Saturday 8 September 2012

NGƯỜI DÂN TRUNG QUỐC NỔI DẬY CHỐNG CÁC TRẠI LAO CẢI (Minh Anh - RFI)






Minh Anh – RFI
Thứ bảy 08 Tháng Chín 2012

Đã đến lúc các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải thực hiện cải cách ngành tư pháp. Việc bắt giam và đưa vào các trại lao cải không thông qua trình tự pháp lý rõ ràng và vô tội vạ ngày càng làm cho người dân bất mãn. Liên quan đến chủ đề này, báo Le Figaro có bài viết đề tựa « Người dân Trung Quốc nổi dậy chống các trại lao cải ».

Sự việc bắt nguồn từ một vụ án xảy ra vào hồi tháng rồi tại tỉnh Hồ Nam. Bà Đường Hội liên tục đòi chính quyền địa phương phải phạt nặng hơn nữa các tên tội phạm đã cưỡng hiếp và ép buộc cô con gái 11 tuổi của bà làm gái mại dâm. Theo bà, cần phải đem ra xét xử cả những viên công an có liên can đến vụ việc. Không những đòi hỏi của bà không được đáp ứng, mà bà còn bị xử phạt 18 tháng trong trại lao cải vì tội « gây bất ổn và làm ảnh hưởng xấu lên xã hội ». Trước sự la ó phản đối của cư dân mạng và sự ủng hộ của hàng trăm hộ gia đình cho người mẹ can đảm, chính quyền buộc phải trả tự do cho bà Đường Hội.

Tác giả viết rằng chính Mao Trạch Đông là người đã sáng kiến ra trại lao cải. Theo lý thuyết của Mao vào năm 1957, sự cải tạo nhằm để giáo dục lại những tội phạm thông thường và những kẻ gây rối, nhất là các trí thức nhân sĩ. Trong suốt thời kỳ Cách mạng văn hóa, hoạt động của trại lao cải đã bị gián đoạn do có nhiều công cụ trừng phạt khác. Thế nhưng, vào năm 1980, các trại này lại được đưa vào hoạt động trở lại và còn phát triển mạnh hơn nữa cho đến ngày nay.

Theo Arnaud de la Grange , tác giả bài viết, nếu nhìn theo góc độ đàn áp, thì rõ ràng đây là một hệ thống tuyệt vời nhất. Nó cho phép giam giữ ngoài luật bất kỳ ai trong một thời hạn có thể kéo dài đến 4 năm mà không cần đưa ra xét xử. Chỉ cần một chữ ký là đối tượng liên quan đã đứng sau song sắt.

Trở lại vụ án bà Đường Hội, tác giả cho biết dù rằng bà đã được trả tự do, nhưng điều đó vẫn không làm nguôi được sự phẫn nộ của người dân Trung Qu ốc. Báo chí cũng như những người đấu tranh cho xã hội dân sự vẫn tiếp tục đề cập đến sự việc. Mười luật gia có tiếng tăm trong nước đã công khai gởi một bức thư đến Bộ Tư pháp, đề nghị phải có sự minh bạch trong hệ thống.

Báo chí trong nước cũng vào cuộc chẳng hạn như tờ tạp chí Nam Phong song đã cho đăng một loạt bài về chủ đề này. Hay như Tân Hoa xã còn cho đăng một kết quả thăm dò qua mạng cho biết 87% số người được hỏi mong muốn hủy bỏ hệ thống trại lao cải.

Tác giả bài viết cho rằng dường như chính quyền Bắc Kinh đã thấu hiểu thông điệp của người dân. Theo báo chí chính thống, chính phủ đang thực hiện các « dự án thí điểm » tại bốn thành phố lớn Nam Kinh, Cam Túc, Hà Nam và Sơn Đông. Bên cạnh đó, một hệ thống « giáo dục và điều chỉnh hành vi tội phạm » cũng đang được nghiên cứu. Theo đó, công an sẽ không còn được đơn phương hành động nữa và một số loại tội phạm có thể sẽ được giáo dục tại địa phương. Một luật sư đã đánh giá cao các biện pháp trên cho là đã có sự tiến bộ. Nghĩa là, thay vì tước mất hoàn toàn tự do thì nay chỉ hạn chế nó mà thôi.

Le Figaro cho biết, tại Trung Qu ốc hiện nay có đến 350 trại lao cải. Về mặt quy định chính thức, người bị kết án phải « học tập » ít nhất 3 giờ mỗi ngày. Do đó, không thể nào làm việc quá 6 tiếng một ngày. Thế nhưng, sự thật lại khác xa hoàn toàn. Tác giả cho biết, tờ tạp chí Nam Phong song trích lời thuật của một viên chức thuộc Central Institute for Correctional Police cho biết các tù nhân phải làm việc hơn 76 giờ trong tuần và chỉ nhận có 4 giờ « giáo dục » trong cùng khoảng thời gian đó. Công việc trong các trại có thể từ những việc thủ công nhỏ nhặt cho đến những công việc nặng nhọc hơn.

Theo lời giải thích của giáo sư Trần Trung Lâm (Chen Zhonglin) thuộc đại học Trùng Khánh – người đã từng đề nghị cải cách hện thống lao động cưỡng bức, với tờ South China Morning Post, hệ thống này trái với các điều khoản trong Hiến pháp Trung Qu ốc, quy định rằng sự tự do của các cá nhân chỉ có thể bị hạn chế thông qua luật chứ không phải qua các quy định.

Bài viết kết luận rằng ý tưởng cải cách vẫn còn xa vời, vì khó có thể hình dung chuyện các nhà lãnh đạo Trung Quốc tương lai lại có thể từ chối một công cụ hữu hiệu như vậy trong ngắn hạn để duy trì một sự ổn định xã hội bất khả xâm phạm.






No comments:

Post a Comment

View My Stats