Friday 14 September 2012

NGUYỄN TẤN DŨNG THỰC SỰ MUỐN XỬ LÝ NGHIÊM VIỆC ĐƯA TIN TỨC CHỐNG ĐẢNG & NHÀ NƯỚC ? (Kami)





Fri, 09/14/2012 - 05:47 — Kami

Trong hai ngày 12-13.9.2012, tin tức về Việt nam chắc không có tin nào gây sự quan tâm của dư luận người Việt trong và ngoài nước bằng tin Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số: 7169 /VPCP-NC, truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm việc đưa những thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước.
Điều đặc biệt khác thường là chỉ thị này của Thủ tướng lại nêu rõ đích danh cụ thể một số trang thông tin điện tử ngoài mức cần thiết "... như: “Dân làm báo”, “Quan làm báo”,”Biển Đông”… và một số trang mạng khác...". Và chỉ thị đã khẳng định các trang mạng đó đã đăng tải thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội.

Việc ra chỉ thị nói trên được đăng trên Cổng thông tin chính phủ phổ biến văn bản và sau đó hầu như toàn bộ các phương tiện truyền thông của nhà nước đều đăng tải lại, kể cả Đài truyền hình Việt nam ( VTV). Tin tức này đã khiến nhiều người cho rằng, đã đến lúc ông Nguyễn Tấn Dũng không thể ngồi im trước những tin đồn bất lợi trong bối cảnh dư luận xã hội ở Việt nam đang bàn tán về cuộc đấu đá trong nội bộ Ban lãnh đạo đảng CSVN và chính quyền của họ dưới tên gọi cuộc chiến "Ba - Tư". Cũng nhiều người cho rằng việc làm của ông Thủ tướng là "lợi bất cập hại", vô tình Thủ tướng và truyền thông nhà nước đã quảng cáo không công cho các trang mạng nói trên. Điều này vô tình đã khiến cho nhiều người tò mò và tìm cách truy cập, bằng chứng là theo các trang mạng có tên trong chỉ thị cho biết số lượng truy cập đã tăng vọt trong một vài ngày qua. Điều này khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: "Phải chăng ông Thủ tướng và bộ tham mưu của ông ta không biết là không thể chặn hay cấm người đọc truy cập vào các trang website nêu trên. Hay đó là việc làm có chủ ý?". Để tìm câu trả lời cho câu hỏi này, thiết nghĩ cần nhắc lại mấy chuyện cũ mà nhiều người hẳn chưa quên.

1. Sau giải phóng năm 1975, có ông cán bộ cao cấp của chính quyền ngồi trong xe ô tô Volga. Khi xe chạy tới một ngã tư, người tài xế hỏi "Thưa chú, xe quẹo phải hay quẹo trái?", ông Thủ trưởng đáp tỉnh bơ "Rẽ phải". Người lái xe cho xe rẽ tay phải theo lệnh, thì đột nhiên ông Thủ trưởng quát lên "Sao mày ngu thế, tao bảo rẽ phải có nghĩa là mày phải rẽ trái. Tao bảo rẽ trái thì phải rẽ phải. Nhớ lấy!". Người lái xe có được một bài học cách sống với mấy ông cộng sản.

2. Trong chuyện Chí Phèo của nhà văn Nam Cao cũng mô tả cho thấy, anh Chí muốn được tiền của cụ Bá Kiến để uống rượi thì hay dùng chiêu rạch mặt ăn vạ. Rach mặt tuy đau, nhưng hiệu quả vì sẽ được nhiều người quan tâm chú ý, trong lúc cụ Bá Kiến thì ngượng, xấu hổ vì sợ bà con trong làng thấy cụ bị thằng Chí nó chửi. Cụ Bá Kiến vội móc tiền ra cho Chí Phèo, thế là mắc mưu thằng khùng. Cái này người Việt gọi là chiêu gái đĩ già mồm, trong việc đấu khẩu thì bên nào cứ lu loa lên cho nhiều người để ý, để chửi là thắng.

Ví dụ hai chuyện trên để thấy, trong chính trị khi người ta "Nói vậy, mà không phải vậy!" là chuyện bình thường, dễ hiểu. Nhất là chính trị của mấy ông cộng sản thì càng phải coi chừng, kẻo rồi mắc lừa rồi lại hố to.

Trở về chuyện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm việc đưa những thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước của các trang mạng, trong đó có nhắc đến tên cụ thể của một số trang website như: “Dân làm báo”, “Quan làm báo”,”Biển Đông”… thì nên hiểu thế nào? Trước hết trang website Dân làm báo và Biển Đông thì đã có từ trước đây khá lâu, không dưới 3 năm, tại sao không thấy Thủ tướng nhắc đến? Phải chăng nó chỉ là tên phụ họa thêm cho trang blog Quan Làm Báo mới xuất hiện nhưng đã gây dư luận đình đám gần đây? Thứ hai các blog như: “Dân làm báo”, “Quan làm báo” là blog trên hệ thống blogspot thì khả năng dùng biện pháp Ddos (tấn công từ chối dịch vụ) thì chỉ là chuyện đánh nhau với cối xay gió. Vì nếu có bị đánh sập đi chăng nữa thì chỉ cần 30' là họ có thể lập một hoặc nhiều blog khác thay thế. Do vậy việc Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm việc đưa những thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước của các trang mạng là nhằm mục đích khác hoàn toàn là khả năng rất cao, chứ không đơn giản như nhiều người nghĩ.

Việc trong nội bộ của Ban lãnh đạo đảng CSVN và chính quyền hình thành ba phe phái, đó là phe bảo thủ của ông Tư, phe thân tầu của ông Tổng và phe cấp tiến của ông Ba. Hay việc ông Tư kết hợp với ông Tổng để "sửa" ông Ba thì người ta nói đến đã lâu thì hẳn ai cũng đã biết. Nhưng việc ông Thủ tướng đến tên cụ thể của trang website “Quan làm báo”, một trang website công khai ủng hộ ông Tổng và ông Tư để chống ông Ba là một chuyện không bình thường và không đơn giản như mọi người đã hiểu. Nhất là trong khi trang website “Quan làm báo”, ngoài việc khi đưa tin về việc thâu tóm Sacombank của Bầu Kiên và các nhân vật liên quan còn có thể tin được. Còn đa số là tin thất thiệt, đặc biệt là tin bắt bớ, thanh trừng (trừ Bầu Kiên và ông Lý Xuân Hải) thì còn lại là sai toét toẹt.

Ông Nguyễn Tấn Dũng được đánh giá là con người tham lam, ít học nhưng được cho làcao mưu, có khả năng xoay chuyển tình thế trong lúc bế tắc nhất. Thực tế đã chứng minh điều đó. Nếu như vậy thì chẳng có lý do gì mà ông ta không tận dụng cơ hội này để phản đòn, mượn gió bẻ măng kiểu gái đĩ già mồm. Văn bản ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu xử lý nghiêm việc đưa những thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước của các trang mạng, là một cách gián tiếp la lối cho cả làng, cả tổng biết. Chuyện ông Tư kết hợp với ông Tổng để "sửa" tôi thì nó cũng như chuyện của “Quan làm báo”, là chuyện bịa đặt, vu khống, nói xấu. Đồng thời chỉ thị này cũng chỉ ra cho thấy, chỉ là chuyện của một số đối tượng cán bộ thoái hóa biến chất, kết hợp với các phần tử phản động ở nước ngoài thông tin vu khống, bịa đặt, xuyên tạc, không đúng sự thật nhằm bôi đen bộ máy lãnh đạo của đất nước, kích động chống Đảng và Nhà nước ta, gây hoài nghi và tạo nên những dư luận xấu trong xã hội. Đây là thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch. Vậy thế lực thù địch có phải là những người đang chống Thủ tướng hay không? Như thế có phải là một mũi tên trúng hai, ba đích hay không?

Đó là chưa nói đến cái gọi là "khổ nhục kế", ông Thủ tướng chấp nhận chịu đau một chút lúc ban đầu, cho lập một cái blog A, B, C... nào đó. Đưa tin thất thiệt là chủ yếu, đúng tý tỵ ty để phản đòn lúc đối phương ở thế thượng phong thì quá là cao mưu. Cứ xem trang PetroTimes của ông Đại tá Nguyễn Như Phong, đang tả xung hữu đột vạch trần sự giả dối của “Quan làm báo” để cứu Thủ tướng thì rõ họ đang chơi trò gì thôi?

Tóm lại là mấy ông cỡ lớn vừa vừa tầm Bộ trưởng, thuộc diện đàn em sẽ phải lên thớt, mà không phải là Thủ tướng trong cuộc chỉnh lý là OK rồi.

Họ không ngu ngơ như chúng ta tưởng, nhất là chuyện họ tự đục thuyền.

Ngày 13 tháng 9 năm 2012
© Kami
————————

* Đây là trang Blog cá nhân của Kami. Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á châu Tự do RFA.




No comments:

Post a Comment

View My Stats