Phạm Trần
Đăng bởi pleikly
lúc 2:25 Sáng 14/09/12
VRNs (14.09.2012) – California, USA – Báo cáo Kinh tế vĩ mô năm 2012 – “Từ bất ổn vĩ mô đến
con đường tái cơ cấu” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Việt Nam vừa phổ biến đã
xác nhận Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo là một trong những điều
lạc hậu và phá sản của “Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên
chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011)” được chấp thuận bởi Đại hội
đảng kỳ XI hồi tháng 01 năm 2011.
Nhóm sọan thảo, ngòai các chuyên gia của Ủy ban Kinh tế
Quốc hội còn có các Nhà kinh tế-Tài chính Tô Trung Thành, Nguyễn Ngọc
Anh, Phạm Thế Anh, Đinh Tuấn Minh, Nguyễn Thắng, Võ Trí Thành, Nguyễn Trí Dũng
và Lê Đăng Doanh.
Nội dung báo cáo gồm 7 Chương rất chi tiết và thẳng thắn,
nhưng các Tác gỉa đã tránh chạm đến vai trò lãnh đạo độc tôn và độc quyền của
đảng Cộng sản Việt Nam mà ai cũng biết là nguyên nhân cốt lõi gây ra tình trạng
dân trí chậm tiến, bất công xã hội,kinh tế phá sản, quốc nạn tham nhũng, tệ nạn
đục khoét, phá họai kinh tế, xâm phạm quyền lợi nhân dân bởi các nhóm lợi ích
trong và ngòai chính phủ.
Các chuyên viên cũng không nói gì về trách nhiệm của Quốc
hội là cơ quan đã biểu quyết chấp thuận tất cả các kế họach kinh tế của Chính
phủ.
Nhóm sọan thảo viết : “Báo cáo Kinh tế vĩ mô thường
niên là ấn phẩm do Nhóm Tư vấn chính sách kinh tế vĩ mô xây dựng hàng năm với
cách viết “thân thiện” với các Đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định chính
sách nhằm tổng kết và đánh giá diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam và
thế giới, phân tích chuyên sâu một số vấn đề và chính sách kinh tế vĩ mô nổi
bật trong năm, đồng thời thảo luận những vấn đề mang tính trung và dài hạn đối
với nền kinh tế, từ đó đưa ra các khuyến nghị chính sách thiết thực. Báo cáo
này hi vọng sẽ cung cấp tới các vị Đại biểu Quốc hội và các nhà hoạch định
chính sách một bức tranh toàn cảnh về tình hình kinh tế của mỗi năm, đồng thời
thông qua những phân tích chuyên sâu về những vấn đề kinh tế vĩ mô trong ngắn
hạn và dài hạn sẽ góp phần nâng cao được khả năng nhận biết các vấn đề và thay
đổi một cách tích cực tư duy chính sách của giới làm chính sách….Nhận định,
phân tích và đánh giá trong báo cáo này thể hiện quan điểm của các tác giả, mà
không phản ánh quan điểm của Ủy ban Kinh tế cũng như của Ban Quản lý Dự án.”
TIẾNG NÓI LÊ ĐĂNG DOANH
Điểm nổi bật nhất của Báo cáo do Tiến sỹ Lê Đăng Doanh đưa
ra khi ông thẳng thắn khuyến cáo: “Phải thay đổi tư duy “kinh tế nhà nước là
chủ đạo” vì điều này rõ ràng không hiệu quả trong thực tế, mâu thuẫn với cam
kết cạnh tranh bình đẳng theo luật pháp. Trong khi dựa vào “kinh tế nhà nước là
chủ đạo”, xây dựng các tập đoàn kinh tế thành “quả đấm thép”, là “công cụ ổn
định kinh tế vĩ mô” thì thực tế cho thấy tình trạng kém hiệu quả, lãng phí,
thua lỗ, thất thoát của các tập đoàn kinh tế nhà nước là nguyên nhân dẫn đến
đầu tư cao nhưng hiệu quả thấp, nợ công tăng lên, các tập đoàn độc quyền tăng
giá không kiểm soát được (giá điện, giá xăng), chi phí xây cầu, đường cao tốc
cao quá mức so với thế giới, chưa dùng đã hỏng, làm tăng chi phí,giảm năng lực
cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam.”
Nhưng làm sao mà đảng Cộng sản bảo thủ, giáo điều “đặc
sệt” của Việt Nam với hàng ngũ Lãnh đạo chỉ biết cúi đầu xuống cát từ Cương
lĩnh 1991 lạc hậu của Khóa đảng VII thời Đỗ Mười với chủ trương “lấy chủ
nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho
hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản” có thể thay
đổi được tư duy kinh tế, khi họ rất mù mịt về kinh tế ?
Vì vậy mà khi bổ sung Cương lĩnh này, 21 năm sau tại kỳ
Đại hội đảng XI, đảng CSVN vẫn khăng khăng lập lại: “Phát triển nền kinh tế
thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành
phần kinh tế, hình thức tổ chức kinh doanh và hình thức phân phối. Các thành
phần kinh tế hoạt động theo pháp luật đều là bộ phận hợp thành quan trọng của
nền kinh tế, bình đẳng trước pháp luật, cùng phát triển lâu dài, hợp tác và
cạnh tranh lành mạnh. Kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.”
Khi viết như thế, người Cộng sản dư biết là họ đã “quanh
co, mơ hồ và ảo tưởng” vì xã hội chủ nghĩa không có “kinh tế thị trường”. Khi
đảng CSVN bắt buộc phải “đổi mới hay là chết” từ thời Tổng Bí thư Nguyễn Văn
Linh (Khóa đảng VI), đảng CSVN đã mượn cách làm kinh tế của Tư bản làm “đầu heo
nấu cháo” để cứu đảng nhưng lại vẽ ra là họ làm theo “định hướng xã hội chủ
nghĩa” !
Mặt trái của “vai trò chủ qủan” đã lộ ra các ổ tham nhũng
và các nhóm đặc quyền đặc lợi trong đảng và nhà nước. Những vụ làm ăn thua lỗ,
nợ nần chống chất, hay việc Chính phủ phải lấy tiền của dân đóng thuế và tài
sản của nhà nước để “khoanh nợ” và “giãn nợ” cho các Doanh nghiệp Nhà nước thua
lỗ trong nhiều năm qua là một bằng chứng.
Tiêu biểu cho thất bại “chủ qủan kinh tế ” của nhà nước
đã được chứng minh nhãn tiền ở hai Tổng Công ty Tầu thủy Vinashin và Vinalines.
Ước tính từ 400 đến 500,000 tỷ đồng đã tan ra nước mà những người có trách
nhiệm cao nhất là Thủ tướng Chính phủ, Nguyễn Tấn Dũng và hai Bộ trưởng Giao
thông-Vận tải và Kế họach và Đầu tư vẫn không hề hấn gì thì chỉ có ở Việt Nam
thời Cộng sản mới có chuyện lạ này.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý
Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management – CIEM ) ở Hà Nội
viết thêm trong Báo cáo rằng: “Trong khi về hình thức luôn nhấn mạnh “kinh
tế nhà nước là chủ đạo” thì các công ty sân sau của con, cháu, thân quen của
lãnh đạo các cấp đều là kinh tế tư nhân. Các công ty sân sau này đang đem lại
lợi nhuận hợp pháp cho tư nhân, phần lỗ do các công ty nhà nước chịu. Việc dùng
các tập đoàn kinh tế, công ty nhà nước để bù lỗ, ổn định giá đều quá tốn kém,
không hiệu quả và bị chia chác trong “lợi ích nhóm”….
“….Tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước là
doanh nghiệp, chạy theo lợi nhuận, đã đầu tư ra ngoài ngành vào những lĩnh vực
mạo hiểm như chứng khoán, bất động sản để tìm kiếm lợi nhuận, nay phải thoái
vốn thì làm sao hy vọng họ là “công cụ ổn định kinh tế vĩ mô”. Chức năng này
trái với các lý thuyết kinh tế và không phù hợp với kinh nghiệm quốc tế. Có thể
nói quan điểm “kinh tế nhà nước là chủ đạo” đang bị các nhóm lợi ích tận dụng
triệt để cho lợi ích của một số cá nhân có liên quan. Đây là miếng đất mầu mỡ
để tạo ra các mối “quan hệ” vây quanh các tập đoàn và tổng công ty nhà nước nẩy
nở và phát triển….”
LỢI ÍCH NHÓM
Nhóm chữ “lợi ích nhóm” đã được Tổng Bí thư đảng Nguyễn
Phú Trọng nói đến lần đầu khi bế mạc Hội nghị Trung ương 3 ngày 10/10/2011.
Trọng bảo : “Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu
tư công chỉ có thể thành công trên cơ sở tiếp tục đổi mới tư duy và phương pháp
xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội hàng năm và 5
năm để huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả nhất, theo thứ tự ưu tiên hợp
lý nhất các nguồn lực của Nhà nước và xã hội, nội lực và ngoại lực cho đầu tư
phát triển theo quy hoạch. Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và chính sách đầu tư
phải có tầm nhìn xa, không bị “tư duy nhiệm kỳ″, tư tưởng cục bộ, bệnh thành
tích, chủ quan duy ý chí hay “lợi ích nhóm” chi phối.”
Nói hay như thế mà có làm được gì đâu. Các “nhóm lợi ích”
hay “lợi ích nhóm” vẫn cứ nhăn răng ra cười vào mũi đảng khiến Trọng phải triệu
tập thêm hai Hội nghị Trung ương 4 để bàn về “Một số vấn đề cấp bách
về xây dựng Đảng hiện nay” (26-31/12/2011) và Hội nghị 5 để bàn tiếp việc
“Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng
phí” và Đề án “Kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Chỉ đạo
Trung ương về phòng, chống tham nhũng” (7-15/5/2012).
Tại cả hai Hội nghị quan trọng này, đảng đã đặt trọng tâm
vào việc làm sao giữ đảng khỏi tan và duy trì quyền lãnh đạo độc tôn nên sau đó
đã phải phát động chiến dịch kiểm điểm, tự phê bình và phê bình từ Bộ Chính trị
xuống các cấp đảng địa phương, vì nếu không làm quyết liệt thì đảng có thể vỡ
ra nhiều mảnh và mất quyền lãnh đạo.
Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương đã làm xong kiểm
điểm 16 ngày từ 12/7 đến 7/8/2012 và dự trù có kết luận trong tháng này
(9/2012) trước khi báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương họp vào tháng 10
(2012).
Tuy nhiên không chắc là Báo cáo quan trọng này sẽ được
phổ biến cho dân, dù có tin rất có thể sẽ có vài người trong Bộ Chính trị 14
người sẽ bị phê bình hay tự nhận lỗi, trong đó có Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng là
người có trách nhiệm chính trị đối với các Doanh nghiệp Nhà nước, trong đó có
chuyện đổ vỡ của Vinashin và Vinalines đã được Bộ Chính trị và Ban Bí thư thảo
luận khi làm kiểm điểm.
Nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung Ương Nguyễn Đình
Hương viết trên Báo Nhân Dân : “Đợt kiểm điểm
vừa rồi làm khá kỹ lưỡng, có lẽ chưa có cuộc tự phê bình và phê bình nào trước
đây làm được như thế. Hầu như Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặt lên bàn nghị sự
tất cả mọi vấn đề. Nhưng qua tự phê bình và phê bình chưa thấy ai chịu trách
nhiệm về một số vụ việc nổi cộm như Vinashin, Vinalines.
Tôi nhớ trước đây, có những vụ việc sai phạm nghiêm
trọng, gây bất bình trong Đảng, trong nhân dân như vụ Thủy cung Thăng Long, Lã
Thị Kim Oanh hay đường dây 500 kV… chưa cần tổ chức tự phê bình và phê bình mà
đã xử lý nghiêm những cán bộ lãnh đạo cấp cao có liên quan những sai phạm đó.
Phải nói là kỷ luật Đảng hồi đó rất nghiêm.
Hơn 50 năm trước, khi xảy ra việc vỡ đê Mai Lâm ở Hà Nội
gây nhiều thiệt hại cho nhân dân, Bác Hồ đã ngay tức khắc cách chức ông bộ
trưởng chịu trách nhiệm về lĩnh vực đó.
Bây giờ, nếu không có ai nhận trách nhiệm vụ Vinashin,
Vinalines thì việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình coi như không thành công.
Do đó, cần phải tiếp tục làm rõ, làm cho ra kết quả cụ thể, con người cụ thể.
Nếu kiểm điểm mà không ra kết quả cụ thể hay chỉ để rút kinh nghiệm thì chẳng
giải quyết được vấn đề gì cả.”
Chẳng lẽ chuyện “chưa thấy ai chịu trách nhiệm” trong hai
vụ Vinashin và Vinalines có liên hệ đến “lợi ích nhóm” nên giây mơ rễ má chằng
chịt như rễ cây Đa vướng mắc với nhau không tháo ra được ?
Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch Nước cũng đã viết
trên Báo Nhân Dân ngảy 3/9/2012: “Những sai phạm ở một số tập đoàn kinh tế Nhà
nước, vấn đề đầu cơ tài chính trong giới ngân hàng… là những vấn đề nổi cộm
hiện nay, liên quan đến tệ tham nhũng, là một quốc nạn của nước ta. Không làm
rõ nguyên nhân của tình hình trên thì khó tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế Nhà
nước, tái cơ cấu các ngân hàng… Chúng ta ngày càng hiểu việc quản lý tài chính,
tiền tệ… là một vấn đề “cốt tử” đối với đất nước. Ðây là xương máu của nhân
dân, là mạch máu của nền kinh tế quốc dân, làm sao có thể để thất thoát “vô tội
vạ”? Cần phải rõ, minh bạch hóa vấn đề quản lý tài chính, quản lý tài sản, đất
đai, tài nguyên, khoáng sản… Làm rõ không phải chủ yếu để xử lý bằng kỷ luật,
pháp luật, mà quan trọng hơn là tìm được biện pháp sửa chữa và cùng nhau quyết
tâm sửa chữa….vai trò của đồng chí Tổng Bí thư sẽ rất lớn, và để đi đến đoàn
kết nhất trí, không có cách nào khác là phải căn cứ vào đường lối, chính sách,
nguyên tắc của Ðảng. Ðường lối, chính sách và nguyên tắc đó là nhằm phục vụ
nhân dân, phục vụ Ðảng, đất nước, không phải phục vụ cho nhóm lợi ích nào, hay
cá nhân nào.”
Nhưng các “nhóm lợi ích” lại sinh sôi nẩy nở từ các Doanh
nghiệp nhà Nước, các Tập đòan Kinh tế và các Tổng Công ty mà ra cả.
Theo ông Doanh thì : “Lợi ích nhóm ở Việt Nam có đặc
trưng là liên quan đến những người có chức, có quyền, nhất là quyền liên quan
đến cán bộ, tài chính, ngân sách, đầu tư, đất đai, hầm mỏ, rừng, biển, v.v…
Những người này có thể ở cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã phường hay ở cấp sở,
phòng, thậm chí cá nhân thanh tra, cảnh sát hay ở doanh nghiệp nhà nước, tập
đoàn, dự án, v.v… Những hoạt động này len lỏi cả vào các hoạt động rất trí thức
và cao sang như nghiên cứu khoa học, cấp bằng, mua điểm, chấm luận án. Những
nhóm lợi ích ở Việt Nam hoạt động rất linh hoạt, theo từng vụ, việc, vây quanh
một số cá nhân nhất định. Lợi dụng tính thiếu công khai, minh bạch các nhóm lợi
ích thường tiếp xúc theo “quan hệ” cá nhân, có thể đặt quan hệ trực tiếp hay
qua con cái, thân quen mà chất kết dính là lợi ích tiền bạc. Đã có câu dân gian
thể hiện các nhóm lợi ích như sau: “Thứ nhất tiền tệ, thứ nhì hậu duệ, thứ ba
quan hệ, thứ tư mới đến trí tuệ” để mô tả nhóm lợi ích trong bổ nhiệm cán bộ
vào một chức vụ, một vị trí nào (như cảnh sát giao thông đứng ở đâu, quan chức
ngoại giao đi nước nào). Lợi ích càng lớn thì nhóm lợi ích hoạt động càng mạnh.
Luật pháp càng lỏng lẻo hay quyền lực ít bị giám sát thì nhóm lợi ích hoạt động
càng trắng trợn, liều lĩnh.”
Như vậy rõ ràng những điều đảng viết trong Cương lĩnh
1991 và 2011 đều “ba xạo” hết chỗ nói như bảo rằng : “ Đảng Cộng sản Việt
Nam là đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của
nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam; đại biểu trung thành lợi ích của
giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc.”
Nếu là “đại biểu trung thành” thì đâu có ai “phản
bội lại dân” như một số không nhỏ cán bộ, đảng viên mất phẩm chất, coi dân như
thù địch và tham nhũng như rươi ?
Hãy đọc báo cáo của ông Lê Văn Lân, Phó Chánh Văn phòng
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (PCTN) tại Hội thảo “Vai trò
của Quốc hội trong PCTN” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 9-10/7/2012.
Ông Lân nói : “Tham nhũng ở Việt Nam mang tính phổ
biến; xảy ra ở hầu hết các ngành, các cấp, thậm chí xảy ra ngay trong các cơ
quan có chức năng chống tham nhũng, nên việc đấu tranh, ngăn chặn và xử lý rất
khó khăn.
Đối tượng tham nhũng lại là người có chức vụ, quyền hạn,
nên thường là những người có nhận thức sâu rộng, am hiểu pháp luật, được tiếp
cận nhiều thông tin, có điều kiện kinh tế, có quan hệ rộng; một số người có
công lao đóng góp lớn cho xã hội, có uy tín với quần chúng… nên rất khó phát
hiện và xử lý.”
Như vậy đã “hết thuốc chữa” chưa, hay gánh nặng mà đảng
bắt dân phải mang chính là hậu qủa đương nhiên của việc đảng tự cho mình quyền
lãnh đạo độc tôn như viết trong Cương lĩnh 1991 và được lập lại năm 2011, theo
đó: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”.
Đáng lý ra đảng phái làm tốt để được tiếp tục cầm quyền,
dù chưa bao giờ được dân bỏ phiếu cho đảng lãnh đạo. Nhưng đảng đã chứng minh
ngày một tồi tệ qua hình ảnh của tham nhũng và “lợi ích nhóm” như ông Lê Văn
Lân đã nói thay cho Trưởng ban của mình là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng : “Ở
Việt Nam cũng như các nước khác, việc đánh giá chính xác về tình hình tham
nhũng diễn ra trong thực tế là rất khó khăn, vì tham nhũng cũng giống như một
tảng băng trên biển, chúng ta chỉ có thể nhận biết được phần nổi của tảng băng
– là những vụ việc đã được phát hiện, xử lý – mà thôi. Tuy nhiên, thông qua kết
quả phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng trong những năm qua và căn cứ vào
việc đánh giá của các cơ quan chức năng, Đảng và Nhà nước đã khẳng định rằng:
tình hình tham nhũng ở Việt Nam là nghiêm trọng.”
Một cách nói khác là đảng và nhà nước CSVN đã “đầu hàng
quốc nạn tham nhũng” mà những kẻ tham nhũng và “lợi ích nhóm” cũng đều là cán
bộ, đảng viên hay những người có liên hệ với những kẻ có chức, có quyền trong
đảng.
Tóm tắt lại vì không có công bằng trong xã hội, luật pháp
không được thi hành công minh và những kẻ có chức, có quyền bao giờ cũng được
ăn trên ngồi trốc và có đặc quyền, đặc lợi nên người dân bị thiệt thòi là hậu
qủa tất yếu của chủ trương đảng độc quyền kinh tế, không có tự do kinh doanh và
tập trung lãnh đạo vào tay các Doanh nghiệp của nhà nước.
Tình trạng này đã tạo ra những bất công trong thương
trường, nhưng lại có lợi cho các phe nhóm trong đảng để được tự do thao túng,
cạnh tranh bất chính, vây bè kết cánh tạo thành các nhóm quyền lực trong guồng
máy cai trị để trục lợi và hại dân, hại nước.
DŨNG ĐIỀU TRA 3 BÁO MẠNG
Ấy thế mà khi có những “nhà báo tự do” dám lên tiếng
phanh phui ra những những âm mưu thao túng thị trường tài chính, đầu tư, đất
đai, xây dựng hay khai thác hầm mỏ của các “nhóm lợi ích”, đặc biệt khi có liên
quan đến thân nhân hay tay chân bộ hạ của các viên chức trong đảng, hoặc dám vạch
ra những dối gian trong các câu nói của lãnh đạo thì liền bị chụp mũ “chống
đảng, chống nhà nước” và bị cáo buộc là “thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù
địch”, như chỉ thị điều tra ngày 12/09/2012 của Thủ tướng Nguyễn
Tấn Dũng nhắm vào ba báo mạng “Dân Làm Báo”, “Quan Làm Báo” và “Biển Đông”.
Thông báo của Văn phòng Nguyễn Tấn Dũng đã tố cáo 3 báo
mạng này và “một số trang mạng khác, đã đăng tải thông tin vu khống, bịa
đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước,
kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu
trong xã hội. Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch.”
Bản tin viết tiếp: “Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công
an chủ trì phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chức năng
tập trung chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân có hành vi vi
phạm theo đúng quy định của pháp luật.”
Thông báo cũng kêu gọi: “ Báo Nhân Dân, Thông tấn xã
Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Cổng Thông tin điện
tử Chính phủ, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường cung cấp thông tin kịp
thời, chính xác và chủ động phản bác các thông tin không đúng sự thật, xuyên
tạc, chống Đảng và Nhà nước.
Các Bộ, ngành, các địa phương lãnh đạo cán bộ, công chức,
viên chức không xem, không sử dụng, loan truyền và phổ biến các thông tin đăng
tải trên các mạng phản động.”
Trong 3 Báo mạng mà Nguyễn Tân Dũng nêu tên, thì mạng
Quan Làm Báo tập trung các bài viết vào việc “đánh tơi bời” Nguyễn Tấn Dũng và
tay chân nhưng lại ca tụng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Nước Trương
Tấn Sáng.
Tuy nhiên Nguyễn Tấn Dũng đã không nêu tên tờ báo mạng có
tên là Tư Sang (4sang.blogspot.com). Báo Tư Sang đã viết nhiều bài đả kích Chủ
tịch Nước Trương Tấn Sang không nương tay, nhưng công khai bênh vực Nguyễn Tấn
Dũng.
Ban Biên tập Dân Làm Báo đã phản ứng về lệnh điều tra của
Dũng khi họ minh định: “Danlambao không đứng về một phe phái nào và điều này
đã thể hiện qua chiều hướng thông tin và phân tích đa chiều của Danlambao.
Danlambao sẵn sàng rọi đèn vào những khuất tất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng
trong vụ việc “chỉ đạo sát sao” bắt giam Dương Chí Dũng. Danlambao không ngần
ngại xem những tuyên bố của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bên lề hội nghị APEC
là thể hiện một thái độ “cõng rắn cắn gà nhà“. Danlambao cũng chẳng đắn đo khi
dựa vào những tuyên bố, ký kết, tư duy của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng để đánh
giá ông ta là một thái thú thần phục thiên triều. Giữa những tranh chấp quyền
lực, có thể làm yếu đi sức mạnh của guồng máy cai trị độc tài như nhiều người
mong đợi, Danlambao không lưỡng lự thông tin khi nhận thấy việc tranh chấp nội
bộ chính trị Việt Nam có ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế và an sinh của
nhân dân, hoặc tạo cơ hội cho ngoại bang gia tăng ảnh hưởng và khống chế đất
nước.”
Biến cố mới về “cuộc chiến” trên mặt trận thông tin liên
quan đến tình hình Việt Nam trong thời gian vài tháng qua cho thấy ít hay nhiều
có dính đến “lợi ích nhóm” giữa hai phe Nguyễn Tấn Dũng và Trương Tấn Sang.
Chuyện này xẩy ra trong thời gian đảng tập trung vào công
tác kiểm điểm, tự phê bình và phê bình và trước ngày khai mạc Hội nghị Trung
ương 6 vào tháng 10/2012 là điều đáng chú ý.
Bởi vì chẳng có ai “vô công rỗi nghề” đã xông ra làm
chuyện “đánh thuê” mà không có quyền lợi. Nhưng càng xung đột và chửi nhau bao
nhiêu thì càng làm cho dân khổ bấy nhiêu vì quyền lợi phe nhóm và của cá nhân
lãnh đạo đã được các phe phái đặt lên trên quyền lợi của dân và của nước.
Vì vậy chỉ khi nào thủ phạm đã gây ra thảm cảnh cho đất
nước không còn nữa, như đã chứng minh trong Báo cáo Kinh tế vĩ mô năm 2012 –
“Từ bất ổn vĩ mô đến con đường tái cơ cấu” của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vừa
phổ biến thì người dân Việt Nam mới có cơm no, áo ấm và tự do, hạnh phúc.
Phạm Trần
(09/012)
(09/012)
————–
Theo quy luật tiến hoá của lịch sử, loài người nhất định
sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội.
Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã
hội: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; do
nhân dân làm chủ; có nền kinh tế phát triển cao dựa trên lực lượng sản xuất
hiện đại và quan hệ sản xuất tiến bộ phù hợp; có nền văn hoá tiên tiến, đậm đà
bản sắc dân tộc; con người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện
phát triển toàn diện; các dân tộc trong cộng đồng Việt Nam bình đẳng, đoàn kết,
tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển; có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa
của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng Cộng sản lãnh đạo; có quan hệ
hữu nghị và hợp tác với các nước trên thế giới.
No comments:
Post a Comment