Tuesday, 5 September 2017

BẢN TIN NGÀY 5/9/2017 (Báo Tiếng Dân)





Tin trong nước

Biển Đông
Báo Tuổi Trẻ và vài tờ báo khác đưa tin: 18.000 tàu cá Trung Quốc lại tràn xuống Biển Đông. Lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của TQ kết thúc ngày 16/8, thì ngày 17/8 đã có tin này từ đài “địch” về chuyện tàu cá TQ tràn xuống Biển Đông. Báo Thanh Niên cũng đã đưa tin này ngày 17/8, Tiếng Dân cũng có nhắc lại trong bản tin ngày 19/8, bây giờ Tuổi Trẻ mới đưa tin.

Trích từ bài báo Thanh Niên ngày 17/8: “Hoàn Cầu thời báo đưa tin hơn 18.000 tàu cá, 66.000 thủy thủ và 260.000 ngư dân thuộc tỉnh Hải Nam đã quay về cảng nhà khi cái gọi là lệnh cấm đánh bắt cá có hiệu lực từ ngày 1.5“.

Tàu cá Trung Quốc rầm rộ ra khơi. Ảnh: Reuters

Báo Người Việt có bài: Trung Quốc coi thường phản ứng của Việt Nam về tập trận. “Trước các hành động bá quyền bành trướng và mang tính cách đe dọa của Bắc Kinh trên Biển Đông, đây không phải là lần đầu tiên Bộ Ngoại Giao Việt Nam ‘bày tỏ quan ngại sâu sắc’ và kêu gọi ‘không lặp lại các hành động làm phức tạp thêm tình hình trên Biển Đông’. Nó đã được lặp đi lặp lại từ năm này sang năm khác như một điệp khúc rất quen tai“.

Thêm ý kiến về bộ sách Lịch sử Việt Nam
BBC có bài của hai tác giả Dương Danh Huy và Lê Trung Tĩnh: VNCH: thuộc địa kiểu mới hay quốc gia có chủ quyền? Hai tác giả cho rằng, việc PGS-TS Trần Đức Cường nói “Chính quyền Việt Nam Cộng hòa là một thực thể ở miền Nam Việt Nam” là bình thường, chẳng có gì đáng mừng bởi vì VNCH “đã từng hiện hữu“.

Việc chính quyền VNCH đại diện pháp lý cho vùng lãnh thổ phía nam vĩ tuyến 17, có nghĩa “sự khẳng định chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa của chính quyền VNCH hoàn toàn có giá trị pháp lý“. Do vậy sự im lặng của chính quyền VNDCCH bởi họ không phải là đại diện pháp lý, sẽ “ít có giá trị pháp lý đối với chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa“.

Theo các tác giả, hai điều trên là “tối cần thiết trong cuộc tranh biện về chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa“.

Nhân quyền ở Việt Nam
Nhà hoạt động Paulus Lê Sơn có bài: Một Linh mục Công giáo bị khủng bố tại Việt Nam. Ông Sơn cho biết: Sáng ngày 4/9/2017, tại khuôn viên nhà thờ Thọ Hòa, Giáo phận Xuân Lộc, một nhóm khoảng 20 người “đứng đầu là Nguyễn Trọng Nghĩa đã đột nhập vào nơi ở của Linh mục Giuse Nguyễn Duy Tân và thực hiện hành động khủng bố tinh thần, có thể nguy hiểm đến cả tính mạng“.

Những người này đã mang theo vũ khí gây sát thương là súng ngắn và lựu đạn. Mặc dù công an xuất hiện, nhưng họ đã “không thực hiện những công việc cần thiết đối với nhóm người khủng bố đang thực hiện phạm tội quả tang“. Trên Facebooker Lê Văn Sơn cho biết: “chúng đã đã viết những biên bản chối bỏ việc chúng làm, khẩu súng là do chúng nhặt được bên đường. Liệu đây có phải là động tác để chúng chối tội, tránh sự trừng phạt của pháp luật?

Mời xem video clip của LM Nguyễn Duy Tân:
Facebooker Lê Mỹ Hạnh đặt câu hỏi: Thế lực nào đứng sau, bảo kê cho những kẻ côn đồ này? Cô Hạnh viết: “Thế lực nào đứng sau và bảo kê cho những kẻ côn đồ này để chúng ngang nhiên dùng vũ khí công khai giữa ban ngày khủng bố, uy hiếp tính mạng của người dân? Có phải Nhà cầm quyền CSVN đang dung túng cho những tội ác, tiếp tay cho côn đồ để gây chia rẽ nhân dân? Chia rẽ tôn giáo?

Còn đây là clip của Nguyễn Trọng Nghĩa:
Nhà báo độc lập JB Nguyễn Hữu Vinh có bài: Trên mức cùng quẫn là sự khốn nạn. “Đám du đãng, côn đồ này mang theo cờ đỏ, sao vàng, băng rôn loa đài và được trang bị cả súng, roi điện để ‘chiến đấu’ với linh mục và giáo dân ở đây… Nhưng, tất cả chỉ là trò hề cho thiên hạ cười mà thôi. Bởi ai cũng biết rằng việc dùng đám giả giáo dân này thì chắc chắn sẽ thất bại nhục nhã. Bởi không có sự dối trá, đội lốt hoặc mạo danh nào có thể thắng nổi sự thật“.

Mục “Chống diễn biến hòa bình” của báo QĐND
Báo QĐND có bài: Cảnh giác với hành vi đánh tráo khái niệm tội phạm. Sau khi múa vài đường kiếm, nêu tên những nhân vật tranh đấu đã bị bắt, như Nguyễn Văn Đài, Lê Thu Hà, Nguyễn Bắc Truyển, Trương Minh Đức, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Hoàng Đức Bình… bài báo kết luận:

“Mỗi quốc gia đều có một hệ thống pháp luật của riêng mình… không thể lấy tiêu chí luật pháp, tiêu chí tự do dân chủ của nước này để quy chiếu và áp dụng đối với nước khác. Việc Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam duy trì hệ thống luật pháp của mình, xử lý công dân của mình khi họ phạm tội theo quy định của pháp luật là điều hoàn toàn đúng đắn“.
Thế còn việc xông vào nước khác bắt cóc người, bất chấp luật pháp nước sở tại, cũng như luật pháp quốc tế là “hoàn toàn đúng đắn“?

Cập nhật vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
Trang mạng Thời Báo cho biết: Phát hiện danh tính 3 mật vụ từ Việt Nam tham gia bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Bài báo cho biết, cảnh sát điều tra Berlin đang truy nã 3 người đàn ông từ Việt Nam sang Đức vào thời điểm từ ngày 21/7 đến 23/7 với “nhóm trưởng là môt người đàn ông có độ tuổi khoảng 50, 2 người còn lại từ 30 đến 40 tuổi.
Một chuyên viên Đức nhận định, “khi chứng minh được đối tượng có liên quan thì sẽ phải chịu khung hình phạt từ 1 đến 5 năm tù cho tội hỗ trợ bắt cóc, ngoài ra các đối tượng trực tiếp tham gia bắt cóc sẽ chịu phạt tù từ 5 đến 10 năm, trường hợp nguy hiểm có thể ngồi tù chung thân“.


Về vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình
Tác giả Vũ Kỳ Văn có bài: Phản bác bài “Vụ kiện Trịnh Vĩnh Bình vs. Chính phủ Việt Nam: Một số nhận định sơ bộ”. Tác giả nghi ngờ LS Nguyễn Thanh Tuân là cái loa của Bộ Ngoại giao VN, khi có những lập lập nhân danh nhà cầm quyền, đưa ra hù dọa kiểu Chí Phèo như quyết “chơi tới cùng”!

Theo ông Vũ Kỳ Văn, trong khi LS Nguyễn Thanh Tuân đưa ra những nhận định chủ quan, không có căn cứ, rồi tung hỏa mù nhằm thuyết phục người đọc tin vào nhận định của ông ta, kiểu như, do đặc điểm giữ bí mật của Tòa Trọng tài, nên “rất có thể những thông tin chính thức về nội dung, diễn biến và kết quả (chi tiết) của vụ kiện này sẽ không bao giờ được công bố rộng rãi”.

Mời nghe clip, luật sư Lê Trọng Quát nói về vụ kiện của ông Trịnh Vĩnh Bình: https://www.youtube.com/watch?v=yTwkb8OoAKk

Phản biện GS Tương Lai
Tác giả Thạch Đạt Lang có bài: Cảm nghĩ về bản tuyên bố bỏ đảng của Giáo sư Tương Lai. Tác giả nêu ra những mâu thuẫn khi GS Tương Lai bỏ đảng Nguyễn Phú Trọng, quay trở lại đảng Lao Động, vì theo ông, đảng nào cũng là đảng Cộng sản, vì điều lệ, cương lĩnh của hai đảng này không có gì khác.

Tác giả đặt câu hỏi: “Khi quay trở lại với tư cách đảng viên đảng Lao Động Việt Nam, đảng của Hồ Chí Minh để tiếp tục chiến đấu, không thấy ông Tương Lai nói rõ là trở lại với đảng của Hồ Chí Minh vào thời điểm nào, năm 1930, 1951, 1960 hay 1991?

Tác giả Trung Nguyễn có bài: Về hướng đi xây dựng đảng chính trị trong tiến trình dân chủ hóa. Tác giả viết: “GS Tương Lai nên đưa ra cương lĩnh hành động cụ thể của đảng Lao Động để người dân có thể biết và ủng hộ, tham gia. Ông nên cụ thể hóa ‘tư tưởng Hồ Chí Minh’ vào giải quyết từng vấn đề vĩ mô cụ thể của đất nước. Và cương lĩnh đó phải bảo đảm rằng, có thể hiện thực được qua các bộ luật chuẩn mực chứ không phải chỉ hô hào chung chung như các lãnh đạo đảng cộng sản vẫn làm“.

Dân Đồng Tâm thể hiện quyết tâm giữ đất
Facebooker Chú Tễu đưa tin: Nhân dân Đồng Tâm tuyên chiến và sẵn sàng đổ máu để giữ đất. Ngày 3/9/2017, toàn dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội đã tổ chức “Hội nghị để xác định cuộc đấu tranh Chống Tham Nhũng của người dân đang đi vào giai đoạn quyết liệt nhất, thách thức nhất. Hội nghị đã thống nhất lập Biên bản để thông báo rộng rãi đến nhân dân cả nước và nhân dân thế giới biết“.

Tại Hội nghị, người dân đã thống nhất: “Từ ngày 3 – 9 – 2017 nhân dân xã Đồng Tâm tuyên chiến với bọn tham nhũng, giặc nội xâm. Nhân dân xã Đồng Tâm sẵn sàng đổ máu để giữ bằng được đất của nhân dân ta. Kẻ nào từ chính quyền, công an đến quân đội vào cướp đất sẽ bị tan xác. Thà mất tất cả xã Đồng Tâm, còn một người cũng quyết chiến đến cùng”.

Tác giả Kông Kông có bài: Củi, lửa, lò và Cháo lú. Tác giả viết, “sau Hội nghị ‘Diên Hồng’ Đồng Tâm với Tuyên bố ‘Dân Đồng Tâm giữ đất đến hơi thở cuối cùng’, bây giờ đến lúc người Đồng Tâm ‘sẵn sàng đổ máu để giữ đất được viết tay trên giấy hôm 3/9/2017 cầu cứu Liên Hiệp quốc giúp đỡ, như vậy thì đảng trưởng Nguyễn Phú Trọng khỏi cần nhóm lò nữa vì lò Đồng Tâm đang nóng sẵn, chỉ cần đưa ‘củi’ vô thôi. Nhưng loại ‘củi’ nào đây?

Nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn nhận định: “Không phải lúc này thì còn lúc nào bỏ đi cái quy định ‘đất đai thuộc sở hữu toàn dân-nhà nước thống nhất quản lý’ – nguồn cơn của vô số oan khiên khắp cả nước? Sao lại muốn dồn dân vào đường cùng để rồi gây ra bất ổn xã hội, binh đao loạn lạc?

Bê bối thuốc điều trị ung thư giả
Báo Một Thế Giới có bài của PGS.TS.DS. Phạm Khánh Phong Lan: ‘Những người nói H-Capita 500mg là thuốc thật đều không có chuyên môn dược’. Bà Lan cho biết: “Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến đại diện cho Bộ Y tế nói thuốc H-Capita 500mg Caplet là thuốc thật, nhưng ông cũng chỉ là một bác sĩ, chứ không phải là dược sĩ; còn lại những người khác nói thuốc này là thuốc thật mà tôi biết đều là những người không có chuyên môn về dược, kể cả PGS.TS Trần Thị Hồng Phương – Phó Cục trưởng Cục quản lý Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế), lên tiếng với báo chí mới đây cũng không có kiến thức về dược”.

Bà Lan nói thêm: “Ở nước ngoài hàng rào kỹ thuật để nhập khẩu thuốc vào nước họ rất nghiêm ngặt. Các công ty ở Việt Nam muốn xuất khẩu thuốc sang nước ngoài cực kỳ khó. Nước sở tại họ đến tận Việt Nam để xem quy trình, nhà máy có tuân thủ chất lượng và còn kiểm nghiệm mẫu. Trong trường hợp nước sở tại không thể đến Việt Nam được thì họ nhờ một đơn vị thanh tra trung gian kiểm tra giúp và chi phí đó các công ty dược của Việt Nam phải chi trả.

Báo Pháp luật TP có bài phỏng vấn với ông Trần Hùng, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả: Vụ VN Pharma: ‘Nói gọn H-Capita là hàng giả’.

Ông Hùng cho biết: “Ngay từ khi kinh doanh loại thuốc này, Công ty VN Pharma đã có ý định không trung thực. Họ nại ra cái tên của một công ty không có thật ở Canada dùng làm tên hãng sản xuất để phục vụ mục đích kê khai hồ sơ nhập khẩu thuốc. Như vậy, họ đã cố tình giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa,

Ông Hùng khẳng định: “Phải coi ai sản xuất, kinh doanh hàng giả những hàng hóa như thuốc, dược liệu, mỹ phẩm… là tội ác, là tội trực tiếp hay gián tiếp giết người và cần được nghiêm trị, trả lại tính nghiêm minh, công bằng cho xã hội. Chỉ khi chúng ta xác định và nhận diện chính xác như vậy thì mới xử lý nghiêm có tác dụng răn đe, tránh cho rất nhiều VN Pharma trong tương lai.

Nhà báo Huy Đức bình luận: “Cho đến giờ này, Bộ trưởng Y Tế và các thứ trưởng khác vẫn phải ‘lấy thân mình lấp lỗ châu mai’ chứng tỏ thế lực của thứ trưởng Trương Quốc Cường kiêm Cục trưởng Cục Quản lý dược là rất ghê gớm. Bà Tiến tỉnh táo thì phải cấm tiệt cấp dưới phát ngôn, H-Capita là giả hay kém chất lượng không còn là câu chuyện của Bộ nữa mà là của các cơ quan tố tụng“.


Bất cập các dự an BOT
Báo Người Lao Động có bài: Vụ đưa tiền lẻ ở BOT Cai Lậy: Công an mời tài xế lên làm việc. Công an huyện Cai Lậy cho biết quan điểm công an huyện là không xử lý tài xế trả tiền lẻ khi qua trạm thu phí mà “chỉ hỏi thăm sự việc thế nào thôi“.

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang khẳng định: “Không có nhận văn bản nào của BOT Cai Lậy đề nghị công an tỉnh xử lý tài xế đưa tiền lẻ mua phí để phản đối trạm thu phí đặt sai chỗ và giá phí cao. Nếu có nhận văn bản đó, chúng tôi cũng không đồng ý quan điểm xử lý tài xế đưa tiền lẻ, bởi quy định pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, theo báo Người Lao Động, nhiều tài xế phản ánh qua đường dây nóng là đã bị công an xã và công an phường mời lên trụ sở công an để “trao đổi sự việc có liên quan“.
Facebooker Nguyễn Huy Cường đưa tin: BOT Chợ Đường cái Cái Hưng Yên hôm 4/9 đã “tiếp sức cho Cai Lậy” với vài km xe cộ ùn ứ, buộc nhân viên trạm bỏ cabin xuống tận cửa xe nhận tiền, tươi cười đếm. Trong lúc Cảnh sát cơ động, CS giao thông tỏ ra “ôn hòa, lịch sự và không can thiệp.


Giáo Dục cũng tranh thủ kiếm chác
Báo Giáo dục có bài: Lợi nhuận khủng nhờ giỏi kinh doanh hay … “móc túi” nhân dân. Đó là sự độc quyền của Nhà xuất bản Giáo dục trong việc xuất bản sách giáo khoa mà “mỗi năm chỉ chỉnh sửa chút xíu rồi phát hành sách khiến học sinh không thể dùng lại sách cũ“.

Bài báo nhấn mạnh: “Lợi nhuận quá lớn từ xuất bản sách giáo khoa nói đúng nghĩa là hành động ‘móc túi’ công khai của nhà xuất bản, người dân biết nhưng không thể chống lại. Nếu sử dụng cụm từ ‘nhóm lợi ích’ thì rõ ràng một mình Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (kể cả mấy chục công ty con) không thể tạo nên một ‘nhóm’ đủ mạnh để tồn tại từ từ kỳ thanh tra năm 2006 đến nay“.

Báo Dân Trí có bài: Nghịch lý giáo dục Việt Nam: Các đại học thi nhau giành giật “nồi cơm” cao học. Bài báo ví von, việc một số trường Đại học kém chất lượng “cấm vận” các sinh viên của mình học tại các trường có uy tín nhằm “tận thu”: “Để ‘nồi cơm’ luôn đầy, để vơ vét nguồn tuyển, các trường Đại học này không cho giảng viên trẻ được đi học cao học ở các trường Đại học hàng đầu như Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia HN… buộc giảng viên phải học Cao học tại Trường theo kiểu ‘của nhà trồng được’.


Vụ tầu vỏ thép “nằm bờ”
Báo Nhân Dân có bài: Để “tàu 67” bám biển, vươn khơi. Tổng hợp từ báo Nhân Dân cho thấy, một số tiền khổng lồ cho vay theo Nghị định 67/CP, nhưng đến nay rất nhiều ngư dân phải khóc ròng: “Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), đến ngày 15-7-2017, các ngân hàng đã giải ngân cho vay đóng mới, nâng cấp tàu cá với giá trị 9.012 tỷ đồng…

Theo Phó Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Trần Văn Tần, thời điểm này, “đã phát sinh 50 khoản vay với dư nợ 726 tỷ đồng bị quá hạn. Trong đó có 10 khoản vay bị chuyển nợ xấu với số tiền gần 136 tỷ đồng“.

Nguyên nhân dẫn đến khả năng trả nợ của chủ tàu bị hạn chế “là do tàu đóng mới không bảo đảm chất lượng, không khai thác được mà phải nằm bờ, hoặc tàu đã đưa vào khai thác nhưng phải sửa chữa thường xuyên, nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt,… dẫn đến chủ tàu không có nguồn thu để trả nợ ngân hàng đúng hạn“.

Còn nhớ, hai công ty đóng tàu Nam Triệu và Đại Nguyên Dương thống nhất phương án sửa chữa xong các tàu vỏ thép của Bình Định hư hỏng chậm nhất trong tháng 8, nhưng nay đã sang tháng 9/2017 vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Vingroup có sản xuất được ô tô VinFast?
Blogger Phương Thơ có bài: Khi doanh nghiệp của VN hay ảo giác đứng nhất thiên hạ. Theo tác giả: “VN muốn có một hãng xe ô tô nội địa hóa trên 60% thì đầu tiên họ phải có các công ty chế tạo và sản xuất thép cao cấp. Điều đó có nghĩa là VN nuôi tham vọng vượt xa cả các hãng xe của Ấn Độ và bỏ xa các hãng xe của TQ. Đó là háo danh khi ngay cả lĩnh vực sản xuất thép công nghệ cao thì VN còn đi sau TQ cả nửa thế kỷ, và đi sau Mỹ, Nhật, Hàn Quốc cả hơn 1 thế kỷ rưỡi“.

Tác giả cho rằng, “có lẽ do Vingroup hết còn khí cụ đầu tư bất động sản ở VN, đã hết của tăng và hết còn đất vàng nên bây giờ người ta mới chuyển qua hình thái sản xuất xe hơi gấp rút khi chưa có bất cứ nền móng ngành công nghiệp phụ trợ nào cả. Chỉ nói đến sản xuất thép khung cho xe ô tô thôi có lẽ VN còn lâu mới chế tạo được chứ chưa nói đến sản xuất bạc bi, bạc đạn, hay phuộc nhún, nhíp xe ô tô,…. Có lẽ họ sẽ nhập linh kiện về chế ráp, kể cả nhập linh kiện của TQ về chế ráp thì may ra mới bán được chiếc xe giá cạnh tranh được“.

Tin quốc tế

Khủng hoảng Bắc Hàn
Sau vụ thử bom nhiệt hạch của Bắc Hàn hôm 3/9, Mỹ chính thức lên tiếng cảnh báo: Mỹ cảnh báo phản ứng quân sự dữ dội’ với Bắc Hàn. Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, ông James Mattis nói: “Bất cứ mối đe dọa nào đối với Hoa Kỳ hay các vùng lãnh thổ – bao gồm cả Guam – hoặc các đồng minh của chúng ta, sẽ bị đáp trả với một phản ứng quân sự dữ dội, một phản ứng hiệu quả và mãnh liệt”.


Để tìm phương cách đối phó: Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn về Bắc Hàn, “với đại diện của Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, thông báo rằng Hoa Kỳ sẽ công bố một nghị quyết mới về Bắc Hàn trong tuần này và muốn đưa ra bỏ phiếu tại Hội đồng Bảo an vào tuần tới”.

Trong khi đó, một đồng minh của Bắc Hàn lên tiếng: Nga chỉ trích phản ứng của Mỹ về Bắc Hàn. VOA dẫn nguồn từ Reuters cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov nói với các phóng viên tại một hội nghị thượng đỉnh của nhóm năm cường quốc mới nổi gọi tắt là BRICS: “Thật rõ rằng trong tình thế hiện nay, bất kỳ bước đi vụng về nào cũng có thể dẫn tới sự bùng nổ, bùng nổ về mặt chính trị, bùng nổ về quân sự, và không chỉ dẫn tới một vụ nổ hạt nhân”.

Tuy nhiên có lẽ Nam Hàn là nước lo lắng nhất về cuộc thử hạt nhân của Bắc Hàn. RFI đưa tin: Hàn Quốc tập trận bắn tên lửa trả đũa vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân“Theo thông báo của bộ Tham mưu liên quân Hàn Quốc 04/09/2017, quân đội Hàn Quốc đã tiến hành tập trận bắn tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo tầm xa, với giả định tấn công vào khu vực phía đông bắc Bắc Triều Tiên, nơi mà Bình Nhưỡng thực hiện vụ thử bom nhiệt hạch, ngày hôm qua”.

Nam Hàn còn phỏng đoán: Bắc Hàn ‘có thể phóng thêm tên lửa’. Ông Hang Kyoung-soo, Thứ trưởng tạm quyền của Hàn Quốc phụ trách về chính sách quốc phòng, nói trong một cuộc điều trần trước quốc hội hôm 4/9: “Chúng tôi tiếp tục thấy các dấu hiệu về khả năng phóng các tên lửa đạn đạo. Chúng tôi dự báo Bắc Hàn có thể phóng một quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa”.

Theo RFI, giới phân tích chính trị góp phần giải mã vụ Bắc Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6, cho rằng, “việc chính quyền Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom H., tức bom nhiệt hạch – mà nhiều thông số cho thấy đây là sự thực – buộc cộng đồng quốc tế phải xem xét nghiêm túc các lời đe dọa”.

Đối với Châu Á, “vụ nổ thử quả bom H của Bắc Triều Triều Tiên hôm 03/09 không chỉ làm đất nước này rung chuyển mà còn làm sự ổn định của châu Á, xa hơn là sự ổn định của cả hệ thống quốc tế trở nên bất ổn”. Hạt nhân Bắc Triều Tiên: Ổn định của châu Á bị đe dọa (RFI).

Và vụ Bắc Hàn cho nổ bom nguyên tử chỉ vài giờ trước buổi khai mạc hội nghị thượng đỉnh khối BRICS, ngày 03/09/2017, không phải là ngẫu nhiên, nhưng tín hiệu gì đây? Thử bom nguyên tử: Kim Jong Un “vỗ mặt” Tập Cận Bình? (RFI).
Bị cấm vận, nguồn sống kinh tế của Bắc Hàn đa số dựa vào Trung Quốc và… Việt Nam. VOA đưa tin: Bất chấp LHQ, Bắc Hàn xuất than sang Việt Nam?

Thượng đỉnh BRICS
Chán nản vì buổi họp thượng đỉnh BRICS bị trái bom của Bắc Hàn làm lu mờ hay chăng mà ông Tập mất cả hứng thú xây Con Đường Tơ Lụa? RFI cho hay, họ Tập chỉ chi ra 80 triệu đô la kỳ này cho dự án dự tính 124 tỷ: Thượng đỉnh BRICS: Đóng góp khiêm tốn của Trung Quốc (RFI).

Campuchia triệt hạ đối lập
Sau vụ Hun Sen cho bắt thủ lĩnh đối lập hôm 3/9/2017, VOA cho biết: Mỹ lên án ông Hun Sen, Trung Quốc hậu thuẫn. “Tại một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, khi được hỏi về vụ bắt giữ trên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc ‘ủng hộ nỗ lực của chính phủ Campuchia nhằm bảo vệ ổn định và an ninh quốc gia’.”

Đối lập Campuchia kêu cứu với quốc tế: Bị dồn vào chân tường, đối lập Campuchia kêu cứu. “Reuters dẫn lời bà Mu Sochua nói rằng phe đối lập đã làm hết sức mình, và sẽ không kêu gọi biểu tình vì phe này đặt niềm tin vào hình thức phản kháng bất bạo động.Bà nói rằng giờ là lúc thế giới phải cứu giúp đất nước Campuchia, vốn mất nhiều thập kỷ để hồi phục sau thời kỳ diệt chủng của Khmer Đỏ“.

Liên quan tới người Thượng Việt Nam ở Campuchia, LHQ khẳng định 29 người trong số 36 người Thượng ở Phnom Penh, “phải được công nhận là người tị nạn. Khi bác bỏ đơn xin tị nạn của họ, Cam Bốt sẽ có thể trả họ về (Việt Nam) với lý do là họ không phải người tị nạn, và đó là một đánh giá sai lầm cho mọi trường hợp.” Cam Bốt: Kế hoạch gởi trả người Thượng về Việt Nam bị tố cáo (RFI).

Người tị nạn Rohingya
RFI đưa tin: Miến Điện: 87.000 người tị nạn Rohingya tràn qua Bangladesh“Theo văn phòng điều phối của Liên Hiệp Quốc tại Cox’s Bazar cho đến sáng ngày 04/09/2017 gần 90.000 người vượt biên sang Bangladesh lánh nạn”.

Căng thẳng Mỹ – Nga
Căng thẳng Mỹ – Nga vẫn tiếp tục leo thang nhưng chỉ nhè nhẹ: Nga tố cáo Mỹ gây áp lực buộc bán lại một số cơ sở ngoại giao (RFI).


--------------------------------------

Bài Mới Nhất

05/09/2017
05/09/2017
05/09/2017
05/09/2017
05/09/2017
05/09/2017
05/09/2017
04/09/2017
04/09/2017
04/09/2017








No comments:

Post a Comment

View My Stats