Huy Cương
Thứ Sáu, 14/09/2012
Báo điện tử của Chính phủ ngày 12/2/2012 có
đăng bài thông báo ý kiến của Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan chức năng điều tra,
xử lý việc đăng tải thông tin có nội dung chống Đảng và Nhà nước.
Trong ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, có giao
cho “Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ
đạo các cơ quan cung cấp thông tin khách quan, đúng sự thật về tình hình các
mặt của đất nước ta, nhất là các vấn đề mà dư luận quan tâm; chủ trì phối hợp
với các cơ quan liên quan xử lý nghiêm việc thông tin, tuyên truyền không đúng
sự thật …”
Theo
tôi, việc ra thông báo trên của Thủ tướng đã có tác dụng ngược lại với ý muốn
của thủ tướng. Đành rằng TT nhà ta vốn là người tham lam
lại ít học, tầm hiểu biết còn rất nông cạn nhưng điều đáng trách là ở những anh
quân sư "quạt mo" đã vô tình giúp TT tiếp thị không công cho những
trang mạng "tai hại" kia (Supper PR). Ngay trong gia đình nhà tôi,
ngoài tôi ra thỉnh thoảng cũng có xem những trang mạng này để tăng thêm sự hiểu
biết về thế thái nhân tình, còn như bà xã nhà tôi hàng ngày vốn chỉ quanh quẩn
chuyện bếp núc và các con tôi có bao giờ biết đến những trang như "dân
làm báo, quan làm báo, biển đông...." thế mà hôm đó sau khi xem ti vi
đưa tin bản thông báo trên của TT cũng vội vã truy cập xem các trang mạng trên
nói gì. Tôi còn nhớ là vào những năm 80 của thế kỷ trước khi nhà văn Phùng Gia
Lộc có viết chuyện ngắn "Cái đêm hôm ấy, đêm gì" đăng ở trên báo Văn
nghệ thì đến số báo sau có rất nhiều người xúm vào phê phán Phùng Gia Lộc. Việc
này đã vô tình kích thích sự tò mò của người dân và thế là chuyện ngắn
"Cái đêm hôm ấy đêm gì" cùng với tên tuổi của Phùng Gia Lộc bỗng
nhiên nổi nhanh như cồn. Có người nói đây chính là một "chiêu độc"
của ban biên tập báo Văn nghệ lúc bấy giờ nhằm để kích thích người đọc.
Rõ ràng việc TT vội vã đưa ra thông báo
trên đã kích thích sự tò mò của đa số cư dân mạng và hậu quả của nó là không
thể lưòng hết được. Ai mà chả rõ là từ xưa đến nay, cái gì
vốn cấm đoán thì lại càng kích thích sự tò mò của thiên hạ. Sách càng cấm thì
càng nhiều người đọc, phim ảnh cấm trẻ em dưới 18 tuổi thì chúng nó lại càng tò
mò xem. Thế cho nên mới có truyện nực cười là nhiều ông nhà văn, nhà thơ viết
truyện, viết tiểu thuyết ít người đọc mới than vãn rằng: "Giá mà nhà nước
ra cái lệnh cấm đọc cái tiểu thuyết của mình viết thì may ra mới có nhiều người
đọc". Phải chăng đây là âm mưu thâm độc của "các thế lực thù địch,
của bọn diễn biến hoà bình" nhằm chống lại đảng ta theo kiểu "nói
dzậy mà không phải dzậy".
Trong kho tàng chuyện ngụ ngôn của Trung
Quốc có câu chuyện kể rằng : Có một người nuôi được một con chó rất
"khôn", con chó này có một khả năng rất đặc biệt là nó hiểu được ý
nghĩ của con người. Nhưng con chó này lại có một cái tật là chuyên đái bậy vào
cái giếng nước ăn ở ngay trước cửa nhà. Việc này ông chủ nuôi chó không biết
được mà chỉ có người hàng xóm ở căn nhà đối diện biết được. Đã nhiều lần anh
này định sang để mách người chủ chó kia nhưng hễ anh ta sang đến cổng nhà anh
nuôi chó thì đều bị con chó kia xô ra cắn vì nó biết được ý định của anh ta.
Thế là cái bí mật về việc con chó chuyên đái bậy vào giếng nước ăn của chủ luôn
được giấu kín và tất nhiên gia đình người nuôi chó
kia vẫn cứ hàng ngày được sử dụng nguồn nước giếng có pha lẫn nước đái chó.
Việc bưng bít thông tin (hay truyền thông
bịt miệng) nó tai hại đến như vậy. Việc bùng nổ thông tin qua mạng internet đã
góp phần mở mang cho dân trí rất nhiều thông tin bổ ích. Tất nhiên bên cạnh đó
cũng có nhiều thông tin sai lệch, nhưng bản chất của các nguồn thông tin là
mang tính đa nguyên. Người đọc có trình độ hiểu biết nhất định sẽ tự sàng lọc
cho mình những thông tin nào đúng và bỏ qua những thông tin nào sai sự thật.
Việc cấm đọc hay khuyến cáo người khác không nên đọc những trang mạng như nêu
trên có khác gì tự mình đi làm cái việc " buộc cẳng chim trời" mà đã
là chim trời thì làm sao mà buộc cẳng được. Việc thông tin bị bưng bít có khác
nào như ta tự nén chặt chiếc lò xo. Lò xo càng bị nén chặt bao nhiêu thì lúc nó
bung ra càng mạnh bấy nhiêu.
Việc Bộ Công an đang sử dụng một lực lượng
rất lớn những người làm công tác "an ninh mạng" có khác nào như con
chó trong truyện ngụ ngôn trên. Bản thân chính những ông chủ của nó cũng bị
bưng bít, cũng tự mình huyễn hoặc vào trong những giấc mơ hão huyền mà không biết những việc làm của mình đang bị nhân dân phỉ nhổ.
Tôi đơn cử như trường hợp của ông TBT của đảng ta nếu sau chuyến đi thăm Cu ba
về mà chịu khó xem các bài phản biện đăng ở trên các trạng mạng "lề
dân" thì chắc chắn ông đã hiểu được sự lố bịch của mình trong chuyến rao giảng về lý thuyết cộng sản của mình ở trường đảng Cu
ba như thế nào. Có như vậy mới phần nào xoá bớt đi được biệt danh "lú
lẫn" mà người đời đã gán ghép cho ông, đã trở thành một thương hiệu gắn
với chức danh TBT của một đảng cầm quyền.
Tôi có mấy ông bạn già rất nghiện xem tin
trên internet. Có ông còn bảo khi xem trên tivi mà thấy xuất hiện bộ mặt của
mấy ông "đầy tớ" của dân đang rao giảng đạo đức cho "các ông
chủ" thì chỉ muốn tắt mẹ nó ti vi đi hoặc chuyển sang xem kênh khác. Có
ông còn tếu táo: "Rặt một mớ ný nuận nồn" nghe mà phát chán thấy mẹ.
Thế mới biết việc tự lựa chọn thông tin cho
mình như thế nào đó là quyền và cũng là trình độ hiểu biết nhất định của từng
người mà không nên có một việc áp đặt độc đoán nào. Bất kỳ một tờ báo nào, một
trang mạng nào nếu không có được những thông tin bổ ích cho người đọc thì tự nó
sẽ bị đào thải một cách tự nhiên mà không cần phải có một sự can thiệp của bên
ngoài.
Tôi viết bài này không có một dụng ý nào
ngoài mong muốn góp ý cho đảng ta tránh được những sai lầm như việc ra thông
báo của TT nêu trên để đảng ta mãi mãi là ngọn đèn pha soi đường cho toàn dân
Việt nam kiên định trên con đường đi lên CNXH, đấu tranh và chiến thắng được
mọi thế lực thù địch nhằm làm suy yếu đảng, chính quyền ta.
No comments:
Post a Comment