Wednesday 12 September 2012

VÀI CÀM NGHĨ về BUỔI TƯỞNG NIỆM TRIẾT GIA KIM ĐỊNH tại VĂN MIẾU HÀ NỘI [1/2] (Lê Việt Thường)





Lê Việt Thường
9-10-2012

“Tưởng Niệm Người Gầy Dựng Nền Tảng triết Học Việt”

Sáng 14/7/2012, tại Văn miếu Quốc Tử Giám, nhân 15 năm ngày mất của triết gia Kim Định, Trung tâm Minh triết phối hợp với Trung tâm Lý Học Đông Phương lần đầu tiên tổ chức buổi tọa đàm tưởng niệm về ông….”

Quả đọc được bản tin này, chúng tôi Vui Thật! Nhớ lại 37 năm trước, ngay sau biến cố 30/04, sách của Cố Triết Gia đã “được” xếp ở vị trí Hàng Đầu trong cuốn “Sổ Đen” của nhà cầm quyền CSVN đương thời. Tuy nhiên, sau khi đọc hai bài tham luận của hai diễn giả chính trong buổi Tưởng Niệm này thì trong lòng chúng tôi, cảm xúc vui buồn trở thành lẫn lộn vì “sự đời’ thường không đơn giản như chúng ta tưởng lúc ban đầu !

Chúng tôi xin mạn phép gọi hai VỊ trên là “Diễn Giả I”(1)và “Diễn Giả II”(2)

I) DIỄN GIẢ I

Về diễn giả I, chúng tôi nhớ lại cách đây khoảng 6, 7 năm, khi lần đầu tiên có dịp đọc bài viết của Vị này, chúng tôi rất đổi ngạc nhiên khi trong bài viết, Vị này tự đề nghị “đặt căn bản khoa học” cho Chủ Thuyết của Cố Triết Gia Kim Định. Nay thì lời văn trong bài tham luận mới đây đã đổi khác nhiều, có thể nói là đã xoay chiều “gần như 180 độ”! Có lẽ sau nhiều năm tiếp cận với các công trình văn hóa của Cố Triết Gia, diễn giả đã hiểu rõ hơn xưa nội dung của Chủ Thuyết An Vi và Việt Nho chăng? Chúng tôi vui vì khía cạnh Tích Cực này. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn lại vài Ngộ Nhận đáng tiếc về phía diễn giả liên quan đến Cuộc Đời và Tư Tưởng của Cố Triết Gia.

A) KHÍA CẠNH TÍCH CỰC

Về phần Tích Cực, chúng tôi xin ghi nhận những lời tuyên bố sau đây của diễn giả:

“Do công khai thác và biên khảo, sáng tác của giáo sư, những bậc thức giả khắp nơi đã suy tôn ông là Triết Gia Việt Nam. Ảnh hưởng Việt Triết và Việt Nho của ông đã gây ý thức cho người Việt khắp nơi nhìn lại thực tại văn hóa của mình…..An Vi đã như một luồng gió mang tinh thần dân tộc bùng lên khắp nơi có người Việt định cư. Ảnh hưởng của Triết Gia còn lan rộng tới các học giả, triết gia Âu Mỹ và Viễn Đông”.

Hoặc “Trong khi phần lớn học giả người Việt chỉ biết văn minh Trung Hoa từ sau thời Tần Hán thì Kim Định….. nhận ra rằng, cái khoảng trống trước Tần Hán mới là quan trọng, mới là quyết định cho văn hóa phương Đông”

Hoặc “Chính nhờ vậy, sau nửa thế kỷ tồn tại, sách của ông không những không cũ mà vẫn nói với ta những gì sâu nhất không chỉ về tri thức mà cả trong chiều sâu thẳm của tâm linh Việt. Có thể nói, chính Kim Định là người mở đường đưa ta vào tận đáy sâu của minh triết phương Đông”.

Hoặc: “Từ nửa thế kỷ trước, Kim Định như nhà tiên tri thấu thị tuyên bố: người Việt chiếm đất Trung Quốc trước người Hoa và xây dựng nền văn hóa Việt nho nhân bản, minh triết!..... thời gian và khoa học minh chứng cho Kim Định. Thuyết Việt nho và An vi của ông trở thành báu vật không chỉ giúp dân tộc Việt tìm lại bản thể của mình để xây dựng một dân tộc Việt Nam mới mà còn thắp lên ngọn lửa minh triết soi đường cho nhân loại.”

Và diễn giả kết luận: “….. do là cội nguồn của minh triết phương Đông, nếu biết phát hiện lại mình, thực thi bốn đặc điểm của Việt nho, Việt Nam không chỉ cứu được mình mà còn là ngọn cờ dẫn dắt nhân loại trên con đường phục hưng.

Do lẽ đó, di sản của triết gia Kim Định là báu vật vô cùng quý giá mà chúng ta phải trân giữ, học hỏi và truyền dạy cho hậu thế”.(3)

Còn một lý do khác khiến chúng tôi vui là phần nội dung quan trọng trong bài tham luận của diễn giả liên quan đến các đề tài và lãnh vực mà chúng tôi đã có dịp đề cập trong các bài viết của mình trước đây.

Chẳng hạn về “ 1. Quan niệm về vũ trụ tham thiên lưỡng địa”, diễn giả phát biểu: ““Nhất âm, nhất dương chi vị đạo”: Âm và Dương đó là đạo! Đạo ấy là sự vận hành của vũ trụ. Đúng là Âm và Dương tạo ra đạo. Nhưng cái “đạo” đang lưu hành trong vũ trụ là bao nhiêu Âm cùng với bao nhiêu Dương? Nếu là cân bằng tĩnh một Âm (-1) + một Dương (+1) thì vũ trụ triệt tiêu, không tồn tại! Trên thực tế, vũ trụ vận hành theo chiều hướng đi lên, tích cực, có nghĩa là Dương chiếm ưu thế. Nhưng ưu thế tới mức nào? Người phương Đông khôn ngoan đã nhận ra Âm và Dương vận động hòa hợp trong phạm vi con số 5 vũ trụ! Dương + Âm = 5= con số vũ trụ! Nhưng vấn để đặt ra là, trong con số vũ trụ đó, Dương bao nhiêu và Âm bao nhiêu? Chỉ có 2 đáp án: hoặc Dương 4, Âm 1 hoặc Dương 3, Âm 2! Đó là hai cách lựa chọn của con người cho sự phát triển. Minh triết phương Đông nhận ra 3 Dương + 2 Âm là con số vàng của vận hành vũ trụ. Cuộc sống là đi lên, là tăng trưởng, là Dương nhưng trong đó phần của Dương của Trời là 3 còn giành cho Đất, cho Mẹ 2 phần sẽ đạt tới sự hài hòa cao nhất”(4)

Về phần mình, chúng tôi còn nhớ cách đây khoảng 8 năm (2004) để đóng góp vào một buổi “Họp Mặt Văn Hóa”, chúng tôi chọn đề tài “Con Đường Nào Cho Viêt Nam Hôm Nay ?” mà sau đó chúng tôi có sửa chữa lại đôi chút để đăng trên các “Web” trong đó có mạng ‘Tinparis.net” chẳng hạn, có đoạn tương tự nội dung của diễn giả vừa nêu trên:

“Cơ Cấu NGŨ HÀNH chính là VIỆT ĐẠO do mối liên hệ thâm sâu giữa Huyền Sử Tiên Rồng và Dịch Lý.Ngoài ra, lý thuyết Ngũ Hành không chỉ là Suy Luận Triết Học suông mà có Nền Tảng KHOA HỌC hẳn hoi như khám phá gần đây của hai nhà Bác Học Trung Hoa Lý Chánh Đạo và Dương Chấn Ninh, nhờ đó hai ông được giải thưởng NOBEL cho thấy…... Dương điện tử di chuyển nhanh hơn Âm điện tử Trong Tỷ Lệ 3/2(Ba trên Hai), giống như Tương Quan Lý Tưởng «Tham Thiên Lưỡng Địa» (= Ba Trời, Hai Đất) hay 3 DƯƠNG 2 ÂM, của lý thuyết NGŨ HÀNH vừa đề cập ở trên.

Vì CƠ CẤU là một vấn đề tối quan trọng nên không chỉ là đề tài suy tư của các nhà Hiền Triết Viễn Đông, mà còn là mối bận tâm của nền Triết Học Ấn Độ cũng như của các Triết Gia Tây Phương Cổ Đại…..

Nếu Cơ Cấu của Vũ trụ, Vạn vật là Tứ Tố như Aristotle chủ trương, thì hai nguyên lý Âm Dương sẽ ở trạng thái Quân Bình TĨNH CHỈ (Static), Bất Động như (2 Dương + 2 Âm = 4) thì làm sao có Di động, Biến Hóa cũng như hoàn toàn trái ngược với Thực Tại mà Khoa Học ngày nay chứng minh là làm bằng một Vũ Trụ được điều hợp trong thế Quân Bình ĐỘNG ĐÍCH (Dynamic) là (3 Dương + 2 Âm = 5) như Cơ Cấu NGŨ HÀNH. Thật vậy, nguyên lý DƯƠNG đại diện cho Tinh Thần phải chiếm 3 phần, tức trội hơn nguyên lý ÂM đại diện cho Vật Chất chiếm 2 phần, thì Vũ Trụ, Vạn Vật, Con Người mới có BIẾN HÓA thăng tiến về phía TINH THẦN, giống như chủ trương của Sử Gia danh tiếng A. Toynbee quan niệm Lịch Sử con người là hướng tiến dần dần lên thế giới TINH THẦN (=Etherialization có nghĩa là «trở nên Tinh Khí, Thiêng Liêng»)”(5)

Về 2. "Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh", diễn giả tuyên bố: “Từ văn hóa nông nghiệp lúa nước quán chiếu nhân sinh cùng vũ trụ, người phương Đông thấy rằng, vũ trụ hợp thành từ 3 yếu tố: Thiên, Địa và Nhân, trong đó con người là trung tâm. Là chủ thể của vũ trụ, con người giữ quan hệ thái hòa với thiên nhiên vũ trụ cũng như với đồng loại. Và một khi con người đã Nhân chủ, Thái hòa như vậy thì đó là con người Tâm linh, cảm thông, linh ứng với những thế giới siêu nhiên khác”(6)

Riêng về phần mình, từ lâu, chúng tôi đã có dịp viết về các đề tài nêu trên trong nhiều bài viết khác nhau như chẳng hạn:

NHÂN CHỦ: “Ngoài đức tính Thích Nghi, với thuyết TAM TÀI (số 3), Dịch Lý còn đặt con NGƯỜI như một TÀI ngang hàng với TRỜI cùng ĐẤT, nên cũng gọi là «Tham Thông» tức cả ba Tài đều tham dự: nếu Trời làm, Đất làm thì Người cũng làm nên gọi là NHÂN CHỦ”

THÁI HÒA: “Tuy đề cao Nhân Chủ tính nhưng Triết VIỆT Không có tính chất Duy Nhân (Anthropocentrism) như một trường phái Triết Học Tây Phương thời xưa chủ trương. Lý do là Văn Hóa VIỆT không dừng ở con người cá nhân, tiểu ngã, mà vươn lên tới con người Đại Ngã Tâm Linh nên có khả năng «Hòa Trời, Hòa Đất, Hòa Người», do đó đạt được Đạo THÁI HÒA.

TÂM LINH: “Ngoài các Hằng Tính vừa nêu trên như: Song Trùng Lưỡng Cực, Nhân Chủ, Thái Hòa, một nét Đặc Trưng khác của Văn Hóa VIỆT là tính chất TÂM LINH được biểu hiệu bằng số 5, mà ta có thể tìm thấy chẳng hạn trong cách đặt BÀI VỊ trong tục Thờ Cúng Tổ Tiên.(7)

Về “3. Quan niệm kinh tế: Bình sản”, diễn giả phát biểu: “Hai hạt nhân trên sở dĩ tồn tại được là do đứng trên cơ chế bình sản. Đó là cơ chế đảm bảo sự công bằng nhất định trong phân chia thu nhập của cộng đồng. Không hề là chủ nghĩa bình quân vì không có ai toàn quyền phân phối của cải mà là bình sản nhằm đạt tới sự công bằng tương đối về tài sản. Trong ký ức phương Đông còn ghi lại cách phân chia tài sản thời cổ, đó là phép tỉnh điền: Cộng đồng chung tay vỡ khu ruộng, người ta cố làm cho khu ruộng vuông vức, sau đó chia làm 9 phần đều nhau. Tám gia đình cày cấy 8 phần xung quanh đồng thời chung tay chăm sóc phần ruộng giữa, gọi là ruộng giếng (tỉnh điền). Phần thu hoạch từ “tỉnh điền” được nộp vua. Sau này, cơ chế bình sản được chuyển sang hình thức công điền. Đến trước năm 1945 ở Việt Nam vẫn còn 20% công điền, ba năm một lần làng chia cho người nghèo cày cấy”.(8)

Riêng về phần mình liên quan đến BÌNH SẢN, cũng trong lần “Họp Mặt Văn Hóa” (2004) và bài viết sau đó, chúng tôi có phát biểu như sau: “Một đặc điểm khác của Làng Xã VN khi xưa là chế độ BÌNH SẢN mà nét đặc trưng có thể làm nổi bật qua việc so sánh với hai chế độ Tư Bản và Cộng Sản.

Nói cách chung, chủ nghĩa TƯ BẢN thì quá Tư Riêng, còn CỘNG SẢN thì quá Công Cộng, mà điều trên là hậu quả của nền Văn hóa Một Chiều của Tây Phương, còn Văn Hóa VN vì chủ trương Hai Chiều như «Âm-Dương», «Thiên-Địa» nên với thể chế BÌNH SẢN chẳng hạn, Tiền nhân ta quan niệm là phải có sự QUÂN BÌNH giữa Đất Công và Đất Tư. Một mặt, người Nông Dân VN trước kia được quyền SỞ HỮU trên bình diện Pháp Lý, mặt khác, những thành phần Không có đất Tư thì cứ định kỳ được Làng Xã cấp cho một phần đất Công để cày bừa, trồng trọt và hưởng phần hoa lợi do công lao mình tạo ra, tránh được khủng hoảng do tâm lý tiêu cực bắt nguồn từ chủ trương của nhà cầm quyền Cộng Sản cái gì cũng cho là “của Chung” cả. Nhưng vì thông thường không ai dại gì bỏ hết tâm huyết vào cái gọi là “của chung” ấy nên có lẽ đó là một nguyên nhân chính yếu đã dẫn tới sự Thất Bại Kinh Tế và sự Sụp Đổ của đa số các nhà cầm quyền Cộng Sản trên khắpThế Giới.

Ngoài ra, cũng khác với TƯ BẢN Nguyên Thủy, vì quá đề cao cái TƯ RIÊNG, và với chủ trương quyền Tư Hữu Tuyệt Đối nên để thiểu số ưu đãi thống trị và chiếm hữu phần lớn tài sản của quốc gia, đã gây ra những bất công trầm trọng là nguyên nhân của sự ra đời của phong trào CỘNG SẢN, thể chế BÌNH SẢN đã dự trù những biện pháp TRÁNH tình trạng ĐỘC QUYỀN của giai cấp Thống Trị trên tài sản quốc gia, như cách thức được áp dụng dưới thời Vua Minh Mạng chẳng hạn, chính phủ Trung ương canh chừng giới Hào Mục tự tiện BIẾN đất CÔNG thành đất TƯ, hay phương thức mua lại số đất tư thặng dư của TƯ nhân để QUÂN BÌNH với số đất CÔNG hiện hữu hoặc như tập tục của Làng Xã VN trước đây nhằm khuyến khích giới Hào Phú Xã Thôn chia xẻ của cải giàu sang với các thành phần khác không được may mắn như họ.

Ngoài ra, CÔNG ĐIỀN CÔNG THỔ là một loại AN SINH XÃ HỘI (Welfare) nhằm giúp đỡ các thôn dân khi bị gặp tai ương như trường hợp các cô nhi, quả phụ, bô lão hoặc dùng làm một loại «học bổng» để khuyến khích các thư sinh ưu tú tiếp tục việc học hành”(9).

Về “4.Quan niệm sống: Đạo Việt an vi”, diễn giả tuyên bố: “Để sống được trong mối quan hệ như vậy với vũ trụ và đồng loại, con người cần thi hành đạo An vi. Trái với hữu vi là mọi hoạt động đều vì mối lợi nên tranh giành, chiếm đoạt. Trái với vô vi bị động, tiêu cực không ước mơ, không ham muốn, bàng quan, lánh đời… An vi là đạo sống tích cực hết lòng và làm việc hết lòng nhưng không phải do thôi thúc từ tư lợi mà do sự cần thiết của lợi ích chung. Trong khi phương Tây làm việc và sáng tạo vì lợi ích cá nhân thì phương Đông cũng làm việc, sáng tạo hết mình vì lợi ích chung trong sự đam mê của niềm vui và danh dự.”(10)

Về Lối Sống AN VI, những gì chúng tôi viết về đề tài này bàng bạc trong nhiều bài viết. Nhưng trong “nhóm An Vi” có Đông Lan đã từ lâu có dịp viết nhiều về chủ đề này. Nữ Sĩ viết:

“Con người thường hành động từ ba nguyên do và mục đích chính: Hữu Vi, Vô Vi, An Vi.

Khi ta thấy thế giới này là có, mọi sự mọi vật là cụ thể, mọi giá trị của đời sống có thật thì đều dốc lòng dốc chí làm sao đạt được mọi tiêu chuẩn giá trị của đời sống hiện có. Học để tiến thân …..làm việc để cuộc sống thoải mái…..giúp người khác để sau này được trả công…..đó là hành động hữu vi. Tóm lại, hữu vi là tác động có ý thức rõ ràng về cái công của mình, về kết quả việc mình làm. Hành động có tư ý, tư lợi đó là Hữu Vi.

Ngược lại với hữu vi, thuyết Vô vi chủ trương không chấp nhận thế giới này và các giá trị của nó. Vô vi là không làm…..là không tham dự và can thiệp tích cực đến việc đời…..là sống trong cái ý thức từ bỏ đời sống. Nếu hữu vi cho rằng đời sống là có thực thì vô vi cho rằng không.

An Vi, nhìn thẳng vào sự thực của đời sống, để mà truy tầm ý nghĩa sống sao cho thích hợp với bản chất của con người, để trọn vẹn hóa một kiếp nhân sinh, để vạn hữu Thái Hòa.

Chúng ta sinh ra trong cuộc đời với những giới hạn của vật thể và những khả thể của nội tâm…..Con người không thể khước từ các yêu cầu của bản thân, vì đó là bản chất…..Người chủ trương vô vi cách mấy cũng vẫn không thể không thực hiện hữu vi như chăm lo cho bản thân, thân nhân trong cuộc sinh tồn…..Ðể chống lại chủ trương duy lợi của hữu vi, người ta đề cao vô vi. Nhưng người ta cũng không thể chối bỏ thân phận làm người, nên cũng không thể thực hiện chữ vô trong đời cá nhân hữu hạn.

An Vi, đưa ra nhận thức dung hòa giữa Hữu Vi và Vô Vi. Chấp nhận hữu thể giới hạn, chấp nhận phần vật thể, An Vi tìm cách thực hiện một đời sống thích hợp với yêu cầu thực tế của con người, và tìm về chiều hướng Tâm linh, để con người có đường về Bản Ngã Siêu Nhiên qua đường lối Qui Tâm.

Theo nhận thức An Vi, Người không chỉ duy vật hay duy linh. Người là một hòa điệu giữa những đối nghịch. Người là tiết nhịp đong đưa giữa Hữu và Vô. Người là An. An là không hữu, không vô, mà là dung hợp hữu vô, vươn lên, bao trùm hữu và vô…..

Ðông phương có câu: “Triết giả, triệt dã”. Triết là đi đến tận cùng, triệt để. Triết An Vi đã đạt được ý nghĩa của triết chưa? Xin thưa, đường đi lên, An Vi đã đưa con người tiếp cận Tâm Linh Huyền Nhiệm. Bước xuống cõi nhân sinh, An Vi đã có giải pháp tương dung, đạt chữ HÒA lên khắp cõi.

An Vi, không Tư Bản, không Cộng Sản, mà là Bình Sản.An Vi, không Duy Vật, không Duy Tâm, mà là Nhân Chủ An Vi, không Nhập thế ( duy vật hữu vi), không Xuất thế( duy tâm vô vi), mà là Xử thế.( Nhân Chủ An Vi). Do đó, người An Vi là một hành giảTự Do. Lý tưởng chính trị An Vi là Lý tưởng Nhân Chủ.

Tóm lại, Triết Lý An Vi là minh triết của lý tưởng Tự Do và Nhân Chủ theo đúng nghĩa sâu xa, toàn diện và chân chính của danh từ”(11)

Khi bàn về nội dung bài tham luận của diễn giả I, chúng tôi rất ý thức rằng VĂN HÓA tự bản chất có tính cách ‘lây lan’ và ảnh hưởng ‘qua lại’ trong địa hạt này là một chuyện bình thường ! Mục đích của việc trên là để ghi nhận một sự Thay Đổi lớn lao trong nhận thức của diễn giả I trong thời gian khoảng 6,7 năm sau khi đã có dịp tiếp cận với An Vi và Việt Nho. Và một cách nào đó, ‘chung vui’ với Vị này, cũng như luôn tiện đề cập đến một chút đóng góp của chúng tôi và những thân hữu trong “nhóm An Vi” cho Lý Tưởng chung.

B) MỘT VÀI NGỘ NHẬN

Như đã nói sơ qua ở trên, ngoài khía cạnh Tích Cực vừa mới trình bày, vì nhiều lý do khác nhau, vẫn còn lại một vài Ngộ Nhận đáng tiếc về phía diễn giả I liên quan đến Cuộc Đời và Tư Tưởng của Cố Triết Gia. Vậy nên luôn tiện chúng tôi xin được đề cập ở đây đến một vài khía cạnh của vấn đề này.

1)Diễn giả I có đưa ra một số phân tích như sau: “Những năm học ở…..Học viện cao học Trung Hoa tại Paris đã giúp ông có điều kiện thu nhận khối tri thức khổng lồ về văn minh nhân loại. Có thể nói là, ngay bước khởi đầu, Kim Định được trang bị năng lượng tri thức ở tầm mức hàng đầu của nhân loại. Trong khi phần lớn học giả trong nước phải lần mò chủ yếu trên những trang cổ thư Trung Hoa cùng một vài tài liệu phương Tây hiếm hoi thì Kim Định được bơi trong biển kiến thức mênh mông về phương Đông mà phần quan trọng đã được giải mã theo nhãn quan khoa học của các học giả phương Tây. Tiếp đó, trong suốt cuộc đời, Kim Định đã không ngừng tự học, trang bị cho mình những tri thức mới nhất của nhân loại từ khảo cổ học, nhân chủng học, văn hóa học, ngôn ngữ học, phân tâm học, huyền học, hiện tượng học, cấu trúc luận và những kiến thức của khoa học vật lý hiện đại… Chính nhờ vậy, cái nhìn của ông không bị giới hạn trong phạm vi khu vực hạn hẹp mà là cái nhìn toàn thế giới với nhãn quan khoa học liên ngành. Trong khi phần lớn học giả người Việt chỉ biết văn minh Trung Hoa từ sau thời Tần Hán thì Kim Định có điều kiện để nhận ra rằng, cái khoảng trống trước Tần Hán mới là quan trọng, mới là quyết định cho văn hóa phương Đông…

..Không chỉ vậy, ông còn được những gợi ý về phương pháp luận tìm sự thực qua huyền thoại, truyền thuyết của Marcel Granet, Paul Mus… Triết gia Kim Định cũng là người rất sớm sử dụng cấu trúc luận trong nghiên cứu…..”(12)

Diễn giả không làm điều gì sai trái khi liệt kê một số yếu tố mà theo diễn giả có thể góp phần vào việc giải thích điều mà có người gọi là “hiện tượng Kim Định”. Tuy nhiên, đó là những điều Cần làm nhưng Không Đủ để giải thích “hiện tượng’ nêu trên. Sở dĩ chúng tôi đặt vấn đề này ở đây là vì chúng tôi e ngại rằng do thói quen giải thích mọi sự theo Duy Vật Sử Quan của các nhà nghiên cứu có khuynh hướng Mác-Xít quá nhấn mạnh đến các khía cạnh vật chất, ngoại tại, môi trường mà thường quên đi các khía cạnh tinh thần, nội tại, con người, khiến người ta có thể lầm tưởng rằng chỉ cần liệt kê tất cả các yếu tố nêu trên là có thể hiểu hết “hiện tượng Kim Định ?!

Thật vậy, trong thực tế, có những người, những du học sinh có thể hội đủ các điều kiện tương tự Kim Định về mặt phương tiện nghiên cứu, tiếp cận tài liệu,….., tuy nhiên, họ có thể trở thành nhà nghiên cứu, học giả…..trong một lãnh vực chuyên môn nhất định nào đó, nhưng không là một “triết gia An Vi hay Việt Nho” thứ hai được!

Trong bài tham luận của Cố Triết Gia tại Hội Nghị Quốc Tế về Nho Học tại Đài Loan (1984), Ngài có đề cập đến từ ngữ “ Kỳ Nhân” trong sách “Trung Dung”. Vậy “Kỳ Nhân” là Ai ? Thưa là triết gia Nho. Nói triết gia mà không là học giả cũng không cả triết học gia (ý hệ gia), mà phải là Triết Gia, triết gia Nho. Phải có “Kỳ Nhơn” đó thì Nho mới hiện lên những tư tưởng sống động để đi vào cõi người ta. Trong khi các nền Triết Học khác thường chỉ dừng lại ở đợt “Từ Ngữ” thì Triết gia Nho phải đi được cả bốn bước “Từ, Tượng, Số, Chế” hay “Dụng, Từ, Ý, Cơ”. Và Triết ở đây không chỉ có tính cách duy lý hay duy tình, hoặc duy chí mà tất cả Tình Lý Chí cùng tham dự. Còn trong Siêu hình là cả thiên lẫn địa, cả âm lẫn dương đều có phần. Tóm lại là không duy nào cả nhưng bao trùm hết, gồm có cả vào lẫn ra, cả trong lẫn ngoài, cả hữu lẫn vô, cả lý trí lẫn tâm linh”.(13)

Chỉ nền Văn Hóa nào đạt được đợt MINH TRIẾT với NHÂN CHỦ tính thì mới có loại “Kỳ Nhơn” nêu trên kèm theo một nền Triết Lý Nhân Sinh không chỉ để SUY TƯ, mà còn để CẢM XÚC và SỐNG THẬT nữa!

Tóm lại, việc liệt kê một số yếu tố như diền giả I đã làm ở trên là Cần nhưng KHÔNG ĐỦ để giải thích sự ra đời của “Kỳ Nhân” trong nền Minh Triết VIỆT!

2)Điểm thứ hai cần phải lưu ý là trong “Việt lý Tố nguyên” có hai đề thuyết: một là Bách Việt làm chủ trọn vẹn nước Tàu trước người Tàu, hai là chính người Bách Việt đã chủ xướng ra Nho giáo, người Tàu chỉ làm cho hoàn bị cũng như làm sa đoạ ra Hán Nho”.

Vì về phương diện đóng góp vào gia tài chung của Nho Giáo, câu tuyên bố trên có 2 vế: a) “Bách Việt đã chủ xướng ra Nho Giáo và b) “người Tàu chỉ làm cho hoàn bị cũng như làm sa đọa ra Hán Nho”, do đó điều quan trọng ở đây là phải thử XÁC ĐỊNH đâu là phần đóng góp của VIỆT Tộc và đâu là phần đóng góp của HOA Tộc ?

Về Kinh Dịch chẳng hạn, trước đây, hầu như ai cũng cho là của Tàu, nhưng nếu xét ngọn nguồn thì Cố Triết Gia cho là không phải như vậy, vì Dịch có năm giai đoạn gọi là:

Đạo dịch của Trời Đất

Đạo dịch của Phục Hy

Đạo dịch của ông Đại Vũ

Đạo dịch của Văn Vương

Đạo dịch của Khổng Tử

Và theo Ngài, Dịch là của TÀU chỉ ở 2 giai đoạn sau ở đợt HÌNH tức tuy đã có chữ nghĩa, nhưng chỉ gọi là “Hệ Từ” nghĩa là ‘chữ buộc vào sau’ mà thôi.

Còn Dịch là của VIỆT ở 3 giai đoạn trước tức ở đợt TƯỢNG.(14)

Có lẽ cần phải xác định như trên đối với Kinh Dịch cũng như các Kinh Điển khác của Nho Giáo hầu Tránh những Hiểu Lầm, Ngộ Nhận, Xuyên Tạc mà lời phát biểu sau đây của diễn giả I có thể bị người ta xử dụng như một cái cớ:

“Bằng những chứng cứ không thể tranh cãi, chúng ta đã chứng minh được rằng, không chỉ Dịch, Thư, Thi… là sáng tạo của người Việt”(15)

3) Về Chữ Viết cũng vậy, cần có sự Xác Định tương tự. Cố Triết Gia viết:

“Trong sách ‘Thống Chí’ do Trịnh Tiều sưu tập có lưu truyền rằng “Vào đời Đường, nước Việt Thường có biếu rùa thần, sống một nghìn năm, lớn hơn ba thước, trên mu có chữ con Quăng, ghi việc từ khai thiên lập địa về sau. Đế Nghiêu ra lệnh ghi chép lại và gọi là Quy Lịch”.

Như vậy, chữ con Quăng đã có từ thuở rất xa xưa và là của Việt Tộc, gọi là con quăng hay nòng nọc vì có hình như con giun. Đó là ý nghĩa căn cứ vào hình thể bên ngoài. Còn ý sâu xa: đó là chữ của những dân đã nhận vật biểu Xà Long và Giao Long. Cả hai thuộc giòng bò sát, nên tượng hình chỉ bằng chữ “Trùng” mà ta thấy còn dùng để viết chữ “Man Di” là tên để chỉ Tổ Tiên ta….. Trong từ “OA” của tên Bà Nữ Oa là một trong Tam Hoàng của Bách Việt, có chữ viết “OA” với bộ “Trùng” và chỉ loài ếch nhái….. Những hình người Nhái đó đơn giản dần hóa ra loài bò sát được tượng bằng chữ “Trùng”, chữ “Trãi” trong một chữ “Lạc”. Nó cũng nói lên một gốc là Xà Long, nhưng khác về dạng tự. Đại để đó là ít điều về chữ Khoa Đẩu.

Về chữ “Chân Chim” (Điểu Tích Văn), đó là thứ chữ của dân nhận vật biểu “Chim” như chữ Hùng Việt và Lạc Việt. Cả hai chữ đều viết với bộ “Chuy” là Chim: Hùng và Lạc. Trên nữa là chữ “Hồng Bàng” thì cả hai chữ vừa viết với bộ “Thủy” (hay giang) chỉ loài sống dưới Nước, và “Điểu” chỉ loài bay trên Trời. Còn “Bàng” là nhà Rồng, tức Nhà lớn, có bộ “Long”.

Theo lưu truyền thì chữ “Chân Chim” có từ đời Thần Nông do ông Thương Hiệt sáng nghĩ ra. Lưu truyền này kiện chứng cho ý nghĩa trên là chữ “chân chim” thuộc Việt Tộc vì nhận vật biểu “Chim”, bởi cả hai tên Thần Nông và Thương Hiệt đều chỉ về Nông Nghiệp lúa Mễ của Việt Tộc.

Xem thế thì rõ ràng chữ Nho xưa bám sát hai vật biểu Nước là TIÊN (chữ Chân Chim) và RỒNG (chữ Con Quăng). Quyển Kinh Dịch cũng mở đầu với sáu thể Rồng ở quẻ “Kiền” và kết sách bằng ‘Thập Dực” (=10 Cánh Chim). Đó chính là con dấu Tác Quyền của Tổ Tiên ta đóng trên quyển Kinh nền tảng nhất của Viễn Đông.

Đó cũng là những Dấu Vết nói lên phần đóng góp của Việt Tộc. Sở dĩ ta coi chữ NHO là của Tàu vì đến đời Tần Thủy Hoàng thống nhất các chữ xưa kia lại một kiểu mới là chữ LỆ ngày nay, bãi bỏ chữ con Quăng và con Chim. Thế rồi lâu ngày ta quên gốc nên quy hết cho Tàu. Còn nếu xét toàn diện thì sẽ thấy rõ nguồn gốc VIỆT ở hai giai đoạn trước, Tàu chỉ ở giai đoạn ba.”(16)

Thiết tưởng những phân tích rõ ràng xác định như trên của Cố Triết Gia là Tối CẦN THIẾT hầu tránh những Ngộ Nhận đáng tiếc mà một câu tuyên bố tương tự cách phát biểu sau đây của diễn giả I có thể gây ra:

“mà tiếng Việt là chủ thể tạo nên tiếng Trung Hoa. Không những thế, chữ Việt cũng là chủ thể tạo nên chữ Trung Hoa...”

Tóm lại, Cần Phải Phân Biệt rõ ràng đâu là Phần Đóng Góp Của TÀU và đâu là Phần Đóng Góp Của VIỆT như Cố Triết Gia đã làm trong suốt Bộ Sách An Vi và Việt Nho hầu TRÁNH những Hiểu Lầm, Ngộ Nhận cũng như trường hợp người ta xử dụng nó như cái CỚ để XUYÊN TẠC Kim Định !!!

4) Còn về câu tuyên bố của diễn giả 1 sau đây: “Người Việt chiếm lĩnh đất Trung Hoa trước nhưng không phải từ tây bắc xuống mà lại từ chính Việt Nam lên”, (17)chúng tôi đã có dịp trả lời trong một bài viết trước đây như sau:

“Trước khi tiếp tục, chúng tôi xin bàn qua về giả thuyết "Thiên Sơn" mà có người đề cập đến. Nếu mới xem qua một cách HỜI HỢT thì chủ trương này của Sử Truyền Viễn Đông có vẻ "mâu thuẫn" với các khám phá gần đây của Di Truyền học với sự hỗ trợ của khoa Khảo Cổ liên quan đến sự thiên di lên phía Bắc của người Đông Nam Á cách đây khoảng 40.000 năm. Nhưng nếu nghiên cứu một cách NGHIÊM TÚC hơn thì có thể KHÔNG CÓ MÂU THUẪN GÌ CẢ!

Lý do thứ nhất là hai Lý Thuyết nói tới HAI LOẠI Dữ Kiện CÁCH NHAU MẤY CHỤC NGÀN NĂM. Lý do thứ hai là các khám phá Khoa Học gần đây có vẻ hỗ trợ cho chủ trương của Sử Truyền.”(18)

5) Diễn giả I còn đề cập đến Thái Độ của Cố Triết Gia cũng như cách thức người ta đối xử với Ngài trong khoảng thời gian Ngài sinh sống tại Miền Nam Việt Nam cũng như sau này bằng những lời phát biểu như sau:

- “Mặc dầu bao chống đối, ông đã im lặng xây dựng hệ thống triết lý Việt Nho”

hoặc

- “Cùng chung số phận những nhà tiên tri, suốt năm mươi năm Kim Định bị ghẻ lạnh và ném đá!”(19)

Mối quan tâm trên của diễn giả I cũng được diễn giả II đề cập đến, do đó chúng tôi xin mạn phép được trả lời chung Quý Vị ở phần dưới về vấn đề này.

KẾT LUẬN I

Đối với diễn giả I, Vị này vẫn còn một vài hiểu lầm, ngộ nhận đáng tiếc, như có một hình ảnh không được trung thực lắm về xã hội Miền Nam VN trước đây; do đó trong nhận định của ông đối với cuộc sống của Cố Triết Gia Kim Định chẳng hạn, có khuynh hướng BI THẢM Hóa những vấn đề, khó khăn thực ra là Bình Thường trong một xã hội tương đối Bình Thường là xã hội Miền Nam trước 1975 (mặc dầu trong tình trạng chiến tranh).

Sự Ngộ Nhận này có lẽ bắt nguồn từ Kinh Nghiệm Sống của diễn giả I đã từng chứng kiến lối đối xử Dã Man, Tàn Độc mà nhà cầm quyền CSVN đã giành cho giới Trí Thức Miền Bắc như Nguyễn Mạnh Tường, Trấn Đức Thảo…..; rồi từ đó suy luận ra về tình trạng của Kim Định ở Miền Nam VN mà ông nghĩ một cách chủ quan rằng chắc cũng không khá gì hơn số phận của Nguyễn Mạnh Tường, Trần Đức Thảo ở Miền Bắc VN. Nhưng diễn giả I ĐÃ LẦM như chúng tôi sẽ chứng minh ở phần dưới.

Còn về lề lối tiếp cận với dữ kiện của diễn giả I, có lẽ cũng cần điều chỉnh một chút xíu về mặt phương pháp luận để ít “duy vật” và nhiều “Nhân Chủ” tính hơn hầu đạt được một cái nhìn Quân Bình hơn về Thực Tại.

Về câu tuyên bố của diễn giả I sau đây: “Người Việt chiếm lĩnh đất Trung Hoa trước nhưng không phải từ tây bắc xuống mà lại từ chính Việt Nam lên”, chúng tôi đã trả lời ở phần trên.

Ngoài ra, có lẽ Cần Phải Phân Biệt rõ ràng đâu là Phần Đóng Góp Của TÀU và đâu là Phần Đóng Góp Của VIỆT như Cố Triết Gia đã làm trong suốt Bộ Sách An Vi và Việt Nho hầu TRÁNH những Hiểu Lầm, Ngộ Nhận cũng như trường hợp người ta xử dụng nó như cái CỚ để XUYÊN TẠC Kim Định.

Trên đây, chúng tôi liệt kê một vài Ngộ Nhận, Hiểu Lầm vẫn còn của diễn giả I sau 6, 7 năm tiếp cận (nếu chúng tôi không lầm) với các công trình về An Vi và Việt Nho.

Tuy nhiên, 6, 7 năm KHÔNG phải là một thời gian dài và nếu nhìn từ một góc cạnh khác, thì những Hiểu Lầm, Ngộ Nhận nêu trên, nhất là ở bước đầu, cũng chỉ là Chuyện BÌNH THƯỜNG mà thôi!!! Trái lại, chúng tôi xin được ghi nhận nhiều điểm Rất TÍCH CỰC về phía diễn giả I

.Chẳng hạn, nay thì ông có vẻ đã nắm một cách Khá Vững Vàng các Ý Tưởng Căn Bản của An Vi và Việt Nho như

1. Quan niệm về vũ trụ tham thiên lưỡng địa”,

2. Quan niệm nhân sinh: Nhân chủ, Thái hòa, Tâm linh

3. Quan niệm kinh tế: Bình sản

4.Quan niệm sống: Đạo Việt an vi”,

Cũng như xử dụng những Phạm Trù nền tảng của An Vi và Việt Nho để đưa ra những nhận định về các lề lối Phát Triển Đông Tây và những Hệ Luận có thể rút tỉa ra từ các đường lối phát triển khác nhau đó. Diễn giả cũng không quên dùng các kiến thức nêu trên để Phân Tích tình hình của Thế Giới hôm nay, trưng ra những Nguyên Nhân gây ra Bế Tắc mà diễn giả tóm tắt bằng thuật ngữ “mất cân bằng Âm Dương”. Những nguyên nhân nêu trên tuy nằm ở bình diện VĂN HÓA, nhưng ảnh hưởng Tiêu Cực của chúng lại bao trùm khắp mọi địa hạt của cuộc sống thường nhật lẫn chuyên môn từ Kinh Tế, Tài Chánh đến Khoa Học, Kỹ Thuật lẫn Môi Sinh…..vvv…..



Sau khi đánh một “vòng chân trời” khắp “năm châu bốn biển” của Thế Giới hôm nay, diễn giả I tức nhà Nghiên Cứu Hà Văn Thùy đã kết luận:

“….. do là cội nguồn của minh triết phương Đông, nếu biết phát hiện lại mình, thực thi bốn đặc điểm của Việt nho, Việt Nam không chỉ cứu được mình mà còn là ngọn cờ dẫn dắt nhân loại trên con đường phục hưng.

Do lẽ đó, di sản của triết gia Kim Định là báu vật vô cùng quý giá mà chúng ta phải trân giữ, học hỏi và truyền dạy cho hậu thế.(20)

Tóm lại, đối với ông Hà Văn Thùy, chúng tôi nhận thấy các điểm TÍCH CỰC nhiều hơn các điều Tiêu Cực và quan trọng hơn cả là Nỗ Lực không ngừng trong việc Nghiên Cứu và Học Hỏi về AN VI và VIỆT NHO của Vị này.

Đó là lý do khiến chúng tôi cảm thấy VUI NHIỀU HƠN BUỒN và Xin Cầu Chúc Nhà Nghiên Cứu Hà Văn Thùy TIẾN XA hơn nữa trên con đường Học Hỏi và Nghiên Cứu về ĐẠO VIỆT.

Xem tiếp bài II






No comments:

Post a Comment

View My Stats