Monday 3 September 2012

Ý NGHĨA & VÔ NGHĨA về OBAMA & OSAMA (Peter Bergen - CNN)





Ý nghĩa và vô nghĩa về Obama và Osama
Peter Bergen – CNN (Trà Mi lược dịch)
30-08-2012

Chú của Biên tập viên: Peter Bergen, nhà phân tích về An ninh Quốc gia của đài CNN, là một giám đốc của “New America Foundation” – một cơ quan nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp sáng tạo dưới mọi lăng kính ý thức hệ, có trụ sở tại Washington - và là tác giả cuốn sách mới: “Manhunt: The Ten-Year Search for Bin Laden – From 9/11 to Abbottabad.” [“Cuộc săn người: Mười năm truy lùng Bin Laden - Từ 11/9 đến Abbottabad.”]


(CNN) – Hôm thứ Tư, một số trong giới truyền thông đã có được một bản của cuốn sách chưa được phát hành “No Easy Day” [“Không có ngày thanh thản”] của Mark Owen, bút danh của một trong những Navy SEALs, Toán đặc nhiệm, đã tham dự chiến dịch giết chết Osama Bin Laden. Sách sẽ phát hành ngày 4 tháng 9, 2012, trước dự định một tuần.

No Easy DayDay  .   Nguồn ảnh: AP Photo/Dutton, File

Cuốn “No Easy Day” đang rất được bạn đọc mong đợi, và đã là số 1 trên Amazon, khác với những bản tin về chiến dịch [lùng diệt Bin Laden] đã được đưa ra trước đây một cách rất đáng kể. Owen nói rằng một trong những đồng đội SEALs của ông bắn ngay khi Bin Laden vừa thò đầu ra cửa phòng ngủ chứ không phải đã bắn sau khi SEALs tiến vào phòng ngủ của Bin Laden như đã được báo cáo trước đây, theo bài viết trên tờ Huffington Post về nội dung của cuốn sách “Không có ngày thanh thản.” Lời thuật lại của các sự kiện này cho biết - nếu còn có bất kỳ nghi ngờ nào về vấn đề này - thì thực sự có rất ít nỗ lực để bắt sống Bin Laden.

Lời kể của Owen như người trong cuộc, chứng kiến tận mắt cuộc tấn công Bin Laden nghe rất trung thực về nhiều mặt mà một cuốn sách khác mới xuất bản gần đây cũng tập trung vào công tác này nhưng không có được.

Richard Miniter, tác giả của một số sách nghiêng về hướng bảo thủ về vấn đề an ninh quốc gia của Mỹ, vừa phát hành một tác phẩm mới về Tổng thống Barack Obama có tựa đề, “Lãnh đạo từ phía sau: Vị Tổng thống miễn cưỡng và các Cố vấn quyết định cho ông,” không còn cho người đọc nghi ngờ gì nữa về chủ đề chung của cuốn sách.

“Lãnh đạo từ phía sau” thẩm tra từng thời điểm quan trọng trong nhiệm kỳ tổng thống của Obama, chẳng hạn như việc thông qua Chính sách Y tế của ông và các cuộc đàm phán về ngân sách với Đảng Cộng hòa ở Hạ viện cũng như cuộc đột kích giết chết bin Laden.

Chính phiên bản của Miniter về chiến dịch lùng diệt Bin Laden đã thu hút đáng kể sự chú ý của giới truyền thông vì những tuyên bố giật gân như:

• Phụ tá hàng đầu của Obama, Valerie Jarrett, có ảnh hưởng “kiểu Rasputin” [với gia đình Nga Hoàng Nicholas II] với tổng thống và thuyết phục Obama tất cả ba lần vào tháng Giêng, tháng Hai và tháng Ba năm 2011 đừng khởi động các cuộc tấn công vào Pakistan để lùng diệt Bin Laden.

• Tổng thống mất gần hai năm do dự trước khi ra lệnh tấn công Bin Laden, đã được “thu hẹp trên mặt phạm vi, hoặc đã bị trì hoãn, thường là do chính tổng thống do dự.”

• Obama đã làm “choáng váng nhân viên của mình với một chuỗi đình trệ nguy hiểm và những do dự tê liệt đã đe dọa tính đúng lúc của chiến dịch và gần như làm hại đến khả năng thành công của nó.”

• Vì kết quả của sự chậm trễ này, Tướng David Petraeus, lúc đó là chỉ huy trưởng ở Afghanistan, trong năm 2011 “đã phải cân nhắc việc quyết định một mình và ra lệnh mở một cuộc không kích vào thành lũy của Bin Laden ở Pakistan.

• Obama để “những quyết định quan trọng” về cuộc tấn công bin Laden cho Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vì sợ “phải nhận trách nhiệm cho một cuộc đột kích nguy hiểm có thể đi đến thất bại bi thảm.” Chính Clinton, theo Miniter, là người đã đẩy Obama đi đến quyết định cho phép mở cuộc tấn công.

Những cáo buộc này xẩy ra cùng lúc khi một nhóm sĩ quan và các nhân viên tình báo đã nghỉ hưu phát hành phim tài liệu “Những tiết lộ đê tiện,” dài 22 phút, khẳng định rằng Obama đã giành lấy quá nhiều danh tiếng sau cuộc tấn công Bin Laden. Tài liệu này đã được xem hơn 3 triệu lần trên YouTube.

Trong cuốn sách mới của Minter cũng khẳng định rằng:

• Một đại tá trong cơ quan tình báo quân sự của Pakistan, Inter-Services Intelligence, hoặc ISI, đã cung cấp “những giúp đỡ quan trọng” trong việc tìm kiếm Bin Laden sau khi ông bước vào trụ sở CIA ở Islamabad vào tháng Tám năm 2010.

• Trái với những khẳng định của nhiều viên chức trong chính quyền Obama, có là dấu hiệu cho thấy chính quyền [Mỹ] đã cho tướng lãnh hàng đầu của Pakistan biết trước cuộc đột kích Bin Laden sắp ra từ tháng Mười Hai năm 2010 và mong được sự chấp thuận từ phía những người Pakistan, được “sự đồng ý ngầm của họ về chiến dịch này.” Trong quá viết một cuốn sách về cuộc săn lùng Bin Laden, tôi đã nói chuyện với rất nhiều viên chức của Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và các quan chức tình báo quen thuộc với cuộc săn bắt người lãnh đạo của al-Qaeda, hơn một chục người trong số họ đã trực tiếp biết đến quá trình ra quyết định của Obama về cuộc lùng diệt tên thủ lĩnh khủng bố. Nhiều người trong số những viên chức đó đã nói với tôi và được ghi vào biên bản. Tôi cũng đã đi đến Pakistan ba lần sau khi Bin Laden đã bị giết để làm điều tra riêng về cuộc đột kích người lãnh đạo al-Qaeda và đã nói chuyện với một số sĩ quan và các quan chức tình báo Pakistan những người đã điều tra cuộc tấn công Bin Laden và sự việc sau đó.

Dựa trên báo cáo đó cùng những gì có sẵn trên các tài liệu công cộng, lời tường thuật của Miniter về các tin tình báo dẫn đến nơi trú ẩn của Bin Laden và những quyết định xung quanh cuộc đột kích giết Bin Laden là một đống giấy nhảm nhí, tào lao.

Phủ nhận của Nhà Trắng

Hãy bắt đầu với việc Jarrett, cùng với đa số nhân viên Nhà Trắng, chỉ biết đến cuộc đột kích Bin Laden sau khi nó đã xảy ra ngày 1 tháng 5 năm 2011, theo một email của Benjamin Rhodes, Phụ tá Cố vấn An ninh Quốc gia gửi cho CNN. Các viên chức chính phủ nói rằng những nhân viên duy nhất tại Nhà Trắng đã biết trước bất cứ điều gì về cuộc đột kích là những người “cần biết” trong số các nhân viên An ninh Quốc gia, trong đó Jarrett không phải là một thành viên.

Phát ngôn viên Nhà Trắng, Josh Earnest, nói tuyên bố của Miniter về chiến dịch lùng diệt Bin Laden “hoàn tòan là một bịa đặt.” Và trong một điện thư gởi CNN, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia, Tommy Vietor, đã viết rằng Miniter đã tuyên bố rằng: “Ngoại trưởng Clinton đã nói với Tổng thống phải mở cuộc đột kích là chuyện dựng đứng và sai. Quyết định khử trừ Osama Bin Laden đã do Tổng thống ra lệnh, như nhiều người trong cuộc đã nói như ghi trong biên bản.

“Ví dụ, (cựu) Bộ trưởng (Quốc phòng) (Robert) Gates nói: ‘đây là một trong các quyết định can đảm nhất mà tôi nghĩ rằng tôi đã từng nhìn thấy một tổng thống thực hiện.’ (Người chỉ huy cuộc tấn công) Đô đốc (William) McRaven nói rằng “Cuối cùng, không nên lầm lẫn, chính tổng thống của Hoa Kỳ là người gánh vác trách nhiệm của chiến dịch này, là người phải đi đến những quyết định khó khăn trong quá trình lập kế hoạch, bởi vì chính tôi đã ném đủ lại kế hoạch cho Tổng thống.’”

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Vietor nói thêm, “Tôi đang chờ khi Miniter tuyên bố rằng con chó Bo mới thực sự đưa ra các quyết định để tiêu diệt Bin Laden.” Bo là con chó của gia đình Obama.

Ngoài ra Jarrett cũng không thể nào đã thuyết phục Tổng thống Barack Obama đùng mở cuộc đột kích tiêu diệt Bin Laden trong tháng Giêng năm 2011, như Miniter viết, bởi vì việc lập kế hoạch và tập dượt cho chiến dịch đó đã chưa bắt đầu. Mãi cho đến ngày 14 Tháng Ba 2011, Nội các chiến tranh của Obama mới họp để trình bày các lựa chọn quân sự khác nhau, từ một vụ đánh bom đến một cuộc tấn công máy bay không người lái và một cuộc đột kích của Navy SEALs. Và Toán đặc nhiệm SEALs chỉ bắt đầu tập dợt cuộc đột kích vào đầu tháng 4 năm 2011. Chẳng có cuộc đột kích nào trước đó để mà đình chỉ.

Lệnh của Obama

Thay vì rúng động về cuộc đột kích, Obama ra lệnh mở cuộc tấn công ngược lại lời khuyên của Bộ trưởng Quốc phòng của ông, người đã bắt đầu làm việc cho Nixon Hội đồng An ninh Quốc gia của Nixon khi Obama mới 13 tuổi, và chống lại lời khuyên của Phó Tổng thống Joe Biden, người đã được bầu vào Thượng viện khi Obama mới 11 tuổi. Và cũng ủng hộ một chương trình hành động cho cuộc đột kích khác với đề nghị của Tướng James “Hoss” Cartwright, Cố vấn quân sự số 2 của Obama.

Và thay vì thu hẹp tầm hoạt động của cuộc đột kích Bin Laden, trên thực tế, Obama đã ra lệnh cho thêm trực thăng hậu thuẫn, theo Đô đốc Mike Mullen, khi đó là Tham mưu trưởng, đã nói với tôi, “Obama là người đã đưa trực thăng Chinook-47 vào kế hoạch. Ông là đã nói, “Không có đủ hậu thuẫn.’”

Thay vì bị lay động, Obama đã tham dự hết mình vào một quyết định có tiềm năng tiêu diệt sự nghiệp tổng thống của ông nếu cuộc đột kích trở thành một thất bại tương tự như thất bại như cuộc giải cứu con tin năm 1980 tai Iran. Khả năng của một thất bại tương tự là mối quan tâm nghiêm trọng của ông Gates. Obama là người duy nhất chịu trách nhiệm hoàn toàn cho quyết định ra lệnh “tấn công” trong kế hoạch đột kích mặc dù trên thực tế không có bằng chứng cho thấy bin Laden đang sống ở Abbottabad, chỉ là một trường hợp tình cờ mà Bin Laden đang trốn ở đó.

Theo cuốn tiểu sử “All In” [về Petraeus] mới phát hành gần đây của Paula Broadwell, Petraeus chỉ biết đến cuộc đột kích Abbottabad ba ngày trước khi nó xảy ra và không giữ một vai trò nào trong việc lập kế hoạch thực hiện nó. Vì thế lý luận cho rằng Petraeus đã cân nhắc ra lệnh mở một cuộc không kích đơn phương xuống căn cứ của Bin Laden, nằm ở trung tâm của một thành phố ở giữa Pakistan, chỉ đơn giản là điều ngớ ngẩn.

Không có bằng chứng nào cho thấy một đại tá ISI đã đến thăm cơ sở CIA ở Islamabad và đưa tin cho CIA về Bin Laden. Và dựa theo mọi báo cáo, không có sự chấp thuận ngầm nào từ giới lãnh đạo quân sự của Pakistan để mở cuộc tấn công Bin Laden, và họ cũng không được cho biết trước về cuộc đột kích. Một quan chức ISI e-mail cho tôi và nói rằng tuyên bố của Miniter “là vô lý hết cỡ nói.”

Trong thực tế, những người Pakistan đã hoàn toàn bị bất ngờ trước cuộc đột kích và giận dữ vì họ đã không được bất kỳ một thông báo nào về chiến dịch này, theo Cameron Munter, lúc đó là Đại sứ Mỹ tại Pakistan.

Miniter thậm chí không thể có được thông tin cơ bản về cuộc đột kích Bin Laden. Obama không phải đã mất gần hai năm rúng động trước khi đi đến quyết định lùng diệt Bin Laden. Tin tình báo đầu tiên về việc Bin Laden có thể sống ở Abbottabad chỉ mới có hồi tháng 8 năm 2010, khoảng chín tháng trước khi Obama ra lệnh mở cuộc đột kích dùng SEALs để giết Bin Laden.

Miniter e-mail cho CNN nói rằng thông tin của ông ta về tất cả những sự kiện này là chính xác, và giải thích, “Tôi muốn đưa ra ánh sáng các chi tiết từ quân đội và tình báo đã không có trong phần tường thuật chính thức của Nhà Trắng. Tôi tin rằng các phóng viên đã dựa quá nhiều vào các viên chức Nhà Trắng và các viên chức chính phủ Pakistan và coi thường những người không có mặt hoặc không muốn nhận xét trong những ngày giờ ngay sau khi cuộc đột kích xảy ra, nhưng lại là những người đã làm nhiệm vụ kỹ thuật quan trọng để đảm bảo sự thành công của nó.”

Một điểm của một diện

Những sai lầm rõ ràng trong tường thuật của Miniter về chiến dịch lùng diệt Bin Laden là một phần của một thói quen của Miniter, người đã viết những cuốn sách khác có những tuyên bố khác gây nhầm lẫn về Bin Laden. Trong cuốn sách năm 2005 của ông, “Disinformation: 22 Media Myths That Undermine the War on Terror,” [“Thông tin sai: 22 huyền thoại làm suy yếu cuộc chiến tranh chống khủng bố,”] Miniter viết thật linh động trong báo cáo của mình. “Bất cứ khi nào có thể, tôi đã đến hiện trường. Tôi hồi tưởng lại những bước cuối cùng của Bin Laden từ một hội trường ở Jalalabad, Afghanistan, và sau đó Bin Laden leo lên phức thể hang động, nơi trú ẩn sau cùng của Bin Laden tại dãy núi Trắng gần Tora Bora.”

Tuy nhiên, Miniter chưa bao giờ đến thăm Tora Bora. Miniter giải thích trong một e-mail với CNN, “Chuyến đi đến Afghanistan, với một viên chức tình báo cao cấp Afghanistan và đoàn chuyên viên máy ảnh, đã bị hủy bỏ vì hoàn cảnh hoàn toàn ngoài tầm kiểm soát của tôi. Vì vậy, chương mà câu đó nói đến đã không được viết trong sách đã xuất bản. Phần giới thiệu, từ đó câu ông trích dẫn được rút ra, đã được gửi đến nhà xuất bản hơn một tháng trước đó dựa trên cơ sở sẽ có một chuyến đi đã dự định với một viên chức cao cấp Afghanistan. Lời giới thiệu đáng lẽ nên được thay đổi để phản ảnh chuyến đi bị hủy bỏ và mặc dù tôi thôi thúc, lời giới thiệu [không xác thực] đó đã không thay đổi. Nhà xuất bản đưa lý do lịch trình xuất bản là một mối quan tâm áp đảo và không muốn gánh chịu các chi phí liên quan trong việc chỉnh sửa vào phút cuối.”

Năm 2003 Miniter xuất bản cuốn “Losing Bin Laden: How Bill Clinton's Failures Unleashed Global Terror,” [“Để xẩy Bin Laden: Thất bại của Bill Clinton đã mở cửa cho khủng bố toàn cầu như thế nào,”] điểm trung tâm của cuốn sách là khi Bin Laden đang sống ở Sudan trong giữa những năm 1990, chính phủ Sudan đã đề nghị giao Bin Laden lại cho chính quyền Clinton. Ủy ban lưỡng đảng 9/11 thấy không có bằng chứng nào cho khẳng định này.

Liệu St. Martin Press, nhà xuất bản của Miniter, sẽ nhìn vào những tuyên bố sai và những sai lầm trong những cuốn sách mới của Miniter hay không? Đừng nín thở chờ đợi; St. Martin Press cũng là nhà xuất bản của cuốn sách năm 2011 “SEAL Target Geronimo: The Inside Story Mission to Kill Osama Bin Laden,” chứa đầy rẫy những sai lầm tày mẹt, nhưng vẫn tiếp tục được bán trên thị trường như một tác phẩm không phải là tiểu thuyết.

Tác giả của cuốn “SEAL Target Geronimo,” Chuck Pfarrer – cũng là một cựu Navy SEALs đã nghỉ hưu cách đây hơn hai mươi năm và từ đó đã làm việc như một nhà biên kịch Hollywood – cho biết ông đã nói chuyện với một số nhân viên Navy SEALs trong đội ngũ những người đã giết chết Bin Laden và lời giải thích chính thức về những gì đã xảy ra trong đêm của cuộc đột kích ở Abbottabad phần lớn là sai lầm.

Uy tín của một cuốn sách

Theo lối giải thích các sự kiện của Pfarrer, chiến dịch SEALs chống lại Bin Laden đã diễn ra rất suông sẻ so với những gì thực sự đã xảy ra đêm đó tại Abbottabad. Pfarrer viết rằng SEALs đã giết chết bin Laden chỉ trong vòng một vài phút khi đến căn cứ và sau khi nhanh chóng đu dây xuống mái nhà trên phòng ngủ của Bin Laden. Ngược lại, lời giải thích về sự kiện tôi nghe được từ hàng chục viên chức liên quan đến chiến dịch là một trong các máy bay trực thăng im lặng Black Hawk [Ó đen] trong cuộc đột kích đã bị rơi ngay sau khi vừa đến căn cứ của Bin Laden và lãnh tụ của al-Qaeda đã bị giết chết khoảng 15 phút sau đó.

Pfarrer cũng trích dẫn các cuộc hội thoại được cho là đúng nguyên văn về kế hoạch của cuộc đột kích Bin Laden giữa người chỉ huy trưởng cuộc đột kích, McRaven, và sĩ quan chỉ huy của SEAL Team Six và một viên chức CIA trong một phòng họp “an toàn” nằm dưới ba tầng ngầm ở trụ sở Chỉ huy Hành quân Đặc biệt tại Fort Bragg, Bắc Carolina.

Một nguồn tin quân sự nói với Barbara Starr của CNN không có căn cứ nào dưới lòng đất như vậy ở Fort Bragg. Và Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt, rất hiếm khi, nếu có, phát biểu ý kiến về hoạt động của mình, đã phải đi một bước chưa từng có là ra tuyên bố phủ nhận trên giấy trắng mực đen những lời tường thuật của Pfarrer, và nói rằng đó là “một sự dựng đứng” và thêm rằng Pfarrer không bao giờ nói chuyện với Navy SEALs về chiến dịch lùng diệt Bin Laden.

Uy tín của Pfarrer không khá hơn gì khi ông dành hẳn một chương trong cuốn “SEAL Team Geronimo” nói rằng vũ khí hủy diệt hàng loạt, gồm cả các chất độc thần kinh, tìm thấy được ở Iraq sau khi Saddam Hussein sụp đổ và đã rơi vào tay của ... al-Qaeda. Pfarrer cũng tuyên bố Ayman al-Zawahiri, lãnh tụ số 2 của al-Qaeda lúc đó, đã cố ý gài cho Bin Laden bị Mỹ giết chết. Tất nhiên, Pfarrer không có một bằng chứng nào cho một trong hai khẳng định nêu trên.

Mặc dù vậy, Pfarrer tiếp tục được mời nói chuyện trên các kênh truyền hình như Fox và CNN, nơi ông đã được hỏi về tuyên bố rằng lời tường thuật của ông chỉ là một sự bịa đặt, và cuốn sách của ông tiếp tục được nhà xuất bản St. Martin Press quảng cáo, như một cuốn sách không phải loại tiểu thuyết về cuộc tấn công bin Laden.

Quan điểm của Nhà xuất bản

St. Martin Press đã xuất bản hai cuốn sách nói về chiến dịch lùng diệt Bin Laden – cả hai đều mang tiếng là “sách bịa đặt”, cáo buộc thứ nhất từ Nhà Trắng và cáo buộc thứ hai là của Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt.

Liệu St. Martin Press có dự định làm bất cứ điều gì về những cuốn sách này hay không? Một biên tập viên của St. Martin Press email cho CNN, “(Cả hai) tác giả xác tín các nguồn (tin) của họ và khẳng định tường trình sự kiện của họ là đúng, và chúng tôi hậu thuẫn các tác giả của chúng tôi,” và phát ngôn viên của St. Martin Press nói với CNN rằng các cuốn sách của Pfarrer “tiếp tục bán chạy” và sẽ được tái bản với hình thức bìa mỏng trong hai tuần nữa vào thời điểm kỷ niệm 911.

Trong thế giới báo chí, bịa chuyện là bị sa thải. Đừng quên phóng viên Jayson Blair của tờ New York Times người đã buộc phải từ chức vì đã dựng chuyện và đưa lời tuyên bố [không có] trong năm 2003. Và trong địa hạt thông tin truyền hình nếu bạn đưa một tin quan trọng sai sự thực thì bạn cũng sẽ mất việc. Người ta chưa quên vụ “Tailwind” trên kênh CNN vào năm 1998 cáo buộc Lực lượng Đặc biệt Mỹ đã sử dụng vũ khí thần kinh trong chiến tranh Việt Nam. Bản tin sau đó đã được CNN rút lại và dẫn đến việc một số nhân viên của CNN bị sa thải. Trong năm 2004, người đọc tin chính của CBS, ký giả Dan Rather, đưa tin về các bản ghi nhớ chỉ trích sinh hoạt của Tổng thống George W. Bush trong lực lượng Bảo an Quốc gia tại Texas. Tính xác thực của các bản ghi nhớ đã bị nghi ngờ, CBS đã rút lại bản tin và sa thải nhà sản xuất của đoạn phim tài liệu đó.

Tuy nhiên, không có tiêu chuẩn như vậy trong thế giới được cho là nghiêm túc của các nhà xuất bản sách không hư cấu. Các nhà văn hiếm có viết truyện không phải tiểu thuyết, bịa đặt hay thuật lại sự kiện một cách sai lầm đáng kể thường thoát nạn, và các nhà xuất bản tiếp tục xuất bản những tác phẩm đó để thu lợi nhuận từ những câu chuyện bịa đặt của họ.

Một số nhà xuất bản sách không tiểu thuyết nghiêm túc tôn trọng sự thật. Trong tháng Bảy, Houghton Mifflin Harcourt cho biết sẽ rút lại tất cả các ấn bản của cuốn sách của Jonah Lehrer đang bán chạy nhất “Imagine: How Creativity Works” sau khi cựu nhà báo của tờ New Yorker thú nhận rằng ông đã bịa đặt lời phát biểu của Bob Dylan trong cuốn sách đó.

Để khắc phục vấn đề này trong tương lai, các nhà xuất bản sách không phải tiểu thuyết nên ghi rõ trong hợp đồng của họ với các nhà văn rằng nếu tác giả bịa đặt hay được biết đã có những sai sót đáng kể, sai lầm lớn so với thực tế, họ sẽ phải trả lại thù lao đã đưa trước.

Như cố Thượng nghị sĩ Patrick Moynihan thích nói, “Mọi người đều có quyền có ý kiến của riêng mình, nhưng họ không được bịa ra các sự kiện riêng của họ.”

© DCVOnline

Nguồn:

Sense and nonsense about Obama and Osama. By Peter Bergen, CNN National Security Analyst. Wed August 29, 2012.

Đọc thêm:






No comments:

Post a Comment

View My Stats