Thursday, 4 June 2015

ĐIỀU TRA FIFA NHƯ ĐÁNH VÀO MAFIA (RFI)





Anh Vũ  -  RFI
Đăng ngày 04-06-2015 

Vụ điều tra tham nhũng trong Liên đoàn bóng đá thế giới mới chỉ bắt đầu được ít ngày nhưng đã mang hơi hướng của một chiến dịch đánh án vào một tổ chức mafia với những tình tiết như nội gián chỉ điểm, chuyển ngân với khối lượng lớn, hoạt động tẩy tiền trong một đường dây có tổ chức. Giới quan sát ngay từ lúc này đã nhìn thấy mẻ lưới lớn của tư pháp Mỹ sẽ còn tóm được nhiều con cá lớn trong Fifa.

Khi công bố bản cáo trạng dày 165 trang hôm thứ Tư tuần trước (27/5), đích thân bà Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Loretta Lynch đã tuyên bố “Chúng tôi mới chỉ ở điểm khởi đầu của vụ án”. Bình luận về sự kiện này, ông John Lauro, cựu công tố của quận Brooklyn, New York, địa phương thụ lý khởi tố 14 quan chức và đối tác của Fifa trong nghi án tham nhũng này, đã nhận xét: “Đọc cáo trạng thì rõ ràng các nhân vật cao cấp nhất (của Fifa) rơi vào tầm ngắm”. Vụ án mới chỉ bung ra được ít ngày, nhưng người ta đã nhận thấy toàn bộ cuộc điều tra đều tập trung vào “mục đích cuối cùng” là đánh vào các nhân vật đầu não.
Một ngày sau khi cánh tay phải Jerôme Valcke, Tổng thư ký của tổ chức bị cáo giác có dính líu, ông Sepp Blatter (2/6) bất ngờ thông báo từ chức Chủ tịch Fifa vừa được bầu cách đó có 4 hôm. Sự việc này càng củng cố nhận định của cựu công tố viên của New York. Diễn biến mới đó còn cho thấy dường như lãnh đạo Fifa đã nhận được tín hiệu từ các nhà điều tra Mỹ cho thấy ông cũng đang là mục tiêu của vụ án.
Khi công bố cáo trạng, bà bộ trưởng tư pháp Mỹ đã đánh giá tham nhũng ở tổ chức quản lý bóng đá thế giới như là “bệnh dịch đã ăn sâu cắm rễ” từ lâu nay. Tư pháp Mỹ còn khẳng định đã quan sát theo dõi rất kỹ những gì diễn ra tại Fifa, đồng thời kêu gọi những ai còn chưa bị trực tiếp nhắm tới thì tốt hơn hết hãy hợp tác, nếu không thì họ cũng sẽ bị lần tới.
Luật sư David Weinstein, cựu Công tố viên của Miami nhận định các nhà điều tra “đang tập hợp các dữ liệu tại Mỹ cũng như ở nhiều nước khác để xác minh các cáo buộc và họ đang tiến dần lên phía chóp bu”. Ông cũng nhận thấy nghi án tham nhũng Fifa lần này có cái gì đó giống như vụ điều tra nhằm vào các băng đảng tội phạm có tổ chức, do Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Robert Kenedy chỉ đạo tiến hành hồi cuối những năm 1960.
Trên kênh truyền hình Mỹ CBS, cách đây ít hôm, một cựu thành viên ban chấp hành Fifa, Alexandra Wrage đã tiết lộ rằng trong nội bộ của tổ chức Sepp Blatter vẫn được mọi người đặt cho húy danh là “Don Mafia” bởi tính cách ngạo mạn, cậy quyền có kiểu cách lãnh đạo hệt như của một “bố già”.
Trong cuộc điều tra của FBI, những quan chức Fifa, có người đã nhận tội, những người đã bị bắt tại Hoa Kỳ cũng đang hợp tác với cơ quan tư pháp, trong khi 7 quan chức vừa bị bắt tại Thụy Sĩ đang chờ được dẫn độ về Mỹ để điều tra xét xử. Gọng kìm của tư pháp Mỹ ngày thêm siết chặt. Hai đầu mối quan trọng của vụ án giờ đây là Jack Warner, cựu phó chủ tịch Fifa, cựu Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bắc Trung Mỹ và Caribe (Concacaf) và Charles Blazer, cựu Tổng thư ký Concacaf, một người nổi tiếng trong thế giới quản lý bóng đá với tên gọi là “Ông 10%” vì hay đòi tiền “lại quả” trong các vụ việc ở Fifa.
Chuyên gia Andy Spalding, Giáo sư luật thuộc Đại học Richmond (Virginia) nhận định, với việc ông Blazer nhận có hối lộ trong vụ trao quyền đăng cai Cúp thế giới 1998 và 2010, “tất cả các quân cờ domino sẽ đổ nhanh chóng”. Chuyên gia nghiên cứu tham nhũng thế giới này còn nhận thấy : “giờ đây một số người đã nhận tội và hợp tác, có lẽ không thể tránh được sẽ đến lượt Sepp Blatter cũng dính” vào vụ án. Kênh truyền hình Mỹ ABC New, còn dẫn nhiều nguồn thạo tin khẳng định cuộc điều tra của FBI lần này là nhằm trực tiếp vào ông Blatter.
Vấn đề tiếp theo sẽ là : liệu ông Chủ tịch vừa từ chức này có chịu hợp tác với cơ quan điều tra hay không? Nếu như ông hợp tác, tất cả sẽ đổ như hiệu ứng domino, như nhận định của giới quan sát.
Cũng giống như các vụ án đánh vào các tổ chức Mafia, bao giờ đích cuối của các nhà làm án cũng là tóm được “bố già” của tổ chức để đưa ra trước pháp luật.

------------------------------

Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày 04-06-2015

Ông Chuck Blazer, một cựu lãnh đạo cao cấp của Liên đoàn bóng đá quốc tế FIFA, thừa nhận đã có hối lộ trong việc xét trao quyền đăng cai Cúp thế giới 1998 và 2010. Những tiết lộ nói trên, do ngành tư pháp Mỹ công bố hôm qua, 03/04/2015, đã được ông Chuck Blazer khai báo từ năm 2013, khi ông bị truy tố về tội làm tiền và tham nhũng.

Ông Blazer nguyên là một thành viên ban điều hành FIFA từ năm 1996 đến 2013 và trong một thời gian dài là tổng thư ký của Liên đoàn bóng đá Bắc Mỹ, Trung Mỹ và vùng Caribê ( CONCACAF ).
Trong một tài liệu khác cũng được công bố hôm qua, ngành tư pháp Mỹ cho biết là ông Blazer đã được mời đến Maroc, cùng với một nhân vật được gọi là « tòng phạm số 1 ». Quyền đăng cai Cúp thế giới 1998 cuối cùng đã được trao cho nước Pháp, lúc ấy là đối thủ duy nhất của Maroc. Ông Blazer cũng thừa nhận rằng họ đã nhận hối lộ để trao quyền đăng cai Cúp thế giới 2010 cho Nam Phi. Ngành tư pháp Mỹ nghi ngờ ông Jack Warner, lúc ấy là chủ tịch CONCACAF, đã nhận hối lộ 10 triệu đôla để đổi lấy ba phiếu thuận cho Nam Phi.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio gởi về bài tường trình :
« Ông Chuck Blazer thú nhận đã phạm tội làm tiền và chủ động đòi hối lộ. Trong tuyên bố của ông, cựu lãnh đạo Liên đoàn bóng đá quốc gia Bắc Mỹ không bao giờ nhận trách nhiệm một mình. Chẳng hạn như ông nói : « Tôi thừa nhận rằng tôi và các thành viên khác trong ban điều hành của FIFA đã nhận hối lộ trong việc trao quyền đăng cai Cúp thế giới 2010 cho Nam Phi ».
Người nhận làm chỉ điểm cho FBI cũng thừa nhận là đã nhận hối lộ, vẫn cùng với các lãnh đạo khác của FIFA, khi xét trao quyền đăng cai Cúp thế giới 1998. Ông Blazer còn thừa nhận đã gian lận trong việc xét cấp quyền truyền hình trực tiếp cho Cúp thế giới và cho toàn bộ các giải vô địch bóng đá Bắc Mỹ từ năm 1996. Ông mô tả chi tiết các vụ chuyển tiền, chuyển khoản và đưa ngân phiếu tận tay.
Như vậy là người ta đã biết những điểm chính trong lời khai của Chuck Blazer, người đã giúp FBI điều tra về những hoạt động của FIFA. Việc công bố các tài liệu này chắc là nhằm chính thức thức hóa những tiết lộ đó. Những người nào chưa được nêu tên sẽ tự nhận ra mình. Đây cũng là một cách để gây hoảng sợ cho các lãnh đạo bóng đá quốc tế và để cho thấy là cuộc điều tra hãy còn lâu mới kết thúc. »

--------------------------------



Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày 03-06-2015

Việc ông Joseph Blatter bất ngờ từ chức chủ tịch chỉ vài ngày sau khi tái đắc cử sẽ không đủ để giải quyết tận gốc rễ cuộc khủng hoảng đang làm rung chuyển Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA, mà đã đến lúc phải cải tổ cơ chế ban điều hành của định chế bóng đá quốc tế này.

Gồm 24 thành viên, ban điều hành FIFA là cơ chế có thế lực rất mạnh, nhưng hoạt động lại rất mờ ám, thế mà chính những người này đưa ra những quyết định quan trọng nhất đối với bóng đá thế giới, mà đầu tiên là chọn quốc gia đăng cai Cúp Thế giới.
Trong những ngày qua, mọi chỉ trích đã tập trung vào ông Blatter, nhưng thật ra chủ tịch FIFA chỉ có quyền hành tương đối trên các thành viên ban điều hành. Hôm qua, chính ông Blatter đã đổ lỗi cho ban điều hành FIFA về những vụ tai tiếng tham nhũng đang làm hoen ố thanh danh của tổ chức này.
Ban điều hành FIFA bao gồm các đại diện của 6 liên đoàn bóng đá châu lục, như UEFA ( châu Âu ) hay CAF ( châu Phi ), mà những liên đoàn này trên thực tế không thuộc Liên đoàn quốc tế, thành ra FIFA không có quyền chỉ định các thành viên ban điều hành, tức là không có quyền kiểm soát trên ban điều hành. Joseph Blatter cũng là một thành viên, nhưng cho dù có ảnh hưởng rất lớn, chỉ với một phiếu, ông không thể nào tác động lên các quyết định của ban điều hành.
Cho tới nay chẳng ai biết là các thành viên ban điều hành được trả lương bao nhiêu. Một số người đã nằm trong ban điều hành từ 25 năm nay, một số thành viên khác thì dứt khoát không bao giờ nói chuyện với báo chí, nói chung là hành tung rất bí ẩn.
Chính vì những nghi vấn về tham nhũng mà quyết định của ban điều hành FIFA trao quyền đăng cai Cúp bóng đá thế giới 2018 cho Nga và Cúp thế giới 2022 cho Qatar đã gây nhiều tranh cãi. Chín thành viên ban điều hành đã bị khai trừ vì tham nhũng hoặc buộc phải từ chức do bị điều tra tư pháp, trong đó có Jeffrey Webb, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Bắc và Trung Mỹ, một trong bảy quan chức cao cấp của bóng đá thế giới vừa bị bắt vào tuần trước ở Zurich, theo yêu cầu của ngành tư pháp Mỹ.
Sau những tai tiếng về việc trao quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022, thủ tục đã được sửa đổi cho việc bầu chọn quốc gia chủ nhà của World Cup 2026, tức là quốc gia này sẽ do Đại hội của FIFA bầu chọn.
Tuy vậy, quyền lực của ban điều hành FIFA vẫn còn rất lớn bởi vì chính ban điều hành sơ tuyển các ứng viên cho World Cup. Ban điều hành này vẫn giữ quyền bầu chọn các quốc gia đăng cai những cuộc tranh tài khác do FIFA tổ chức, đồng thời vẫn có quyền đình chỉ các liên đoàn bóng đá quốc gia.
Domeinico Scala, một quan chức cao cấp của FIFA, hôm qua đã báo trước rằng cải tổ ban điều hành sẽ là một trong những thay đổi ưu tiên mà ông Blatter đã hứa hẹn. Các cải tổ đầu tiên sẽ là hạn chế số nhiệm kỳ của các thành viên và công bố lương của họ. Hiện vẫn nắm quyền chủ tịch FIFA cho đến khi tổ chức đại hội bầu người thay thế, ông Blatter khẳng định là ông sẽ thực hiện những cải tổ đó. Chỉ có như thế thì mới hy vọng khôi phục uy tín của FIFA.

----------------------

Thanh Phương  -  RFI
Đăng ngày 03-06-2015 

Theo báo chí Mỹ, Ông Joseph Blatter, người vừa tuyên bố từ chức chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Quốc tế FIFA hôm qua, 02/06/2015, hiện đang bị ngành tư pháp Hoa Kỳ điều tra trực tiếp trong khuôn khổ vụ tai tiếng tham nhũng đã làm rung chuyển tổ chức này trong mấy ngày qua.

Theo tờ New York Times, nhà chức trách Mỹ hy vọng sẽ có được sự hợp tác của một số lãnh đạo FIFA đã bị truy tố vì tội tham nhũng, để siết chặt gọng kềm chung quanh ông Blatter, 79 tuổi, làm chủ tịch FIFA từ năm 1998.
Còn theo kênh truyền hình ABC News, ông Blatter hiện đang trong tầm ngắm của Cục Điều tra Liên bang Mỹ FBI và các công tố viên Hoa Kỳ về các vụ tham nhũng và hối lộ, vốn đã dẫn đến việc bắt giữ nhiều quan chức cao cấp của FIFA vào thứ tư tuần trước.
Trong khi đó, Cảnh sát Quốc tế Interpol vừa thông báo là, theo yêu cầu của nhà chức trách Mỹ, tổ chức này hôm nay đã đặt hai cựu quan chức của FIFA vào danh sách những nhân vật bị truy nã gắt gao nhất. Hai cựu lãnh đạo này là Jack Warner, cựu phó chủ tịch FIFA và Nicolas Leoz, cựu ủy viênBan Chấp hành FIFA. Trong danh sách nói trên của Interpol, còn có 4 lãnh đạo doanh nghiệp trong lĩnh vực tiếp thị thể thao.
Vừa mới tái đắc cử chủ tịch FIFA vào thứ sáu trong tuần trước, ông Joseph Blatter đã gây bất ngờ cho mọi người hôm qua, khi tuyên bố từ chức, vì cho rằng ông không được sự ủng hộ của toàn bộ giới bóng đá quốc tế. Một Đại hội bất thường theo dự kiến sẽ được triệu tập trong khoảng thời gian từ tháng 12/2015 đến 03/2016 để bầu lại tân lãnh đạo FIFA.
Giới bóng đá quốc tế đã hoan nghênh quyết định từ chức của ông Blatter, với phản ứng đầu tiên của ông Michel Platini, đương kim chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Âu UEFA, nhân vật được cho là có thể ra ứng cử chủ tịch FIFA.
Về các nhân vật đang ngấp nghé chiếc ghế chủ tịch FIFA, ngoài Platini, hiện đã có hai nhân vật khác tỏ ý định ra ứng cử thay thế ông Blatter, đó là cựu danh thủ Brazil Zico và ông Chung Mong-Joon, người Hàn Quốc, một cựu phó chủ tịch FIFA.
Ban tổ chức Giải Vô địch Thế giới dưới 20 tuổi, diễn tại New Zealand cho đến ngày 20/06, hôm nay vừa tuyên bố ông Blatter sẽ “ không được hoan nghênh ” tại giải này, nói theo ngôn ngữ ngoại giao quốc tế, chủ tịch từ nhiệm của FIFA là persona non grata.

------------------------------

Tú Anh  -  RFI
Đăng ngày 28-05-2015

Liên đoàn bóng đá quốc tế trong cơn bão tố. 14 quan chức lãnh đạo liên đoàn và các công ty quảng cáo bị truy tố về các tội rửa tiền, làm tiền, hối lộ. Tư pháp Mỹ khẳng định có đủ chứng cớ buộc tội các định chế điều hành bộ môn thể thao số một thế giới mà tai tiếng tham ô đã vang dội từ hai mươi năm nay.

Theo yêu cầu của Tư pháp Mỹ, sáng hôm qua 27/05/2015 , cảnh sát Thụy sĩ bắt một loạt 7 cán bộ lãnh đạo của liên đoàn FIFA trong một khách sạn sang trọng tại Zurich, những quan chức thân cận với chủ tịch Joseph Blatter. Những nhân vật này sẽ bị dẫn độ sang Mỹ để trả lời trước pháp luật.
Cơ sở của liên đoàn bóng đá Bắc Mỹ và Caribê cũng bị cảnh sát khám xét cùng lức với trụ sở FIFA tại Thụy sĩ. Giám đốc cảnh sát liên bang Mỹ FBI James Comey và bộ trưởng bộ Tư pháp Loretta Lynch đích thân chỉ đạo cuộc điều tra mà con mồi đầu tiên bị sa lưới là Charles (Chuck) Blazer, ủy viên ban chấp hành FIFA từ 1996 đến 2013 vì tội quên khai thuế khoản tiền 13 triệu đôla. Để được nhẹ tội, nhân vật cột trụ của FIFA đã cung cấp cho cảnh sát điều tra những thông tin quý báu từ đó phăng lần đến tận Zurich, trụ sở của FIFA.
Sử dụng thuật ngữ bóng đá, Giám đốc cảnh sát liên bang FBI James Comey tuyên bố « FIFA bị thẻ đỏ » gây một trận cười trong giới phóng viên.
Một cách nghiêm trọng, bộ trưởng Tư pháp Loretta Lynch tố cáo 9 người vừa bị bắt trong đó có hai phó chủ tịch FIFA đã « gây ra bệnh dịch tham ô, cấm rễ và lan rộng trong bóng đá thế giới để phục vụ quyền lợi riêng tư và làm giàu cá nhân » trong 25 năm qua.
Một ngày sau mẻ lưới của cảnh sát Thụy sĩ, 24 giờ trước khi FIFA bầu lại chủ tịch mà Joseph Blatter, nhân vật lãnh đạo người Thụy sĩ bám chặt từ năm 1998 đến nay bị chỉ trích từ nhiều phía, câu hỏi đặt ra là tại sao Hoa Kỳ, tấn công vào FIFA ?
Từ Washington, thông tín viên Anne-Marie Capomaccio phân tích :
« Trước tiên, người ta tự hỏi vì những lý do sâu xa nào mà Công lý Hoa Kỳ lao vào cuộc tuy bóng đá không phải là môn thể thao hàng đầu của nước Mỹ. Những phương tiện pháp lý, nhân sự được huy động hùng hậu càng khơi dậy câu hỏi này.
Theo giới quan sát tại Hoa Kỳ, sự kiện Mỹ không được FIFA bầu chọn tổ chức Cúp Thế Giới 2022 mà lại trao cho Qatar là động lực khiến Tư pháp phải vào cuộc. Thất vọng cộng thêm mối nghi ngờ có bê bối trong tiến trình bầu chọn đã làm cho Hoa Kỳ phải nhanh chóng điều tra.
Hai Cúp Thế Giới tới đây, tại Nga năm 2018 và Qatar năm 2022 được quyết định cùng một lúc. Vấn đề là hai quyết định này đang bị điều tra tại Thụy sĩ và FIFA bị nghi ngờ có hành động mờ ám « rửa tiền và quản lý bất chánh ».
Giờ đây, Hoa Kỳ quy buộc « 47 trọng tội » nhắm vào 9 nghi can vừa bị bắt tại Thụy sĩ từ « làm tiền, lừa đảo cho đến rửa tiền bất chánh » trong suốt 25 năm. Trong thời gian này, những nghi can kể trên sử dụng chức vụ để « đòi hỏi và nhận hơn 150 triệu đôla hối lộ và hoa hồng bất chính » đổi lại quyền khai thác truyền hình các trận đấu quốc tế.
Chưởng lý Kelly Curry đã không đủ từ cứng rắn để mô tả các nghi can : « họ là những kẻ mà lẽ ra phải phục vụ cho những mục tiêu lợi ích chung, điều hành và quảng bá bóng đá thế giới . Nhưng những kẻ bị truy tố này do bị lòng tham thúc đẩy nên sử dụng trách nhiệm của họ để kiếm tiền ».
Thật ra, Tư pháp Mỹ đã để ý FIFA  từ nhiều năm rồi. Nhưng nạn tham ô rất khó chứng minh và cần phải có chứng cớ cụ thể.
Chứng cớ đã đến do ông Chuck Blazer, cựu Tổng thư ký Liên đoàn bóng đá Bắc Mỹ sơ hở cung cấp. Sai lầm của ông ta là « quên đóng thuế ». FBI gây sức ép : giảm án đổi lấy lời khai về tội lỗi vi phạm và các hành động bê bối của FIFA. Tất cả chi tiết đều được thu băng.
Chuyện gì phải xẩy ra thì mọi người đã biết. ».
Còn một vấn đề nghiêm trọng nữa là lý do tại sao Nga và Qatar được quyền tổ chức Cúp Thế Giới 2018 và 2022 ? Chính những người đi gây áp lực hành lang cho Qatar đã khai ra những bê bối của FIFA.
Thẩm phán hồi hưu Mỹ Michael Garcia được FIFA trao trách nhiệm điều tra. Kết quả hai năm điều tra không được công bố nhưng một số nhân vật lãnh đạo trong FIFAtuyên bố « các nguyên tắc bầu chọn (Nga và Qatar) không bị vi phạm » theo kết luận của bản báo cáo.
Thế nhưng, sau khi thẩm phán Michael Garcia hết nhiệm kỳ , ông lập tức cải chính : bản báo cáo của ông bị giới lãnh đạo FIFA diễn dịch sai trái và bóp méo.
Chắc chắn là kết quả điều tra này sẽ được nhắc đến trong những ngày tới và nếu đúng là có tham ô thì liệu chuyện gì sẽ xẩy ra cho Cúp bóng đá 2018 và 2022 ?.
Tổng thống Nga Vladimir Putin vội vã lên tiếng chỉ trích Mỹ « can thiệp và nội bộ FIFA ». Theo ông Putin, các vụ điều tra và bắt giam cán bộ Fifa là âm mưu của Mỹ không cho Joseph Blatter, 79 tuổi, thêm nhiệm kỳ thứ năm.
Tuy nhiên, tổng thống Nga tránh bình luận về tin cảnh sát Thụy Sĩ đang điều tra khả năng Nga hối lộ FIFA để được tổ chức Cúp 2018.







No comments:

Post a Comment

View My Stats