Fri, 09/21/2012 - 20:29 — ledienduc
Theo tin của báo chí lề đảng, hiện nay có
khoảng 400 websites bị cho là phản động, nói xấu chủ trương và chính sách của
đảng cộng sản (ĐCS) và nhà nước CS Việt Nam (VN).
Sự nỗ lực ngăn chặn dòng thông tin trái
chiều với luồng của ĐCSVN đã từng được tổng kết với thành tích đánh sập 300
trang mạng mà tướng công an Vũ Hải Triều đã khoe khoang trong một hội nghị báo
chí năm 2010.
Nhưng, nỗ lực "đánh sập" của an
ninh CS đã không thành như mong muốn của nhà cầm quyền: "Tử lệnh!" -
biểu tượng của bọn tin tặc mang tên "Sinh Tử Lệnh" trong chiến dịch
vào năm 2010, mà chỉ gây khó khăn nhất thời cho báo chí ngoài lề đảng.
Vỏ quýt dày đã có móng tay nhọn! Vào cuối
năm 2010, tờ "Dân Làm Báo" phản ứng lại chiến dịch tấn công này, đã
công bố cùng một lúc 100 links dẫn với tên miền khác nhau, giúp bạn đọc truy
cập vào trang nhà, thách thức không khoan nhượng với nhà cầm quyền. Một số
trang khác bị tấn công như "Đàn Chim Việt", "Dân Luận",
"Bauxite VN", "X-Cà phê", v.v... cũng ứng phó tương tự.
Kết quả là, hầu hết các websites được nhiều
người đọc trong số 300 trang bị "đánh sập", không những tiếp tục tồn
tại, mà sau chiến dịch đánh phá, số báo mạng ngoài lề đảng còn sinh sôi nảy nở
thêm. Các bloggers ít sành kỹ thuật IT cũng chằng vừa, họ đối phó bằng phương
pháp "thủ công", trang này bị sập họ tạo ngay trang khác, nhanh như
chớp, hơn cả rắn Hydra trong thần thoại Hy lạp, hình ảnh mà báo Quân đội Nhân
dân gán cho báo chí ngoài lề đảng trong bài "Con rắn Hydra
mang cái đầu “thông tin bẩn”.
Không thể lấy tay che mặt trời, an ninh
mạng CSVN càng không thể chế ngự được không gian điện tử vô tận và vô song.
Từ năm 2011, báo ngoài lề đảng tiếp tục
phát triển nhanh chóng, cộng thêm sự tham gia vào các mạng xã hội, phổ biến
nhất là Facebook, nối kết với hàng triệu người sử dụng trong nước, thật sự là
những quả đại bác nã vào khung thành cấm kỵ của triều đại CSVN, thực hiện sứ
mệnh phá vỡ màn bưng bít của bộ máy tuyên truyền khổng lồ của chế độ.
Trong cuộc đọ sức trên mặt trận thông tin
điện tử ác liệt này, ngày càng có nhiều sáng tạo mới. Giữa năm 2012, sự ra đời
của trang "Quan Làm Báo", đã góp thêm vào sứ mệnh một quả tên lửa với
sức công phá dữ dội.
Khác hẳn với các tờ báo trước đó thường có
nội dung bao gồm các vấn đề đa dạng của VN và quốc tế, cổ vũ cho dân chủ, tự
do, nhân quyền, hoặc phản ảnh các hiện tượng tiêu cực của xã hội dưới thời cai
trị của ĐCSVN, tờ "Quan Làm Báo" tập trung vào những câu chuyện liên
quan đến cung đình của triều đại CS Hà Nội, chĩa mũi tấn công thẳng vào những
người có vị trí lãnh đạo cao nhất, đặc biệt là Thủ tướng CS Nguyễn Tấn Dũng,
vạch trần những việc làm mờ ám của ông ta và phe nhóm, gây ảnh hưởng xấu nghiêm
trọng lên đời sống kinh tế, chính trị của cả nước, đồng thời khai thác những
tình tiết bí mật trong cuộc tranh giành quyền lực trên thượng tầng kiến trúc
của ĐCSVN.
Nhìn từ khía cạnh chuyên môn, tờ "Quan
Làm Báo" không đạt tiêu chuẩn, có thể xem nó như một tờ báo vỉa hè
(tabloid), thậm chí tệ hơn, do cách trình bày thiếu chuyên nghiệp, hành văn cẩu
thả với nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp. Quan trọng hơn nữa, chủ nhân tờ báo là
người giấu mặt, đồng nghĩa với sự phủi bỏ trách nhiệm trước dư luận và luật
pháp.
Nhưng tại sao "Quan Làm Báo" cuốn
hút hàng triệu độc giả trong một thời gian rất ngắn, trong vòng mấy tháng?
Bản thân nhà cầm quyền CSVN cũng nhìn nhận
ra cái hay trong thủ pháp tác nghiệp của "Quan Làm Báo". Tờ "PetroTimes" 19/9 viết rằng,
phương pháp phổ biến nhất của “Quan làm báo” là: Nhào nặn thông tin dựa trên
những sự kiện cụ thể".
Đúng như thế. Mấu chốt nằm ở chỗ khai thác
những sự kiện cụ thể và có thật!
Dẫu biết rằng một nửa chiếc bánh mỳ không
phải là một chiếc bánh mỳ, một nửa sự thật chưa phải là sự thật, nhưng trong
một xã hội bị bịt miệng và đói thông tin về hậu trường của những người cầm cân
nảy mực, quản lý đất nước, độc giả sẵn sàng ngốn ngáo ngon lành nửa chiếc bánh
mỳ khô. Khi bóng đêm của dối trá, bất lương trùm phủ, một nửa sự thật cũng đủ
làm ngọn nến soi sáng.
Người dân bị trị chẳng còn cách nào khác.
Trong bối cảnh những vụ hối lộ, móc ngoặc làm ăn bất chính được thực hiện dưới
gầm bàn, trong góc tối, tại dinh thự riêng hay qua trung gian các bà vợ, con
cái, thân hữu của các quan chức, sẽ vô cùng khó khăn, nếu không nói là vô
phương để có thể "bắt tận tay day tận trán". Để không trở thành những
Hoàng Khuơng tiếp theo, các "hiệp sĩ" buộc phải theo phương châm
"cùng tất biến, biến tất thông", ra đòn trên mặt trận thông tin và
tạm thời giấu mặt.
Oái oăm thay, chính họ, các hiệp sĩ lại nắm
thế thượng phong. Cho dù nhà cầm quyền CSVN có hệ thống tuyên truyền khổng lồ
và đầy đủ các phương tiện kỹ thuật đánh phá.
Thực tế sau khi ban hành văn bản số
7169/VPCP ngày 12/9/2012, trong đó Nguyễn Tấn Dũng chỉ thị xử lý các trang mạng
đưa thông tin bôi xấu đảng và nhà nước CSVN, nêu đích danh "Dân Làm
Báo", "Quan Làm Báo", "Biển Đông",... được báo chí lề
đảng nhất tề tiền hô hậu ủng, đã chứng minh cho thế thượng phong không chối cãi
của báo ngoài lề đảng.
Ông Dũng đã sai lầm. Quả đấm của ông ta đã
hoàn toàn phản tác dụng.
Nguyễn Tấn Dũng và bộ sậu của ông ta phải
rất kém cỏi, yếu cơ, nên mới không ý thực được tác dụng nguợc của việc làm,
thậm chí có người còn mỉa mai, châm chọc rằng, ai đó đã lọt vào Văn phòng Thủ
tướng tiếp tay cho các thế lực thù địch, nên mới xúi dại Thủ tướng cho ra lò
văn bản đã nêu. Sau khi công bố văn bản, ngay lập tức số lượng độc giả truy cập
"Dân Làm Báo", "Quan Làm Báo" tăng cao đột ngột bất thường.
Tên của hai tờ báo xuất hiện trên nhiều trang báo của các hãng tin lớn trên thế
giới. Còn trang Biển Đông, nhiều người chưa biết đến, đã cố gắng tìm xem tờ báo
nói gì mà được cả Thủ tướng quan tâm đến thế!
Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện một màn quảng
cáo không công, mang lại hiệu quả tích cực vô tiền khoáng hậu cho thế lực mà họ
muốn huỷ diệt. Thật ngớ ngẩn, nếu không nói là quá ngu xuẩn. Từ thế kỷ trước,
Federico Fellini, đạo diễn và biên kịch nổi tiếng người Ý đã chắng nói: "Kiểm
duyệt chính là cách quảng cáo bằng chi phí của nhà nước", đó sao!
Người ta đúc kết rằng, trong sâu thẳm của
tâm hồn, mỗi con người mặc nhiên là một kẻ phao tin đồn. Tin đồn cộng hưởng,
lan toả và vượt mọi thành luỹ. Dân chúng thì thầm rằng, nói xấu đảng và nhà
nước là trọng tội, vậy kẻ nào bạo gan như thế? Ai cũng tò mò muốn biết kẻ đó là
ai và viết những điều cấm kị gì. Adam và Eva, thuỷ tổ của loài người, cũng đã
sẵn sàng ăn trái cấm của "cây nhận thức" dù biết phạm tội và bị trục
xuất xuống trần gian, là gì.
Thời chiến tranh chống Mỹ, vào cái thời
toàn dân miền Bắc "đoàn kết một lòng bên đảng", nhất quyết "đồng
hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ, trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ",
nghe đài BBC, đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA), hay chương trình phát thanh của chế
độ Sài Gòn, có thể bị ghép vào tội phản động, đối diện với trại cải tạo ra đi
không biết ngày về, mà còn chẳng cấm nổi. Dân vẫn nghe lén, cán bộ nghe lén
càng nhiều hơn, vì mọi người nhận ra rằng, nghe "đài địch" sẽ mở mang
đầu óc ra như thế nào. Việt Phương, thư ký của Thủ tướng Phạm Văn Đồng lúc bấy
giờ, đã phải xác nhận trái lạ hấp dẫn ra sao trong bài "Cuộc đời yêu như vợ của ta ơi" (1969):
"Mở đài địch như mở toang cánh cửa
Nghe nó chửi mà tin ở ngày mai".
Dân gian có câu "cây ngay chẳng sợ
bóng đứng". Nếu chế độ CSVN tốt và ưu việt, trong sáng thật sự như bộ máy
tuyên truyền của đảng suốt ngày nhồi nhét vào tai dân chúng, thì việc gì phải
che đậy, thế lực nào muốn bôi đen, nói xấu sẽ chẳng có ý nghĩa gì.
Ở các nước dân chủ, báo chí truyền thông
phê phán, chỉ trích, thậm chí nhạo báng lãnh đạo hay chính sách nhà nước là
chuyện bình thường hàng ngày. Tại Ba Lan, sau khi chế độ CS sụp đổ vào năm
1989, báo chí tự do được hiến pháp bảo hộ, luôn luôn đi đầu và quyết liệt,
phanh phui hầu hết các vụ án tham nhũng, lạm quyền lớn nhất. Đất nước Ba Lan
vẫn ổn định, phát triển, ai phạm tội thì mất ghế, ngồi tù, thậm chí có chính
phủ mất tín nhiệm bị giải tán, người dân bầu chọn chính phủ khác lên thay thế.
Có sao đâu! Đời vẫn tươi vui, hoa vẫn nở và các dòng sông vẫn đổ ra biển cả!
Dân VN đã chán ngấy trên TV hay trên trang
nhất của báo đảng hình ảnh những vị lãnh đạo uy nghi, sang trọng với com-lê, cà
vạt, cổ cồn, ăn nói ba hoa, lắm lúc ngây ngô làm trò cười cho thiên hạ. Họ muốn
biết trong cung cấm kia, các vị đại diện cho họ đang làm gì với nhau, coi dân
không ra gì. Đơn giản, không ai muốn làm người vừa mù vừa điếc.
Nguyễn Tấn Dũng, có thể nói, trong tất cả
các thủ tướng CSVN kể từ Phạm Văn Đồng, có quyền lực bao trùm và lộng quyền
nhất. Ông ta cũng là đao phủ khủng khiếp nhất, bịt miệng xã hội tàn bạo nhất.
Chính ông ta là tác giả của các nghị định vi hiến, đi ngược với các cam kết
quốc tế, ngăn chặn phản biện xã hội của giới trí thức, cấm công nhân đình công,
cấm biểu tình, cấm khiếu nại tập thể, cấm báo chí tư nhân...
Càng cấm đoán, kiểm duyệt, Nguyễn Tấn Dũng
càng chứng tỏ ông ta và chính phủ do ông lãnh đạo có quá nhiều xấu xa, đồi bại,
nên phải giấu giếm. Ông ta có nỗi sợ thường trực: bị vạch mặt.
Chính phủ của Nguyễn Tấn Dũng đã và đang
gây ra tổn hại chưa từng thấy cho đất nước về tiền bạc, tài nguyên, môi trường
và chủ quyền an ninh quốc gia. Những khuất tất, từ khai thác bauxite Tây
Nguyên, in tiền Securency, thất thoát và nợ nần của Vinashin, Vinalines..., đến
những nghi vấn mà dư luận đưa ra về vai trò của ông và con gái ông, Nguyễn
Thanh Phượng, trong những âm mưu lũng đoạn tài chính và hệ thống ngân hàng, trả
lời cho câu hỏi vì sao ông ta đã phải lồng lộn che giấu và điên cuồng bịt miệng
xã hội.
Trước nghi vấn và đòi hỏi của dư luận, một
người đứng đầu chính phủ mà trong lý lịch của mình, không dám công
bố cha mẹ đẻ là ai, cho thấy giấu giếm sự thật là bản chất, nằm trong gene của
ông ta. Ngoài cha mẹ ra, trong tất cả các thông tin chính thức, giai đoạn từ
khi ông ta ra đời cho đến lúc 12 tuổi, cũng là một vùng trống vắng, mù mịt.
Người ta sẽ còn tiếp tục khám phá Nguyễn
Tấn Dũng trong mọi lĩnh vực, còn lôi ông ta ra ánh sáng, cởi áo, lột truồng,
nhất là với những gì ông đã và đang làm phương hại cho lợi ích của đất nước
Việt Nam. Từ "Dân Làm Báo", "Quan Làm Báo" đã xuất hiện
"Vua Làm Báo", "Đảng Làm Báo", "Việt Nam làm Báo"...
Ông Dũng có thể tiếp tục tung ra những quả đấm
sắt máu khác vào quyền tự do báo chí và ngôn luận, nhưng e rằng chúng lại tiếp
tục phản tác dụng như "quả đấm 7169" ngày 12/9 mà thôi.
Ngày 21/9/2012
© 2012 Lê Diễn Đức - RFA Blog
No comments:
Post a Comment