Vũ Thị
Phương Anh
Friday,
April 25, 2014
Bài "phản biện bản phản biện" LV Nhã
Thuyên của PGS Phan Trọng Thưởng đã được tôi viết và đăng trên facebook cá nhân
của tôi thành 5 kỳ trong mấy ngày qua, và cũng đã dược Văn Việt đăng lên ngay
sau khi hoàn tất. Do vụ NT đối với tôi có ý nghĩa khá quan trọng vì nó liên
quan đến cách hành xử của giới giáo dục và khoa học, nên tôi thấy cần phổ biến
nó rộng rãi hơn để nhận được những tranh luận và trao đổi của mọi người có quan
tâm. Vì vậy, tôi đã biên tập lại đôi chút, chủ yếu là bỏ đi những câu chữ trùng
lặp hoặc sai sót do viết vội, và đăng lên đây để lưu cho tôi và chia sẻ với mọi
người. Xin mời các bạn đọc và trao đổi.
--------------
Phần 1
Sau một thời gian dài im lặng, "đùng một
cái" Hội nhà văn VN đã cho công bố toàn văn bản nhận xét phản biện đối với
LV của Nhã Thuyên của một trong những người tham gia hội đồng chấm lại luận văn
- bản phản biện của PGS PTT. Là một người quan tâm đến vụ NT từ năm ngoái nên
tôi đã bỏ thời gian đọc đi đọc lại bản nhận xét này, đồng thời cũng đọc lại LV
của NT để xác định xem những nhận xét của ông PTT có khách quan và chính xác không.
Với tất cả sự kính trọng đối với một người có tên
tuổi như ông PTT, và sự khiêm tốn của một người biết rõ rằng mình không có nghề
vì không phải là dân nghiên cứu văn học, tôi xin được trao đổi lại với ông PTT
một số điểm trong bản nhận xét của ông mà tôi thấy chưa hợp lý nếu không muốn
nói là đầy những quy chụp ác ý. Vì bài viết của ông khá dài, nên xin được viết
thành nhiều phần, bám sát theo cấu trúc bài phản biện của ông.
1.
Về lý do chọn đề tài
Trong mục này, tôi nhận thấy hình như ông PTT đọc LV
NT với những định kiến có sẵn, nên không hiểu đúng ý tác giả. Trong luận văn
của mình, NT đã viết rất rõ rằng MM là một hiện tượng văn học khá ầm ỹ và được
quan tâm nhiều ở trong và ngoài nước, nhưng chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng – có
lẽ là do tâm lý e ngại vì việc phổ biến thơ MM đã và đang gặp những ngăn trở
của an ninh văn hóa.Trong khi đó, theo tác giả LV thì đây là một hiện tượng
đáng quan tâm vì nó khá phổ biến trên thế giới, và có hẳn một lý thuyết để giải
thích hiện tượng này, đó là lý thuyết về trung tâm và ngoại vi (hay là tâm và
biên). Như vậy, theo tôi lý do chọn đề tài của NT là hoàn toàn hợp lý và khoa
học, thậm chí là một lý do rất tốt để thực hiện nghiên cứu.
Nhưng ông PTT lkhông hiểu như thế. Bằng thủ pháp
trích dẫn tùy tiện chỉ những câu chữ nào phục vụ cho những kết luận có sẵn, ông
PTT dường như muốn nói rằng NT chọn MM chỉ vì muốn ủng hộ sự nổi loạn, ủng hộ
'cách mạng', nói vắn tắt là vì NT ... phản động (từ này do ông
PTT sử dụng).
Có thể thấy rõ ông PTT đã hiểu sai, nếu không phải
là cố tình bóp méo, ý tưởng của tác giả LV qua đoạn trích dẫn sau đây:
Tác
giả cũng tự nhận thấy “cơ quan an ninh văn hóa Việt Nam vẫn tìm cách
kiểm soát và ngăn chặn sự phát triển” của nhóm này. Và vì vậy khi nghiên
cứu hiện tượng này, tác giả luận văn cũng “không được tự do”, “tính khách quan
trong nghiên cứu không được đề cao”, và vì thế tác giả “cũng là
một kẻ ngoài lề khi trực tiếp hay gián tiếp lựa chọn đứng về phía những cái bên
lề”.
Trích dẫn như trên, ông PTT dường như muốn nói NT có
ý chống lại cơ quan an ninh văn hóa; than phiền mình "không được tự
do", và bị biến thành "một kẻ ngoài lề khi ... chọn đứng về phía
những kẻ bên lề". Cần chú ý là đoạn trích dẫn và diễn giải nói trên được
đặt trước đoạn kết luận của mục 1, trong đó ông PTT quy kết rằng NT chọn đề tài
về nhóm MM chỉ vì cô ủng hộ một dòng văn chương mang tính nổi loạn, và vì thế
không thuần túy là văn chương mà là thực ra là vấn đề chính trị, phản kháng và
phản động. Việc kết nối chi tiết về an ninh văn hóa (vốn nằm ở một đoạn khác
trong cuốn LV để khẳng định rằng MM chưa/không được dòng văn học chính thống
chấp nhận) vào trích dẫn này cũng cho thấy ý đồ quy chụp của ông PTT đối với
tác giả, một sự xuyên tạc ác ý.
Do có nhiều người chưa/ không có thời gian đọc bài
của ông PTT nên tôi chép lại đoạn kết luận phần 1 của ông PTT vào dưới đây cho
tiện (phần in đậm). Mọi người sẽ thấy đây là một kết luận đầy ác ý:
Với
quan điểm lựa chọn như trên, có thế nói luận văn đã tập trung nghiên cứu một
hiện tượng nổi loạn, không chính thống, một hiện tượng bên lề, một dòng
ngầmkhông chỉ mang ý nghĩa văn chương đơn thuần mà còn mang ý nghĩa chính
trị phản kháng, phản động.
Còn đây là phần trích nguyên văn từ LV (phần in
nghiêng; tôi đã ngắt đoạn ra theo từng ý để dễ đọc):
------
Sức hấp dẫn của Mở Miệng như đối tượng trung tâm của
nghiên cứu này không đem lại sự tự do cho người nghiên cứu vì nhiều lẽ.
Thứ nhất, người viết không có sự tự do của việc khai
phá một xác chết hay phân tích một hóa thạch, trong khi không muốn làm bác sĩ
thực tập mổ xẻ một cơ thể sống và „đánh giá‟, „phê bình‟ những gì vẫn đang
trong xu hướng phát triển.
Thứ hai, tính chất khách quan của nghiên cứu không
được đề cao, bởi tôi sẽ tự thấy mình không có tâm thế để nói/viết về hiện tƣợng này, nếu như tôi không can dự phần nào vào đời sống thơ đương đại, như một kẻ „ở giữa‟, cũng là một kẻ „ngoài lề‟ khi trực tiếp hay gián tiếp lựa chọn đứng về phía những cái bên lề.
Tuy nhiên, tính chất không hoàn toàn khách quan và
sự trải nghiệm này có thể góp thêm vào những diễn giải về một hiện tượng chưa
hoàn tất, nói riêng Mở Miệng và nói chung về dòng văn học ngầm ở Việt Nam.
Nỗ lực của tôi là nỗ lực của kẻ quan sát và tái
hiện, dưới góc nhìn cá nhân đối với một hiện tượng đáng kể về văn học và văn
hóa nói chung trong nhiều năm qua ở Việt Nam.
------
Một người có trình độ đọc hiểu và hiểu biết về các
phương pháp nghiên cứu ở mức trung bình như tôi cũng có thể thấy đoạn văn này
nhằm xác lập cách tiếp cận nghiên cứu của tác giả, ở đây là cách tiếp cận
"nghiên cứu tham dự" (participatory research). Theo lời của NT, cách
tiếp cận này là bắt buộc vì đối tượng nghiên cứu mà cô đã chọn không
đem lại sự tự do cho người nghiên cứu - hoặc nói một cách đơn giản hơn,
đối tượng NC này không cho phép tác giả có lựa chọn nào khác, vì các lý do đã
được tác giả LV nêu rõ trong phần giải thích (các đoạn bắt đầu bằng cụm từ
"thứ nhất" và "thứ hai" trong đoạn trích ở trên).
Mặt khác, NT cũng đang thừa nhận những hạn chế của
cách tiếp cận mà cô đã chọn, vì một khi đã là "nghiên cứu tham dự"
thì ắt hẳn nó không thể hoàn toàn khách quan (theo lời của NT, tính
chất khách quan của nghiên cứu không được đề cao). Tuy nhiên, mặc dù có
những hạn chế, thì chính sự chủ quan (= nhìn bằng đôi mắt của người trong cuộc)
này cũng sẽ có thể giúp ta hiểu thêm về một hiện tượng mới mẻ và vẫn đang tiếp
tục diễn ra như hiện tượng về nhóm MM.
Cách tiếp cận đã chọn hoàn toàn phù hợp với mục đích
của tác giả là "quan sát và tái hiện dưới góc nhìn cá nhân đối với một
hiện tượng đáng kể về văn học và văn hóa" (chỗ in nghiêng là lời của
NT). Nói ngắn gọn, theo tôi thì lý do chọn đề tài của cuốn LV đã được viết rất
tốt, nêu rõ tại sao tác giả lại chọn đề tài này (một vấn đề chưa được nghiên
cứu đầy đủ), cách tiếp cận của tác giả (nghiên cứu tham dự) và mục đích của
nghiên cứu (quan sát và tái hiện một hiện tượng chưa được hiểu rõ). Nếu LV có
điểm gì đó "phản động" (!?) thì điều đó không hề bộc lộ trong phần 1
của cuốn LV này.
Ngoài việc ông PTT đã quy chụp cho NT những gì cô ấy
không viết, qua những gì ông PTT đã viết ở trên tôi còn ngờ rằng ông
không hiểu nhiều về các cách tiếp cận nghiên cứu đối với các ngành nhân văn
(như văn hóa, văn học). Nếu ông chưa bao giờ nghe về "nghiên cứu tham
dự", xin ông vui lòng google với cụm từ "participatory
research", chắc chắn sẽ có rất nhiều bài viết dễ hiểu để ông có thể đọc.
Ông PTT nói sao về những gì tôi vừa viết ở trên?
*
Phần 2
Trong mục 1 của bài phản biện, ông PTT đã xem xét lý
do chọn đề tài của NT rồi kết luận một cách quy chụp ác ý, dựa trên những trích
dẫn được cắt ghép tùy tiện (như tôi đã phân tích trong Phần 1) rằng NT chọn MM
chỉ vì muốn ủng hộ sự nổi loạn, hay nói ngắn gọn là vì NT "phản
động" (từ của ông PTT). Trong hai phần tiếp theo, ông PTT tiếp tục
trích dẫn một số câu, đoạn trong LV của NT, để từ đó đưa ra kết luận gọn lỏn
rằng "Như vậy có thể thấy đối tượng, tài liệu nghiên cứu đều không mang
tính chính thống, thiếu độ tin cậy." Kết luận này của ông PTT có
thuyết phục không? Chúng ta hãy thử xem xét lập luận của ông PTT và so sánh nó
với những gì NT trong LV của cô.
2.
Về lịch sử vấn đề
Không giống với phong cách đã sử dụng ở mục 1 (trích
dẫn --> bình luận --> kết luận), ở phần này ông PTT chủ yếu nêu lại những
gì NT đã viết, nhưng với hàm ý rất rõ ràng rằng cách làm của NT là sai vì sử
dụng tài liệu phi chính thống (bài viết công bố trên mạng Internet, blog cá
nhân, hải ngoại ...). Ngoài ra, tác giả vẫn tiếp tục lối trích dẫn cắt xén tùy
tiện, xoáy vào những câu từ dễ gây nghi ngại và được hiểu là mang hàm ý phản
động, lật đổ (chính quyền?) như "khả năng gây hấn", "cùng hội
cùng thuyền", vv. Hàm ý này lộ rõ trong đoạn thứ hai của mục 2 (trích dẫn
dưới đây, phần in đậm); những đoạn còn lại trong bài chỉ đơn thuần lập lại ý
của tác giả LV.
Trích:
Đáng
lẽ, lịch sử vấn đề ở đây phải là lịch sử nghiên cứu có liên quan đến đề tài
nhưng do Mở miệng là một hiện tượng mới, lại là hiện
tượng bên lề, hiện tượng thuộc về Dòng ngầm theo
nhãn quan của tác giả nên phần Lịch sử vấn đề, ngoài hai tài
liệu (luận văn, luận án) được thực hiện ở Khoa Ngữ văn – Đại học Sư phạm Hà Nội
trong năm 2009 có liên quan ít nhiều đến đề tài, thì phần lớn các tài liệu được
viện dẫn đều là những bài báo, bài giới thiệu công bố trên mạng Internet, trên
các Blog cá nhân. Theo tác giả “cho đến thời điểm này (cuối 2010) các báo chí
trong nước vẫn từ chối các bài viết về, hay thậm chí việc điểm danh đến Mở
miệng cũng không được chấp nhận”. Các chỉ dẫn về tài liệu cho thấy
phần lớn là các bài báo in ở Hải ngoại, của những người mà tác giả cho là “cùng
hội cùng thuyền”, cùng vị tríbên lề so với vị trí quyền lực chính
thống ở Việt Nam. Nhưng “dù mang tính chất tán tụng hay chính trị, hay nghiên
cứu cũng đều cho thấy sự hiện diện và khả năng gây hấn mạnh mẽ của họ”.
Vậy NT đã viết gì, và nhằm mục đích gì? Khi đọc vào
LV, một lần nữa tôi thấy sự cặn kẽ và nghiêm túc của NT. Trong gần 12 trang
giấy trên tổng số hơn 100 trang, tức hơn 1/10 chiều dài của LV, tác giả đã
không chỉ xem xét báo mạng hoặc những bài viết ở hải ngoại, mà đi dọc suốt thời
gian từ sự ra đời của MM đến những phản ứng đầu tiên trên báo mạng ở hải ngoại,
đến những phản ứng của báo chí chính thống và các tác giả trong nước, rồi đến
các luận văn trong nước có đề cập đến MM gần đây. Sau khi điểm qua các bài viết
phê bình liên quan đến MM, tác giả NT đã tách riêng ra thảo luận một số bài
viết mà theo cô là quan trọng vì nó thể hiện quan điểm khách quan và độc
lập (những từ in nghiêng là của NT). Và cuối cùng, cô chỉ ra những
khoảng trống mà theo cô cần phải được lấp đầy, và cũng là điều mà tác giả
mong muốn thực hiện trong LV này, đó là: (1) mô tả trung thực về thực
tiễn văn học sử, từ đó, dựa trên sự thẩm thấu các lý thuyết mới để nhìn lại các
vấn đề của Việt Nam; (2) dùng nghiên cứu và phê bình để tạo sự
tương tác với không gian ngoại biên để làm đối trọng và gây chuyển động đối
với các hiện tượng bên lề như MM; và (3) cố gắng giải mã
đúng lúc, thừa nhận và thấu hiểu các thân phận ngoại biên, những tiếng nói ngầm,
hòng tránh được tình trạng những tiếng nói tiên phong lại có thể biến
thái thành sự thủ dâm tinh thần còn những cái già cỗi thì cố thủ thành trì ù lì
và chật chội của nó (một lần nữa, những từ in nghiêng là của NT, ở
trang 15-16; đôi khi câu chữ có được sắp xếp lại đôi chút cho hợp với cấu trúc
ngữ pháp trong câu viết của tôi).
Xin chú ý đến phần tôi nhấn mạnh (in nghiêng đậm,
mục đánh số 2 ở trên): một trong những mục đích của NT là dùng nghiên cứu và
phê bình để "tạo sự tương tác với không gian ngoại biên làm đối trọng
và gây chuyển động“[đối với các hiện tượng bên lề như MM]. Theo tôi, đây là
một quan điểm tích cực và cần thiết, thể hiện đúng vai trò tiên phong và hướng
dẫn dư luận của một trường sư phạm, tất nhiên đó là một sự hướng dẫn của những
người trí thức dựa trên sự hiểu biết cặn kẽ những quy luật phát triển và sự bao
dung đối với những hiện tượng mới, chứ không phải hướng dẫn theo cách áp đặt
chủ quan, thành kiến và giáo điều như quan điểm mà ông PTT là người đại diện.
Nếu ông PTT quả đã đọc LV NT một cách nghiêm chỉnh
thì tôi tin rằng ông chắc chắn cũng sẽ nhận ra những điều mà tôi đã nêu. Chính
vì vậy, sự quy chụp trong bài viết của ông khiến tôi chỉ có 2 cách hiểu: một là
ông không hề thực sự đọc mà chỉ lướt qua để nhặt ra những câu chữ có vẻ
"phản động" nhằm minh họa cho cái kết luận mà ông (hoặc ai đó) đã có
sẵn trong đầu - nói cách khác, là đọc với một thành kiến nặng nề nên không thể
hiểu, như tôi đã cảm nhận sau khi đọc phần 1 của bài phản biện của ông; còn nếu
không thì chỉ có thể là ông đã đọc, đã hiểu nhưng vì tư thù, muốn hại NT hoặc
người hướng dẫn hoặc hội đồng chấm LV lần 1, nên cứ cố tình quy chụp để làm hại
tác giả NT và những người liên quan.
Ông PTT nói sao về những điều tôi vừa viết ở trên?
*
Phần 3
3.
Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
Mục 3 trong bài phản biện của ông PTT( về đối tượng
và phạm vi nghiên cứu) theo tôi là một mục viết không đạt, kể cả khi xét theo
chính tiêu chuẩn của ông PTT như đã được xác lập qua mục 1 và mục 2. Có thể
nói, khả năng phản biện/thuyết phục người đọc của ông PTT từ mục 1 đến mục 3
thể hiện một sự giảm sút đáng kể.
Ở mục 1, ông PTT trích dẫn NT, nêu những bình luận
và diễn giải của ông, rồi đưa ra kết luận (dù không mấy thuyết phục vì đầy quy
chụp ác ý). Ở mục 2, ông trích dẫn rất nhiều mặc dù bình luận diễn giải hoặc
kết luận gì cả, nhưng câu chữ của ông toát ra một hàm ý kết án nặng nề. Cả 2
mục trên đều có độ dài khoảng trên 20 dòng, bao gồm 3, 4 đoạn, đa số là trích
dẫn.
Riêng mục 3 thì rất ngắn, chưa đến 10 dòng, gồm 2
đoạn trích dẫn và một câu kết luận như một lời phán từ trời cao vọng xuống. Xin
trích nguyên văn:
“Đối
tượng của luận văn là thực hành thơ của nhóm Mở miệng với vị trí bên lề và những
cách tân, cách mạng trong tư tưởng nghệ thuật của họ. Mở miệng cùng với các
hiện tượng khác tạo thành Dòng ngầm, thành một quá trình ngoại vi hóa đang diễn
ra như một hiện tượng có tính chất quốc tế”.
“Các
tác phẩm được khảo sát là những tập thơ của thành viên nhóm Mở miệng và những
người cùng chí hướng. Ngoài một số bản đã bị công an văn hóa tịch thu, thiêu
hủy, tư liệu nghiên cứu hầu hết là những tác phẩm thơ của Mở miệng mà Giấy vụn
xuất bản được lưu giữ bằng File hoặc chuyển qua Email”.
Như
vậy có thể thấy đối tượng, tài liệu nghiên cứu đều không mang tính chính thống,
thiếu độ tin cậy.
Tôi rất ngỡ ngàng khi đọc lời kết luận của mục 3 -
mà thực ra đã gồm cả hàm ý của mục 2 khi ông PTT nhấn mạnh - một cách thiếu
chính xác - rằng NT chỉ sử dụng tài liệu phi chính thống (xin xem lại phần 2).
Theo ông, vì tài liệu (đã nêu ở mục 2) và đối tượng nghiên cứu là "không
mang tính chính thống" nên (?) "thiếu độ tin cậy".
Nhưng tại sao lại như thế?
Với kinh nghiệm và hiểu biết ít ỏi của mình, tôi
không thấy có lý do gì để phải chọn một đối tượng nghiên cứu "chính
thống" (mà đối tượng nghiên cứu nào được xem là chính thống nhỉ?) thì mới
có thể "tin cậy" cả. Ngược lại, tôi chỉ biết rằng những người nghiên
cứu có bản lãnh thì thường không thích chọn những vấn đề/đối tượng truyền thống
vốn đã được quá nhiều người đi trước tìm hiểu, vì nó sẽ không còn nhiều điều
mới mẻ để khám phá. Trừ phi, tất nhiên, nhà nghiên cứu áp dụng những lý
thuyết mới vào việc nghiên cứu những đối tượng truyền thống (không phải chính
thống) để từ đó đưa ra những phát hiện mới mà những người nghiên cứu trước đó
không nhìn ra được.
Tôi cũng không thấy tại sao việc sử dụng những tài
liệu "không mang tính chính thống" (tức tài liệu công bố trên
Internet, qua email, báo chí hải ngoại vv) lại làm cho nó "thiếu độ tin
cậy". Trước hết, cần phải khẳng định rằng đã từ lâu (ít ra là từ đầu
thiên niên kỷ mới) các tài liệu đăng trên mạng đã được xem là "chính
thống" chứ chẳng còn là phi chính thống nữa. Các quy định về hình thức
trình bày các tài liệu tham khảo của MLA (Modern Language Association, định
dạng được sử dụng phổ biến cho khối ngành nhân văn) đều có mục dành riêng cho
các tài liệu điện tử (gồm các trang web, cơ sở dữ liệu điện tử, và cả email
...), cho thấy đây là một nguồn tài liệu được sử dụng thường xuyên và phổ biến.
(Xem ở đây: https://owl.english.purdue.edu/owl/resource/747/08/).
Việc NT sử dụng nhiều tư liệu điện tử khi nghiên cứu
về MM chỉ đơn giản là vì các tài liệu về MM có nhiều hơn ở dạng điện tử, chứ
không phải vì cô ấy cố tình bỏ qua những tài liệu ở dạng giấy mặc dù chúng có
tồn tại. Lý do thì NT đã phân tích rõ từ Lý do chọn đề tài rồi: Cho đến nay MM
vẫn bị xem là cấm kỵ nên không có nhiều nghiên cứu bàn luận về nó trên các diễn
đàn chính thống ở VN. Chẳng lẽ ông PTT lại không hiểu điều này, hay ông có hiểu
nhưng vẫn cố tình bỏ qua để có thể kết luận là tác giả đã sai khi dùng tài liệu
"phi chính thống"?
Mà giả sử cứ cho rằng tài liệu điện tử quả thật bị
coi là "phi chính thống" ở VN, thì điều ấy cũng không đương nhiên làm
ảnh hưởng đến "độ tin cậy" của LV. Tôi không rõ ông PTT đang sử dụng
từ "độ tin cậy" với nghĩa gì, vì từ này có thể dịch ra khá nhiều từ
khác nhau trong tiếng Anh. Nếu là một nghiên cứu theo phương pháp định lượng
(không phải là phương pháp mà NT đã chọn) thì độ tin cậy được hiểu là tương
đương với reliability (=có khả năng lặp lại), hoặc tùy trường hợp cụ thể, có thể là
internal validity (= sự nhất quán nội tại). Tuy nhiên, vì LVNT là một nghiên
cứu định tính, nên "độ tin cậy" phải hiểu tương đương với
dependability (= phù hợp với bối cảnh cụ thể) hoặc credibility (= phản ánh đúng
nhãn quan của khách thể nghiên cứu). (Xem định nghĩa ở đây: http://www.socialresearchmethods.net/kb/qualval.php)
Nếu xét theo những định nghĩa vừa nêu thì NT đã làm
hoàn toàn đúng: cô đã xem xét MM trong bối cảnh xã hội của nó, với tư thế “nhập
cuộc” như một người bên trong để có thể hiểu đúng ý nghĩa những gì mà nhóm MM
đã làm khi họ "thực hành thơ" theo một kiểu quái gở, nổi loạn, tục
tĩu vv như vậy.
Chốt lại, tôi thấy rằng ở mục 2 và mục 3 của bài
phản biện, ông PTT thêm một lần bộc lộ rằng mình đã hiểu sai tác giả (vô tình
hoặc cố ý), đồng thời cũng lộ rõ ý đồ quy chụp bằng mọi giá bằng cách trích dẫn
có dụng ý, cắt ghép tùy tiện, hoặc/và đưa ra những lời kết luận thiếu căn cứ và
thiếu logic. Không những thế, có thể vì viết quá ngắn gọn (chủ yếu trích dẫn
tác giả LV, sau đó phán ra những kết luận quy chụp) nên tôi không hiểu ông PTT
có thực sự có những hiểu biết về các phương pháp và mô hình nghiên cứu, cũng
như các thuật ngữ thường dùng để bàn về các phương pháp nghiên cứu hay không.
Tất nhiên đó chỉ là những nghi ngờ và thắc mắc dựa trên một bài phản biện ngắn,
và không đủ cho phép tôi kết luận về người viết phản biện.
Tôi mong chờ được nghe lời hồi đáp của ông PTT về
những gì tôi đã viết ở trên.
*
Phần 4
Mục 4, cũng là mục cuối cùng và quan trọng nhất
trong bài phản biện của PTT, được viết rất dài vì nó liên quan đến phần chính
của LV. Như tôi đã phân tích, các mục 1, 2, 3 trong bài phản biện của ông PTT
chưa hoàn toàn thuyết phục, nhưng người đọc vẫn mong đợi ông PTT sẽ đưa ra
những lập luận vững chắc và thuyết phục để làm căn cứ cho quyết định tước bằng
của NT trong phần chính (rất dài) này.
Nhưng, thật thất vọng, phần cuối cùng của bài phản
biện vẫn được viết theo cùng một cách đã thấy trong 3 mục trước, trích dẫn rất
nhiều nhưng không đầu không đuôi, không có bất kỳ nhận định nào về sự phù hợp
của hệ thống lý luận, tính logic của các lập luận và diễn giải, sự đầy đủ và
thuyết phục của các chứng cứ của tác giả LV, mà chỉ chú trọng những đoạn có câu
chữ "nhạy cảm" để từ đó suy đoán về thái độ "phản động" của
tác giả, rồi sau đó đưa ra những lời phán mang tính quy chụp mà nhiều khi chẳng
ăn nhập gì đến những phần đã trích dẫn. Không những thế, bài phản biện của ông
PTT còn cho thấy hình như ông không thực sự đọc cuốn LV, hoặc khả năng đọc hiểu
của ông có vấn đề nghiêm trọng, vì những phần tóm tắt hoặc mô tả luận văn (rất
ít ỏi) của ông đều có sai sót không nhỏ.
Xin phân tích những điểm sai lầm trong bài viết của
ông PTT dưới đây. Những phần in đậm là phần được trích từ trong bài viết của
ông PTT, còn những phần in nghiêng là phần được trích từ LV của NT:
1. Trích:
Chương
I: Ngoại vi hóa như một chiến lược tồn tại của cái khác
Có
thể xem đây là chương tác giả luận văn viết về hoàn cảnh của sự ra đời
nhóm Mở miệng.
Bình luận: Thực ra, chương I của LV không chỉ viết
về hoàn cảnh ra đời của MM, mà quan trọng hơn là tập trung giải thích khái
niệm "lề", là khái niệm căn bản cho các lập luận và diễn giải của tác
giả đối với các hiện tượng bên lề trong đó có thơ MM. Có thể nói đây là phần
cung cấp cơ sở lý luận cho toàn bộ luận văn. Không hiểu ông PTT đọc thế nào mà
lại phán rằng đây là chương viết về hoàn cảnh ra đời của nhóm MM? Chỉ có thể
nói: Hẳn là ông PTT giả định như vậy, vì đó là cấu trúc truyền thống của nhiều
LV mà ông đã đọc, đã hướng dẫn, đã phản biện vv - một cấu trúc "chính
thống", nói theo ngôn ngữ của ông?
Tiếc thay, NT lại đã chọn một cách làm mới mẻ,
"phi chính thống" (!), và đó rất có thể là lý do khiến nhiều người
đọc (như ông PTT) mà không hiểu ý của cô. Và vì vậy, họ chỉ có thể xoáy vào
những câu từ mà họ nghĩ là "phản động" - vì quả thật NT dùng nhiều từ
liên quan đến "chính trị", "nổi loạn", "lật đổ",
"cách mạng" mà thôi - nhưng xin thưa, đó lại chính là diễn ngôn quen
thuộc của cái lý thuyết mà NT đang vận dụng trong luận văn.
2. Trích:
Từ
cơ sở lý thuyết và sự tri nhận lý thuyết của tác giả, văn học Việt Nam đương
đại được nhìn nhận như sau: “Dòng ngầm văn chương và nghệ thuật trong
bối cảnh Việt Nam đương đại đã hiển hiện như một xu thế mạnh mẽ, đặc biệt từ
điểm khởi đầu thiên niên kỷ mới. Sự xuất hiện của những cặp khái niệm ngoại
vi-trung tâm; chính thống-phi chính thống; phụ lưu-chính lưu… cho thấy nỗ lực
mô hình hóa những không gian văn chương xung đột (thấy được và ngầm ẩn) và phân
chia quyền lực; những cuộc tấn công và chống giữ, những tranh đấu khó hòa giải…
khi tính thống nhất của ý thức hệ bị phá hủy”.
Đó
là những luận điểm sai trái mang tính kích động chính trị rõ rệt.
Bình luận: Đoạn trích nêu trên nằm ở trang 26, tức
là ở cuối phần 1 của chương 1. Trong phần này, tác giả LV tập trung nêu tổng
thuật lý luận của tác giả nước ngoài về khái niệm ngoại vi-trung tâm, để rồi
sau đó đưa ra nhận định của cô về thực trạng văn học VN vào đầu thế kỷ 21 theo
đúng lý thuyết mà cô đã chọn (và sử dụng đúng diễn ngôn của lý thuyết ấy - xin
xem lại nhận định ở đoạn trên).
Khi phán rằng đây là một "luận điểm sai trái",
phải chăng ông PTT muốn nói là lý thuyết về "ngoại vi-trung tâm" là sai
trái, nhưng tại sao? Phải chăng ông đang muốn nói rằng ở VN, không một ai, kể
cả các nhà khoa học, có quyền tự đọc các lý thuyết mới và áp dụng nó để lý giải
các hiện tượng mới mẻ đang diễn ra trong xã hội, như NT đang muốn làm trong LV
của cô, mà phải chờ sự phê duyệt của ai đó ở cao hơn?
Nếu thế, tôi e rằng chúng ta không còn trong địa hạt
khoa học nữa, và ông PTT đang (vô tình) khẳng định điều người ta nghi ngờ lâu
nay rằng NT bị tước bằng thực ra là vì lý do chính trị (do ông và những người
giống như ông không thích cái lý thuyết mà NT đang vận dụng). Còn nếu muốn
tranh luận khoa học, ông cần phải chỉ ra rằng tại sao theo ông thì lý thuyết mà
NT đã chọn không phù hợp để giải thích những gì đang diễn ra tại VN, cụ thể là
sự xuất hiện của nhóm MM và các hiện tượng tương tự. Ông có thể giúp mọi
người xóa tan nghi ngờ này chăng?
3. Trích:
Sau
những phân tích, phê phán thái độ phản kháng nửa vời của nhóm Nhân văn
giai phẩm, tác giả luận văn CỔ SÚY cho những động cơ cách tân và cách mạng
của nhóm Mở miệng như sau:
“Nhu
cầu cách tân như một lẽ sống còn của nghệ thuật mới là lý do tồn tại thực sự
của Mở miệng – một nhóm văn chương; nhưng nhu cầu cách
mạng lại trở thành điều kiện để họ thực hiện cái lẽ sống còn đó”... “Chính sự
biến đổi từ nhu cầu cách tân sang cách mạng này tiết lộ một đặc tính của văn
chương nghệ thuật trong mối quan hệ với bối cảnh: ý hướng cách tân văn chương
không thể thực hiện được nếu không kết hợp với sự đấu tranh, với những tiếng
nói đòi quyền lực, hay đòi xác lập một bản đồ văn chương mới. Đấy cũng là tiền
đề cho một sự thay đổi nhận thức về tính tiên phong của văn chương giai đoạn
này: mọi cách tân văn chương ở những giai đoạn khủng hoảng niềm tin và những
trông đợi vào thể chế thường đến cùng với những tham vọng lật đổ ý thức hệ”.
So
sánh hai nhóm (NV và MM) tác giả nhận xét: “Tính chất chính trị trong
tinh thần đấu tranh với quyền lực thống trị là đặc điểm chung của họ, nhưng sự
khác biệt về vị trí kẻ ở bên lề và kẻ ở bên trong dẫn đến sự khác biệt và bản
chất ý nghĩa của từ chính trị: NV – GP quan hệ với thể chế hữu hình; MM xác lập
quan hệ với những thiết chế vô hình trong sự tan rã của ý thức hệ thống nhất
của thế chế”... “Ở đây không gian văn hóa đã thành không gian đấu trường của
những quyền lực văn hóa với khát vọng chính đáng của sự thay thế, chuyển động”.
Kết
thúc luận điểm này, tác giả luận văn HÔ HÀO: “Chính thời khắc khủng
hoảng luôn là thời khắc có tính quyết định: hủy bỏ cái cũ, thiết lập cái mới,
với nhu cầu của một thế hệ khác”.
Bình luận: Đoạn trích vừa nêu của PTT rất tiêu biểu
cho phong cách của ông, đó là lựa chọn những đoạn có ngôn từ hoặc vấn đề được
xem là "nhạy cảm" (ví dụ: hiện tượng Nhân văn - Giai phẩm; những từ
ngữ như "cách mạng", "đấu tranh", "ý thức hệ",
"quyền lực" ...) rồi tùy tiện đưa ra lời phán của mình về động cơ
"phản động" của NT. Trong phần trích dẫn dài ở trên, ông PTT không có
bất kỳ lập luận hoặc diễn giải nào, mà chỉ đưa ra hai từ quy chụp mà tôi đã
viết in hoa trong đoạn trích nói trên: "cổ súy" (trong đoạn trích đầu
tiên), và "hô hào" (trong đoạn trích cuối cùng). Trong khi đó, như
nhiều người khác cũng đã chỉ ra, NT không hề cổ súy hay hô hào gì cả, mà chỉ
đơn thuần áp dụng lý thuyết mình đã chọn để lý giải hiện tượng MM cũng như các
hiện tượng tương tự (mà cô gọi là hiện tượng bên lề) mà thôi. Xin nhắc lại,
ngôn ngữ mà cô sử dụng phản ánh rất rõ cái diễn ngôn quen thuộc của lý thuyết
mà cô đang áp dụng.
(Viết đến đây, tôi nhớ lại ngôn ngữ cũng rất kích
động, kêu gọi sự nổi dậy, đấu tranh, chống đối ... của lý thuyết kinh tế chính
trị của Karl Marx - một lý thuyết mà chắc chắn những người theo chủ nghĩa tư
bản không thích, vì nó phê phán CNTB rất nặng nề. Tuy nhiên, xét về mặt khoa
học, người ta vẫn rất quan tâm đến nó và nó vẫn được giảng dạy và nghiên cứu
đến nơi đến chốn ở các nước phương tây. Tôi xin phép không bình luận thêm.)
4. Trích:
Tóm
lại, đây là chương được xem như cơ sở lý thuyết, như là khung lý luận của luận
văn. Về thực chất đây là một luận văn chính trị trá hình, văn chương chỉ là cái
cớ.
Bình luận: Đây là nhận xét kết thúc chương 1 của ông
PTT. Nhận xét này vừa mâu thuẫn với nhận xét nêu trong đoạn trích đánh số 1 ở
trên (đây là chương tác giả luận văn viết về hoàn cảnh của sự ra đời
nhóm Mở miệng), vừa sai khi viết "văn chương chỉ là cái
cớ" - vì NT không xem xét hiện tượng MM dưới góc độ văn học, mà xem
xét nó dưới khía cạnh (chính trị học) văn hóa. Ông PTT cũng rất sai khi viết
"đây là một luận văn chính trị trá hình" vì NT không hề trá
hình gì cả (nếu trá hình thì đã chẳng dại gì mà sử dụng đầy rẫy những ngôn từ
nhạy cảm, sờ đâu cũng bắt được như trong cuốn LV này). NT đã nêu rõ mục đích
(không cần trá hình) của LV trước khi bước vào chương 1. Xin xem đoạn trích
dưới đây (phần viết in hoa là do tôi nhấn mạnh):
NT:
Vấn đề chính được đưa ra ở đây là VỊ TRÍ BÊN LỀ của
Mở Miệng: Vị trí này là gì? Họ đã nói được kinh nghiệm gì? Họ làm gì, như thế
nào? Hình ảnh tương lai của nó? Có thể bình luận gì về tính cách tân và cách
mạng của nó? (tr. 18)
Cũng xin giải thích thêm với ông PTT "văn hóa
học" là một ngành học liên ngành, trong đó có áp dụng rất nhiều lý thuyết
của chính trị học để giải quyết những vấn đề đang diễn ra hàng ngày trong cuộc
sống của con người. Nói cách khác, văn hóa không loại trừ chính trị; chính trị
cũng là văn hóa và văn hóa cũng là chính trị. Xin ông đọc tạm bài này trên
wikipedia để hiểu thêm: http://en.wikipedia.org/wiki/Cultural_studies.
5. Trích (những từ viết in hoa là do tôi nhấn mạnh):
II.
Sự khác biệt trong ý thức phản kháng của Nhóm nhân văn giai phẩm với
nhóm Mở miệng còn được tác giả đặt trong bối cảnh rộng hơn là
miền Nam và miền Bắc, Hà Nội và Sài Gòn để so sánh nhằm thấy rõ “sự khác biệt
trong chủ trương đường lối và ý hướng thơ ca”.
Theo
Đỗ Thị Thoan, “Nhân văn giai phẩm là phản ứng Chống sự áp chế của bộ
máy quản lý văn nghệ. Họ chủ yếu “đòi một thứ dân chủ gọi tên được, chống lại
dàn đồng ca thơ cách mạng”. Còn nhóm Mở miệng cũng Chống nhưng hướng tới cái
Khác biệt”.
Sau
những phân tích, phê phán thái độ phản kháng NỬA VỜI của nhóm Nhân văn
giai phẩm, tác giả luận văn CỔ SÚY cho những ĐỘNG CƠ cách tân và cách mạng
của nhóm Mở miệng như sau: [...].
[...]
So
sánh hai nhóm (NV và MM) tác giả nhận xét: “Tính chất chính trị trong
tinh thần đấu tranh với quyền lực thống trị là đặc điểm chung của họ, nhưng sự
khác biệt về vị trí kẻ ở bên lề và kẻ ở bên trong dẫn đến sự khác biệt và bản
chất ý nghĩa của từ chính trị: NV – GP quan hệ với thể chế hữu hình; MM xác lập
quan hệ với những thiết chế vô hình trong sự tan rã của ý thức hệ thống nhất
của thế chế”... “Ở đây không gian văn hóa đã thành không gian đấu trường của
những quyền lực văn hóa với khát vọng chính đáng của sự thay thế, chuyển động”.
Kết
thúc luận điểm này, tác giả luận văn HÔ HÀO: “Chính thời khắc khủng
hoảng luôn là thời khắc có tính quyết định: hủy bỏ cái cũ, thiết lập cái mới,
với nhu cầu của một thế hệ khác”.
Bình luận: Cũng giống như những phần trước, ở đây
ông PTT lại tiếp tục trích dẫn có dụng ý, không đầu không đuôi và rất
dài, không lập luận mà chỉ kết luận theo kiểu quy chụp dựa trên một vài
câu từ có vẻ có vấn đề. Xin chú ý ngôn ngữ quy chụp của ông PTT: (phản kháng) nửa
vời (của nhóm NVGP), cổ súy, động cơ (cách tân và cách mạng
của nhóm MM), hô hào .... Tôi sẽ không bình luận thêm, ai quan tâm xin
đọc ở mục trích số 3 sẽ rõ.
Không chỉ quy chụp, ông PTT còn cho thấy hoặc ông
không đọc kỹ LV mà vẫn phán, hoặc khả năng đọc hiểu của ông có vấn đề, khi cho
rằng NT "phê phán thái độ phản kháng NỬA VỜI" của NVGP và
"cổ súy cho những ĐỘNG CƠ cách tân và cách mạng" của MM. Khi
đọc vào luận văn, phần so sánh NVGP và MM (trang 32-35), ta không thể tìm ra
được một chỗ nào cho thấy tác giả LV phê phán nhóm này và cổ súy cho nhóm kia,
lại càng không có chỗ nào nói rằng NVGP là nửa vời, mà chỉ thấy tác giả đơn
thuần phân tích sự khác biệt giữa hai nhóm: một bên là một phong trào đòi dân
chủ, "chống sự áp chế của bộ máy quản lý văn nghệ", bên kia
chỉ là đòi hỏi làm mới, cách tân, đòi hỏi "dân chủ trong ngôn ngữ"
(những phần in đậm trong ngoặc kép là trích từ bài viết của ông PTT, còn phần
in nghiêng trong ngoặc kép là trích từ LVNT).
Ngay cả khi xét theo mục đích của ông PTT là so sánh
những gì NT đã viết về hai nhóm trên để quy chụp về chính trị thì ông vẫn rất
sai, vì LV của NT cho thấy chính NVGP mới "triệt để" về chính trị chứ
không phải là MM, vì NVGP đòi dân chủ, chống áp chế của quyền lực chính trị,
còn MM thì không chống một người nào cụ thể hoặc đòi hỏi một cái gì có thể gọi
tên, mà chỉ muốn tồn tại ở vị trí kẻ bên lề và làm những điều khác biệt như một
chiến lược tồn tại. Ngoài ra, tôi cũng không hiểu là ông dùng từ "ĐỘNG
CƠ (cách tân và cách mạng)" để nói về nhóm MM là có ý gì? Vì cả
hai cụm từ (phản kháng) "NỬA VỜI" và "ĐỘNG CƠ"
(cách tân và cách mạng) đều không được tác giả LV sử dụng để nói về hai nhóm
nói trên. Phải chăng ông viết như vậy chỉ nhằm mục đích quy chụp về động cơ
chính trị, phản động đối với NT?
Xin trích một đoạn trong LV của NT để làm chứng cứ
cho những gì tôi mới viết ở trên (là điều mà lẽ ra ông PTT cũng phải làm trong
bài phản biện của mình):
Nảy nở từ trong lòng đô thị Sài Gòn, Mở Miệng
thừa hưởng những phẩm tính sáng tạo của di sản văn học miền Nam thời tạm
chiếm. Mở Miệng ra đời trước hết là một nhóm văn chương, với những kẻ
đeo đuổi văn chương, mang ý hướng cách tân nghệ thuật chứ không phải một
nhóm chính trị có mục đích chống chính sách, vì chính sách
không còn can hệ tới thế hệ của họ. Mở Miệng ra đời trước hết để PHẢN THƠ
chứ không phải để PHẢN KHÁNG. Trong cùng khoảng thời gian những năm 1950,
nếu ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, Nhân Văn - Giai Phẩm là nỗ lực thất bại
chống lại sự độc tài của lãnh đạo và đòi nghệ thuật được là nghệ
thuật, thì nhóm Sáng Tạo ở Sài Gòn là cuộc nổi loạn mang tính khai phá về
thi pháp. Mở Miệng, sinh ra trong bối cảnh „thống nhất đất nước‟ đã tiếp
thu cả hai nguồn nổi loạn ấy, để bị/được gánh vác thêm vai trò của „những
kẻ phản đảng‟ bên cạnh ý hướng văn chương. (tr. 34)
Nhân tiện, cũng xin nhắc ông PTT phần chú giải của
NT ở trang 36 về nghĩa của từ "chính trị" đang được sử dụng theo
nghĩa của văn hóa học mà NT đã dùng trong LV của cô. Ông PTT có thể phê phán
phần chú giải này nếu ông thấy nó không đúng với hệ thống lý luận mà NT đã
chọn, chứ không thể bỏ qua không thèm đếm xỉa đến nó, mà vẫn (cố tình?) hiểu
"chính trị" (và toàn bộ diễn ngôn có liên quan) theo cách hiểu của
ông, từ đó quy chụp cho NT mọi động cơ chính trị mà chẳng cần chứng cứ nào
ngoài một vài câu từ mà ông không thích do đã hiểu sai.
Trích từ LV NT (phần chữ in hoa là nhấn mạnh của
tôi):
Xin được chú giải thêm, trong nghiên cứu văn hóa,
thuật ngữ „chính trị‟ („politics‟ ) có một phạm vi ứng dụng rộng rãi: nó
ám chỉ sự phân bố và hoạt động của quyền lực, không được /bị giới hạn với
chính trị của Đảng, CŨNG KHÔNG PHẢI CHỈ ĐƯỢC XEM XÉT VỀ SỰ HOẠT ĐỘNG CỦA QUYỀN
LỰC BỞI CHÍNH QUYỀN. [...] Quan niệm phổ biến ở Việt Nam thường đồng nhất chính
trị với tính chất đối kháng, thậm chí là sự đối kháng giữa các cá nhân
(thường là yếu đuối, nổi loạn, kẻ mất) với cơ chế (không cụ thể, lớn mạnh,
bề thế). Nhìn như thế, cuộc đối kháng này thường là vô vọng. Những cuộc
liều thân của văn nghệ vào những thành trì chính trị - hiểu theo nghĩa
quyền lực nhà nước và thể chế - không bao giờ cân sức. Tuy nhiên, một QUAN
NIỆM RỘNG RÃI VỀ TÍNH CHÍNH TRỊ NHƯ LÀ SỰ XÁC LẬP VỊ THẾ CỦA CÁC CÁ NHÂN VỚI
NHAU TRONG MỘT BỐI CẢNH CỤ THỂ, và cùng với nó là thức nhận về bản chất
chính trị của văn hóa như phân tích ở trên sẽ đưa đến nhận thức khác về
sức mạnh chính trị của văn học. (trang 36)
Chính vì không hiểu diễn ngôn mà tác giả LV đang sử
dụng, dẫn đến việc hiểu sai hoàn toàn những gì mà tác giả LV đã viết, nên ông
PTT đã có nhiều quy chụp rất "đao to búa lớn", như có thể thấy trong
đoạn trích (rất dài) dưới đây:
6. Trích:
Ở
trang 73, cuối chương II, tác giả đã TỰ ĐẶT CÂU HỎI, TỰ TRẢ LỜI VÀ TỰ BỘC LỘ
ĐỘNG CƠ CHÍNH TRỊ của mình khi thực hiện luận văn này: “Câu hỏi đây là
sự cách tân văn chương mang tính chính trị hay là hành vi chính trị đội lốt văn
chương thấm đẫm nguyên lý ý thức hệ và sự lệ thuộc vào một từ chính trị được
cắt nghĩa hẹp hòi: Tại sao các anh không cứ cách tân đi, bởi văn chương mới
chính là lĩnh vực của anh? Tại sao phải lên tiếng về chính trị và bình luận xã
hội? “Nay ở trong thơ nên có thép” có chính trị không? Không phải chúng ta đã
bội thực thứ văn chương (phục vụ) chính trị rồi sao? Khi nhà thơ tự mang mình
ra như tang chứng của đời sống, của sự áp chế, họ không sở hữu quyền lực thực
sự. Có lẽ chính tính chất vô ích của loại hình nghề nghiệp này, những câu hỏi
về vị trí, trách nhiệm của nhà văn với xã hội và bối cảnh vẫn cứ được đặt ra,
nhiều nghịch lý hài hước mà khó trốn thoát. Vậy cái tình thế của một nghệ sĩ
Việt Nam, hoặc là thoát khỏi bối cảnh, trở thành một công dân toàn cầu, hoặc vị
nghệ thuật, vị cá nhân, hoặc gắn chặt với bối cảnh thì phải vừa chính trị, lại
vừa văn nghệ và cách tân”.
Đây
là một luận điểm mang tính chất kích động rõ rệt.
Đoạn trích nói trên cho thấy ông PTT thực sự không
hiểu LV của NT đang nói gì, hẳn là do ông không hề theo dõi những cuộc tranh
luận quanh đến các vấn đề chính trị của văn hóa/văn học hiểu theo nghĩa rộng mà
NT đã nêu ở trên. Để phân tích ông PTT đã hiểu sai như thế nào, đã có bài viết
của TS Nguyễn Thị Từ Huy đã đăng trên Tiền Vệ hôm nay (tại địa chỉ: http://www.tienve.org/home/activities/viewThaoLuan.do?action=viewArtwork&artworkId=17655),
nên tôi sẽ không bình luận gì hơn.
Chỉ xin nêu thêm một nhận xét ngoài lề, đó là: Ngay
cả NVGP, những người thực sự đã "đấu tranh chính trị" (hiểu theo
nghĩa hẹp là đấu tranh với "quyền lực bởi chính quyền" như chú
giải của NT ở trên) và đã bị hệ thống trừng phạt nặng nề, sau đó vẫn có thể
được phục hồi danh dự và thậm chí còn được những giải thưởng cao quý, thì tại
sao việc NT phân tích, diễn giải, thảo luận về cách thực hành thơ của một nhóm
thơ mà quan điểm chính thống cho rằng hoàn toàn không có giá trị, đứng ngoài
lề, nghịch ngợm phá phách tục tĩu như MM lại bị cho là phản động, là âm mưu
chính trị đội lốt văn chương, đe dọa chế độ như ông PTT đã kết luận trong bài
phản biện của mình nhỉ?
Phần 4 của ông PTT còn rất dài; ở trên tôi mới chỉ
phân tích những gì ông đã viết liên quan đến chương 1, nhưng tôi cho rằng như
thế cũng đã rất đủ để chứng minh rằng ông đã hiểu sai hoàn toàn cuốn LV của NT
từ lý do chọn đề tài, đến cơ sở lý luận và các thuật ngữ cơ bản; vì vậy, ông
không thể nào phân tích và đưa ra những phán đoán chính xác về cuốn LV được. Vả
lại, có phân tích thêm thì cũng chỉ là thừa, vì bài phản biện của ông chỉ toàn
là trích dẫn theo kiểu cắt ghép tùy tiện để phục vụ mục đích quy chụp của ông,
chứ không có mấy nhận định dựa trên lập luận dựa trên chứng cứ rõ ràng. Ngoài
ra, các nhận định của ông sau mỗi phần cũng chỉ lặp đi lặp lại vài ý: phản
động, hô hào, cổ súy, cổ vũ, kích động. Xin liệt kê ở đây những "nhận
định" (rất ít ỏi) của ông PTT trong những phần mà tôi chưa thảo luận:
-
Nguy hiểm hơn, tác giả luận văn còn cổ vũ cho việc đem tác phẩm Đường
Kách mệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh ra để giễu nhại, sàm sỡ ... (Xin hỏi, tác giả NT đã cổ vũ điều này bằng những lời lẽ nào, mong ông
nêu rõ)
-
Với sự nhìn nhận 3 phương diện “cách mạng” này của Mở miệng, tác giả luận văn
trở thành người cổ súy, bênh vực nhiệt thành cho những thứ văn chương bên lề,
văn chương rác rưởi, dơ bẩn, văn chương nghĩa địa. Với loại văn chương này, tất
cả những gì nghiêm chỉnh nhất, thiêng liêng nhất cũng được đưa ra để biếm nhại,
công kích, đả phá và kêu gọi lật đổ. (Ông PTT có
nhầm không nhỉ? Chính là MM đã viết như vậy, với mục đích gì thì xin chưa bàn
đến ở đây, nhưng có phải là NT đã thực sự biếm nhại công kích đả phá kêu gọi
lật đổ gì đâu? Cô ấy chỉ mô tả cách "thực hành thơ" của nhóm MM thôi.
Xin nói đùa một chút (cho đỡ căng thẳng vì bài viết đã quá dài): Nếu NT đã chỉ
ra trong LV rằng nhóm MM đã viết một cách diễu nhại như vậy, thì thực ra là cô
ấy "có công" đấy chứ, vì đã gián tiếp cảnh báo cho an ninh văn hóa
biết (!) để mà cấm hoặc theo dõi (!) ...)
Điểm cuối cùng tôi muốn nêu ở đây là cách viết phản
biện của ông PTT rất có vấn đề, như nhiều người khác đã chỉ ra, ví dụ bài của
TS Từ Huy mà tôi đã nêu ở trên và trong nhiều bài viết khác (có thể tham khảo
trên trang Văn Việt tại địa chỉ vanviet.info). Thay vì nêu tóm tắt những gì tác
giả LV đã viết rồi sau đó phân tích đúng sai trên xem xét các mục đích và nhiệm
vụ mà cuốn LV đã đặt ra, rồi cuối cùng mới đến việc trích dẫn từ LV để chứng
minh rằng phần phân tích của mình là hợp lý, thì ông PTT đã chọn cách làm mà
các sinh viên ... dốt và/hoặc lười thường hay làm, đó là chép nguyên văn từ
cuốn LV (và chép rất dài), cắt ghép tùy tiện, không thèm đọc và hiểu hệ thống
lý luận và thuật ngữ mà tác giả dùng, không xây dựng các lập luận để từ đó đưa
ra các kết luận, mà (sau khi đã chép rất dài) chỉ đưa ra những lời phán chủ
quan từ trên trời rơi xuống theo đúng định kiến sẵn có của mình. Một bản phản
biện có quá nhiều lỗi như của ông PTT sao lại có thể được sử dụng để làm căn cứ
thu hồi bằng thạc sĩ của NT, quả tình tôi không hiểu được.
Ông PTT có lời giải thích gì cho những phần tôi đã
viết ở trên hay không? Nếu không, tôi xin phép đi đến phần kết luận của ông,
trong phần 5 dưới đây.
*
Phần 5
Sau khi đã điểm qua LV của NT ở 4 mục mà tôi đã
trình bày và tranh luận trong các phần 1, 2, 3, 4 ở trên, ông PTT đưa một số
kết luận và kiến nghị. Thực tình, sau khi đọc nhận xét phản biện của ông lần
đầu tiên, những kết luận và kiến nghị rất nghiêm trọng ấy đã làm tôi rất băn
khoăn và tin chắc chắn rằng NT hẳn cũng đã phạm những sai lầm nghiêm trọng. Vì
vậy, tôi đã phải đọc đi đọc lại LV của NT (hơn 100 trang) để xem có chỗ nào có
thể cho phép kết luận như ông PTT đã kết luận hay không. Nhưng quả tình tôi
không thể tìm thấy, đặc biệt là nếu chỉ dựa trên những trích dẫn và lập luận
trong bài phản biện của ông PTT.
Với tư cách là một người đọc độc lập đã đọc kỹ cuốn
LV, tôi thấy NT bị ông PTT quy chụp quá nhiều “tội”, trong khi nếu cố tình tìm
“tội” thì theo tôi NT cũng chỉ có hai cái "tội" thôi. Tội đầu tiên
của cô ấy là đã cố gắng viết về MM với tư cách là "người trong cuộc"
(tức không thành kiến, không lên án, không tỏ vẻ ghê tởm, phẫn nộ như phản ứng
của những người giống như ông PTT, ngược lại đã cố gắng thấu hiểu, thậm
chí tỏ ra thông cảm). Tuy nhiên, điều đó chẳng qua cũng do nhiệm vụ nghiên cứu
đã đặt ra cho cô ấy mà thôi. Vì, để hiểu đúng những kẻ bên lề thì trước hết
phải cố gắng trở thành một người trong bọn họ - đại khái giống như trong nghiên
cứu xã hội học, muốn hiểu những người sử dụng ma túy thì phải nhập vai một
người nghiện ma túy, để có thể thực sự hiểu được họ đã nghĩ gì và tại sao lại
làm như họ đã/đang làm.
Đây là một phương pháp nghiên cứu của các ngành nhân
văn rất phổ biến ở các nước phương Tây, và chính nhờ phương pháp này mà họ có
thể thực sự hiểu những "vấn nạn" của xã hội và có phương cách để quản
lý nó một cách hiệu quả, được những người "bị quản lý" chấp nhận mà
không chống đối. Vì vậy, cái mà ông PTT có thể cho là “tội” thì thực ra lại là
“công”, vì mặc dù phương pháp mà NT đã chọn chẳng có gì mới ở phương Tây, nhưng
ở VN chỉ có ít người hiểu và (dám) vận dụng đến nơi đến chốn. Bởi, quả thật,
chúng ta vẫn rất quen với tư duy áp đặt từ trên xuống, và vì thế cũng luôn có
quan điểm lên án người khác khi hành xử không theo cái được cho là “chính
thống”, chứ không chịu cố gắng hiểu và thông cảm với “những kẻ bên lề”.
"Tội" thứ hai, và đây là một điều mà tôi
cho là NT và những người hướng dẫn có thể cần rút kinh nghiệm, là đã áp dụng
một lý thuyết dù hoàn toàn không có gì mới nhưng vẫn còn quá xa lạ ở VN, với
những ngôn ngữ nghe rất "nhạy cảm" ở một quốc gia chỉ có một đảng độc
tôn về chính trị như ở VN, mà chưa có sự chuẩn bị dư luận kỹ lưỡng hơn, khiến
dễ bị hiểu lầm và quy chụp nặng nề, là điều đã xảy ra. Nhưng ngay ở chỗ này,
với những ầm ỹ và những tai họa mà NT đã phải trải qua cho đến giờ, thì LV của
NT cũng đã có đóng góp vô cùng lớn, đó là (vô tình) làm cho rất nhiều người
quan tâm đến hiện tượng mà cô ấy đã chọn để nghiên cứu, và cả hệ thống lý
luận mà cô ấy đã sử dụng để mô tả và giải thích hiện tượng đó. Thực ra, trong
phạm vi hẹp thì những điều mà NTđã viết trong LV chẳng có gì là ghê gớm; giới
nghiên cứu văn học ở VN có đi học ở nước ngoài (hiện nay đã khá nhiều) đều hiểu
rõ những lý luận và diễn ngôn này. Chỉ có ở VN thì nó mới được xem là mới, là
lạ, là "can đảm", là "nhạy cảm", hoặc là "phản
động" mà thôi. Thế mới thấy, khoa học xã hội và nhân văn của VN lạc hậu so
với thế giới đến là chừng nào.
Đó là những nhận định mang tính kết luận của tôi về
vụ NT, là một vụ việc mà tôi đã tốn vô cùng nhiều thời gian để theo dõi, vì
không thể hiểu tại sao đến bây giờ người ta vẫn còn hành xử man rợ như vậy.
Phần còn lại xin dành để tiếp tục chất vấn (ngắn gọn) những kết luận mà ông PTT
đã đưa ra, để có sự nhất quán với cách tranh luận mà tôi đã chọn trong bài này.
Trích từ phần đầu của "Kết luận và kiến nghị của
người nhận xét"; tôi đã ngắt đoạn và thêm gạch đầu hàng cho dễ đọc:
------------
-
Như tác giả luận văn đã tự xác nhận [ở chỗ nào
nhỉ?], đây là một luận văn “chính trị đội lốt văn chương” với rất nhiều
quan điểm chính trị và học thuật sai trái,
- mang tính chất kích động, đả phá chế độ,
xúc phạm chủ tịch Hồ Chí Minh; đánh giá sai lệch về sự nghiệp đổi mới của Đảng
và Nhà nước;
- không có giá trị khoa học và thực tiễn;
sai lầm trong việc chọn đối tượng nghiên cứu; tài liệu không chính thống, không
có độ tin cậy;
- cổ súy và biện hộ cho những hiện tượng văn
chương tục tĩu, thấp kém; miệt thị văn học và văn hóa chính thống của dân tộc;
-
tạo hậu thuẫn về mặt lý luận và tiếp tay cho những phần tử chống đối, nổi loạn
ở trong và ngoài nước...
-
Luận văn lại được viết bằng một văn phong trôi chảy, có sự mở rộng trên cả hai
lĩnh vực văn chương và chính trị, vì vậy, đây là luận văn nguy hiểm, cần được
chỉ ra các sai sót để hạn chế các tác động tiêu cực đến xã hội và văn
học.
Tất cả những điểm trên tôi đã trao đổi kỹ trong 4
phần trước rồi. Chỉ xin nhắc lại: Như nhiều người khác đã nêu, ở đây ông PTT có
sự nhầm lẫn giữa "tội" của nhóm MM và "tội" của tác giả LV.
Ông có thể ghét MM, có thể đề nghị cấm lưu hành thơ MM, có thể tức giận về sự
giễu nhại của MM đối với những cái mà ông và những người cùng suy nghĩ cho là
thiêng liêng, nhưng những cái đó không phải là tội của NT. Điều duy nhất mà cô
ấy là chỉ là mô tả và phân tích cách “thực hành thơ” (bao gồm các thủ pháp giễu
nhại, giải thiêng gì gì đấy) theo một hệ thống lý luận mà cô ấy đã chọn vì cho
rằng nó phù hợp để giải thích hiện tượng này mà thôi. Mà những lý luận ấy cũng
đã tồn tại lâu rồi, chứ có mới mẻ gì cho cam!
Từ những nhận định mang tính kết luận của ông, tôi
xin nêu một thắc mắc nhỏ: Nếu LV có tác dụng nguy hiểm ghê gớm như vậy, tại sao
không mấy ai biết đến nó, cho đến khi nó được lôi ra từ trong một góc kẹt nào
đó của TV trường ĐHSP Hà Nội để được "đấu tố" ầm ỹ trên báo chính
thống từ năm ngoái, rồi lại thêm một lần ầm ỹ hơn sau vụ tước bằng âm thầm lén
lút mới đây? Nếu nó thực sự đã gây tác hại, ông PTT có thể nêu một vài ví dụ
được không?
Nếu ông PTT không có lời nào để giải thích, thì tôi
xin kết luận rằng tất cả những gì mà hệ thống đã làm cho đến nay chỉ là một
nhầm lẫn buồn cười. Rất mong mọi người bình tĩnh xem xét và trả lại cho NT cùng
người hướng dẫn và các thành viên HĐ 1 những cái quyền mà họ đương nhiên phải
được hưởng, và xin không làm gì thêm bất cứ điều gì khiến cộng đồng khoa học
trong và ngoài nước xem thường chúng ta hơn nữa.
Rất mong những lời của tôi có thể đến tai người có
trách nhiệm. Mong lắm thay.
Được đăng bởi T.
Phuong Anh Vu vào lúc 12:39 PM
---------------------------------
VỤ ÁN NHÃ THUYÊN
LỀ
PHẢI ƠI ! (Nguyễn Hoài An)
23-4-2014
GS.TS.
Phan Trọng Thưởng: Để hiểu rõ hơn thực chất của một luận văn
- Văn Việt 21-4-2014
No comments:
Post a Comment