Thursday, 12 October 2017

BẢN TIN NGÀY 12/10/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Tin Biển Đông
Báo Thanh Niên có bài: 10 lính hải quân Philippines dính líu đến vụ nổ súng làm thiệt mạng 2 ngư dân Việt. Báo Thanh Niên dẫn nguồn từ Ủy ban xử lý người xâm nhập bất hợp pháp tỉnh Pangasinan, cho biết, có 2 sĩ quan và 8 lính hải quân liên quan đến vụ bắn tàu cá Việt Nam, làm 2 ngư dân thiệt mạng ngày 23/9.

VOA dẫn nguồn từ báo Daily Inquirer của Philippines: Lính Phi có lỗi trong cái chết của ngư dân Việt. Báo Inquirer trích dẫn báo cáo của ủy ban điều tra liên ngành của Philippines, kết luận rằng, 10 binh sĩ hải quân Philippines phải chịu trách nhiệm về cái chết của hai ngư dân Việt Nam, và chuyện “nã đạn vào tàu cá Việt Nam là ‘một hành động không cần thiết’ nhưng cái chết của hai ngư dân Việt Nam, là do sơ suất chứ không do cố ý“. Hiện vẫn chưa rõ phía Philippines sẽ xử lý vụ việc này ra sao.

Về chuyện tàu khu trục của Hải quân Mỹ tuần tra ở Biển Đông, thực hiện quyền tự do hàng hải, trang VnMedia có bài: Hành động “lạ” ở Biển Đông, Mỹ đang xuống nước với Trung Quốc? Tác giả đặt câu hỏi, “lần hành động này của Washington được cho là ít khiêu khích hơn so với những lần trước đây. Vì sao, Mỹ lại có hành động ‘lạ’ như vậy?

BBC đưa tin: TQ phản đối tàu Mỹ vào sát quần đảo Hoàng Sa. Phát ngôn viên Hoa Xuân Oánh cho biết, “Bắc Kinh đã ngay lập tức cử các tàu hải quân và chiến đấu cơ tới cảnh báo, yêu cầu tàu Mỹ phải rút đi”.

Nhà báo độc lập Nguyễn Tường Thụy có bài trên blog RFA: Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương thăm bãi cọc Bạch Đằng… giả. Tác giả cho biết, bãi cọc ở Tràng Kênh, Hải Phòng là bãi giả, tác giả cho biết, “vì nó không phải là trùng tu, tôn tạo, mà gọi là mô phỏng hay mô hình cũng chỉ là gọi tạm vì nó không theo những đặc điểm của những bãi đã khai quật”.
Ông Thụy viết: “Không hiểu tại sao Ban tổ chức không đưa ông tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương đến thăm các bãi cọc lịch sử ở Quảng Yên mà lại để ông ngắm bãi cọc giả ở Tràng Kênh. Điều này thật đáng tiếc. Nếu đến thăm các bãi cọc ở Quảng Yên, ông sẽ có cảm nhận tốt hơn, thật hơn về truyền thống đánh giặc ngoại xâm Phương Bắc của dân tộc Việt Nam anh hùng”.



An ninh quốc phòng
Trang Zing có bài: Mất sạch 135 ha rừng tự nhiên sau khi làm nơi ‘diễn tập phòng thủ’. Lấy lý do làm “địa bàn diễn tập phòng thủ địa phương”, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Đắk Nông đã làm “bốc hơi” 175 ha rừng tại đây. Tuy nhiên, liên quan đến các sai phạm này, chỉ có 3 người bị xử lý kỷ luật “hình thức khiển trách, 7 người bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm“.
Báo Thanh Niên có bài: Bộ Quốc phòng đề nghị ‘siết’ máy bay không người lái. Lo sợ có “diễn biến phức tạp”, Bộ Quốc phòng vừa có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng liên quan “tăng cường quản lý tàu bay không người lái, các phương tiện siêu nhẹ“, nhất là Flycam.

Báo PLTP có bài: Chính thức rào đất quốc phòng tại sân bay Đà Nẵng. Đến hạn 12/10, các doanh nghiệp phải hoàn thành việc xây dựng tường vành đai sân bay trên phần đất của họ. Một số doanh nghiệp dù chưa tìm được địa điểm kinh doanh mới, nhưng buộc phải chấp hành việc xây tường này.


Đối thoại chính sách quốc phòng Việt – Singapore lần 8
Báo Quân Đội ND đưa tin: Đối thoại Chính sách Quốc phòng Việt Nam – Singapore lần thứ 8. Đối thoại Chính sách Quốc phòng lần thứ 8 đã diễn ra trong 2 ngày 9 và 10/10, tại trụ sở Bộ Quốc phòng VN ở Hà Nội, do tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Việt Nam và ông Chan Yeng Kit, Bộ trưởng Quốc Phòng Singapore, đồng chủ trì.

Nhân quyền ở Việt Nam
BBC có bài: Luật sư ở Việt Nam vẫn là ‘vật trang trí’? Bài viết nêu quan điểm của LS Võ An Đôn, cho rằng, luật sư Việt Nam không có vai trò gì, chỉ là vật trang trí, và rằng “ở Việt Nam còn nhiều tình trạng án bỏ túi. Luật sư ra tòa chỉ mang tính hình thức thôi. Hội đồng xét xử nhiều khi đã ra quyết định trước rồi. Luật sư tranh luận theo ý mình là không được…”

Báo PLTP có bài: Một bị cáo có tới… 47 luật sư muốn bào chữa. Đó là bị cáo Trần Thị Tuyết, sinh năm 1984, ngụ xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo, Tiền Giang, bị cáo buộc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng của Công ty TNHH Dịch vụ Bảo vệ – Vệ sĩ Bảo Định. Tháng 8-2015, TAND tỉnh Tiền Giang tuyên án bà Tuyết 12 năm tù, bà Tuyết kháng cáo.

Một trong nhiều luật sư bào chữa là Luật sư Trần Thị Ánh, cho biết: “Tuyết đang mang thai thì chồng bị tai nạn giao thông mất nên một mình nuôi con nhỏ. Luật sư chúng tôi đã làm đơn xin tại ngoại cho Tuyết nhưng chưa được chấp nhận. Hơn ba năm nay mẹ phải xa con, còn việc tạm giam không biết đến bao giờ. Tới đây sẽ thêm 20 luật sư nữa đăng ký bào chữa cho Tuyết, nâng tổng số luật sư bào chữa lên 47 người”.

Nhà báo Trương Hữu Danh Châu viết“Có lẽ, đây là bị cáo khốn khổ nhất Việt Nam: Chồng tử vong do tai nạn giao thông, bị cáo bị tạm giam 41 tháng mà chưa kết tội được. Tôi nhiều lần đi cùng các luật sư, vừa đấu luật, vừa như van xin Tiền Giang cho bị cáo tại ngoại hầu tra, nhưng quan trên bất chấp. Con bị cáo thì sống vất vơ vất vưởng, không cha không mẹ. Có lẽ, toà Tiền Giang muốn có thêm một đứa trẻ trở thành mầm non tội phạm. Nguy cơ đó rất lớn”.

Đây là căn nhà của bị cáo “tham nhũng, lừa đảo” Trần Thị Tuyết ở Tiền Giang. Ảnh: FB THDC

Nhận xét về các vụ bắt bớ đồng loạt gần đây, LS Hà Huy Sơn viết: “1- Các bạn dựng lên tổ chức, đặt ra tôn chỉ quá hoành tráng nhưng thực tế chỉ là hình thức. Khi bị bắt các bạn phải chịu trách nhiệm chung. Những tôn chỉ đó thành ‘gậy ông đập lưng ông’. 2- Một số coi internet và máy tính như trợ lý của mình nhưng khi bị bắt chính người trợ lý này thành kẻ phản bội lại bạn. 3- Một số khác dựa vào Internet để hoạt động bí mật lên chủ quan. Nhưng khi bị phát hiện thì ko thể đỡ được. 4- Không tìm hiểu pháp luật hiện hành ở mức cần thiết. 5- Thực hiện minh bạch ở môi trường ko minh bạch. Tự rắc lông ngỗng…”

Blog RFA có bài: Nhạo báng tôn giáo từ bao giờ? Tác giả viết: “Ví dụ dễ thấy nhất trong nhạo báng tôn giáo, có lẽ là việc đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt nó vào vị trí ngang với các đấng giáo chủ trong các tôn giáo, treo hình ông này ngang với hình của các đấng giáo chủ ngay tại các cơ sở tôn giáo. Đây mới là sự nhạo báng đáng sợ nhất. Bởi không thể nào biến một ông Cộng sản từng có nhiều tội lỗi trong cải cách ruộng đất, đấu tố… thành một ông Phật và xếp ông ta ngồi ngang với bậc giáo chủ tôn giáo. Đó là chuyện không những xúc phạm, nhạo báng tôn giáo mà còn là sự phỉ báng công khai đối với tôn giáo”.

Thiên tai hoành hành khắp nơi
Báo Thanh Niên có bài: Hòa Bình công bố tình trạng khẩn cấp thiên tai, nhiều người mất tích. Mưa lớn kéo dài, làm cho 4-5 hộ gia đình bị nước lũ cuốn trôi, khoảng 15-20 người bị mất tích. Báo VnExpress đưa tin: Thủy điện Hòa Bình xả lũ lớn nhất trong 10 năm. Ông Nguyễn Đức Quang, Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống thiên tai, cho biết: “Đây là đợt xả lũ lớn nhất trong 10 năm qua. Việc xả lũ lại diễn ra ban đêm, cấp tập, nên có thể ảnh hưởng đến vùng hạ du”.



Báo PLVN có bài: Phóng viên mất tích trong vụ sập cầu Thia tại Yên Bái: “Dư ơi! Từng phút ngóng tin em trở về”. Anh Đinh Hữu Dư là phóng viên thường trú của TTX Việt Nam, có thể đã bị rơi xuống dòng lũ trong khi tác nghiệp tại Yên Bái.

Dân thì đang bị ngập tới cổ, chạy không kịp lũ, chết và mất tích khắp nơi, nhưng bà Nguyễn Thị Tâm, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND phường Đông Thọ, tỉnh Thanh Hóa, cầm ô đứng trên bè có người kéo đi trên phố.

Hình ảnh bà Nguyễn Thị Tâm, Bí thư, Chủ tịch UBND phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa, đang đứng trên bè có người kéo đi. Ảnh: Báo NLĐ


Hội nghị Trung ương 6
TTXVN có bài: Bế mạc Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII. Chưa thấy có thông báo chi tiết về chủ trương “tinh giản” bộ máy và nhân sự. Số phận Đinh La Thăng, Đinh Thế Huynh… có vẻ như vẫn ổn. Chỉ thấy ông Tổng “đau xót” cho Nguyễn Xuân Anh. Một số Ban chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam chỉ nói là “kết thúc hoạt động”. Dĩ nhiên, tình hình Biển Đông vẫn “không có gì mới”.

Ông Trọng cho rằng: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, đều phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu quý trọng của nhân dân“. Thế lâu nay các ông vẫn đóng cửa bảo nhau à? Cũng đừng có than là dân mất lòng tin vào các ông nữa nhé.

Facebooker Trần Song Hào có góp ý cho Hội nghị TƯ 6: Dẹp đám dư luận viên do Ban tuyên giáo lập ra, dẹp nốt ban đảng như “kinh tế”, “tuyên giáo”, “Tổ chức”, … bởi “nó chồng chéo với Bộ KH-ĐT, Bộ Tài Chính, Bộ Công thương, Bộ 4T, Bộ Nội vụ,… bên chính phủ“. Rất tiếc là ông Hào góp ý khi hội nghị đã kết thúc!

Báo Tuổi Trẻ cho biết, Quốc hội sẽ miễn nhiệm chức vụ của Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa, sau đó Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội phê chuẩn nhân sự mới. Tuy nhiên, đó là lý thuyết, thực tế nhân sự đã được đảng quyết trước rồi, sau đó hợp thức cho đúng thủ tục.

Về việc này, nhà báo Huy Đức viết: “Một khi Hiến pháp vẫn còn điều 4 và trong một thể chế chính trị mà Bộ Chính trị đang nắm quyền điều một bộ trưởng đi làm bí thư tỉnh và ngược lại thì lẽ ra nên giữ quyền ‘phê chuẩn nhân sự’ của UBTV như Hiến pháp 1959, 1980, 1992. Để UBTV QH phê chuẩn thì quyết định của Đảng vẫn được ‘đóng dấu’ triển khai mà vừa tiết kiệm cho dân và 500 ‘anh em’ ở Quốc hội không phải mất thêm vài ngày họp”.

Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà viết“Sau khi bộ trưởng Nghĩa đi Đà Nẵng, Bí tỉnh Sóc Trăng Nguyễn Văn Thể sẽ về thay làm trùm bộ GTVT; anh này băng của Phúc. Đây là ngành đóng vai trò mũi nhọn để phát triển KT-XH, việc ngồi ghế nóng e cũng không dễ chịu!” Ngồi cái ghế nóng này coi chừng ông Thể bị… phỏng đít, vì phải giải quyết một loạt các dự án lùm xùm BOT, hai tuyến đường sắt trên cao Cát Linh – Hà Đông, Bến Thành – Suối Tiên…

Facebooker Nguyễn Ngọc Chu có bài: Liệu TBT Nguyễn Phú Trọng có làm hợp lòng dân để bảo vệ được chế độ và Đảng? Theo nhận định của tác giả: “Nếu không trị được những kẻ tham nhũng với tội trạng rành rành tày trời, mà lại để cho chúng nghênh ngang trong phòng họp Diên Hồng trước mắt hơn 90 triệu nhân dân thì Đảng sẽ không có được lòng dân”.

Trị bằng cách này, tới Tết Công-gô cũng không hết bệnh đâu ông Trọng ơi“Từng Ủy viên Trung ương, cán bộ, đảng viên thường xuyên tu dưỡng, tránh xa cám dỗ, nếu trót nhúng chàm thì sớm tự giác gột rửa, bất cứ trường hợp nào vi phạm phải xử nghiêm”. Con bệnh đã lờn thuốc rồi, kiếm thuốc khác đi.

Về phát biểu của ông Trọng“từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại, củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”, tác giả Nguyễn Ngọc Chu cho rằng: Đây không phải là khép lại quá khứ. Đây là bước lùi của đấu tranh chống tham nhũng. Nó là kết quả của sự đấu tranh quyền lực“.

Dẹp bớt bộ máy cồng kềnh, tốn kém
LS Trần Vũ Hải đưa ra đề xuất giúp Chính Phủ sắp xếp lại theo hướng tinh giản bộ máy chính quyền Trung ương, thực hiện chế độ “1 trưởng, 1 phó”. Khi đó sẽ chỉ có Thủ tướng, một Phó thủ tướng và 18 Bộ trưởng hoặc ngang bộ. Quy định chế độ một trưởng, một phó cho bất cứ cấp hành chính, quản lý, chuyên môn nào thuộc các bộ ngành.

Xóa bỏ Thanh tra chính phủ cũng như Bộ 4T. Lập Bộ Du lịch và Biển đảo. Sáp nhập một số bộ như GTVT và Xây Dựng. Ngân hàng Quốc gia có thể độc lập với Chính Phủ. Bán toàn bộ các nhà đất, xe cộ của các bộ, ngành. Yêu cầu mọi hoạt động chi tiêu của các bộ, ngành và cơ quan, đơn vị trực thuộc phải qua ngân hàng, các công chức phải cam kết mọi giao dịch cá nhân từ 1 triệu đồng trở lên qua ngân hàng…

Tranh biếm họa của DAD

Báo Lao Động có bài: Dẹp gấp các ban, cục, vụ dư thừa cho dân nhờ. Riêng tại Hà Nội có ‘Siêu ban’ ngàn người xin ngân sách trả lương, đó là BQLDA Dân dụng và Công nghiệp, BQLDA Giao thông, BQLDA Nông nghiệp PTNT, BQLDA Văn hóa – xã hội, BQLDA Cấp nước – thoát nước và môi trường. Còn Tổng cục Môi trường với rất nhiều cục, vụ, và có tới 18 đơn vị trực thuộc.

Tham nhũng, lãng phí tràn lan
Báo Nhân Dân có bài: Lãng phí từ các công trình thể thao hàng nghìn tỷ đồng. Ham hố rước những kỳ thể thao vô bổ, để các địa phương đua nhau xây dựng các công trình vừa tốn kém vừa gây lãng phí của dân. Từ SEA Games, Đại hội thể thao trong nhà châu Á, Đại hội thể thao bãi biển châu Á, đến Đại hội thể dục – thể thao toàn quốc …

Rất nhiều công trình hàng ngàn tỷ, xây xong nhưng chưa tổ chức được trận bóng đá nào, hoặc không sử dụng hết công suất như sân vận động TP Việt Trì, Nhà thi đấu tỉnh Hà Nam, Cung thể thao Tiên Sơn – Đà Nẵng … Ngay cả Khu Liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình ở Hà Nội được đầu tư hàng chục triệu Mỹ kim, giờ đây cũng đang xuống cấp từng ngày.

Báo Lao Động có bài: Khuất tất trong mua bán gần 1 triệu tấn than cho Nhiệt điện Vũng Áng: PVN lại sai phạm. Báo Lao Động đưa tin, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đã “vi phạm Chỉ thị của Thủ tướng” khi “bật đèn xanh” cho Ban QLDA Nhiệt điện Vũng Áng 1, Hà Tĩnh, mua hàng trăm ngàn tấn than không đúng quy định, trị giá hàng nghìn tỉ đồng.

Về Bộ Y Tế, do bị nghi ngờ tham nhũng nên Cục Quản lý dược Bộ Y tế làm màu, thông báo tạm ngừng nhập khẩu toàn bộ thuốc do Công ty Borschagovsky Chemical – Pharmaceutical Plant hoặc PJSC SIC ‘Borshchahivskiy CPP’ sản xuất kể từ ngày 9/10 do có liên quan đến tham nhũng!


Phiên tòa xét xử bà Châu Thị Thu Nga
VOA có bài của tác giả Trân Văn: ‘Dựng phim’ giữa công đường. Về chuyện tín hiệu âm thanh trong phiên xử bà Châu Thị Thu Nga bị mất “đúng quy trình”, tác giả nhận định, các khoản viện trợ và cho vay ưu đãi của các tổ chức quốc tế, có lẽ quá ít, không đủ để VN cải cách hệ thống tư pháp, nên hệ thống âm thanh trong một phiên tòa mới tệ hại như vậy.
Tác giả viết, “các khoản viện trợ, cho vay ưu đãi đó dường như chưa đủ, ít nhất là về… hệ thống truyền thanh để bảo đảm yếu tố công khai, minh bạch vốn quyết định thành – bại trong tiến trình hội nhập, nâng cao hay hạ thấp uy tín của Việt Nam. Chính hệ thống này đã tạo ra nhiều tình tiết làm phiên xử thắt – mở đến khó ngờ mà thường người ta chỉ có thấy trong… phim“.


BOT giao thông
Báo Thanh Niên có bài: QL 1 tê liệt vì ‘tiền lẻ’: Đủ yếu tố vi phạm sẽ khởi tố. Cho rằng các tài xế cố tình dùng tiền lẻ khi qua trạm BOT tuyến tránh Đồng Nai, ông Trần Văn Vĩnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho biết, “hiện các cơ quan tư pháp tỉnh Đồng Nai đang làm rõ, ai sai phạm tới đâu thì xử lý tới đó, và sẽ khởi tố vụ án để điều tra nếu đủ yếu tố vi phạm“.

Trước đó, hôm 6/10, Công an huyện Trảng Bom đã cho mời những tài xế lên làm việc vì cho rằng “có dấu hiệu vi phạm trật tự an toàn giao thông“, nhưng chỉ nói là “để giải thích, nhắc nhở và yêu cầu chấm dứt hành động này”.

Báo VTC có bài: Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai doạ khởi tố, tài xế dùng tiền lẻ nói sẵn sàng hầu toà. Sau khi lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai dọa khởi tố với hành vi được cho là “cố tình”, một số tài xế từng dùng tiền lẻ trả phí qua trạm BOT này khẳng định, “không phạm luật nên sẵn sàng hầu toà“.


Người Việt ưu tiên dùng hàng … Nhật!
Báo Tuổi Trẻ có bài: Người Nhật đã vào bán xăng, hãy cạnh tranh thật sự. Ngành xăng dầu là món hàng béo bở nên chính phủ, mà trực tiếp là Bộ Công thương không chịu nhả ra là đúng rồi. Can thiệp bằng “giá cơ sở”, “ăn” không 300 đồng/lít, các đầu mối cung cấp xăng dầu thì không quyết được giá bán, chỉ bám vào giá cơ sở, thay vì giá thị trường.

Công ty Idemitsu của Nhật, lần đầu tiên tham gia vào thị trường bán xăng dầu ở Việt Nam, với giá bán xăng RON 95 rẻ hơn 200 đồng/lít so với các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, thái độ phục vụ khách hàng theo phong cách “khách hàng là thượng đế” tại đây, khiến người dân trầm trồ khen ngợi, khi đích thân tổng GĐ đội mưa cúi chào khách hàng.

Ông Hiroaki Honjo, tổng giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Idemitsu Q8, cúi chào khách mỗi khi khách đến đổ xăng và ra về – Ảnh: Trần Công Đạt/TT

Còn mấy ông trời con thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) được nuông chiều bao lâu nay, biết là sắp “chết” đến nơi, nên dùng chiêu trò này không khác gì “Chí phèo”, treo khẩu hiệu ủng hộ hàng Việt nhưng lại bảo “không phải như phản đối Uber, Grab”.

Ảnh: Petrolimex

Facebooker Nguyễn Chí Tuyến viết: “Đừng kêu gọi một cách lố bịch lòng yêu nước của người dân Việt nữa. Đất nước này đã quá ngán ngẩm và bội thực với những câu khẩu hiệu sáo rỗng đầu môi chót lưỡi. Lòng yêu nước và tự tôn dân tộc không dành cho những kẻ quen thói ăn cắp mà mặt còn vênh vênh trịch thượng. Thái độ phục vụ người tiêu dùng sẽ quyết định sự lựa chọn của họ“.


Tàn phá môi trường
Vụ công ty CP Khu du lịch Champarama lấn biển ở Nha Trang, báo PLTP đưa tin: Kiểm tra khắc phục lấn biển, chủ đầu tư cấm báo chí. “Một số PV báo chí đã làm việc với lãnh đạo Sở TN&MT và được đồng ý đi cùng đoàn kiểm tra để ghi nhận thực tế. Tuy nhiên, sau khi đoàn kiểm tra đi vào khu vực dự án, đại diện chủ đầu tư đã chặn cổng, kiên quyết không cho các phóng viên vào tác nghiệp“.


Vụ bầu lãnh đạo UNESCO
BBC đưa tin: Ứng viên VN ‘tăng hạng’ ở vòng 2 bầu lãnh đạo Unesco. Tin cho biết, “ở vòng hai bầu tân tổng giám đốc UNESCO, ứng viên Phạm Sanh Châu của Việt Nam hiện đứng vị trí áp chót. Ông Phạm Sanh Châu được năm phiếu, ngang với ứng viên Đường Kiền (Qian Tang) của Trung Quốc”.

Được biết, “để trở thành người đứng đầu tổ chức phụ trách giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc, ứng viên cần giành được ít nhất 30 phiếu bầu”.

Tin quốc tế

Trung Quốc
VOA có bài: Lãnh đạo Trung Quốc tìm cách nắn doanh nghiệp theo ý Đảng. Các nhà phân tích cho biết, đại hội Đảng lần thứ 19 sẽ được sử dụng để “gò nắn các công ty Trung Quốc theo ý Đảng” và rằng “sẽ không cò bất kỳ hình thức phản đối nào chống lại hành động của đảng”.

Ông Christopher Balding, phó giáo sư tài chính và kinh tế thuộc trường Đại học Kinh doanh HSBC, nói: “Từ những người mà tôi quen biết trong cùng ngành ở Trung Quốc. Họ không thích điều này và họ không cảm thấy thoải mái với quy định này. Rồi họ sẽ làm gì? Họ sẽ phải đồng hành với những gì họ được hướng dẫn“.

BBC có bài viết về tiền viện trợ của Trung Quốc cho các nước trên thế giới: Vén màn bí mật ‘tiền viện trợ’ Trung Quốc. Theo các nhà nghiên cứu, “số liệu chính thức cho biết từ 2000 đến 2014, Trung Quốc tài trợ 4.300 dự án ở 140 nước, trị giá 354 tỉ đôla. Trong cùng thời gian, tổng viện trợ của Mỹ là 394 tỉ đôla”.

Con số cho thấy Mỹ và Trung Quốc phân phát số tiền gần bằng nhau, nhưng cách thức thì khác nhau, “93% viện trợ của Mỹ theo đúng định nghĩa truyền thống về viện trợ. Số tiền có mục đích giúp phát triển kinh tế và phúc lợi. Ít nhất một phần tư số tiền là cho không chứ không phải tiền cho vay. Còn với Trung Quốc, chỉ có 21% có thể xem là viện trợ truyền thống. Đa số là các khoản vay thương mại mà sau này phải trả lại, có lãi suất, cho Bắc Kinh”.

RFA đưa tin: Nhà hoạt động nhân quyền người Anh bị cấm vào Hong Kong. Tin cho biết, “Ông Benedict Roger, phó chủ tịch Ủy ban Nhân quyền Đảng Bảo Thủ Anh, vào sáng ngày 11 tháng 10 khi bay từ Bangkok sang Hong Kong bị cơ quan nhập cư của đặc khu hành chánh này chặn lại”.

Khủng hoảng Bắc Hàn
VOA đưa tin: Máy bay ném bom chiến lược Mỹ bay qua Bán đảo Triều Tiên. Tin cho biết, “Tham mưu trưởng Liên quân ở Hàn Quốc nói hai máy bay ném bom B-1B của Không lực Hoa Kỳ đã xuất phát từ căn cứ quân sự ở đảo Guam và sau đó hai chiến đấu cở F-15K của quân đội Hàn Quốc đã bay cùng”.

RFI có bài viết về việc thu thập kiến thức “khoa học” của Bắc Hàn: Bình Nhưỡng đã phát triển mạng lưới gián điệp «khoa học» như thế nào? Tác giả cho biết: “Nếu như những vụ thử gần đây đã có thể gây sốc, đó không phải là kết quả của một sự nhảy vọt về mặt công nghệ bất thình lình, mà là thành quả của một công việc có hệ thống được khởi động ngay từ những năm 1950 và được Kim Jong Un thúc đẩy nhanh hơn nữa từ năm 2011. Nhà lãnh đạo trẻ tin rằng chỉ có khả năng tiến hành một cú tấn công hạt nhân vào Mỹ thì mới có thể làm cho Washington từ bỏ ý định lật đổ chế độ”.


Khủng hoảng Rohingya
Tiếng Dân có bài của LS Nguyễn Văn Thân: Aung San Suu Kyi, từ biểu tượng dân chủ đến một chính khách thực dụng. Tác giả viết: “Bà chưa bao giờ bày tỏ thái độ cảm thông với họ như là nạn nhân của sự xâm phạm nhân quyền và phân biệt đối xử. Trong chiến dịch tranh cử vào năm 2015, bà tránh né thảo luận vấn đề khi báo chí ngoại quốc đặt câu hỏi về quan điểm của bà đối với vấn nạn người Rohingya. Tuyệt đại đa số thành viên của Liên Đoàn Dân Chủ Miến Điện mà bà lãnh đạo không coi người Rohingya là một thành phần dân tộc của Miến Điện mà đơn thuần chỉ là những người di dân lậu. Họ cũng chẳng quan tâm gì đến các cuộc càn quét bạo lực mà người Rohingya phải gánh chịu. Có nghĩa là sẽ không có một lợi ích chính trị gì nếu không muốn nói là sẽ bị mất phiếu nếu Suu Kyi lên tiếng bênh vực cho người Rohingya”.

RFA có bài: Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi bà Suu Kyi chặn bạo lực. Tin cho biết, Người đứng đầu văn phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, bà Jyoti Sanghera, “lên tiếng kêu gọi lãnh tụ Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, hãy chấm dứt tình trạng bạo lực và phân biệt đối xử với người thiểu số Hồi giáo Rohingya”.

Tin nước Mỹ
Về Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ: Mexico cảnh báo Mỹ về động thái ngưng Nafta, theo BBC. Ngoại trưởng Mexico cảnh báo, “chấm dứt Hiệp định Mậu dịch Bắc Mỹ (Nafta) sẽ làm hỏng quan hệ giữa Mexico và Hoa Kỳ”.

Chuyện chưa từng xảy ra ở Mỹ: Hết bà vợ đầu với bà vợ ba của Trump giành chức vị “Đệ Nhất Phu Nhân”, bây giờ tới Trump đòi thông minh hơn Tillerson. Báo Người Việt có bài: TT Trump ngụ ý thông minh hơn Ngoại Trưởng Tillerson trong cuộc phỏng vấn về tin ông Tillerson gọi ông là “kẻ ngốc”. Dẫn nguồn từ tạp chí Forbes, cho biết, ông Trump nói, “hai người nên có cuộc tỉ đấu chỉ số thông minh, và tôi có thể nói ngay rằng ai sẽ là người chiến thắng”.

VOA có bài: Quỹ MacArthur trao tài trợ cho Nguyễn Thanh Việt, Jesmyn Ward. Tin cho biết, “Nguyễn Thanh Việt và Jesmyn Ward, hai tiểu thuyết gia thành công với các tác phẩm về các cộng đồng thiểu số, được nhận 625.000 đôla tiền tài trợ từ Quỹ MacArthur”. Tin cho biết, ông Việt được chọn vì “thách thức lại những miêu tả phổ biến về cuộc chiến tranh Việt Nam và phân tích vô số những cách thức mà cuộc chiến vẫn tồn tại đối với những người đã phải ra đi”.

Chuyện Nga – Mỹ, RFI có bài: Syria: Quân đội Nga cáo buộc Mỹ « giả vờ » tấn công Daech. Theo tướng Igor Konachenkov, phát ngôn viên của bộ Quốc Phòng Nga, “liên quân quốc tế do Mỹ chỉ huy đã giảm các chiến dịch ở Irak, cho phép chiến binh Daech tháo chạy về phía đông Syria nơi quân đội của Bachar Al Assad đang tiến vào vùng Deir Ezzor, thành trì cuối cùng còn nằm trong tay Daech”. Mời đọc thêm: Nga có thể đòi Mỹ giảm nhân viên ngoại giao xuống ‘dưới 300’(VOA).


Tin châu Âu
Tạm hoãn chính thức tuyên bố độc lập, Catalonia ‘muốn đối thoại để giành độc lập’. BBC đưa tin, “người đứng đầu vùng Catalonia, Carles Puigdemont và các lãnh đạo cấp vùng khác đã ký tuyên bố độc lập từ Tây Ban Nha”, nhưng tạm thời nghị viện chưa tuyên bố để giảm căng thẳng với chính quyền Tây Ban Nha.

RFI có bài phân tích về những khó khăn của Cataluya nếu độc lập: Catalunya đòi độc lập: Thất bại được báo trước. Bài viết cho biết về một phần của các khó khăn: “Nếu như Catalunya phải đảm nhiệm phần nợ riêng của mình (chiếm 35% GDP) cộng với phần phải gánh chịu do là thành viên của Tây Ban Nha (theo tỉ lệ tương đương 20% trọng lượng kinh tế Tây Ban Nha), thì nợ công của xứ này sẽ vọt lên tới 134% GDP”.


RFI đưa tin: Bán đảo Crimee: Praha khuyên Kiev chấp nhận chuyện đã rồi. Lời kêu gọi này đã làm phía Ukraina giận dữ. Bà Iryna Herashenko, đại diện của Ukraina tại các cuộc hòa đàm, lên tiếng: “Chúng tôi không bán lãnh thổ, chủ quyền, danh dự cũng như người dân của mình”.

RFI có bài: Nga bị chỉ trích thiếu nghiêm túc trong điều tra cái chết 21 thường dân. Tòa án Châu Âu về nhân quyền ngày 10/10/2017 “kết án Nga đã không điều tra đầy đủ về cái chết của 21 thường dân xảy ra ngày 05/02/2000, tại Grozny, Tchetchenia”.

Campuchia
VOA có bài: Thủ Tướng Campuchia Hun Sen tiếp tục đả kích Hoa Kỳ“Trong một bài diễn văn đọc trước một cử tọa gồm các công nhân làm việc tại một số hãng sản xuất đồ may mặc, phần lớn để xuất khẩu sang Hoa Kỳ, ông Hun Sen nói các quả bom mới được phát hiện tại 9 địa điểm khác nhau ở tỉnh Svay Rieng là do Hoa Kỳ thả xuống trong chiến tranh Việt Nam”.

-----------------------------------

Bài Mới Nhất
12/10/2017
12/10/2017
12/10/2017
12/10/2017
11/10/2017
11/10/2017
11/10/2017
11/10/2017
11/10/2017
11/10/2017









No comments:

Post a Comment

View My Stats