Wednesday, 3 June 2015

Phương pháp Nguyễn Phú Trọng (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Tuesday, June 02, 2015 7:36:06 PM

Ông Nguyễn Phú Trọng sắp qua Mỹ. Nếu có ai gặp ông tôi xin nhờ đặt với ông mấy câu hỏi. Xin đừng hỏi lúc ông Trọng sắp đọc diễn văn hoặc đang họp báo.

Hãy chờ khi ông ta đang trò chuyện vô tư, thoải mái. Hãy giả bộ như mình không cố ý hỏi, chỉ tình cờ chợt nhớ ra nên hỏi chơi thôi. Có thể vờ vĩnh như mình tự hỏi mình, nhân tiện nhờ ông ấy trả lời giúp, xem ý tứ ông ta ra sao. Cố làm sao cho ông ấy tự nhiên trả lời, không cường điệu, lên gân, “Nâng quan điểm.” Chỉ nên hỏi lúc ông ấy không có phụ tá đứng bên, trả lời giúp.

Thử tưởng tượng, sau khi uống một chén trà, hay ly rượu chào mừng, quý vị hỏi thăm sức khỏe của gia đình ông, hỏi ông đi máy bay có mệt không, vân vân; lúc nào thấy ông Nguyễn Phú Trọng hoàn toàn thoải mái, thảnh thơi, quý vị mới hỏi ông một câu. Xin hỏi ông, “15 cộng với 7 là mấy?”

Muốn tự nhiên hơn, quý vị giả bộ mình thắc mắc, tự hỏi mình, buột miệng nói ra để nhờ ông tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam giúp tìm lời giải đáp, “À, 15 mà cộng với 7, nó là bao nhiêu, cụ nhỉ?”

Đây là một câu hỏi trắc nghiệm. Nó thử thách trí thông minh một người mới gặp lần đầu, hiệu quả rất chính xác. Ai không tính được 15+7 thì mình biết ngay là thiếu thông minh. Tôi biết câu hỏi trắc nghiệm này nhờ đọc bản tin một đám cưới tan vỡ ở Ấn Độ, mấy tháng trước đây. Bên Ấn Độ vẫn còn cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đó, việc hôn nhân do mối lái chuyên nghiệp xếp đặt. Một cô dâu Ấn Độ muốn thử thách người chồng tương lai khi gặp nhau lần đầu trong đám cưới. Khi hai người sắp sửa làm lễ, cô hỏi chú rể, “15 cộng 7 là mấy?” Chú rể ngẩn mặt, ấp úng, không trả lời được. Chú hoàn toàn không biết 15+7 thành bao nhiêu. Cô dâu bèn xin hủy bỏ hôn lễ, cha mẹ cô chấp thuận; họ còn đòi nhà trai trả lại của hồi môn và kiện các bà mai mối đã giấu chuyện chú rể thất học.

Nhưng câu hỏi 15+7 có thể hơi dễ đối với ông tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông Nguyễn Phú Trọng thường được gọi là “giáo sư,” chắc ông đã học làm tính cộng rồi. Cho nên, phải chuẩn bị sẵn một câu hỏi khác. Có một câu hỏi giản dị khác, phỏng theo phương pháp trắc nghiệm do Giáo Sư Shane Frederick ở đại học Yale đặt ra, gọi là Cognitive Reflection Test (CRT). Đổi khung cảnh câu chuyện một chút theo lập trường vô sản, có thể hỏi thế này, “Thống chế Stalin tiếp hai đồng chí Mao Trạch Đông và Hồ Chí Minh, muốn thử xem hai anh da vàng này cư xử với nhau như thế nào. Stalin tặng 110 đồng chung cho cả hai người, bảo họ tùy ý mà chia nhau. Bác Hồ xin nhường Bác Mao quyết định. Bác Mao nói, “Dân nước tôi đông gấp mười lần nước chú, phần tôi phải hơn phần chú 100 đồng!” Bác Hồ nói, “Nhất trí! Cho bao nhiêu em cũng cảm ơn!”

Bây giờ đến phần câu hỏi: Chia theo cách đó, Bác Mao, Bác Hồ, mỗi bác bỏ túi được bao nhiêu?

Nghe nói ngày xưa ông Lê Duẩn sang Bắc Kinh đã được họ trắc nghiệm như vậy. Ông trả lời rất nhanh, “Bác Mao 100 đồng, Bác Hồ được 10 đồng.” Đặng Tiểu Bình nghe vậy, quay ra bảo quần thần: Có thể dạy cậu này một bài học đấy nhé.

Giáo Sư Nguyễn Phú Trọng có thể biết câu trả lời đúng, là Mao được 105 đồng, Hồ được 5 đồng; vì ông từng qua Bắc Kinh nhiều lần, mỗi lần đi đều có các thần đồng toán học đi kèm làm cố vấn. Cho nên sẽ phải dự tính sẵn một câu hỏi khác.

Vẫn phỏng theo phương pháp CRT kể trên, hãy trắc nghiệm phản ứng và trí thông minh bằng một câu khác, “Năm bà gói năm cái bánh chưng, trong năm phút thì xong. Nếu có 15 bà gói 15 cái bánh chưng, hỏi bao nhiêu phút mới gói xong đủ 15 cái?” Nhiều người trả lời ngay, “15 phút!”

Nếu ông Nguyễn Phú Trọng trả lời đúng, “5 phút,” thì chúng ta phải kết luận rằng ông không “lú” - như các thế lực thù địch vẫn loan tin đồn. Trong thời gian ông Nguyễn Phú Trọng làm bí thư thành ủy, người Hà Nội đặt câu vè rằng, “Giàu như Phú - Lú như Trọng - Lật lọng như Nghiên - Tiêu tiền như Triệu.” Tấm bia miệng này ghi tên tứ trụ gồm quý ông Phùng Hữu Phú (phó của ông Trọng); ông Hoàng Văn Nghiên (chủ tịch thành phố) và ông Nguyễn Quốc Triệu (phó của ông Nghiên). Từ đó đến nay, ông Trọng có biệt hiệu Trọng Lú. Khi ông lên làm chủ tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, người ta đổi thành “Đồng Lú Lẫn Trung Ương.” Nhiều người gọi ông là Trọng Lú, Trọng Lú mãi, đến nỗi có người ngoại quốc không hiểu, tưởng rằng tên ông là Trọng, họ Lú. Một phóng viên người Mỹ quả quyết một người anh em ông tổng bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam làm ăn rất khá ở Quận Cam, ông này tên là Quán. Anh ta còn biết người anh em ông Trọng mở nhiều quán cà phê mang tên mình, Quán Lú.

Nếu ông Nguyễn Phú Trọng trả lời được cả ba câu trắc nhiệm trên, phải xóa bỏ biệt hiệu Trọng Lú. Có thể dân Hà Nội đã nhầm lẫn khi thẩm định khả năng tri thức của ông. Có thể dân Hà Nội đều thuộc loại những thế lực thù địch cả. Nhưng nếu ông Trọng không lú thì chẳng lẽ dân chúng đất ngàn năm văn vật lú lẫn cả hay sao?

Các cụ mình có câu “Nó lú nhưng chú nó khôn.” Từ khi lên làm tổng bí thư, ông Trọng đã có nhiều “chú” làm cố vẫn. Gần đây họ đã tìm được cách biến cái tên hiệu người lú thành một lời khen. Họ giải thích rằng trong “Thăng Long Tứ Trụ” thì có ba người được mô tả là “giàu,” là “lật lọng,” là “tiêu tiền như rác.” Tóm lại là gian, là tham. Nhưng ông Trọng không bị gán cho những tính tham, tính gian, thì phải coi là ông trong sạch, hiền lành! Theo họ lý luận, người đặt ra câu vè cố ý khen ông Nguyễn Phú Trọng không giàu, không gian, chỉ lú thôi. Mà lú là thứ nhược điểm dễ thương nhất! Nhóm mưu sĩ của ông tổng bí thư đã viết một bài lý luận như vậy; bài đưa lên mạng ký tên là Thăng Long.

Cố vấn Thăng Long kết luận như vầy, “... phải sau rất nhiều năm, và hình như cho đến bây giờ tôi mới thật hiểu.... khi dân Hà Nội đặt bài ca dao có câu ‘Lú như Trọng,’ chắc họ không nhầm.” Tức là chính quý vị “chú ông Trọng” cũng đồng ý rằng ông lú thật. Có một bằng chứng khác, là người Hà Nội đã sáng tạo ra một phương pháp trắc nghiệm trí thông minh, lấy chính ông Nguyễn Phú Trọng làm thước đo trí thông minh của mọi người. Gọi là “Phương pháp trắc nghiệm Nguyễn Phú Trọng.” Đối với người trong nghề trắc nghiệm thì chỉ cần gọi là “phương pháp Nguyễn Phú Trọng” cũng đủ.

Phương pháp này ra đời khi ông Trọng Lú cầm đầu thành phố. Nhiều người được “bố trí” vào làm việc với ông, sau ba tháng mới thì thầm nói nhỏ với bạn bè, “Cái đầu ông ấy làm sao ấy các cậu ạ! Nó làm sao ấy!” Có người làm việc dưới quyền ông một tháng đã thổ lộ, “Làm việc với cụ khó quá, nói mỏi rã miệng cụ mới hiểu mình nói cái gì.” Có người nhanh hơn, sau một tuần đã lắc đầu nói, “Cụ chỉ biết hô khẩu hiệu thôi, ra ngoài các khẩu hiệu cụ chẳng biết cái chó gì cả!”

Rút kinh nghiện đó, người ta đặt ra một phương pháp trắc nghiệm trí thông minh. Hãy cho một người vào làm việc với ông Nguyễn Phú Trọng. Người nào khám phá ra ông ấy lú sớm, trong một tuần, thì chứng tỏ là người thông minh hơn người phải chờ một tháng mới nhận ra. Người mới ngày đầu đã biết ông ấy lú, thông minh hơn nhiều. Ai mà mới gặp ông nói ba câu đã khám phá ra ông lú thì rất thông minh! “Phương pháp trắc nghiệm Nguyễn Phú Trọng” có thể thay đổi, áp dụng với nhiều vị lãnh đạo khác trong đảng. Có phương pháp Đỗ Mười, phương pháp Lê Khả Phiêu, đều hữu ích cả.

Bây giờ phải đặt một câu hỏi: Tại sao Đảng Cộng Sản lại sản xuất ra nhiều lãnh tụ lú như vậy? Ông Nguyễn Phú Trọng lên kế nghiệp ông Nông Đức Mạnh, ông Nông Đức Mạnh thì nối ngôi ông Lê Khả Phiêu, ông nào cũng cần được trắc nghiệm bằng câu hỏi, “15 cộng 7 là mấy?”

Câu trả lời khá giản dị. Sau khi cướp được chính quyền, các Đảng Cộng Sản duy trì được chế độ nhờ khai thác hai bản năng của loài người: sợ và tham. Trong việc đào tạo cán bộ, Đảng Cộng Sản chú trọng tới lòng trung thành hơn là khả năng suy nghĩ. Vì càng suy xét nhiều thì càng dễ “chao đảo.” Anh nào chỉ biết hô theo khẩu hiệu của cấp trên, tuyệt nhiên không suy nghĩ gì cả, thì anh ấy đáng tin cậy nhất, sẽ được bố trí lên ngồi chỗ cao nhanh nhất. Nếu anh tỏ ra biết suy nghĩ, anh là người nguy hiểm. Họ có thể phải thủ tiêu anh, nếu ta thì cũng đầy đọa anh xuống đất đen. Càng đóng vai lú càng hy vọng lên cao, dần dần người ta mất luôn thói quen suy nghĩ. Cứ như thế, mỗi thế hệ lãnh tụ Cộng Sản lại sản xuất ra một thế hệ những anh dốt hơn mình. Các ông Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng kế nghiệp nhau là thuộc thế hệ lãnh đạo thứ tư, thứ năm rồi, cho nên trình độ lú cũng vượt chỉ tiêu!

Câu hỏi thứ hai là: Tình trạng đó có bao giờ chấm dứt hay không? Nó sẽ chấm dứt, sau khi Đảng Cộng Sản “đổi mới.” Đổi mới tức là đổi cả động cơ vận hành của guồng máy đảng. Giống như máy xe bỏ không chạy bằng xăng dầu, sẽ chạy bằng khí đốt. Trước đây, bộ máy cộng sản chủ yếu chạy bằng lòng sợ hãi, nay dùng động cơ chính là lòng tham. Anh nào tham nhất thì có nhiều hy vọng lên cao nhất. Bởi vì phải tham thì anh mới có thể thu hồi lại vốn liếng đã chi ra để được nâng lên cao; có tham thì mới đủ tiền cung phụng cấp trên. Chúng ta sẽ chứng kiến cảnh thay dầu, thay nhớt này trong kỳ đại hội đảng sắp tới! Khi đó, nhắc đến tên Trọng Lú tức là khen ngợi ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng có lú thì cũng không đến nỗi tham ác như đám đi sau!









No comments:

Post a Comment

View My Stats