Tuesday, 4 September 2012

CHỢ TRỜI TƯ TƯỞNG (Nguyễn Xuân Nghĩa - Việt Tribune)





Nguyễn  Xuân Nghĩa  -  Việt Tribune Ngày 120831

Điểm danh một số mặt hàng đáng nghi

Saturday, September 1, 2012

Cuộc Tổng tuyển cử năm nay tại Hoa Kỳ có chủ điểm được cử tri quan tâm hơn cả là kinh tế - thất nghiệp cao, tăng trưởng thấp, bội chi ngân sách và gánh công trái nợ nần vẫn chất đống. Riêng trong cuộc tranh cử Tổng thống, hình ảnh phổ biến là một khung cảnh chợ trời, nơi xuất hiện đủ loại vàng thau lẫn lộn những lý luận kinh tế về vấn đề và giải pháp. Bài này sẽ đề nghị một... cái lọc. Lọc ra những lý luận kinh tế hàm hồ mà các chính khách đang rao bán.

Tin hay không là tùy vào khả năng suy xét của cử tri.....


Trước hết là tiêu chuẩn được/mất.


Lẽ đúng sai của mọi quyết định kinh tế phải được thử nghiệm ở tiêu chuẩn lời lỗ - ai được ai mất - và bao giờ thì mới biết? Nếu không nhìn ra loại hàng giả là tư tưởng kinh tế hàm hồ thì người ta chỉ thấy cái được nhất thời, cho một thành phần, mà không đếm được cái mất trường kỳ cho cả nền kinh tế.

Một thí dụ là đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế được gọi là "Obamacare".

Đạo luật gây tranh luận trong hai năm trời vì cái "được" là tạo cơ hội cho khoảng 30 triệu người sẽ được bảo hiểm sức khoẻ. Nhưng chi phí gia tăng cho nhiều người khác sẽ là cái "mất" khó đếm. Một cái mất khác là phẩm chất của dịch vụ y tế, lại còn khó đếm hơn nữa. Mà kết quả được mất này sẽ chỉ thấy trong lâu dài, dăm ba năm nữa.

Hệ quả của chuyện được mất này lại còn rắc rối hơn vậy vì ba lẽ

Một đạo luật đã biểu quyết thì khó được thu hồi sau khi người ta thấy ra hậu quả. Thứ hai, như một ống thuốc đánh răng, khi đã bơm ra thì khó hút lại, mọi thứ luật lệ do nhà nước ban hành mà gây tốn kém nhiều hơn lợi ích vẫn có thể tồn tại sau khi kết quả đã được kiểm chứng. Lý do là viên chức nhà nước và "cử tri thân chủ" vẫn bảo vệ lợi ích này. Thứ ba là nó gây tranh luận và phân hoá giữa các thành phần xã hội, giữa kẻ được và người mất. Sự hàm hồ kinh tế này là môi trường ăn khách cho lý luận "đấu tranh giai cấp".

Kinh tế học gọi đó là sự "hàm hồ về thành phần", khi mà người ta chỉ chú ý đến một thành phần trong sự vận hành phức tạp của một xã hội và một nền kinh tế đã mở ra thế giới bên ngoài và có nhiều thành phần.


Thứ hai là sự hàm hồ về lẽ được thua.

Kinh tế học có nói đến một quy luật gọi là "zero-sum game", xin tạm dịch là hơn bù kém. Đó là một sự hàm hồ khi người ta suy diễn rằng cái được của người này là cái mất của người khác.

Trong sinh hoạt trao đổi kinh tế giữa các tác nhân - từng cá nhân, doanh nghiệp hay quốc gia – không phải là khi nào cũng có sự bất công và bóc lột như nhiều người lý luận.

Trước hết, vì sao lại có sự trao đổi, mua bán hay thuê mướn? Vì một người không thể thoả mãn được mọi nhu cầu chỉ bằng khả năng của chính mình, khi làm việc này hoặc dùng tiền vào dự án này thì mất cơ hội tìm ra lợi ích từ một việc khác. Người ta cần trao đổi giao dịch để giải quyết bài toán đó và nếu có tạo cơ hội cho người khác kiếm lời thì bản thân cũng có lợi, miễn rằng sự giao dịch phải minh bạch và bình đẳng.

Việc giao dịch đó mặc nhiên tạo ra một cái bánh lớn hơn, mà ta gọi là tăng trưởng hay phát triển, thay vì giữ nguyên cái bánh cũ để nếu người này ăn thì người kia phải nhịn. Quy luật hơn bù kém là một sự hàm hồ kinh tế khi nó phủ nhận lợi tích của hợp tác và trao đổi mà chỉ chú ý đến một khía cạnh là giành ăn.

Mọi chính quyền đều có khuynh hướng khai thác sự hàm hồ ấy để can thiệp vào việc giao dịch, với lý cớ là bảo vệ quyền lợi của một thành phần nào đó sẽ bị thiệt thòi. Sự can thiệp này thề hiện dưới nhiều hình thức tinh vi và bằng luật lệ phức tạp – khó thu hồi – như định mức giá cả, tiền lời, hoặc chế độ bảo hộ mậu dịch trong luồng trao đổi về ngoại thương.


Thứ ba là sự hàm hồ về lẽ "trước/sau"

Sự am hiểu có giới hạn của loài người về xã hội và thế giới có thể dẫn đến lập luận sai về tương quan nhân quả, về cái gì là nguyên nhân và gây ra hậu quả là những gì? Luận lý học gọi đó là "post hoc", xuất phát từ tiếng La tinh là "Post hoc, ergo propter hoc": việc này xảy ra sau nên là hậu quả của việc kia.

Một thí dụ mà ai cũng đều có thể biết là tiếng gà gáy buổi rạng đông có thể báo hiệu là mặt trời mọc. Nhưng tiếng gà gáy đi trước không là nguyên nhân cho việc đi sau là mặt trời mọc.

Nhiều hiện tượng phức tạp hơn có thể dẫn tới luận lý cũng hàm hồ như vậy. Những tiến bộ về khoa học đã phát minh ra nhiều phương thuốc, từ DDT đến trụ sinh, khiến tuổi thọ con người kéo dài hơn xưa. Thiếu những phát minh đó, tỷ lệ tử vong hoặc yểu tử, trẻ em chết vì bệnh, đã không bị đẩy lui. Nhưng khi người ta sống lâu hơn thì cũng dễ bị nhiều chứng bệnh khác, như ung thư chẳng hạn. Sự hàm hồ về lẽ trước/sau khiến người ta có thể kết luận rằng thuốc trừ sâu DDT hay thuốc trụ sinh đã gây ra bệnh ung thư!

Trong lãnh vực kinh tế, những trường hợp sai lầm này còn nhiêu khê và vĩ đại gấp bội!

Xin được lấy hai thí dụ nổi tiếng là vụ sụt giá cổ phiếu Hoa Kỳ vào tháng 10 năm 1929 và 1987. Lần trước, biến cố này gây hốt hoảng cho thị trường và chính trường nên dẫn tới phản ứng đối phó là hàng loạt quyết định về tiền tệ, ngoại thương và bảo hộ. Chính là những quyết định ấy mới gây hậu quả kéo dài và lan rộng là nạn Tổng khủng hoảng 1929-1933, một nguyên nhân dẫn tới Thế chiến II vào năm 1939.

Lần thứ hai, vụ sụt giá chứng khoán còn trầm trọng hơn dưới thời Tổng thống Ronald Reagan, nhưng lại không gây hốt hoảng và phản ứng đối phó. Sau đó, kinh tế vẫn tăng trưởng và thất nghiệp vẫn giảm, Hoa Kỳ có một chu kỳ phát đạt kéo dài.

Rất lâu sau này, người ta mới thấy ra sự khác biệt đó. Mặc dù như vậy, vẫn không thiếu người lý luận rằng vụ sụt giá cổ phiếu năm 1929 đã gây ra Tổng khủng hoảng. Nó cũng hàm hồ và sai lầm như khi bảo rằng vụ sụt giá cổ phiếu năm 1987 đem lại phép lạ kinh tế thời Reagan!

Nhưng tai hại nhất của loại bạc giả này vẫn là hiện tượng nhận vơ.

Con gà không nhận vơ rằng nó làm mặt trời mọc, chứ các chính khách rất dễ nhận vơ là họ đã tạo ra những thành tích không hề có! Làm sao cử tri – và các nhà báo – có thể phân biệt được sự đúng sai trong tương quan nhân quả là một vấn đề về dân trí.


Những "liều thuốc đổ bệnh"

Từ mấy thí dụ trên đây, người ta có thể thấy ra một quy luật là chính phản ứng hoặc chánh sách của chính quyền có thể gây ra những hậu quả không tính trước. Kinh tế học gọi đó là quy luật "hậu quả bất lường", nhưng hiện tượng này không thu hẹp trong lãnh vực kinh tế.

Khi thấy một điều gì đó xảy ra mà không khách quan và bình tâm suy xét, lại bị mờ trí về những lý luận hàm hồ về lẽ được thua hoặc về tương quan nhân quả, người ta rất dễ lấy quyết định sai về chánh sách. Và chánh sách sai lầm mới dẫn đến hậu quả bất lường hoặc tai họa cho nhiều thành phần khác.

Muốn bảo vệ dân nghèo không có tiền mua nhà mà phải đi thuê, người ta áp dụng chế độ kiểm soát tiền thuê nhà. Hậu quả là nhiều người không muốn mua nhà hay xây nhà để cho thuê. Trong khi những ai đã có nơi thuê nhà thì được bảo vệ - và khó bị đuổi – thì số nhà cho thuê lại giảm, với điều kiện thuê mướn còn khó khăn hơn. Và gây thiệt hại cho người nghèo chưa có mái nhà, tức là đi ngược mục tiêu cao đẹp lúc ban đầu.

Không giải quyết được chuyện nhà cửa qua ngả ấy, người ta tìm cách khác. Chính sách tư hữu hóa gia cư cho người nghèo dẫn tới hậu quả bất lường là hệ thống tín dụng thứ cấp đầy rủi ro vì giúp nhiều người vay tiền mua nhà mà không có khả năng trả nợ.

Vì hồ hởi với chánh sách tư hữu hoá gia cư và điều kiện tín dụng dễ dãi, lãi suất thấp, người ta có thể gây ra hiện tượng bong bóng đầu cơ về địa ốc. Khi bóng bể, tình hình suy sụp thì cũng chính là người nghèo mới bị thiệt hại nặng nhất. Họ là nạn nhân của "hậu quả bất lường".

Nhưng liều thuốc đổ bệnh vĩ đại nhất, con voi trắng lù lù trong cuộc tranh cử hiện nay, chính là nạn bội chi ngân sách và gánh nặng công trái đã lên tới mức kỷ lục. Quyết định tăng chi để kích thích kinh tế đã gây khiếm hụt ngân sách mà không đạt kết quả như dự tính - và thất nghiệp chưa giảm. Dù sao mặc lòng, nhiều chính khách tiếp tục đề cao giải pháp tăng chi và lấy lý do nằm ngoài kinh tế là để cứu giúp dân nghèo hoặc thành phần trung lưu, v.v....

Lập luận đấu tranh giai cấp và lý luận hàm hồ về lẽ được thua mới dẫn đến sự tê liệt hiện nay của nước Mỹ.

_____________


Chúng ta đều hiểu rằng mọi việc trên đời đều có thể cải thiện và cần được cải thiện. Chế độ an sinh xã hội, hệ thống kiểm soát môi sinh hay trật tự công cộng, v.v... có những bất toàn và cần cải thiện Nhưng quy luật kinh tế ngàn đời là người ta không thể thỏa mãn được mọi nhu cầu cho mọi người và kinh tế là sự chọn lựa. Các chính trị gia ít nói đến sự chọn lựa đó mà hứa hẹn phương thuốc thần diệu và bất cần tới những hậu quả bất lường sau này, cho người khác.

Họ căng bạt ra đi bán bánh vẽ ngoài chợ trời.




No comments:

Post a Comment

View My Stats