Saturday, 15 September 2012

"NGƯỜI DÂN KHÔNG TIN TƯỞNG VÀO BÁO CHÍ CHÍNH THỐNG" tại VIỆT NAM (AP/Bloomberg/NorthJersey.com)







Đỗ Đăng Khoa chuyển ngữ, CTV Phía Trước
15/09/2012

HÀ NỘI, Việt Nam – Thủ tướng Việt Nam vừa ra lệnh trấn áp các blog đã tấn công sự lãnh đạo của ông, làm dấy lên suy đoán rằng căng thẳng chính trị đang được gia tăng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại và nhận thức về tệ nạn tham nhũng diễn ra khắp mọi nơi.

Ảnh: Hình chụp screenshot từ trang web http://www.thutuong.chinhphu.vn

Theo một bài viết đăng trên trang web của chính phủ hôm cuối ngày thứ Tư, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ra lệnh cho Bộ An ninh và Bộ Thông tin điều tra các trang web có nội dung “chống đảng, chống nhà nước” và “vu khống” những nhà lãnh đạo của đất nước. Bản báo cáo yêu cầu các bộ và các tỉnh hướng dẫn cho quan chức cán bộ không nên đọc hoặc lan truyền thông tin được đăng trên các trang web bao gồm Quan Làm Báo và Dân Làm Báo.
Tính phổ biến của các trang web này đã gia tăng vì đăng các bài nổi bật liên quan đến những cáo buộc về tham nhũng và những lời chỉ trích hiếm hoi về các quan chức nhà nước, đặc biệt trong thời điểm khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại và mối lo ngại về sự suy yếu của hệ thống ngân hàng nhà nước.

Ông Roberto Herrera-Lim, Giám đốc Eurasia Group có trụ sở tại New York cho biết:
“Đảng [Cộng sản Việt Nam] có thể nhận ra rằng bây giờ là thời điểm nguy hiểm nhất so với bất kỳ điểm nào trong một thập niên qua, do các vấn đề liên quan đến nền kinh tế cũng như sự phổ biến rộng rãi về tệ nạn tham nhũng và những tin đồn liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực ở cấp thượng tầng của các lãnh đạo cấp cao .
Đảng Cộng sản đang bước vào những khoảnh khắc rất hiếm hoi mà điều lo ngại nhất là sự bất bình về cách thức quản lý nhà nước có thể vượt ra khỏi các vấn đề nghiêm trọng khác liên quan đến sự lãnh đạo và tính hợp pháp của đảng”.

Nhiều người Việt Nam đã chuyển sang các trang web này để đọc các thông tin về vụ bắt giữ gần đây đối với ông trùm ngân hàng Nguyễn Đức Kiên. Việc bắt giữ ông đã gây nên một làn sóng rút tiền hàng loạt tại ngân hàng mà ông đồng sáng lập và làm thị trường chứng khoán sụt giảm liên tiếp trong nhiều ngày. Ông Kiên được đồn đoán có liên kết với ông Dũng, ông Steve Norris cho biết, một nhà phân tích tại Control Risks Group có trụ sở ở Singapore.

Các trang web đã đăng các tin “vu khống, bịa đặt, thông tin bị bóp méo và sai sự thật để vẽ lên một bức tranh ảm đạm về bộ máy quản lý của đất nước”, bản tuyên bố trên trang web chính phủ cho biết. Theo lệnh này thì chính phủ yêu cầu các nhà chức trách phải xử lý đúng đắn đối với bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào vi phạm quy định trên.

Việt Nam thường xuyên bắt giữ các bloggers và các nhà hoạt động, trong đó họ luôn bị cáo buộc tội tuyên truyền chống nhà nước – một tội danh có mức án lên đến 20 năm tù giam. Theo Phóng viên Không Biên giới thì hiện nay tại Việt Nam có ít nhất năm nhà báo và 19 bloggers đang bị tù, nhiều hơn so với bất kỳ quốc gia nào khác, ngoại trừ Trung Quốc và Iran. Tháng trước, tòa án Hà Nội đã kết án hai bloggers lên đến sáu năm tù vì tội tuyên truyền [chống nhà nước], theo nguồn tin từ Phóng viên Không Biên giới.

Cho đến ngày thứ Năm vừa qua, các trang web vẫn có thể truy cập được từ trong nước.

“Có nhiều lý do tại sao người dân truy cập vào các trang web đó: đó là vì họ không biết nơi nào khác để có thể nhận được thông tin sự thật về những gì đang xảy ra trong nền kinh tế và giữa các nhà lãnh đạo chính trị hàng đầu”, Eddy Malesky, Phó Giáo sư kinh tế Chính trị tại Đại học Duke cho biết, người đã nghiên cứu về Việt Nam và chính trị của nước này trong 15 năm qua. “Quan Làm Báo đã đóng một vai trò khá hữu ích. Nếu không phải là trang này thì cũng sẽ có các trang web khác thu hút người xem bởi vì ngay bây giờ người dân không tin tưởng vào các nguồn thông tin trên các báo chính thống của Việt Nam”.

Dân Làm Báo, [được dịch cụ thể là Công dân Làm Báo] ghi nhận 32.000 lượt truy cập trong một giờ sau khi Đài Truyền hình Việt Nam phát sóng lệnh của ông Dũng vào buổi tối ngày hôm qua, mức truy cập cao nhất trong hai năm theo một bài viết trên trang web này tiết lộ.

Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm còn lại 4,4% trong nửa đầu nay, và có thể hỉ đạt 5,2% trong năm 2012 dựa theo các mục tiêu của chính phủ. Đây là chỉ số tăng trưởng hàng năm kém nhất kể từ năm 1999.

Vụ bắt giam Nguyễn Đức Kiên ngày 20 tháng Tám vừa qua, một trong những cá nhân giàu có nhất tại Việt Nam và là người đồng sáng lập Ngân hàng Thương mại Á Châu, đã gây chú ý trong một số lĩnh vực liên quan đến nền kinh tế – đặc biệt là ngành ngân hàng, nơi các khoản vay thường dựa trên mối quan hệ chính trị hoặc quan biết cá nhân.

“Tiền vốn được phân bổ trên toàn hệ thống không dựa trên tỷ lệ lợi nhuận mà các nhà đầu tư hay cho các ngân hàng có thể kiếm được hoặc thậm chí tỷ lệ lợi nhuận ít rủi ro nhất, nhưng các điều kiện cho vay được quyết định bởi các tiêu chí khác”, Jonathan Pincus, kinh tế gia chuyên về chương trình Việt Nam thuộc Đại học Harvard ở thành phố Hồ Chí Minh, cho biết trong một cuộc phỏng vấn. “Nó gắn liền với quyền sở hữu, với quyền lực chính trị, với sự ảnh hưởng, và điều này chỉ có nghĩa rằng có ít tín dụng tốt và nhiều tín dụng xấu hơn ở ngoài kia mà thôi”.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam và các nhà quản lý thị trường chứng khoán kêu gọi người dân bình tĩnh sau khi hàng loạt khách hàng xếp hàng để rút tiền gửi từ ngân hàng Thương mại châu Á, và thị trường chứng khoán của nước này đã giảm hơn 10% trong ba ngày sau khi ông Kiên bị bắt giữ. Tin đồn đang lan truyền trên các trang web và blog rằng sẽ còn nhiều người bị bắt giữ trong thời gian tới.

Chính phủ đã thực hiện các biện pháp thắt chặt tiền tệ và tài chính nhằm giải quyết vấn đề lạm phát, nơi có chỉ số gia tăng nhanh nhất ở châu Á. Đó cũng là hệ quả sau nhiều năm chính phủ thả lỏng tín dụng mà phần lớn đã được đầu tư vào bất động sản và chứng khoán.

* Tựa đề do PHÍA TRƯỚC đặt.

© Bản tiếng Việt TẠP CHÍ PHÍA TRƯỚC 2012



No comments:

Post a Comment

View My Stats