Ngô Nhân Dụng
Friday,
September 21, 2012 5:09:16 PM
Các bloggers và nhà báo tự do ở Việt Nam mới gửi đi một “Bản lên
tiếng chung” về trường hợp nhà báo Hoàng Khương bị xử bốn năm tù, đang chờ ngày
ra trước tòa phúc thẩm. Trong bản lên tiếng này, các nhà báo kêu gọi, “Chúng ta
sẽ luôn đứng bên anh, đứng cùng chiến tuyến của anh, và tiếp tục dấn thân vào
cuộc chiến giữa thiện và ác này.”
Theo nội dung bản lên tiếng thì chúng ta hiểu “Cuộc chiến
giữa thiện và ác” ở đây là giữa guồng máy tham nhũng và nạn nhân là người dân
Việt.
Câu chuyện bắt đầu từ những bài báo của Hoàng Khương, tên thật là Nguyễn Văn
Khương, tố giác nạn tham nhũng của cảnh sát quận Bình Thạnh, đăng trên báo Tuổi
Trẻ vào Tháng Bẩy năm 2011. Trong bài báo kể một vụ ăn hối lộ cụ thể, Hoàng
Khương đã chụp được cả hình Thượng úy Công an Huỳnh Minh Ðức đang đếm tiền,
mười triệu đồng Việt Nam, với bộ mặt rất thản nhiên như đang nhận tiền công sửa
xe hay bán dầu cháo quẩy vậy.
Các
chi tiết kể ra trong bài báo của Hoàng Khương sống động như ký giả có mặt tại
chỗ: “Ông Hoàng hỏi đưa trước 10 ‘chai’ (triệu) được không, ông Huỳnh Minh Ðức
nhanh nhẩu bảo 'được.' Ông Hoàng đếm tiền đặt trên bàn, ông Ðức xếp lại ngay
ngắn rồi đút túi và nói, 'Chủ Nhật đưa giấy tờ xe, khoảng Thứ Năm, Thứ Sáu lấy
xe, khỏi ra phường kiểm điểm.' Ông Hoàng nói Hòa (người lái chiếc xe bị bắt)
không có giấy phép lái xe. Ông Ðức du di 'không có thì thôi.' Thấy ông Hoàng
chưa thật sự yên tâm, ông Ðức hứa chắc nịch: 'Vụ này đã thành công 99%!'”
Bài
tường thuật lại kèm theo hình ảnh ông Ðức đếm tiền; đúng là một bài báo tuyệt
vời! Nhưng làm sao nhà báo lại nghe được đủ các lời đối thoại và chụp được
những bức hình như vậy? Theo tố cáo của công an thì chính Hoàng Khương là người
đã mai mối để đưa tiền hối lộ. Thế là, vào cuối năm 2011 bên công an lấy gậy
ông đập lưng ông, đưa Hoàng Khương ra tòa về tội hối lộ cảnh sát. Họ còn yêu
cầu báo Tuổi Trẻ đuổi Hoàng Khương; và tờ báo này đã ngoan ngoãn làm theo, “đình
chỉ công tác” nhà báo từ tháng 12 năm ngoái. Mặc dù lúc đó Hoàng Khương chưa hề
ra tòa, chưa hề bị kết án! Sự kiện này chứng tỏ ở trong nước Việt ta thì lệnh
của cảnh sát công an còn được thi hành nhanh hơn cả bản án của ngành tư pháp!
Ðầu Tháng Chín năm 2012, Hoàng Khương bị án bốn năm tù về tội hối lộ cảnh sát!
Huỳnh Minh Ðức cũng được lãnh năm năm tù về tội ăn hối lộ.
Luật
lệ nước nào thì cũng coi cả việc hối lộ lẫn nhận hối lộ đều có tội. Nếu guồng
máy pháp luật ở nước ta làm việc hữu hiệu thì chắc hơn một nửa nhân dân trong
nước đã bị bỏ tù! Vì chẳng mấy ai là không từng hối lộ, từ trẻ em lên chín tới
các cụ già 90! Một nửa còn lại (cứ cho là 47% còn lại) không phạm tội hối lộ
chỉ vì họ không đáng để các quan công an chiếu cố! Quý vị công an ở nước ta có
quyền tuyên bố là họ không bao giờ tham nhũng đối với 47% quần chúng nhân dân,
vì đám nhân dân này chẳng có đồng xu nào đáng cho các quan bỏ công đi sách
nhiễu cả! Trong hàng ngũ nhân dân có thể 47% không bao giờ phạm tội hối lộ; còn
trong hàng ngũ cảnh sát công an thì tỷ số người không bao giờ ăn hối lộ là bao
nhiêu? Nếu mở một cuộc trưng cầu ý kiến đồng bào Việt Nam ta thì chắc cả nước
sẽ nói tỷ lệ đó là “zero phần trăm!” Tức là 100% các chiến sĩ công an đều chấm
mút cả. Nếu không được chấm mút thì ai dại đeo cái mặt mo cho vợ con xấu hổ làm
cái gì?
Ðiều
tức cười là nếu phóng viên Hoàng Khương thực sự có ý đưa tiền hối lộ cho cảnh
sát để chạy chọt cho người quen thì chắc anh không dại gì lại chụp ảnh rồi đem
in lên báo! Không lẽ một người tốt nghiệp Ðại Học Ðà Lạt lại dại dột “lạy ông
tui ở bụi này” như vậy? (Xin thành khẩn khai báo, ký giả này cũng tốt nghiệp
Ðại Học Ðà Lạt, trước năm 1975; nhưng nhận xét vừa rồi hoàn toàn dựa trên suy
luận công bằng).
Cuối
cùng, một người tối dạ đến đâu cũng thấy việc gán cho nhà báo Hoàng Khương cái
tội đưa tiền hối lộ công an là một bản án “bắt voi bỏ rọ.” Chỉ vì nhà báo này
dám đụng tới cảnh sát, công an. Và vì nền công lý ở nước ta thì con voi to đến
đâu cũng bỏ vô trong rọ được hết!
Cho
nên, bản lên tiếng của các nhà báo tự do ở Việt Nam đã “lên án” chính bản án
kết tội Hoàng Khương; gọi là một bản án bất công. Hơn nữa, nó “hoàn toàn phản
bội những khát vọng và nỗ lực của nhân dân trong sứ mệnh bài trừ tham nhũng,
tham ô, hối lộ, cửa quyền đã và đang phá nát xã hội Việt Nam.” Ðúng là một
“cuộc chiến giữa thiện và ác.” Khát vọng của nhân dân là thiện.
Bọn chúng nó là ác.
Nhưng cuộc chiến giữa thiện và ác không phải chỉ là giữa “nhân
dân phải đi hối lộ” và “các quan đòi hối lộ.” Hiện tượng “đang phá nát xã hội
Việt Nam” cũng không phải chỉ là do “bọn tham nhũng, tham ô, hối lộ, cửa quyền”
gây ra.
Cuộc
chiến giữa Thiện và Ác ở nước ta, tai họa đang phá nát dân tộc chúng ta, còn
sâu xa và nặng nề hơn nhiều.
Khi
đọc bản lên tiếng của các nhà báo tự do trong nước, điều đáng chú ý nhất là
không thấy nói những ý kiến nêu trong bản lên tiếng này nhắm gửi tới “thẩm
quyền” nào để minh oan cho nhà báo Hoàng Khương. Các nhà báo tự do chỉ yêu cầu
đồng bào cùng ký tên vào Bản lên tiếng, nhưng không nói họ sẽ làm gì để cho
Hoàng Khương được xóa án, được tự do!
Ðây
là một cảnh “nói giữa trời.” Không nói với một ai cụ thể. Cảnh này chỉ thấy ở
nước Việt Nam ta. Lý do giản dị, là các nhà báo tự do không biết mình phải nói
với ai cả! Ngoảnh đi ngoảnh lại, chẳng biết kêu ai để giải oan cho một bạn đồng
nghiệp; thôi đành cứ “kêu lên giữa chợ;” ai nghe thì nghe vậy!
Muốn
một người lên tòa phúc thẩm được tha bổng, thì nơi duy nhất để kêu oan là tòa
án. Phải đi tìm luật sư ra biện hộ mạnh mẽ giữa tòa. Ðó là phương cách bình
thường. Nếu tôn trọng cán cân công lý thì người ta cũng không thể dùng dư luận
đông người làm áp lực với tòa án. Công việc ở tòa án phải để cho các luật gia,
bên công tố cũng như bên biện hộ, tranh biện với nhau; rồi để yên cho quan tòa
quyết định, dựa trên pháp luật. Ðó là cách hành xử bình thường trong một xã hội
văn minh, tôn trọng luật pháp.
Các
nhà báo tự do không muốn làm một hành vi kém văn minh, tất nhiên không muốn mọi
người thấy mình đang tạo áp lực với công lý! Như vậy thì chúng ta đi xin đồng
bào ký tên ủng hộ để làm gì?
Chúng
ta vẫn cứ phải làm, bởi vì biết tất cả hệ thống tòa án hiện nay không dính dấp
gì đến công lý cả. Tòa án chỉ là một dụng cụ nằm trong tay ba anh chị “chuyên
chính vô sản;” điều này đã được xác nhận công khai từ hơn nửa thế kỷ nay rồi. Nói chuyện với tòa án thà rằng vạch đầu gối
ra mà thủ thỉ với nó còn hơn!
Ðó mới
là cái tai họa lớn nhất đã phá nát nước ta trong hơn nửa thế kỷ nay. Cái ác lớn nhất,
cuộc chiến đấu chống cái ác quan trọng nhất, là ở đó. Cuộc chiến giữa Thiện và
Ác không phải chỉ là chống bọn tham ô, cửa quyền, chống các anh chị em công an
cảnh sát nhặt nhạnh chỗ này chút, chỗ kia chút! Ðó chưa phải là cái ác lớn
nhất. Phải kêu lên giữa chợ, để tất cả mọi người thức dậy, nhìn
thấy cái ác lớn nhất, và tìm cách thay đổi.
Chúng
ta hoàn toàn đồng ý với các nhà báo tự do trong nước, nói rằng việc kết tội
Hoàng Khương hoàn toàn sai. Nhưng cũng phải nói thêm, hành động của anh khi đem
tiền hối lộ đưa cho một người công an, nếu như trong phiên tòa anh nhận đã làm
việc đó, cũng sai nốt. Ở một nước văn minh, ngay cảnh sát cũng không được “gài
bẫy” người ta phạm tội để bắt quả tang. Trừ khi có lệnh của tòa án cho phép; vì
có những lý do chính đáng và không thể tránh được. Một phóng viên có thể tìm
cách chứng kiến và thu thập tài liệu kẻ gian đang phạm tội, nhưng không thể
tham dự vào tội ác, dù dưới hình thức là nạn nhân hay là tòng phạm!
Tại
sao nhà báo Hoàng Khương không quan tâm đến quy tắc nghề nghiệp thông thường
này? Tại sao những bloggers và nhà báo tự do lên tiếng bênh vực anh cũng không
nhắc tới lầm lẫn của anh khi đóng vai chạy chọt, hối lộ để lấy tài liệu viết
báo?
Ðặt
câu hỏi như thế nhưng ai cũng biết tại sao rồi. Vì mọi người phải sống quá lâu
trong một xã hội không thấy những người cầm quyền tôn trọng các quy tắc đạo lý
bình thường. Thượng bất chính hạ tắc loạn. Khi một nhóm người chuyên dùng bạo
lực và dối trá để lừa gạt dân, đàn áp dân, thì đạo lý cả xã hội sẽ mất hết.
Công an ăn hối lộ. Thầy giáo ăn hối lộ. Thầy thuốc ăn hối lộ. Nhà báo ăn hối
lộ. Xã hội đã mất kim chỉ nam đạo đức.
Cho
nên khi một nhà báo có nhiệt tâm, muốn vạch mặt một anh chuyên ăn hối lộ để
viết báo thì cứ nhử cho anh ta nhận hối lộ, thế nào cũng bắt được quả tang! Gọi
việc này là “gài bẫy” thì đành chịu tội gài bẫy! Nhưng thực ra con mồi không
mắc bẫy! Chính nó sẵn sàng chui vào bẫy. Vì thói quen ăn vụng xưa nay vẫn thế,
có ai dám vạch mặt chỉ tên đâu! Bắt lỗi một nhà báo gài bẫy, thì
phải vạch tội toàn thể cái bọn từng gài bẫy cả dân tộc đi theo chúng; dẫn cả
nước cùng tiến vào một con đường cụt, một con đường nghèo, con đường dốt, từ
nửa thế kỷ nay. Khi cái ác trọng nhất là chiến đấu với cái đảng Siêu
Gài Bẫy đang phá nát cả nền đạo lý của dân tộc.
No comments:
Post a Comment