Tuesday 18 September 2012

NHÀ VĂN NÀO SẼ ĐOẠT GIẢI NOBEL VĂN CHƯƠNG 2012 ? (Nguyễn Mạnh Trinh)





Nguyễn Mạnh Trinh
17.09.2012

Diễn trình giải Nobel Văn Chương

Mỗi năm, cứ vào đầu tháng Mười là các giải thưởng Nobel được công bố. Giải thưởng Nobel về văn chương đã qua một tiến trình chọn lựa người trúng giải theo đúng khuôn khổ đã được ấn định. Bắt đầu từ tháng Chín năm trước là những lá thư gửi đến các nhân vât có uy tín trong quốc gia họ sống và trên văn đàn thế giới để mời gọi giới thiệu những nhà văn hoặc nhà thơ tham dự vào cuộc chọn lựa cho giải thưởng. Lá thư này do hội đồng tuyển chọn mời đến các nhân vật khả kính có đầy đủ uy tín để bảo đảm giá trị cho người được giới thiệu như thành viên của Hàn Lâm Viện Thụy Điển và các Hàn Lâm Viện khác, các vị giáo sư đại học về văn chương và ngôn ngữ học nổi tiếng, các nhà văn nhà thơ đã đoạt giải Nobel văn chương các năm trước và những vị chủ tịch các hiêp hội văn học được sự kính trọng của các quốc gia họ sinh sống và trên thế giới.

Thường thường khoảng từ 600 đến 700 lá thư mời được gửi đi. Đến tháng Hai là thời hạn chót để khóa sổ cho danh sách những người chính thức dự giải. Hội đồng tuyển chọn sẽ lập danh sách những người hợp lệ có đầy đủ điều kiện dự giải lên Hàn Lâm Viện Thụy Điển để nơi này chính thức chấp thuận. Tháng Tư bắt đầu giai đoạn tuyển chọn sơ khởi với một hội đồng từ 15 đến 20 giám khảo. Tháng Năm, hoàn tất lựa chọn một danh sách chung cuộc gồm 5 người được chọn. Tháng 6, 7, 8 là giai đoạn các thành viên trong Hội đồng tuyển chọn đọc và nhận xét chọn lựa các tác phẩm của 5 người trong danh sách cuối. Mỗi người trong hội đồng phải soạn sẵn một hồ sơ tuyển chọn với đầy đủ các nhận xét, đánh giá và phê bình để phúc trình lên Hàn Lâm Viện thẩm xét.

Tháng Chín, là họp toàn thể Hội Đồng Tuyển Chọn và biểu quyết cho một người trúng giải. Hội đồng sẽ đọc kỹ tác phẩm của người chọn lựa cũng như so sánh với các người được chọn lựa khác trong danh sách chung cuộc để có một quyết định đồng nhất. Tháng Mười, hồ sơ người trúng giải được trình lên Hàn Lâm Viện Thụy Điển biểu quyết. Người trúng giải phải được ít nữa hơn một nửa tổng số thành viên chấp thuận. Sau đó tên người trúng giải đuơc Hội Đồng công bố vào thứ Năm tuần lễ thứ nhất của tháng Mười.

Giải Nobel văn chương năm nay, 2012, có tổng số 210 nhà văn, nhà thơ được giới thiệu và tới bây giờ đã có 5 người đươc chọn lựa ở danh sách cuối cùng. Danh sách này được giữ cực kỳ bí mật nhưng cũng có rất nhiều tin đồn, nhiều nhận xét và chọn lựa những khuôn mặt văn chương trong danh sách ấy và sự hiếu kỳ về ai sẽ đoạt giải Nobel năm nay. Có nhiều chọn lựa, xếp hạng đặt tiêu chuẩn theo vùng ngôn ngữ hoặc vùng địa lý. Như vùng Châu Á, như vùng Bắc Mỹ, như vùng Châu Mỹ La Tinh, như vùng Châu Phi, như vùng Trung Đông, như vùng châu Âu. Hoặc các vùng ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nga, Tây ban Nha



Chung quanh giải Nobel 2012

Có rất nhiều dư luận chung quanh giải Nobel năm nay, 2012. Thí dụ như bài của Myskhin trong “Just you shut your mouth” đại ý:

Như vậy tổng số những nhà văn, nhà thơ được chính thức đề cử là 210 trong đó có 46 người được đề cử lần đầu tiên (theo sự tiết lộ của Tổng thư ký Ban Tuyển Chọn Englund) Có rất nhiều sự kiện tức cười khi chúng ta nhìn về những người đã đoạt giải những năm trước đây. Có rất nhiều tác giả rất xứng đáng để đoạt giải của Hàn Lâm Viên trao tặng.

Thí dụ như trường hợp Milan Kundura. Đáng lẽ ông phải là người đoạt giải của những năm của thập niên trước đây. Ông là một nhà văn Tiệp Khắc sống lưu vong ở Pháp từ năm 1975 và thành công dân Pháp năm 1981. Tác phẩm của ông đã được coi là những biểu hiện của một thời kỳ đặc biệt với những khám phá và sáng tạo của một bút pháp bậc thầy về chữ nghĩa. Đây là một khuôn mẫu tác giả mà Hàn Lâm Viện phải yêu thích nhưng không hiểu tại sao lại bị cố tình bỏ quên trong danh sách những người đoat giải hàng năm. Ông bây giờ đã 83 tuổi và trong danh sách những tác giả trong danh sách tuyển chọn cuối đều có tên ông. Nhưng không may, năm ngoái, 2011, nhà thơ Transtromer đã đoạt giải và như thế có nghĩa là năm nay sẽ không có một tác giả thuộc vùng châu Âu đoạt giải. Và như vậy ông sẽ dài dài ở trong danh sách chung cuộc, năm này qua năm khác.

Salman Rushdie cũng là một tác giả British Indian đáng lẽ phải đoạt giải từ thập niên trước. Sau cuộc chọn lựa lạ lùng khi trao giải cho Dario Fo năm 1997, người đại diện ban tuyển chọn của Hàn Lâm Viện tuyên bố là trường hợp của Salman Rushdie cũng sẽ là một trường hợp có thể tiên đoán trước cho giải thưởng. Mặc dù những sức ép chính trị gây ra những xáo trộn khi năm 1989 ba thành viên của Hội Đồng Tuyển Chọn rời khỏi Hàn Lâm Viện Thụy Điển sau khi vận động không thành công để trợ giúp Salman Rushdie đang bị giáo chủ Hồi giáo Ayatollah Khomeini lên án tử hình vì đã viết tác phẩm The Satanic Verses kết tội phỉ báng Hồi giáo. Ba vị giám khảo ấy là các ông Kerstin Elman, Werner Aspenstrom và Lars Gyllenste. Rushdie năm nay 64 tuổi, còn trẻ và nhiều người nghĩ rằng ông vẫn có hy vọng để đoạt giải nhưng trong hiện tình năm nay xem ra hy vọng của ông không nhiều lắm


Carlos Fuentes là một tác giả lớn của dòng văn học Châu Mỹ La Tinh và cũng là một trong những candidate đáng chú ý của giải trong năm nay. Mặc dù trong số những người đoạt giải đã có hai người thuộc dòng Châu Mỹ La Tinh mà gần nhất là Mario Vargas Llosa giải Nobel năm 2010. Thành ra cũng có rất ít hy vọng Carlos Fuentes đoạt giải năm nay và cả những thời gian sau. Năm nay, Carlos Fuentes đã 83 tuổi và như vậy xem ra ông sẽ không bao giờ là người đoạt giải này cả.

Philip Roth cũng là một nhà văn Hoa kỳ và thời gian gần đây năm nào ở trong danh sách chung cuộc đều có tên ông. Nhưng hình như ban tuyển chọn của Hàn Lâm Viện Thụy điển có ấn tượng về các nhà văn Bắc Mỹ, coi những nhà văn này có một sân chơi riêng và không hòa đồng với văn đàn thế giới. Do đó hy vọng đoạt giải cũng rất ít.

Hai nhà văn Canada là Margaret Atwood (72 tuổi) và Alice Munro (81 tuổi) dù có tác phẩm nổi tiếng và sắc thái đặc biệt nhưng cũng ít có hy vọng. Mặc dù tới bây giờ, chưa có tác giả Canada nào đoạt giải cả.

Adonis là nhà thơ Syrian năm ngoái là người đã ở trong danh sách chung tuyển của giải. Nhưng nhà thơ Thomas Transtromer đoạt giải có nghĩa là những năm sau sẽ hiếm thấy các nhà thơ trúng giải. Có người nói năm ngoái là cơ may cuối cùng của Adonis và ông chắc suốt đời không có hy vọng để đoạt giải.

Nhạc sĩ Bob Dylan cũng là một người có tên trong số những nhân vật có nhiều hy vọng. Nhưng ông chỉ là một nhạc sĩ Hoa Kỳ quan trọng trong môi trường âm nhạc nhưng trong môi trường văn học ông không có một vị trí nào nổi bật.

Nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami
cho đến bây giờ là tác giả sáng giá nhất dẫn đầu cuộc thi để đoạt giải Nobel văn chương năm 2012. Ông là tác giả của những tác phẩm nổi danh như Norwegian Wood, như The Wind-Up Bird Chronicle và gần đây nhất, IQ84. Trong kết quả đưa ra của tổ chức đánh cá độ Ladbrokes là 10/1. Năm ngoái, 2011, người đoạt giải Nobel văn chương là nhà thơ Thụy Điển Tomas Transtromer chỉ là người thứ nhì trong bảng sắp hạng những người sẽ đoạt giải với tỉ lệ 9/2. Người đuơc xếp hạng đầu là nhà thơ Syrian Adonis với tỷ lệ 4/1 nhưng bị tụt hạng trong danh sách năm nay với tỉ lệ 14/1 cùng với nhà thơ Đại Hàn Ko Un và nhà văn Albanian Ismail Kadare. Tên tuổi mới trong danh sách năm nay là nhà văn Trung Hoa Mạc Ngôn (MoYan) và nhà văn Hòa Lan Cees Nooteboom. Cũng theo danh sách của Ladbrokes, nhà văn Anh có tỉ số 50/1 đằng sau nhạc sĩ ca sĩ Bob Dykan tỉ số 33/1. Nhà văn Hoa Kỳ Philip Roth là 16/1 bên cạnh nhà văn đồng hương Cormac McCarthy, tác giả DoThái Amos Oz và tác giả nữ người Italian Dacia Maraini.

Năm 2012 các nhà văn vùng địa lý Châu Á có tác giả sáng giá là nhà văn Nhật Bản Haruki Murakami và nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn.

Nhật báo New York Times đã nhận định Murakami là nhà văn Nhật có vị thế quốc tế và tác phẩm của ông được đón nhận và dịch ra nhiều ngôn ngữ khác nhau. Tuy nhiên ông tự nhận là mình đứng ngoài quỹ đạo của văn học Nhật Bản. Nhưng theo nhà văn Nhật Masatsugu Ono thì chính Murakami là người tạo ra diện mạo văn học Nhật Bản hiện đại và bản thân của ông là động lực thúc đẩy các nhà văn đồng hương, đồng thời. Và không hẳn ông là người phá bức tường bao quanh văn học Nhật mà là người có công đẩy văn học Nhật ra khỏi sự vây quanh ấy và đưa văn học Nhật đến với thế giới.

Theo tiểu sử được phổ biến ông sinh ngày 12 tháng 1 năm 1949 là một tiểu thuyết gia và dịch giả. Những tác phẩm tiểu thuyết và biên khảo của ông được chú ý trên toàn thế giới và đã đoạt nhiều giải thưởng văn học trong đó có giải Franz Kafka, giải Jerusalem. Tiểu thuyết của ông thường bị phê bình với các nhà phê bình văn học Nhật bản là đầy chất humor và siêu thực, chú trọng vào những luận đề về sự kết liên và sự đơn độc. Ông được coi là một trong những khuôn mặt tác giả lớn và quan trọng của văn học hậu hiện đại. Tạp chí The Guardian đã ca tụng Haruki Murakami là một trong những tiểu thuyết gia lớn nhất còn sống với sự hiện hữu vĩnh cửu từ những tác phẩm và công trình văn học.

Từ lúc ấu thời, Murakami đã chịu ảnh hưởng rất nặng văn hóa và âm nhạc Tây phương. Ông đã đọc sách với tầm kiến thức rộng mở và yêu thích các tác giả Hoa kỳ như Kurt Vonnegut và Richard Brautigan. Và chính vì ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Tây phương đã tạo thành một chân dung văn học độc đáo so với những nhà văn đồng hương đồng thời.

Ông học ở đại học Waseda về kịch nghệ, nơi này ông gặp Yoko và bà này trở thành vợ của ông. Công việc làm đầu tiên của ông là làm trong tiệm bán băng nhạc tương tự giống như nhân vật Toru Watanabe trong tiểu thuyết Norwegian Wood của ông. Thời gian ngắn sau khi tốt nghiệp đại học, hai vợ chồng ông mở quán cà phê hát nhạc jazz tên là Peter Cat ở Tokyo từ năm 1974 đến năm 1981. Thành ra rất nhiều tác phẩm của ông đều có chủ đề hoặc nhan đề liên quan đến âm nhạc. Ba tác phẩm ấy là The Wind-Up Bird Chronicle; The Thieving Magpie (viết sau khi nghe nhạc opera của Rossin); Bird as Prophet (sau khi nghe phần nhạc hòa tấu dương cầm của Robert Schumann thường được hiểu trong Anh ngữ là The Prophet Bird) và The Bird- Catcher (tính chất của nhạc opera của Mozart The Magic Flute). Một vài tiểu thuyết có nhan đề từ những ca khúc như Dance, Dance, Dance (sau khi nghe ca khúc của Delis mặc dù trong suy nghĩ của đại chúng là từ nhịp điệu của The Beach Boys); Norwegian Wood (sau khi nghe ca khúc của The Beatles) và South of the Border, West of the Sun (sau khi nghe bản nhạc South of the Border).

Haruki Murakami là một cây bút có tác phẩm được phiên dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và các tác phẩm của ông được in ra và bán được hàng triệu bản và có ảnh hưởng rộng rãi trên thế giới. Tiểu thuyết của ông có chất humor với cách xử dụng ngôn ngữ có tính trào lộng cũng như cốt truyện có tính siêu thực, xử dụng nhiều ẩn dụ và nhiều liên tưởng bắt nguồn từ văn hóa Tây phương của Châu Âu và Châu Mỹ. Ông còn là nhà văn lãng mạn trong cách mô tả chân dung các nhân vật của mình và những trang sách tràn đầy dục tính với cách thể hiện tình yêu hết mình và mãnh liệt trong hành động xác thịt.

Nhà văn Trung Hoa Mạc Ngôn năm nay cũng là người đầu tiên trong danh sách những người chung tuyển có hy vọng đoạt giải Nobel văn chương năm nay. Ông là một nhà văn của Trung Hoa đương đại rất nổi tiếng và được Tây phương biết đến vì có 2 tiểu thuyết làm căn bản cho phim Red Sorghum của đạo diễn Trương Nghệ Mưu.

Mo Yan (nghĩa là “không nói”) hay Mạc Ngôn là bút hiệu của Guan Moye, một nhà văn xuất thân từ một gia đình nông dân ở Quảng đông, đã bị đuổi khỏi trường lớp trong thời kỳ Cách Mạng Văn Hóa và làm công nhân trong một xưởng thuộc kỹ nghệ lọc dầu. Năm 20 tuổi gia nhập vào giải phóng quân Trung Hoa và bắt đầu viết văn khi đang tại ngũ. Sở dĩ Mạc Ngôn chọn bút hiệu có nghĩa là “không nói” này khi viết tiểu thuyết đầu tiên
“Falling Rain on a Spring Night” vì ông tự nhắc mình không nên nói nhiều ở trong một xã hội Cộng sản như Trung Hoa. Tác phẩm của ông có nét riêng chiếm ưu thế là phê phán xã hội hiện thực và ông chịu ảnh hưởng rất sâu xa từ những phê phán chính trị của Lỗ Tấn và chủ nghĩa hiện thực huyền ảo của Gabriel Garcia Marquez. Phong cách viết của ông phức tạp, nhiều ẩn dụ và thường thường dùng những hình ảnh cực độ để diễn tả ý tưởng. Ông tạo ra không khí riêng trong tiểu thuyết của mình sự xáo trộn bất trắc nhưng có vẻ đẹp riêng của nó. Tác phẩm của ông chừng 12 cuốn vừa tuyển tập truyện ngắn vừa tiểu thuyết. Tác phẩm sau cùng”Life and Death are Wearing Me Out” ông chỉ viết trong 43 ngày là hoàn thành.

Mạc Ngôn có viết một tiểu thuyết về cuộc chiến tranh Việt Trung năm 1979 “Ma Chiến Hữu” tuy phê phán cuộc chiến nhưng đã có những ngôn từ và lý luận đứng về phía quân Trung Cộng một cách không khách quan và không nhân bản lắm.

Nhà văn Hòa Lan Cees Nooteboom lần đầu cũng được kể trong những người có hy vọng sau Huraki Murakami và Mạc Ngôn trong danh sách của Ladbrokes. Nooteboom sinh trưởng ở thành phố Hague nơi mà cha ông đã bị chết trong một cuộc oanh tạc năm 1945. Tiểu thuyết đầu tiên của ông “Philip and other” phát hành năm 1955 và đoạt giải Anne Frank Prize, Tác phẩm thứ hai “The Knight Has Died” in năm 1963 và tới bây giờ vẫn có nhiều người nhắc tới và hâm mộ. Tiểu thuyết “Rituals” đã mang ông thành một tiểu thuyết gia nổi tiếng của Hòa Lan và đoạt giải Pegasus. Các tiểu thuyết nổi tiếng khác của ông: A Song of Truth and Semblance; All Soul's Day; Paradise Lost là những tác phẩm đáng để ý của văn học Hòa Lan. Cees Nooteboom còn là một nhà văn viết ký sự du lịch có nhiều tác phẩm hàng đầu trong loại sách này. Ông còn viết một cuốn sách khá thích thú về thế giới âm nhạc của nhạc sĩ soạn hòa âm Benet Casablancas nhan đề “Six Glosses”.

Ai là người sẽ đoạt giải Nobel văn chương năm nay, 2012? Ngay bây giờ còn sẽ có nhiều ý kiến, nhiều thay đổi . Chúng ta chờ vài tuần nữa vào đầu tháng 10 sẽ có kết quả được thông báo.


Chuyện bên lề: Một ông Việt Nam "chạy" giải Nobel cho mình

Nhân tiện đây, xin kể một chuyện ở Việt Nam có liên quan đến giải Nobel văn chương năm nay. Một kẻ lừa đảo, lý lịch có nhiều khuất lấp đen tối như Hoàng Quang Thuận lại được Hội Nhà Văn tổ chức hội thảo ca tụng đánh bóng mấy tập thơ đồng cốt và còn lăm le thuê dịch ra Anh ngữ để dự cuộc tranh giải Nobel văn chương năm 2012. Dư luận ào ào phản đối và từ đó mới lòi ra cái hệ thống văn chương “đen” mà các nhân vật như chủ tịch Hội Nhà Văn Hữu Thỉnh hay Trung tướng công an Hữu Ước làm nồng cốt.

Nhà văn Phạm Viết Đào viết: “Đồng tiền hay một cái gì đó đã có sức mạnh ghê gớm đã tạo ra sức hút gì đó đã làm mê lú biết bao kẻ xưa nay vẫn được dư luận cho là đạo mạo, trí thức, có chút ít danh tiếng bổng chức lao vào canh bạc lăng-xê Hoàng Quang Thuận bất chấp thực hư, phải trái như Ngô Văn Phú, Hoàng Hữu Đản, Dương Kỳ Anh, Hữu Thỉnh, Hữu Ước, Nguyễn Hữu Sơn, Nguyễn Trọng Tân, Đỗ Ngọc Yên, Nguyễn Văn Dân, Hữu Việt,…


Theo các nguồn tin bên lề thì sở dĩ Hoàng Quang Thuận đưa sản phẩm của mình ra trình làng ở Hội Nhà Văn Việt Nam là chuẩn bị dư luận giúp y “chạy” giải Nobel văn học: đây là một trong các điều kiện cần có để dự giải thưởng này.

Như vậy hoạt động băng nhóm vốn là thứ thịnh hành chốn “chợ giời”, xã hội đen đã len lỏi chi phối cả chốn văn đàn xưa nay vẫn được coi là chốn thanh cao ít vụ lợi?

Hoàng Quang Thuận là ai và đã làm gì để cho dư luận báo chí trong nước ồn ào như vậy? Ông ta là tác giả của hai tập thơ Thi Vân Yên Tử và Hoa Lư Thi Tập. Hai tập thơ này được quảng cáo hết sức ồn ào cả ở trên đài truyền hình, báo in ở trong nước. Nhà xuất bản Giáo dục dự trù in 350 ngàn cuốn sách để dùng cho học sinh và có hàng chục bộ phim đánh bóng Hoàng Quang Thuận hết cỡ. Thậm chí Hội Nhà Văn còn tổ chức hội thảo để vinh danh hai cuốn sách này với thành phần tham dự toàn “tai to mặt lớn” như Hữu Thỉnh, chủ tịch Hội Nhà Văn ViệtNam, Nguyễn Di Niên, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao, Nguyễn Thanh Sơn, thứ trưởng Bộ Ngoại Giao, Lê Trần Trường An, Chủ tịch, tổng Giám Đốc Sách Kỷ Lục Việt Nam,Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý Luận Phê Bình Văn Học Nghệ Thuật Trung Ương, Trung Tướng Công An Hữu Ước, Tổng Cục Phó Tổng Cục Xây Dựng Lực Lượng Bộ Công An,
Hoàng Quang Thuận đang là Viện trưởng Viện Công Nghệ Viễn Thông của thành phố Sài Gòn và có mác Giáo sư Tiến sĩ nhưng lại là một kẻ lừa đảo từng ăn cắp công trình về máy rung chữa bệnh của 2 người thợ ở Đà Nẵng rồi lại làm cố vấn cho tử tội Tăng Minh Phụng để được tiền và xe hơi trong các công việc lừa đảo. Ngoài ra Thuận còn làm nhiều việc khuất lấp lừa đảo khác nhưng chưa bị phanh phui. Còn về văn chương, hắn chẳng có gì đặc sắc, làm thơ mà không nắm vững được kỹ thuật sơ đẳng lại ăn cắp thơ của Trần Trường rồi biến chế thành một thứ thơ Thiền ngô nghê đồng bóng. Nhà văn Nguyễn Đào Trường ở trong nước đã chỉ thẳng vào mặt: “Tôi không khỏi nghi ngờ ông Hoàng Quang Thuận lừa siêu hạng hay những kẻ có quyền bị đui mù chức năng thẩm mỹ hoặc ăn oản chùa ngọng miệng mà nâng đỡ Hoàng Quang Thuận kệch cỡm tiến lên ứng cử giải Nobel.”

Theo báo An Ninh Thủ Đô thì “cả hai tập thơ của Hoàng Quang Thuận đều đã được gửi đi Thụy Điển tham dự giải Nobel văn học. Nhưng đơn vị đề cử là… chứ không phải là tác giả. Ông bảo “nếu được giải Nobel thì cũng thuộc về Thiền viện Trúc Lâm YênTự.” Như thế ông không những biết việc đề cử mà cũng hy vọng được giải Nobel cho dù có khiêm tốn coi nó thuộc về Thiền viện.

Dường như người viết bài báo công an này không hiểu gì về thủ tục đề cử giải Nobel văn chương của Hàn Lâm Viện Thụy Điển và anh chàng làm thơ lừa bịp siêu đẳng này cũng dốt và nuôi mộng ngông cuồng. Những tập thơ rác rưởi này mà mang ra quốc tế thì thật là “đẹp mặt” cho văn học nghệ thuật trong nước. Sao đất nước Việt nam lại có những hiện tượng tha hóa đến cùng cực như vậy?!

[NMT]


* Blog 'Nguyễn Xuân Hoàng và Bạn hữu' là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.






No comments:

Post a Comment

View My Stats