Friday 14 September 2012

CHUYỂN DỊCH DÂN SỐ TRONG XÃ HỘI (Hùng Tâm / Người Việt)





Hùng Tâm/Người Việt
Wednesday, September 12, 2012 4:07:46 PM

Giới Thiệu: Thời sự dồn dập hàng ngày trên Ðịa Cầu có thể giúp chúng ta biết được rằng chuyện gì đang xảy ra trên thế giới. Tuy nhiên, nhiều khi chúng ta không hiểu được vì sao lại xảy ra một biến cố như vậy, và hậu quả sau này sẽ ra sao... Cũng vì lý do ấy, nhật báo Người Việt mở thêm một tiết mục và lưu trữ trên trang mạng Người Việt Online để quý độc giả tham khảo. Ðó là mục “Hồ Sơ Người-Việt,” xuất hiện ngày Thứ Năm mỗi tuần, với nội dung trình bày khung cảnh khách quan của một vấn đề và, nếu có thể, một số dự báo về tương lai hầu độc giả khỏi ngỡ ngàng khi sự biến xảy ra. Xin trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả...

------------------------------

Chúng ta vui mừng sống trong một xã hội tự do, nơi mà người lãnh đạo cộng đồng, quận hạt, tiểu bang hay cả chính quyền liên bang chỉ là công bộc. Họ vận động tranh cử, đi xin phiếu, được ủy cho thẩm quyền giải quyết việc công và nếu thất bại thì sẽ thất cử.

Nhiều xã hội khác thì không như vậy, vì thế “lãnh đạo” mới có thể làm ẩu, giật tiền của quốc gia cho con em hoặc tay chân. Chuyện Việt Nam hay Trung Quốc là những chứng cớ nóng hổi.

Tại Hoa Kỳ, cuộc tranh cử đang đi vào nước rút và cử tri được chiêu dụ để chọn “người làm.” Cao nhất trong số người làm này là tổng thống.

Khi ra tranh cử và xin phiếu để được lãnh đạo, mọi ứng cử viên đều nghĩ đến và nói ra kế hoạch, chương trình hay dự án của mình nếu được tín nhiệm. Loại đề cương dự tính ấy có thể xuất phát từ tư tưởng chính trị hay giá trị đạo đức của ứng cử viên, hoặc từ cách họ lượng định về sở thích của cử tri để trưng bày một đề án hợp khẩu vị hầu có thể đắc cử.

Nhưng sau khi đắc cử và ngồi vào bàn giấy thì lãnh tụ vừa được tuyển mới thấy rằng sự thể lại không như vậy. Họ vẫn bị yếu tố bất ngờ, có khi là hậu quả không tính trước của kẻ tiền nhiệm, hoặc đột biến từ thế giới bên ngoài. Khi ấy, cách ứng xử và cá tánh mới là yếu tố thành bại.

Hoa Kỳ hiện gặp nhiều vấn đề và còn phải đối phó với bao nhiêu chuyện bất lường khác cho nên cử tri càng phải suy xét, phán đoán và cân nhắc cá tánh của lãnh đạo khi bỏ phiếu. Tuy nhiên, có một làn sóng ngầm, như nước thủy triều, sẽ chi phối quyết định của mọi người, và cả chính sách của người lãnh đạo. “Hồ Sơ Người-Việt” xin nói về làn sóng ngầm ấy.
Ðó là dân số hay nhân khẩu.

Cầu vồng của tuổi tác

Mục hồ sơ này không viết cho chuyên gia và tránh dùng loại từ ngữ trừu tượng, vì vậy, xin bỏ chữ “parabol” ra ngoài mà nói về hình cầu vồng của tuổi tác để ai cũng hình dung được.

Từ khi sinh ra cho đến ngày giã từ cõi đời này, việc chi tiêu của từng người, của mọi người, tùy thuộc vào tuổi tác. Dưới chân cầu vồng ở bên trái - là đà ngang mặt đất - là mức chi tiêu rất thấp của giới trẻ độc thân, lớp người 18-22 tuổi. Cao hơn một chút là mức chi tiêu của người lập thân, vừa có gia đình, lớp người từ 22 đến 30 tuổi. Cao hơn thế là mức chi tiêu của gia đình trẻ, đã có con, của lớp người từ 31 đến 42 tuổi.

Cao nhất, ở trên đỉnh cái cầu vồng là thành phần sung mãn, đã có con cái trưởng thành và bắt đầu có cháu, lớp người từ 46 đến 50 tuổi. Xin hãy nhớ đến cái tuổi 46 này, cái tuổi bản lề.

Trên 50 tuổi là lớp người bắt đầu thu vén, chi tiêu ít hơn, lui về căn nhà nhỏ hơn với hai vợ chồng bù khú bên nhau. Và tiêu xài ít nhất là những người trên 60, đang chuẩn bị về hưu, vào nhà lão và chờ ngày về với các cụ. Dĩ nhiên là xã hội cũng có ngoại lệ, thần đồng lấy vợ sớm hoặc lão bạng sanh châu, hơn sáu chục vẫn có con chẳng hạn. Nhưng mà đây là ta nói về chiều hướng chung.

Một cách cụ thể thì các nhà nhân khẩu học và kinh tế gia nghiệm thấy sự đời như sau:
Trung bình thì người Mỹ có con đầu tiên ở tuổi 28 và chỉ hai con là nhiều. Ðến tuổi 31 thì mua căn nhà đầu tiên, một gian nhà nhỏ đi về có nhau với hai đứa tí nhau. Khi lũ trẻ đến tuổi quậy phá, quãng 13 tuổi cho tới khi xong trung học, cha mẹ phải mua căn nhà lớn hơn và chi tiêu nhiều hơn trước. Ðó là lớp người trung niên, từ 37 đến 42 tuổi. Và vì chuyện mua nhà có đủ phòng cho lũ nhóc, tuổi mắc nợ cao nhất về tín dụng gia cư là 41. Khi mua nhà thì phải mua bàn ghế giường tủ và có con vào đại học thì cũng mua thêm cái xe thứ ba, thứ tư, dù là xe cũ, cho các con. Cứ như vậy mà người Mỹ trung bình đã chi tiêu nhiều nhất vào tuổi 46. Sau đấy mới nguôi ngoai...

Không có luật lệ nào bắt dân Mỹ phải sống như vậy, tiêu xài như thế. Nhưng đa số đều có những thói quen sinh hoạt tất nhiên và dự đoán được.

Nhưng chuyện ấy liên hệ gì đến kinh tế hay bầu cử?

Làn sóng chi tiêu và bong bóng tín dụng

Từ hơn trăm năm rồi, người ta nghiệm ra làn sóng ngầm về chi tiêu và tuổi tác để thấy được những chu kỳ rộng về sức chi và đi vay của nước Mỹ.

Khi ở tuổi sung mãn, quãng 40-50, dân Mỹ lạc quan cho rằng mọi sự đều nằm trong tầm tay và có thể đi vay để chi dụng mà vẫn còn khả năng trả nợ. Khi vay tiền để tiêu xài như vậy trong sự hưng phấn chung, người ta thổi lên một trái bóng tín dụng. Bong bóng nợ nần là hiện tượng bình thường, đã từng thấy, chuyện bể bóng cũng thế.

Nổi tiếng nhất là vụ bể bóng năm 1873-1874, ngặt nghèo nhất là vụ Tổng Khủng Hoảng 1929-1933. Gần đây hơn thì có nạn bể bóng và suy trầm bị chìm trong cuộc chiến Việt Nam, vào đầu thập niên 1970. Chính là vụ bể bóng và suy trầm ấy mới khiến chính quyền Richard Nixon ráo riết tìm giải pháp cho cuộc chiến tại Việt Nam sau khi thả nổi đồng Mỹ kim vào tháng 8 năm 1971. Chẳng may là khi ấy, người Việt ta lại không nhìn ra.

Trở lại chuyện kinh tế và dân số ngày nay là thế hệ “Baby Boomers,” những người sinh sau Thế Chiến Thứ Hai. Theo quy ước Hoa Kỳ rất dễ nhớ là chào đời từ năm 1946 đến 1964. Trong lịch sử Hoa Kỳ, chưa khi nào lại có một làn sóng dân số lớn lao và đông đảo như vậy. Sự sung mãn “hậu chiến” của Mỹ không phải trùng hợp mà là kết quả sản xuất và tiêu xài của thế hệ BB này.

Nhớ lại số tuổi 46 thì lớp tiên phong của thế hệ BB (sinh năm 1946) lên tới đỉnh điểm tiêu xài vào tuổi 46, ứng vào năm 1992. Từ đó họ bước vào thành phần “cao niên” và nhường bước cho người sinh sau. Trẻ nhất trong lớp BB, những người sinh năm 1964, thì lên tới đỉnh điểm tiêu xài ở tuổi 46 vào năm 2010.

Hãy nhớ đến hai thời điểm mốc vì chúng ta, hay nước Mỹ, đang vào cuối giai đoạn bản lề: 1992-2010. Thế hệ BB này đang lục tục về hưu, họ sản xuất và tiêu xài ít hơn nhưng vẫn phải được chu cấp những nhu cầu tối thiểu là hưu liễm và y tế. Cuộc tranh luận hoặc dọa nạt về Medicare nhắm vào thành phần này.

Năm 1992, người ta lạc quan vì Chiến Tranh Lạnh kết thúc, Hoa Kỳ đại thắng và hưởng “cổ tức hòa bình” - cắt giảm quân phí - rồi ca tụng công ơn của Tổng Thống Bill Clinton, thành tích của “Cách mạng Tin học,” v.v... Năm 1996, khi thống đốc hệ thống Ngân Hàng Dự Trữ Liên Bang là Alan Greenspan cảnh báo về nạn hồ hởi sảng (irrational exhuberance) cũng chẳng ai nghe.

Sau đó mới là thời kỳ khó khăn khi bong bóng dot.com bị vỡ năm 2000 và nước Mỹ bị khủng bố tấn công năm 2001 giữa một chu kỳ suy trầm. Bây giờ, cao điểm và là điểm lật của chu kỳ tiêu xài rộng rãi nhờ thế hệ BB là vào năm 2010. Từ ba năm nay, dù đảng Cộng Hòa hay Dân Chủ lãnh đạo, thì thói quen sinh sống, chi tiêu và vay mượn đã đổi khác và sẽ còn đổi khác. Ðó là chuyện trả nợ của ngày nay và sau này.

Gẫy đòn tín dụng

Chúng ta biết đặc tính kinh tế của Hoa Kỳ là lấy tiêu thụ làm đầu máy tăng trưởng.
Trong tổng sản lượng 16 ngàn tỷ đô la của nước Mỹ, tiêu thụ đóng góp gần 70%. Người ta đi vay để sản xuất cho tiêu thụ và coi việc đi vay như dùng đòn bẩy để chuyển động một vật nặng hơn sức mình. Giới tài chánh gọi đó là “leverage.”

Trên đỉnh điểm tiêu thụ của nước Mỹ với thác lũ của thế hệ BB vào năm 2010, tổng số tín dụng của tư nhân lên tới 42 ngàn tỷ đô la. Khi ấy, gánh công trái của nhà nước là 14 ngàn tỷ (tuần qua thì đã vượt 16 ngàn). Nghĩa là núi nợ của tư nhân cao gấp ba núi nợ của nhà nước. Núi nợ ấy đang sụp.

Khi chuẩn bị về hưu, người ta bắt đầu thu vén chi tiêu và trả nợ. Vì kinh tế lại bị suy trầm nên dân Mỹ càng ráo riết trả nợ chứ chẳng vay thêm để tiếp tục tiêu xài. Làn sóng hoàn trái này dữ dội như thủy triều và trái bóng tín dụng bị vỡ y hệt như trong các năm 1870 hay 1930, mà còn mãnh liệt gấp bội. Muốn bù đắp vào đó, chính quyền Barack Obama có tăng chi để kích thích tiêu thụ đã và sẽ chỉ gây thêm bội chi mà thôi.

Núi nợ bị sụp, đòn bẩy tín dụng bị gẫy đang gây ra hiện tượng “giảm phát,” deflation. Ðấy khi hàng họ đều giảm giá mà vẫn ế, thất nghiệp vẫn cao, sản xuất vẫn èo uột. Lãi suất cực thấp mà chẳng mấy ai dám đi vay. Các chính khách đang xin phiếu cử tri không thể nào công nhận sự kiện là họ bất lực khi thủy triều rút như vậy nên xoay ra đả kích nhau.

Vì chính quyền không ứng phó nổi với hiện tượng ấy, Ngân Hàng Dự Trữ đã hạ lãi suất tới số không, đã bơm thêm tiền và sẽ phải bơm tiền nữa. Sau hai ngày họp 12-13 của tháng 9 này, Ủy Ban Tiền Tệ FOMC của Ngân Hàng Trung Ương sẽ loan báo là có mở thêm một đợt bơm tiền thứ ba hay chăng. Thị trường chứng khoán thì mong là có, tình hình càng khó khăn thì niềm hy vọng càng cao. Nhưng kết quả sẽ gây thất vọng. Là khi quý độc giả đọc “Hồ Sơ Người-Việt” kỳ này.

Trình bày như trên thì có vẻ quá chuyên môn khó hiểu nên sau thí dụ về cầu vồng, xin lấy một thí dụ khác.

Các gia đình trung lưu Hoa Kỳ đã hồ hởi mua căn nhà nguy nga quãng 4,000 feet vuông và trang trí rất hoa lệ nhờ đi vay. Mươi năm sau, khi các con đã trưởng thành và đi học ở xa, mỗi đứa một cái studio hay share phòng trong appartment với bạn, thì hai vợ chồng chưa già đã phải tìm căn nhà chỉ bằng phân nửa. Mươi năm sau đó thì một trong hai người, hoặc cả hai, đã chuẩn bị vào nhà lão với diện tích sinh hoạt và nhu cầu chi tiêu còn nhỏ hơn nữa... Họ chờ ngày ra đi.

Hiện tượng giảm phát xuất phát từ đó, lặng lẽ, âm thầm mà mãnh liệt.

Tuy nhiên, tre già măng mọc, thế hệ BB có thoái trào thì thế hệ sau sẽ trưởng thành và thay thế, chứ chẳng lẽ Hoa Kỳ sẽ lụn bại như vậy? Khi có một cặp bước vào nhà lão thì cũng có một cặp vào nhà thờ làm hôn thú chứ? Người ta có thể nêu loại câu hỏi như vậy.

Câu trả lời, quý độc giả xin nhìn vào đám con cái của chính mình cùng bạn bè của chúng.
Thế hệ trẻ hơn đã được giáo dục kiểu khác. Chúng đòi làm cách mạng, muốn sống cho mình, không ưa lập gia đình hoặc có con, nếu có thì rất trễ. Và nhiều khi là không, nếu lấy người cùng tính phái. Sau thế hệ Baby Boomers, nước Mỹ có thế hệ Echo Boomers rất giỏi đòi quyền sướng mà về lượng (số đông) lẫn phẩm (khả năng hy sinh để đầu tư) đều thua sút người đi trước.

Trong lịch sử Hoa Kỳ, chưa khi nào thế hệ sinh sau lại ít người hơn thế hệ sinh trước như vậy, dù có kể thêm di dân (hợp pháp và phi pháp) lẫn con cái đông đảo của họ.

Kết luận ở đây?
Xã hội con người bị chi phối bởi địa dư hình thể và dân số, những định đề có trọng lượng nhất. Người làm chính trị thì ít công nhận mấy chuyện đó vì tự cho là mình có khả năng thay đổi. Cử tri nên suy nghĩ khi nghe họ hứa hẹn chuyện trời biển như vậy. Và hãy xét đến cá tánh của ứng cử viên: khi gặp chuyện bất ngờ thì họ xoay trở ra sao, hay là chỉ nghĩ đến việc tái đắc cử?

Sau vụ Tổng Khủng Hoảng 1929-1933 (một nguyên do xa của Thế Chiến Thứ Hai), xã hội Hoa Kỳ đang ở vào giai đoạn bản lề, 80 năm mới thấy một lần. Ðó là khi thế hệ hậu chiến Baby Boomers đã tạo ra sự lớn mạnh và chất lên một núi nợ vĩ đại đang trả nợ và chuẩn bị ra về. Sau thế hệ đó là một sự suy yếu về cả lượng lẫn phẩm của dân số.
Một trong nhiều lý do suy yếu chính là hệ thống giáo dục phóng túng của thời hoàng kim hồ hởi. Sau lớp Baby Boomers, thế hệ nối tiếp nghĩ đến quyền hạn hơn trách nhiệm và đòi hỏi rất nhiều mà ít muốn hy sinh hoặc dám lấy rủi ro đầu tư như các thế hệ đã bảo vệ rồi tái thiết nước Mỹ.

Hoa Kỳ cần một cuộc cách mạng, nếu không, nạn giảm phát sẽ tiếp tục y như tại Nhật Bản từ năm 1991 đến nay.





No comments:

Post a Comment

View My Stats