Tuesday, 18 September 2012

TRỜI ĐÃ SINH RA DU, SAO CÒN SINH RA LƯỢNG? (Huy Cương - Dân Luận)





Huy Cương
Thứ Tư, 19/09/2012

"Trời xanh đã trót sinh Công Cẩn
Trái đất sao đành nảy Khổng Minh?
"

Nhớ đến câu than đầy uất hận của Chu Du khi thấy mình tài trí thấp kém hơn hẳn Khổng Minh, tôi lại liên tưởng đến bộ mặt cau có, giận dữ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ra lệnh cho đám thuộc hạ ban hành thông tư cấm mọi người không được truy cập một số mạng internet mà ông cho rằng nó mang nội dung nói xấu đảng, nhà nước và một số đồng chí lãnh đạo cấp cao.

Tôi mê đọc Tam quốc diễn nghĩa từ khi còn nhỏ. Vào khoảng những năm học lớp 3, lớp 4 gì đó tôi đã lùng đọc những quyển truyện Tam quốc chí có lời bàn của Mao Tôn Cương mà ông ngoại tôi giấu trong tủ sách. Ngoại tôi vốn trước có nghề bán sách, truyện nên ông lưu trữ rất nhiều văn hoá phẩm thời bấy giờ. Khổ nỗi cuộc cách mạng "long trời, lở đất" đã quét sạch mọi tàn dư của chế độ phong kiến, thực dân cũng làm cho ngoại tôi và những người trong gia đình khiếp sợ. Tôi còn nhớ những năm đó ngoại tôi đem đốt bao nhiêu là sách, truyện, thậm chí cả những quyển từ điển tiếng Anh, tiếng Pháp... để tránh những hệ luỵ cho con cháu sau này. Lúc đó ngoại tôi cấm tiệt các con cháu đọc sách truyện tự do. Tôi là thằng láu cá nhất nhà nên đã giấu trộm được một số truyện đem gửi bạn giữ hộ nên mới có cơ để đọc được một số truyện như Tam quốc, Tây du ký, Lục kiếm đồng, Bồng lai hiệp khách... Tôi cũng không thể ngờ được những hệ luỵ của chính sách "đốt sách, giết học trò" man rợ từ thời phong kiến xa xưa ấy còn có thể đem sử dụng trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay.

Trong Tam quốc, bên cạnh những tướng võ lừng danh như Quan Vũ, Triệu Tử Long, Trương Phi... với những trận đánh đã đi vào lịch sử của Trung Quốc như trận Xích Bích, Tràng Bản... thì những màn đấu trí của các mưu sĩ Nguỵ, Ngô, Thục cũng làm bọn trẻ chúng tôi vô cùng khoái trí. Nổi bật nhất là màn so trí cao thấp giữa Chu Du (mưu sĩ của Đông Ngô) và Khổng Minh Gia Cát Lượng (mưu sĩ của nhà Thục). Cuối cùng vì thấp trí hơn Khổng Minh, Chu Du đã chuốc lấy uất hận vào người để rồi để lại một câu than mà những ai đã đọc Tam Quốc không thể quên "Trời đã sinh ra Du, sao còn sinh ra Lượng?".

Mấy đài, báo Đảng lao xao
Văn chương thì ít, tào lao thì nhiều
(Hình minh họa sưu tầm trên mạng)

Chủ nghĩa cộng sản ra đời, bên cạnh bộ máy chuyên chính vô sản tàn bạo nhằm tiêu diệt mọi thế lực chống đối còn dựng lên một bộ máy tuyên truyền khổng lồ nhằm phục vụ cho công tác tuyên giáo của Đảng. Bộ máy này chủ yếu là tô hồng cho chế độ và chuyên rình rập, bắt bớ những ai chống lại chính sách tuyên truyền đó của Đảng. Thế cho nên mới có chuyện hàng mấy trăm tờ báo của Đảng (kể cả báo hình, báo tiếng) đều có cùng chung một Tổng biên tập, cùng dập một khuôn như nhau về đường lối tuyên truyền. Chuyện tuyên truyền của Đảng Cộng sản chắc ai cũng hiểu, không cần phải đem ra bàn cãi nữa. Trước đây những tờ báo được coi là cơ quan ngôn luận của Đảng như báo Nhân dân, Quân đội nhân dân, Hà Nội Mới... rất ít người đọc, thậm chí người dân còn mua về để gói xôi, gói kẹo lạc hoặc phục vụ cho công tác vệ sinh, dóm bếp lò... Bây giờ thì đi vệ sinh cũng không ai dùng giấy báo nữa, bếp củi thì chẳng còn mấy ai dùng để lấy giấy báo ra róm bếp. Khổ nhất là đến những dịp các ngày lễ lớn, các phương tiện truyền thông của Đảng hàng ngày cứ như nã đại bác vào lỗ tai của người dân với những bài ca ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ca ngợi tài năng lãnh đạo của Đảng, Bác... Thế cho nên dân gian mới có câu thơ:

Mấy đài, báo Đảng lao xao
Văn chương thì ít, tào lao thì nhiều

Việc tuyên truyền dối trá, bưng bít mọi luồng thông tin, mọi sự thật của đời sống xã hội như trước đây còn dễ thực hiện được. Lúc đó một phần do dân trí còn thấp, một phần vì những phương tiện truyền thông chưa phát triển như bây giờ. Đã sinh ra truyền thông của Đảng Cộng sản mà lại còn có bên cạnh một mạng internet vô cùng phong phú thông tin thì là một điều không thể chấp nhận được với những bộ óc bảo thủ trong Đảng cầm quyền ở những nước còn theo chế độ Cộng sản.

Trái ngược với những phương tiện truyền thông của Đảng, những thông tin trên mạng internet phong phú và đa dạng hơn nhiều. Bác Hồ, nhà tiên tri đại tài của dân tộc ta, người đã từng tiên đoán về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ lúc còn sống đã từng dậy thanh, thiếu nhi:

Dân ta phải biết sử ta
Cái gì không biết hãy tra gu gồ (google)

Nhờ có internet mà nhân dân Việt nam, nhất là tầng lớp thanh niên biết được làn sóng dân chủ đang nở rộ ở Ai cập, Syrya, Lybăng... và còn biết bao những bí mật cung đình khác trong các triều đại Cộng sản dần dần được phơi bày ra toàn thế giới.

Việc cấm đoán sử dụng các phương tiện truyền thông hiện đại của Chính quyền áp dụng cho một số người ta mới thấy hết được sự lố bịch, trắng trợn và ngu dốt của một số bộ óc trong giới lãnh đạo chóp bu của đảng cầm quyền. Không biết bây giờ chính quyền đã từ bỏ lệnh cấm sử dụng điện thoại, cấm sử dụng internet... đối với một số nhà hoạt động dân chủ như Hà Sỹ Phu, Hoàng Tiến, Nguyễn Thanh Giang, Tô Hải... Tôi còn nhớ có một lần, hình như là vào sáng 21/8/2011 tôi có mặt ở bờ hồ Hoàn Kiếm và được chứng kiến cảnh đàn áp của công an, dân phòng với những người biểu tình yêu nước. Lúc đó tôi có dùng chiếc điện thoại di động để định chụp vài bức ảnh cho vui thì có một cậu công an mật đến gần ngăn lại, và cậu ta chỉ cho tôi xem tấm biển đề rõ: "Khu vực cấm quay phim, chụp ảnh". Thật là nực cười khi nghĩ đến vài chục năm trước đây thỉnh thoảng vẫn có những nơi cắm biển "Cấm quay phim, chụp ảnh". Không biết các vị lãnh đạo nhà ta có biết rằng từ trên vệ tinh, đến từng cái cây, ngọn cỏ dưới mặt đất bằng các phương tiện hiện đại người ta chụp ảnh rõ từng chi tiết một. Nói vui, nếu có một vị UV bộ chính trị nào đó trót dại có đái bậy trong dinh Thủ tướng hay Bí thư thì vệ tinh cũng chụp rõ từng cái... "lông gi**" của các vị được để cho bàn dân thiên hạ chiêm ngưỡng.

Nhớ đến câu than đầy uất hận của Chu Du khi thấy mình tài trí thấp kém hơn hẳn Khổng Minh, tôi lại liên tưởng đến bộ mặt cau có, giận dữ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi ra lệnh cho đám thuộc hạ ban hành thông tư cấm mọi người không được truy cập một số mạng internet mà ông cho rằng nó mang nội dung nói xấu đảng, nhà nước và một số đồng chí lãnh đạo cấp cao. Tuyên chiến với Internet là một hành động dại dột và chắc chắn sẽ lãnh được kết quả ngược lại với mong đợi của Chính quyền Nguyễn Tấn Dũng. Đây chẳng khác gì hành động chiến đấu của chàng hiệp sĩ Đông Ky Sốt với cối xay gió.

Cổ nhân có câu: "Có lý thì đi ngàn dặm cũng không sợ, không có lý thì đi một bước cũng không xong" . Hãy để cho nhân dân tự chọn cho mình "thực đơn món ăn tinh thần" đúng như mong muốn trước đây của Trung tướng Trần Độ hồi ông còn làm trưởng Ban văn hoá TƯ.

Huy Cương




No comments:

Post a Comment

View My Stats