Monday, 10 September 2012

VĂN HÓA "BIỂU TÌNH" (David Thiên Ngọc - Danlambao)





11-9-2012

Đầu năm học niên khóa 2012-2013 trên toàn thế giới nói chung thì hầu như bình yên. Nhưng tùy nơi cũng có những sự kiện nổi bật riêng mà trong chúng ta những người có quan tâm đến dòng chảy của xã hội cũng không thể không có một chút suy tư. Tôi đơn cử ba nơi trên thế giới là Việt Nam, HongKong và Hoa Kỳ.

Riêng về tình hình VN trong lĩnh vực giáo dục tôi đã có bài viết trên Danlambao trong mấy ngày qua rồi thiết tưởng tôi không nhắc lại nơi đây nữa. Tựu chung và nổi bật nhất vẫn là chính sách giáo dục băng hoại, bóc lột, trước mắt là những nỗi đau, nỗi lo và những gánh nặng mà cả gia đình phụ huynh học sinh phải oằn lưng gánh chịu, và dần dà đưa thế hệ trẻ vào cõi mù khơi... tương lai mịt mờ đen tối và sẽ cùng cả xã hội đi vào chỗ diệt vong. Có những trường hợp quá sức chịu đựng và không còn phương cách nào khắc phục khi đã bán đi những tài sản gì quí giá của cá nhân, gia đình mà vẫn không vượt qua được nghịch cảnh thì phải đành chịu đứng nhìn con em giữa đường đứt gánh ước mơ và chấp nhận dừng chân trên con đường đến trường lớp mà thôi. Còn về phần giáo viên thì cũng như người đã lỡ leo lưng cọp nên đành phải cắn răng bám giữ nghề nghiệp cho dù trong lòng luôn sẵn sàng rời bỏ nếu có một bến bờ hay cơ hội nào đến trong tầm tay với.

Rời VN ta đưa tầm nhìn sang Hongkong một đặc khu bán tự trị trực thuộc TQ cách VN không xa. Tuy trực thuộc TQ kể từ khi Vương Quốc Anh trao trả Hongkong lại cho TQ hơn một thập niên qua nhưng nơi này được hưởng chế độ "Nhất Quốc lưỡng thể" trong đó những quyền tự do căn bản được tôn trọng như tự do báo chí, hội họp, minh bạch thông tin và các tổ chức tự quản và nhất là không thiếu "Văn Hóa biểu tình". Do đó khoảng cách về văn hóa, xã hội, và chính trị... giữa Hongkong so với đại lục là một bước tiến khá xa.

Tuy nhiên để dần dà từng bước thẩm thấu nền chính trị độc tài của đảng CSTQ, chính quyền Bắc Kinh đã cố tình đưa chương trình giáo dục của đảng sâu rộng cho giới trẻ từ học sinh cấp I nhằm nỗ lực tẩy não trẻ em bắt đầu niên học 2012-2013 và sau đó là tiếp tục cho các cấp học lớn hơn.

Với một chương trình giáo dục một chiều trong đó môn giáo dục công dân với nhiều bài học bóp méo lịch sử gây tranh cãi với giọng điệu tuyên truyền rộng khắp ca ngợi công lao to lớn của đảng CSTQ và ra sức duy trì sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng này. Đồng thời đưa ra những tư tưởng nô dịch và tự vẽ ra một bức tranh với màu sắc... toát lên một viễn cảnh hỗn loạn của của một xã hội đa đảng, đa nguyên... nhằm xóa nhòa dấu vết nhớp nhơ mà đảng CSTQ đã gây ra cho đất nước và nhân dân TQ như nạn đói khủng khiếp cướp đi mạng sống hàng chục triệu người trong cuộc "Đại nhảy vọt", mười năm (1966-1976) tang tóc của "Đại Cách Mạng văn hóa". Và ở đoạn cuối của luận điệu này rằng đây là một môn học quan trọng để thúc đẩy, tô bồi nuôi dưỡng lòng yêu nước đậm đà bản sắc dân tộc cho lớp trẻ mai sau.

Ngược lại tâm lý "Bài Cộng" ở Hongkong đã gia tăng từ những ngày đầu bị trả về cho TQ. Gần đây nhân dân Hongkong đã hạ bệ và đập nát bức tượng cao 10 mét của Mao Trạch Đông với lý do họ là những người Trung Hoa yêu "Tự Do-Nhân Bản", họ không muốn chứng kiến và sự tồn tại hình ảnh của một nhân vật "Vô Thần, Man Rợ, Độc Tài" đã thống trị và gieo rắc tang tóc cho nhân dân TQ trong gần một thế kỷ qua và hiện giờ với sự tiếp tay của lớp đảng viên cộng sản kế thừa.

Trở về với sự kiện giáo dục ở Hongkong. Phản ứng mạnh mẽ trước sự áp đặt một nền giáo dục nô dịch và phi nhân bản đó nhân dân và học sinh Hongkong đã cực lực phản đối và trong mấy tuần đầu năm học hàng trăm ngàn người dân, phụ huynh học sinh đã xuống đường biểu tình và tập trung trước tòa thị chính Hongkong tỏ rõ sự bất bình trước chương trình giáo khoa giáo dục công dân cho trẻ em với những bài học bưng bít, lừa dối và tiếp tục nhuộm đỏ vào não trẻ em Hongkong như đã nêu trên.

Qua khảo sát đã được công bố thì hơn 69% học sinh phản đối các bài học giáo dục này.

Trước sự phản ứng của nhân dân Hongkong bắt buộc nhà cầm quyền Hongkong (được chính quyền Bắc Kinh chỉ định) phải nhượng bộ và hủy bỏ các kế hoạch giáo dục công dân như đã nêu.

Tại Hongkong quyền tự do ngôn luận, bày tỏ chính kiến, báo chí, hội họp và biểu tình của người dân được tôn trọng qua sự kiện đập tượng Mao Trạch Đông và phản đối chương trình giáo dục nhồi sọ... thì ta đã thấy sự văn minh của một xã hội tiến lên. Sự bóp méo dối trá, áp đặc mọi chủ kiến, chính sách... đều thuộc về cái xấu và luôn bị đào thải để thay thế bằng sự trong sáng góp phần xây dựng xã hội đẹp tươi.

Chuyển qua bầu trời nước Mỹ. Khi những dòng chữ này đang gõ trên bàn phím thì ngoài đường phố ở DownTown và khắp mọi nơi trong Chicago City, toàn thể giáo viên đang xuống đường "Biểu Tình" mỗi người đều trương biểu ngữ đòi hỏi quyền lợi chính đáng của mình mà không bị một sự cản trở nào và các cảnh sát còn phải dẹp đường hướng dẫn xe cộ lại qua cho thông thoáng dành đường ưu tiên cho những người biểu tình dễ dàng đi qua.

Chương trình biểu tình của các giáo viên bắt đầu kể từ ngày hôm nay thứ 2 ngày 10/9/2012 và những ngày kế tiếp cho dù là một tuần hay hơn nữa đến khi nào nguyện vọng của họ được chính quyền Chicago City đáp ứng thỏa đáng. Tất nhiên trong thời gian diễn ra cuộc biểu tình của các giáo viên thì toàn thể học sinh các cấp đều phải nghỉ học.

Chuyện là như thế này thật hoàn toàn trái ngược với Việt Nam. Tại Hoa Kỳ, trong các niên khóa trước, toàn thể các trường công, nhất là từ tiểu học đến trung học đều vào lớp học đúng 8h30 sáng và cha mẹ đón con cái lúc 2h30 chiều. Đặc biệt là ở đây các em ăn sáng và trưa tại trường mà cha mẹ không phải đóng một khoản tiền nào kể cả tiền học phí, cơ sở vật chất... v. v... như ở Việt Nam.

Đầu năm học này vị thị trưởng (mới) Chicago ra quyết định thay đổi giờ tan trường là 3h30 chiều. Có nghĩa rằng giờ học của các em được tăng thêm 1 tiếng đồng hồ. Vị thị trưởng nêu ra lý do là nếu cha mẹ đón con em vào lúc 2h30 sẽ gặp khó khăn vì còn đang trong giờ làm việc của cha mẹ và sẽ gây giảm mất năng suất trong công việc làm mà các bậc cha mẹ đang trách nhiệm.

Với chính sách tăng thêm một giờ học của học sinh được tất cả các bậc phụ huynh học sinh hoan nghênh vì đã đem lại sự tiện ích trong sinh hoạt hàng ngày của gia đình. Riêng về phần giáo viên, với khoảng tăng thêm một giờ làm việc thì các giáo viên không phản đối, nhưng điều đáng nói ở đây là khoản ưu đãi chưa được tăng theo. Vì vấn đề này mà toàn thể giáo viên của thành phố Chicago đang xuống đường đấu tranh và đòi hỏi. Tất nhiên ở một xã hội công bằng, văn minh thì mọi việc đều minh bạch và hợp lý. Ở đó sự công bằng sẽ được tôn trọng và nâng cao.

Ở Việt Nam thì nhà trường, Bộ Giáo dục cướp trắng trợn của giáo viên hết gần một tháng rưỡi của ba tháng nghỉ hè mà không một thầy cô giáo nào dám hé môi nói nửa lời... vì run sợ trước Búa đập đầu và Liềm cắt cổ nếu ai đó đưa ra lời phản đối. Kể cả trong chính khóa cũng bị bóc lột thời gian lên gần gấp đôi giờ chính thức. Ở xứ Mỹ lạc hậu chỉ có một giờ mà bày ra đủ trò đấu tranh, đòi hỏi thật nực cười!

Điểm qua tính chất hai nơi trên thế giới.

Hongkong, một nơi là đặc khu bán tự trị cũng chịu sự lãnh đạo của đảng CSTQ nhưng những gì đã diễn ra từ kinh tế chính trị, văn hóa... như đã dẫn ở trên ngoài các quyền tự do khác, ở đây nổi bật lên là nét "Văn Hóa Biểu Tình". Văn hóa biểu tình đã đem lại sự tốt đẹp, hoàn mỹ hơn, cải thiện hơn cho xã hội bởi tính dân chủ, công khai và tôn trọng chính kiến của người khác mà từ trong cốt lõi của hiện tượng đã có sẵn và từ đó sẽ có sự đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái sở đoản mà trong một ít người hay một cá nhân khó bề chiến thắng được và từ đó sẽ đưa ra tiếng nói chung của đại đa số nhân dân.

Một nơi nữa là xứ Cờ Hoa. Một nơi mà chính phủ đó có được cái đặc quyền phê phán thậm chí có quyền đưa ra những giải pháp về ngoại giao, quân sự nếu cần thiết để áp dụng, hành xử cho những nước khác, những nơi nào thiếu tôn trọng nhân quyền, vi phạm hoặc tước đoạt mọi quyền tự do căn bản của người dân, trong đó có "Quyền Biểu Tình". Sự kiện thầy cô giáo ở Chicago đang biểu tình là một điều minh chứng.

Tuy nhiên, tại đất nước VN "dân chủ gấp vạn lần các nước tư bản" như lời tuyên bố của bà Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan thì nét văn hóa biểu tình khác xa với các nơi trên thế giới. Ở VN biểu tình bị cho là "thế lực thù địch" do đó sẽ bị đạp vào mặt, đánh đập, bắt nhốt vào tù và đưa đi "phục hồi nhân phẩm"... thậm chí thanh niên, sinh viên và những người dân dạo chơi nơi công cộng cũng bị theo dõi, đe dọa và khủng bố.

Nhà nước CSVN, bộ GDĐT VN nghĩ gì trước thềm năm học mới, trước xã hội lạc hậu của các nước chủ nghĩa Tư Bản giãy chết đang bóc lột nhân dân, giáo viên, phụ huynh học sinh và bản thân các em học sinh hàng ngày từng bữa ăn sáng, trưa và các khoản tiền phải đóng... đang diễn ra ở một đất nước mà tự do dân chủ bằng một phần vạn đất nước Việt Nam chủ nghĩa Cộng Sản tươi đẹp và đang tự hào với niềm hạnh phúc thứ nhì thế giới?

Ngày 10/9/2012






No comments:

Post a Comment

View My Stats