Saturday 8 September 2012

CHUYỆN KỂ TỪ THÁI LAN - IV (Tuyết Mai)





Tuyết Mai
Friday, August 31 @ 13:13:38 EDT

LTS: Là một cựu nữ sinh Trưng Vương, tác giả đã về hưu ở Houston. Cuối năm ngoái, qua email Bà nghe đến tình cảnh của đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan nên quyết định lên đường tình nguyện và nhập toán BPSOS đang làm việc tại Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý đặt ở Bangkok. Hàng ngày Bà thăm viếng và uỷ lạo các gia đình gặp khó khăn, dạy học cho người lớn và trẻ em, thăm nuôi những người bị bắt giam, và khi cần thì giúp cả phần thông dịch. Dưới đây là ký sự của Bà về những ngày tháng ở Thái Lan.

Đi thăm tù:
Tưởng là lâu tôi mới có thể đi được, nhưng tuần này tôi đã xếp đặt công việc để đến IDC được rồi. Lần này tôi chuẩn bị đi thật sớm, chưa đến 9 giờ sáng tôi đã đến nơi. Ở đây họ chỉ cho mỗi người được thăm 1 người tù. Hôm nay có D. và 3 mẹ con chị V., thêm tôi nữa là 5, chúng tôi được quyền thăm 5 người. Trong danh sách tôi muốn thăm lần này, có 3 người là Việt Nam. Họ là những cựu quân nhân không chấp nhận chế độ CS và đã đào thoát khỏi VN từ nhiều năm nay, bị Thái bắt nhưng tình nguyện xin ở tù chứ không về lại VN. BPSOS nghe nói về họ nhưng không biết rõ chi tiết, chỉ biết tên và biết là họ chưa được ai thăm bao giờ. Hôm nay tôi muốn đến thăm họ và thăm mấy người Hmong bị giữ ở đây.

D. và mẹ con chị V. từng bị tù ở nơi này nên biết về các thủ tục và lo giúp tôi photo giấy tờ cần thiết. Sau đó D. đi mua hộ tôi các thứ để làm quà và đưa lại số tiền tôi nhờ tuần trước mà D. chưa tặng hết.

Khi phải khai về 3 người VN tôi muốn thăm, tôi chỉ biết tên của họ mà không biết gì khác. Nhân viên IDC hỏi về tuổi, về năm những người này vào tù chúng tôi cũng không biết. Cuối cùng chỉ có 1 người là ông Lý Kim Thiên, đã từng ở cùng phòng giam với người quen của D. nên D. nhớ số phòng và mới được thăm mà thôi. Còn lại 4 chỗ, chúng tôi xin thăm 2 cặp vợ chồng người Hmong. Vợ chồng tù nhân phải giam ở các khu riêng nên chỉ khi nào có người xin thăm cùng một lần họ mới được gặp nhau thôi.

Tôi cứ tưởng là người thăm và tù nhân sẽ có phòng ngồi nói chuyện, nhưng không phải. Tất cả người được thăm và người đến thăm đều đứng ở ngoài trời, được ngăn bằng hai hàng rào cách nhau khoảng gần 1m, các tù nhân đứng 1 bên, các người đến thăm đứng 1 bên. Xin hãy tưởng tượng một lúc có cả trăm người cùng nói bằng nhiều thứ tiếng nó sẽ như thế nào? Càng không nghe rõ càng nói to hơn, chú ý lắm cũng chỉ nghe được loáng thoáng không đầu không đuôi.

Tôi thấy ông Thiên đã già và có vẻ yếu, ông hỏi rất nhiều nhưng tôi nghe không rõ, hình như ông thuộc binh chủng Không Quân. Ông đã bị giữ ở đây nhiều năm nay rồi. Tôi cũng muốn hỏi thăm ông nhưng không biết ông có nghe được không nên chỉ chú ý lắng nghe xem ông nói gì. Nói nhiều làm ông ho nhiều cho nên tôi nhờ 1 nhân viên IDC chuyển quà cho ông để ông về nghỉ. Ông nhận quà với ánh mắt long lanh ngấn nước, để tiền vào hai bàn tay chắp lại cám ơn theo kiểu người Thái rồi lặng lẽ đi vào.

Tôi nghĩ tôi sẽ tìm thêm tin tức người VN tị nạn CS bị tù trong này và trước khi về Mỹ tôi sẽ đến thăm họ, còn bao nhiêu tiền chắc tôi sẽ cho họ hết.

Trong khi tôi nói chuyện với ông Thiên thì D. và chị V. nói chuyện với 2 cặp vợ chồng người Hmong. Khi ông Thiên đi vào tôi bắt đầu quay sang họ. Họ còn trẻ quá, mới ngoài 20 tuổi, nét mặt còn nguyên vẻ chất phác hiền lành! Một cặp đã có 2 con. Sao lại đến nông nỗi này? Họ chạy để được sống, họ lại bị tù vì đi tìm tự do! Tội nghiệp quá! Họ chào tôi, vui mừng. Tôi nhìn họ mà không biết phải nói gì!

Họ bế mấy đứa nhỏ lên cao cho tôi nhìn rõ chúng, nét mặt cả bố mẹ lẫn con cái đều còn ngây thơ quá! Như thế kia mà phải sống trong tù, tôi thoáng nghĩ nếu họ là con cháu tôi… tự nhiên tôi thấy mình khóc, khóc không thành tiếng nhưng nước mắt rơi xuống thật nhiều!

Tôi nhờ chuyển cho mỗi gia đình một ít tiền, họ hí hoáy viết và nhờ chuyển lại tôi những mảnh giấy có lời cám ơn và ghi cả số tiền đã nhận được. Họ cẩn thận quá rồi, người cho có cần những thứ đó đâu.

Không hiểu sao tôi lại ra về từ trước lúc hết giờ thăm. Nhưng tôi biết tôi sẽ trở lại.

Người tị nạn là ai? Lý do gì họ phải chạy?
Trước khi sang đây tôi cứ tưởng chỉ có nhóm Cồn Dầu là nạn nhân CS đang tị nạn ở Thái Lan. Nhưng không, trong 800 đồng bào tị nạn Cộng Sản, nhóm Cồn Dầu chỉ khoảng 80 người. Ở đây còn có cả những cựu quân nhân QLVNCH, những cựu tù nhân chính trị, những nhà đấu tranh cho tự do tôn giáo và dân chủ, và đa số là nạn nhân CS người Việt gốc thiểu số, gồm người vùng Tây Nguyên, người Hmong, người Kmer Krom. Người Hmong đông nhất, có đến 300 người.

Họ đều liều chết ngày đêm vượt rừng qua Lào, qua Cam Bốt mà sang đây. Thậm chí họ cũng biết đã có nhiều người sang là bị bắt, bị trả về Việt Nam rồi bị tù, bị tra tấn mà chết hoặc bị mất tích mà họ vẫn cứ đi. Tại sao vậy? Lý do gì đã khiến những con người hiền lành chất phác, bao đời chỉ muốn ôm chặt lấy mảnh đất tổ đã phải bỏ hết mà đi?
Sang đây tôi đã gặp họ, đã nghe nhiều người trong cuộc kể lại, và đã biết được lý do, xin tóm tắt thành từng trường hợp:

1. Trường hợp của Nhóm Cồn Dầu: Họ là nạn nhân của vụ chính quyền đàn áp tôn giáo và lấy nhà, lấy đất. Từ hơn trăm năm qua người làng Cồn Dầu đã sống gắn bó với Ngôi Nhà Thờ họ đạo, đó là nơi nuôi dưỡng niềm tin và hạnh phúc của họ. Nghĩa trang của làng là nơi an nghỉ của những người đi trước kể từ khi tổ tiên họ đến dựng làng. Đây cũng là nơi thiêng liêng đối với họ.

Chính quyền Cộng Sản muốn xóa bỏ xóm đạo Cồn Dầu, bắt dân làng phải dọn đi một vùng xa xôi chưa có người ở, không nhà cửa, không nơi thờ phượng. Họ muốn giải tỏa làng, kể cả khu nghĩa trang. Người dân xin giữ lại 1 phần đất nhỏ quanh nhà thờ để họ được ở gần nơi thờ phượng cũng không được.

Trong khi người dân còn khiếu kiện thì trong làng có người qua đời, người làng tổ chức đưa đám vào nghĩa trang thì bị chính quyền ngăn cấm. Dân làng phản đối nhưng đã bị công an trấn áp tàn nhẫn, họ bắt người đi đưa đám và cướp xác đem đi đâu không ai biết. Dân làng bị ép phải dọn đi, ai không đồng ý đều bị ghép vào tội chống phá nhà nước. Họ bị xách nhiễu không còn làm ăn gì được, sau đó bị công an tìm cớ giam giữ hành hung, có người về đến nhà đã bị hộc máu mà chết. Họ sợ quá đành phải bỏ hết mà chạy.

2. Trường hợp của Nhóm Người Việt Gốc Thiểu Số: Họ cũng bị chính quyền đàn áp tôn giáo và chiếm nhà, chiếm đất. Người Kmer Krom bị cấm theo đạo Phật của họ. Người Tây Nguyên và người Hmong bị cấm theo đạo Công Giáo và đạo Tin Lành. Họ bị cấm đến nhà thờ sinh hoạt. Chính quyền CS cho Tin Lành là đạo của Mỹ, ai theo Tin Lành đều bị coi là CIA. Ai đến nơi thờ phượng là bị bắt, bị tra tấn nếu không chịu bỏ đạo.

Đất đai của họ đã được canh tác thành những vườn cà phê, vườn rau, vườn cây ăn trái trù phú, chính quyền cưỡng chiếm không bồi thường và ép họ phải đi vào vùng xâu vùng xa canh tác từ đầu. Người dân không chịu nổi đã biểu tình phản đối, đòi được tự do tôn giáo, đòi có nhân quyền, nhưng đã bị đàn áp dã man.

Họ bị kết tội cấu kết với ngoại bang để lật đổ chính quyền, người thì bị giết, người thì bị tù chung thân. Công an truy lùng những người tham gia biểu tình và tra khảo họ bằng những phương thức tàn bạo, nhiều trường hợp nạn nhân đã bị điên, bị chết, bị mất tích.Vợ của họ bị công an thường xuyên làm bậy rồi dọa giết nếu nói ra. Họ sống trong sợ hãi, ai trốn được phải tìm đường mà chạy.

3. Trường hợp của Nhóm Tù Nhân Chính Trị: Họ là những người bất khuất chế độ Cộng Sản, những người đòi quyền sống và chống lại sự độc tài của đảng Cộng Sàn. Họ bị truy lùng, người không bị bắt đã đào thoát sang đây, người bị bắt đã chịu tù đày 18-20 năm dài, có người đã bị chết trong tù. Khi được thả về họ lại tiếp tục bị quản chế, bị khủng bố tinh thần, không còn quyền sống cho nên họ chạy để hy vọng có cơ hội tranh đấu cho một Việt Nam có dân chủ nhân quyền.

4. Trường hợp của Nhóm Nạn Nhân Vụ Buôn Người. Họ là các thiếu niên nam nữ vùng cao nguyên, mới lớn, hiền lương chất phác, đã tin theo lời dụ dỗ của tổ chức buôn người, đồng ý đi nước ngoài làm lao động 3 năm với số lương được hứa hẹn thật cao cộng thêm tiền phụ trội nếu làm trên 8 tiếng một ngày. Bố mẹ của họ đã phải thế chấp nhà cửa và tài sản của gia đình cho tổ chức này để họ đưa đi.

Trong 2 năm làm việc vất vả mỗi ngày 14 tiếng, họ chỉ được nuôi ăn và mỗi tháng chỉ được mấy chục đồng Mã Lai để mua vật dụng cần thiết cá nhân, điều kiện sống thiếu thốn cực khổ. Họ kêu gọi sự can thiệp của tổ chức đưa họ đi nhưng không được giúp. Họ phải tìm cách liên lạc với trụ sở CAMSA ở Mã Lai xin giúp đỡ và được một nhà thờ Tin Lành giúp phương tiện trở về Việt Nam. Khi về, họ bị công an theo dõi sách nhiễu, bị cấm sinh hoạt, bị đón đường đánh, bị đe dọa đến mạng sống cho nên cuối cùng họ phải chạy.

Nghe chuyện của họ tôi mới hiểu! Sống mà bị mất hết tự do, bị ngang nhiên cướp mất tài sản, bị đàn áp hàng ngày thì làm sao chịu đựng được. Họ cũng là con người mà. Ở vào hoàn cảnh của họ chắc tôi cũng phải chạy thôi.

Khổ cho người tị nạn là nếu không được qui chế tị nạn thì họ không có giấy tờ hợp pháp, họ phải sống trốn tránh, họ phải tự tìm cách sinh tồn, con của họ không được đi học, không được giúp đỡ cả về y tế. Tội nghiệp nhất là những đứa trẻ không có tương lai!

Ôi! Những người không đường về! Tôi có thể giúp họ gì bây giờ!

Tại sao họ chưa được qui chế tị nạn:
Từ trước tôi cứ tưởng là nạn nhân Cộng Sản sẽ đương nhiên được Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc cho qui chế tị nạn. Nhưng không phải. Cao Ủy Tị Nạn luôn luôn từ chối cho đến khi nào người tị nạn chứng minh được là họ về nước thì sẽ bị nguy hiểm đến tính mạng.

Làm sao chứng minh? Đồng bào tị nạn CS bây giờ đều là những người dân hiền lành chất phác, họ không có khả năng để chứng minh tội ác mà Cộng Sản Việt Nam che dấu. Chính vì thế mà có nhiều người đã bị trả về và họ lại bị tù, có người bị đánh đến chết hoặc bị đem đi mất tích!

Nạn nhân CSVN đã biết vậy cho nên nhiều người nhất định không về mà trốn ở đây, mặc dầu họ sống rất vất vưởng. Họ hy vọng gì? Họ trông chờ vào sự giúp đỡ của đồng bào hải ngoại, không phải là giúp nuôi họ nhưng là giúp phương tiện để thuê người có khả năng giúp họ trình bày với Cao Ủy Tị Nạn. Họ cần Luật Sư.

Chính vì có Luật Sư giúp đỡ mà những người đã bị Cao Ủy Tị Nạn từ chối như chị Phương Anh, anh Ysoai và nhiều người nữa, đã được họ xét lại và chấp nhận, bây giờ đã được an cư ở Hoa Kỳ.

Những điều tôi không biết:
Trước khi sang đây tôi vẫn tưởng là BPSOS có Fund của chính phủ để lo cho người Việt tị nạn CS ở Thái Lan, và tôi cứ thắc mắc tại sao BPSOS không tìm thêm luật sư để giúp cho mau. Cũng vì tưởng thế nên lần nào BPSOS kêu gọi sự giúp đỡ tôi cũng chỉ xin gia đình và bạn bè đóng góp để giúp thẳng cho đồng bào tị nạn chứ không nghĩ đến vấn đề giúp cho quỹ pháp lý.

Nhưng tôi đã lầm. Chính phủ chỉ cho BPSOS Fund để lo cho những chương trình đã được chấp thuận thực hiện ở Mỹ và 1 chương trình ở Mã Lai mà thôi, bên Thái Lan hoàn toàn không có. Vì thế BPSOS vẫn phải gây quỹ để có tiền cho Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý có Luật Sư giúp người tị nạn.

Hiện giờ văn phòng ở đây chỉ có 1 Luật Sư, 1 phụ tá, trong khi người tị nạn đã lên đến 800 rồi. Ngoài BPSOS cũng có mấy tổ chức ở đây lo về vấn đề của người tị nạn, nhưng cũng lo không xuể, có nhiều người tị nạn đã phải chờ đến 4, 5 năm.

Tôi không nghĩ là cộng đồng thờ ơ với đồng bào tị nạn, chỉ là vì chưa biết (cũng như tôi). Mong rằng lời trần tình này sẽ được nhiều người biết để đồng bào tị nạn có thêm sự giúp đỡ về pháp lý.

Xin đừng bỏ rơi họ:
Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Hải Ngoại vẫn lên tiếng yểm trợ người trong nước để họ vững tâm chống lại sự độc tài và vi phạm nhân quyền của đảng Cộng Sản. Họ đã làm và đã bị đàn áp, đã phải bỏ hết mà chạy. Bây giờ họ đang mong chờ được cộng đồng giúp đỡ. Xin đừng bỏ rơi họ.

Sự giúp đỡ thiết thực nhất là cùng nhau đóng góp vào quỹ trợ giúp pháp lý để có thêm Luật Sư giúp họ. Nếu cộng đồng có lòng giúp thì những người tị nạn sẽ có hy vọng được sống cuộc đời tự do và con em của họ mới có ngày được như con em của chúng ta. Kẻ ít người nhiều, bao nhiêu cũng là quý.

Hiện có hơn 800 đồng bào tị nạn đang mong chờ được giúp. Quí vị có muốn giúp họ không? Nếu có, xin rộng lòng đóng góp cho Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý để họ có điều kiện lo cho đồng bào tị nạn, và xin gửi về địa chỉ:

BPSOS/RCS
P.O. BOX 8065
FALLS CHURCH, VA 22041

*** Mọi đóng góp đều có giấy biên nhận để được trừ thuế.

Có một điều tôi biết chắc chắn, là BPSOS không phải là tên của một người, BPSOS cũng không phải là cơ sở của một cá nhân, nhưng là một cơ quan thiện nguyện có sự tiếp tay của nhiều người. Cơ quan này có những chương trình đem phúc lợi cho người dân và đã giúp rất nhiều cho người tị nạn.

Chúng ta gửi đóng góp về địa chỉ của BPSOS không có nghĩa là chúng ta hỗ trợ cá nhân nào của BPSOS, mà chỉ có nghĩa là chúng ta muốn BPSOS có thêm Luật Sư giúp cho đồng bào tị nạn mà thôi.

Có những niềm vui:
Không gì an ủi bằng việc làm của mình được người khác hỗ trợ. Mấy tuần qua tôi nhận được những Emails khích lệ và đặc biệt có cả tiền. Ngoài thư của con tôi nhắc muốn giúp người tị nạn và muốn tôi cho biết cần bao nhiêu sẽ gửi, tôi còn có thêm mấy Emails này xin được chia sẻ:

- Email của Phạm Hoài Hương, một người bạn trẻ trong GĐTV Houston. Cùng với lời thăm hỏi, Hoài Hương gửi tặng 500 Đô cho đồng bào tị nạn. Đây không phải là lần đầu Hoài Hương đóng góp giúp họ. Thật là có lòng!

- Email của con chị tôi cho biết đã gửi cho 3,000 Đô thay vì 2,000 Đô như đã hứa. Ba anh em không quên những ngày tị nạn Cộng Sản nên luôn rộng rãi chia sẻ cho những người đến muộn đang cần sự giúp đỡ.

- Email của một người bạn trẻ khác, là TV Phạm Thu Thủy ở tận Plano, Texas. Thu Thủy là người luôn luôn hỗ trợ tôi trong những việc làm có ý nghĩa. Thủy gửi sang 200 Đô để giúp thêm người tị nạn.

Tôi không biết phải nói gì để cám ơn những tấm lòng nhân ái, chỉ biết cầu xin rằng nếu Phúc Lộc Trời Cho như một giếng nước thì xin Ơn Trên cho nguồn nước tràn đầy vào những giếng mà họ đã múc bớt cho đi.

Số tiền này tôi đã nhận và đã được đồng ý chi như sau:
1. Cho người thật cần và chưa được ai giúp đỡ
2. Cho gia đình có nhiều trẻ con và thiếu thốn
3. Cho những người bị tù và không có ai thăm nuôi

Tôi chỉ là người chuyển quà của người cho đến người nhận, và tôi đã làm đúng như lòng tin cậy của những người giao phó.

Ngoài ra, tôi mới nhận được Emails của chị Nguyễn Thị Linh và của chị Đoàn Hạnh Đào (Cựu NSGL, Houston), Emails của TV Nguyễn Hạnh Dung (GĐTV Houston), của TV Nguyễn Tuyết Lê (GĐTV vùng HTĐ), các chị cho biết ý định muốn đóng góp cho người tị nạn.

Sáng nay tôi lại vừa nhận được Email của người quen là anh Nguyển Ngọc Toàn ở Dallas cho biết gia đình anh muốn giúp 500 Đô cho người thiểu số.

Lòng tốt thì không thể nào cám ơn cho đày đủ, chỉ xin cảm tạ những sự chia sẻ này với tất cả lòng cảm mến chân thành của tôi, và xin được đề nghị các ân nhân gửi đóng góp thẳng về Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý (theo địa chỉ nêu trên) để giúp họ có điều kiện lo cho đồng bào tị nạn và để quí vị có giấy biên nhận mà trừ thuế.

Tôi xin ngưng bài này ở đây và xin cầu chúc niềm vui của quí vị tăng gấp đôi niềm vui mà quí vị cho đi.

Hiện có khoảng gần 900 đồng bào đang lánh nạn ở Thái Lan trước cuộc đàn áp ngày càng leo thang ở Việt Nam. Để đối phó, năm 2010 BPSOS phối hợp với một tổ chức địa phương để thành lập Văn Phòng Trợ Giúp Pháp Lý ở Bangkok. Chúng tôi rất cần sự tiếp tay của mọi người có lòng với đồng bào, của những cựu thuyền nhân đã từng sống qua cuộc đời tỵ nạn, của những tổ chức từ thiện, và của tất cả những ai quan tâm đến thân phận của những nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tự do tôn giáo giờ đây đang phải lánh nạn vì bị đàn áp và truy lùng. Mỗi người một tay, góp gió thành bão.

Mọi đóng góp sẽ được cấp giấy trừ thuế và xin gởi về:
BPSOS/RCS
PO Box 8065
Falls Church, VA 22041 - U.S.A.





No comments:

Post a Comment

View My Stats