Nibelungen . Ốc nho (tên theo bản
gốc: 尼伯龙根·蜗藤)
Người dịch: Quốc
Thanh
Posted by basamnews on 04/09/2012
Tôi để tâm đến vấn đề Nam Hải đã từ lâu.
Khác với rất nhiều người đi từ góc độ lợi ích quốc gia khi quan tâm đến Nam
Hải, tôi quan tâm đến Nam Hải bắt nguồn từ sự tò mò về lịch sử. Trong những
tháng ngày tôi đi học, ở môn lịch sử, Trung Quốc luôn được mô tả là một quốc
gia chú trọng về quyền lợi trên đất liền, còn về quốc phòng biển và cấm biển
thì chẳng có gì mới. Nhưng nếu thử nhìn vào bản đồ Nam Hải của Trung Quốc mà
xem, ai cũng thấy là nhiều đảo ở Nam Hải, đặc biệt là Nam Sa[ii], ở cách xa Trung Quốc đại
lục, còn đường 9 đoạn mà Trung Quốc vẽ hầu như đều đến tận quốc giới của nhiều
nước ở Nam Dương[iii]; mà theo giọng điệu chính
thức, thì các đảo Nam Hải “từ xưa đến nay” là “một bộ phận không thể tách rời”
của Trung Quốc. Sự tương phản cực lớn này đã trở thành động lực đầu tiên để tôi
đến với lịch sử Nam Hải.
Khi tôi còn học đại học, từng có một học
giả nổi tiếng về ngoại giao và luật pháp quốc tế mở cuộc hội thảo, chủ đề hội
thảo là các tranh chấp về đường hải giới giữa Trung Quốc với các nước láng
giềng. Khi ấy chủ yếu nói về đảo Điếu Ngư và Nam Sa. Trong hội thảo, vị học giả
này đề cập không nhiều về phương diện lịch sử, mà chỉ nhắc lại những từ ngữ “từ
xưa đến nay”, “không thể tách rời”… Thế là trong phần nêu câu hỏi, tôi liền đưa
ra nghi vấn, về mặt lịch sử, Trung Quốc rốt cuộc đã có được những bằng chứng
chủ quyền gì đối với những lãnh thổ này? Tôi cho đây là một câu hỏi rất bình
thường, bởi đã là “từ xưa đến nay”, “không thể tách rời”, thì đương nhiên hẳn
phải có bằng chứng về mặt lịch sử. Thế nhưng không đợi cho vị học giả trả lời,
xung quanh đã bắt đầu có những tiếng nói trách cứ tôi, chất vấn rằng tôi có
phải là người Trung Quốc không. Còn vị học giả nọ thì cũng chẳng trả lời cho
tường tận câu hỏi của tôi, mà chỉ dùng một bằng chứng mà ông ta cho là không
thể chối cãi để trả lời. Ông
nói vào cuối triều Thanh, Từ Hy Thái Hậu đã cấp đảo Điếu Ngư cho Thịnh Tuyên
Hoài. Một khi đã có cử chỉ làm ra được sách phong, thì tự nhiên đã chứng tỏ
lãnh thổ này là thuộc Trung Quốc.
Chúng
ta biết rằng, cái gọi là bằng chứng này là hoàn toàn sai lầm. Bởi vì ngay từ năm ấy đã chứng thực được cái gọi là
chiếu thư sách phong ấy hoàn toàn là ngụy tạo. Ấy thế mà với danh nghĩa một học
giả nghiêm chỉnh, có danh tiếng về lĩnh vực biển, mà cũng còn lấy cả cái thứ
ngụy tạo ấy làm kết luận để truyền đạt cho công chúng. Hẳn sẽ hình dung được
những kiến thức về đường ranh giới biển mà chúng ta có được từ chính phủ và báo
chí sẽ có thể bị mắc lừa đến thế nào. Đồng thời, tôi cũng được biết, trong giới học thuật, nếu
đưa ra những quan điểm trái với “lòng yêu nước” thì sẽ phải chịu áp lực lớn đến
đâu.
Song như vậy lại càng khiến cho tôi thêm tò mò tìm đến sự
thật. Theo tôi, nhiệm vụ chủ yếu nhất của các nhà sử học là phải làm rõ trong
lịch sử đã xảy ra những gì, tiếp đến là giải thích những chuyện đã xảy ra trong
lịch sử ra sao. Tôi không cho phục
vụ chính trị là nhiệm vụ của các nhà sử học, thứ nhiệm vụ ấy nên để cho các nhà
chính trị học, nhà luật học và văn nhân cung đình.
Các nhà sử học Trung Quốc truyền thống cũng
cho rằng ghi lại sự thật là chuyện hàng đầu. Như trong sách “Tả truyện” mà mọi
người đã quen thuộc, vào năm 548 trước Công nguyên, Thôi Trữ sát hại Tề Trang
Công, Thái Sử chép lại trung thành đã bị Thôi Trữ giết chết. Em trai Thái Sử
lại chép như thế, rồi lại bị giết. Nhưng một người em trai khác của ông ta lại
vẫn cứ tiếp tục viết như thế, và một viên sử quan khác cũng đã chuẩn bị tinh
thần sau khi người em trai này bị giết lại tiếp tục chép lại trung thành lịch
sử. Cuối cùng Thôi Trữ mới đành phải cúi đầu trước viên sử quan nọ. Câu chuyện
này đã được liên tục truyền tụng trong lịch sử Trung Quốc với tư cách là một
mẫu mực cho các nhà sử học chính trực.
Giới học thuật Trung Quốc cũng hết lời ngợi
ca những học giả tuân thủ sự thật ở các nước. Như vị học giả Nhật Bản đã qua
đời Kiyoshi Inoue luôn bảo vệ quan điểm đảo Điếu Ngư là lãnh thổ của Trung
Quốc, điều này đã được giới chính thống và giới học thuật Trung Quốc ca ngợi
mãi. Theo tư liệu trên xinhuanet.com, đã có cái quan định luận như sau cho Kiyoshi
Inoue: “Sử học nhân dân do “Kiyoshi Inoue chủ trương”, chống lại nhãn quan lịch
sử theo chủ nghĩa quốc gia. Kiyoshi Inoue còn tích cực tham gia vào phong trào
phản chiến hòa bình của các nhóm công dân, lên án tội ác của chủ nghĩa quân
phiệt Nhật Bản năm ấy, hơn nữa còn kiên quyết phản đối những hành vi không dám
đối mặt thậm chí còn bóp méo lịch sử Nhật Bản cận hiện đại và sửa chữa lại sách
giáo khoa lịch sử…, được dư luận tiến bộ trong ngoài nước tôn vinh là nhà sử
học có lương tri của Nhật Bản”. Có thể thấy, ẩn chứa trong những lời lẽ đường
hoàng chính thống của Trung Quốc, nhà nghiên cứu lịch sử nếu “chống lại nhãn
quan lịch sử của nhà nước”, chống lại “vì lợi ích quốc gia mà bóp méo sự thật
lịch sử”, thì sẽ được xem là biểu hiện “có lương tri”.
Tuy nhiên, rất nhiều học giả trong giới sử
học Trung Quốc có liên quan đến phương diện nghiên cứu Nam Hải đã không làm
được điều này, kể cả những chuyên gia đầy tài năng cũng không ngoại lệ. Chẳng
hạn như thầy trò Hàn Chấn Hoa và Lý Kim Minh, cả hai (nhất là Hàn Chấn Hoa) đều
là những chuyên gia có kiến thức phong phú, tác phẩm đầy mình, nhưng lại đã
nhiều lần vì chứng minh cho mệnh đề “các đảo Nam Hải từ xưa đến nay là một bộ
phận của Trung Quốc” mà đã phạm phải những sai lầm không đáng có về học thuật. Gần đây, tôi vừa mới phân tích
những sai lầm trong luận chứng “địa điểm đo tứ hải của Quách Thủ Kính là ở đảo
Hoàng Nham[iv]” của họ. Nếu đọc
một lượt các tác phẩm của họ, bạn sẽ phát hiện thấy còn có rất nhiều những sai
lầm khác. Mà phần lớn những sai lầm ấy hiển nhiên không phải là do không đủ khả
năng, mà là cố ý làm vậy vì sự ảnh hưởng tác động của “lòng yêu nước”.
Giới học thuật đã
là vậy, giới chính thống và truyền thông lại càng là vậy hơn. Lập trường của giới chính thống là dễ hiểu. Báo chí
truyền thông trước đây là cơ quan ngôn luận của giới chính thống, gần đây mặc
dù có được nới lỏng đôi chút, nhưng vì phải chịu sự trói buộc của giới chính
thống, bầu không khí “lòng yêu nước” ngày càng tăng lên, và do ảnh hưởng của
nhiều nhân tố như sự nhẹ dạ nghe theo một chiều của các học giả có uy tín và
những người nổi tiếng, sự thiếu tính chuyên nghiệp về mặt pháp lý văn hóa lịch
sử…, mà những lập luận phiến diện của giới học thuật và giới chính thống đang
được thổi phồng lên tiếp.
Hầu hết công chúng không có được đủ thời
gian, năng lực và hứng thú để đi thẩm tra từng bằng chứng một, cộng thêm sự dạy
dỗ trong nhà trường lại chịu ảnh hưởng của lối lập luận chính thống. Ảnh hưởng
của các phương tiện truyền thông đại chúng đã làm cho lập luận chính thống được
khắc sâu hơn. Sự tăng trưởng của “chủ nghĩa dân tộc” cũng đã gây áp lực ngược
trở lại cho giới học giả, truyền thông, thậm chí là cả chính phủ. Mà kết quả
cuối cùng là độ chênh giữa nhận thức lịch sử và lịch sử chân thực ngày càng lớn
hơn trong toàn bộ xã hội.
Ngoài ví dụ về đảo Hoàng Nham ra, xin đưa thêm một ví dụ
đơn giản. Trong truyền thông chính thống và các
nghiên cứu khoa học của Trung Quốc thường nhắc tới một câu: “Trước thập kỷ 70
chưa hề tồn tại cái gọi là vấn đề Nam Hải”. Đây là câu mà tôi thấy khó hiểu
nhất, bởi vì rõ ràng có sự đối nghịch với sự thực lịch sử. Từ Chiến tranh thế
giới II đến trước năm 1974, Pháp và Nam Việt[v] đã luôn chiếm giữ một phần
Tây Sa[vi]; kể từ năm 1956, Nam Việt
và Philippines đều đã chiếm giữ các đảo ở Nam Sa. Từ Chiến tranh thế giới II
đến trước năm 1992, Mỹ lấy đảo Hoàng Nham làm trường bắn, Philippines cũng
tuyên bố chủ quyền trên đảo Hoàng Nham. Tôi cũng không hiểu nổi Trung Quốc cần
gì để làm ra một câu như vậy. Tôi chỉ có thể phỏng đoán rằng nó ám chỉ các nước
đã nóng mắt với dầu mỏ dưới Nam Hải nên mới gợi ra tranh chấp (Nam Hải phát
hiện thấy dầu mỏ vào sau thập kỷ 60), điều này phù hợp với lối tư duy
“thấy lợi quên nghĩa” của người Trung Quốc.
Sau khi đọc những tư liệu nghiên cứu về vấn
đề Nam Hải, nhất là sau khi đọc kỹ những tư liệu của phía Trung Quốc, tra cứu
các văn bản gốc rồi đối chiếu với các nghiên cứu của các nước, tôi đã phát hiện
được rất nhiều sai lầm và sự thiếu nghiêm túc trong sách giáo khoa, các nghiên
cứu khoa học và các bài báo của Trung Quốc. Tôi đoan chắc rằng ở phía tranh chấp khác cũng tồn tại
những vấn đề tương tự. Thật đáng tiếc, tôi vừa không biết tiếng Việt, lại cũng
chẳng biết tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha, nên chỉ có thể nghiên cứu qua những
tác phẩm dịch, điều này không thể tránh khỏi có đôi phần thiên vị. Song đây là
thuộc về sự giới hạn năng lực của tôi. May thay, sử liệu cổ đại chủ yếu lại là
sử liệu bằng tiếng Trung (sử liệu cổ đại của Việt Nam cũng viết bằng chữ Hán),
cho nên độ sai lệch chắc cũng không quá lớn.
Tôi cảm thấy sự
cần thiết phải viết ra những nghiên cứu tâm đắc của mình, để mô tả lại một cách
hệ thống và khách quan lịch sử của Nam Hải. Bởi viết những gì đã học và nghiên cứu được thành bài
viết là phương pháp học tập tốt nhất. Một khi đã viết được thành bài, thì nó sẽ
còn mãi với thế gian. Cho nên, làm như thế này chủ yếu là để thỏa mãn cơn khát
về lịch sử của mình. Đương nhiên nếu như người khác cảm thấy thích thú và thấy
có giá trị, thì cũng có thể chia sẻ được với họ.
Tôi không nghĩ rằng những bài viết của mình
sẽ có ảnh hưởng gì đó tới “lợi ích quốc gia” trong việc quy thuộc Nam Hải.
Trước hết, tôi không phải là một người nổi tiếng, cũng sẽ không đưa cái thứ này
viết thành bài để công bố (mà cũng chẳng nơi nào cho đăng), cho nên những người
đọc được chỉ là một con số rất nhỏ. Trong tình trạng bình thường, số người ghé
thăm blog của tôi cũng chẳng được bao lăm. Thứ đến, ở cái thời đại Trung Quốc ngày một trở thành đế
quốc mới này, chủ nghĩa dân tộc và luật rừng đã dần dần thế chỗ cho phép tắc xử
sự dựa trên nền tảng bình đẳng và chính nghĩa. Sự thật lịch sử chỉ
thuộc về những người đi tìm sự thật, chứ không thuộc về dòng chính của xã hội.
Nhiều người khi đọc xong các bài viết của tôi đều bảo, nói lịch sử phỏng có ích
gì, thực lực mới là quan trọng nhất. Điều này cho thấy các bài viết của tôi
không thể làm ảnh hưởng đến “lợi ích quốc gia”. Cuối cùng, lại càng bất tất
phải chụp cái mũ “Hán gian” và “bán nước” cho các bài viết của tôi. Tất cả mọi
người trên trái đất này đều hiểu rằng Hán gian và bán nước là bản quyền của các
vị tai to mặt lớn, chứ chẳng liên quan gì đến một kẻ tiện dân như tôi.
Nguồn: dddnibelungen.wordpress.com
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
—
Xem thêm các bài khác cùng trên blog này:
+ 1197. QUAN HỆ KẾ THỪA CHỦ QUYỀN CỦA CÁC QUỐC GIA CÓ LIÊN
QUAN ĐẾN NAM HẢI TỪ THỜI CẬN ĐẠI ĐẾN NAY;
[i] Tức Biển Đông.
[ii] Tức Trường Sa.
[iii] Tên gọi vùng Đông Nam Á vào
đời Minh, Thanh.
[iv] Tức Bãi cạn Scarborough
(Scarborough Shoal).
[v] Tức Việt Nam Cộng hòa.
[vi] Tức Hoàng Sa.
No comments:
Post a Comment