Monday, 10 September 2012

BA LAN : "HỘI ÔNG HÙNG" & MƯU ĐỒ THÂU TÓM CỘNG ĐỒNG (Mạc Việt Hồng)






Đọc các phần trước:




Lãnh đạo hội nhận bằng khen của bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho các cá nhân và đơn vị có nhiều cống hiến. Ảnh Queviet.pl

 “Hội ông Hùng” hay “hội bác Hùng” là cách gọi nôm na, vắn tắt thường thấy trong cộng đồng để chỉ hội “Người Việt Nam tại Ba Lan Đoàn kết và Hữu nghị” nay là hội “Người Việt Nam tại Ba Lan” (NVNtBL).

Trong một phát biểu mới đây liên quan tới hội này, ông chủ tịch Lê Thiết Hùng cho biết: “Đây là hội duy nhất có tư cách pháp nhân, đăng ký và hoạt động qua Tòa án Ba Lan nên vị thế của hội ở nước sở tại có sức lan tỏa rất lớn”.

Khoan nói tới chuyện sức ‘lan tỏa’ ra sao, nhưng cần phải khẳng định một điều, “hội ông Hùng” không phải là hội đoàn duy nhất có tư cách pháp nhân tại Ba Lan. Có một số hội đoàn hoặc quỹ đang đăng ký hoạt động chính thức. Trong đó, đáng kể nhất là hội Văn Hóa Xã Hội Người Việt, mà tiền thân của nó là hội Việt Kiều. Đây là hội đầu tiên trong cộng đồng người Việt.

Hội Việt Kiều do ông Trương Anh Tuấn và một số cựu sinh viên thành lập từ cuối thập niên 1980s. Hội đã có những đóng góp tích cực về kinh tế, văn hóa và góp phần vào hội nhập của cộng đồng trong thập niên 90s. Đến nay, vai trò của hội Văn Hóa Xã Hội người Việt có phần mờ nhạt nhưng không vì thế, mà một hội đoàn khác có quyền phủ nhận nó.

Không phải là duy nhất, “hội ông Hùng” cũng không hẳn đại diện cho toàn thể cộng đồng.

Nguyên tắc lập hội

Là một nước dân chủ, Ba Lan cho phép tự do lập hội, đoàn, đảng phái (trừ đảng Phát xít, phân biệt chủng tộc và đảng Cộng sản). Nguyên tắc lập hội cũng hết sức đơn giản và thủ tục nhanh gọn. Chỉ cần có 15 người là có thể lập một hội. Nếu giấy tờ đầy đủ, mọi thủ tục có thể hoàn tất trong vòng 2 tuần.

Chính vì vậy, Ba Lan có hàng ngàn hội (stowarzyszenie). Từ những hội lớn đại diện cho nghề nghiệp, mang tính quốc gia như hội Nhà báo, hội Luật sư, hội Bác sĩ.v.v. cho tới các hội đoàn “linh tinh” khác như hội Uống bia ngoài trời, hội Yêu chó, hội Yêu mèo, hội Hái nấm, Câu cá, đánh Poker.v.v. và v.v.

Hội NVNtBL cũng được thành lập theo nguyên tắc như vậy, tức do 15 người trong cộng đồng đứng ra.

Trên KRS (đăng ký tòa) số 0000185341 có tên và chức vụ của 15 vị như sau: Lê Thiết Hùng (chủ tịch), Nguyễn Văn Thái (phó chủ tịch), Đào Công Ngoạn (phó chủ tịch), Nguyễn Duy Hòa (phó chủ tịch); các thành viên Ban chấp hành (BCH) gồm Trần Anh Tuấn, Nguyễn Việt Triều, Nguyễn Duy Hòa, Hoàng Hữu Bình, Đặng Ngọc Hân, Ngô Hoàng Minh, Võ Đức Tuyến, Nguyễn Văn Thật và 3 người trong ban kiểm tra Võ Văn Long, Nguyễn Trọng Thắng, Nguyễn Mạnh Lân.

Trong số này, có những thành viên góp mặt từ ngày đầu lập hội, nhưng cũng có những người mới tham gia vào Ban chấp hành sau kỳ đại hội tháng 7/2011.

Đổi tên và thâu tóm

Ra đời năm 1999 với cái tên hội “Người VN tại Ba Lan Đoàn kết và Hữu nghị”, cho tới kỳ đại hội năm ngoái, hội chính thức đổi tên thành hội NVNtBL. Như vậy từ một cái tên mang tính riêng biệt “Đoàn kết và Hữu nghị” hội đổi sang một cái tên chung, mang tính bao trùm lên toàn thể cộng động.

Sự nhập nhèm giữa tên riêng và tên chung này dễ dẫn tới ngộ nhận rằng, đây là hội của toàn thể người Việt tại Ba Lan. Điều này khiến ta nhớ lại một sự việc trước đó, có người trong cộng đồng xây nhà văn hóa và đặt tên “Nhà văn hóa Việt Nam” đã bị nhiều người góp ý, nên sau cùng phải đổi thành “Nhà văn hóa Thăng Long”.

Bên cạnh việc đổi tên, hội NVNtBL nghĩ ra một chiêu mới nhằm thâu tóm toàn bộ cộng đồng. Đó là việc kết nạp các thành viên tập thể.

Cần phải nói thêm rằng, ở Ba Lan, có hàng chục hội đồng hương. Mỗi tỉnh là một hội, thậm chí những vùng có đông người sang Ba Lan làm ăn, hội đồng hương còn được ‘phân cấp’ tới huyện, xã…

Thực ra, việc thâu tóm cộng đồng đã có từ những năm trước, nhưng cách “kết nạp thành viên tập thể”, rõ ràng, đã đem lại cho hội một công cụ hữu hiệu hơn.

Theo cách kết nạp này, chỉ cần một cái gật đầu của ông chủ tịch hội đồng hương trong lúc chén chú chén anh nào đó là, già, trẻ, lớn, bé của hội đồng hương đó đều thành hội viên của “hội bác Hùng”. Bên cạnh các hội đồng hương, mới đây hội NVtBL đã kết nạp luôn Liên đoàn Bóng đá làm thành viên tập thể. Liên đoàn Bóng đá đã tồn tại độc lập 14-15 năm nay, trước cả khi hội “Đoàn kết và Hữu nghị” ra đời. Trong các giải bóng hàng năm, mặc dù có sự kết hợp để cùng tổ chức, nhưng Liên đòan vẫn đứng độc lập.

Rồi tiếp đây có thể một loạt các câu lạc bộ, hội Phụ nữ, hội Sinh viên, trường tiếng Việt.v.v. sẽ trở thành đối tượng kết nạp của “hội ông Hùng”.

Thực tế cho thấy, nếu không có sự trợ giúp đắc lực từ đại sứ quán, sự bật đèn xanh từ trong nước và lối chọn lựa nhân sự trong cộng đồng theo kiểu cùng cạ, đồng quan điểm thì “hội ông Hùng” khó có thể thâu tóm như vậy. Đại sứ quán có mặt trong mọi sự kiện lớn nhỏ và nhiều khi giữ vai trò đồng tổ chức. Các lãnh đạo cộng đồng đều có quan hệ mật thiết với đại sứ quán cũng như Mặt trận tổ quốc, bộ Ngoại giao.v.v. Cựu chủ tịch hội Nguyễn Văn Thái còn trở thành ủy viên Mặt trận tổ quốc.

Không quá ngoa ngoắt nếu nói rằng, đây không phải là một hội đoàn độc lập, mà thực chất là cánh tay nối dài của chính quyền trong nước, nhằm giúp nhà nước thực thi chính sách về ngoại kiều, nghị quyết 36 của Bộ chính trị.
Và, đây cũng là tình trạng chung ở các nước Đông Âu, khi đảng CS lãnh đạo cả ở nước ngoài, thông qua các đảng viên, hoặc những người tuy không phải đảng viên, nhưng tương đối phục tùng các chính sách của đảng.
Một thành viên từng trong BCH khóa trước cho biết, những người có quan điểm hay cách làm việc với ít nhiều khác biệt, đều bị hội ‘đá’ văng ra, hoặc làm cho chán nản phải tự xin ra.

Nhà nước trong nhà nước và dấu hiệu phạm luật?

Chính việc thâu tóm này, khiến cho cộng đồng giống như một nhà nước nhỏ trong một nhà nước lớn, điều mà báo chí Ba Lan đã hơn một lần cảnh báo.

Đã trở thành quy luật, ở đâu có sự thâu tóm kiểu độc quyền thì ở đó thường xuất hiện những tiêu cực, về kinh tế cũng như đối sách.

Đầu tiên phải kể tới những sai phạm mang tính vật chất. Chuyện đất cát xây chùa gần đây là một minh chứng cụ thể. Ngược thời gian thêm nữa, có thể kể tới chuyện giải ngân tiền tài trợ của EU.

Trong khi 5000 m2 đã là quá rộng với khuôn viên của một ngôi chùa và với quỹ tiền của cộng đồng, thì một vài người chủ chốt lại tự ý quyết định mua thêm hơn 3000 m2 nữa. Trong lúc giá đất, ai cũng thấy, là ngày một rớt, thì giá đất mua sau vẫn tính bằng giá mua trước. Chưa kể, theo phàn nàn của một số phật tử, phần lớn khu đất sau không phải đất xây dựng. Những nghi ngờ này khởi nguồn cho hàng loạt các tranh cãi dai dẳng, gây chia rẽ trong cộng đồng.

Nhưng nghiêm trọng hơn là những hành xử vượt quá sự cho phép của pháp luật. Có trong tay gần 30 trang tài liệu liên quan tới hoạt động của hội với nhiều nghi vấn phạm luật và khuất tất về tài chính, nhưng trong khuôn khổ một bài viết, chúng tôi chỉ xin đơn cử một vụ việc.

Đó là vụ truy nã đối với bà Sâm, một người bị tình nghi trốn nợ (ở vào thời điểm đó). Khi đối tượng không mở cửa quầy buôn bán, không nhấc điện thoại và có dấu hiệu bùng tiền của một số người trong cộng đồng, trong đó có vợ của ông phó chủ tịch, thì hội NVNtBL đã dán giấy, có kèm ảnh truy nã khắp nơi. Tại cửa ra vào trong các trung tâm thương mại, nơi đông người Việt làm việc, đều có thể đọc được “lệnh truy nã” này.


Ở một nước dân chủ, không ai có quyền đăng ảnh truy nã người khác, trừ cơ quan an ninh sau khi có sự đồng ý của tòa án. Ngay cả những tội phạm ra tòa vẫn được bảo vệ danh tính và hình ảnh. Việc làm này của hội đã vi phạm nghiêm trọng quyền con người.


Những người Việt bị bắt thường được phía Ba Lan giữ kín danh tính và che mặt. Bị cáo trong vụ án cần sa. Ảnh Express

Mặt khác, xét trên góc độ pháp luật, một người chỉ bị coi là phạm tội khi tòa đã tuyên án và đương sự không kháng cáo, hoặc bản án cuối cùng sau khi đã phúc thẩm.

Nhưng, “hội ông Hùng” đã làm luôn cả việc truy nã của công an, lẫn việc kết tội của tòa án. Trong công văn gửi cho thiếu tướng công an Phan Văn Vĩnh về trường hợp của bà Sâm, thay vì chữ “nghi phạm”, ông Hùng viết “thủ phạm là Trần Thị Minh Sâm”, bên dưới còn thêm “kẻ phạm pháp”.

Sống ở một xứ sở tự do, am hiểu luật pháp của nước sở tại, nhưng chủ tịch hội đã hành xử tùy tiện không khác gì một kẻ ngồi xổm lên pháp luật. Vẫn biết, hội có thiện ý giúp một số người đòi nợ, nhưng không thể vì thế mà tạo ra những tiền lệ xấu.


Sẽ có những người biện minh rằng, “hội ông Hùng” đã có những đóng góp tích cực cho cộng đồng trong nhiều năm qua. Bài viết này không có ý định phủ nhận những cống hiến đó, mà muốn lưu ý rằng, một hội được lập ra bởi 15 người và chưa bao giờ có bất kỳ sự bầu bán dân chủ nào trong cộng đồng, chưa có người dân nào thực sự bỏ phiếu, thì về nguyên tắc, hội không thể đại diện cho cả cộng đồng.

Mặt khác, trong một xã hội dân chủ, mọi hội đoàn đều bình đẳng, “hội ông Hùng” không có quyền tuyên truyền chống lại hội khác, cản trở hoạt động hay cô lập hội khác. Nói cách khác, nếu hội ông yêu chó thì cứ việc yêu, nhưng không được ngáng chân hội yêu mèo.

Đón đọc phần tiếp: Lời giải nào cho bài toán vi hiến?

© Đàn Chim Việt






No comments:

Post a Comment

View My Stats