Sun, 09/09/2012 - 10:50 — songchi
Nếu nhìn vào các thang bậc đánh giá và cách
ứng xử của một nhà cầm quyền đối với nhân dân dựa trên những vị trí nghề nghiệp
khác nhau trong xã hội, người ta có thể thấy rõ bản chất của nhà cầm quyền đó
hơn mọi lời nói hoa mỹ hay nghệ thuật tuyên truyền hữu hiệu nhất.
Và như vậy, trong xã hội VN hiện tại, những
loại nghề nghiệp nào là bị nhà nước cộng sản và cái hệ thống bộ máy tạo nên chế
độ này khinh rẻ nhất, đối xử tệ bạc nhất ?
Không chỉ là nông dân và công nhân-hai tầng
lớp một thời đã được đảng và nhà nước cộng sản gọi là lực lượng nòng cốt của
cách mạng, thành phần tinh hoa của chế độ…và thực sự là đã có một thời, nông
dân, nhất là giai cấp bần cố nông và công nhân được hưởng nhiều sự ưu ái của
chế độ. Đó là khi đảng cộng sản còn cần dựa vào hai tầng lớp đông đảo này để
cướp chính quyền, và thời kỳ đầu xây dựng nước VNXHCN ở miền Bắc theo mô hình
của Liên Xô, Trung Quốc thời bấy giờ. Nhưng thời đó đã qua từ lâu.
Nông dân và công nhân vẫn là hai lực lượng
chính còng lưng nuôi cái chế độ này, nuôi đất nước này bằng những hạt gạo xuất
khẩu đổ mồ hôi sôi nước mắt và những giờ lao động vắt kiệt sức mình trong các
nhà máy. Nhưng thu nhập của họ, đời sống vật chất lẫn tinh thần của họ ra sao
so với những thành phần khác trong xã hội VN bây giờ, có lẽ không cần phải nói
nhiều nữa. Những ai muốn tìm hiểu, xin mời đi về nông thôn, đi vào những nhà
máy mà xem nông dân, công nhân VN đang sống ra sao.
Mà có khi cũng chẳng cần đi đâu xa, cứ đọc
những bài báo do chính báo chí trong nước đưa tin về những sự việc như hàng
người từ nông thôn kéo lên thành phố đi biểu tình, khiếu kiện về đất đai, cảnh
người nông dân bị bắt, bị phạt do xô xát với bộ máy công an, dân quân trong
những vụ khiếu kiện này, hay hiện tượng hàng ngàn cô gái trẻ ở nông thôn sát
biên giới phía Bắc hay miền Tây Nam Bộ bỏ đi lấy chồng Trung Quốc, Đài Loan,
Hàn Quốc để thoát nghèo…là đủ hiểu.
Hãy đọc những bài báo viết về những vụ đình
công hàng ngàn hàng vạn người của công nhân vì mức lương rẻ mạt và điều kiện
lao động khắc nghiệt, về những bữa cơm thiếu chất và chỉ toàn những món ăn thiu
thối giá rẻ, những phòng trọ chật hẹp tù túng…của công nhân.
Nhà nước cộng sản VN đã phản bội lại hai giai cấp từng
giúp họ giành và giữ chính quyển đắc lực nhất của thời kỳ đầu. Còn những thành
phần nào trong xã hội bị họ khinh miệt, chà đạp nữa?
Đó là nhà giáo.
Một mặt, nhà cầm quyền luôn tâng bốc tầng lớp giáo viên, giáo sư là những “kỹ
sư tâm hồn”, cũng không có quốc gia nào trên thế giới này có hẳn một ngày Hiến
chương các nhà giáo hay còn gọi là Tết thầy cô 20 tháng 11 như VN…Nhưng trong
thực tế, lương nhà giáo luôn luôn thuộc loại thấp trong xã hội, các nhà giáo
muốn sống được phải đi dạy thêm miệt mài hoặc phải làm thêm những công việc
khác.
Thu nhập thấp là một trong những lý do
chính khiến nhiều thí sinh không muốn chọn Sư phạm khi ghi danh thi Đại học.
Nói về chuyện chọn ngành nghề này, ở VN, giới trẻ từ những năm 60-70 đã truyền
miệng câu: “Nhất Y nhì Dược, tạm được Bách khoa, bỏ qua Sư phạm”. Sau
này khi xã hội chuyển đổi qua nền kinh tế thị trường, những ngành nghề được ưa
chuộng có thêm Kinh tế, Quản trị kinh doanh, Tài chính kế toán…nhưng vẫn không
có Sư phạm!
Dư luận, báo chí đã từng nhiều lần lên
tiếng về chuyện thu nhập, lương bổng của nghề giáo. Chỉ cần điểm qua một vài
bài mới nhất: “Nửa số giáo viên hối hận vì nghề đã chọn” (RFA), từ kết
quả khảo sát của Viện Khoa học Giáo dục vừa công bố trong tháng 8.2012 mà hai
trong nhiều lý do chính là vì lương thấp và không được xã hội coi trọng! Hay
bài “Giáo viên mòn mỏi chờ phụ cấp thâm niên” (báo Người Lao Động), “Chế
độ cho giáo viên quá chậm” (Báo Giáo dục Việt Nam), “Phải tôn trọng giáo
viên” (Báo Người Lao Động)…là cũng đủ thấy.
Hậu quả của việc thu nhập thấp, không coi
trọng công sức nhà giáo này là một trong những lý do khiến chất lượng giáo dục
ở VN ngày càng tồi tệ, dù đã qua 3 lần cải cách, dù luôn hô hào đổi mới, hoàn
thiện nền giáo dục!
Đó là nhà báo.
Một cái nghề rất thú vị, hữu ích cho xã hội. Ở các quốc gia, nghề báo luôn luôn
là một trong những sự quyến rũ lớn. Và trong một xã hội tự do dân chủ, báo chí
được xem là quyền lực thứ tư, nhà báo có những quyền hạn nhất định và được luật
pháp bảo vệ để có thể viết lên sự thật và không gì ngoài sự thật. Người ta đã
từng chứng kiến một vị Tổng thống hay cả một chế độ phải bị sụp đổ đôi khi chỉ
vì một bài báo. Nhưng ở VN thì sao?
Ngày 7 tháng Chín vừa qua nhà báo Hoàng
Khương của báo Tuổi Trẻ bị tòa kết án 4 năm tù với tội danh đưa hối lộ, mặc dù
ai cũng thấy, hành vi của Hoàng Khương-một nhà báo nổi tiếng vì hàng loạt bài
chống tham nhũng đặc biệt là tham nhũng trong giới công an, cảnh sát giao
thông-hoàn toàn xuất phát từ mục đích lấy bằng chứng để viết bài, chứ không vì
mục đích cá nhân, và bản án như vậy là quá nặng. Trước đó báo Tuổi Trẻ, báo
Thanh Niên đã từng có những nhà báo phải vào tù vì viết bài chống tham nhũng.
Bản án một lần nữa chứng tỏ trong xã hội
VN, quyền lực báo chí chỉ là chuyện…ở nước nào khác, sức mạnh của truyền thông
không bao giờ có thể đọ với sức mạnh của giới công an và quan quyền.
Không chỉ có thể dễ dàng bị bắt giam nếu
viết bài đụng chạm đến những phạm vi lĩnh vực “nhạy cảm”, thân phận nhà báo VN
còn nhục hơn cả…chó (!) khi chỉ được phép viết những gì mà đảng và nhà nước cho
phép, nếu lỡ đi trượt ra ngoài là bị nhắc nhở, thổi còi, nặng hơn thì bị trừng
phạt, bị bắt giam ngay. Nhà báo VN, nếu lỡ bị công an đánh khi đang tác nghiệp,
chính cơ quan báo chí nơi họ làm việc và cả Hội nhà báo cũng không dám và không
thể bênh vực như trường hợp hai phóng viên của VTC bị công an đánh khi đưa tin
vụ Tiên Lãng mới đây.
Đó là những nhà báo làm cho báo chí nhà
nước tức là dù sao cũng có “tóc” trên đầu, còn những nhà báo tự do, các blogger
thì mọi nguy hiểm chờ chực trên đầu họ, mà vụ bắt giam tùy tiện các nhà báo của
CLBNBTD chỉ là một trong rất nhiều ví dụ.
Khi một nhà cầm quyền khẳng định “báo chí
phải là vũ khí của đảng”, bị các tổ chức Phóng viên không biên giới, các tổ
chức Nhân quyền trên thế giới xếp hạng thấp về chỉ số tự do ngôn luận, tự do
báo chí, là kẻ thù của internet…thì các nhà báo dù là báo “lề phải” hay “lề
trái” làm thế nào có hy vọng được tôn trọng để có thể hoàn thành sứ mạng viết
vì sự thật, vì sự tốt đẹp hơn của xã hội, vì quyền lợi của đất nước, nhân dân?
Đó là luật sư-một
trong những cái nghề được xem là đáng mơ ước, đáng tự hào của nhiều em học sinh
và phụ huynh khi quyết định ghi danh vào đại học ở các nước tự do dân chủ, vì
thu nhập cao, có danh tiếng, được xã hội trọng vọng, đồng thời có thể giúp được
người khác qua công việc của mình.
Nhưng ở VN, luật sư bị giới cầm quyền coi
rẻ chả khác gì nhà báo. Do cách thức tổ chức một phiên tòa ở VN, luật sư chẳng
bao giờ có cơ hội tranh cãi đến cùng và trổ tài hùng biện trước tòa như vẫn
thường thấy trong những phiên tòa ở các nước dân chủ. Và trong những phiên tòa
đã được sắp đặt sẵn hay còn gọi là án bỏ túi, thì lời nói của luật sư càng vô
giá trị! Những năm gần đây, giới luật sư cũng là thành phần bị bỏ tù hoặc bị
sách nhiễu nhiều nhất. Từ luật sư Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài, Lê Trần
Luật, Lê Quốc Quân, Trần Quốc Hiền, Lê Công Định v.v…
Đó là giới văn nghệ sĩ. Dưới sự lãnh đạo của đảng và nhà nước cộng sản VN, văn
nghệ sĩ chỉ được phép sáng tác để ca ngợi đảng, ca ngợi chế độ. Trong thời kỳ
đầu của chế độ, văn nghệ sĩ còn thường xuyên phải học tập và đi thực tế để nâng
cao tư tưởng, giác ngộ cách mạng, thường xuyên có những cuộc kiểm điểm, phê và
tự phê, những cuộc đấu tố để “rũ bỏ hết tất cả những tư tưởng tư sản, tiểu tư
sản, lạc hậu, phản động còn sót lại trong đầu”…
Trong những chế độ độc tài kiểu như chế độ
cộng sản ở VN, văn nghệ sĩ cũng là thành phần khốn khổ nhất, dễ có nguy cơ bị
nhà cầm quyền trừng phạt nhất khi họ cảm thấy ở người nghệ sĩ đó một mầm mống
phản kháng, phê bình chỉ trích chế độ, vạch ra những cái sai lầm của chế độ,
hay đỏi hỏi tự do sáng tác, tự do cho nhân dân…
Ngoại trừ vụ án Nhân văn Giai phẩm trước
đây hay việc hàng trăm hàng ngàn văn nghệ sĩ miền Nam phải đi học tập cải tạo
sau năm 1975, có ai biết chính xác con số bao nhiêu văn nghệ sĩ ở VN bị nhà
nước trừng phạt? Còn nếu không muốn bị trừng phạt, phải tự nguyện từ bỏ cái
tôi, làm bồi bút, làm nô lệ cho đảng? Để đến nỗi khi về già nhà văn Nguyễn Minh
Châu phải ai oán kêu lên: “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ
minh họa”, nhà văn Nguyễn Khải “Đi tìm cái tôi đã mất”, nhà thơ Chế
Lan viết những bài Sám hối, nhà văn Vũ Thư Hiên, Dương Thu Hương phải rời nước
lưu vong, nhạc sỹ Tô Hải cay đắng viết “Nhật ký của một thằng hèn”….
Những nghề đáng lẽ ra phải được trân trọng trong xã hội
đã bị nhà cầm quyền và cái chế độ này khinh miệt, coi rẻ đến vậy, đối lập lại, những nghề nào là ngon lành
ngồi mát ăn bát vàng lâu nay?
Là quan chức.
Nhưng phải là quan tham, chịu ăn chia, có phe có bè, chứ nếu quan mà thanh
liêm, trong sạch, tử tế, đứng một mình thì cũng bị cái guồng máy này cho ra rìa
ngay, rớt chức ngay. Một người làm quan cả họ được nhờ, càng ăn nhiều càng lên
nhanh, mà lỡ có bị “lộ” hoặc do các phe đấu đá nhau khui ra, phải vào tù bóc
lịch thì cũng đáng với số tài sản đã thu gom ba đời ăn không hết, như trường
hợp các quan trong vụ Vinashines làm thất thoát, thua lỗ hàng tỷ đô la bị 20
năm tù, nhưng bảo đảm chỉ một phần ba thời gian là ra. Mà thật ra, những trường
hợp như thế này hơi bị hiếm, còn lại là hạ cánh an toàn hoặc chuyển công
tác…lên cao hơn!
Là công an,
đã trở thành hung thần trong xã hội. Muốn bắt ai thì bắt, muốn đánh ai thì
đánh, đạp vào mặt dân đi biểu tình, đánh cả nhà báo, đánh chết dân khi đang
trong quá trình điều tra (về vụ này hơi bị nhiều, xin cứ vào google mà tra
“công an đánh chết dân” sẽ ra hàng loạt, hoặc nếu ai có thì giờ, cứ theo dõi
báo chí, mỗi lần có một vụ công an đánh chết người thì ghi lại, bảo đảm nhiều
vô kể). Nhưng cũng chẳng bị làm sao cả. Lâu lắm mới có một vụ bị ra tòa, kêu án
4 năm tù như vụ công an đánh chết ông Trịnh Xuân Tùng, nhưng nếu người dân mà
xúc phạm đến công an là chuyện khác, như trường hợp cô gái tát công an bị 9 tháng
tù, viết bài về công an ăn hối lộ như nhà báo Hoàng Khương thì 4 năm tù…
Một xã hội mà những nghề nghiệp từ lương
thiện nhất đến cao quý nhất lại bị khinh rẻ nhất, trong khi sung sướng nhất là
quan chức và công an thì xã hội đó, cái mô hình thể chế chính trị đó là đúng
hay sai?
No comments:
Post a Comment