Tú Anh - RFI
Thứ hai 24 Tháng
Chín 2012
Điếu cày Nguyễn Văn Hải, cựu lính sư đoàn Sao vàng , 12 năm tù . Tạ Phong Tần, cựu sĩ quan công an,10 năm. Blogger AnhbaSàigòn Phan Văn Hải, 4 năm. Trên đây là hình phạt mà chính quyền Việt Nam dành cho ba công dân khác biệt chính kiến trong phiên xử ngắn ngủi vào sáng nay 24/09/2012 tại thành phố Hồ Chí Minh.
Ba nhà báo mạng trong đó có một người là anh Điếu Cày đã được tổng thống Mỹ Barack Obama công khai ủng hộ đã bị tòa án thành phố Hồ Chí Minh trừng phạt nặng nề.
Theo AFP, người được quốc tế biết tiếng nhất là ông Nguyễn Văn Hải, bút hiệu Điếu Cày, đã bị lãnh án 30 tháng tù năm 2008 về tội « trốn thuế » nay bị kêu án thêm 10 năm tù giam và 5 năm quản chế.
Blogger thứ hai là cô Tạ Phong Tần, mà người mẹ tự thiêu trong hoàn cảnh mờ ám hồi tháng 7, bị lãnh án 10 năm.
Người thứ ba là Phan Thanh Hải bị bốn năm tù và ba năm quản chế.
Trước tòa, Điếu Cày Nguyễn Văn Hải khẳng định ông không chống nhà nước nhưng là một công dân có quyền tự do phát biểu ông chống độc tài, bất công và tham nhũng.
Theo AFP, lập tức ông bị cúp lời.
Chánh án Nguyễn Phi Long cho rằng các bị cáo « đưa lên internet những bài viết bôi xấu lãnh đạo, công kích đảng và phá hoại niềm tin của nhân dân vào nhà nước ».
Bản án được dự đoán trước đã bị công luận quốc tế và các tổ chức nhân quyền lên án.
Human Ritghs Watch kêu gọi Việt Nam hãy hủy bỏ bản án.
Đại sứ quán Mỹ, nhấn mạnh là Tổng thống Obama theo dõi hồ sơ « Điếu Cày », ra thông cáo yêu cầu Hà Nội trả tự do tức khắc cho ba thành viên Câu lạc bộ nhà báo tự do cũng ban hành biện pháp để cho các nhà báo độc lập có thể làm việc tự do và không bị đe dọa.
Theo tin từ mạng ''Dân làm báo'' được AFP trích dẫn, khoảng 100
người ủng hộ ba blogger đã mặc áo thun đen , màu tranh đấu của đối lập Miến Điện, và Hồng Kông, kéo đến tòa án nhưng đã bị công an ngăn chận và câu lưu.
Trong số nạn nhân có bà Dương Thị Tân, vợ cũ của anh Điếu Cày. Con trai anh bị đánh, con gái bị cấm đến trường.
Trả lời phỏng vấn RFI, bà Dương Thị Tân cho biết mới từ đồn công an trở về và nhận định về bản án nặng nề như sau:
« Tôi vừa ra khỏi nhà… theo luật sư kể lại thì họ không cho biện hộ, đối chất… mặc dù bản cáo trạng nghiêm trọng như vậy… họ sợ ông Nguyễn Văn Hải ở ngoài thì ông sã vạch trần hành vi bán nước của họ cho Trung Quốc… trung tá công an….. đã nói với tôi như vậy… »
Nghe
(06:19) : Phỏng vấn bà Dương Thị Tân, Sàigòn 24/09/2012
---------------------------------------
Thanh Phương - RFI
Thứ hai 24 Tháng Chín 2012
Ngày 18/09/2012 vừa qua, tổ chức Phóng viên không biên giới, trụ sở tại Paris, đã ra thông cáo lên án những hành động gây áp lực và trả đủa ngầm nhắm vào các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam và gia đình của họ.
Bản thông cáo của Phóng viên không biên giới nêu lên vụ xảy ra ngày 16/09/2012, tại Bạc Liêu, vợ của blogger Điếu Cày, bà Dương Thị Tân, cùng với người em của blogger Tạ Phong Tần, cô Tạ Khởi Phụng và một vị linh mục, cha Antôn Lê Ngọc
Thanh, đã bị các công an mặc thường phục hành hung và bắt về đồn, với lý do họ gây tai nạn giao
thông.
Trong một báo cáo rất chi tiết, công bố ngày 19/09/2012, Uỷ ban bảo vệ nhà báo CPJ, trụ sở tại New York, cũng đã nêu lên rất nhiều vụ công an gây áp lực, thậm chí dùng vũ lực với các nhà bất đồng chính kiến, các blogger đối kháng và cả người thân của họ.
Tác giả bản báo cáo của CPJ, ông Shawn Crispin, đã gặp anh
Nguyễn Trí Dũng, con trai của ông Nguyễn Văn Hải, tức blogger Điếu Cày. Anh Dũng cho biết anh đã bị chính quyền quấy rối rất dữ dội và dai dằng, khi
anh vận động đòi tự do cho cha mình. Các nhân viên an ninh thường xuyên dò hỏi láng giềng và bạn học của Dũng. Việc đi lại và thông tin liên lạc của anh đều bị giám sát chặt chẽ.
Trả lời phỏng vấn RFI vào tuần trước, bà Dương Thị Tân, vợ của blogger Điếu Cày, nói rõ hơn về những hành động gây áp lực của chính quyền đối với cả gia đình bà.
Về phần luật sư Lê Quốc Quân, một nhà bất đồng chính kiến ở Hà Nội, không chỉ đã nhiều lần bị công an dùng vũ lực, mà còn bị côn đồ đón đường dùng các tuýt sắt đánh gây thương tích nặng ngày 19/08 vừa qua.
Nhưng ngay
cả người em trai của luật sư Quân, một doanh
nhân không có hoạt động chính trị gì, cũng bị vạ lây.
Điều đáng nói là để làm lung lạc tinh thần của luật sư Lê Quốc Quân, chính quyền còn đánh cả về mặt kinh tế, bằng cách gây áp lực khiền các nhân viên văn phòng luật sư của ông phải ngưng cộng tác với ông.
Nhưng kinh khủng nhất đó là trường hợp của gia đình ông Phan Ngọc Tuấn ở Phan Rang, một nhà đấu tranh cho quyền lợi công nhân, hiện đang ngồi tù vì tội « tuyên truyền chống Nhà nước ». Trong cả hai
phiên xử sơ thẩm ngày 06/06/2012, cũng như xử phúc thẩm ngày 29/08, ông Phan Ngọc Tuấn đều không nhận tội và đang muốn kháng cáo lên cấp cao hơn nữa.
Không biết có liên quan đến việc xét xử ông Tuấn hay không, nhưng ngày 18/09 vừa qua, con
trai của ông Tuấn là anh Phan Nguyễn Ngọc Tú đã bị một nhóm côn đồ vô cớ chém trọng thương, đứt cả bàn chân.
Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 21/09 vừa qua từ Phan Rang, bà Nguyễn Thị Ngụ, vợ của ông Phan Ngọc Tuấn kể lại về vụ tấn công kinh hoàng này.
Theo lời luật sư Lê Quốc Quân, việc gây áp lực lên gia đình những nhà bất đồng chính kiến, các blogger đối kháng là vi phạm pháp luật của chính Việt Nam.
Thế nhưng những áp lực đối với gia đình bà Dương Thị Tân, vợ của blogger Điếu Cày, vẫn không làm cho ông và bà nao núng.
Riêng đối với luật sư Lê Quốc Quân, chính niềm tin tôn giáo đã gíúp có đủ nghị lực để can đảm tiếp tục dấn thân trên con đường đấu tranh.
Mời quý vị nghe toàn bộ tạp chí với các phần phỏng vấn bà Dương Thị Tân, LS Lê Quốc Quân và bà Nguyễn Thị Ngụ:
Nghe
(18:24) : Tạp chí Việt Nam
24/09/2012
-----------------------------------
Chủ nhật 23 Tháng
Chín 2012
Bị quy tội tuyên truyền chống Nhà nước, ngày mai 24/09/2012, ba blogger Nguyễn Văn Hải (Điếu Cày) , Phan Thanh Hải (AnhbaSaigon) và bà Tạ Phong Tần, sẽ ra tòa tại Sàigòn. Tại sao công luận quốc tế, từ các tổ chức nhân quyền cho đến phó thủ tướng Đức Philipp Rosler và tổng thống Mỹ Barack Obama đều đặc biệt quan tâm đến vụ này ?
RFI đặt câu hỏi với ông Vũ Quốc Dụng, tổng thư ký Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế tai Franfurt, Đức.
RFI : Tại sao dư luận quốc tế quan tâm đặc biệt đến phiên xử này?
Ông Vũ Quốc Dụng : Trường hợp Nguyễn Văn Hải (blogger Điếu Cày), Tạ Phong
Tần
(blogger Công Lý và Sự Thật) và Phan Thanh Hải
(blogger AnhBaSaigon) không chỉ được dư luận Việt Nam, mà còn được dư luận quốc tế quan tâm rất lớn. Các trường hợp này là cuốn truyện kể đầy đủ nhất về cách đối xử của nhà cầm quyền Việt Nam đối với những người bị họ xem là bất đồng chính kiến, nghĩa là chính quyền Việt Nam hoàn toàn không chấp nhận các nhân quyền căn bản như quyền tự do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí như Việt Nam đã cam kết với quốc tế, mà cũng chẳng tôn trọng quyền xét xử công bằng theo
luật tố tụng hình sự Việt Nam.
Chính quyền Việt Nam càng vẽ ra hình ảnh của những blogger xấu xa thì mọi người càng thấy rằng, những người này chẳng làm cái gì sai, ngoài việc thực hiện các quyền mà mỗi con
người đều phải có từ khi sinh ra, dù họ là người Việt Nam hay là người Pháp, Thái Lan cũng vậy.
Thế giới ngày nay công nhận internet cũng là một phương tiện truyền thông như bao phương tiện truyền thông truyền thống khác như báo chí, truyền hình, phát thanh. Đánh vào các blogger là những "nhà báo công dân“ như Điếu Cày, Công Lý và Sự Thật, AnhBaSaigòn là đánh vào giới làm báo và quyền tự do báo chí. Mà tự do báo chí là thước đo cho một xã hội tự do và tôn trọng nhân quyền. Ở rất nhiều nước, các chính quyền rất thận trọng khi đụng vào giới ký giả để không gây hiểu lầm rằng họ đàn áp quyền tự do báo chí. Chỉ có Việt Nam và một một số quốc gia có thái độ thù hằn với các phóng viên tự do. Đây là điều gây phẫn nộ cho dư luận quốc tế.
Tôi nhận xét rằng, mối quan tâm của dư luận quốc tế cần được xem là hậu quả của mối quan tâm của dư luận Việt Nam. Gia đình, bạn bè, người ủng hộ các nạn nhân này và các blogger Việt Nam đã đóng góp rất lớn trong việc đưa vụ này ra ánh sáng và lôi kéo sự ủng hộ của quốc tế.
RFI : Xét về luật quốc tế thì việc giam giữ 3 blogger này đã vi phạm thế nào?
Ông Vũ Quốc Dụng : Tôi đã đọc bản cáo trạng và kết luận điều tra của công an đối với 3 blogger này và nhận thấy các cáo trạng vi
phạm thô bạo quyền tự do ngôn luận và báo chí. Điếu Cày, AnhBaSaigon và Tạ Phong Tần bị bắt và giam giữ vì họ là những thành viên của nhóm Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do. Phải xem họ là những nhà báo công dân (citizen journalist) hoạt động xây dựng một nền thông tin đa chiều cho nên việc đàn áp họ và Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do là đàn áp quyền tự do báo chí.
Chính quyền Việt Nam hiện không chấp nhận các nhà báo độc lập và báo chí tư nhân. Việc làm của nhóm Câu Lạc Bộ Nhà Báo Tự Do vì thế bị chính quyền xem là phạm pháp theo luật Việt Nam, mặc dù nằm trong
phạm vi của quyền tự do ngôn luận của điều 19 Công Ứớc Quốc Tế về Quyền Dân sự và Chính Trị. Điều này cho thấy, Việt Nam vi phạm cả hai mặt luật pháp và thực tế.
Cho đến nay, 30 năm sau khi tham gia Công Ước Quốc Tế về Quyền Dân Sự và Chính Trị, chính quyền Việt Nam vẫn chưa thay đổi luật pháp trong nước cho phù hợp với hiệp ước quốc tế về nhân quyền này. Trên thực tế chính quyền cũng phủ nhận quyền tự do ngôn luận trong
tất cả các phiên xử những người bất đồng chính kiến. Đây là một vi phạm đã bị quốc tế nhiều lần lên án và vụ xử 3 blogger lần này là một bổ túc cho hồ sơ vi phạm này.
RFI : Xét theo luật Việt Nam thì sự kiện chính quyền giam giữ 3 blogger này là tuân thủ hay vi phạm pháp luật của chính Việt Nam ?
Ông Vũ Quốc Dụng : Tôi xin đơn cử trường hợp Điều Cày để có thể minh họa cụ thể, vì qua trường hợp này, chúng ta sẽ thấy sự lúng túng của chính quyền Việt Nam trong việc thực thi pháp luật Việt Nam và cuối cùng, đã hành động phi pháp để bắt giữ, kết án lần thứ nhất và gia hạn giam
giữ lần thứ 2.
Chúng ta biết ông Điếu Cày hiện đã bị giam
liên tục gần 5 năm rưỡi. Trong lần giam giữ thứ 2 này, ông đã bị tạm giam xấp xỉ 2 năm, mà chưa được đưa ra tòa trong khi Bộ Luật Tố tụng Hình sự
(BLTTHS) của Nhà nước Việt Nam chỉ cho phép tạm giam
tổng cộng tối đa là 20 tháng. Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự qui định khi hết hạn tạm giam thì phải trả tự do cho ông. Nhưng đến nay, ông Điếu Cày vẫn bị giam mà không có một lời giải thích hợp lý và hợp pháp cho ông, cho gia đình và cho luật sư của ông. Trường hợp này đặc biệt vì chưa có nhà bất đồng chính kiến nào lại bị đối xử tệ hại như vậy trong các năm gầy đây. Chỉ riêng yếu tố này cũng cho thấy tính chất chính trị của vụ án. Chúng tôi xem ông Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải là tù nhân chính trị, không phải vì ông đã hoạt động chính trị mà vì chính quyền giam giữ ông bởi những động cơ chính trị đen tối và phi pháp.
Cần nhắc lại rằng, trước đây, khi ông bị bắt lần thứ nhất, công an Việt Nam đã nhiều lần thẩm vấn và đe dọa sẽ truy tố ông về một tội kinh tế nào đó, mặc dù những hoạt động báo chí và biểu tình chống Trung Quốc của ông hoàn toàn không dính dáng gì đến vấn đề kinh tế. Cuối cùng, ông bị kết tội trốn thuế trong một vụ xử vô lý nhất thế giới. Ngoài số tiền phạt rất cao, một căn nhà của ông bị tịch thu, một căn nhà khác bị phá hoại. Gia đình ông luôn bị sách nhiễu và hành hạ. Điều này cho thấy rõ thêm tính chất chính trị của vụ án thứ nhất.
Đến ngày 19.10.2010 là ngày ông mãn hạn tù thì chính quyền đã không trả tự do cho ông, mà lại tiếp tục giam ông với lý do là ông "tuyên truyền chống Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam“. Nếu quả thực xem là có vi phạm điều này thì sẽ không ai hiểu tại sao mà chính quyền Việt Nam đã không truy tố ông từ năm 2008. Bất công ở Việt Nam xuất phát từ một thứ công lý khó hiểu như thế. Chính vì thế mà Điếu Cày và các bạn ông đã được dư luận Việt Nam ủng hộ, vì họ xem vấn đề của ông cũng chính là vấn đề của họ hoặc là vấn đề mà họ sẽ gặp phải.
RFI : Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế ISHR có đòi hỏi nào và đã có hoạt động để đối phó với việc giam giữ trái phép này?
Ông Vũ Quốc Dụng : Lập trường trước sau như một của Hiệp Hội Nhân Quyền Quốc Tế (ISHR) từ những ngày đầu của vụ bắt giữ trái phép này là chính quyền Việt Nam phải trả tự do tức khắc và vô điều kiện cho 3 blogger này, vì chính quyền Việt Nam đã vi phạm cả luật nhân quyền quốc tế lẫn luật Việt Nam.
Là một tổ chức nhân quyền quốc tế, ISHR rất cần các thông tin xác thực và cập nhật. ISHR biết rất rõ các hoạt động của 3 blogger này, ngay từ khi họ mới xuất hiện vào cuối năm 2007 và được cung
cấp đầy đủ thông tin và hình ảnh của họ từ các blogger Việt Nam.
Chúng tôi có đầy đủ bài vở để đánh giá chính xác họ đã hoạt động bất bạo động như những người bảo vệ nhân quyền theo
tiêu chuẩn Human Rights Defenders của Liên Hiệp Quốc.Chúng tôi được cung
cấp đầy đủ các giấy tờ liên quan đến họ. Cho nên ISHR đã tự tin khởi động một cuộc vận động toàn diện cho họ.
Cuộc vận động đó bao gồm việc làm rõ sự cáo buộc của chính quyền khi
chính quyền đang muốn giấu diếm các thông tin này. Chúng tôi vận động các chính phủ thế giới lên tiếng đòi Việt Nam
phải cho
biết nơi giam giữ và cho thân nhân cũng như luật sư được tiếp xúc với họ trong giai đoạn trước khi đưa họ ra xét xử. Chúng tôi đòi phải cho biết tình trạng sức khoẻ của họ khi có những tin đồn không hay. Chúng tôi yêu cầu các tòa đại sứ phương Tây phải cử người đến giám sát phiên xử, đòi phải có phiên xử công khai, thủ tục xét xử minh bạch và phiên tòa công bằng. Chúng tôi xem công việc trao đổi với những người ủng hộ cho 3 blogger này là rất cần thiết để phối hợp cho công việc chung
được thực hiện mạnh mẽ và có hiệu quả.
ISHR ý thức rằng, công việc chỉ hiệu quả khi có sự làm việc chung
giữa các tổ chức dân sự Việt Nam và quốc tế. Những đóng góp khiêm nhường của ISHR sẽ chỉ có ý nghĩa, nếu được đặt ở trong khung cảnh hợp tác đó. Chúng tôi biết rất nhiều tổ chức quốc tế bạn cũng hoạt động như vậy và cho rằng đây là những viên gạch lót đường cho các công việc kế tiếp. Mọi hoạt động như vậy sẽ giúp xây dựng sự liên kết chặt chẽ giữa xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế trong việc cùng nhau đấu tranh chống lại nạn vi phạm nhân quyền tại Việt Nam.
No comments:
Post a Comment