Sunday, 16 September 2012

MỘT NÉT TRONG PHONG CÁCH NGUYỄN MỘNG GIÁC (Nguyễn Hưng Quốc)





11.09.2012

Sông Côn mùa lũ mở đầu bằng hình ảnh một dòng sông, lúc gia đình giáo Hiến lếch thếch bồng bế nhau đi tị nạn, và kết thúc cũng bằng một dòng sông, sông Bến Ván, nơi dừng chân của mẹ con An. Nó mở đầu bằng dòng kinh nguyệt đầu tiên của An và kết thúc cũng bằng dòng kinh nguyệt của Thái, con gái của An. Giữa những dòng chảy ấy là dòng chảy điên cuồng của đất nước và của số mệnh từng người: những cuộc “hành kinh” của lịch sử.

Nên lưu ý là hình ảnh về những dòng chảy ấy, dưới nhiều hình thức và với nhiều mức độ khác nhau, bàng bạc trong hầu hết các tác phẩm của Nguyễn Mộng Giác chứ không riêng gì trong Sông Côn mùa lũ. Tên các tác phẩm của ông: Nỗi băn khoăn của Kim Dung, Bão rớt, Tiếng chim vườn cũ, Qua cầu gió bay, Đường một chiều, Ngựa nản chân bon, Xuôi dòng, Mùa biển động (5 tập), và Sông Côn mùa lũ (4 tập), trong đó, trừ tập tiểu luận đầu và tập truyện thứ hai, các tựa sách khác đều sử dụng một trong ba hình tượng: gió, nước và con đường. Nhiều nhất là hình tượng nước.

Trong tám tựa sách, ba tựa sau cùng, tất cả đều xuất hiện sau năm 1975, đều liên quan đến nước. Tựa cũ của Đường một chiềuBóng thuyền say cũng liên quan đến nước. Qua cầu gió bay cũng thấp thoáng hình ảnh của nước. Ám ảnh về nước thật ra là ám ảnh về sự chuyển động. Hai hình tượng còn lại, gió và con đường, cũng gắn liền với ý niệm về chuyển động ấy.

Toàn là những sự chuyển động bất thường và ngoài ý muốn: đường thì một chiều, biển thì động, sông thì đang mùa lũ, gió thì bay, bay dữ đến độ thành bão rớt. Sự say mê đối với các chuyển động, thật ra, không có gì mới: nó đã có ít nhất từ thời phôi thai của tiểu thuyết. Sự say mê đối với các chuyển động bất thường và ngoài ý muốn cũng không mới: đó là sự say mê chung của hầu hết các nhà văn hiện thực. Tuy nhiên, ở phần lớn các nhà văn hiện thực, sự say mê đối với các chuyển động, nếu là chuyển động xã hội, thường dẫn đến cảm hứng phê phán, nếu là chuyển động lịch sử, thường dẫn đến cảm hứng sử thi với những bức tranh hoành tráng, ở đó, người đọc có thể nhìn thấy những nhân vật cao hơn hẳn đời thường; ở Nguyễn Mộng Giác thì niềm say mê đối với các chuyển động xã hội chỉ dẫn đến những cảm hứng nhân đạo và niềm say mê đối với các chuyển động lịch sử chỉ dẫn đến một cái nhìn mang đầy tính bi kịch. Người bị ám ảnh nhiều về con đường cũng là người viết cuốn Ngựa nản chân bon; người bị cuốn hút bởi những hình tượng như biển động, mùa nước lũ cũng lại là tác giả của cuốn Xuôi dòng; người say mê Kim Dung, nhà văn chuyên viết truyện chưởng đầy tính bạo động, lại chú ý nhất ở Kim Dung một khía cạnh ít bạo động nhất: nỗi băn khoăn...

Tính chất chuyển động, do đó, cứ như gắn liền với tính chất mỏi mệt; tính chất dữ dội lúc nào cũng song song với một cái gì như thể ngao ngán. Nghịch lý ấy thể hiện rất rõ trong phong cách của Nguyễn Mộng Giác: thích những đề tài lớn nhưng trong các đề tài lớn ấy lại chỉ chú ý đến các chi tiết nhỏ; thích lịch sử, nhưng trong lịch sử, chỉ xoáy vào các khía cạnh đời thường; thích các anh hùng, nhưng ở các anh hùng, chỉ tập trung ngòi bút vào những khoảnh khắc yếu đuối; thích tả phụ nữ ở cái mốc tuổi dậy thì, nhưng ở tuổi dậy thì, lại dừng lại ở một dấu ấn ít thơ mộng nhất: kinh nguyệt.

Có thể nói, tất cả các nhân vật của Nguyễn Mộng Giác đều là những nạn nhân. Những thanh niên trí thức ở Huế một thời ồn ào và hung hãn với giấc mộng anh hùng trong Mùa biển động, cuối cùng, cũng chỉ trở thành một đám nạn nhân nhếch nhác của lịch sử. Ngay nhân vật Quang Trung trong Sông Côn mùa lũ cũng không hẳn là một anh hùng.

Đậm nét nhất trong hình ảnh nhân vật Quang Trung của Nguyễn Mộng Giác không phải là một võ tướng xông pha giữa trận địa hoặc một vị vua đầy quyền lực mà chỉ là một kẻ hay thao thức trong đêm khuya, hay băn khoăn trong lòng, hay ngập ngừng trong giọng nói, hay thoáng vẻ bối rối trên khuôn mặt, và hay tần ngần trong mỗi bước đi. Có cảm tưởng Quang Trung cũng chỉ là một nạn nhân của lịch sử: lịch sử xô ông tới, đẩy ông lên những đỉnh cao, và cuối cùng, thật bất ngờ, làm cho ông biến mất. Quang Trung như thế, các bà vợ của Quang Trung cũng như thế. Cứ thử đọc lại đoạn Nguyễn Mộng Giác tả cảnh Ngọc Hân đi gặp hoàng hậu, vợ chính của Quang Trung. Hai người đàn bà quyền uy nhất nước thời bấy giờ không khác gì hai người đàn bà bình thường bao nhiêu cả: họ cũng bối rối, cũng cảm thấy nhỏ nhoi và bơ vơ khi đối diện với nhau, và cũng yếu ớt vô cùng: người thì đầy hoang mang, phải dựa vào bạn; kẻ thì phải ôm con chặt vào lòng cho thêm tự tin (1).

Có thể nói, ngòi bút của Nguyễn Mộng Giác chỉ phát huy hết sự tinh tế khi dừng lại ở những bức tranh nho nhỏ và tội nghiệp như thế. Khi phải tả những sự lớn lao và dữ dội, ông thường dùng biện pháp lướt, tức chỉ vẽ thoáng qua, thật nhanh (2), hoặc có khi phải dựa dẫm vào người khác, hoặc các sử liệu hoặc một tác phẩm của ai đó cùng đề tài (3).

Cũng có thể nói Nguyễn Mộng Giác, tác giả của hai bộ trường thiên tiểu thuyết, Sông Côn mùa lũMùa biển động, là nhà văn của những kích thước đồ sộ. Tuy nhiên, khi theo đuổi những công trình đồ sộ ấy, tài năng của Nguyễn Mộng Giác lại không thể hiện ở những cái lớn với những cấu trúc vĩ mô hay những tư tưởng có tầm triết lý bao quát cả cuộc đời hay thời đại, ngược lại, nó được thể hiện, trước hết, ở những cái nho nhỏ với những nhận xét tinh tế về những chi tiết rất đời thường.

***
Chú thích:
Sông Côn mùa lũ, tập 4, tr. 1562-1571.
Ví dụ đoạn tả trận đánh ở Thăng Long đầu năm Kỷ Dậu trong Sông Côn mùa lũ, tập 4, chương 96, tr. 1847-1864.
Chẳng hạn cuốn Tháng Ba gãy súng của Cao Xuân Huy và cuốn Ngày N+ của Hoàng Khởi Phong.




No comments:

Post a Comment

View My Stats