Tuesday, 18 September 2012

LỚP HỌC GIÚP CHO NGƯỜI VIỆT TRẺ HẢI NGOẠI TÌM HIỂU CỘI NGUỒN (Hà Giang / Người Việt)





Hà Giang/Người Việt
Monday, September 17, 2012 3:13:11 PM

“Vietnamese American Experience”

LTS: Theo kết quả kiểm tra dân số năm 2010, dân số người Việt ở Hoa Kỳ lên đến gần 1 triệu sáu trăm ngàn người, trong đó 3/4 cư ngụ ở tiểu bang California. Ðiều này giải thích lý do tại sao cộng đồng người Việt tại Mỹ lớn hơn bất cứ ở đâu. Thế nhưng người Việt trẻ lớn lên ở đây, không phải ai cũng hiểu thấu đáo về lịch sử tị nạn và di dân của người Mỹ gốc Việt. Với mục đích bảo tồn và phổ biến các câu chuyện kể cuộc sống của người Mỹ gốc Việt tại miền Nam California, dự án Vietnamese American Oral History Project (VAOHP) được thiết lập tại đại học UC Irvine, song song với lớp học “Vietnamese American Experience” do Tiến Sĩ Võ Ðặng Thúy, hiện là giám đốc dự án VAOHP, giảng dạy.

Lớp học có tên “Vietnamese American Experience” này dạy sinh viên những gì, và đóng góp vai trò nào trong việc giữ gìn lịch sử của cộng đồng? Tiến Sĩ Võ Ðặng Thúy, trả lời những câu hỏi này trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Người Việt gần đây. Cuộc phỏng vấn do Hà Giang thực hiện.

Hà Giang (NV): Chào Tiến Sĩ Võ Ðặng Thúy. Xin tiến sĩ vui lòng tóm tắt về học trình của lớp “Vietnamese American Experience” do bà giảng dậy tại đại học UCI?

TS Võ Ðặng Thúy: Khóa học của tôi sử dụng khuôn khổ lịch sử xuyên quốc gia để tìm hiểu sự hình thành của cộng đồng và bản sắc người Mỹ gốc Việt, từ thời kỳ Chiến tranh Việt Nam đến hiện đại. Tôi dạy học sinh về bối cảnh của người tị nạn và di dân Việt Nam, bằng cách sử dụng các cuốn sách xuất bản gần đây, như “The American Dream in Vietnamese” của Liễu Nhi T., hoặc “This is all I choose to Tell: History and Hybridity in Vietnamese American Literature” của Thúy Pelaud, cũng như nhiều bài viết đủ dạng, từ xã hội học, nhân chủng học đến văn học về kinh nghiệm của người di dân và tị nạn. Tôi cũng chiếu những phim tài liệu như “Saigon, USA” hoặc “Oh Saigon”. Ngoài ra sự hình thành của Little Saigon ở Nam California cũng được nghiên cứu.
Quan trọng hơn cả, lớp “Vietnamese American Experience” hướng dẫn học sinh cách phỏng vấn, lắng nghe, và các phương pháp sao chép. Mỗi học sinh trong lớp sẽ chọn một đối tượng để thực hiện một cuộc phỏng vấn lịch sử bằng miệng (oral history) (dài từ 1-2 giờ).

NV: Có phải đa số sinh viên ghi danh học lớp này là người Mỹ gốc Việt không, tiến sĩ có thể cho biết họ thuộc lứa tuổi nào, và lý do tại sao họ tham dự lớp học?

TS Võ Ðặng Thúy: Ðây là một lớp học tự chọn, không bắt buộc. Năm ngoái, lớp tôi có 36 sinh viên, khoảng 3/4 học sinh là người Việt, ở tuổi từ 18 đến 22, nhưng đa số là trên hai mươi vì đây là lớp học dành cho học sinh năm thứ ba trở lên. Nhiều sinh viên người Việt theo học phần vì họ quan tâm đến chủ đề, nhưng phần khác vì nghĩ rằng lớp này sẽ dễ vì họ là người Mỹ gốc Việt. Thế nhưng tôi thường thách thức họ làm việc tích cực để mở rộng kiến thức của họ về cộng đồng, lịch sử và văn hóa.

NV: Mục đích của đại học UCI và của tiến sĩ khi mở lớp học Vietnamese American Experience là gì?

TS Võ Ðặng Thúy: Ðại học UCI đã mở lớp này trước khi tôi phụ trách khá lâu, nhưng đây là lần đầu tiên lớp Vietnamese American Experience được giảng dạy với dự án Vietnamese American Oral History Project (VAOHP). Trong ban Nghiên cứu người Mỹ gốc Á của đại học, có nhiều lớp tương tự, chẳng hạn lớp về người Mỹ gốc Trung Quốc, người Mỹ gốc Phi Luật Tân. Tuy nhiên, chỉ có lớp Vietnamese American Experience là được tham dự vào việc xây dựng một kho lưu trữ cho câu chuyện của cộng đồng chúng ta.
Tôi thích dạy lớp khóa học này vô cùng! Ðây là một khóa học quan trọng cho một trường đại học có trên 20% sinh viên là người Mỹ gốc Việt. Tôi cũng thích dạy lớp này vì đây là phạm vi nghiên cứu chuyên môn của tôi. Cuối cùng, vì lớp học được dậy ở UCI, gần gũi với cộng đồng người Việt lớn nhất ở hải ngoại, tôi nhận được rất nhiều hỗ trợ, và tôi muốn lớp học biến thành cầu nối giữa sinh viên với cộng đồng, để đảm bảo rằng sinh viên sẽ áp dụng những gì học hỏi được để đóng góp cho cộng đồng.

NV: Tiến sĩ có thể chia sẻ cảm tưởng và nhận xét của một số sinh viên sau khi kết thúc lớp học ?

TS Võ Ðặng Thúy: Sau khi khóa học năm ngoái kết thúc, sáu sinh viên trong lớp đã thành lập một nhóm nghiên cứu độc lập để tiếp tục làm việc với tôi trên các dự án lịch sử truyền miệng người Mỹ gốc Việt (Vietnamese American Oral History Project). Sau đó họ nộp đơn xin một khoản trợ cấp Mùa Hè để thực hiện một dự án tại The Grove Senior Apartments ở Garden Grove theo sự dìu dắt của tôi. Dự án này hiện vẫn còn đang diễn tiến.
Một số sinh viên khác tâm sự với tôi rằng lớp học đã thay đổi cách nhận thức của họ về những câu chuyện hay được gia đình kể lại, thay đổi quan điểm của các em trong cộng đồng, nói chung là những sự thay đổi tốt. Có em nói lớp học đã giúp họ hiểu rõ hơn về những gì các thế hệ trước đã trải qua, và khiến nhiều em bắt đầu suy nghĩ là phải làm gì để đóng góp cho cộng đồng. Nghe những tâm trạng này của các sinh viên, tôi cảm thấy rất khích lệ, và tin rằng mình đã đạt được một ít thành quả.

NV: Tiến sĩ có điều gì muốn nói thêm về lớp “Vietnamese American Experience” hay dự án lịch sử truyền miệng người Mỹ gốc Việt không?

TS Võ Ðặng Thúy: Thưa có! Chúng tôi đang chuẩn bị có một buổi tiếp xúc với cộng đồng vào lúc 5:30PM, ngày 24 tháng 10, 2012 tại Văn Lang Community Hall, Westminster. Ðây là một cuộc họp mặt vào cửa tự do. Chúng tôi sẽ cho ra mắt trang web, qua đó người vào xem có thể nghe, đọc, nhìn và sử dụng những tài liệu lịch sử, những câu chuyện chúng tôi thu thập được, với mục đích chia sẻ sự đa dạng của lịch sử cộng đồng chúng ta. Rất mong sẽ được sự ủng hộ của mọi người.

____

Liên lạc tác giả: hagiang@nguoi-viet.com







No comments:

Post a Comment

View My Stats