong Nghị định này. Về mặt ngữ nghĩa, đây là một điều khoản không rõ ràng, vì không biết nó chỉ được áp dụng cho tổ chức cung cấp dịch vụ lưu trữ thông tin số hay cho cả người sử dụng mạng xã hội, trong khi điều khoản này không nhắc tới mạng xã hội. Tình trạng mơ hồ này là điều kiện lý tưởng cho những hành vi công quyền tuỳ tiện, và trên thực tế đã có người bị xử phạt theo điều này rồi.

Không chỉ vậy, chính quyền vẫn còn một công cụ khác.

Cụ thể, công an Thừa Thiên – Huế hoàn toàn có thể khởi tố vụ án hình sự, cáo buộc bác sỹ Truyện tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo Điều 258, Bộ luật Hình sự năm 1999 (vẫn còn hiệu lực cho đến hết ngày 31/12/2017).

Kết quả là, một phiên tòa có thể được mở ra, tuyên bác sỹ Truyện hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Thậm chí, nếu tòa cho rằng hành vi của bác sỹ Truyện là nghiêm trọng thì ông có thể bị phạt tù từ hai đến bảy năm.

Bạn có thể phản bác rằng Điều 258 quy định như vậy là vi hiến, trái với Điều 25 Hiến pháp 2013 về quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên, Hiến pháp đã bỏ ngỏ một lối thoát cho nhà nước khi thòng vào cuối Điều 25 một câu: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Pháp luật ở đây chính là Điều 258, Bộ luật Hình sự.

“Lưới trời lồng lộng”, nếu nhà nước muốn phạt bác sỹ Truyện thì họ không thiếu gì cách.
Như vậy, câu chuyện đến đây không còn bó hẹp trong nội dung các văn bản luật nữa.

Quyền mở miệng
Tồn tại một cách hiểu máy móc về khái niệm “pháp luật” và “thượng tôn pháp luật” ở nước ta. Theo đó, pháp luật được cho là những gì nhà nước quy định, và thượng tôn pháp luật là phải tuân theo những quy định đó.

Câu hỏi đặt ra là: nếu pháp luật sai, hay nói cách khác là bất công, thì có nên được thượng tôn không?

Năm 1953, Quốc hội ban hành Luật Cải cách Ruộng đất, trao cho các Toà án Nhân dân Đặc biệt quyền xét xử “Việt gian, phản động, cường hào gian ác và những kẻ chống lại hoặc phá hoại cải cách ruộng đất”. Kết quả là hàng chục nghìn địa chủ và những người liên quan đã bị xử tử thông qua những tòa án mà ngày nay ít ai dám gọi là tòa án.

Chúng ta cũng có một bản Hiến pháp 1980 thủ tiêu hoàn toàn sở hữu tư nhân và cho phép quốc hữu hoá các cơ sở kinh tế của “địa chủ phong kiến” và “tư sản mại bản”, đồng nghĩa với việc hoàn toàn không có một thứ rất quen thuộc ngày nay là các công ty tư nhân.

Chúng ta cũng có một chế độ sở hữu toàn dân về đất đai, cho phép nhà nước thu hồi đất theo khung giá do nhà nước quy định, trong khi đúng ra người dân phải có quyền đàm phán giá đất theo cơ chế thị trường.

Tất cả những quy định bất công đó dẫn chúng ta đến một cách nhìn nhận khác về pháp luật và áp dụng pháp luật: nó phải hợp lý, theo nghĩa là phù hợp với những lập luận tốt nhất có thể về công lý, lẽ tự nhiên và công bằng, và bảo vệ các quyền của con người.

Quay lại với việc xử phạt hay bỏ tù bác sỹ Truyện, cứ cho là hoàn toàn hợp hiến và hợp pháp, nhưng đã hợp lý hay chưa? Ta hãy xem.

Bác sỹ Truyện viết status chỉ trích Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cho rằng bà không nắm bắt được tình hình và nên nghỉ việc.

Trước hết, chuyện chỉ trích quan chức chính phủ thuộc về quyền được mở miệng của người dân, quyền được giám sát những người mà họ đóng thuế để nuôi, và quyền được đuổi việc những quan chức yếu kém và tham nhũng. Đây là lẽ thường của bất cứ một thể chế nào tự nhận là dân chủ và tôn trọng quyền tự do ngôn luận của người dân.

Nếu bà Tiến cho rằng status này xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của cá nhân bà thì bản thân bà, với tư cách là người bị thiệt hại, cần phải lên tiếng, chứ không phải Bộ Y tế. Chỉ khi đối tượng bị chỉ trích lên tiếng thì mới biết họ có cảm thấy bị xúc phạm hay không. Tất cả những người khác không có thẩm quyền giải quyết việc này hộ cho bà.

Nếu bà Tiến không lên tiếng thì ở đây không phát sinh bất kỳ tranh chấp nào để nhà nước cần phải can thiệp. Mọi động thái phàn nàn của Bộ Y tế, hay việc xử phạt của Sở TT-TT và Sở Y tế Thừa Thiên – Huế đều vô lý và vô… duyên. Và trên thực tế bà Tiến chưa công khai phàn nàn điều gì về status của bác sỹ Truyện.

Trong trường hợp bà Tiến lên tiếng cho rằng status của bác sỹ Truyện xúc phạm cá nhân bà, thì theo lẽ thường, đây là việc riêng giữa hai cá nhân này, hoàn toàn không liên quan đến các cơ quan nhà nước.

Ta hãy thử coi bà Tiến là một công dân thông thường thì sẽ thấy câu chuyện dễ hiểu hơn: hai người dân chửi nhau là việc của họ, người khác (kể cả nhà nước) không có phận sự liên quan.

Trong trường hợp này, tranh chấp giữa bà Tiến và bác sỹ Truyện là vấn đề dân sự chứ không phải vấn đề hình sự hay hành chính, việc xử lý hình sự hay hành chính đều vô lý.

Hai cá nhân này có thể thoả thuận dàn xếp với nhau, hoặc nếu không dàn xếp được thì nhờ bên thứ ba giúp. Bên thứ ba có thể là một người bất kỳ hoặc toà án dân sự. Nếu bà Tiến chứng minh được bác sỹ Truyện đã xúc phạm bà thì tòa sẽ tuyên bà thắng kiện và bác sỹ Truyện có thể sẽ phải xin lỗi và/hoặc bồi thường cho bà. Đó là cách thức giải quyết tranh chấp hợp lý, được áp dụng rộng rãi ở các nước văn minh từ Đông sang Tây.

Nếu Sở TT-TT vẫn cho rằng việc xử phạt bác sỹ Truyện là đúng, thì để đảm bảo nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, tất cả những ai nói xấu người khác cũng phải chịu chế tài tương tự. Nghĩa là kể từ nay, bất kỳ ai bị người khác nói xấu trên Facebook cũng đều có thể yêu cầu Sở TT-TT xử phạt, đúng như cái cách mà Bộ Y tế đề nghị tỉnh Thừa Thiên – Huế “xử lý” bác sỹ Truyện.

Những quy định vô lý trong cả Hiến pháp lẫn các văn bản luật là hậu quả của một quy trình lập hiến, lập pháp mà người dân không được dự phần. Thiếu vắng các cơ chế lập hiến, lập pháp dân chủ, pháp luật sẽ chỉ là một công cụ được nhà cầm quyền nhào nặn nên để bảo vệ quyền lợi cho chính mình. Nó thể hiện ra hàng ngày, hàng giờ trên khắp cả nước, mà vụ xử phạt bác sỹ Truyện và bênh vực Bộ trưởng Tiến chỉ là một biểu hiện nhỏ.



-----------------------------------------------------------------------



Nam Quỳnh  -  Luật Khoa TC
Posted on 23/10/2017

Bài xã luận “Chỉ trích bộ trưởng là quyền, không phải tội” của tác giả Trịnh Hữu Long đăng trên Luật Khoa hôm 22/10 vừa qua đã làm dấy lên nhiều tranh luận trên mạng xã hội.
Cả với tư cách một biên tập viên của Luật Khoa và một người đọc bình thường, tôi quan tâm nhất đến một tranh luận do anh Nguyễn Như Huy, một chuyên gia giám tuyển nghệ thuật tại Sài Gòn, khởi xướng trong phần comment trên trang Facebook Luật Khoa.

Commented on Luật Khoa tạp chí's public post
Luật khoa cho hỏi 1 thắc mắc. Đúng là chỉ trích bộ trường ( hay lãnh đạo nói chung) là quyền. Song trong case của anh bác sĩ. ANh ta mặc nhiên sở hữu quyền này,... See More
Top of Form
LikeBottom of Form · 32 Replies · 11 · on Sunday

Bài xã luận này của tôi là một nỗ lực đối thoại với anh Huy về một số luận điểm của anh trong phần comment đó. Tôi không có ý định thanh minh hay giải thích gì thay mặt tác giả Trịnh Hữu Long. Tôi chỉ thấy vấn đề anh Huy đề cập rất thú vị và xứng đáng được bàn luận thêm, cho dù việc trả lời rõ ràng cho các khúc mắc trong vấn đề này có khó khăn đến mấy, và cho dù bài xã luận ngắn này có thể không giúp gì thêm cho việc trả lời các khúc mắc đó.

Các vấn đề anh Nguyễn Như Huy đặt ra

Bạn có thể theo dõi đầy đủ cuộc tranh luận ở link Facebook phía trên. Tôi mạn phép tóm tắt lại luận điểm của anh Huy theo cách hiểu của tôi:

·         Bản chất của hình thức quản lý ngành y tế, từ cấp Bộ của bà Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đến cấp bệnh viện huyện của bác sỹ Hoàng Công Truyện, là “quản lý ngành dọc”. Tức là dựa vào chuyên môn ngành y mà quản lý: bộ cao hơn sở, sở cao hơn trung tâm y tế huyện, v.v.

·         Bộ Y tế nắm chuyên môn ngành y cả nước, vì thế họ quản lý tất cả những ai có chuyên môn ngành y bao gồm cả bác sỹ Truyện. Ngay cả khi các văn bản pháp luật chi tiết có nói khác đi thì Bộ Y tế trong thực tế vẫn phải có một mức độ kiểm soát nhất định, dù là gián tiếp, với bác sỹ Truyện chứ không phải là không có thẩm quyền gì hết.

·         Vì bác sỹ Truyện thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế, ông ta cũng có thể được xem là một nhân viên của bộ này.

·         Vì bác sỹ Truyện là nhân viên của Bộ Y tế (cho dù là gián tiếp) do bà Nguyễn Thị Kim Tiến đứng đầu, nên phát ngôn của ông Truyện về bà Tiến được coi là phát ngôn về thủ trưởng (hay cấp trên) của mình.

·         Ở đây có một vấn đề đạo đức (cho dù có thể không phải là một vấn đề pháp luật): Bác sỹ Truyện là một “người trong hệ thống” của Bộ Y tế mà lại đang “trách cứ hay kết tội Bộ Y tế (thông qua người đứng đầu của nó), về các yếu kém của nó”. Đó là một vị trí “thực sự là không minh bạch”, hay nói cách khác, là không “công chính”. Bởi vì “chính [bác sỹ Truyện] cũng đang đóng góp vào sự yếu kém của tổ chức do ông chỉ trích (về mặt logic)”.

Luật Khoa có hồi đáp cho anh Huy rằng bác sỹ Truyện “là nhân viên của bệnh viện huyện Phong Điền, cấp trên trực tiếp của ông ấy là Giám đốc bệnh viện. Xét về cơ cấu tổ chức, bệnh viện này trực thuộc sự quản lý trực tiếp của Sở Y tế Thừa Thiên – Huế và sự quản lý nhà nước của UBND huyện. Do đó, Bộ trưởng Bộ Y tế không phải là cấp trên trực tiếp của ông ấy”.

Đồng thời, Luật Khoa cũng giải thích thêm rằng dựa trên nội dung văn bản pháp luật có liên quan thì bác sỹ Truyện (cụ thể là việc tuyển dụng, bổ nhiệm vị bác sỹ này) không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế.

Hồi đáp của tôi với các luận điểm của anh Huy

Có hai vấn đề trong luận điểm của anh Huy:

1. Quản lý y tế dọc hay ngang: chưa chắc là dọc.
Anh cho rằng bản chất của hình thức quản lý trong ngành y tế Việt Nam là “quản lý ngành dọc”.

Ở điểm này anh Huy có lẽ thuần túy nghĩ rằng vì ngành y tế là một chuyên ngành đặc biệt, có tính chuyên môn cao nên phương thức quản lý cũng phải phù hợp, quản lý hoàn toàn dựa vào chuyên môn.

Tuy nhiên, nếu nhìn sâu hơn thì có thể thấy rằng bản chất phương thức quản lý ngành y tế của Việt Nam là một vấn đề mà bản thân ngành này có vẻ còn chưa giải quyết được.

Một bài báo năm 2014 có tựa đề “Quản lý y tế dọc hay ngang?” giải thích:
“Hiện nay, mô hình tổ chức hệ thống y tế Việt Nam được tổ chức theo bốn cấp phụ thuộc vào hệ thống tổ chức nhà nước (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Theo đó, Bộ Y tế quản lý theo ngành, chính quyền địa phương quản lý theo địa bàn. Nhưng hiện nay, trong một tỉnh lại có các phương thức quản lý khác nhau, nơi quản lý theo ngành dọc, nơi thì vẫn quản lý theo ngành ngang, có nơi thì kết hợp quản lý cả ngang và dọc. Các cơ sở y tế vừa chịu sự quản lý về chuyên môn y tế do Bộ Y tế ban hành, vừa chịu sự lãnh đạo của địa phương về tổ chức, nhân lực y tế. Chính vì việc xác định trách nhiệm công vụ chưa rõ ràng, cụ thể, minh bạch nên khi có vấn đề xảy ra, việc quy trách nhiệm không dễ.”

Năm 2013 cũng đã diễn ra một hội thảo khoa học về vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế do Bộ Y tế tổ chức tại Hà Nội. Tại đó, vị Vụ trưởng Vụ Pháp chế của Bộ Y tế xác nhận: “hiện nay mô hình quản lý y tế nước ta theo nguyên tắc song trùng. Bộ Y tế quản lý ngành, chính quyền địa phương quản lý theo lãnh thổ”.

Đồng thời, theo vị này:
“[V]iệc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật công chức, viên chức y tế tuyến tỉnh đều thuộc về chính quyền địa phương và Bộ Y tế nếu có phát hiện cán bộ, nhân viên y tế cấp tỉnh trở xuống vi phạm thì cũng chỉ được đề nghị xử lý.”

Địa vị pháp lý nói trên cũng được bản thân cổng thông tin Bộ Y tế xác nhận.

Hội thảo khoa học nói trên kết thúc với ý kiến được đa số các đại biểu đưa ra, đó là “nên thống nhất quản lý y tế theo ngành dọc.”

Việc thống nhất phương thức quản lý sẽ giúp phân định rõ ràng hơn trách nhiệm của Bộ Y tế trong các vụ bê bối nóng hổi vốn thường diễn ra tại các địa phương khác nhau. Nếu sai sót là của địa phương thì trách nhiệm Bộ Y tế là tới đâu? Đó là một câu hỏi nên được luật pháp và chính sách nhà nước trả lời rõ ràng, thay vì để cho lương tâm mỗi người Việt Nam tự quyết.

Đây là một vấn đề hay mà theo quan sát hạn hẹp của tôi thì báo chí Việt Nam gần đây không nhắc đến. Rất cảm ơn những nỗ lực đẩy tranh luận đi tiếp của anh Huy để giúp phát hiện ra vấn đề này.

Tuy nhiên, có thể gút lại một phản hồi của tôi với tranh luận của anh: Việc anh cho rằng quản lý y tế Việt Nam hiện nay đang theo phương thức quản lý ngành dọc là không có cơ sở chắc chắn.

2. Người trong hệ thống không có tư cách phê bình hệ thống?
Tôi cảm thấy khó đồng ý nhất với luận điểm của anh Huy rằng vì bác sỹ Truyện là “nhân viên Bộ Y tế”, nên bác sỹ Truyện “cũng đang đóng góp vào sự yếu kém của tổ chức do ông chỉ trích”. Trên cơ sở đó, việc bác sỹ Truyện trách cứ hay kết tội Bộ Y tế thông qua việc trách cứ hay kết tội bà Nguyễn Thị Kim Tiến, là một hành vi không ổn thỏa về mặt đạo đức.

Vì sao có thể phán xét như đinh đóng cột rằng hễ một con người là một phần bên trong một hệ thống nào đó thì bản thân con người đó chắc chắn là “đang đóng góp vào sự yếu kém” của hệ thống đó?

Tôi cho rằng phán xét này có vấn đề đạo đức của chính nó. Vì nó áp đặt một mức truy cứu trách nhiệm rất cao lên mọi cá nhân bên trong một hệ thống mà không xét đến hoàn cảnh riêng biệt của mỗi cá nhân cũng như của bản thân hệ thống.

Ở đây tôi không thể biện minh cho cá nhân bác sỹ Truyện vì tôi không biết gì về sự nghiệp của ông. Tôi đang nói trên cơ sở dùng đúng tiêu chuẩn của anh Huy để phán xét bất kỳ thành viên nào trong bất kỳ hệ thống nào, và đang dùng thứ ngôn ngữ về đạo đức chung chung, thay vì pháp lý chính xác.

Nếu một cá nhân đã làm hết sức mình để giúp cho hệ thống vận hành hiệu quả, nhưng có các vấn đề cố hữu bên trong hệ thống, vốn chịu ảnh hưởng của rất nhiều thành viên khác, lại nằm ngoài tầm kiềm soát của cá nhân đó thì sao? Cá nhân đó vẫn không có quyền lên tiếng, phê phán, cảnh tỉnh để giúp mọi người bên ngoài và bên trong hệ thống nhìn ra vấn đề ư?
Chắc anh Huy cũng biết rằng ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới có các điều luật, án lệ đặc biệt liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi những người thổi còi (whistleblower), những người bên trong một hệ thống, tổ chức, công ty nào đó can đảm lên tiếng tiết lộ các hành vi sai trái, phạm pháp của chính các hệ thống, tổ chức, hay công ty mà họ là thành viên.

Các tiết lộ đó giúp nhà nước phát hiện và trừng phạt các hành vi phạm pháp, ảnh hưởng nặng đến quyền lợi công cộng của các tổ chức lớn.

Trong nhiều tình huống, các hành vi phạm pháp, hay “yếu kém” nói chung, của một hệ thống không thể bị quy trách nhiệm, dù là pháp lý hay đạo đức, cho một cá nhân chỉ đơn giản vì cá nhân đó là thành viên trong hệ thống đó.

Việc quy trách nhiệm pháp lý về hành vi của một hệ thống phải dựa vào luật pháp, cơ cấu tổ chức, quy trình ra quyết định của hệ thống đó. Và nên dựa trên nguyên tắc cá nhân: ai sai người ấy chịu.

Còn nếu muốn quy trách nhiệm đạo đức, có lẽ nên quy trách nhiệm cho những ai là thành viên của một hệ thống, biết nó phạm pháp, “yếu kém” mà vẫn im lặng bất kể những tác hại công cộng của các hành vi phạm pháp, của những “yếu kém” đó.

Tôi cho rằng, nếu đẩy xa hơn luận điểm của anh Huy theo cách tôi đã hiểu như trên, rằng bất kỳ ai là người trong hệ thống thì không có tư cách phê bình hệ thống, thì sẽ dẫn đến việc biện minh hay cổ súy cho sự im lặng thụ động của những cá nhân bên trong những hệ thống đầy “yếu kém” và sai phạm vẫn đang tồn tại.








No comments:

Post a Comment

View My Stats