Thursday, 20 September 2012

PHỤ NỮ ĐÔNG NAM Á NÓI GÌ VỀ BÀ AUNG SAN SUU KYI (Hòa Ái - RFA)





Hoà Ái, phóng viên RFA
2012-09-19

Bà Aung San Suu Kyi, nhà hoạt động cho tự do, dân chủ và nhân quyền, cũng là lãnh tụ đối lập Miến Điện được Hoa Kỳ trải thảm đỏ chào đón.
Những phụ nữ ở các quốc gia Đông Nam Á nói gì về nhân vật được thế giới ca tụng này?

Nhiều ngưỡng mộ

Sau gần 20 năm bị chính quyền quân sự Miến Điện nhiều lần bắt giam và quản chế, không được xuất ngoại, giờ đây biểu tượng đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền của Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi đã đến Mỹ vào hôm 16/9.

Trong chuyến viếng thăm Hoa Kỳ lần này, bà Suu Kyi được Tổng thống Barack Obama, Ngoại trưởng Hillary Clinton cùng các vị lãnh tụ đảng Dân Chủ và Cộng Hòa tiếp đón nồng hậu. Nghi lễ trọng thể dành cho quốc khách của Hoa Kỳ được dành cho nhà dân chủ Miến Điện vào ngày hôm nay, 19/9.

Bà Aung Sann Suu Kyi được Quốc Hội trao tặng huy chương vàng cao quý nhất, Golden Award để vinh danh những nổ lực mà bà đã theo đuổi và thực hiện từ năm 1988 đến nay.

Hình ảnh của bà Aung San Suu Kyi có sức ảnh hưởng như thế nào đối với các phụ nữ trong khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là các quốc gia láng giềng đất nước Miến xinh đẹp và hiền hòa trong tiểu vùng sông Mê Kông?

Bà Viengsay Luang Khot, một phụ nữ Lào ở độ tuổi xấp xỉ bà Aung San Suu Kyi chia sẻ với đài RFA:
 “Bà Aung San Suu Kyi thật sự là một tấm gương cho toàn thế giới và đặc biệt cho vùng Đông Nam Á qua lòng can đảm và sự hy sinh để theo đuổi nền dân chủ và cải tổ chính trị cho quê hương mình.
Cả bản thân tôi cũng như những phụ nữ trong vùng Đông Nam Á được khích lệ từ hình ảnh của bà.”

Bà Aung San Suu Kyi phát biểu tại đài RFA

Khôi nguyên Hòa Bình-Aung San Suu Kyi được nhiều quốc gia cũng như các tổ chức trên thế giới vinh danh vì cuộc đấu tranh bền bỉ, không mỏi mệt của mình cho một Miến Điện tự do, dân chủ.

Trong mắt nhiều người mà trong đó những người phụ nữ Đông Nam Á dành cho bà một tấm lòng trân quý như một nữ anh thư hào kiệt.

Cô Debbie Snguon, người Mỹ gốc Campuchia cho biết tâm trạng nôn nao chờ đón giây phút lịch sử trong cuộc đời trong lúc chờ gặp người liệt nữ bằng xương bằng thịt mà cô hằng ngưỡng mộ.
Cô Debbie rằng giây phút được gặp gỡ bà Aung San Suu Kyi có lẽ là cơ hội duy nhất trong đời được gặp gỡ người đoạt giải Nobel Hòa Bình, một người mà cô có cảm tình rất đặc biệt.

Một tấm gương sáng

Không chỉ với riêng mỗi cô Debbie mà hầu hết những người phụ nữ trong cộng đồng người Campuchia ở Hoa Kỳ mà cô quen biết đều tỏ rõ rằng nhà dân chủ Aung San Suu Kyi là tấm gương cho họ noi theo vì dù bà gặp rất nhiều khó khăn trở ngại nhưng bà vẫn luôn theo đuổi nền dân chủ và giúp đỡ mọi người.

Còn những người phụ nữ Miến Điện nói gì về người phụ nữ đang làm thay đổi lịch sử đất nước của họ?
Cô Khin Khin El cho biết:
 “Bà Aung San Suu Kyi là một nhà lãnh đạo dân chủ của đất nước chúng tôi. Bà phải hy sinh rất nhiều và gần như sống tách biệt với gia đình trong khoảng thời gian gần 20 năm.
Sau thời gian bị quản chế, bà Suu Kyi tận dụng tất cả thời gian của mình để đấu tranh cho dân chủ.
Giờ đây bà cố gắng làm mọi điều bà có thể trong tư cách của một dân biểu như soạn thảo luật pháp, giúp đỡ người nghèo, đẩy mạnh hệ thống giáo dục ở Miến Điện…
Rất nhiều người tỏ lòng yêu kính bà. Nhiều nguyên thủ quốc gia cũng như các chính trị gia chào đón và ủng hộ bà.”

Trong cuộc viếng thăm ngắn ngủi của nhà dân chủ Aung San Suu Kyi đến đài RFA, trước nụ cười đằm thắm, giọng nói từ tốn với những lời chia sẻ tâm huyết chứa chan lòng trắc ẩn với quê hương, với con người

Dường như đó không phải là bài diễn văn với thần thái của một chính trị gia mà đọng lại trong những người gặp gỡ là lời bộc bạch chia sẻ từ đáy lòng của một người phụ nữ rằng mọi sự đều có thể trở thành hiện thực một khi chúng ta kiên trì với lý tưởng và có trách nhiệm với những gì chúng ta theo đuổi.

Biểu tượng của một nhà dân chủ xuất chúng, một phụ nữ đầy lòng nhân ái- Aung San Suu Kyi sẽ có tầm ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế thế hệ không chỉ ở Miến Điện, ở các quốc gia trong vùng Đông Nam Á mà trên khắp thế giới trong những ngày về sau.


Theo dòng thời sự:

Copyright © 1998-2011 Radio Free Asia. All rights reserved.







No comments:

Post a Comment

View My Stats